Ý nghĩa việc thiên đô của Lý Thái Tổ trong lịch sử Việt Nam

Nguyễn Huy Tưởng

(Tạp chí Tri Tân số 23 ngày 14/11/1941)

Việc Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đặt tên kinh đô là Thăng Long ngụ ý rằng rồng Việt phải nép mình hơn một nghìn năm dằng dặc nay lại hiện lên với một sức khỏe phi thường và một sức sống dồi dào sau khi được mài giũa trong đau khổ.

*

Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Vua Lý Thái Tổ nghĩ ngay đến việc thiên đô. Ngài thấy đất Hoa Lư chật hẹp, không có bề thế, không thể lấy làm thủ đô cho một dân tộc mới phát nhưng đã mang một sức mạnh nên tràn lan, năm Thuận Thiên nguyên niên (1010), vài tháng sau khi lên ngôi cửu ngũ, Ngài xuống thủ chiếu dời đô. Tờ thủ chiếu ấy dịch ra như sau này: “Xưa nhà Thương đến Vua Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Vua Thành Vương ba lần dời đô, há có phải là các vua đời Tam đại theo ý riêng của mình, tự tiện dời đổi đâu, chỉ là tính việc to lớn, tìm chỗ giữa trong nước để đóng đô, tính cuộc muôn đời cho con cháu, trên ghin mạnh trời, dưới theo lòng dân, hễ có tiện lợi thì thiên đô, cho nên ngôi nước được lâu dài. Thế mà đời Đinh, Lê, theo ý riêng, quên mạnh trời, không noi theo nhà Thương, nhà Chu, cứ cầu an ở đây (tức Hoa Lư) đến nỗi ngôi truyền không bền, số toán ngắn ngủi, trăm họ hao tổn, muôn vật bất nghi, ta rất lấy làm buồn, không dời đi chỗ khác, thì không được. Phương chi thành Đại La là cố đô của Cao Vương, ở vào giữa khu vực của trời đất, có thế hổ cứ long bàn, chính ngôi đông tây nam bắc, tiện thế hướng bội của núi sông, đất rộng và phẳng, cao và sáng sủa, dân cư không lo ẩm thấp, muôn vật đều được giàu nhiều khắp xem trong cõi nước ta, thì ở đấy là hơn cả, thực là chỗ yêu hội bức tấu của bốn phương, nơi thương đô của đế vương muôn đời, ta nay muốn nhân cái địa lợi ấy để định chỗ ở vậy”[1](Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, trang 77).

Tượng đài Vua Lý Thái Tổ bên Hồ Gươm. Ảnh: Konshoe/TripAdvisor

Hoa Lư chỉ sống có một quãng đời ngắn ngủi. Tuy vậy, nó đã là đô kỳ của hai họ, một họ đã gây được sự thống nhất cho giống nòi; một họ đã ngăn được một cuộc Bắc xâm và chế ngự được Chiêm thành. Đấy cũng là nơi phát sinh ra đế nghiệp của người Việt Nam. Nhưng xét cho kỹ, nó chỉ có tính cách một nơi tụ tập của bộ lạc, không phải là kinh thành của một dân tộc văn minh. Hơn nữa, nó còn để lại trong ký ức người ta cái ám ảnh của một cơn ác mộng, dưới triều một vị chúa dâm dục và bạo tàn. Vì thế, vị đại đế mà triều đình đã tôn lên để ngự trị cõi Lạc Hồng, vị chân chủ mà dân Việt thẩy đều ca tụng lòng nhân và trí anh minh, mới quả quyết bỏ vết xe cũ, mà bước sang một con đường rộng rãi, mới mẻ, và chắc chắn là rực rỡ cho tiền đồ tổ quốc. Dân gian – trừ những người ở quanh vùng Hoa Lư ra không kể – đều hoan nghênh việc làm của Vua thánh. Phải chăng họ đã cảm thấy trước cái oai hùng của kinh đô môn thuở sau này?

Vậy tháng 7 năm Thuận Thiên nguyên niên, Vua sáng nghiệp ra triều đại lâu dài thứ nhất của lịch sử Việt Nam, cùng quần thần rời bỏ đất Hoa Lư mà tiến về phía thành Đại La. Trách nhiệm của nhà Vua rất lớn lao: sự thiên đô không những có quan hệ cho họ Lý, lại còn quan hệ đến sự tồn vong của đất nước. Ngài là bậc chúa tể của muôn dân, tất phải nhận thấy trách nhiệm của mình với tương lai và vận mệnh dân tộc, nhưng trí cao cả đã khiến cho Ngài không nhầm trong ý định và sự lựa chọn của mình. Trong tờ thủ chiếu, Ngài đã nói rõ về những cớ phải thiên đô, lấy dân làm gốc và vạch rõ cái vị trí quan trọng của kinh thành mới đối với vị trí non sông.

Ta không cần phải bàn nhiều về tờ thủ chiếu ấy. Chỉ cần biết qua rằng thành Đại La là cố chỉ của nền đô hộ. Thành ấy đắp từ đời Lý Nguyên Gia nhà Đường, đến đời Cao Biền thì nơi đó nghiễm nhiên thành một thủ phủ sầm uất và kiên cố của thời nội thuộc. Người Tàu đóng ở đó mà thống trị được người Việt và uy hiếp được hết những dân tộc phương Nam. Cho nên không những vì tính cách địa dư, vì tính cách binh bị của nó, nhưng còn vì kinh nghiệm lịch sử mà vua Lý Thái Tổ chọn nó làm đất đế đô cho non sông Hoàng Việt.

Ta hãy thử tưởng tượng quang cảnh khi Vua và triều đình ra thành Đại La: Thời đô hộ dã man, khủng khiếp vẫn còn ghi bằng nét tươi trong óc người Giao Chỉ, nhưng mối lo sống những ngày thảm khốc và nỗi khổ kéo một cuộc đời mà tương lai mờ mịt như buổi hỗn mang, khi ấy không còn đè nén ông cha ta nữa. Dân gian không len lét và trốn nấp trong xó nhà như mỗi khi các quan đô hộ trẩy đi, kinh khủng như một cơn gió bão, trái lại, họ thấy lòng bồng bột, sung sướng, nhẹ nhõm, như khi ta tỉnh cơn ác mộng, thấy một buổi bình minh tráng lệ, với muôn hoa tươi thắm và chim hót tưng bừng. Mà quả thực họ đứng trước một buổi bình minh lịch sử, vì đó là một ngày mở đầu một triều đại vẻ vang, ngày rực rỡ mà ánh sáng còn chiếu mãi về muôn đời. Đoàn thuyền ngự vùn vụt chèo trên làn nước đục, tán vàng lẫn giá rợp trời và cờ ngũ sắc bay phấp phới trước gió đầu thu. Chiêng trống vang lừng, loa bắc trên một lầu truyền loan báo cho tứ phương biết rằng thiên tử trẩy qua, gieo giắc mầm thịnh trị. Hai bên bờ sông, hương án bày san sát và chỉnh tề, sơn son thếp vàng chói lọi, các bô lão đứng nghiêm trang để đón chào vị chân mạng đế vương, với tất cả tấm lòng khát khao của kẻ thần dân mộ đức. Ngày long trọng đó là ngày hội của màu sắc và thanh âm, của lòng vui và của lòng hi vọng.

Chùa Láng (làng Láng, Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội), một ngôi chùa tương truyền được xây dựng từ thời Vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 đến 1175), thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Ảnh: Trần Khôi

Sử chép rằng, khi đoàn thuyền ngự tới Đại La, đêm đầu tiên đức Thái Tổ còn ngự ngoài thuyền, để các quan vào thành thu xếp trước. Cũng đêm hôm ấy, sông Cái bỗng nổi cơn mưa gió, sấm sét đùng đùng. Vị chúa tể của muôn dân đóng ở đâu thì dường như trời đất cũng phải chuyển vần… Tục truyền rằng đó là giang thần đến nghênh giá Đức vua nhường trông rõ trên trời đen tối, thỉnh thoảng lại nhoáng nhoáng ánh chớp, một con rồng vĩ đại bay rỡn, thế rất mạnh mẽ, nhưng lại có cái dáng quy phục và chào mừng Đức vua cho đấy là một điềm tốt. Ngài mỉm cười, truyền miễn triều cho Thần Sông: Một lúc sau, sóng gió ngớt tạnh. Hôm sau, xa giá vào thành. Ngài xuống chiếu báo tin rồng hiện cho nhân dân, và đổi tên thành Đại La – cái tên đó chẳng còn là dấu vết của thời đô hộ sao? – là thành Thăng Long, thành của điềm mừng cho dân tộc, thành của hi vọng và của vinh quang. Tên ấy còn ngụ ý rằng rồng Việt phải nép mình hơn một nghìn năm dằng dặc nay lại hiện lên, mài giũa trong đau khổ, nhưng đã luyện được một sức khỏe phi thường và một sức sống dồi dào.

Đấy là nói sơ qua về hình thức sự thiên đô của Vua Thái Tổ nhà Lý. Về tinh thần, và đứng về phương diện lịch sử, thì việc thiên đô về Thăng Long có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng cho vận mệnh nước ta.

Sau khi vị cứu quốc Ngô Quyền phá quân Nam Hán, giết Hoằng Thao, xô đổ đài đô hộ, vén màn ánh sáng cho dân tộc, ông cha ta mới được tự chủ, còn đang bâng khuâng như tỉnh cơn như say, tựa hồ con bướm mới thoát ra tổ kén, mắt còn bị chói lòa bởi ánh sáng bên ngoài. Vì thế, trong buổi mới, ông cha ta còn lúng túng, còn ngơ ngác, còn đắn đo. Hơn nữa, còn nơm nớp sợ cái ách người Tàu mà mình phải khó nhọc mới được thoát. Cho nên nhà Ngô thì đóng ở Loa thành, kinh đô của một ông vua mất nước; nhà Đinh và nhà Tiền Lê thì đóng ở Hoa Lư, lẩn lút trong những miền rừng rú. Biết đấy là đất nghèo, địa thế không tiện lợi, nhưng vẫn phải ở, để lánh cái uy của Trung Quốc. Trong thời kỳ lịch sử ấy, đối với người Tàu, ta chỉ là một giống mọi rợ, ẩn nấp xó rừng; mà đối với mình, ta tự lượng còn yếu ớt quá, nên phải trốn tránh người Bắc, chưa dám ra mặt “các đế nhất phương” như một vị vĩ nhân sau này đã nói với tất cả lòng tự phụ trong một bài văn hùng tráng.

Nhưng dần dần cái vẻ kinh hoàng của buổi mới mất đi. Xét lại sức mình, ta thấy có thể đường đường đối thủ được với người Tàu, và có thể vẫy vùng để khuếch trương thế lực của mình về phương Nam. Tựa một con chim bằng hăng hái và trẻ mạnh, sức có thể bay xa vạn lý, ta không chịu giam mình trong một xó, nên quả quyết bỏ cái tổ bé nhỏ và bất tiện, mà tìm đậu ở một nơi rộng rãi thông thênh, để tiện lối tung hoành.

Ông cha ta đã chọn được một nơi đích đáng để làm kinh thành. Từ khi các đế vương ta đóng đô ở thành “Rồng hiện”, trong khoảng bảy trăm năm, lịch sử đã hiến cho ta không biết bao nhiêu trang oanh liệt vẻ vang. Phía trên, ta làm tỏa triết cái oai phong của người Tàu, nhiều lúc vũ công hiển hách của ta làm rung chuyển cả khối Trung Hoa. Phía dưới, ta lại chế ngự được giống Chiêm Thành và thống trị được hết cả những dân tộc ở phương Nam.

Thành Thăng Long, với cái tên tuyệt đẹp, là kinh đô chỉ đem lại hạnh phúc cho người Việt Nam, nó không phụ giống nòi ta. Cũng có nhiều phen nó phải qua những thời kỳ nguy biến, tối đen, nhưng nó có thể tự hào rằng nó như một trang trung thần, một bậc nghĩa sĩ. Cho nên khi Thăng Long thành đất đế đô tức là lúc dân ta bắt đầu phú cường, và khi ta bỏ nó, cũng tức là ngày ta bắt đầu qua một thời kỳ suy nhược.■

Chú thích:

[1] Nguyên văn chữ Hán có chép trong Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương và Hoàng Việt văn tuyển v.v…

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN