Lời dạy con cháu về Nghĩa vụ làm người của Lương Văn Can

Lương Văn Can (1854 – 1927), tự Ôn Như, là một nhà cách mạng có tầm ảnh hưởng và là một trong số những người sáng lập ra trường Đông Kinh Nghĩa Thục vào năm 1907 nhằm truyền bá, phổ biến những tư tưởng tiến bộ, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc của quần chúng vào đầu thế kỷ XX. Lúc bấy giờ, ông cũng là tác giả của nhiều trước tác nổi tiếng bàn về cải cách văn hoá gây được tiếng vang lớn, trong đó tác phẩm Lương Ôn Như gia huấn xuất bản vào khoảng năm 1924 – 1927. Tác phẩm này cũng từng được trích đăng trên báo Nước Nam xuyên suốt các số 268 – 272, năm 1945. Nhận thấy những bài học được đề cập trong tác phẩm vẫn còn nguyên tính thời sự cho đến ngày nay, Tạp chí Phương Đông xin trích đăng lại phần Học thuậtNghĩa vụ làm người để giới thiệu tới quý độc giả.

1. Học thuật

Đời nay sáu châu giao thông, nông thương công nghệ đều dùng trí khôn để tranh cạnh với nhau, mà khai trí tất bởi tại học. Các nước đều có chữ riêng tiếng riêng, nước ta bây giờ chữ quốc ngữ tức là chữ riêng, rất là cần dùng, trước hết phải học cho kỹ cho thông, nhưng chỉ biết quốc ngữ chưa đủ giao thiệp với người ngoài; muốn giao thiệp với Âu Mỹ thời phải học chữ Âu Mỹ, muốn giao thiệp với Nhật với Tàu với Xiêm thời phải học chữ Tàu, Nhật, Xiêm. Học được chữ nào cũng là hữu dụng, lúc con còn nhỏ, bắt phải kịp thời học tập, cho đến tốt nghiệp mới thôi, lại phải dạy cách cư xử thời cẩn thận cần kiệm, đối với người thời trung tín đốc kính, khiến con người làm quân tử, không làm tiểu nhân, thế mới là hết đạo giáo dục vậy. Nước nào cũng vậy, chữ tức là tiếng, hoá ra trong nước người nào cũng hiểu được nhau.

Lương Văn Can (1854 – 1927). Ảnh: Wikipedia.

Nước ta không có chữ riêng, khi xưa lấy chữ Hán làm chữ thông dụng, tiếng ta khác mà chữ khác, trong nước nhiều người không hiểu; từ khi có chữ quốc ngữ cứ tiếng ta mà viết ra chữ, tiếng vần phân minh, rất là tiện dụng, người ta ai cũng nên học cho thông. Bây giờ người Pháp bảo hộ, thời ta phải học chữ tây, và mượn tiếng tây để bổ thêm tiếng ta mà ứng dụng, song tiếng ta dùng chữ Hán nhiều lắm, có biết chữ Hán thời quốc văn mới thanh nhã dễ nghe, ta đã làm sách Hán học tiệp kính để tiện cho người học chữ Hán, rồi ta sẽ làm một quyển sách biên các tiếng ta dùng chữ Hán bao nhiêu để cho mà coi. Ngưỡng sự, phủ dục, đã nói như vậy rồi, nay ta lại nói rõ cái trách nhiệm và nghĩa vụ làm người.

2. Nghĩa vụ làm người

Đối với mình

Người ta đội trời đạp đất ở đời, có người thời phải có mình, gần mà trong một nhà một làng, xa mà đến trong nước, ngoài thế giới, lại xa nữa đến đời sau, điều quan hệ ở một mình. Mình đối với mình làm sao cho được đi không thẹn với bóng, nằm không thẹn với chăn, trong như ngọc, trắng như ngà, thế mới gọi là mình quý. Muốn quý lấy mình trước phải có học, học có ba điều cốt yếu, một rằng thể dục, là biết các vệ sinh ẩm thực, cư xử có tiết độ, để cho thân thể mạnh giỏi mà đảm đang được các việc; hai rằng trí dục, là biết đường học hành, trước học phổ thông, sau học chuyên môn, để cho trí thức thông thái mà lo toan được các việc; ba rằng đức dục, là phải giữ gìn tứ duy (lễ, nghĩa, liêm, sỉ), khu trừ lục tặc (tửu, sắc, tài, khí, yên, bác) khiến cho dũng là dũng lớn, chí là chí to, đối với mình như thế thời mình mới là người được.

Đối với nhà

Người ta họp vợ chồng, cha con, anh em, con cháu lại thời thành nhà, đối với nhà nên thế nào, phải nhẫn, phải công mới được. Nhẫn là khoan dung nhẫn nại, thấy người trong một nhà hoặc có nhầm nhỡ một hai, cũng chín bỏ làm mười, đừng có bới lông tìm vết, khắc trách quá không nên. Công là chính trực công bằng, không có xem người hơn người kém, không có chia kẻ ghét kẻ yêu; trên kính dưới nhường, hết thảy tương thân như là nhất thể; hay nhẫn thời trong nhà êm thấm, không đến nỗi chuyện nhỏ xảy ra chuyện to, hay công thời trong nhà hòa vui, không đến nỗi người kia thâm thù người nọ; đời xưa có nhà chín đời cùng ở, chín đời cùng của, là chỉ tại nhẫncông vậy.

Đối với nước

Nhân sinh có bốn việc rất cần: ăn, mặc, ở và đồ dùng; ăn phải có muối, rau, gạo, thịt; mặc phải có vải lụa; ở phải có cửa nhà; đồ dùng phải có nhiều thứ; một người không thể làm hết được, tất phải có đoàn thể, người làm đồ nọ, kẻ làm đồ kia, để mà gánh đỡ cùng sinh tồn trong thế gian.

Hợp đoàn thể là thế nào, như họp các nhà các chi mà thành họ, họp các họ thành làng, họp các làng thành tổng, họp các tổng mà thành châu huyện, họp các châu huyện mà thành huyện phủ, họp các châu huyện phủ mà thành tỉnh, họp các tỉnh mà thành nước.

Nước có ba điều cốt yếu: một là thổ địa, nếu không có đất thường cư mà nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác, thời là du mục bất thường, không được gọi là nước; hai là nhân dân, nếu có đất rộng lớn mà không có dân cư, thời là đất bỏ hoang, không được gọi là nước; ba là chủ quyền, hoặc quân chủ, hoặc dân chủ, có quyền phép mà cai trị đất ấy, dân ấy, thế mới thực gọi là nước; chủ quyền nếu đã mất rồi, dẫu còn đất còn dân cũng là nước mất.

Thầy trò một lớp học vùng lân cận Hà Nội năm 1909. Ảnh: Flickr manhhai

Dân với nước rất cùng quan hệ, quyền nước còn thì dân quý, quyền nước mất thời dân hèn, đã làm quốc dân phải biết có nước, đối với nước phải có trách nhiệm, phải có nghĩa vụ, phải giữ luật nước, phải làm lính mà giữ lấy nước, phải nộp thuế để làm các việc trong nước, phải biết chọn nghị viên người cùng một nước để bàn sự lợi hại trong nước, chủng tộc giống nhau, ngôn ngữ giống nhau, phong tục giống nhau, lễ phép giống nhau, nên thân ái quây quần lấy nhau, phúc cùng hưởng, vạ cùng lo, giữ công tâm, làm công ích, sao cho nước được phú cường, thường lấy yêu nòi yêu nước là nghĩa thứ nhất, đừng siểm nịnh người ta mà làm hại giống mình, thế mới không phụ lòng quốc dân vậy.

Đối với nước ngoài

Thời đại ngày nay, vạn quốc giao thông, không như thời xưa khóa cổng đóng cửa nữa đâu, cho nên người sinh đời giờ phải biết cách ngoại giao với các nước ngoài, hoặc có tri thức thời giao đổi cho nhau, hoặc có hàng hóa thời mua bán với nhau, hai bên cùng có lợi, mà không hại, mình đối với người nước ngoài không nên quyết tuyệt bài ngoại, mà cũng không nên toàn sùng bái ngoại nhân mà bỏ hết quốc túy của mình, cũng không nên chỉ mua đồ ngoại quốc mà khinh hết đồ thổ sản của mình, thấy người có đồ gì lợi dụng, thời bắt chước mà làm ra, thấy mình có đồ gì chưa khéo, thời cải lương mà làm lại, chẳng bỏ ngoài mà cũng chẳng toàn theo ngoài, quý hồ thích trung thời thôi, thế là phương pháp đối ngoại vậy.■

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN