MIỀN NAM VIỆT NAM: Cái kết của cuộc chiến tranh 30 năm

Việt Nam trên báo Mỹ

Tháng 5/1975, tin tức và bình luận về sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn tràn ngập khắp các mặt báo ở Mỹ. Với tờ bìa đỏ nổi bật mang hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tạp chí TIME số ra ngày 12/5/1975 đã dành phần lớn trang viết cho sự kiện này. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc một vài bài viết trong số báo này. Các ngôn từ trong bản gốc thể hiện quan điểm của phía Mỹ thời kỳ đó, chúng tôi dịch nguyên văn để đảm bảo tính khách quan và để bạn đọc dễ dàng nghiên cứu, tham khảo.

Lá cờ ba màu của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng sản tung bay trên phủ Tổng thống ở Sài Gòn. Dưới mái hiên Khách sạn Continental, nơi người Mỹ uống vodka tonic và bia “33” khét tiếng của Sài Gòn và ngắm nhìn những cô gái Việt Nam mảnh khảnh suốt hơn một thập kỷ, lính Việt Cộng gượng gạo ngồi nhấp từng ngụm nước cam. Xe tăng do Liên Xô chế tạo và xe tải do Trung Quốc sản xuất chạy ầm ầm trên đường phố Sài Gòn trong tiếng reo hò của người dân.

Không chỉ cuộc chiến tranh ba mươi năm đau đớn của Việt Nam mà cả một thế kỷ thống trị của phương Tây đã kết thúc một cách bất ngờ đến khó tin. Cuộc vật lộn khủng khiếp kéo dài 20 năm của Mỹ nhằm xây dựng một chính phủ phi Cộng sản ổn định ở miền Nam Việt Nam cuối cùng đã kết thúc và hoàn toàn thất bại. Khi những người lính Cộng sản ở Sài Gòn bắn chỉ thiên và hô vang “Chiến thắng! Chiến thắng!”, những giấc mơ bướng bỉnh, không thể dập tắt của Hồ Chí Minh và những người tiếp bước ông ở Hà Nội đã được hiện thực hóa trọn vẹn.

Sẽ phải mất một thời gian để hầu hết mọi người, kể cả phe chiến thắng, làm quen với thực tế mới bất ngờ này. Chính quyền Sài Gòn đã trượt dốc nhanh chóng rồi thất bại thảm hại chỉ trong bảy tuần. Sự sụp đổ bắt đầu bằng cuộc tấn công của Cộng sản vào thủ phủ Ban Mê Thuột ở Tây Nguyên, cách Sài Gòn 160 dặm về phía Bắc. Sau đó là cuộc rút quân chiến lược tai hại của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, biến thành một cuộc tháo chạy. Trong vòng vài tuần, lực lượng Cộng sản đã tiến sát vùng ngoại ô Sài Gòn mà hầu như không gặp phải sự kháng cự nào. Bị buộc phải từ chức và trốn khỏi đất nước, Thiệu được thay thế bởi vị Phó Tổng thống già nua bất lực Trần Văn Hương, người mà chỉ sau 6 ngày đã nhường chỗ cho nhân vật duy nhất được cho là có cơ hội đàm phán ngừng bắn: Dương Văn Minh (Minh “cồ”), một Phật tử lãnh đạo phe đối lập. Nhiệm kỳ Tổng thống của ông là nhiệm kỳ ngắn nhất và tạo tiền đề cho chiến thắng cuối cùng của Cộng sản.

Lính VNCH và phóng viên nước ngoài chạy trên cầu Tân Cảng trước hỏa lực của quân giải phóng, ngày 28/4/1975. Ảnh: AP

TỪ CHỨC. Hương, dưới áp lực của Đại sứ Hoa Kỳ Graham Martin và các nhà lãnh đạo Sài Gòn, đã từ chức vào khoảng 4:30 chiều Chủ Nhật, nói rằng ông sẽ chuyển giao chức vụ Tổng thống cho “nhân vật” được cơ quan lập pháp miền Nam Việt Nam lựa chọn – và “càng sớm càng tốt”. Vài giờ sau, Quốc hội biểu quyết với tỷ lệ 134/2 trao chức vụ cho Minh Cồ.

Đêm hôm trước, một lực lượng áp đảo gồm 16 sư đoàn Cộng sản đã siết chặt vòng vây quanh Sài Gòn, tiến tới cắt đứt đường 15, lối thoát ra biển duy nhất của thành phố. Đêm Chủ nhật đã xảy ra giao tranh ác liệt tại một số điểm xung quanh thủ đô, bao gồm cả một cuộc pháo kích tàn khốc nhằm vào căn cứ không quân ở Biên Hòa. Trong tư thế sẵn sàng ở ngoại ô thành phố, quân Cộng sản hầu như không gặp phải sự kháng cự nào. Hầu hết các nhà lãnh đạo quân sự hàng đầu của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã bỏ trốn hoặc đang lên kế hoạch; quân chính quy như rắn mất đầu, thoái chí và hoang mang.

LỄ NHẬM CHỨC. Đến rạng sáng thứ Hai, lần đầu tiên Sài Gòn bị cắt đứt hoàn toàn khỏi phần còn lại của miền Nam Việt Nam. Lực lượng Cộng sản đã mang đủ pháo đến rìa thành phố để san phẳng nó nếu họ chọn làm như vậy. Ở rìa phía bắc Sài Gòn, những chiếc xe tải chất đầy các thùng đạn rầm rập rời khỏi kho tiếp tế ở Tân Cảng, còi hơi rú inh ỏi. Kho dầu Tân Cảng bốc cháy với hàng loạt vụ nổ làm rung chuyển mặt đất. Những đám khói đen, dễ dàng nhìn thấy từ trung tâm Sài Gòn, cuồn cuộn bay lên không trung.

Cuối ngày hôm đó, Minh Cồ chính thức được Trần Văn Hương chuyển giao quyền lực trong một buổi lễ tại dinh Tổng thống. “Chúng tôi chân thành mong muốn hòa giải”, ông nói với Chính phủ Cách mạng Lâm thời vô hình. “Các vị biết rõ điều đó. Hòa giải đòi hỏi mỗi thành phần trong dân tộc phải tôn trọng quyền sống của nhau”. Minh đề xuất ngừng bắn ngay lập tức “như một biểu hiện thiện chí của chúng ta, nhằm nhanh chóng chấm dứt nỗi đau của quân và dân”.

Bài phát biểu của Minh trong sảnh tiếp tân trải thảm, buông rèm gấm, lung linh dưới ánh đèn chùm, được phụ họa bằng sấm rền và chớp giật. Những người Cộng sản chẳng hề động lòng. Các đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời nhanh chóng bác bỏ đề nghị của Minh, cho rằng ông đã không đáp ứng các điều kiện của họ: 1) tất cả quân nhân Hoa Kỳ phải rời khỏi Việt Nam, và 2) chính quyền Sài Gòn mới không được chứa tàn dư nào từ chế độ cũ do Hoa Kỳ chống lưng. Khi Minh tất tả tìm cách dàn xếp, Sài Gòn chìm trong nỗi lo sợ Cộng sản sẽ mở một cuộc tấn công tổng lực. Một quan chức nói: “Bây giờ chỉ có một lối thoát cho chúng ta, đó là trực thăng Mỹ”.

Nỗi sợ hãi chẳng mấy chốc chuyển thành hoảng loạn.

Tin đồn lan truyền rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi cửa hàng quân nhu khổng lồ ở Tân Cảng gây ra một cuộc cướp bóc điên cuồng của khoảng 3.000 người Việt Nam. Khi chuông báo trộm vang lên, những kẻ cướp đã đẩy xe hàng chứa đầy đường, thuốc và sườn lợn đông lạnh bắt đầu tan ra và nhỏ giọt dưới ánh nắng chói chang. Cảnh sát ở bãi đậu xe gần đó thích thú quan sát, thỉnh thoảng lại nhặt một vài món đồ từ những chiếc xe đẩy hàng đi ngang qua như một loại phí cầu đường. Cuối cùng, một xe tải chở quân cảnh xuất hiện, bắn loạt đạn M-16 lên không trung và vụ hôi của chấm dứt.

Ngay sau 6 giờ chiều, ba máy bay ném bom A-37 đã tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, phá hủy một số máy bay trên mặt đất và gây ra các vụ nổ làm rung chuyển Sài Gòn. Có vẻ như những kẻ tấn công là các phi công miền Nam Việt Nam đang trút nỗi thất vọng trước cơn đau vô tận của đất nước họ. Đó dường như cũng là lý do bùng phát các vụ nổ súng ở Sài Gòn ngay sau đó. Tất cả những người lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa và cảnh sát trong thành phố dường như đều xả đạn bừa phứa. Sau 15 phút, tiếng súng thưa dần rồi tắt lịm. Nhưng vẫn còn tiếng bom dội xa xa từ Biên Hòa và những tiếng nổ khác trong đêm: súng cối, rốc-két, pháo.

CUỘC TẤN CÔNG. Vào khoảng 4 giờ sáng thứ Ba, Cộng sản đã phát động một cuộc tấn công ồ ạt bằng rốc-két và pháo vào căn cứ không quân Tân Sơn Nhất vốn đã bị bao vây. Khoảng 150 quả rốc-két và đạn pháo 130 mm dội vào, chặn đứng cuộc di tản người Mỹ và người Việt đang diễn ra. Từ “thánh địa” Khách sạn Continental Palace, các phóng viên và nhà quay phim phương Tây nghe tường thuật cuộc tấn công trên sóng UHF được phái đoàn Hoa Kỳ sử dụng: “Khu ICCS (Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế) đang bốc cháy… Mặt sau nhà thể thao bị trúng đạn… Chúa ơi, chúng ta có hai lính thủy quân lục chiến hy sinh”. Câu trả lời rất ngắn gọn: “Anh có biết thi thể ở đâu không?” Các bác sĩ được huy động; thiết bị chữa cháy được gọi đến và sau đó lại được yêu cầu tránh xa vì pháo kích. Có tin tức về một vụ nổ lớn nữa trên đường băng. “Kho đạn bị tấn công”, một giọng nói run lên vì xúc động. Tệ hơn nữa, quân Cộng sản đang tiến vào một số vùng ngoại ô của thành phố.

Các cuộc tấn công phối hợp này hóa ra là trận đánh cuối cùng của cuộc chiến. Khi vụ pháo kích Tân Sơn Nhất bắt đầu, lúc đó là 4 giờ chiều thứ Hai tại Washington, chậm hơn mười hai giờ so với giờ Sài Gòn. Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ, một loạt cuộc họp giữa Tổng thống Ford và các cố vấn hàng đầu của ông đã đưa đến quyết định sơ tán tất cả những người Mỹ còn lại. Đến giữa chiều ở Sài Gòn, hàng chục trực thăng Mỹ đã bắt đầu tới. Đến 7:52 sáng hôm sau, chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh khỏi nóc Đại sứ quán Mỹ. Ngoại trừ một số nhà báo và nhà truyền giáo, sự hiện diện của người Mỹ ở Việt Nam đã chấm dứt.

Người Việt chen nhau trèo vào Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn để được di tản bằng trực thăng, ngày 29/4/1975. Ảnh: Neal Ulevich/AP/Corbis

ĐẦU HÀNG. Vào lúc 10:24 sáng thứ Tư, Tổng thống VNCH Dương Văn Minh, trong một bài phát biểu ngắn gọn trên đài phát thanh, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện Chính phủ Cách mạng Lâm thời. “Tôi tin vào sự hòa giải giữa người Việt Nam để tránh đổ máu không cần thiết”, ông nói. “Vì lý do này, tôi yêu cầu những người lính Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh ngừng chiến và ở yên tại chỗ”. Sau đó, Minh nói với một nhà báo Pháp, “Đúng, phải làm vậy thôi. Phải cứu người”.

Trước buổi trưa, năm xe tăng Cộng sản, hơn chục xe thiết giáp chở quân và xe tải chở bộ đội mặc quân phục xanh, đội mũ cối có dòng chữ “Tiến về Sài Gòn” tràn xuống Đại lộ Thống Nhất tới dinh Tổng thống. Cổng đã hé mở, nhưng một chiếc xe tăng, theo sau là vài chiếc khác, đã xuyên thủng hàng rào, rồi bắn những loạt đạn khải hoàn. Một phân đội lái xe Jeep đưa Dương Văn Minh đến một địa điểm không được tiết lộ; sau đó ông được đưa trở lại để đọc lại tuyên bố đầu hàng trước khi bị đưa đi một lần nữa.

Vào lúc 12:15 trưa, lá cờ Chính phủ Cách mạng Lâm thời được kéo lên trên dinh Tổng thống. Lực lượng Việt Cộng tiếp quản đài phát thanh Sài Gòn và thông báo: “Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn. Chúng tôi chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền cũ”. Tại Paris, các đại diện Cộng sản tuyên bố rằng Sài Gòn sẽ được mọi người gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù tên chính thức của thành phố vẫn được giữ nguyên.

Trong vòng một giờ, lính gác đã được bố trí ở mọi ngã tư. Những người lính khác được trang bị loa phóng thanh đi khắp các phố hô vang: “Lực lượng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã nắm quyền kiểm soát Sài Gòn! Đừng sợ. Bà con sẽ được đối xử tốt”. Trên các bến sông Sài Gòn, người dân hoảng loạn tìm cách lên những chiếc thuyền nhỏ nhưng không có nơi nào để đi. Một Trung tá cảnh sát miền Nam bước tới tượng đài người lính trước tòa nhà Quốc hội, chào kiểu nhà binh và tự bắn vào đầu; anh chết sau đó trong bệnh viện.

Theo một nhà ngoại giao Pháp, khoảng một phần ba người dân Sài Gòn chào đón lực lượng Cộng sản với sự nhiệt tình thực sự, một phần ba thờ ơ và một phần ba e ngại sâu sắc. Nhiều người dân Sài Gòn đã xuống đường chào đón quân Cộng sản bằng nụ cười và cái bắt tay. Một số lính Nam Việt Nam, dường như không hề lo lắng, đi xe máy sát bên những chiếc xe tải chở đầy bộ đội Cộng sản có vũ trang; những người khác tìm cách đổi quân phục của họ để lấy quần áo dân sự; một số chỉ đơn giản cởi bỏ quân phục trên đường phố, mặc quần đùi và đi tiếp.

Người dân Sài Gòn xuống đường chào đón quân giải phóng, ngày 30/4/1975. Ảnh: AFP

Trong khi đó, một số bộ đội đã đeo hoa vào súng trường; những người khác mời trẻ em cưỡi trên xe tăng. Đài phát thanh Hà Nội cho biết quân Việt Cộng đã được lệnh “không được động tay dù chỉ một cây kim hay sợi chỉ của nhân dân”. Mặc dù mọi liên lạc của báo chí với thế giới bên ngoài đã bị cắt đứt vào đầu buổi tối, nhưng các báo cáo từ Đại sứ quán Nhật Bản và Pháp, những nước chưa sơ tán, cho thấy người nước ngoài đang được đối xử tốt.

LỄ CHÀO MỪNG. Thứ Năm, buổi sáng đầu tiên sau ngày “giải phóng”, cũng là ngày Quốc tế Lao động, những cuộc diễu hành lớn với sự tham gia của hàng nghìn chiến sĩ Cộng sản và người dân Sài Gòn đã được tổ chức trên những con đường rợp cờ. Trong công viên phía trước dinh Tổng thống, một số lượng lớn xe tăng Liên Xô PT-76 và T-54, xe bọc thép, pháo và súng rốc két được sắp xếp thẳng thớm. Dịch vụ xe buýt và thu gom rác thải nhanh chóng được khôi phục và các công chức bắt đầu đến làm việc tại các cơ quan của Chính phủ. Các cán bộ chính trị mặc thường phục, đeo băng tay màu đỏ và súng lục, hăng hái điều hành thành phố. Họ dường như đã sống ở Sài Gòn khá lâu rồi, có lẽ làm mật vụ cho phe Cộng sản.

Chính phủ Cách mạng Lâm thời khẩn trương ban hành các sắc lệnh hứa hẹn một số thay đổi cơ bản trong lối sống của người dân Sài Gòn – đặc biệt là việc chấm dứt 15 năm ảnh hưởng của Mỹ. “Bất cứ ai hành động như người Mỹ hoặc tham gia vào các hoạt động kiểu Mỹ như mở hộp đêm, nhà thổ và các địa điểm giải trí khác sẽ bị trừng phạt”. Các sắc lệnh khác, được tuyên bố qua đài phát thanh của Chính phủ, hứa hẹn những hình phạt nghiêm khắc đối với hành vi do thám, mang vũ khí nhằm mục đích bạo loạn, gây mất đoàn kết hoặc bất tuân mệnh lệnh. Khác hẳn với thời kỳ du kích được phép thực hiện các hoạt động phá hoại, sắc lệnh tuyên bố: “Từ nay trở đi, nghiêm cấm hành động đốt phá các công trình công cộng, giết người, cướp bóc, hãm hiếp, hôi của hoặc gây ra bất kỳ sự cố nào nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân và của chính quyền cách mạng”. Tất cả các tờ báo và tạp chí tư nhân đều bị “tạm thời” đình chỉ vì mục đích bảo vệ “hòa bình công cộng”. Trên đường phố đã có một sự thay đổi dễ thấy. Hầu hết phụ nữ, lưu tâm đến thái độ Cộng sản vốn không ưa lối sống phương Tây, đều mặc áo dài truyền thống nhẹ nhàng thay vì những chiếc váy ngắn sặc sỡ và trang điểm đậm như chỉ vài ngày trước đó.

Mặc dù có tới 8 tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long (trong tổng số 44 tỉnh ở miền Nam Việt Nam) vẫn chưa đầu hàng và vẫn còn sự kháng cự rải rác ở Chợ Lớn, khu người Hoa của Sài Gòn, Chính phủ Cách mạng Lâm thời tuyên bố rằng cuộc chinh phục của họ đã hoàn tất.

TRIỂN VỌNG. Rõ ràng những nhà cầm quyền Cộng sản mới ở miền Nam Việt Nam đang nỗ lực giành sự ủng hộ của công chúng trong nước và một hình ảnh tốt đẹp ở nước ngoài. Mặc dù vẫn không được phép gửi phóng sự qua điện tín, nhưng các phóng viên phương Tây ở Sài Gòn có thể tự do đi lại trong thành phố. Tại Đà Nẵng, một phóng viên hãng tin AP và một nhóm quay phim truyền hình được phép đến thăm một “trại cải tạo” dành cho khoảng 900 sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa bị bắt. Có tổng cộng khoảng 6.000 sĩ quan hiện nằm trong tay Cộng sản, nhưng Chính phủ Cách mạng Lâm thời thông báo rằng hơn 103.000 binh sĩ và hạ sĩ quan bị bắt đã được trả tự do và đã về nhà.

Cả tuần, các tuyên bố trước công chúng đều nhấn mạnh vào sự ôn hòa. Trả lời phỏng vấn tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Nguyễn Thị Bình nói về việc xây dựng “một miền Nam Việt Nam hòa bình, độc lập, trung lập”; thậm chí bà còn nói về khả năng Dương Văn Minh “có thể vẫn giữ vai trò nào đó trong tương lai của Việt Nam”.

Chính phủ mới phải đối mặt với những nhiệm vụ to lớn, cấp bách và thực tế: cung cấp lương thực cho người dân, khôi phục các dịch vụ công cơ bản, giải giáp và đưa hàng trăm nghìn binh sĩ và cảnh sát đã phục vụ chế độ cũ về nhà, tìm việc làm cho hàng nghìn người đã sống chủ yếu nhờ tiền từ Hoa Kỳ trong nhiều năm qua. Ngoài ra, những người Cộng sản, giống như nhiều chính quyền Sài Gòn trước họ, ít nhất sẽ phải đối mặt với phần nào phản kháng từ một loạt các nhóm chính trị và tôn giáo độc lập: Phật tử, người Công giáo, các chính trị gia chống Cộng. “Đặc biệt, người theo đạo Cao Đài và Hòa Hảo khá thù địch với Cộng sản”, Alexander Woodside, Học giả nghiên cứu châu Á của Đại học Harvard, nhận xét. “Người Hòa Hảo coi chủ nghĩa Mác là một tín điều phương Tây, và họ tự coi mình là đại diện cho nền văn hóa Việt Nam xưa còn sót lại. Gần như có một mối thù máu thịt giữa họ và những người Cộng sản”.

Theo quan điểm của hầu hết các chuyên gia, Cộng sản sẽ hành động thận trọng nhưng kiên định hướng tới các mục tiêu chính của họ ở Việt Nam. Về mặt chính trị, có lẽ họ sẽ cố gắng kết hợp nhiều nhất có thể các nhóm trung lập và tôn giáo vào một chính phủ cách mạng mới – nhưng Chính phủ đó chắc chắn sẽ do các đại biểu Cộng sản chiếm ưu thế.

Ngay cả mục tiêu cuối cùng của những người Cộng sản là thống nhất với miền Bắc có lẽ sẽ phải chờ một thời gian chuyển tiếp khá dài, khoảng 3 đến 5 năm. Chính bà Nguyễn Thị Bình tuần trước cũng nhấn mạnh rằng những khác biệt Bắc -N am “trong lĩnh vực kinh tế và chính trị” sẽ cần “một khoảng thời gian nhất định để thực hiện thống nhất”. Mang đậm tính chất tư bản và chủ nghĩa cá nhân, miền Nam chắc chắn sẽ phải trải qua một số thay đổi sâu sắc trước khi có thể hòa nhập thành công vào xã hội tập thể, xã hội chủ nghĩa của miền Bắc. “Miền Bắc sợ cuộc sống quyến rũ của miền Nam, so với lối sống kỷ luật, khắc khổ ở miền Bắc”, một chuyên gia về Việt Nam ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định. “Họ không muốn người dân của họ bị tiêm nhiễm”.

Người lính miền Bắc Việt Nam gặp lại người thân ở Sài Gòn, tháng 5/1975. Ảnh: Herve Gloaguen/Gamma-Rapho

Điều này thể hiện rõ ràng ở Đà Nẵng, nơi Cộng sản đã chiếm giữ trong năm tuần. Phóng viên Pháp Roland-Pierre Paringaux đã gửi điện cho TIME sau khi đến thăm thành phố vào tuần trước: “Người quan sát nước ngoài lập tức nhận thấy sự kinh ngạc của những người lính cách mạng trẻ tuổi trông như những anh nhà quê đứng trước cái hang Alibaba[1], nơi vẫn chứa đầy của cải và tiện ích đa dạng từ một xã hội tiêu dùng đậm chất Mỹ và Nhật”. Trong bộ quân phục sơ sài buồn tẻ, đi dép cao su, rõ ràng họ đã rất ngạc nhiên trước những cô gái trang điểm xinh xắn, trước những người trạc tuổi họ đang cưỡi Honda. Người Hà Nội, sau 20 năm sống kham khổ, cũng bất ngờ khi thấy trên báo chí hình ảnh các cửa hàng ở Đà Nẵng. Hai miền Việt Nam giống như Sparta[2] và Byzantium[3]; như hai thành phần của nước sốt chua ngọt, rất khó trộn để giữ được hương vị thơm ngon cho tất cả mọi người”.

Để đạt được sự kết hợp này, cần phải có sự hy sinh, đau đớn đáng kể và rất có thể cả một sự ép buộc cứng rắn. Tuy nhiên, cùng với nỗi sợ hãi đã khiến hàng nghìn người bỏ chạy hoặc tìm cách bỏ chạy nhưng không thành, nhiều người dân miền Nam Việt Nam hẳn đã cảm thấy nhẹ nhõm khi chiến tranh kết thúc. Lần đầu tiên kể từ khi tàu Pháp cập bến Đà Nẵng năm 1858, những người Việt đầy niềm tự hào dân tộc, ở cả miền Bắc và miền Nam, những người kiến tạo những nền văn minh huy hoàng trong quá khứ, đã thoát khỏi sự can thiệp của nước ngoài. Lần đầu tiên kể từ cuộc chiếm đóng của Nhật Bản cách đây 34 năm, họ đã có hòa bình.

Tất nhiên, đối với một số người miền Nam, người miền Bắc sẽ vẫn là người xa lạ trong một thời gian lâu nữa; và với một số người, sự lãnh đạo của cộng sản ở vùng đất của họ sẽ chỉ mang lại một nền hòa bình bất an.■

Thanh Trà (dịch)

Chú thích:

[1] Trong truyện Nghìn lẻ một đêm, chàng trai nghèo Alibaba tình cờ phát hiện ra một cái hang nơi bọn cướp tích trữ đầy vàng bạc châu báu.

[2] Một thành phố Hy Lạp cổ đại, nổi tiếng về tài quân sự, tính kỷ luật và lối sống khắc khổ.

[3] Một thành phố Hy Lạp cổ đại giàu có, đầy sức sống.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN