Thuyền Mỹ cập bến Việt Nam năm 1819[1]

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam từ ngày 10-11/9/2023, trong đó quan hệ Việt – Mỹ chính thức nâng cấp thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, là sự tiếp nối lịch sử tiếp xúc ngoại giao, thương mại Việt – Mỹ trong suốt hơn 200 năm qua. Nhân sự kiện trọng đại này, Tạp chí Phương Đông giới thiệu với bạn đọc bài viết của tác giả Thái Văn Kiểm, đăng trên Tạp chí Bách Khoa số 33 ra ngày 15/5/1958, tóm tắt du ký của Trung úy Hải quân John White, một trong những người Mỹ đầu tiên đặt chân tới Việt Nam.

Theo các tài liệu ghi trong sử sách của ta, từ thế kỷ thứ 17 đã có nhiều người ngoại quốc qua lại Việt Nam buôn bán. Tại Hội An (Faifoo) thuộc Quảng Nam, người Bồ Đào Nha đã tới trước tiên mở hàng buôn bán; tiếp theo là người Hà Lan đến Phố Hiến (1637).

Với người Hoa Kỳ, cuộc tiếp xúc chính thức đầu tiên đã có từ năm 1832 dưới triều Minh Mạng. Khi Tổng thống Jackson còn chèo lái con thuyền Hợp Chủng Quốc, một phái đoàn thương mại gồm có Edmund Roberts và Georges Thompson tới Việt Nam. Tuy nhiên theo một sử liệu, người Mỹ đầu tiên tới nước ta[2] không phải là Edmund Roberts mà là John White, năm 1819 đã đến tận Sài Gòn tìm thị trường thương mại.

John White sinh năm 1782 ở Marblehead thuộc tiểu bang Massachusetts và mất tại Boston vào năm 1840. Ông có viết một cuốn sách về hành trình của ông nhan đề là “Hành trình qua Nam Việt” (Voyage en Cochinchine) nhưng kỳ xuất bản ở Boston vào năm 1823 lại mang một tên khác là “Câu chuyện về cuộc hành trình trong Nam Hải” (Histoire d’un voyage dans la mer de Chine). Cuốn sách này gồm có 21 chương nói đầy đủ về hành trình của ông, nhưng từ chương 4, 5 trở đi, tác giả cuốn sách mới đề cập rõ ràng các cuộc tiếp xúc với dân Việt, quan lại ở nước ta cùng phong tục thời bấy giờ.

Nhận xét kỹ, cuốn sách này viết không có chi là đáng kể về phương diện văn chương, vì chỉ kể những điều mắt thấy tai nghe, một cách rất tỉ mỉ, mặc dầu có nhiều chỗ không được đúng lắm.

Dù sao qua các trang sách, ta hiểu thêm được cố đô Sài Gòn. Ngay cả đến sự tiếp tân, phong tục và y phục thường dân, thể thức thuế vụ, giá biểu hàng hóa, đời sống nhân dân là những điểm tác giả tỏ ra đặc biệt lưu ý. Để tìm hiểu một sử liệu quý giá, dưới đây là những điều viết trong cuốn “Hành trình qua Nam Việt”.

Lần lượt qua từng chương, John White cho biết ông từ giã đất Hoa Kỳ vào thứ Bảy 2/1/1819 và đã đặt chân lên nhiều nơi như Batavia, Banka, Muntok, Sumatra, đảo Poulo Obi và Côn Sơn (Poulo Condore).

Bản đồ Côn Đảo xưa lưu tại Thư viện Quốc gia Pháp. Nguồn: gallica.bnf.fr

Nói về đảo Côn Sơn, ông cho biết đó là một nơi thật nghèo nàn, đầy rắn rết và nước độc. Dân cư ở chỉ lèo tèo có vài chiếc nhà lá lụp sụp. Từ Côn Sơn, tác giả tới Vũng Tàu (Cap Saint Jacques), một vịnh hình bán nguyệt nên thơ, làng mạc nằm dưới chân núi.

Ngày hôm sau, tàu của ông đậu gần bờ và bắt đầu liên lạc với dân cư. Vị quan cai trị ở đó dùng tiếng Bồ Đào Nha bảo thuyền trưởng nộp một bản danh sách nhân viên trên thuyền cùng võ khí mang theo và số hàng hóa chở. Một lát sau, một chiến thuyền Việt, cờ xí cắm đầy, tiến tới tàu của J. White và cho hay phải đợi phép của vị Tổng trấn miền Nam mới được ngược dòng sông Đồng Nai. Nói về cử chỉ của các quan ta thời đó, ông cho biết là toàn thể rất nghiêm chỉnh, móng tay để dài và vận triều phục. Quà biếu của White dành cho vị chỉ huy chiếc chiến thuyền Việt là một chiếc sơ mi, một khăn tay, một đôi giày.

Theo sự chỉ dẫn của vị quan triều đình, John White viếng làng Cần Giờ và nhận thấy nơi này thiếu vệ sinh, dân cư sống nghèo nàn. Sau khi dùng cơm với vị chỉ huy chiến thuyền Việt, John White mời vị này xuống tàu của ông coi những hàng hóa lạ như ống nhòm, súng đạn, vải diều, rượu, giày dép.

Trong khi lên boong tàu hướng dẫn thượng khách, John White được dịp nhận xét cách thức chèo thuyền của người Việt vì trong chương 5 có viết như sau:

“Tôi khâm phục cách thức điều khiển các thuyền rất khéo léo của người Việt. Mái chèo của họ (người Việt) dài và dẻo, theo tôi cân đối hơn mái chèo của chúng ta. Họ chèo thật nhịp nhàng theo điệu hò có tiết tấu mà sau đó, tôi mới hiểu được nghĩa”.

Tàu bắn đại bác và các loại thuyền của nhà Nguyễn. Tranh vẽ của Đại úy hải quân Pháp M. H. Amirault trên tuần báo “L’illustration, Journal Universel” năm 1864

Sau một thời gian chờ đợi khá lâu, John White được rõ là nhà Vua hiện đang ở Huế và các vị quan triều đình không thể cho phép ông ngược dòng sông Đồng Nai và Sài Gòn. Vì lý do này, ông phải rời Cần Giờ ra Đà Nẵng vào đúng ngày 13/6/1819. Ngày 17/6/1819, John White cho tàu bỏ neo tại Cù lao Chàm và sau đó tàu tới Faifoo[3] với cảnh lạ của thị trấn cùng dãy Ngũ Hành Sơn. Tới vịnh Tourane[4], sau khi bắn 5 phát thần công, John White được 3 vị thượng quan đến kiểm soát thương thuyền. Sự tiếp xúc bằng lối bút đàm và theo như White đã ghi trong sách, vị quan đã dùng la tinh với khách lạ và cũng nhờ có sẵn một căn bản bằng ngôn ngữ này, White mới hiểu biết qua về lịch sử Việt Nam thời đó. Tả cảnh vịnh, người khách thương từ Hợp Chủng Quốc tới có cho hay nơi này là một hải cảng thiên nhiên đẹp nhất hoàn cầu, tàu bè đậu không sợ gió lớn. Trông coi địa điểm có hai đồn lũy khá kiên cố xây dựng với sự tham gia của kỹ sư Âu.

Qua chương 7-8-9-10, John White cho biết vì lý do riêng phải qua Phi Luật Tân[5] và hồi đó còn một chiếc tàu Hoa Kỳ nữa tên là Marmion từ Boston tới Việt Nam do Olivier Blanchard chỉ huy, nhưng vì không mang theo tiền Bồ Đào Nha nên chẳng buôn bán gì được với Việt Nam.

Ngày 6/9 năm đó, cả hai chiếc thương thuyền Franklin (do White chỉ huy) và Marmion trở lại Việt Nam sau khi gặp nhau ở Phi Luật Tân.

Ngày 25/9, John White cho tàu đậu ở Vũng Tàu và trong khi chờ đợi giấy phép, đã vào rừng Sát săn bắn. Ông nói rõ đó là một khoảng đất bùn đen thật rộng, cây cối mọc thật thưa thớt như những cành san hô khổng lồ.

Chầu chực một thời gian ngắn, ông được phép lên Sài Gòn. Nhà đương cuộc Việt Nam tiếp đãi ông rất lịch sự, cho thuyền ông ngược Sài Gòn để mua bán đồ vật và đóng thuế vụ tương đối thật nhẹ.

Ở chương 12, John White cho biết khi ngược dòng Đồng Nai có gặp một ủy viên hàng hải khám xét tàu, ghi tên số lượng khí giới, danh sách nhân viên lập tới 13 bản, bắt John White ký 4 bản gởi lên Vua ở Huế, còn các bản còn lại thì gửi cho những sở liên hệ.

Trong hành trình lên Sài Gòn, John White có dịp nhận xét thêm cảnh vật. Đằng xa là dãy núi Baria màu lam nổi lên nền trời với những đám khỉ ở rừng, chim chóc đủ loại, muỗi nhiều và cá sấu cũng lắm. Mãi tới ngày 7/10, John White mới tới Sài Gòn. Tác giả cuốn sách “Hành trình qua Nam Việt” đã viết như sau:

“Nhà cửa nơi đây sạch sẽ hơn Cần Giờ với những thửa vườn trồng trọt cau, dừa. Thỉnh thoảng lại có một vài đàn trâu với cỏ, phía xa một rừng cột buồm.

Sông rộng chừng 500m. Viên thông ngôn chỉ cho tôi cửa vào thành, trên đó có một cột cờ. Phía bên kia bờ, một vài thuyền Thái đang neo. Nhiều chiếc đò con do đàn bà chèo lái lượn qua lượn lại coi thật ngoạn mục. Họ ăn mặc rất thanh nhã làm cho tôi ngạc nhiên. Dọc hai bờ sông, tôi thấy bức tường thành rêu phong cũ kỹ, lau sậy mọc lan tràn”.

Tới nơi đậu, vừa buông neo, các quan đã tới khám xét. Nói tiếng Y Pha Nho[6] rất giỏi, những vị quan triều đình lịch thiệp mời John White lên thăm tỉnh thành. Đoạn ghi dưới đây là lời tác giả:

“Nhà cửa lúc bấy giờ cũng tương tự như nhà cửa thôn quê ta hiện nay vì cất trên sình phải có cầu nhỏ đi lại. Nước uống là nước mưa đựng trong các thạp, đâu đâu cũng có mùi nước mắm phảng phất. Con nít phần đông đều gầy. Bữa ăn của dân chúng gồm có cơm, thịt gà, vịt kho hay xào, cháo và đồ ngọt. Dân chúng ăn bằng đũa và dùng lông nhím để xâu thịt. Họ cùng chấm chung một chén nước mắm. Đồ uống là trà Huế và rượu đế. Nhà giàu thì uống trà Tàu.

Gia súc nuôi là chó, gà, heo thả rông. Đàn bà bàn bạc rất nhiều về khách lạ, thăm dò giá cả hàng hóa”.

Về đến thuyền của mình sau cuộc du ngoạn, tác giả cuốn sách nói trên còn khâm phục cách chèo đò của người Việt, nhận thấy cam cùng bánh nếp nhân dừa của ta ăn rất ngon…

Ngày 9/10, John White đem phẩm vật lên yết kiến ông Quyền Tổng trấn. Tặng vật gồm 4 cây đèn có bóng tròn đục, 4 chai đựng rượu có chạm trổ, nước hoa, đủ thứ rượu và một hộp trầu chạm rất khéo (chương 13-14).

Theo con đường thật rộng phẳng, John White đến cổng thành cùng với Putnam, Bessel – một thủy thủ giỏi tiếng Bồ, Joachim – viên hoa tiêu người Bồ. Hai bên đường là những căn nhà khá giả, bằng gỗ lợp ngói.

Phụ nữ Nam Kỳ. Tranh của Testu và Massin, 1876.

Khi rời cái dốc thoai thoải trồng cây um tùm, John White vượt hào vào thành. Nơi đây là một chiến lũy đồ sộ với tường cao chừng 7 thước vây một khoảng đất rộng 5 cây số, mỗi bề 1200 mét.  Đó là dinh thự của ông Tổng trấn và các võ quan cao cấp. Doanh trại có thể chứa được chừng 5 vạn lính.

Hành cung được xây cất ở giữa một thảm cỏ thật đẹp chừng 800m2 có rào cao. Nơi đây được dùng để giữ ấn kiếm và văn kiện.

Cách đó không xa là dinh Quyền Tổng trấn, một căn nhà vuông vắn với một sân rộng có bình phong che. Giữa nhà kê một sập gụ. Vị Tổng trấn là một người có tuổi, dáng điệu thận trọng, cử chỉ ngôn ngữ rất lịch sự. Sau nghi lễ giới thiệu, vị quan này mời John White cùng các bạn của ông ta ngồi và tỏ vẻ hài lòng khi nhìn những tặng vật mà vị khách thương đã từ xa mang tới. Câu chuyện bắt đầu bằng sự hỏi thăm sức khỏe khách lạ, một vài điều sơ lược về địa dư Hoa Kỳ, mục đích của phái đoàn và cuối cùng vị quan triều đình hứa sẽ dành nhiều sự dễ dàng cho John White. Sau cuộc yết kiến, vị Tổng trấn mời John White dạo thăm tỉnh thành.

Gần cửa Nam của cổ thành là một kho chứa chừng 250 đại bác đủ cỡ, đúc bằng đồng do người Tây phương phụ trách. Các cỗ pháo đều được đặt lên giá cỗ và trong đống võ khí này, John White nhận thấy có nhiều cỗ súng đúc từ đời vua Louis XIV. Cửa thành bốn mặt đều làm bằng gỗ thật dày và đóng thêm thanh sắt cho chắc chắn theo lối Tây phương. Mỗi cửa lại có một vọng gác.

Phía cửa Tây là nghĩa địa các quan theo kiểu Tàu. Bia đá dựng làm mộ chí có khắc chạm một cách thô sơ. Về phía Đông Bắc có 6 căn nhà 50m x 24m, lợp ngói tráng men. Đó là kho khí giới, lương thực và quân nhu. Lính tráng ở trong những căn nhà lá lụp xụp với gia đình riêng.

Cách nơi này không xa, một đoàn chiến tượng (voi chiến) đang ăn cỏ. John White lại còn chú ý đến cả giá thực phẩm nữa là ghi đủ giá thịt, cá, khoai, trái cây, v.v. Chương 15 trong cuốn sách của John White được coi là quan hệ hơn cả. Đó là phần nói thật kỹ về Sài Gòn. Dưới đây là những hàng trích dịch của chương này:

“Dân số Sài Gòn có chừng 18 vạn với 1 vạn Hoa Kiều trú ngụ. Đường sá thẳng như bàn cờ và phần đông rất rộng. Phía Tây thành phố có hai ngôi chùa Tàu và các kiến trúc tôn giáo người Việt cũng khá nhiều. Giữa thành phố, một nhà thờ Thiên chúa giáo xây dựng dưới quyền cai quản của một cha truyền giáo người Ý cùng mấy chục thầy dòng và tín đồ. Theo như tôi được biết, có chừng 16.000 dân theo đạo này. Chính giữa thành, gần bờ sông là một dãy phố rất đẹp. Nơi này dùng làm kho lương chứa lúa của nhà vua mà hồi đó sự xuất cảng bị cấm ngặt. Mỗi chiếc tàu chỉ được mang đủ khẩu phần cần thiết cho thủy thủ căn cứ vào thời gian lâu hay chóng của cuộc hành trình. Về phía Bắc của thành là một nghĩa địa rộng lớn có nhiều mồ mả. Chung quanh nơi này trồng nhiều cây dại.

Bên bờ kinh Thị Nghè là một thủy binh xưởng.

Nước Việt phải hãnh diện đã thiết lập được một cơ sở như vậy không kém gì các cường quốc trên thế giới.

Chừng 150 chiến thuyền được cất trong xưởng, dài từ 20 đến 40m. Võ khí các chiến thuyền gồm có 16 khẩu thần công bắn đạn nặng 3kg. Có nhiều chiếc trang trí rất đẹp chạm trổ khéo léo, sơn son thếp vàng coi rất ngoạn mục.

Người Việt Nam chắc phải là những người khéo về ngành thiết trí hàng hải.

Sài Gòn xưa chỉ gồm ở khoảng đất phía Tây của thành phố hiện tại. Người ta quen gọi là Sài Gòn cũ. Nhiều di tích cổ với nền kiến trúc đặc biệt còn tồn tại. Vòng thành và xưởng đóng tàu của hải quân, một vài trại lính pháo thủ được xây cất trên khoảng đất ở về phía Đông.

Khi tới nơi, vị Tổng trấn vừa khánh thành xong 3 con kênh Vĩnh Tế, Bảo Định và An Thông. Tính ra công tác mất một tháng rưỡi xuyên qua đầm và sình lầy. Sâu chừng 6m rộng 30m, 26.000 dân phu đã thay phiên nhau đào kênh suốt ngày đêm và 7 ngàn người đã thiệt mạng vì bệnh hoạn và kiệt sức.

Thành Sài Gòn chiếm một vị trí quân sự thuận lợi, có một đạo binh tinh nhuệ tổ chức theo lối Âu Tây. Vòng thành là hào sâu và trong các thông xóm, qua lại phải dùng những chiếc cầu khỉ”.

Cuối chương, John White nói về những thứ đồ mà Việt Nam sản xuất, khí hậu và thú vật. Về tiền tệ, vị khách thương cũng có đề cập rõ ràng. Ta hãy đọc những hàng sau đây nói về tiền tệ:

“Bản vị tiền tệ của Việt Nam là tiền đồng. Tiền là một miếng đồng bạch kẽm hay thau hình tròn với một lỗ vuông chính ở giữa. Cứ 60 đồng là 1 tiền, 600 đồng là 1 quan. Họ không có ngân hàng nên có tật chôn giấu tiền xuống đất nên tiền mau hư hỏng. Hơn nữa, thứ tiền này rất nặng khó chuyên chở. Họ còn dùng bạc và vàng nén và tính theo thời giá, một nén bạc giá từ 27 đến 32 quan. Trên nén bạc có ghi niên hiệu của Triều Vua. Giá vàng gấp đôi giá bạc”.

Nói về chính trị, ông còn viết:

“Xứ Đồng Nai đặt dưới quyền cai trị của một vị Tổng trấn trông nom việc tài phán. Cứ mỗi ngành hành chính, quân sự, hay kinh tế lại có một ông quan coi sóc. Mỗi khu phố đứng đầu có ông Trưởng phố chọn trong số những người đứng đắn nhất. Trưởng phố có quyền tài phán và chịu trách nhiệm trật tự an ninh của khu phố về phương diện pháp luật”.

Chương cuối cùng trong sách của John White còn nói đến sự vận tải ở Sài Gòn thời bấy giờ như võng cáng, voi ngựa… Trước khi kết thúc cuốn sách về “Hành trình qua Nam Việt”, tác giả không quên tả một cuộc biểu diễn hải quân:

“Một sáng tinh sương, đoàn chiến thuyền chừng 50 chiếc biểu diễn trên sông Thị Nghè. Đi đầu là thuyền của vị Tổng trấn dài chừng 20m với 18 mái chèo. Mái và hông thuyền trang trí rất đẹp màu vàng son chói lọi. Sau thuyền ông Tổng trấn là một đoàn thuyền cũng chạm trổ sơn son thếp vàng, cờ xí, khí giới rất ngoạn mục. Thật là cuộc thao diễn rầm rộ và vĩ đại”.

Ngày 30/1/1820, John White từ giã Sài Gòn với những kỷ niệm tốt đẹp sau 20 tháng xa quê hương. Qua tác phẩm của ông, ta được biết ngoài những nét đặc biệt của Sài Gòn hồi thế kỷ thứ 19, tâm trạng của người Mỹ đầu tiên đã đến nước Việt Nam[7].■

Thái Văn Kiểm

Chú thích:

[1] Tựa gốc: Người Mỹ đầu tiên tới Việt Nam. Ban Biên tập đặt tiêu đề mới bởi các nghiên cứu về sau cho thấy thuyền trưởng Jeremiah Briggs mới là người Mỹ đầu tiên tới Việt Nam.

[2] Xem chú thích trước.

[3] Hội An

[4] Đà Nẵng

[5] Philippines

[6] Tây Ban Nha

[7] Xem chú thích đầu tiên.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN