Nguyễn Đình Đầu
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 5 (76), 2009
Tên bản đồ này được ghi trân trọng bằng chữ Hán 安南大國畫圖, bằng chữ quốc ngữ An Nam đại quốc họa đồ và dịch ra tiếng Latinh là Tabula Geographica imperii Anamitici. Nguyên bản họa đồ khá lớn, ngang 40, dọc 80cm, ấn hành theo cuốn Nam Việt dương hiệp tự vị ( Dictionarium Anamitico – Latinum) mà tác giả là Giám mục Taberd, xuất bản tại Serampore (Ấn Độ) năm 1838.
Jean – Louis Taberd (tên Việt là Từ) sinh tại Saint–Etienne (Pháp) ngày 18/6/1794, thụ phong linh mục tại Lyon vào năm 1817, gia nhập Hội Thừa sai Paris vào năm 1820, và được hội này bổ nhiệm đi truyền giáo tại xứ Nam Kỳ, thuộc Việt Nam ngày nay. Ngày 7/11/1820, ông rời Pháp đến Đàng Trong-Việt Nam truyền giáo. Tới nơi, Taberd nỗ lực học tiếng Việt và viết các thứ chữ Hán, Nôm, quốc ngữ Latinh mà tư liệu học tập tốt nhất có lẽ là Tự vị Annam – Latinh (Dictionarium Anamitico – Latinum) của Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine) hoàn thành từ năm 1773. Taberd chủ yếu lo việc đào tạo các giáo sĩ bản quốc.
Dưới thời Gia Long (1802 – 1819), việc truyền giáo không dễ dàng như dưới thời Nguyễn Ánh (1778 – 1802) vốn thân thiện với Giám mục Bá Đa Lộc (sinh năm 1741, tới Đàng Trong năm 1767, làm Giám mục từ năm 1771-1799), nhưng chưa bị cấm cách. Dưới thời Minh Mạng (1820 – 1840), đạo Thiên Chúa bị ngăn cản triệt để. Năm 1827, Minh Mạng ra sắc dụ cấm đạo và tập trung các giáo sĩ ngoại quốc về Huế. Lê Văn Duyệt có thiện cảm với Công giáo nên cho hai thừa sai Régéreau, Morronne được ở lại Nam Kỳ, còn hai thừa sai Gegelin, Odoric thì gởi ra Huế. Lúc ấy thừa sai Taberd đang ở tại chủng viện Phường Rượu (An Do, Quảng Trị) cũng tuân lệnh tới kinh. Đại Nam thực lục ghi: “Năm Đinh Hợi (1827), tháng 8, bổ người Tây dương là Phú Hoài Nhân (Taberd) làm Chánh thất phẩm thông dịch ở Ty Hành nhân; Tây Hoài Hoa (Gagelin), Tây Hoài Hóa (Odoric) làm Tùng thất phẩm thông dịch Ty Hành nhân. Mỗi tháng cấp cho mỗi người 20 quan tiền, 4 phương gạo lương, 1 phương gạo trắng. Sai phủ Thừa Thiên trông coi, cấm không cho ra ngoài dạy học trò để truyền giáo”.1 Taberd bị cấm truyền giáo, nhưng có dịp hoàn thiện ngôn ngữ và bổ sung trình độ Việt Nam học. Những kiến thức chắc chắn về chính quyền hay sử địa nhận được từ triều đình trung ương sẽ được trình bày trong từ điển hay bản đồ sau này.
Cuối năm 1827, Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt về kinh chầu vua Minh Mạng. Trong khi Lê Văn Duyệt ở Huế, Taberd được gặp hai lần và xin can thiệp. Tháng 3 năm sau (1828), Lê Văn Duyệt trở lại nhiệm sở ở Gia Định. Không ngờ “ngày 1/6/1828, ba thừa sai Taberd, Gagelin, Odoric được phép rời Huế đi vào Gia Định. Các thừa sai đều cho là do sự can thiệp của Tổng trấn Lê Văn Duyệt”.2
Trong thời gian Taberd bị cưỡng chế công tác tại Ty Hành nhân, ông được cử làm Giám mục phụ trách giáo phận Đàng Trong, nhưng mãi đến năm 1830 mới sang Bangkok (Thái Lan) để được tấn phong. Sau đó Taberd về Gia Định lấy xứ Lái Thiêu như tòa Giám mục. Nam Bộ thuộc quyền bính của Lê Văn Duyệt nên việc hành đạo của các thừa sai được dễ dàng hơn các nơi khác. Tháng 8 năm Nhâm Thìn(1832), Lê Văn Duyệt qua đời, Giám mục Taberd và tín hữu thương tiếc vô cùng. Ngày 6/1/1833, Minh Mạng lại ra dụ cấm đạo gắt gao và triệu Taberd về Huế trình diện. Lúc ấy, Taberd đang ở Thị Nghè bèn cùng 3 giáo sĩ Pháp và 15 chủng sinh ở Lái Thiêu chạy trốn sang Bangkok qua ngả Châu Đốc, Hà Tiên, Campuchia. Tháng 6/1833, LêVăn Khôi khởi loạn và yêu cầu vua Xiêm chống phá Việt Nam. Vua Xiêm muốn lôi cuốn Taberd về phía mình, nhưng Taberd không chịu và cùng đoàn tùy tùng trốn đi Penang ( Mã Lai), rồi sang Bengale bên Ấn Độ. Biết không thể trở lại Việt Nam, năm 1835 Taberd xin Tòa thánh cử giáo sĩ Cuénot (Thể) làm Phó giám mục, và năm 1838 ông xin từ chức Giám mục Đàng Trong và nhận làm Giám mục xứ Bengale. Cũng năm đó, ông cho xuất bản tại nhà in J.C Marshrman ở Serampore cuốn Nam Việt dương hiệp tự vị. Taberd qua đời tại Calcutta ngày 31/7/1840.
Cuốn tự vị trên chia làm hai pho sách cỡ lớn: Pho I với tựa đề Nam Việt dương hiệp tự vị gồm 620 trang tự vị chính thức tra tiếng Việt ghi bằng Hán-Nôm-quốc ngữ rồi dịch ra tiếng Latinh. Sau đó là danh mục cây cỏ Đàng Trong ( Hortus Floriduse Cocincinae) từ trang 621 đến trang 722. Cuối cùng là phần phụ lục gồm 126 trang nữa ghi cách đọc tiếng Việt từ chữ Hán hay Nôm. Toàn pho I dày 848 trang. Năm 2004, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (TP Hồ Chí Minh) đã tái bản pho I cuốn tự vị quý giá này.3 Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ được in kèm vào cuối pho I.
Pho II mang tựa đề Dictionarium Latino Anamiticum (Tự vị Latinh Annam) gồm 708 trang, không có chữ Hán và Nôm. Ngoài phần tự vị Latinh-Annam, còn có phần tra Tự vị An Nam ra 4 thứ tiếng: Anh, Pháp, Latinh, An Nam. Lại có thêm những bản tra về cách đếm, đo, đong, tính tiền, chia thời gian, lịch v.v… Bộ tự vị Taberd rất bổ ích, không những về mặt tra cứu ngôn ngữ, mà cả về Việt Nam học thấu đáo nữa.
Riêng bản đồ An Nam đại quốc họa đồ (ANĐQHĐ) cũng là một công trình đặc sắc. Tính đến thời gian xuất bản năm 1838, nước ta chưa từng có một bản đồ nào lớn rộng và ghi chép khá đầy đủ địa danh như họa đồ này. Ta hãy phân tích và so sánh với bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ (ĐNNTTĐ) (1840), một bản đồ chính thức của triều Minh Mạng. Nói chung, đường nét bờ bể biển Đông và biên giới phía tây cận kề sông Mêkông thì ĐNTTD chính xác hơn ANĐQHĐ tuy chưa căn cứ vào kinh tuyến và vĩ tuyến. Có lẽ ĐNNTTĐ đã tham khảo nhiều bản đồ khác của các nhà hàng hải và địa lý Âu Tây. Địa danh của ĐNNTTĐ đều ghi bằng Hán văn, còn ANĐQHĐ thì ghi bằng quốc ngữ Latinh, cả địa danh hành chính và tục danh, lại thêm những địa danh do ngoại quốc đặt ra. Thí dụ, núi Thạch Bi (Hán văn) có tục danh là Mũi Nại (Nôm) và ngoại quốc gọi là Cap Verella.
Bản đồ ĐNNTTĐ ghi các địa danh đã cập nhật đương thời: 29 tên tỉnh, 47 tên hải môn hải đảo, 25 địa danh vương quốc và vùng phụ thuộc. Tổng cộng khoảng 92 địa danh. Riêng hình vẽ quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Vạn Lý Trường Sa thì vẽ giống hệt các bản đồ Tây phương và đặt sát bờ bể Quảng Nam – Khánh Hòa hơn. Trên điểm địa lý này, ta thấy trong 4 thế kỷ từ thế kỷ thứ 16 đến 19 các bản đồ thế giới ở Tây phương đều ghi vẽ quần đảo Paracel hay Pracel (Hoàng Sa và Trường Sa) ở giữa biển Đông và bờ biển Paracel (Costa da Paracel) luôn đặt ở bờ biển Quảng Nam – Khánh Hòa. Chúng ta chưa hề thấy một bản đồ thế giới nào ghi bờ biển Paracel là ở Nam Trung Hoa, ở Phi Luật Tân hay ở Mã Lai. Bản đồ chính thức của Việt Nam, ĐNNTTĐ hoàn toàn thống nhất với các bản đồ thế giới trong suốt 5 thế kỷ qua, chủ yếu về địa lý Hoàng Sa, Trường Sa.
Bản đồ ANĐQHĐ – thường gọi là Bản đồ Taberd 1838 – ghi tới khoảng 505 địa danh bằng quốc ngữ Latinh. Như chính giữa bản đồ, Taberd ghi chữ lớn: An Nam quốc seu (hay là) Imperium Annamiticum. Cả Việt Nam khi ấy chia ra: Gia Định Phủ (sau là Nam Kỳ), Cocincina interior seu (hay là) An Nam Đàng Trong, Cocincina exterior seu (hay là) Đàng Ngoài hoặc Tunquinum. Các tiểu vương quốc phụ thuộc phía Tây thì có: Nam Vang trấn, Miền Lào seu (hay là) Regio Laocensis, Vạn Tượng Quốc, Viên Chăn, Mường Long Pha Ban.
Theo bản giải lược (Legenda) của ANĐQHĐ dịch từ tiếng Việt sang tiếng Latinh, Pháp, Anh, ta thấy Taberd ghi trên bản đồ khá nhiều loại địa danh:
Taberd giải thích thành là thành trì mạng tính quân sự phòng thủ và không quan tâm đến thành còn có nghĩa là đơn vị hành chính gồm nhiều trấn, như Gia Định thành hay Bắc thành. Trong bản đồ có ghi: Bình Định thành, Bình Hòa thành (gần Nha Trang), Gia Định thành (Sài Gòn), Hà Tiên thành, Nam Vang thành, Bát Tằm Bâng thành, Atcaba thành (bờ sông Mêkông, ngang tầm với Tây Sơn Thượng – Bình Định), thành Lào Bu Thác (Bassac), Ca La Thiển thành. Không thấy ghi Thăng Long thành và Kinh thành Huế.
Taberd giải thích dinh là lỵ sở cai trị của trấn. Sự thật tại Đàng Trong, dinh là đơn vị hành chính sau gọi là trấn rồi tỉnh. Cho nên, trong bản đồ, các trấn Đàng Ngoài từ Bố Chính trở ra, Taberd chỉ ghi tên trấn. Còn các trấn Đàng Trong thì vừa ghi tên trấn và địa điểm của tên dinh. Số lượng của trấn trong bản đồ Taberd cũng gần tương đương với số tỉnh trong Đại Nam nhất thống toàn đồ, ngoại trừ xứ Bố Chính Ngoại cho thuộc về tỉnh Hà Tĩnh, Bố Chính Trong cho về tỉnh Quảng Bình và Quảng Đức phủ đổi thành phủ Thừa Thiên. Còn trấn Vĩnh Thanh đổi thành hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang.
Từ Bắc vào Nam, bản đồ Taberd ghi tên các trấn như sau: Cao Bằng trấn, Lạng Sơn hay Lạng Bắc trấn, Thới nguyên trấn, Tuyên Quang trấn, Bắc Ninh trấn, Hải Đông (Dương) trấn, Quảng Yên trấn, Hưng Hóa trấn, Sơn Tây trấn, Sơn Nam trấn (gồm kể cả Chợ hay Hà Nội và Hưng Yên), Ninh Bình trấn, Nam Định trấn (trong có Phố Hiến), Sơn Thái trấn hay Thanh Hoa nội, Nghệ An trấn (có thị xã Vinh và Hà Tĩnh), Quảng Bình trấn (gồm Bố Chính Thắng Trong và Đồng Hới), Quảng Trị trấn có Quảng Trị dinh, Quảng Đức trấn hay phủ Thừa Thiên (nơi có Kinh thành Huế), Quảng Nam trấn có Quảng Nam dinh, Quảng Ngãi trấn có dinh Quảng Ngãi, Bình Định trấn hay Quy Nhơn có Bình Định thành, Phú Yên trấn có Phú Yên dinh, Nha Trang hay Bình Hòa trấn có Bình Hòa thành, Bình Thuận trấn cũng gọi Olim Ciampa hay Lồi Thuận Thiềng có Bình Thuận dinh, Biên Hòa trấn có Biên Hòa Dinh,Phan Yên trấn có Gia Định thành (Sài Gòn), Định Tường trấn có Định Tường dinh, Châu Đốc trấn hay Vĩnh Thanh trấn có Châu Đốc đồn và Trấn Di đạo, Hà Tiên trấn có Hà Tiên dinh và Hà Tiên thành. Tổng cộng toàn quốc khi ấy chia ra 28 trấn. Các trấn Đàng Trong thì có ghi thêm lỵ sở cai trị của dinh. Những tên dinh ấy đã có từ thời các chúa Nguyễn cai trị. Các trấn Đàng Ngoài không gọi lỵ sở cai trị trấn là dinh, nên không có địa danh dinh. Như trấn Nghệ An đương thời có hai lỵ sở lớn là Vinh và Hà Tĩnh, thì gọi là thị trấn hay thị xã chớ không gọi là dinh.
Làng là cấp hành chính cơ sở, Taberd ghi rõ Làng Truồi (phủ Thừa Thiên), Làng Cây Quao (Cà Mau), còn rất nhiều làng khác chỉ ghi tên, không có chữ làng đứng trước, thay cạnh đó có chữ o nhỏ làm địa điểm. Thí dụ, Kẻ Bảng (Quảng Bình), Mai Xá (Quảng Trị), Trà Kiệu (Quảng Nam), Trà Câu (Quảng Ngãi), Gò Thị (Bình Định), Hóa Châu (Phú Yên), Đại An (Khánh Hòa), Sông Lũy (Bình Thuận), Tân Triều (Biên Hòa), Cà Hôn (Định Tường), Cái Mơn (Vĩnh Thanh), Sa Keo (Hà Tiên), v.v… Tên làng, thậm chí cả tên một số huyện và chợ búa, đều được ghi ở Đàng Trong – nơi Giám mục Taberd phụ trách truyền giáo. Tên làng và chợ búa được ghi hãn hữu ở Đàng Ngoài, như Kẻ Chợ (Hà Nội), Bồ Đề (Bắc Ninh), Kẻ Hội (Hưng Hóa), Kẻ Ngay (Ninh Bình).
Sông ngòi được vẽ khá đầy đủ suốt từ Bắc chí Nam, nhưng Taberd chỉ ghi tên một số sông rạch như sau: sông Cả (Hồng hà), sông Chẩy, sông Ngưu, sông Diêm, Tuế Đức giang, sông Bà (chảy ra cửa Thần Phù), sông Gianh, sông Vệ (chảy ra cửa biển Quảng Ngãi) sông Đà Lãng (chảy ra cửa Đà Rằn, Phú yên), sông Lương (chảy ra vũng Phan Rí), sông Cam Rành (làm ranh giới giữa biển Biên Hòa và Bình Thuận), kinh Giàng Cù, kinh Barai, rạch Chanh, vàm Vũng Gù, sông Khung (Meycon hay Mekon). Không thấy ghi tên sông Đồng Nai, sông Tân Bình (Sài Gòn), sông Vàm Cỏ, sông Tiền, sông Hậu. Tại Cà Mau, trên đường vẽ sông Cửa Lớn và rạch Cái Ngay chảy qua Năm Căn, Taberd đã ghi nhầm là Sông Xuyên đạo! Địa danh Long Xuyên đạo là để chỉ một đơn vị hành chính (gần ngang với huyện) bao trùm trên địa bàn cả xứ Cà Mau.
Về cung và trạm trên các đường Thiên Lý liên lạc trong toàn quốc và các xứ phụ thuộc, Taberd là người đầu tiên ghi vẽ trên bản đồ đầy đủ nhất. Đó là đường thiên lý chính yếu giao thông từ ải Nam Quan – Lạng Sơn, qua Hà Nội, Huế và tới thành Gia Định tức Sài Gòn. Lại có đường cái quan thứ yếu: đường đi Hà Nội qua Hải Đông (Hải Dương), Quảng Yên rồi vòng lên Lạng Sơn và Cao Bằng; đường đi từ Hà Nội qua Thái Nguyên đến Cao Bằng, có thêm chi nhánh đi từ Thái Nguyên lên Lạng Sơn; đường đi từ Hà Nội qua Sơn Tây, Hưng Hóa đến Thủy Vĩ châu. Từ đường thiên lý tại Ninh Bình có đường đi Nam Định ở phía đông và một đường dài đi từ Ninh Bình tới Ninh Biên châu bên phía tây.
Tại Trung Bộ, từ đường thiên lý ở Vinh, có đường vượt dãy Trường Sơn, tới Quy Hợp thì chia thành hai nhánh: một nhánh qua huyện Kỳ Sơn lại chia làm hai chi (chi phía Bắc qua trạm Ninh Cường rồi tới Ninh Biên châu; chi phía Nam dẫn tới Vạn Tượng quốc). Còn nhánh thứ hai đi qua đèo Cổ Thai, Bản Đơn, Lào Xi Đa, vượt sang hữu ngạn sông Mêkông tới Lạc Khôn, rồi đến thành Lào Bu Thác. Từ đường thiên lý ở Bình Định, có đường qua huyện Phù Ly, huyện Tuy Viễn, Tây Sơn Thượng, vượt qua Trường sơn rồi chia ra 2 ngả: ngả lên phía Bắc tới thành Lào Bu Thác; còn ngả đi thẳng nối với đường tả ngạn sông Mêkông để phía Bắc tới Atcaba thành, rồi vượt qua sông sang thành Lào Bu Thác. Còn phía nam thì đưa tới Rách Đê rồi Chê Tăng Long gần biên giới Việt Nam.
Tại Nam Bộ, có thiên lý cù từ thành Gia Định qua Lái Thiêu đến núi Bà Đen thì chia làm hai ngả: ngả theo hướng Tây đến Nam Vang, còn ngả theo hướng Bắc tới Chê Tăng Long, vượt qua sông Mêkông đến Súc Chê Tiêu, ngược lên phía bắc qua nhiều súc khác cho tới thành Lào Bu Thác. Ngoài ra lại có đường bộ đi từ thành Hà Tiên tới thành Nam Vang. Từ Nam Vang còn nhiều đường bộ đi Com Pong Som, đi Bát Tầm Bâng,v.v…
Chỉ trên đường thiên lý bắc nam mới có ghi địa điểm các cung trạm bằng một cột cờ đuôi nheo nhỏ. Trên một số cung trạm ở Đàng Trong có ghi địa danh, và là những tên trạm của thời Gia Long. Ở Đàng Ngoài hầu như không có tên cung trạm.
– Trên thềm lục địa và biển Đông tập trung nhiều địa danh nhất: tên các cửa biển, mũi, vũng, cù lao, hòn rất phong phú và chính xác. Sau đây là danh mục ghi từ bắc vào nam.
+ Các cửa biển (hải khẩu): Úc, Thái Bình, Hộ, Trà Lý, Lân, Biện, Xiên, Thước, Lác, Triều, Hòn Nê, Bích, Bằng, Hàn Hồn, Thai, Tro, Gianh, Đồng Hới, Tùng, Việt, Thuận An, Tư Dong, Mới, Hàn, Đại Chiêm, Áp Hoa, Đại Quảng Ngãi, Sa Huỳnh, Kim Bồng, Tà Phú, Chợ Giả, Giã, Mái Nhà, Đà Rằn, Bàn Thạch, Hòn Khoe, Cam Ranh, Ô Trạm, Lấp, Cần Giờ, Đồng Tranh, Soi Rạp, Tiểu, Đại, Băng Côn, Cổ Chiên, Vàm Rây, Chà Vang, Ba Thắc, Mỹ Thanh, Gành Hàu, Bồ Đề, Lớn, Ông Đốc, Cây Quao, Rạch Giá, Cần Vọt (nay thuộc Campuchia). Cộng là tên 57 cửa biển.
+ Mũi đất nhô ra biển thì có: Con Hùm, Lâm Châm, Thống Bình, Sa Kỳ, Sung, Nại ( Varella), Cây Sung, Đá Vách, Din, La Gan, Vi Nê, Kê Gà, Bà Kéc, Thùy Vân, Vũng Tàu, Ông Đốc (Cà Mau). Cộng 16 mũi.
+ Các vũng (vịnh) có: vịnh Vạn Ninh, vũng Đam, vũng Nước Ngọt, vũng Nha Ru, vũng Phan Rí. Cộng là năm vũng và vịnh.
+ Các cù lao: Tin Cậy, Chăm, Ré (Pulo Canton), Xanh (Cambir), Cau (Pulo Cecir Terae), Thu (Pulo Cecir Maris), Côn Nôn (Pulo Condor), Phú Quốc. Cộng 8 cù lao.
+ Các hòn nhỏ hơn cù lao có: Ngũ, Hội Thông, An Đâu, Cỏ, Hành, Sơn Chà, Nan, Bàn Than, Lang (Bubati), Đá Khoan, Đồi Mồi, Khói, Tre (Khánh Hòa), Nồi, Tranh, Bà, Khoai (Pulo Ubi), Thổ Châu (Pulo Panjang), Cổ Lôn, Con Ráy, Đất, Tre (Kiên Giang). Cộng 22 hòn. Còn nhiều hòn chưa ghi tên tiếng Việt như: Insula Piratarum, I. Margaritarum, Septentrionis via, Luscinia, Sovel, Austri vigilia, Holland Arenaria, Brittos Arenaria, G. Catwich, Pulo Sapato, Fratres.
Đặc biệt ở ngoài khơi biển Đông, gần vĩ tiếng 16 độ bắc và kinh tuyến 112 độ đông ghi rõ Paracel seu (hay là) Cát Vàng, tức quần đảo Hoàng Sa.
Sau khi phân tích một số địa danh tiêu biểu, ta có thể nhận định về An Nam đại quốc họa đồ có mấy đặc điểm dưới đây:
1/ Taberd ghi chép về địa lý lịch sử Đàng Trong kỹ hơn Đàng Ngoài (số lượng địa danh ở Đàng Trong phong phú hơn đàng ngoài). Địa danh phủ Gia Định bao hàm toàn địa bàn Nam Bộ, đã chuyển đổi thành trấn Gia Định từ năm 1802, nhưng Taberd vẫn ghi dạng hành chính cũ. Long Xuyên đạo (Cà Mau) đổi thành Long Xuyên huyện năm 1808, nhưng Taberd không cập nhật và còn ghi nhầm trên một sông lớn là Sông Xuyên đạo.
2/ Taberd ghi chép địa danh và địa bàn 28 trấn theo sự phân bố của thời Gia Long. Năm 1832, Minh Mạng đổi 28 trấn cũ thành 29 tỉnh mới. Một số tỉnh được đổi cả danh xưng. Thí dụ, trấn Vĩnh Thanh chia thành hai tỉnh Vĩnh Long và An Giang. Về hải khẩu, Taberd ghi đến 57 tên cửa biển. Những tên này đều nằm trong danh sách 143 hải khẩu của Duyên hải lục do Gia Long thống kê năm 1817.4
3/ Về dạng thức đồ bản, Taberd vẽ theo các bản đồ Tây phương cho đúng kinh tuyến và vĩ tuyến. Nhưng khi ghi địa danh, ông sử dụng tư liệu chính thức của Việt Nam. Hầu như ông chỉ phiên âm từ Hán Nôm sang quốc ngữ Latinh của những bản đồ do Quốc Sử Quán đương thời cung cấp. Ông cũng ghi thêm địa danh mà người nước ngoài đặt để trước khi biết đến địa danh thực tế của ta. Xin lấy ví dụ từ nam ra bắc:
Puluo Panjang seu (hay là) Thổ Châu, Pulo Ubi – Hòn Khoai, Pulo Condor seu (hay là) Côn Nôn, Tức Khmău seu (hay là) Cà Mau), Mũi Vịnh Tàu seu (hay là) S. Jacobi prom, Hòn Bà seu (hay là) Vacoea Insula, Pulo Cecir Maris – Cù lao Thu, Cù lao Cau seu (hay là) Pulo Cecir Terrae, Phan Rang promontorium seu (hay là) Mũi Din, Hòn Đồi Mồi – Pres Reges, Mũi Nại seu (hay là) Cambir, Tức Tân Châu (Hòn Ông Cơ, Hòn Ông Cân) seu (hay là) Juan Prietto, Hòn Lang seu (hay là) Bubati Insula, Cù lao Ré seu (hay là) Pulo Canton, Cửa Hàn seu (hay là) Touron Portus. Ở ngoài khơi biển Đông gần vĩ tuyến 16 và kinh tuyến 112 có ghi Paracel seu (hay là) Cát Vàng, gần cửa Tùng có ghi Hòn Cỏ – Tigris insula. Còn một số địa danh ghi theo tiếng Tây phương chưa tìm ra địa danh tiếng Việt, như đã nói ở đoạn trên. Cách ghi chú địa danh trong và ngoài nước của Taberd giúp việc nghiên cứu những bản đồ cổ xưa của người Tây phương tìm hiểu đất nước Việt Nam.
4/ Địa danh của ta thường có hai hình thức: địa danh hành chính và tục danh. Thí dụ, Biên Hòa là địa danh hành chính có tục danh là Đồng Nai; Gia Định là địa danh hành chính có tục danh là Sài Gòn; đảo Lý Sơn là địa danh hành chính có tục danh là Cù lao Ré… Taberd đã ghi những địa danh hành chính cho các trấn và đơn vị hành chính lớn để tránh sự nhầm lẫn, nhưng đã ghi rất nhiều tục danh nôm na cho gần bàn dân thiên hạ như Cái Mơn,Cái Nhum, Nhà Bè, Đất Đỏ, Vườn Tràm, Lái Thiêu, Hòn Nổi, Hòn Tre, Vũng Gù…
Đặc biệt với quần đảo giữa biển Đông có địa danh hành chính là Hoàng Sa (chữ Hán), Taberd đã ghi tục danh là Cát Vàng (Nôm) mà người Tây phương gọi là Peracel. Địa danh Cát Vàng là tiếng Việt chỉ có ở Đại Việt xưa và Việt Nam nay, không thể ở đâu khác.
Tóm lại, mặc dầu việc ghi địa danh có vài lỗi nhỏ như Long Xuyên đạo thành Sông Xuyên đạo hay Xương Tinh (Nước Stiêng) thành Tinh Xương, An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd đích thực là một giá trị lịch sử mà không một bản đồ đương thời nào sánh kịp.
Chú thích: