Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ quyết tâm cùng người dân xây dựng “một đất nước Nhật Bản tự hào và đầy hy vọng”, thông qua việc tăng cường sức mạnh về kinh tế và quân sự. Trong đó, xây dựng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cực mạnh với trang bị vũ khí hiện đại, đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong và ngoài nước là dấu hiệu rõ nét về mục tiêu sửa đổi hiến pháp mà ông Abe đã theo đuổi từ nhiệm kỳ trước.
Tái vũ trang và mục tiêu sửa đổi Hiến pháp…
Để đảm bảo mục tiêu trên, trước đó, Nhật Bản đã đề xuất tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục 47 tỷ USD. Như vậy, đây là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề xuất tăng ngân sách quốc phòng, và ngân sách này cao hơn 2,1% so với năm 2017.
Cùng với việc tăng ngân sách, Nhật Bản cũng ráo riết thực hiện các bước đi mà Luật An ninh mới của Nhật Bản đề ra cách đây 3 năm. Theo đó, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có chủ trương tác chiến thực hiện mục tiêu thống nhất chỉ huy và phản ứng nhanh với các tình huống.
Thông qua nhập khẩu và triển khai trang bị vũ khí tiên tiến, xây dựng lại lực lượng tác chiến lục quân như sư đoàn (lữ đoàn), trung đoàn cơ động hải quân đánh bộ mới…, tăng cường lực lượng tác chiến không – biển và nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa, xây dựng các lực lượng mới như tác chiến mạng, vũ trụ…, đẩy nhanh liên kết quân sự giữa Nhật Bản và Mỹ, chính sách phòng vệ chuyên về phòng thủ tiếp tục thay đổi về chất.
Có thể thấy rõ, cùng với việc tăng cường sức mạnh quân sự, rất có thể liên quan tới các bước sửa đổi hiến pháp nhằm tăng cường sức mạnh cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF). Nhật Bản chưa bao giờ gần tới mức sửa đổi hiến pháp thời hậu chiến của mình như bây giờ.
Hiến pháp Nhật Bản, ban hành năm 1947, là một hiến pháp độc nhất chưa từng một lần sửa đổi. Đảng chính trị đang nắm chính phủ, đảng Dân chủ tự do (LDP), thông qua Thủ tướng Shinzo Abe, tuyên bố là họ đang tìm cách sửa đổi hiến pháp trong tương lai rất gần. Trong khi các sửa đổi đang được thảo luận về cải cách giáo dục và phân bổ nghị sĩ ở thượng viện, phần gây tranh cãi nhất của kế hoạch đó – thay đổi Điều 9 – và tác động của nó tới JSDF là lý do để có những đề xuất sửa đổi này.
Tái vũ trang và cải cách JSDF đã luôn gắn với sửa đổi hiến pháp. Điều này đặt ra câu hỏi: Những sự sửa đổi có thể đem lại cho JSDF điều gì nếu thay đổi hoạt động tác chiến quân sự tiếp tục diễn ra thông qua diễn giải hiến pháp, dù có hay không có sửa đổi?
Câu trả lời là ông Abe và LDP đang tìm cách hợp pháp hóa sự tồn tại của JSDF, dù Điều 9 nói rõ cấm sở hữu trang thiết bị chiến tranh. Hy vọng là một khi bước đi này được thực hiện, những lần sửa đổi trong tương lai có thể được hoàn thành một cách thực tế hơn.
Giả dụ sửa đổi thật sự có thể được hoàn thành, những sự sửa đổi trong tương lai (và mang tính chủ động hơn) có thể dễ chấp nhận. Kể từ năm 2012, một bản sao của hiến pháp lý tưởng do LDP soạn thảo đã được đưa lên trang mạng của họ để tất cả cùng xem. Trong đó, Điều 9 được sửa đổi để trao lại quyền tham chiến cho nước này. Chương 2 của dự thảo này quy định việc thành lập Các lực lượng vũ trang quốc gia và chỉ định thủ tướng là tổng tư lệnh.
Dự thảo cam kết rằng lực lượng vũ trang này sẽ giúp bảo đảm an toàn và trật tự không chỉ ở Nhật Bản mà còn trong cộng đồng quốc tế rộng hơn. Ở Chương 3, văn bản này rõ ràng trao quyền thành lập lục quân, hải quân, không quân và bất kỳ quân chủng nào khác như được quyết định thông qua quy trình pháp lý.
Thời hạn sửa đổi hiến pháp đúng vào thời điểm Olympics Tokyo 2020 như ông Abe tuyên bố hồi tháng 5-2017 đang đến gần, ông Abe và những người ủng hộ ông đã điều chỉnh những sửa đổi đề xuất cho Điều 9 như là đơn thuần sửa đổi hiến pháp để phù hợp hơn với hiện thực bằng cách chính thức hóa sự tồn tại và mục đích của JSDF.
Vào tháng 4/2017, sau khi ông Abe lần đầu chính thức tuyên bố sự quan tâm của ông tới việc sẽ sớm sửa đổi hiến pháp, tờ Asahi Shimbun đã đăng một bài xã luận với ý không mong muốn, cho rằng nên tránh hoặc hoãn sửa đổi hiến pháp vì người dân đã hưởng thụ hiến pháp hiện tại được 70 năm.
Tuy nhiên, theo quan điểm quân sự, điều này giống với nói quân đội không nên hiện đại hóa vũ khí. Rõ ràng những sửa đổi của ông Abe sẽ nâng cao tính hợp pháp và sẽ có lợi lớn cho JSDF. Những thay đổi cùng với sự trở lại của khả năng tấn công hợp pháp, thêm vào đó là không bị giới hạn tiến hành tập trận chung và quốc tế, triển khai chiến đấu, các hoạt động chung chính thức và lên kế hoạch khẩn cấp cho chiến tranh, sẽ là một bước dài để Nhật Bản vươn tầm sức mạnh trong khu vực và tìm lại sự cân bằng trong khu vực chiến lược, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước lớn.
Tăng cường sức mạnh quân sự
Để làm được điều này, Nhật Bản đang tiến hành cải tổ và hiện đại hóa các quân, binh chủng trong JSDF. Với không quân, biên chế, thể chế được điều chỉnh và tối ưu hóa từ các công trình cho tới phương tiện cơ sở hạ tầng. Lần lượt trang bị hàng loạt phương tiện tác chiến mới, cải thiện cơ sở hạ tầng hàng không, tăng khả năng giành quyền kiểm soát bầu trời và hoạt động ngoài lãnh thổ. Điều chỉnh biên chế và bố trí của các đơn vị không quân và đơn vị hỗn hợp ở miền Bắc, miền Trung, miền Tây và các đơn vị không quân hỗn hợp ở Tây Nam.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản đề ra mục tiêu xây dựng lực lượng quân sự tăng cường hiệu quả phòng vệ khu vực Tây Nam, duy trì ưu thế của không quân; xây mới và cải tạo các sân bay sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự, bảo vệ an ninh ở khu vực xung quanh Nhật Bản.
Nhập khẩu và nâng cấp phương tiện tác chiến. Nhật Bản có kế hoạch mua 42 máy bay F-35A trước năm 2024, xây dựng các sư đoàn không quân mà mỗi sư đoàn đều sở hữu 2 chiếc này. Ngày 26-1-2018, chiếc máy bay F-35A đầu tiên đã đến căn cứ quân sự Misawa. Ngày 15-5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera nói với báo chí rằng sẽ hoàn thành triển khai 7 máy bay F-35A.
Trên cơ sở đã sở hữu 8 máy bay vận tải và tiếp nhiên liệu trên không KC-767, không quân có kế hoạch mua 3 máy bay vận tải kiểu mới KC-46A vào trước năm 2020. Không quân cũng có kế hoạch mua 40 máy bay vận tải loại lớn C-2, cuối cùng là thay thế máy bay vận tải C-1 và C-130 đang sử dụng hiện nay.
Lực lượng lục quân tập trung vào phản ứng nhanh và phòng vệ các đảo, xây dựng lại biên chế các đơn vị, điều chỉnh lớn trang bị vũ khí, giúp lục quân trở thành lực lượng có thể tác chiến cả trên đất liền và trên biển, xử lý mọi tình huống hiệu quả. Ngày 27-3-2018, Lực lượng phòng vệ trên bộ đã thành lập Bộ Tư lệnh Lục quân. Đây là điều chỉnh cơ cấu lớn nhất trong 64 năm thành lập Lực lượng phòng vệ trên bộ, Bộ Tư lệnh Lục quân sẽ phụ trách 5 lĩnh vực giám sát như hệ thống phòng ngự ở phía Đông, phía Tây và 6 tổ chức thuộc Bộ Tư lệnh phản ứng nhanh trung ương, chỉ huy tập trung thống nhất đối với các sư đoàn (lữ đoàn) được triển khai ở các phân khu, quy trình quản lý chỉ huy sẽ hiệu quả hơn.
Về mặt thể chế chỉ huy tác chiến chung, Bộ Quốc phòng đã thực hiện tổ chức phẳng và tập trung quyền lực ở cấp cao nhất, hình thành khuôn khổ chỉ huy thống nhất đối với các Bộ Tư lệnh Lục quân, Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ tư lệnh Không quân.
Nhằm tăng cường sức mạnh cho JSDF, lần đầu tiên Nhật Bản đã xây dựng lực lượng hải quân đánh bộ. Lực lượng này chủ yếu đảm đương nhiệm vụ phòng thủ ở các đảo xa phía Tây Nam và tác chiến chiếm đảo, do Bộ Tư lệnh Lục quân trực tiếp chỉ huy và quản lý. Sư đoàn cơ động hải quân đánh bộ được biên chế 3.000 người, được trang bị 52 xe lội nước AAV7, 17 máy bay vận tải cánh quạt MV-22 Osprey và một số tàu đổ bộ đệm khí LCAC.
Tàu hộ vệ mang máy bay trực thăng Izumo của lực lượng hải quân có thể là tàu chỉ huy, thực hiện chỉ huy tác chiến đổ bộ đối với sư đoàn cơ động hải quân đánh bộ. Khi cần thiết, lực lượng lục quân và hải quân đánh bộ Mỹ đóng tại Nhật Bản có thể chi viện cung cấp tin tức tình báo, cảnh báo, hỏa lực và hỗ trợ vận tải trên không và trên biển, thậm chí thực hiện tác chiến chung.
Một trong những ý đồ chiến lược của Nhật Bản là tăng cường năng lực tác chiến của lực lượng phòng thủ đảo xa. Ngoài Lữ đoàn 15 là lực lượng phòng thủ đảo xa thiện chiến, hiện một số tiểu đoàn phòng không đã được phát triển thành trung đoàn phòng không, trang bị tên lửa phòng không chống hạm mới, thực hiện sự thay đổi từ lực lượng phòng không khu vực Tây Nam sang phòng không dã chiến. Các trung đoàn mới được trang bị thêm nhiều tên lửa đa năng tầm trung và tên lửa chống hạm, năng lực cơ động được nâng cao rõ rệt.
Ngoài ra, các lực lượng lục quân còn được biên chế thêm các tiểu đoàn trinh sát, cảnh giới trên biển và tiểu đoàn phòng hóa ứng phó với vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học. Kế hoạch tăng cường biên chế chiến đấu hiện chưa dừng lại khi tới đây Nhật Bản còn có kế hoạch tiếp tục tăng thêm một số tiểu đoàn đa năng nữa.
Với lực lượng hải quân, hiện việc nâng cao năng lực tác chiến chống ngầm, tác chiến biển xa và chống tên lửa đang được chú trọng. Những năm gần đây, hoạt động tăng cường sức mạnh trang bị của hải quân không ngừng diễn ra, năng lực tác chiến chống ngầm, phòng không chống tên lửa và tác chiến biển xa tăng lên rõ rệt. Chống ngầm luôn là một trong những nhiệm vụ và ưu thế trọng điểm của hải quân, duy trì quy mô hơn 100 máy bay tuần tra.
Hải quân Nhật Bản có kế hoạch mua thêm 20 máy bay tuần tra P-1 từ năm 2016 đến 2021, dần dần thay thế các loại máy bay P-3C đã cũ. Cơ quan giám sát của hải quân đã đưa ra kế hoạch tăng cường có trọng điểm các tàu chở máy bay trực thăng, có kế hoạch mua thêm 17 trực thăng SH-60K và 8 trực thăng UH-60 trên tàu chiến, tăng cường có trọng điểm năng lực phát hiện và tấn công tàu ngầm trực thăng kiểu mới chuyên dụng trên tàu chiến.
Song song với đó là việc gia tăng số lượng và chất lượng của lực lượng tàu ngầm. Trong “Kế hoạch xây dựng lực lượng phòng vệ trung hạn (từ năm 2014 đến 2018)”, các quan chức Nhật Bản cho biết, số lượng tàu ngầm của Lực lượng phòng vệ trên biển năm 2021 sẽ tăng từ 16 lên 22 chiếc. Không chỉ chú trọng lực lượng tàu ngầm, việc sản xuất tàu chiến mặt nước cỡ lớn cũng được đặc biệt quan tâm. Việc chế tạo tàu nổi cỡ lớn có thể tác chiến ở biển xa của hải quân Nhật Bản có tiến triển rõ rệt.
Trong sơ đồ chiến thuật của mình, Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới việc tăng cường năng lực chống tên lửa tầm trung. Tàu khu trục Aegis là bộ phận then chốt của hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa của Nhật Bản. Hiện nay, Lực lượng phòng vệ trên biển có tổng cộng 4 tàu khu trục bao gồm tàu khu trục Kongo và 2 tàu khu trục Atago, ngoài ra còn có 2 tàu Atago đang trong quá trình sản xuất. Trong đó, chỉ có 4 tàu khu trục Kongo là có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Ngày 6-3-2017, tàu khu trục Atago đã đánh chặn thành công một tên lửa đạn đạo tầm xa tại vùng biển gần quần đảo Hawaii ở Thái Bình Dương, đánh dấu năng lực chống tên lửa tầm trung của tàu khu trục Atago.
Cùng với việc tàu khu trục Atago được hoàn thành sản xuất trong năm 2018, lực lượng hải quân Nhật Bản sẽ hoàn thành trước thời hạn cơ chế 8 tàu khu trục Aegis, đã có đầy đủ khả năng đánh chặn tên lửa tầm trung. Năm 2018, Nhật Bản chi 65,7 tỷ yên để mua tên lửa đánh chặn mạnh hơn là Standard Missile-3IB (SM-3IB) và SM-3IIA nhằm tăng cường khả năng chống tên lửa của tàu Aegis.
Cuối cùng, để liên kết các đơn vị, Nhật Bản đang xây dựng một hệ thống chỉ huy tác chiến tập trung thống nhất – Bộ Tư lệnh thống nhất. Bộ Quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch đưa thêm nội dung về xây dựng Bộ Tư lệnh thống nhất trong Chủ trương kế hoạch quốc phòng và Kế hoạch điều chỉnh lực lượng phòng vệ về trung hạn trong năm 2018.
Kế hoạch của Cơ quan chỉ huy thống nhất lực lượng phòng vệ căn cứ vào sự khác nhau về khu vực, mức độ đe dọa để xây dựng lực lượng tác chiến hiện tại thành Tập đoàn miền Bắc, Tập đoàn miền Trung và Tập đoàn miền Tây Nam.
Ngoài việc xây dựng quân đội có sức mạnh, Nhật Bản cũng tích cực mở rộng ngoại giao quốc phòng đa phương. Sau khi lên làm thủ tướng lần thứ hai, ông Shinzo Abe liên tục tiến hành hàng loạt hoạt động như xây dựng Hội nghị Bảo đảm an ninh quốc gia, thông qua luật an ninh mới, lấy 3 nguyên tắc dịch chuyển trang bị phòng vệ để thay thế 3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí…, có sự cải cách và điều chỉnh to lớn đối với cơ chế quyết sách phòng vệ, cơ sở pháp lý và xuất khẩu vũ khí…
Hoa Huyền/ An ninh thế giới