Một cuộc gặp gỡ tại Tokyo: Komatsu Kiyoshi, Wesley Fishel và sự can thiệp của Mỹ tại Việt Nam

Ngô Bắc dịch

Nguồn: Joseph G. Morgan, A Meeting in Tokyo: Komatsu Kiyoshi, Wesley Fishel, and America’s Intervention in Vietnam, Journal of American-East Asian Relations 20 (2013), các trang 29-47.

Tóm tắt:
Mùa hè năm 1950, nhà chính trị học Mỹ Wesley Fishel đã gặp gỡ nhà văn và hoạt động chính trị Nhật bản Komatsu Kiyoshi, người đã giới thiệu vị giáo sư với các nhà lãnh đạo phe dân tộc chủ nghĩa Việt Nam, Cường Để và Ngô Đình Diệm. Cuộc gặp gỡ này đã có một tầm quan trọng lớn lao cho chức nghiệp của Fishel khi ông trở thành một trong những chuyên viên sớm nhất của Hoa Kỳ về Việt Nam cũng như một nhà hàn lâm tích cực tìm cách ảnh hưởng đến chính sách của Hoa Kỳ về Việt Nam. Các cuộc nói chuyện cũng đã mang lại cho ông Diệm cơ hội để mở rộng các cuộc tiếp xúc của ông với những người Mỹ có thể giúp đỡ ông ta trong nỗ lực của ông để trở thành nhà lãnh đạo một nước Việt Nam độc lập. Bài nghiên cứu này trình bày các cuộc gặp gỡ của Fishel với người Việt Nam cũng như các toan tính của Komatsu để phát huy thời vận chính trị của họ. Bài viết cũng bàn luận về các hậu quả mà các cuộc thảo luận này đã có đối với các cá nhân liên can, đặc biệt là ông Diệm và Fishel, cũng như sự tin tưởng chung của Komatsu và Fishel rằng các cường quốc bên ngoài có thể đóng một vai trò xây dựng trong việc hướng dẫn Việt Nam tiến tới nền độc lập. Các quan điểm trong bài viết đều là của tác giả hoặc của những nhân vật được trích dẫn.

***
Tháng Tám năm 1950 tại Tokyo, Wesley R. Fishel, một giáo sư chính trị học người Mỹ, đã gặp gỡ Ngô Đình Diệm, một nhân vật dân tộc chủ nghĩa Việt Nam theo đạo Công Giáo, người vừa bắt đầu của hành trình sẽ trở thành một cuộc lưu vong lâu dài ra khỏi xứ sở của ông ta vào lúc đất nước đang trải qua một cuộc chiến tranh đẫm máu và kéo dài giành độc lập. Cuộc gặp gỡ này đã để lại những hệ quả quan trọng cho cả hai người. Với ông Diệm, cuộc gặp gỡ đã mở rộng sự tiếp xúc của ông với giới hàn lâm và viên chức Mỹ và đánh dấu sự khởi đầu của một mạng lưới những người Mỹ ủng hộ, thường được gọi là “Nhóm Vận Động Cho Việt Nam: Vietnam Lobby”, những người hậu thuẫn sự lãnh đạo của ông trên phần đất đã trở thành Nam Việt Nam sau khi ông giành được quyền lực chính trị vào năm 1954. Đối với Fishel, cuộc gặp gỡ đã hướng chức nghiệp chuyên môn của ông ra khỏi việc nghiên cứu chính trị Nhật Bản và Trung Hoa đến một tiêu điểm về Việt Nam, nhưng nó cũng đã dẫn dắt ông trở thành một kẻ tham dự vào các quyết định về chính sách với tư cách một cố vấn cá nhân cho ông Diệm và một tham vấn cho các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, công việc có ý nghĩa nhất của Fishel liên can đến vai trò mà ông đã nắm giữ trong việc tổ chức và cầm đầu một nhóm trợ giúp đại học huấn luyện các công chức và cảnh sát của ông Diệm, Nhóm Đại Học Tiểu Bang Michigan: Michigan State University Group [MSUG], nhóm mà các hoạt động trong thập niên 1950 đã phản ảnh sự cam kết gia tăng của Mỹ cho sự sống còn của một quốc gia chống cộng tại Việt Nam.(1)

Các cuộc thảo luận giữa Fishel và ông Diệm đã diễn ra khi chính phủ Hoa Kỳ tự cam kết dính líu nhiều hơn vào cuộc xung đột đang leo thang tại Đông Dương thuộc Pháp. Kể từ khi chiến tranh bùng nổ hồi năm 1946, Hoa Kỳ đã cung cấp sự ủng hộ kín đáo cho cuộc đấu tranh của Pháp chống lại Việt Minh do cộng sản cầm đầu bất kể sự ngờ vực về xác suất thành công của Pháp trong việc giành lại thuộc địa cũ của họ. Thái độ này đã thay đổi vào khoảng năm 1949 khi chính phủ Pháp ký kết các hiệp ước hứa hẹn nền độc lập sau rốt cho chế độ chư hầu của nó, Quốc Gia Việt Nam, được lãnh đạo bởi cựu hoàng Bảo Đại và sau khi Đảng Cộng Sản Trung Hoa giành được sự kiểm soát đại lục Trung Hoa. Hoảng sợ bởi viễn ảnh về sự thắng thế hơn nữa của Cộng Sản tại Á Châu, chính quyền của Tổng Thống Harry S. Truman và các cố vấn của ông cũng đã chấp thuận các gói viện trợ khiêm tốn cho Pháp và các đồng minh Đông Dương của họ, vốn được gia tăng một cách đáng kể sau khi có sự bùng nổ Chiến Tranh Triều Tiên trong Tháng Sáu, 1950. Vào lúc Fishel gặp ông Diệm tại Tokyo, Hoa Kỳ vững tâm trên con đường thực hiện một nỗ lực quan trọng để tránh né một chiến thắng của cộng sản tại Việt Nam và các nhà lãnh đạo của Mỹ đã tìm kiếm sự trợ lực của bất kỳ người Việt Nam nào có thể giúp họ đạt được mục đích này.(2)

Phó Giáo sư Wesley R. Fishel của Đại học Michigan và Tổng thống Ngô Đình Diệm (Ảnh trong Kho lưu trữ và sưu tập lịch sử của Đại học Michigan)

Trong bầu không khí trầm trọng của Chiến Tranh Lạnh tại Đông Á và Đông Nam Á, sự giới thiệu ông Fishel với ông Diệm đã diễn ra thông qua các nỗ lực của Komatsu Kiyoshi, một văn sĩ và thông dịch viên người Nhật, cũng là một người hoạt động chính trị độc lập. Komatsu đã sống tại Pháp trong những năm giữa thế chiến, trở thành bạn với các nhân vật văn chương như André Malraux và André Gide và đã phiên dịch một số tác phẩm của họ sang Nhật ngữ. Trong Thế Chiến II, Komatsu đã dàn xếp đến Đông Dương thuộc Pháp với tư cách một cố vấn của phái bộ ngoại giao Nhật Bản tại thuộc địa. Ở đó, ông đã viết các tài liệu tuyên truyền giải thích các mục tiêu chiến tranh của Nhật Bản, nhưng cũng tiếp xúc với các nhân vật phe dân tộc chủ nghĩa Việt Nam thúc đẩy sự tự do nhiều hơn khỏi sự kiểm soát của Pháp. Do đó Komatsu đã gặp và trợ giúp Ngô Đình Diệm, vị tổng thống tương lai của Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, ông đã dành phần lớn năng lực của mình để trợ giúp Cường Để, một thành viên luu vong của hoàng tộc Việt Nam cư ngụ tại Nhật Bản, vận động sự bổ nhiệm Cường Để làm nhà lãnh đạo của một quốc gia Việt Nam độc lập. Komatsu tiếp tục ủng hộ các tham vọng chính trị của Cường Để sau khi thế chiến chấm dứt và ông đã gặp Wesley Fishel trong thời gian này.

Komatsu Kiyoshi

Các hoạt động của Komatsu tại Đông Dương thời chiến tranh đã được nghiên cứu và phân tích bởi một số học giả, đặc biệt là nhà sử học Vĩnh Sính.(3) Một tiểu sử gần đây về Cường Để của tác giả Trần Mỹ Vân cũng trình bày sự ủng hộ của Komatsu đối với Cường Để trong Thế Chiến II và hồi kết cuộc của nó.(4) Tuy nhiên, điều ít được hay biết hơn về các quan hệ thời hậu chiến của Komatsu với những người Mỹ tại Tokyo và các nỗ lực của ông để vận động cho cả Cường Để lẫn Ngô Đình Diệm thành những nhà lãnh đạo của một quốc gia độc lập khi quốc gia đó đã trở thành một chiến trường Chiến Tranh Lạnh. Một khảo sát các tài liệu của chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là các tài liệu của Bộ Ngoại Giao, và các tài liệu cá nhân của Wesley Fishel, đã chiếu rọi ánh sáng đáng kể vào hoạt động của Komatsu nhân danh các nhân vật dân tộc chủ nghĩa Việt Nam chống cộng sản và về vai trò mà ông ta đóng giữ trong việc trui rèn một tình thân hữu giữa ông Diệm và Fishel. Các nỗ lực của ông ta để mang hai người lại gần nhau cũng cho thấy rằng nhà trí thức Nhật Bản này không hề từ bỏ hy vọng rằng một nước Việt Nam độc lập có thể được thiết lập với sự ủng hộ ngoại quốc, bất luận được cung cấp bởi Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Hơn nữa Fishel, giống như bản thân Komatsu, đều tin tưởng rằng xứ sở của mình, trong trường hợp này là Hoa Kỳ, có thể uốn nắn một cách tích cực tương lai của Việt Nam, một xác tín mà trong cả hai trường hợp, bị chứng tỏ là khiếm khuyết một cách bi thảm.

Sinh năm 1901, Komatsu đã phát triển các năng khiếu viết lách và một sự thông thạo các ngoại ngữ tại bậc trung học, và sau đó ông đã can dự vào chính trị phe chủ nghĩa xã hội khi là một sinh viên đại học. Năm 1921 ông du hành sang Pháp, và trong hai mươi năm kế đó, đã di chuyển qua lại giữa hai nước. Trong thời gian này, ông đã tạo nên một tình bạn thân cận với văn sĩ và nhà hoạt động Pháp, André Malraux, người mà, như tác giả Vĩnh Sính có viết, “không gì khác hơn một kiểu mẫu sống động cho Komatsu qua “việc chứng tỏ cho ông thấy khả tính của việc kết hợp các thành tố cốt yếu của một nhà hoạt động chính trị với một nghệ sĩ ở một trình độ cao cấp”.(5) Sự lưu trú của Komatsu tại Pháp cũng đánh đấu bước khởi đầu của sự chú ý của ông đến Việt Nam sau khi ông trở thành bạn với một Hồ Chí Minh trẻ tuổi và các nhà lưu vong Việt Nam khác sinh sống tại Paris. Sự can dự này sâu xa thêm vào đầu thập niên 1940 sau khi ông trở về từ Pháp. Năm 1941, Komatsu đã trở thành một phần của giới những người ủng hộ Cường Để, một thành viên của hoàng tộc Việt Nam đã từng tham gia vào các hoạt động cách mạng chống lại các chủ nhân thực dân Pháp của Việt Nam từ hồi đầu thế kỷ 20.(6) Ông đã tích cực vận động cho chính nghĩa của Cường Để sau khi bắt đầu làm việc với tư cách một cố vấn cho các trung tâm văn hóa thuộc các văn phòng ngoại giao Nhật Bản tại Hà Nội và Sài Gòn năm 1943. Giờ đây tại Việt Nam, Komatsu đã tiếp xúc với các đồng minh chính trị của nhà lưu vong [Cường Để], bao gồm cả Ngô Đình Diệm. Khi các nhà chức trách Pháp tìm cách bắt giữ ông Diệm bởi ông này toan tính thành lập một đảng chính trị bí mật, Komatsu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ ông Diệm. Nhiều năm sau này, Wesley Fishel có nói với các nhà ngoại giao Mỹ rằng “ông Diệm ghi nhớ Komatsu và một Ishida [Masao] nào đó về việc đã cứu mạng ông Diệm”.(7) Khi quân đội Nhật Bản lật đổ chế độ thực dân Pháp hồi Tháng Ba, 1945, Komatsu đã vận động cho sự cử nhiệm Cường Để làm người cầm đầu một chính phủ Việt Nam mới, nhưng các chỉ huy quân sự Nhật Bản đã quyết định duy trì Bảo Đại làm vua Việt Nam.(8) Sự chiến thắng của phe Đồng Minh hồi Tháng Tám, 1945 đã kết liễu ước mơ của Komatsu về việc vận động cho nền độc lập của Việt Nam dưới sự giám hộ của Nhật Bản. Tuy nhiên, ông vẫn ở lại nước này trong vài tháng khi ông làm việc với các viên chức Nhật Bản trong việc phục vụ như các trung gian giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh và các lực lượng Pháp quay lại Việt Nam.(9)

Sự quan tâm của Komatsu đến Việt Nam không chấm dứt khi ông rời xứ sở này trong năm 1946, và sau này ông có tuyên bố rằng sự can dự của ông ta vào các sự vụ của dân tộc đó đã là một trong những kinh nghiệm xúc động nhất trong cuộc đời ông. “Chưa bao giờ trong đời sống chính trị của tôi”, ông viết, “mà tôi lại sống trong chính trị nhiều cho bằng bốn năm đó tại Việt Nam. Đó chính là một đam mê gần như nhiệt thành của nghệ thuật sáng tạo mà tôi đã tự hiến mình cho phong trào độc lập của xứ sở này”.(10) Komatsu vẫn duy trì các liên hệ của ông với Cường Để như một ông hoàng lưu vong giờ đây đã hướng đến các thẩm quyền Mỹ trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ cho một sự quay trở lại chính trị. Cường Để đã gửi các lá thư đến Tổng Thống Harry Truman yêu cầu “một số sự giúp đỡ” trong việc giành thắng “độc lập, tự do và dân chủ cho Việt Nam”, nhưng ông đã không nhận được sự phúc đáp.(11) Trong khi đó, Komatsu vẫn tiếp tục sự trợ giúp của ông cho Cường Để. Wesley Fishel sau này có tường thuật rằng Komatsu “hành động như cố vấn chính trị không chính thức cho Cường Để” và một tài liệu tình báo quân đội Hoa Kỳ về một cuộc phỏng vấn với Cường Để có nói rằng “ông Komatsu” đã phục vụ như một trung gian giữa Cường Để và những người ngoại quốc.(12)

Kỳ Ngoại Hầu Cường Để

Cường Để sau rốt đã toan tính quay trở về Việt Nam trong Tháng Sáu 1950 bằng việc đi tàu đến Bangkok. Trước khi khởi hành, ông đã mở tiệc dành cho người Việt Nam và Nhật Bản, kể cả Komatsu, người đã ủng hộ ông trong suốt thời gian lưu trú của ông tại Nhật Bản. Sau bữa tiệc tối, ông hoàng có gặp các thông tín viên và có nói với họ rằng ông đang trông ngóng sự trở về Việt Nam của ông. Ông đã đến Bangkok, nhưng nhà chức trách Thái Lan đã từ chối không cho phép ông lên bờ. Cường Để sau đó bị buộc phải quay trở lại Nhật Bản hồi đầu Tháng Bảy và đã dừng chân tại Hồng Kông. Cường Để một lần nữa cố gắng lên bờ, nhưng người Anh đã ngăn chặn ông. Lãnh sự Pháp tại thuộc địa [Hồng Kông] đã nói với Karl Rankin của tòa lãnh sự Hoa Kỳ rằng Cường Để đã không nộp đơn xin chiếu khán nhập nội Việt Nam và rằng sự nhập cảnh toan tính của ông là “không hợp pháp”. Ông ta cho biết rằng chính phủ Pháp phản đối sự hiện diện của Cường Để tại Việt Nam bởi “(1) các sự liên hệ của Cường Để với Nhật trong thời gian chiến tranh, (2) đẳng cấp cao của ông trong việc thừa kế ngôi vua, và (3) sự phiền hà từ sự hiện diện của các ông hoàng gây tốn kém và nhiều mưu mô tại Sài Gòn”.(13) Báo chí Hồng Kông đã bày tỏ tình cảm nhiều hơn đối với nhà cách mạng lớn tuổi và một tờ báo đã đề cập đến ông như một “thành viên tiếng tăm của hoàng tộc Đông Dương” là người “bị vây quanh bởi những điều huyền bí và các âm mưu từng nhấn chìm Đông Dương trong nhiều thập niên”.(14) Cường Để đã quay về Nhật Bản hôm 17 Tháng Bảy và Bộ Ngoại Giao [Hoa Kỳ] có nhận được tin về sự cập bến của ông. Điều cũng được nói rằng các thẩm quyền quân sự Hoa Kỳ “đã được thông báo về các bí danh khác nhau mà Hoàng Thân Cường Để được biết có sử dụng [chín biệt hiệu được liệt kê] và đã được yêu cầu hãy duy trì sự giám sát nghiêm ngặt để ngăn cản ông rời khỏi Nhật Bản mà không có phép bằng giấy tờ của Tổng Hành Dinh [Hoa Kỳ tại Nhật Bản]”.(15)
Wesley Fishel đã đến Nhật Bản không lâu trước khi có toan tính vượt thoát bị thất bại của Cường Để. Đối với Fishel, sự đến nơi lần này đánh dấu sự quay lại đất Nhật Bản. Ông đã du hành lần đầu tiên đến Nhật Bản trong mùa hè 1940 khi ông tham dự một hội nghị sinh viên Nhật-Mỹ được tổ chức tại Trường Cao Đẳng Tsuda College ở Tokyo.(16) Ông tốt nghiệp từ Trường Đại Học Northwestern một năm sau đó và đã sớm khởi sự nhiệm vụ quân dịch. Trong Lục Quân, Fishel đã được gắn lon sĩ quan cũng như được huấn luyện về tình báo và tiếng Nhật. Ông sau đó đã phục vụ trong một toán tình báo biệt phái đến Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến trong trận đánh giành đảo Iwo Jima để phiên dịch các tài liệu tiếng Nhật và tham dự vào các nỗ lực phần lớn vô hiệu nhằm thuyết phục các binh sĩ địch đầu hàng.(17) Trong những năm hậu chiến, Fishel đã quay trở về đời sống dân sự như một sinh viên cao học tại Đại Học University of Chicago, nhưng vẫn còn trong Quân Đội Trừ Bị cho đến thập niên 1950. Khi nghiên cứu cho luận án tiến sĩ của mình về các cuộc thương thuyết và sự chấm dứt hệ thống đặc quyền ngoại giao (extraterritoriality) tại Trung Hoa, ông đã thực hiện các cuộc phỏng vấn rộng rãi với các viên chức đương nhiệm và huu trí của Bộ Ngoại Giao và các nhà ngoại giao. Sau khi hoàn tất luận án tiến sĩ, ông đã gia nhập ban giảng huấn chính trị học tại Trường UCLA và đã ấn hành luận án của ông trong năm 1952.(18) Vị giáo sư mới được tuyển dụng đã khởi sự chức nghiệp của mình ngay vào lúc nhiều đồng sự hàn lâm của ông cũng như các nhà thiết lập chính sách tại Washington khởi sự hình thành các ý tưởng để giải quyết các vấn đề của các nước mới độc lập ở Phi Châu và Á Châu. Được khích lệ bởi sự thành công của một số chương trình phục hồi Tân Dự Án (New Deal) chẳng hạn như Cơ Quan Chức Trách Thung Lũng Tennessee và các nỗ lực tái thiết do Hoa Kỳ bảo trợ tại Âu Châu và Nhật Bản thời hậu chiến, các nhà lãnh đạo chính trị và các trí thức Mỹ đã kết luận rằng các chương trình tương tự có thể chuyển hóa các cựu thuộc địa trở thành các quốc gia hiện đại. “Các nhà hiện đại hóa gốc Mỹ,” Michael Latham viết, “thì tin tưởng về các viễn ảnh của sự tiến bộ khoa học và kỹ thuật, và họ đã nhìn các xã hội thời hậu thuộc địa là dễ uốn nắn tự nền tảng”.(19)

Phó Giáo sư Wesley R. Fishel của Đại Học Michigan và gia đình ông tại sân bay Sài Gòn. Ảnh chụp năm 1952.

Fishel đã chia sẻ các tín điều này và đã phác họa các quan điểm của riêng ông trong một bài viết được ấn hành trong tạp chí The Western Political Quarterly hồi Tháng Ba, 1950. Ông đã thảo luận về các biến chuyển tại Á Châu theo sau sự chiến thắng của Đảng Cộng Sản Trung Hoa năm 1949 và ông đã bày tỏ sự tin tưởng rằng mặc dù Hoa Kỳ phải đối diện với nhiều thử thách trong vùng, nó có thể khắc phục chúng một cách thành công. Nước Mỹ, ông đã tuyên bố, “đã gánh chịu hàng loạt các sự thất vọng gây chán nản, thậm chí kinh hoàng, tại vùng Viễn Đông”, và Hoa Kỳ “phải có hành động tích cực, táo bạo trong ý niệm, rộng rãi về phạm vi, mãnh liệt trong sự áp dụng” để chống lại các sự đảo lộn này. Trong khi làm việc này, Fishel nhấn mạnh rằng chính phủ Hoa Kỳ cần phải “có một lập trường tích cực trên các vấn đề của sự cải cách kinh tế và xã hội khắp vùng Viễn Đông” bởi cải cách “là đối thủ lớn nhất của cách mạng”. “Hoa Kỳ không thể hy vọng kiểm soát vùng Viễn Đông”, ông đã kết luận, “nhưng có thể thay đổi toàn diện sự thịnh vượng kinh tế và thái độ của vùng này để biến nó thành một cội nguồn của sức mạnh và sinh lực cho niềm tin dân chủ”.(20)

Fishel sớm tìm thấy một cơ hội để biến các ý tưởng này thành hành động khi ông đồng ý tham gia vào một chương trình của Đại Học University of California phục vụ cho các binh sĩ Hoa Kỳ trú đóng tại Nhật Bản trong mùa hè 1950. Trong khi chờ đợi khai giảng các lớp học, ông đã hoàn tất các dự án nghiên cứu về pháp chế bầu cử Nhật Bản thời hậu chiến và sự tái tổ chức bộ ngoại giao Nhật Bản. Quan trọng hơn, ông đã trở nên can dự một cách trực tiếp vào chính trị Việt Nam sau khi gặp gỡ Komatsu Kiyoshi. Dallas M. Coors thuộc Phòng Philippines và Đông Nam Á Sự Vụ, Bộ Ngoại Giao ghi nhận rằng Komatsu “có vẻ đã nhận ông Fishel như một kẻ được đỡ đầu (protégé), biểu lộ một ước muốn giáo dục ông về các sự vụ ở Đông Nam Á, với sự nhấn mạnh đặc biệt về Đông Dương”. Hơn nữa, Komatsu đã trao cho vị giáo sư “nhiều thư giới thiệu đến các cá nhân tại Đông Dương”. Vị giáo sư có nói với ông Coors rằng Komatsu đã giới thiệu ông với Cường Để và rằng cuộc gặp gỡ này đã diễn ra ngay trước khi có sự toan tính trở về Việt Nam bị thất bại của ông hoàng lưu vong này. Tiếp theo sau chuyến du hành, Fishel đã tường thuật rằng Cường Để “thật sự tin tưởng rằng Chính Phủ Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về việc ông không đặt chân được xuống vùng Đông Dương”.(21)

Một ít tuần sau khi gặp gỡ Cường Để, Fishel đảm trách các nhiệm vụ giảng dạy cũng như một số trách nhiệm bất thường khác. Một số tường thuật về các cuộc gặp gỡ của Fishel với Cường Để và ông Diệm tại Nhật Bản cáo giác rằng Fishel đã gặp gỡ các nhân vật lưu vong Việt Nam với tư cách một nhân viên hay cộng tác viên của Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA).(22) Bất kể nhiều năm đồn đoán, chưa bao giờ có bất kỳ bằng chứng nào rằng Fishel làm việc cho cơ quan tình báo, mặc dù, như sẽ được nhìn thấy, ông là một kẻ sẵn sàng thông tin cho Chính Phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Fishel có viết rằng ông đã bị gọi nhập ngũ với tư cách một quân nhân Lục Quân trừ bị hôm 4 Tháng Bảy, 1950, hơn một tuần sau khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Quân Đội đã bổ nhiệm Fishel làm Thiếu Úy của Ban Tình Báo Quân Sự thuộc Tổng Hành Dinh của Bộ Tư Lệnh Viễn Đông. Vị thế này cho phép ông tiếp tục làm việc trong chương trình Đại Học University of California và trở về Hoa Kỳ khi sự ủy nhiệm này chấm dứt hồi cuối mùa hè, nhưng phần lớn thời gian còn lại của Fishel tại Nhật Bản đã được dành cho các nhiệm vụ quân sự vốn có “một bản chất bí mật”.(23)

Trong khi Fishel thi hành các nhiệm vụ quân sự và hàn lâm của ông tại Nhật Bản, Ngô Đình Diệm chuẩn bị cho điều sẽ trở thành một cuộc lưu vong bốn năm xa Việt Nam. Không được tin tưởng bởi cả chế độ Bảo Đại và những kẻ bảo trợ người Pháp của nó, và đối diện với sự thù nghịch gia tăng của Việt Minh, ông Diệm đã cố gắng thúc đẩy vận mệnh chính trị của ông bằng cách du hành ra hải ngoại. Cùng với người anh là Giám Mục Ngô Đình Thục và một dược sĩ Công Giáo có tên là Nguyễn Viết Canh, ông Diệm đã nộp đơn xin chiếu khán cho phép ông và các người đồng hành đến Hoa Kỳ và Âu Châu. Donald Heath, trưởng phái bộ Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông báo với Washington rằng các hồ sơ đã được chấp thuận vào cuối Tháng Bảy. Ông cũng khuyến cáo Bộ Ngoại Giao hãy thực hiện một “nỗ lực đặc biệt” để chào đón các du khách này bởi “Khối Công Giáo cấu thành một trong các thành phần “đứng giữa” [fence sitting, thành ngữ có nghĩa trung lập, chưa quyết định ngả về bên nào, chú của người dịch] chính yếu [trong nguyên bản ghi principle [sic] có nghĩa rằng từ ngữ “principle: nguyên tắc” là sai lạc, phải là “principal: chính yếu, do cả hai từ có cách phát âm nghe giống nhau, chú của người dịch] hiện nay trong nước. Hơn nữa, Đại Sứ Heath cũng khuyến cáo phái bộ Mỹ tại Nhật Bản phải chú ý đến bất kỳ sự tiếp xúc nào mà ông Diệm có thể có với Cường Để trong lúc ông ta dừng chân tại nước đó.(24)

Các nhà ngoại giao Mỹ tại Nhật Bản đã theo dõi các hoạt động của ông Diệm trong nước này sau khi ông đến nơi vào cuối Tháng Tám và Wesley Fishel đã phục vụ như một trong các nguồn tin chính yếu cho họ. Các báo cáo của ông về ông Diệm và Cường Để được kèm theo các điện tín từ phái bộ Mỹ tại Đông Kinh gửi về Bộ Ngoại Giao. Fishel không được nêu tên trong các thư tín và ông chỉ đơn giản được gọi là “một nguồn tin Mỹ đáng tin cậy”.(25) Tuy nhiên, trong khi thảo một văn thư ghi nhớ cuộc đàm thoại trong Tháng Một, 1951, Dallas Coors có xác định Fishel như “nguồn của các báo cáo tình báo rất đáng lưu ý đệ trình bởi Tòa Đại Sứ tại Tokyo về Hoàng Thân Cường Để và các cuộc đàm thoại của hoàng thân với Giám Mục Thục và ông Ngô Đình Diệm”. Điều không hoàn toàn rõ rệt là liệu Fishel đã hành động với tư cách của ông như một sĩ quan tình báo Quân Đội trong việc gặp gỡ người Việt Nam hay không, khi cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra ngay trước khi có chuyến trở về Việt Nam không thành công của Cường Để và trong khoảng ba đến bốn tuần lễ trước khi Fishel được gọi tái ngũ. Tuy nhiên, vào Tháng Tám Fishel đã gửi các bản sao các báo cáo của ông đến Ban Tình Báo Quân Sự của Tổng Hành Dinh Bộ Tư Lệnh Viễn Đông cũng như đến Phái Bộ Ngoại Giao Mỹ, có nghĩa ông đã dối gạt phía Việt Nam khi ông phủ nhận “bất kỳ sự liên hệ chính thức nào” với các giới thẩm quyền Mỹ.(26) Với sự trợ giúp của các nhà hàn lâm như Fishel, Hoa Kỳ đang sử dụng Nhật Bản như một tiền đồn tình báo về các cuộc cách mạng đang âm ỷ tại Á Châu.

Tại một cuộc gặp gỡ với Komatsu, em (hay chị) gái của Komatsu, và Cường Để hôm 14 Tháng Tám, Fishel đã thảo luận sơ khởi chuyến du hành thất bại về Đông Dương của Cường Để. Kế đó ông có nói với các người đón tiếp ông rằng “tôi có hay biết (từ một “bạn học” tại SCAP)” về các kế hoạch của ông Diệm du hành đến Âu Châu qua ngả Nhật Bản và Hoa Kỳ. Trong báo cáo của ông về cuộc gặp gỡ, Fishel đã viết:

Đây rõ ràng sẽ là một chiếc chìa khóa kỳ diệu để mở nhiều cánh cửa; Cường Để đã biểu lộ sự lưu ý mạnh mẽ — và cả sự kích động, giống như Komatsu (người trước đây đã cung cấp cho tôi một lá thư giới thiệu với ông Ngô Đình Diệm tại Huế), và cả hai đã khởi sự sắp xếp tức thời để gặp gỡ ba người đi hành hương… Cả Cường Để lẫn Komatsu đều thúc giục tôi phải gặp Ngô Đình Diệm, và những người kia, bởi uy tín lớn lao của họ tại Đông Dương và khả năng của họ về việc chiếu rọi, một cách không chính thức, ánh sáng về các chiều hướng chính trị ở đó.

Hai người cũng hỏi sự cố vấn của Fishel về cách tiếp đón ông Diệm và các khách đồng hành ra sao và trong một lúc Komatsu “cười nói với Fishel rằng “Cường Để có thể dùng tôi làm cố vấn chính trị cho ông nếu tôi sẵn lòng”.”(27)

Ngoài việc nói về các khách đến thăm của họ, Cường Để và Komatsu có nói về các diễn biến và các nhân vật chính trị tại Việt Nam. Cường Để tỏ ý sẵn sàng làm việc với Pháp và Hoa Kỳ nếu Pháp đồng ý một kế hoạch độc lập theo mô hình đã được thực hiện bởi người Hòa Lan và dân Indonesia. Cường Để có nói rằng ông Diệm sẽ “đứng đầu một chính phủ dưới các tình huống như thế”. Ông cũng lên tiếng quan ngại rằng sự vắng mặt của cả Bảo Đại lẫn ông Diệm ở Việt Nam sẽ tạo ra “một khoảng trống chính trị nguy hiểm” mà “Hồ Chí Minh sẽ toan tính khai thác”. Komatsu đã cung cấp cho Fishel một sự phác họa cá tính của ông Diệm, hình dung ông ta là “một người theo đạo Công Giáo, thẳng thắn, can đảm, có uy tín lớn lao”. Ông Diệm, Komatsu tuyên bố, “là ‘Hoàng Thân Konoye của Đông Dương’”, chống Pháp, chống Cộng Sản, tiến bộ, cấp tiến, [và] một khả tính tốt làm một công cụ của Mỹ tại Đông Dương”.(28) Có lẽ sự so sánh này không hoàn toàn là điềm tốt lành; Konoye, mặc dù ông đã làm việc để né tránh chiến tranh với Hoa Kỳ và vào đầu năm 1945 đã cố vấn Hoàng Đế Hirohito tìm cách thương thảo, ông đã tự vẫn sau một thời phục vụ ngắn ngủi trong nội các Nhật Bản hậu chiến khi các thẩm quyền Chiếm Đóng tuyên bố ông là một Tội Phạm Chiến Tranh Hạng A.(29)

Các báo cáo của Fishel cũng cung cấp thông tin về cuộc sống của Komatsu cũng như các lượng định của Komatsu về Hồ Chí Minh, Bảo Đại, và Cường Để. Komatsu đã không nhìn Hồ Chí Minh như một người Cộng Sản đích thực [sic], mà như “một người theo Xã Hội Chủ Nghĩa Với Các Thủ Đoạn Bá Đạo kiểu Machiavelli: Machiavellian Socialist, người có động lực là sự độc lập của Đông Dương”. Tuy thế, Fishel có viết, “Komatsu nói họ Hồ giờ đây trở thành một kẻ chống Mỹ, và điều đáng nghi ngờ là ông ta còn có thể bị đánh bại nếu không có các biện pháp táo bạo về phía Hoa Kỳ”. Bảo Đại, theo ý kiến của Komatsu, “là một người trẻ tuổi thông minh, nhưng không có căn bản ủng hộ phổ biến trong dân chúng Đông Dương”. Komatsu khẳng định rằng “ngay dù ông còn tồn tại, nhờ một số cơ may xa xôi, ông ta sẽ không bao giờ có được sự trung thành của quần chúng”. Sau cùng, Komatsu đã đưa ra một số ý kiến phê bình về Cường Để, nói rằng “Cường Để thì già nua và quá đơn giản; ‘ông ta mang tinh thần chế độ cũ: ancien régime’; các vấn đề của Đông Dương thì phức tạp nhiều hơn điều ông ta tin tưởng”. Bản thân Fishel đồng ý với lượng định này và nói thêm, “Cường Để không chỉ yếu đuối và dễ bị ảnh hưởng, mà còn là một kẻ ưa mưu kế và xúi giục”.(31)

Các ông Diệm, Thục, và Canh đã đến Nhật Bản không lâu sau cuộc gặp gỡ hồi giữa Tháng Tám của Fishel với Cường Để và Komatsu. Hai anh em đã mau chóng đến gặp Cường Để và sau đó đã gặp Fishel. Không có tài liệu về sự hiện diện của Fishel tại các phiên họp đầu tiên với Cường Để, và hồi ký của Komatsu về các sự thương nghị của ông với Cường Để và ông Diệm, quyển Vetonamu, đã không đề cập gì hết đến bất kỳ sự dính líu nào của Mỹ.(32) Tuy nhiên, Fishel sau rốt đã gặp ông Diệm và ghi lại các cảm tưởng của ông trong một văn thư ghi nhớ mà ông đã gửi đến phái bộ Mỹ hồi cuối Tháng Tám. Ông nhìn ông Diệm như “một người cực kỳ sắc bén”, kẻ “nhìn các vấn đề chính trị một cách rõ ràng”. Trong một sự thảo luận về các chương trình chính trị của ông Diệm, ông đã viết rằng ông Diệm mong muốn được gặp “các nhân vật chính trị quan trọng’ tại Hoa Kỳ và đẻ “nói một cách thẳng thắn với họ về các vấn đề Đông Dương”. Ông Diệm có nói đến ao ước của ông cầm đầu một chính phủ Việt Nam và các mục đích mà ông ta hy vọng hoàn thành. Ông nói rằng ưu tiên trước mắt sẽ là có đủ viện trợ quân sự để ‘tổ chức và trang bị mười sư đoàn hầu giao chiến với họ Hồ và Trung Cộng”. Ông cũng sẽ đòi hỏi sự kiểm soát tài chính của Việt Nam và thiết lập một chính phủ có tính chất đại diện “thực sự thoát ra khỏi sự phủ quyết và kiểm soát của Pháp”. Trong việc thành lập chính quyền này, ông Diệm đã bày tỏ một mong ước bao gồm Cường Để, nhưng đã nhìn nhân vật dân tộc chủ nghĩa lưu vong này “có tầm quan trọng chủ yếu như một biểu tượng … chứ không phải như một nhà lãnh đạo”. Trong một ý kiến báo trước sự thiên vị dành cho khối Công Giáo một khi ông giành đoạt được quyền hành, ông Diệm đã nói với Fishel rằng “Khối Công Giáo là nhóm có tổ chức duy nhất tại Đông Dương, ngoại trừ phe cộng sản”. “Phần dân chúng còn lại”, ông khẳng định, “thì không có tinh thần và vô tổ chức”.(33)

Văn thư này cũng bao gồm các tin tức về các khách đồng hành với ông Diệm, Giám Mục Thục và ông Nguyễn Viết Canh. Văn thư ghi nhận rằng ông Thục ‘từ chối đi theo em ông trong bất kỳ cuộc thăm viếng nào có ý nghĩa chính trị; ông ưa thích việc tránh né sắc thái chính trị đến mức tối đa”. Ông Thục đã thực hiện “điều mà ông ta mệnh danh là “một cuộc hội kiến vì bổn phận” với Cường Để, nhưng Fishel nghĩ rằng cuộc nói chuyện “được đoan chắc nhất đã không thảo luận về các vấn đề chính trị”. Fishel cùng gọi ông Thục là “nhân vật chính yếu của chuyến du hành này; người em của ông chỉ là đại diện của tầng lóp giáo dân Công Giáo của Đông Dương và phải thích nghi lộ trình của mình với lộ trình của vị Giám Mục”. Mặt khác, Nguyễn Viết Canh bị nhìn, ngoài việc giúp đỡ tài chính, như thành viên ít quan trọng nhất của đoàn. Mặc dù là một “cá nhân rõ ràng thông minh, có cả hai bằng cấp về Dược Khoa và Luật Khoa”, Fishel đã nhận xét, “hai anh em đối xử với ông một cách bình thường và không tôn kính; cung cách của ông ta đối với họ lại hoàn toàn ngược lại”. Dù thế, ông ta “rất có thể đã tài trợ cho chuyến du hành của những người hành hương”.(34)

Ngoài việc gặp Fishel, ông Diệm và ông Thục còn gặp các viên chức Ngoại Giao của Phái Bộ Mỹ. Hai anh em đã nhắc lại một số điểm mà họ đã đưa ra trong các cuộc đàm thoại với Fishel, nhưng trái ngược với các nhận xét của ông với Fishel, ông Thục có nói thẳng thừng với các nhân viên ngoại giao rằng “mục đích của chuyến đi này là 100% chính trị”.(35) Tuy nhiên, ông Thục đã công khai phủ nhận một ý định như thế sau khi một bài báo trong ấn bản Anh ngữ của tờ Mainichi quả quyết rằng ông Diệm và ông Thục muốn “tổ chức một quyền lực thứ ba hầu thiết lập một chính phủ mới đại diện cho ý chí phổ quát của người dân Đông Dương”.(36) Charles N. Spinks, nhân viên Ngoại Giao tường thuật diễn biến này, đã chua chát nhận xét rằng “Bộ Ngoại Giao có thể quan tâm đến việc ghi nhận là liệu Giám Mục Thục trong những lần diễn thuyết tương lai có thận trọng hơn khi nói chuyện với các ký giả hay kiềm chế đưa ra các lời phát biểu chịu sự giải thích như là các ý kiến bình luận về các vấn đề chính trị”.(37)

Người Mỹ cũng để ý tới Komatsu và các ý kiến của họ phản ảnh một mức độ bất định về sự tin cẩn chính trị của ông ta. Charles Spinks, người đã gửi loạt báo cáo đầu tiên của Fishel về Bộ Ngoại Giao, nghĩ rằng Komatsu “rõ ràng có các liên hệ chặt chẽ với phe cộng sản”.(38) Bất kể sự cáo giác này, Bộ Ngoại Giao nghĩ rằng Komatsu có thể hữu dụng cho chính sách của Mỹ và đã yêu cầu phái bộ tại Tokyo hãy trợ giúp ông ta trong việc du hành đến một hội nghị tại Ấn Độ được tổ chức bởi Nghị Hội Tự Do Văn Hóa (Congress for Cultural Freedom), được Mỹ ủng hộ và được Cơ Quan CIA bí mật cấp ngân khoản. W. G. Sebald, nhà ngoại giao Mỹ cao cấp tại Nhật Bản, đã nghĩ rằng đề xuất này là “khờ dại” do sự gần cận của Komatsu với Cường Để.(39) Sebald cũng có viết trong một điện tín sau này rằng mặc dù Komatsu “có tiếng có sự liên hệ rộng rãi với cánh tả ở nước ngoài, đặc biệt tại Pháp”, ông ta “ít được biết đến tại Nhật Bản ngoại trừ trong giới văn hóa Pháp-Nhật”. Hơn nữa, ông có báo cáo rằng Komatsu đã không nhận được một sổ thông hành và nhiều phần sẽ không rời Nhật Bản.(40)

Các sự tiếp xúc của Fishel với Komatsu, ông Diệm và ông Thục vẫn tiếp tục sau khi ông rời khỏi Nhật Bản. Vào cuối Tháng Mười Hai, 1950, ông có gặp các viên chức Bộ Ngoại Giao tại Washington và đã lập lại nhiều điểm chính được phác họa trong các báo cáo mà ông đã viết vài tháng trước đó. Ông có nói với ông Coors rằng ông còn duy trì sự tiếp xúc với cả Komatsu lẫn Giám Mục Thục. Fishel rõ ràng có các ý nghĩ ngần ngại về các khả năng lãnh đạo của ông Diệm bởi ông nhận thấy ông Diệm thì mơ hồ và tổng quát trong các ý kiến của ông ta”. Mặt khác, ông Thục “thì thông suốt hơn trong hai anh em và rất có thể là lực lèo lái đằng sau ông Diệm. Khi nói về Cường Để, Fishel nói rằng hoàng thân “tin tưởng ông ta có thể rời Nhật Bản cách này hay cách khác bất kỳ khi nào ông muốn và rằng hy vọng chính yếu của ông là trở về để chết tại Đông Dương”.(41)

Giấc mơ của Cường Để được chết trên nơi sinh ra của ông tuy thế đã không xảy ra. Những người Mỹ theo dõi các hoạt động của ông sau mưu toan vượt thoát không thành của ông hồi mùa hè năm 1950 và chia sẻ các sự quan ngại của Pháp rằng ông có thể cố gắng rời khỏi Nhật Bản một lần nữa. Khi các nhà ngoại giao Pháp nêu lên vấn đề này tại Washington, Bộ Ngoại Giao có thông báo cho phái bộ Mỹ rằng sự ra đi của Cường Để sẽ có “ảnh hưởng xáo trộn nghiêm trọng” lên chính sách của cả Pháp lẫn Hoa Kỳ, và đã yêu cầu thực hiện các biện pháp để ngăn cản vị hoàng thân lưu vong này rời khỏi Nhật Bản.(42) Sự lo ngại này đã kết thúc vào ngày 6 Tháng Tư 1951, khi Cường Để từ trần vì chứng ung thư gan không được chẩn đoán trước đó. Một nhóm nhỏ những người Nhật Bản và Việt Nam ủng hộ Cường Để, kể cả Komatsu, đã dự một buổi lẽ tưởng niệm sáu ngày sau đó.(43) Ông Diệm đã chọn nơi cư trú tại Hoa Kỳ vào lúc Cường Để từ trần và trong một lá thư viết trong Tháng Sáu, ông đã ca tụng nhà cách mạng từ trần là một cá nhân “đã hoàn toàn dâng hiến đời mình cho chính nghĩa cao cả của cuộc đấu tranh giành độc lập”.(44) Ba năm sau khi giành được quyền lực năm 1954, ông Diệm đã công khai vinh danh hoàng thân lưu vong bằng việc tổ chức các buổi lễ đánh dấu việc đưa tro cốt của Cường Để về lại Việt Nam. Tờ Times of Vietnam, tờ báo Anh ngữ của chế độ ông Diệm, tường thuật rằng tổng thống đã đọc một bài diễn văn trước di cốt của Cường Để khẳng định rằng ông và hoàng thân đã là “hai đồng chí cách mạng từng sát cánh làm việc cho sự giải phóng dân tộc và độc lập của quốc gia”.(45)

Khi ông Diệm bắt đầu giai đoạn lưu trú hai năm tại Hoa Kỳ năm 1951, Fishel có giữ liên lạc và hành động như một người bạn tâm giao và một trung gian giữa ông Diệm và các viên chức thuộc Bộ Ngoại Giao. Ông cũng có trao đổi thư từ với Komatsu về triển vọng phiên dịch một số tác phẩm của ông này sang Anh ngữ.(46) Vào lúc ông Diệm được bổ nhiệm làm thủ tướng Quốc Gia Việt Nam năm 1954, Fishel đã chuyển đến Trường Cao Đẳng Michigan State College, nơi đã giành được quy chế trường đại học vào năm 1955. Ông nhận lời mời phục vụ như một cố vấn cho chế độ của ông Diệm và đã chấp nhận lời yêu cầu sau khi tham khảo với các viên chức tại Michigan State và Washington. Ông đã không chỉ trợ giúp ông Diệm trong việc tổ chức và bảo vệ chính phủ ông Diệm đối diện với sự chống đối cương quyết của Pháp và [các nhóm] Việt Nam, mà còn hành động như một trung gian giữa ông Diệm và cơ quan quản trị Đại Học Michigan State trong việc thành lập một toán cố vấn từ trường đó để huấn luyện viên chức hành chánh và cảnh sát Nam Việt Nam. Bản thân Fishel phụ trách toán này với tư cách cố vấn trưởng trong một nhiệm kỳ hai năm bắt đầu từ mùa xuân năm 1956.

Komatsu cũng giữ liên lạc với ông Diệm và ông đã quay lại Việt Nam lần đầu tiên trong mười năm vào ngay lúc Fishel đảm nhận các trách nhiệm lãnh đạo của mình trong Nhóm Đại Học Tiểu Bang Michigan. Đến Việt Nam với lời mời cá nhân của ông Diệm, Komatsu đã viết một loạt bài nói chung lạc quan về tình hình tại Việt Nam trên tờ Mainichi hồi mùa xuân 1956. “Nam Việt Nam”, ông tuyên bố, “sau cùng đã trở thành nước Việt Nam của người Việt Nam”. “Người dân trong nhiều năm đã từng là đày tớ của ngoại nhân trên xứ sở của chính họ, sau cùng đã đảm nhận vị thế chủ nhân ông”.(47) Ông đã ghi nhận công lao của ông Diệm khai sinh ra sự thay đổi này qua câu văn, “Đối với nền độc lập của quốc gia Việt Nam, họ Ngô đã đóng giữ vai trò trái tim trong một cơ thể”.(48) Komatsu đã lo ngại rằng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa [tức miền bắc Việt Nam bấy giờ, chú của người dịch] có thể sử dụng sự khuynh đảo chống lại chế độ Sài Gòn, một sự khai triển có thể dẫn đến một “cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn bi thảm”.(49) Ông cũng kín đáo lên tiếng quan ngại về tình trạng tham nhũng và các viên chức “không hiệu quả và vô khả năng” và ghi nhận một sự thiếu vắng tự do chính trị, nhưng đã bày tỏ niềm hy vọng “điều này này sẽ dần dà được cho phép”. Komatsu nghĩ rằng ông ta có thể đóng một vai trò trong tiến trình này bằng việc sửa chữa “các quan hệ giữa Tổng Thống họ Ngô và những người chỉ trích ông ta”, và bày tỏ “sự tin tưởng hoàn toàn về thành công của dự án này”.(50) Fishel cũng hy vọng rằng ông có thể thuyết phục vị tổng thống chia sẻ quyền hành một cách đồng đều hơn, nhưng một trong các đồng sự của ông ta đã kết luận một năm sau cuộc thăm viếng của Komatsu, “Trong khi ông Diệm đã thành công trong việc tập trung ngày càng nhiều hơn quyền hành về tay của chính ông (và điều này tiếp tục với một tốc độ phi mã), càng có ít sự lưu tâm hơn đến… các cố vấn [ngoại quốc]”.(51)

Sự tiếp xúc giữa Fishel và Komatsu trở nên rời rạc hơn vào khoảng giữa thập niên 1950. Tháng Mười Hai 1956, Fishel có ghé Tòa Đại Sứ Mỹ tại Tokyo khi ông tháp tùng một nhóm các viên chức Việt Nam trong một chuyến du hành đến nước này. Ông có thảo luận về quan hệ Nhật Bản – Việt Nam với một viên chức tòa đại sứ và đề cập đến mối liên hệ chặt chẽ của Komatsu với ông Diệm. Ông nói đến sự biết ơn của ông Diệm đối với Komatsu về sự bảo vệ mà ông này đã dành cho nhà lãnh đạo Việt Nam trong Thế Chiến II. Hơn nữa, Fishel có nói rằng ông Diệm “không chỉ kính trọng các thành quả trí thức của Komatsu, mà còn về các giá trị trong tình bạn của ông này”.(52) Sau đó ít năm, Fishel đã gửi một lá thư cho Komatsu thông báo rằng sau vài cố gắng, ông sẽ có thể ấn hành bản dịch một số bài viết của Komatsu trong một tạp chí nhân văn được in tại Đại Học Tiểu Bang Michigan, tờ Centennial Review of Arts and Science. Các bài viết này được cô đọng thành một bài duy nhất nhan đề “A Japanese Franc-Tireur Talks with Gide and Malraux”, đã được in ra trong số Mùa Đông năm 1960 của tờ Centennial Review.(53)

Fishel đã gặp Komatsu lần cuối cùng tại Nhật Bản hồi đầu thập niên 1960 với một học bổng của Guggenheim Fellowship để thực hiện một nghiên cứu về vấn đề các sự bồi thường của Nhật Bản dành cho các nước mới độc lập của Đông Nam Á. Vị giáo sư đã thảo luận vấn đề với tay súng bắn sẻ du kích (Franc-Tireur) gốc Nhật Bản, kẻ ủng hộ một chính sách trả tiền bồi thường cho Việt Nam Cộng Hòa. Komatsu đã nhìn khoản bồi thường “không chỉ như một vấn đề nguyên tắc”, mà còn như một phương tiện trợ giúp Việt Nam “tồn tại và phát triển sức mạnh”. “Chúng tôi không thể chịu được việc để cho Việt Nam bị sụp đổ, ông đã nói với Fishel, lập lại các chủ điểm trong các bài báo của ông trên tờ Mainichi. Komatsu cũng thông báo với Fishel rằng lập trường của ông về vấn đề này đã dẫn ông đến việc bị tấn công bởi các bè bạn của ông ta trong các đảng xã hội và đảng cộng sản Nhật Bản là các phe tán đồng sự bồi thường cho VNDCCH, chứ không cho chính phủ Sài Gòn.(54) Vào lúc Fishel ghi lại cuộc đàm thoại này, bản thân ông chất chứa sự ngờ vực gia tăng về khả tính sống còn của chế độ ông Diệm và sẽ thực hiện một sự đoạn tuyệt công khai với chế độ này hơn một năm sau đó, nhưng Komatsu đã không còn sống để chứng kiến điều này, bởi ông mất vào năm 1962.

Trong nghiên cứu của mình về các hoạt động của Komatsu tại Đông Dương thời chiến tranh, tác giả Vĩnh Sính xem công trình của ông ta “phần lớn vô ích”.(55) Cùng lượng định này không thể được đưa ra đối với các hành động của Komatsu tại Nhật Bản thời hậu chiến. Qua việc mang Ngô Đình Diệm gặp gỡ Wesley Fishel, Komatsu đã đặt nhà lãnh đạo nhiều triển vọng của Việt Nam vào sự tiếp xúc với một người Mỹ, kẻ sẽ trở thành một trong những người ủng hộ tận tình và nhiệt thành nhất của ông Diệm. Fishel không phải, như một số sự trình bày nêu ra, là kẻ chịu trách nhiệm duy nhất trong việc sắp xếp ông Diệm tiếp xúc với điều sẽ trở thành một mạng lưới rộng rãi những người Mỹ ủng hộ.(56) Chính phủ Hoa Kỳ hay biết rất rõ về hồ sơ ông Diệm vào năm 1950 và một số viên chức đã sẵn sàng nhìn ông như một đồng minh tiềm năng trong cuộc đấu tranh chống lại Việt Minh. Với sự giúp đỡ của người anh, Giám Mục Thục, ông Diệm đã mau chóng trui rèn quan hệ với giới Công Giáo Mỹ vốn không có sự liên kết với Fishel và ông cũng tạo được ấn tượng tốt nơi phe cấp tiến Mỹ, những người nhìn ông Diệm như nhà lãnh đạo của một “Lực Lượng Thứ Ba” tại Việt Nam chống đối cả chủ nghĩa thực dân Pháp lẫn chủ nghĩa cộng sản Việt Nam. Tuy thế, vị giáo sư chính trị học đã phục vụ như một nhà quảng cáo quý giá của ông Diệm và giúp thông tin cho các viên chức Mỹ về các hy vọng và kế hoạch của ông Diệm nhằm lãnh đạo một nước Việt Nam độc lập. Fishel cùng mang ông Diệm đến sự chú ý thuận lợi của các nhà quản trị đại học khi ông ta di chuyển đến Đại Học Tiểu Bang Michigan State trong năm 1951 và điều này đã đặt nền móng cho các cam kết sau đó của trường này trong Dự Án Việt Nam (Việt Nam Project) sau khi ông Diệm lên nắm quyền hành năm 1954, một chương trình đã cung cấp cho ông Diệm sự trợ giúp quý giá trong việc củng cố các công tác hành chính và cảnh sát mong manh mà ông thừa kế từ người Pháp.

Sự giới thiệu ông Diệm với Fishel cũng đã định hình một cách quyết định chức nghiệp của vị giáo sư. Fishel đã dùng phần lớn thời gian của đầu thập niên 1950 để viết và ấn hành các bài viết và một quyển sách về Nhật Bản thời hậu chiến và sự chấm dứt đặc quyền ngoại giao (extraterritoriality) của Hoa Kỳ tại Trung Hoa, song ông vẫn khát khao ấp ủ mong muốn đóng giữ một vai trò tích cực trong việc định hình vai trò của Mỹ trong các sự vụ thế giới. Hồi đầu thập niên 1950, ông có nói với Dallas Coors rằng ông hy vọng “rất nhiều để có được một chức vụ trong Chính Quyền” và sự sẵn lòng của ông để phục vụ tại hải ngoại, kể cả Đông Dương, “nếu cần”.(57) Tuy nhiên, trong vòng ít tháng, sau khi nhận chức tại Michigan, Fishel đã quyết định ở lại giới hàn lâm, nhưng ông tiếp tục tìm kiếm một vai trò thiết lập chính sách. Sự bổ nhiệm ông Diệm vào chức vụ năm 1954 đã mang lại cho vị giáo sư cơ hội mà ông tìm kiếm. Các hoạt động hàn lâm và lẫn thiết lập chính sách của ông đều nhắm vào Việt Nam. Hậu quả, độ tin cậy chuyên nghiệp của Fishel lên và xuống theo căn bản công việc của ông liên quan đến xứ sở đó. Tiếng tăm này không chỉ dựa trên tài liệu ấn hành của ông, mà còn trên vai trò của ông trong việc ảnh hưởng đến các quyết định của Hoa Kỳ liên can đến Việt Nam với tư cách Trưởng Nhóm Đại Học Tiểu Bang Michigan. Hồ sơ của Fishel cũng sẽ được lượng định về phần vụ ông đóng giữ trong việc thành lập “Nhóm Vận Động Cho Việt Nam: Vietnam Lobby” liên kết lỏng lẻo của những người Mỹ ủng hộ ông Diệm thành một tổ chức chính thức, Hội Những Người Bạn Mỹ Của Việt Nam: American Friends of Vietnam (AFV), hồi giữa thập niên 1950. Cùng với các hội viên khác của AFV, ông đã hành động như một người bênh vực lớn tiếng cho chế độ của ông Diệm cũng như chỉ trích các hoạt động của nó tăng cao một cách chậm chạp vào cuối thập niên. Bản thân Fishel đã trở nên mất ảo tưởng với sự cứng ngắc và vô hiệu năng của chính phủ độc đoán của ông Diệm vào năm 1962, song ông vẫn giao kết với sự sống còn của một quốc gia Việt Nam chống cộng sản và tiếp tục cung cấp các ý kiến cho các chính quyền Eisenhower, Kennedy, và Johnson trong vài năm. Các cuộc gặp gỡ mà Fishel đã có với Komatsu và ông Diệm tại Tokyo đã phục vụ như các chất xúc tác trong việc biến cải Fishel thành một người ủng hộ ông Diệm cũng như một chuyên viên về Việt Nam cố vấn cho các viên chức cả ở Washington lẫn Sài Gòn.

Vai trò của Komatsu trong việc mang ông Diệm và Fishel lại với nhau chiếu rọi ánh sáng vào một vấn đề khác mà tác giả Vĩnh Sính đã ghi nhận trong sự phân tích của ông về các hoạt động thời chiến tranh của Komatsu. Nhà văn Nhật Bản, theo sự quan sát của Vĩnh Sính, tự đặt mình vào một “trạng thái thất vọng sâu sắc và tự mâu thuẫn” qua việc phát huy sự kiến về “một Việt Nam ‘độc lập’… trong khuôn khổ Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á dưới sự giám hộ của Nhật Bản. Một giấc mơ như thế, tác giả Vĩnh Sính lập luận, “trong bản chất không tương hợp với các lý tưởng của phần lớn người Việt Nam” là những người mong muốn sự độc lập “không chỉ khỏi người Pháp mà còn ngoài bất kỳ hình thức nào của sự cai trị của ngoại quốc”.(58) Trong cuộc nghiên cứu của bà về các quan hệ của Nhật Bản với phe dân tộc chủ nghĩa Việt Nam trong suốt Thế Chiến II, nữ tác giả Kiyoko Kurusu Nitz cũng ghi nhận bản chất trục trặc trong lập trường của Komatsu. “Một số đồng sự Nhật Bản của ông”, bà viết, “nghi ngờ về việc liệu sự tham dự xông xáo của Komatsu vào phong trào dân tộc chủ nghĩa có bao giờ được thông hiểu bởi các nhân vật dân tộc chủ nghĩa Việt Nam hay không và liệu các hoạt động của ông không thể bị nhìn đơn giản là “karamarawari” [chạy quanh không mục tiêu] tại Việt Nam thời chiến hay không”.(59)

Komatsu có nhìn nhận các sự mâu thuẫn này trong các bản văn của chính ông, song ông vẫn bào chữa cho các hành động của mình. Ông đã chứng minh các hành động của ông và các hành động của những người Nhật khác qua việc tuyên bố, “Những gì thúc đẩy họ hành động là một lòng yêu nước kiểu Á Châu, không với một chủ định sẽ là ngọn giáo đầu của chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản để thay thế cho bá quyền Tây Phương”.(60) Ông có nhìn nhận rằng nhiều nhà lãnh đạo Nhật Bản đã sử dụng lời hứa hẹn về nền độc lập Á Châu “để giành sự ủng hộ của quần chúng hầu theo đuổi chiến tranh một cách dễ dàng hơn”. “Song”, ông lập luận, không thể nói rằng tất cả sự hứa hẹn của họ là một sự dối trá hoàn toàn. Nó không chỉ là phương tiện hay sự tuyên truyền, đã có một thành tố của sự thực. Ít nhất trong số những người Nhật đã chiến đấu, trong thâm tâm họ, đã có những khoảnh khắc sự thực này bừng lên. Sau hết, ngay dù nó có nằm trong các giới hạn của quyền lợi chiến lược và sự giả dối tự an ủi mình (self-righteous hypocrisy) của quân đội Nhật Bản, các dân tộc Đông Á đã đạt được sự độc lập ngay dù đó là một nền độc lập bị giới hạn.(61)

Hướng dẫn bởi ý nghĩ này, Komatsu một lần nữa đã hướng đến một quyền lực bên ngoài, Hoa Kỳ, trong việc ủng hộ sự tạo lập một nước Việt Nam độc lập. Với Nhật Bản phục hồi một cách chậm chạp từ sự thất trận chiến tranh và nước Pháp quyết tâm giành lại các cựu thuộc địa Á Châu, Komatsu rõ ràng đã kết luận rằng Hoa Kỳ phục vụ như một kẻ bênh vực khả ứng duy nhất cho nền độc lập của Việt Nam và ông đã tìm kiếm sự chú ý của Mỹ trong việc theo đuổi mục tiêu này. Ông có chứa chất các sự hoài nghi về người Mỹ và trong một cuộc đàm thoại với Fishel, Komatsu đã chỉ trích “chính sách ngoại giao chống cộng sản của Hoa Kỳ là tiêu cực”, và nghĩ rằng “Hoa Kỳ phải tổ chức một “mặt trận dân chủ quốc tế, tích cực chống lại chủ nghĩa cộng sản”.(62) Sự sẵn lòng của Komatsu để ve vãn một người Mỹ như Fishel dù thế cho thấy rằng ông một lần nữa đã hy vọng rằng sự can thiệp ngoại quốc sẽ giúp cho những người Việt Nam như Cường Để và Ngô Đình Diệm giành được sự tự do khỏi sự cai trị của Pháp cũng như ngăn chặn được một nỗ lực của Cộng Sản nhằm nắm giữ quyền kiểm soát Việt Nam.
Trong khi làm điều này, ông đã tìm thấy một đối tác sẵn lòng nơi Wesley Fishel, người cũng có nghĩ rằng Mỹ có thể đóng một vai trò tích cực trong các sự vụ Á Châu. Giống y như Komatsu tuyên bố rằng Nhật Bản đã giúp đỡ các dân tộc Á Châu trong việc giành thắng nền độc lập, Fishel khẳng quyết rằng các xã hội Á Châu có thể được mang đến “một mức độ của tình trạng hiện đại” thông qua các chính sách “tích cực, xây dựng, và linh động của Mỹ.(63) Giống như Komatsu, ông đã nghĩ rằng sự can thiệp ngoại quốc có thể ảnh hưởng một cách tích cực đến tương lai của Việt Nam và giành đoạt được sự biết ơn và hợp tác của các nhà lãnh dạo như Cường Để và Ngô Đình Diệm. Trong ngắn hạn, niềm tin tưởng này xem ra được xác nhận sau khi ông Diệm đảm nhận sự lãnh đạo Quốc Gia Việt Nam năm 1954, nhưng sự thất bại của ông Diệm trong việc thiết lập một chính phủ hữu hiệu và chính đáng bất kể sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ làm cho sự bất tương thích của nền độc lập của Việt Nam dưới sự hướng dẫn ngoại quốc trở nên hiển hiện một cách bi thảm.

* Bài khảo cứu này đã được trình bày như một bài tham luận tại Phiên Họp Thường Niên của Hội Sử Học Mỹ năm 2007 tại Atlanta. Tôi xin cám ơn người điều khiển cuộc hội thảo, Chizuru Saeki, và các thành viên khác của cuộc hội thảo, đặc biệt Adam Cathcart, về các bình luận của họ. Các ông James T. Carroll và Edward G. Miller cũng đã đọc các bản thảo của bài khảo luận này và đã cung cấp các ý kiến hữu ích. Tôi cũng xin cám ơn người đồng sự của tôi, Yasuhiro Makimura về sự trợ giúp của ông trong việc đọc và phiên dịch nhiều đoạn trong quyển Vetonamu của Komatsu Kiyoshi.

___
Chú thích:
1. Các tác phẩm chính yếu liên quan đến MSUG là của các tác giả Robert Scigliano và Guy H. Fox, Technical Assistance in Vietnam: The Michigan State University Experience (New York: Praeger, 1965); John Ernst, Forging a Fateful Alliance: Michigan State University and the Vietnam War (East Lansing: Michigan State University Press, 1998); và Warren Hinckle, Robert Scheer, và Sol Stern, “The University on the Make”, Ramparts 4 (April 1966). Công việc của nhóm “Vietnam Lobby” có thể được tìm thấy trong sách của Joseph G. Morgan, The Vietnam Lobby (Chapel Hill: University of North Carolina Press, 1997), và Seth Jacobs, America’s Miracle Man in Vietnam: Ngo Dinh Diem, Religion, Race, and U.S. Intervention in Southeast Asia, 1950-1957 (Durham, NC: Duke University Press, 2004).

2. Các sự biện giải gần đây về các sự cam kết 1950 có thể được tìm thấy trong sách của Mark Atwood Lawrence, Assuming the Burden: Europe and the American Commitment to War in Vietnam (Berkeley: University of California Press, 2005), 233-75; Kathryn C. Statler, Replacintg France: The Origins of American Intervention in Vietnam (Lexington: University of Kentucky Press, 2007), 16-28; và Fredrik Logevall, Embers of War: The Fall of an Empire and the Making of America’s Vietnam (New York: Random House, 2012), 217-37.

3. Vĩnh Sính, “Komatsu Kiyoshi and French Indochina”, Moussons 3 (June 2001); Kiyoko Kurusu Nitz, “Indepence without Nationalists? The Japanese and Vietnamese Nationalism during the Japanese Period, 1940-1945”, Journal of Southeast Asian Studies15:1 (March 1984); và David G. Marr, Vietnam 1945: The Quest for Power (Berkeley: University of California Press, 1995), 84-86.

4. Trần Mỹ-Vân, A Vietnamese Royal Exile in Japan: Prince Cường Để (1882-1951) (New York: Routledge, 2005), 209, 212-13, 217.

5. Vĩnh Sính, “Komatsu Kiyoshi,” 64.

6. Cùng nơi dẫn trên, 61-71; Jean Lacouture, Ho Chi Minh: A Political Biography (New York: Random House, 1968), 22-23; và Resume, Komatsu Kiyoshi, folder “K,” box P-21, Asia Foundation Papers, Hoover Institution Archives, Stanford, CA. Sau khi có sự bùng nổ Chiến Tranh Thái Bình Dương năm 1941, Komatsu bị bắt giữ bởi các nhà chức trách Nhật Bản, rõ ràng là vì các liên hệ với cánh tả của ông ta. Sự việc này được trình bày trong bài viết của Vĩnh Sính, các trang 68-69, 71 và trong bản “Báo Cáo về Komatsu Kiyoshi”, đính kèm theo văn thư của Spinks gửi Bộ Ngoại Giao, ngày 24 Tháng Tám, 1950, 751G.00/8-2450, State Department Decimal File, RG 59, Records of the Department of State, National Archives and Record Administration (NARA) II, College Park, MD. Các tài liệu này được phổ biến đến tác giả sau khi ông đệ nạp thư yêu cầu theo Đạo Luật Tự Do Thông Tin (Freedom of Information Act: FOIA). Milton 0. Gustafson (Chief, Civil Reference Branch) gửi tác giả, ngày 31 Tháng Mười. 1990.

7. Văn thư ghi nhớ cuộc đàm thoại, ngày 31 Tháng Một, 1957, đính kèm theo văn thư của Coolidge gửi Bộ Ngoại Giao, ngày 5 Tháng Hai, 1957, 651G.94/2-557, CO 008, reel 52, RG 59, NARA II. Fishel có ghi chép một số điều về việc này trong một loạt các văn thư sau này. Xem, Ghi Chú về Komatsu (Notes of Komatsu), ngày 1 Tháng Mười Hai 1961, folder 13, box 1185, Wesley R. Fishel Papers, Michigan State University Archives and Historical Collections, East Lansing, MI.

8. Vinh Sinh, “Komatsu Kiyoshi,” 77-78; Nitz, “Independence without Nationalists? ” 118; “Report on Komatsu Kiyoshi,” RG 59, NARA II; and Notes of Komatsu, 1 Dec. 1961, Fishel Papers. Các sự trình bày chi tiết hơn về sự thành lập chính phủ Việt Nam do Nhật Bản hậu thuẫn có thể được tìm thấy trong sách của Marr, Vietnam, 1945,113-19; Trần Mỹ-Vân, Vietnamese Royal Exile, 172-85; và Masaya Shiraishi, “The Background to the Formation of the Tran Trong Kim Cabinet in April 1945: Japanese Plans for Governing Vietnam,” trong sách đồng biên tập bởi Takashi Shiraishi và Motoo Furuta, Indochina in the 1940s and 1950s (Ithaca, NY; Cornell University Press, 1992), 113-41.

9. Vinh Sinh, “Komatsu Kiyoshi,” 78-79; “Report on Komatsu Kiyoshi,” RG 59, NARA II; và Christopher E. Goscha, “Belated Asian Allies; The Technical and Military Contributions of Japanese Deserters (1945-1950),” trong sách đồng biên tập bởi Marilyn B. Young và Robert Buzzanco, A Companion to the Vietnam War (Maiden, MA; Blackwell, 2002), 44-48.

10. Kiyoshi Komatsu, “Letter from South Vietnam, 1,” Mainichi, 14 May 1956, 16.

11. Thư Cường Để gửi Harry Truman, không ghi nhật kỳ, 851G.01/6-47, LM 070, reel 5, RG 59, NARA II.

12. “Meeting with Prince Cuong De and Friends, 14 August 1950,” đính kèm theo văn thư của Charles N. Spinks, State Department, 24 Aug. 1950,751G.00/8-2450, RG 59, NARA II, từ lời yêu cầu theo Đao Luật FOIA, Gustafson gửi đến tác giả, 31 Oct. 1990. Cũng xem, “Interview with Prince Cuong De,” Assistant Chief of Staff, G-2, Theater Intelligence Division, box 31, RG 338, Records of General Headquarters, Far East Command, Supreme Commander Allied Powers, and United Nations Command, NARA II.

13. Rankin gửi Acheson, 12july 1950, 846G.181/7-1250,00×4924, RG 59, NARA 11.

14. Ý kiến này từ tờ Hong Kong Tiger Standard được gồm trong văn thư của Jenkins gửi Bộ Ngoại Giao, 29 July 1950, 846G.181/7-2950, Cùng nơi dẫn trên.

15. Huston gửi Bộ Ngoại Giao, 31 July 1950,894.181/7-3150, RG 59, NARA 11. Một sự tường thuật về cuộc chạy trốn mưu toan khỏi Nhật Bản của Cường Để có thể được tìm thấy trong sách của Trần Mỹ-Vân, Vietnamese Royal Exile, 209-12.

16. Faculty Record, folder 9, box 1184, Fishel Papers. Các tài liệu của Fishel có các sự tường thuật đương thời về cuộc hội nghị này trong các ấn bản của tờ Japan Times Weekly và Japan Times nơi hồ sơ (folder) 7, thùng (box) 1259 về Các Tài Liệu Của Fishel (Fishel Papers). “Diary,” James J. Halsema, “1940 Japan-America Student Conference,”
<http://vvww.ceas.ku.edu/publications/epp/Halsema%20Diary/jasc1.html> (ace. 1 July 2006).

17. Faculty Record, folder 9, box 1184, and Fishel to McClure, 6 June 1951, folder 14, box 1184, Fishel Papers.
18. Faculty Record, Box 1184, Folder 9, Cùng nơi dẫn trên.; Wesley R. Fishel, The End of Extraterritoriality in China (Berkeley: University of California Press, 1952).

19. Michael E. Latham, The Right Kind of Revolution: Modernization, Development, and U.S. Foreign PolicyJrom the Cold War to the Present (Ithaca, NY: Cornell University Press, 2011), 61.

20. Wesley R. Fishel, “The Far East and United States Policy: A Re-Examination,” Western Political Quarterly 3:1 (March 1950), 8,10,11,13.

21. Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, 8 Jan. 1951, 794.00/1-851, box 4229, RG 59, NARA IL Tôi cám ơn Edward G. Miller về việc cung cấp cho tôi một bản sao chụp tài liệu này.

22. William Conrad Gibbons, The U.S. Government and the Vietnam War: Executive and Legislative Roles and Relationships, Part 1: 1945-1960 (Princeton, NJ: Princeton University Press, 1986), 90, và Mark Moyar, Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954-Í565 (Cambridge: Cambridge University Press, 2006), 33. Không may, cả Gibbons lẫn Moyar đều không cung cấp chứng liệu để hậu thuẫn cho các sự xác nhận của họ.

23. Wesley R. Fishel, “Experience with University of California Far East Program,” folder 14, box 1184, Fishel Papers.

24. Heath gửi Acheson, 28 July 1950,751.00/7-2850, box 3667, RG 59, NARA II, và Gullion gửi Acheson, 23 June 1950, Foreign Relations of the United States, vol. 6: East Asia and the Pacific
(Washington, DC: GPO, 1976), 829-31.

25. Spinks gửi Bộ Ngoại Giao, 24 Aug. 1950, 751G.00/8-2450, RG 59, NARA II.

26. “Meeting with Prince Cuong De and Friends, 14 August 1950.”

27. Cùng nơi dẫn trên.

28. Cùng nơi dẫn trên.

29. Komatsu có thể hay biết rằng Fishel đã viết về Konoye với nhiều tình cảm. Xem Wesley R. Fishel, “A Japanese Peace Maneuver in 1944.” Far Eastern Quarterly 8:4 (August 1949).

30. “Report on Komatsu Kiyoshi,” RG 59, NARA II.

31. “Meeting with Prince Cuong De and Friends, 14 August 1950.”

32. Tran My-Van, Vietnamese Royal Exile, 213, and Komatsu, Vetonamu, 252-53.
33. “Memorandum on Ngo Dinh Diem” 28 Aug. 1950, đính kèm theo văn thư của Spinks gửi Bộ Ngoại Giao, 2 Sept. 1950, 751G.00/9-250, RG 59, NARA II, từ lời yêu cầu theo Đạo Luật FOIA, Gustafson gửi tác giả, 31 Oct. 1990.

34. Cùng nơi dẫn trên.

35. Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, 31 Aug. 1950, đính kèm theo văn thư của Sebald gửi Bộ Ngoại Giao, 5 Sept. 1950.751G.00/9-550, box 3667, RG 59, NARA II; phần nhấn mạnh của nguyên bản.

36. “Viet Nam Deserves Full Independence, Says Visiting Bishop on Way to Rome,” Mainichi, 26 Aug. 1950, 2, và Thuc to editor, Mainichi, 3 Sept 1950, 4.

37. Spinks gửi Bộ Ngoại Giao, 7 Sept. 1950, 751G.00/9-750, RG 59, NARA II.
38. Spinks gửi Bộ Ngoại Giao, 24 Aug. 1950, 751G.00/8-2450, Cùng nơi dẫn trên.

39. Sebald gửi Acheson, 26 Mar. 1951, 791.00/3-2651, và Acheson gửi SCAP, 24 Mar. 1951, 791.00/3-2451, LM 090, reel 33, Cùng nơi dẫn trên. Về Nghị Hội Tự Do Văn Hóa (Congress for Cultural Freedom) và các liên hệ của nó với Chính Phủ Hoa Kỳ, xem Peter Coleman, The Liberal Conspiracy: The Congress of Cultural Freedom and the Struggle for the Mind of Postwar Europe (New York: Free Press, 1989), và Frances Stonor Saunders, Who Paid the Piper: The CIA and the Cultural Cold War (London: Granta, 1999).

40. Acheson gửi Sebald, 27 Mar. 1951, 791.00/3-2751, và Sebald gửi Acheson, 31 Mar. 1951, 791.00/3-3151, LM 090, reel 33, RG 59, NARA II.

41. Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, 8 Jan. 1951, 794.00/1-851, box 4229, Cùng nơi dẫn trên.

42. Bộ Ngoại Giao gửi Sebald, 5 Mar. 1951, 894.181/3-551, LM 090, reel 33, Cùng nơi dẫn trên.

43. Tran My-Van, Vietnamese Royal Exile, 214-17. Các sự quan tâm giờ chót về các hoạt động của Cường Để có thể được tìm thấy trong một sự trao đổi các điện tín giữa Bộ Ngoại Giao và Phái Bộ Hoa Kỳ tại Nhật Bản các ngày 5 và 7 Tháng Ba, 1951,894.181/3-551 và 894.181/3-751, LM 090, reel 33, RG 59, NARA II.

44. Thư từ Ngô Đình Diệm, 3 June 1951, folder 33, box 1184, Fishel Papers. Người nhận lá thư không được xác định, nhưng nội dụng và sự hiện diện của nó trong Tài Liệu Fishel khiến liên tưởng mạnh mẽ rằng Fishel là người nhận thư.

45. “Patriot Cuong De’s Ashes Submitted To His Family,” Times of Viet Nam, 19 Jan. 1957, 4. Hai bài tường thuật khác trên tờ Times are “Ashes of Cuong De Transferred To His Family,” 29 Dec. 1956, 2, và “Ashes of A Patriot Returned to the Homeland,” 12 Jan. 1957, 3.

46. Fishel gửi Mrs. Scott, 23 Nov. và 10 Dec. 1951, folder 14, box 1184, Fishel Papers.47. Kiyoshi Komatsu, “Letter from South Vietnam, 2,” Mainichi, 15 May 1956, 8.

48. Kiyoshi Komatsu, “Letter from South Vietnam, 3,” cùng nơi dẫn trên, 16 May 1956, 8.

49. Kiyoshi Komatsu, “Deadline Approaching For Stipulated Vietnam Elections,” cùng nơi dẫn trên, 23 june 1956, 8.

50. “Translation of a Letter from Mr. Kiyoshi Komatsu to Mr. Naomichi Sakomoto, 26 March 1956,” gồm trong văn thư của Hackler gửi Bộ Ngoại Giao, 13 June 1956, 651G.94/6-1356, CO 008, reel 52, RG 59, NARA II.

51. Sheinbaum gửi Taggart và Smuckler, 29 Nov. và 1 Dec. 1957, folder 1, Ralph H. Smuckler Papers, Michigan State University Archives and Historical Collections, East Lansing, MI

52. Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, 31 Jan. 1957, đính kèm theo văn thư của Coolidge gửi Bộ Ngoại Giao, 5 Feb. 1957. 651G.94/2-557, CO 008, reel 52, RG 59, NARA 11.

53. Fishel gửi Komatsu, 12 Feb. 1959, folder 17, box 1184, Fishel Papers; Kyo Komatsu, “A Japanese Franc-Tireur Talks with Gide and Malraux,” phiên dịch và chú giải bởi Wesley R. Fishel và Midori H.Scott, Centennial Review of Arts and Science 4 (Winter 1960).

54. Notes on Komatsu, 1 Dec. 1961, folder 13, box 1185, Fishel Papers.

55. Vĩnh Sính, “Komatsu Kiyoshi,” 82.

56. Một trong các sự xác định đầu tiên về vai trò của Fishel trong mạng lưới này xuất hiện trong bài viết của Robert Scheer và Warren Hinckle, “The Vietnam Lobby,” Ramparts, 25 Jan. 1969, 32. Không có lý do gì để nghi ngờ rằng Fishel đã khuyến khích ông Diệm du hành đến Mỹ, nhưng các tài liệu của Bộ Ngoại Giao cho thấy rằng nhân vật Việt Nam này đã sẵn quyết định thực hiện cuộc du hành này ngay cả trước khi ông ta rời Việt Nam. Cũng xem Marilyn B. Young, The Vietnam Wars (New York: Harper Perennial, 1991), 44; James S. Olson và Randy Roberts, Where the Domino Fetb America and Vietnam, 1945-1990 (Norwalk, CT: Easton, 1992). 57; và Logevall, Embers of War, 589.

57. Ghi Nhớ Cuộc Đàm Thoại, 8 Jan. 1951, 794.00/1-851, box 4229, RG 59, NARA II.

58. Vĩnh Sính, “Komatsu Kiyoshi,” 79, 80. Mặc dù đặt tiêu điểm vào Mãn Châu, tác giả Louise Young cung cấp một sự trình bày tuyệt hảo về các hoạt động và các động lực của trí thức Nhật Bản thời chiến tranh trong quyển Japan’s Total Empire: Manchuria and the Culture of Wartime Imperialism (Bericeley: University of California Press, 1998), 241-303.

59. Nitz, “Independence without Nationalists?” 133.

60. Được trưng dẫn trong bài viết của Vĩnh Sính, “Komatsu Kiyoshi,” 74.

61. Komatsu, Vetonamu, 235-36.

62. “Report on Komatsu Kiyoshi,” RG 59, NARA II.

63. Fishel, “The United States and Far East Policy,” 12-13.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN