Thật ngẫu nhiên, bức ảnh đầu tiên tôi có mặt được chụp từ 52 năm trước, lại là bức ảnh hiếm hoi duy nhất tập hợp đông đủ các nhà báo có mặt tại chiến trường Quảng Đà lúc đó, gồm các phóng viên của Việt Nam thông tấn xã, báo Nhân Dân, báo Giải phóng, báo Cờ Giải phóng Quảng Đà và phóng viên nhiếp ảnh Ban Tuyên huấn tỉnh uỷ Quảng Đà. Bức ảnh được chụp chiều ngày 14/7/1968 tại bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà. Tám nhà báo có mặt trong bức ảnh thì 4 đã là liệt sĩ, 1 là thương binh nặng. Gương mặt điềm tĩnh, ngời sáng của các nhà báo, người tuổi đời nhiều nhất mới 38, chính là gương mặt tinh thần của người làm báo và cũng là người lính vượt lên trên sự chết chóc và tàn khốc đến tận cùng của chiến tranh với niềm tin trước chiến thắng cuối cùng.
Người hy sinh đầu tiên chính là nhà báo đứng vị trí đầu tiên trong ảnh (từ trái sang). Đó là nhà báo – nhà thơ Nguyễn Trọng Định, phóng viên báo Nhân Dân, cùng trong tổ phóng viên vào chiến trường Quảng Đà một ngày với tôi. Trọng Định hy sinh lúc mờ sáng ngày 26/8/1968 khi một trái pháo nổ gần, mảnh đạn sắc nhọn đâm thủng ba lô xuyên thẳng vào tim. Máu từ tim chảy theo đường đạn ướt sũng ba lô. Nếu kể từ ngày chụp chung với tôi và các đồng nghiệp ở Quảng Đà bức ảnh trên, thì chỉ hơn một tháng sau Định đã hy sinh. Cùng được cử về Quận 2 Đà Nẵng, Định ở với Quận ủy, tôi ở với Quận đội, cách nhau con sông La Thọ (còn gọi là sông Cổ Cò), một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn. Chiều hôm trước (25/8) Định còn theo giao liên sang thăm tôi. Bài “Thăm quê hương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi” Định vừa víết xong đọc tôi nghe chiều ấy, chính là bài báo đầu tiên và cũng là duy nhất của Định ở chiến trường. Không chỉ đổi bằng máu, Định đã đổi cả sinh mạng mình để có bài báo đăng trang trọng trên báo Nhân Dân và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày ấy. Sáng ấy nghe tin, tôi tất tả lội sông La Thọ qua tìm thăm mộ Định vừa được mai táng vội vàng ở Xóm Bà Dưa và nhận những kỷ vật của Định do các anh Tuyên huấn quận ủy bàn giao. Mảnh giấy bàn giao ghi vắn tắt : 1 ba lô, 1 bộ quân phục, 1 áo khoác, 1 đài bán dẫn Trung Quốc, 1 sổ tay phóng viên, 1 bức ảnh. Gia tài Định để lại chỉ có thế. Đáng kể nhất là bức ảnh. Đó là tấm ảnh khổ 9×12 cm chụp hình Định và người yêu là Kim, nữ phóng viên báo Nhân Dân âu yếm ngả đầu vào nhau. Bức ảnh bị thủng một chỗ ở nơi ngực trái của Định, vết máu loang ở đó. Tôi không giặt mà gói chiếc ba lô đẫm máu cùng những kỷ vật của Định cất cẩn thận dưới đáy ba lô của tôi suốt những tháng năm ở chiến trường và đã giao lại tận tay gia đình. Mãi 25 năm sau, năm 1993, tập thơ đầu tiên Sắc cầu vồng của Định mới ra mắt bạn đọc. Trong lời nói đầu, nhà thơ Lữ Huy Nguyên, Giám đốc Nhà xuất bản Văn học khi đó cám ơn gia đình, bạn bè đã gửi tới NXB những trang bản thảo của Định mà mỗi người với những cơ duyên khác nhau còn lưu giữ được. Ông đặc biệt trân trọng “ …những trang bản thảo cuối cùng của Nguyễn Trọng Định nằm trong chiếc ba lô đẫm máu đã được nhà văn Trần Mai Hạnh (cùng là bạn học dưới Định một lớp) cùng nhóm phóng viên chiến trường lúc ấy mang ra, giao tận tay gia đình, lẫn cả với chiếc áo khoác sờn rách nắng mưa mà cụ thân sinh Định đã choàng cho con khi Định cầm bút vào chiến trường… “( * )
Trong cuốn nhật ký “Trên những nẻo đường chiến tranh” 52 năm trước, tôi có chép lại trang nhật ký cuối cùng Định viết ngay trước ngày hy sinh và bài thơ Định mới làm tặng người yêu có nhan đề “Gửi em”. Bài thơ này không có trong sổ tay và các trang bản thảo của Định, phải chăng vì thế, chiều đó đã ôm chặt nhau chia tay rồi, đã bước chân xuống nước rồi Định lại nhảy lên bờ sông La Thọ kéo tôi lại: “Tao có bài thơ vừa làm tặng riêng Kim rất hay. Lúc nãy tao quên, giờ thì mày lấy sổ tay ra chép, về đọc lại rồi có gì nói lại với tao. Chiến tranh chẳng biết thế nào. Nói dại, nếu tao hy sinh, mày còn sống thì tìm gặp chuyển cho Kim bài thơ này, coi như đấy là những dòng cuối cùng tao gửi lại với đời, gửi lại cho cô ấy “. Lúc ấy, nghe Định dặn dò mà tôi cứ gai cả người. Trong ánh hoàng hôn của chiến trường, không hiểu điềm gì và cũng không hiểu linh tính điều gì mà Định cứ nhất mực đọc cẩn thận từng vần thơ bắt tôi chép lại.
52 năm đã qua, trang nhật ký cuối cùng và bài thơ “Gửi em” đẫm máu của Định vẫn thao thức những rung cảm sâu sắc của trái tim một nhà báo – nhà thơ, trái tim của một người lính và gương mặt tình yêu trong sáng đến vô cùng của một thời bom đạn đã xa. Những dòng nhật ký cuối cùng Định viết: “… Em thương yêu! Anh đã xuống đồng bằng và ra mặt trận. Đã hiến thân cho cách mạng thì anh cũng đã hiểu rõ tất cả những gì cần thiết mà mình phải làm trong trận đánh quyết liệt này. Mong em Kim của anh trên đường đời luôn hạnh phúc. Và luôn trong sáng, đẹp đẽ như mối tình giữa đôi ta. Nếu anh có không may… nhưng chắc chẳng bao giờ có chuyện đó đâu phải không em thân yêu. Nhưng dù anh có hy sinh thì em hãy coi đó là một niềm vinh dự, tự hào. Bởi lẽ anh thương yêu của em đã sống trọn vẹn với trách nhiệm một người con của Đảng. Hôn em. Anh ra mặt trận đây!” .
Bốn tháng sau ngày Trọng Định hy sinh, sau khi thoát khỏi vòng vây của 7.000 quân Mỹ, nguỵ và chư hầu trong trận càn ác liệt kéo dài suốt 21 ngày đêm ở vùng Bắc Thu Bồn, tôi tới công tác tại Ban chính trị Quận đội quận 2 Đà Nẵng, đang đứng chân tại xã Điện Thái, huyện Điện Bàn. Chiều đó (30/12/1968) anh Trịnh Xuân Hy (người đứng thứ 5 trong bức ảnh) là phóng viên nhiếp ảnh của địa phương được tăng cường cho tổ phóng viên chúng tôi, đang đi với bộ phận tiền phương của Ban Tuyên huấn Quảng Đà, tìm thăm tôi báo một tin rụng rời. Anh Trần Văn Anh, Ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà, Tổng biên tập báo Giải phóng (cho nông thôn) và báo Cờ Giải phóng (cho đô thị) của Quảng Đà vừa hy sinh một ngày trước đó. Anh Hy lập tức đưa tôi tìm thăm Hải Học, học cùng lớp với tôi ở Đại học Tổng hợp văn, vào chiến trường trước tôi và lúc đó đang là phóng viên báo Giải phóng và Cờ Giải phóng Quảng Đà. Hải Học kể lại, được chỉ thị của Thường vụ Tỉnh uỷ, từ căn cứ, anh Trần Văn Anh và các anh ở báo Quảng Đà trở lại vành đai Đà Nẵng làm nhiệm vụ. Ngày 29/12/1968, vừa từ Gò Nổi vượt sông Thu Bồn đặt chân lên đất Điện Thái thì một máy bay trinh sát thình lình xuất hiện. Các anh vội chui vào một hầm tránh pháo dưới bụi tre gẫy gục. Chiếc trinh sát quần mấy vòng thì có tiếng ầm ì của máy bay phản lực và sau đó một chiếc F105 quần đảo trên bầu trời quanh khu vực. Chiếc trinh sát lao xuống phóng quả rốc két chỉ điểm chỉ cách miệng hầm mấy mét, khói sặc sụa cả căn hầm. Các anh vừa lao lên chạy được mấy mét thì chiếc F105 lao xuống cắt bom. Sau loạt bom, nghe tiếng kêu:
-Mình bị thương rồi các cậu ơi!
Các anh đổ xô lại thì thấy anh Trần Văn Anh đang gượng ngồi bệt trên mặt đất, đưa tay đỡ chiếc đùi dập nát của mình. Anh nói:
-Các cậu coi, bị ri còn mần ăn chi được nữa!
Đưa anh vào bờ tre rậm ven một làng trắng, các anh ở báo ra sức cầm máu cho anh nhưng vô hiệu. Vết thương qúa nặng, một chiếc đùi bị phá nát hoàn toàn, chỉ còn dính hờ với cơ thể bằng một mảnh da mỏng sau mông. Anh Anh đưa tay ôm từng người, nói :
– Chắc mình không qua được đâu. Các cậu ở lại đùm bọc nhau làm việc cho tốt, mình mừng. Có đi công tác Hòa Vang nhớ ghé qua nhà, nói mình gửi lời thăm chị (bà chị ruột duy nhất còn lại của anh) thăm tất cả.
Vừa dứt câu cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Năm ấy anh mới 38 tuổi. Trong bức ảnh, anh là người nhiều tuổi nhất, đứng thứ hai ngay cạnh Trọng Định.
Bốn năm sau, đêm 21 rạng sáng 22/5/1972, máy bay B52 ném bom rải thảm trúng cơ quan phía trước của Ban Tuyên huấn tỉnh uỷ Quảng Đà đóng tại núi Hòn Tàu huyện Duy Xuyên – Quảng Nam. Anh Hoàng Kim Tùng (người đứng vị trí thứ 6 trong ảnh), Phó tổng biên tập kiêm Bí thư chi bộ báo Giải phóng và báo Cờ Giải phóng Quảng Đà cùng bốn cán bộ Ban Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh trong hang đá, bị các khối đá lớn nặng hàng chục tấn đè lên nên không bốc cất hài cốt được suốt giai đoạn chiến tranh.
Chưa đầy một năm sau, năm 1973 anh Trịnh Xuân Hy (người đứng thứ 5 trong bức ảnh), là người giúp đỡ, giới thiệu tôi vào Đảng cũng anh dũng hy sinh trên đường công tác .
Như vậy, tám nhà báo có mặt trong bức ảnh thì bốn đã là liệt sĩ. Bốn người còn sống sót sau chiến tranh thì đã không biết bao lần bị pháo dập, bị bom tọa độ, bom B52 rải thảm vùi lấp. Riêng anh Đinh Trọng Quyền (người đứng thứ 3 trong bức ảnh) là Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ phóng viên VNTTX tại Quảng Đà, người đọc quyết định và tuyên bố kết nạp tôi vào Đảng ở chiến trường là thương binh nặng 2/4. Anh may mắn sống sót một cách hy hữu, mà đến tận giờ mỗi khi nghĩ lại vẫn không dám tin. Đầu tháng 10/1969, anh Trọng Quyền dẫn tổ phóng viên VNTTX biệt phái tại Quảng Đà mang theo cả điện đài đến bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn tỉnh uỷ Quảng Đà để phục vụ chiến dịch tiến công và nổi dậy Xuân 1969. Trên đường hành quân, vừa tới xã Sơn Phúc, huyện miền núi Quế Sơn thì trực thăng Mỹ đổ quân mở cuộc càn lớn. Để anh em trong tổ ở lại Sơn Phúc, anh Trọng Quyền và anh Nguyễn Vĩnh Luân, phóng viên trong tổ vượt ra tìm đường đến bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn tỉnh uỷ Quảng Đà để xin ý kiến về hoạt động của tổ phóng viên trước nguy cơ có thể mắc kẹt trong vòng vây cuộc càn lớn của địch. Nhưng không may, ngay trong buổi chiều đầu tiên chia tay tổ, trên đường tìm tới bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ, cả anh Nguyễn Vĩnh Luân và anh Trọng Quyền đều bị thương nặng vì trúng đạn pháo địch. Anh Quyền bị mảnh pháo cưa mất bàn chân phải và “hớt“ mất một phần bắp chân trái, nhưng bàn chân phải của anh chưa đứt hẳn vẫn còn một chiếc gân giữ lại. Anh Quyền còn đủ bình tĩnh lấy con dao mang theo tự mình cắt đứt chiếc gân này. Khi anh Quyền tìm đến được bệnh xá ở núi Hòn Tàu, nhiều đoạn dốc đá cheo leo phải bò, lết máu chảy đầm đìa thì vết thương của anh đã bị nhiễm trùng nặng, hoại tử, phải cưa sát đầu gối. Không có thuốc giảm đau, chỉ có nước i-ốt sát trùng, anh Quyền phải cắn răng chịu đựng để bác sĩ cưa từng đoạn xương chân. Lính Mỹ càn vào bệnh xá, anh được đưa xuống giấu dưới một hang đá, sau đó che lấp cửa hang lại. Ngay phía trên hang đá là sân bay trực thăng dã chiến, phía dưới là một tiểu đoàn Mỹ đóng quân. Suốt tháng trời giấu mình trong hang đá, nước mưa từ trên hang nhỏ xuống ướt khắp người, vết thương nhiễm trùng nặng, lúc nhúc những giòi… Vậy mà khát vọng sống, niềm tin mãnh liệt của anh – một nhà báo – một chiến sĩ vào chiến thắng cuối cùng, đã thắng.
Nguyễn Trọng Định, Trần Văn Anh, Hoàng Kim Tùng, Trịnh Xuân Hy – bốn nhà báo – liệt sĩ và cũng là bốn nhà báo – chiến sĩ, một danh xưng giản dị mà cao cao quý, không phải bất cứ nền báo chí nào trên trái đất này cũng đều có được. Gần 400 nhà báo đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Cuộc đời mỗi nhà báo – liệt sĩ gửi lại với đời đều là những tác phẩm lớn được viết bằng máu. Sự hy sinh của các anh, các chị đã gieo mầm cho sự sống hôm nay…
Chiến tranh kết thúc, nhưng cuộc sống với biết bao trách nhiệm, nghĩa vụ và lo toan vẫn cất bước. Người còn sống và cả người đã ra đi vẫn hàng ngày hiện diện trong cuộc sống hôm nay. Sau ngày giải phóng, chị Hoàng Thị Hường cùng ba con của anh Trần Văn Anh giờ đã trưởng thành, về tìm lại mộ chồng, mộ cha thì hoàn toàn thất vọng. Bom đạn tàn phá nặng nề, hố bom chồng lên hố bom, máy cầy của Mỹ cầy ủi, xới tung từng vạt đất làm thay đổi địa hình, xóa đi những vật chuẩn đến nỗi bạn bè từng chôn cất anh Anh ngày nào cũng phải ngỡ ngàng. Họ đã mày mò tìm kiếm, nhưng không sao xác định được chỗ chôn hài cốt của anh. Nhưng rồi hình như “trời cũng có mắt”, năm 1993, nghĩa là sau 25 năm anh Anh hy sinh, với sự giúp đỡ của các nhà ngoại cảm, chị Hoàng Thị Hường, vợ anh đã tìm được mộ chồng giữa một vùng bình địa đang ngập tràn mầu xanh của mía, của bắp và lúa. Rồi 39 năm sau ngày hy sinh, ngày 7/8/2011 công tác tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ Hoàng Kim Tùng cũng đã thành công, khi những tảng đá lớn hàng chục tấn chồng chất trên cửa hang được đơn vị công binh nổ mìn khai phá và các thợ xẻ đá đêm ngày khoan, cắt, mở đường quyết tâm tìm kiếm quy tập hài cốt các liệt sĩ. Chiếc đồng hồ liệt sĩ Hoàng Kim Tùng khi sống thường đeo, được tìm thấy, còn nguyên vẹn, dừng kim ở ngày 24/5/1972 (sau hai ngày bị dội bom). Vợ anh, chị Hoàng Thị Thọ và con trai anh, cháu Hoàng Anh Tuấn đã nhận chiếc đồng hồ kỷ vật và đón anh về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Đông Hà, quê anh. Hài cốt liệt sĩ Trịnh Xuân Hy cũng đã được tìm thấy, giờ anh yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ nơi anh đã cất tiếng chào đời – xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Chỉ còn nhà báo – nhà thơ – liệt sĩ Nguyễn Trọng Định là giờ vẫn chưa tìm được hài cốt, mặc dầu báo Nhân Dân và gia đình đã bao năm tìm kiếm. Hài cốt của anh đã tan hòa trong đất Điện Bàn, Quảng Nam, nơi anh nguyện nhận là quê hương dù không cất tiếng chào đời, nơi sinh ra anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi mà anh đã đến tận nơi rồi đổi cả sinh mạng mình cho bài viết, nơi đã cho anh những rung cảm sâu sắc để anh gửi lại đời những vần thơ hay đến vô cùng về đất nước, về tình yêu, trong đó có bài thơ cuối cùng “Gửi em” anh đọc cho tôi chép trong ánh hoàng hôn của chiến trường 52 năm trước. Anh vẫn hiện diện trong cuộc sống hôm nay, trong các tập thơ được xuất bản, trong các bài thơ của anh được in trên báo và vang trong các buổi Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, trong hội thảo, trong hồi ức bạn bè, đồng nghiệp và cả trong nhắc nhớ của những người thân yêu của anh.
Còn bài thơ “Gửi em”, vì lý do rất riêng, mãi 42 năm sau ngày anh hy sinh tôi mới chuyển được tận tay người yêu của anh cùng những lời dặn dò cuối cùng, khi một chiều cũng nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) chị đến thăm tôi. Khi đó chị đã về nghỉ hưu sau nhiều năm đảm trách cương vị Vụ trưởng một vụ quan trọng của báo Nhân Dân, còn tôi cũng đã về nghỉ hưu sau những năm tháng sóng gió, thăng trầm của đời làm báo. Tôi và chị có dịp hiếm hoi ngồi với nhau để nhớ về Trọng Định, nhớ về những kỷ niệm mối tình đầu của chị. Đó là một chiều Hà Nội vần vũ cơn giông và mưa rất to. Chị nói:
– Em và anh Định yêu nhau chưa được một năm thì anh ấy vào chiến trường và hy sinh. Đấy là mối tình đầu của em. Ngày được tin anh ấy hy sinh em khóc hết nước mắt, những tưởng gục ngã, không đứng lên được nữa. Nhưng rồi con người ta cũng phải sống, đúng không anh. Rồi em lấy chồng và chăm nom cho mái ấm gia đình mình đến giờ. Đời em chỉ có hai người đàn ông vậy thôi. Với anh Định, thời gian yêu nhau chưa đầy một năm, anh ấy đã vĩnh viễn ra đi. Dẫu con số tháng năm không bao nhiêu, nhưng nào đâu có thể thiếu được trong toàn bộ đời sống tâm hồn của một con người, phải không anh. Tình yêu của chúng em hết sức bình thường, giản dị như tất cả các đôi lứa yêu nhau, chờ đợi, hy sinh trong chiến tranh. Chẳng có gì đặc biệt cần viết cả. Nhưng nếu viết về anh Định mà anh thấy cần nhắc về tình yêu của chúng em thì anh cứ viết. Chỉ có điều bức ảnh chụp hai chúng em thấm máu anh Định lúc anh ấy hy sinh thì xin anh không công bố. Con người ta, không phải vì hoàn cảnh đâu, mà cái chính em nghĩ vẫn cần có những điều cần giữ cho riêng mình…
Trước lúc chia tay, chị nói: “Còn bài thơ Gửi em anh Định đọc cho anh chép từ buổi chia tay lần cuối 42 năm trước, anh vẫn giữ thì giờ anh đọc cho em nghe đi. Em cám ơn anh rất nhiều. Nhưng anh không phải chép lại cho em đâu. Anh đọc cho em rồi anh công bố như lời dặn dò của anh Định. Như thế, em nghĩ, ở thế giới bên kia nếu như có thế giới đó, chắc anh Định sẽ hài lòng. Anh ấy sẽ phù hộ cho em và cả cho anh mọi sự tốt lành trong thế giới bên này anh ạ! “.
Trong căn phòng ngưng đọng kỷ niệm, lặng lẽ với thế giới mưa gió bên ngoài, tôi xúc động đọc những vần thơ cuối cùng Định gửi lại với đời:
GỬI EM
Đừng hỏi anh từ đây đến em
Qua mấy bến phà
Sông Lam hay sông Mã
Đừng hỏi anh từ đây đến em
Qua bao vùng bom nổ
Hà Tĩnh, Nghệ An
Bởi có gì đâu hỡi em yêu
Chuyến phà anh sang là chuyến phà đêm ấy
Chúng mình về quê ngoại
Có một giọng hò lảnh lót ngang sông
Bởi nằm dưới chùm pháo sáng cuồng điên
Anh vẫn nhớ vầng trăng công viên tháng bẩy
Trên vai em
Ánh trăng xanh như một tầu lá chuối
Sau dịu ngọt cơn mưa
Bởi không gian chẳng làm xa cách tình yêu
Bởi anh vẫn chuyện trò với em
những lúc đạn bom
những khi vắng vẻ
Bởi nếu mặt trời kia chưa vỡ ra từng mảnh
Thì làm sao anh có thể xa em
Những giọt nước mắt lặng lẽ trên gương mặt chị Kim. Tôi cũng cay khoé mắt. Không hiểu sao lúc ấy tôi chợt nghĩ, ước gì có một bài bình thật hay, thật sâu sắc về bài thơ tình đẫm máu này, và ước gì có nhạc sĩ tài hoa nào đó phổ nhạc bài thơ này… Trong tâm trí tôi hiện lên hình ảnh buổi chiều 52 năm trước, tại mảnh vườn nhà cơ sở thuộc một xóm nhỏ của xã Xuyên Thanh, huyện Duy Xuyên (Bắc Quảng Nam – Đà Nẵng), 8 nhà báo chúng tôi từ nhiều vùng quê và cơ quan báo chí chụp với nhau bức ảnh ghi lại phút đầu hội ngộ trên chiến trường, và rồi, thật đậm nét hiện lên hình ảnh Nguyễn Trọng Định mặc bộ đồ bà ba đen, đi chân đất, vai đeo xắc-cốt, lưng đeo ba lô tất tả chia tay tôi trong chạng vạng hoàng hôn chiến trường 52 năm trước. Đấy là hình ảnh cuối cùng về Định trong cõi nhân gian này.■
Trần Mai Hạnh
(Theo Tạp chí Phương Đông)