Hoạt động gián điệp Nga hồi sinh

Cuối tháng 12/2023, Tạp chí Đối ngoại (Foreign Affairs) trực tuyến đã đăng bài báo về “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine đã “thay đổi cuộc chơi như thế nào với các điệp viên của Điện Kremlinvà các đối thủ phương Tây”. Để bạn đọc có thể hiểu thêm về hoạt động của các cơ quan tình báo Nga trong những năm qua, Tạp chí Phương Đông xin trích dịch bài báo trên. Một số từ sử dụng đã được thay đổi để phù hợp với ngôn từ báo chí Việt Nam.

Tháng 4/2023, một công dân Nga nổi tiếng bị nghi ngờ có quan hệ với tình báo Nga đã tẩu thoát khỏi vòng tay của nhà chức trách I-ta-lia. Artem Uss, doanh nhân người Nga và là con trai của một cựu Thống đốc Nga, đã bị giữ tại Milan vài tháng trước đó, bị cáo buộc buôn lậu công nghệ quân sự nhạy cảm của Mỹ sang Nga. Theo cáo trạng do tòa án liên bang ở Brooklyn, New York đưa ra tháng 10/2022, Uss đã buôn bán trái phép chất bán dẫn cần thiết để sản xuất tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí khác và một số đã được sử dụng trong cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng trong khi chờ dẫn độ sang Mỹ, Uss được một băng nhóm tội phạm người Serbia giúp đưa ra khỏi I-ta-lia về Nga.

Vụ tẩu thoát, được báo Nhật báo phố Wall đưa tin vào mùa xuân năm ngoái, chỉ là một trong các vụ việc xảy ra gần đây cho thấy lực lượng tình báo Nga đã tập hợp lại kể từ khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine. Quay trở lại mùa xuân năm 2022, những tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt”, các cơ quan tình báo Nga có vẻ như mất phương hướng và không biết phải làm gì. Các nước châu Âu đã lần lượt trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Theo một ước tính của Anh, khoảng 600 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất khỏi châu Âu, trong đó có lẽ 400 người bị coi là gián điệp. FSB, cơ quan an ninh nội bộ của Nga, cũng đã đánh giá sai về sức kháng cự mà lực lượng Nga sẽ gặp phải ở Ukraine, khi cho rằng Nga có thể nhanh chóng chiếm được Kiev.

Giờ đây, mạng lưới tình báo nước ngoài của Nga có vẻ như đang mạnh lên. Và mạng lưới này còn mang tính sáng tạo, dựa ngày càng nhiều vào các công dân nước ngoài. Ngày nay, các hoạt động tình báo của Nga thu hút nhiều công dân nước ngoài, và điều đó không chỉ bao gồm việc do thám phương Tây và theo dõi các chuyến hàng vũ khí đến Ukraine mà còn gây áp lực ngày càng tăng đối với người Nga lưu vong và những người Nga phản đối chế độ Putin đã trốn ra nước ngoài kể từ khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” bắt đầu. Bằng chứng về hoạt động như vậy đang xuất hiện ở khắp mọi nơi từ Gru-dia và Serbia đến các nước NATO như Bun-ga-ri và Ba Lan. Ví dụ, đầu năm 2023, các quan chức Anh đã bắt giữ năm người Bun-ga-ri, cáo buộc họ làm gián điệp cho Nga, trong đó có việc theo dõi người Nga sống lưu vong ở London.

Đồng thời, các cơ quan tình báo Nga dường như cũng đã đổi hướng hoạt động. Trước cuộc chiến, có phân công lao động giữa ba cơ quan tình báo chính – SVR (tình báo nước ngoài), GRU (tình báo quân sự) và FSB (an ninh nội địa). Trước đây, người ta thường hiểu rằng SVR chủ yếu tập trung vào hoạt động gián điệp chính trị và công nghiệp còn GRU tập trung vào các vấn đề quân sự, trong khi FSB chủ yếu tập trung vào chính nước Nga, sử dụng các trạm nước ngoài của mình chủ yếu để tiến hành các hoạt động chống lại người Nga ở nước ngoài và giữ quan hệ thân thiện với chính phủ láng giềng. Giờ đây, những khác biệt này không còn rõ ràng nữa: cả ba cơ quan đều đang tham gia sâu vào cuộc chiến ở Ukraine, và cả ba đều đang tích cực tuyển dụng nhân viên mới trong số những người Nga sống lưu vong ở nước ngoài.

Giờ đây, mạng lưới tình báo nước ngoài của Nga có vẻ đang mạnh lên sau khoảng thời gian “mất phương hướng” ngay sau khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine bắt đầu. Ảnh minh họa

Bộ máy gián điệp của Moscow hoạt động tích cực trở lại có ý nghĩa quan trọng đối với phương Tây trong việc chống lại hành động can thiệp và các hoạt động tình báo của Nga. Nếu những dấu hiệu gần đây là đúng, các hoạt động tình báo của Nga ở châu Âu và những nơi khác có thể là mối đe dọa lớn hơn nhiều so với ý niệm của chúng ta trong giai đoạn đầu của cuộc chiến. Đồng thời, những thay đổi này cung cấp cái nhìn sâu sắc về chế độ thời chiến của Putin và những cố gắng xây dựng lại các cơ quan tình báo của Nga theo các mô hình từ những thập kỷ Xô Viết. Putin không chỉ đang cố bù đắp cho thất bại của KGB Liên Xô trong cuộc đối đầu với phương Tây vào cuối thế kỷ XX. Ông cũng đang cố khôi phục lại vinh quang cho cơ quan mật vụ đáng sợ của Stalin, cơ quan đã đạt được thành công đáng kể trước phương Tây trong nhiều thập kỷ từ Cách mạng Bolshevik đến Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

CUỘC CHIẾN TRĂM NĂM

Trước khi Nga bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine vào năm 2022, các cơ quan tình báo Nga có vẻ như hoạt động kém cỏi. Từ lâu, các cơ quan này đã phải chịu những cuộc đấu đá nội bộ và tranh giành ảnh hưởng, cũng như rạn nứt lòng tin giữa các tướng lĩnh và cấp dưới, dẫn đến sự chậm trễ và thất bại đáng kể trong việc đưa thông tin từ cấp thấp lên cấp cao nhất. Các hoạt động tình báo của Nga ngày càng được biết đến chủ yếu vì cẩu thả, như trong vụ đầu độc bất thành cựu sĩ quan quân đội Nga Sergei Skripal tại Vương quốc Anh vào năm 2018 và thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny vào năm 2020. Tóm lại, các cơ quan tình báo Nga dường như đã mất đi phần lớn ánh hào quang trước đây, vấn đề trở nên lớn hơn với sai lầm đáng xấu hổ là họ đã hiểu sai Ukraine khi tính toán kế hoạch cho “chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Nhưng cuộc chiến ở Ukraine nay đã bước sang năm thứ hai, các cơ quan tình báo Nga đã tập hợp lại và tìm ra mục đích mới. Thay vì đắm chìm trong những sai lầm của mình và đặt câu hỏi tại sao họ lại thất bại hoàn toàn, không lường trước được sức kháng cự của Ukraine trong giai đoạn đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt”, các cơ quan này đã tiếp tục phát triển mạnh, được tiếp thêm sức mạnh bởi họ đang thực sự phải đương đầu với toàn bộ phương Tây. Họ không chỉ tăng cường hoạt động ở châu Âu và các nước lân cận; FSB cũng đã tăng cường nỗ lực chống lại lực lượng Ukraine trên đất Nga. Việc Putin không thực hiện bất kỳ thay đổi căn bản nào trong các cơ quan an ninh bất chấp thảm họa năm 2022 được coi là một điều tốt. Kể từ những năm 1990 đầy biến động, đã có quan điểm được chia sẻ rộng rãi cả trong giới lãnh đạo tình báo và các cấp dưới cho rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi cơ bản các cơ quan tình báo sẽ làm suy giảm năng lực của chính các cơ quan này.

Tuy nhiên, đằng sau các hoạt động mới này là một mục tiêu lớn hơn: khôi phục lại cuộc chiến tình báo tổng thể chống lại phương Tây. Đây là cuộc chiến mà các cơ quan tình báo Nga bắt đầu từ những năm đầu của thời kỳ Xô Viết. Theo các quan chức tình báo Nga, cuộc chiến ở Ukraine đã khởi phát đợt thứ ba của một cuộc chiến gián điệp lớn diễn ra từ năm 1917.

Felix Dzerzhinsky  (thứ hai từ trái sang), người đứng đầu hai cơ quan cảnh sát mật đầu tiên của Liên Xô là Cheka và OGPU, cùng các lãnh đạo khác của Cheka khoảng năm 1919. Ảnh: Getty Images

Vòng đầu tiên của cuộc đấu tranh này bắt đầu ngay sau Cách mạng Bolshevik. Các điệp viên Liên Xô thời kỳ đầu chủ yếu đối đầu với các đặc vụ người Anh. Trong cuộc đối đầu lần thứ nhất đó, các đặc vụ của Liên Xô đã tận dụng thành công mọi cơ hội để kích động hoạt động phản kháng chế độ Bolshevik từ nước ngoài. Họ đã làm điều này bằng cách tiến hành một hoạt động giả mạo quy mô lớn và rất thành công với mật danh là Trust.  Họ dụ dỗ người Nga di cư hoạt động chính trị cũng như các điệp viên Anh đến Liên Xô để giúp đỡ một tổ chức chống Bolshevik giả mạo. Bằng cách đó, những nhà hoạt động chống Liên Xô này đã bị định danh và loại trừ. Cuộc xung đột lên đến đỉnh điểm trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi các điệp viên Nga thâm nhập thành công vào cơ quan tình báo Anh và Hoa Kỳ, họ đã truy cập được vào Dự án Manhattan và đánh cắp bí mật về bom nguyên tử. Nhìn chung, các quan chức Liên Xô tin rằng họ đã thắng phương Tây ở vòng đầu tiên này.

Tuy nhiên, vòng thứ hai của cuộc chiến tình báo đã không kết thúc tốt đẹp với Moscow. Trong Chiến tranh Lạnh, KGB đã không cứu được chế độ Xô Viết mà họ thề phải bảo vệ. Sau đó, vào đầu những năm 1990, cơ quan này gần như bị phá nát sau khi bị cắt giảm và chia nhỏ. Sự sụp đổ đã để lại những vết sẹo lâu dài cho Putin, người đã tận mắt chứng kiến điều đó cũng như giới tinh hoa an ninh của Nga.

Giờ đây, với sự khởi đầu của một cuộc xung đột lớn mới với phương Tây, các cơ quan tình báo Nga đang tìm cách đảo ngược những thất bại xảy ra cuối Chiến tranh Lạnh. Và họ cảm nhận được một cơ hội mới, coi cuộc chiến ở Ukraine là loạt đạn mở đầu cho vòng thứ ba của cuộc chiến tình báo. Ý thức về sự tiếp nối với những người tiền nhiệm Liên Xô của họ thậm chí còn được thể hiện rõ ràng ở Nga: vào tháng 9, Sergei Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài của Nga, đã khánh thành một bức tượng mới của người sáng lập lực lượng Cảnh sát mật Liên Xô trong sân trụ sở Moscow của SVR. Và vào tháng 11, FSB đã củng cố thông điệp đó bằng cách kỷ niệm 100 năm thành lập OGPU, lực lượng Cảnh sát mật Liên Xô, đồng thời nhấn mạnh vai trò của OGPU trong việc trấn áp các tổ chức chính trị trong dân di cư.

Nhưng tính liên tục còn được đảm bảo không chỉ bằng hành động tôn vinh những chiến công đầu tiên của Liên Xô. Trong thời gian chuẩn bị cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” và kể từ đó đến nay, Putin đã sử dụng nhiều cựu tướng lĩnh KGB. Nikolai Gribin, người từng giữ chức vụ phó giám đốc các hoạt động thông tin không chính xác tại bộ phận tình báo của KGB ở nước ngoài vào những năm 1980, nay là lãnh đạo một tổ chức tư vấn mới của Nga ra mắt vào năm 2021. Đó là Viện Nghiên cứu Phát triển Truyền thông Quốc gia có sứ mệnh tìm cách phát triển quan điểm ủng hộ Điện Kremlin ở các quốc gia láng giềng, đặc biệt tập trung vào Belarus. Vào những năm 1980, Alexander Mikhailov phục vụ trong Tổng cục Năm của KGB – cơ quan được giao nhiệm vụ truy quét tận gốc hoạt động lật đổ ý thức hệ, bao gồm những người bất đồng chính kiến, nhạc sĩ và lãnh đạo tôn giáo – và điều hành các hoạt động thông tin không chính xác cho FSB vào những năm 1990. Kể từ mùa thu năm 2021, vài tháng trước “chiến dịch quân sự đặc biệt”, Mikhailov đã trở thành người phát ngôn không chính thức của FSB với giới truyền thông Nga, quảng bá quan điểm của cơ quan này về những gì xẩy ra ở Ukraine. Như tình báo Nga miêu tả, đây là cuộc chiến Hoa Kỳ và Châu Âu chống lại Nga, người Ukraine chỉ đóng vai trò là con rối của những ông chủ gián điệp phương Tây.

Cùng với Putin, các cơ quan tình báo Nga cũng đã rút ra một số bài học quan trọng từ các cuộc chiến tình báo trước đây của Liên Xô. Bởi vì Nga trực tiếp đọ sức với phương Tây, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến Điện Kremlin và các cơ quan tình báo của nước này phải suy nghĩ lại một số vấn đề lớn về an ninh quốc gia chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng kể từ năm 1991. Ví dụ, vấn đề biên giới của Nga và đóng cửa biên giới. Điện Kremlin đã quyết định không đóng cửa biên giới và điều đó đã mang lại lợi ích cho các cơ quan tình báo. Họ có thể tận dụng làn sóng di cư mới của công dân Nga sang châu Âu và các nước láng giềng khác để giúp bù lại việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi thủ đô các nước châu Âu. Putin rõ ràng đã đặt ra mục tiêu tránh những sai lầm mắc phải trong Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô hạn chế đáng kể việc di chuyển xuyên biên giới của người dân, cản trở hoạt động của tình báo Liên Xô.

Nhưng có một vấn đề cấp bách khác đối với Điện Kremlin: làm thế nào để bảo đảm kỷ luật trong hàng ngũ tình báo.

[…]

Putin đã có một cách tiếp cận linh hoạt, thực dụng đối với các cơ quan tình báo, cân nhắc giữa việc nỗi sợ hãi về các cuộc thanh trừng luôn hiện hữu và khuyến khích các cơ quan này đổi mới hơn để giành lại vị thế ở phương Tây. Kết quả dường như là sự gia tăng đáng chú ý trong các hoạt động nước ngoài đầy tham vọng hơn trong năm qua, bao gồm các hoạt động phá hoại cũng như vụ đặc vụ Nga trốn thoát ở I-ta-lia và tăng cường nỗ lực tuyển dụng ở một số nước NATO, như đã thấy rõ trong vụ án một thành viên cơ quan tình báo BND của Đức bị bắt vào tháng 12/2022 vì cáo buộc chuyển thông tin mật cho chính phủ Nga và hiện đang bị xét xử vì tội phản quốc.

KHÔNG AI LÀM GIÁN ĐIỆP NHƯ CHÚNG TÔI[1]

Để quay trở lại, các cơ quan tình báo Nga cũng đã tiếp thu một bài học quan trọng khác từ những năm Xô Viết: sử dụng hệ tư tưởng như là sách lược. Trong những năm 1930, Moscow đã có thể thu phục được nhiều người phương Tây ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của Liên Xô bằng cách nhắm các lập luận của mình vào những thiếu sót của phương Tây hơn là thúc đẩy học thuyết Marxist. Vào thời điểm đó, các đặc vụ Liên Xô biết rằng họ không thực sự cần phải rao giảng hệ tư tưởng chính thức cộng sản; thay vào đó, các đặc vụ miêu tả Liên Xô như thể chế thay thế cho chủ nghĩa đế quốc phương Tây, nhấn mạnh đến tiêu chuẩn kép và thói đạo đức giả của phương Tây, đồng thời đề xuất một nhà lãnh đạo đứng lên chống lại các cường quốc toàn cầu. Những ý tưởng này chính là những gì mà các cơ quan của Nga giờ đây sử dụng để thúc đẩy các đồng minh tiềm năng và tuyển dụng trong cuộc chiến tình báo mới của Nga với phương Tây.

Tổng thống Putin tới thăm và phát biểu tại trụ sở Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga (SVR), tháng 6/2022. Ảnh: RIA Novosti

Chuẩn bị bước vào năm thứ ba của cuộc chiến, các cơ quan tình báo của nước này biết rằng Điện Kremlin ủng hộ họ và chia sẻ những ý nghĩ hoang tưởng cũng như các định kiến của họ. Thực tế này cho thấy các cơ quan tình báo có thể trông cậy vào sự bảo vệ của Điện Kremlin. Nhưng điều đó không có nghĩa là bản thân Putin chắc chắn sẽ giữ vững được quyền lực.

Trong suốt 20 năm qua, Putin đã phải vật lộn với thách thức làm thế nào để kiểm soát cộng đồng an ninh và tình báo rộng lớn của mình, trải rộng trên một đất nước to lớn và cả ở nước ngoài. Đầu những năm 2000, ông đã từ bỏ quan niệm của cựu Tổng thống Boris Yeltsin về các cơ quan tình báo cạnh tranh. Ông đã đưa FSB trở thành cơ quan hàng đầu. Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Putin đã cố gắng buộc lực lượng tình báo của mình phải tuân theo bằng cách tống một số sĩ quan cấp trung vào tù vì tội tham nhũng. Nhưng điều này không dẫn đến việc Điện Kremlin kiểm soát chặt chẽ hơn các cơ quan này. Giờ đây, với cuộc chiến ở Ukraine, Putin đã cố gắng tránh những sai lầm trong quá khứ và giữ cho lực lượng tình báo của mình luôn trung thành. Cho đến nay, ông đã thành công trong việc làm cho các cơ quan tình báo mạnh hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong thời gian có chiến tranh.[…]■

Andrei  Soldatov và Irina  Borogan

Phan Nguyên (dịch)

Nguồn: Foreignaffairs.com

Chú thích:

[1] Nguyên văn: “Spies like us”, là tên một bài hát của Paul McCartney, nhà soạn nhạc và thành viên của nhóm The Beatles.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN