Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã khởi động từ đầu năm 2024 và diễn ra kịch tính, với phần thắng thuộc về ứng viên Donald Trump. Dù bị nhiều cuộc thăm dò dư luận đánh giá thấp hơn so với ứng viên Kalama Harris của Đảng Dân chủ, cựu Tổng thống Trump đã được bầu với cách biệt thuyết phục. Việc ông thắng cử được các nhà phân tích coi là xu hướng tất yếu bởi những yếu kém của chính quyền Biden – Harris trong việc giải quyết các vấn đề của nước Mỹ cũng như của thế giới.
Bản thân ông Trump nhận thức được sự suy yếu này từ lâu. Từ xã hội Mỹ tới vị thế toàn cầu của nước Mỹ đều trong tình trạng suy yếu. Hoa Kỳ không còn giữ được vai trò chủ đạo của mình trên thế giới. Nước Mỹ theo Trump được vận hành bởi thế giới ngầm. Toàn bộ nền chính trị tới giá trị văn hoá đều xuống dốc, đi kèm với kinh tế suy giảm và quốc phòng không đủ hùng mạnh, nước Mỹ lộ rõ những yếu điểm cơ bản, cần một cuộc cách mạng để thay đổi.
Chính vì thế, một lần nữa ông Trump đã ra tranh cử Tổng thống với mục tiêu thực hiện một cuộc cách mạng để thay đổi lại nền chính trị xã hội cũng như vai trò của Mỹ trên toàn cầu. Trump đánh trúng vào kỳ vọng của người dân Mỹ mong muốn đất nước phải thay đổi, và ông đã một lần nữa giành chiến thắng trong cuộc đua Nhà Trắng trước hết nhờ khao khát đưa Mỹ hùng mạnh trở lại của người Mỹ, bù đắp cho nỗi hoang mang của người Mỹ về những yếu kém này, trong đó hai vấn đề nổi cộm là kinh tế và nhập cư.
Nền kinh tế ảm đạm dưới thời Tổng thống Biden là lý do quan trọng khiến các cử tri đứng về phía ông Trump. Theo một thăm dò ngay trước bầu cử, 74% cử tri tin rằng đất nước đang đi sai hướng. Đây là một chỉ dấu tương đối chắc chắn dự báo việc đảng cầm quyền sẽ mất Nhà Trắng. Trong vấn đề kinh tế, lạm phát là điều khiến cử tri thất vọng nhất. Xu hướng tăng trưởng việc làm cũng rất yếu ớt, xảy ra nhiều cuộc đình công lớn của công nhân. Ông Trump đã chớp thời cơ tuyên bố một cách dứt khoát rằng Kamala Harris và Joe Biden đã đẩy nền kinh tế Mỹ xuống vực thẳm.
Một thành công khác của Trump là tâm trạng lo âu của cử tri về vấn đề nhập cư. Nước Mỹ thực sự bị mối đe dọa và đối mặt tình trạng hỗn loạn do nhập cư bất hợp pháp gây ra. Ông Trump đã khai thác rất tốt vấn nạn những người nhập cư xông qua biên giới hoặc cướp bóc trên đường phố Mỹ, sát hại nhân viên thực thi pháp luật. Thông tin về tội phạm do người nhập cư gây ra đã được tận dụng tối đa để cử tri bầu cho Trump. Một thăm dò dư luận cho biết 15% số người được hỏi khẳng định nhập cư là vấn đề quan trọng nhất trong việc quyết định phiếu bầu đối với họ.
Từ thực tế này, ông Trump đã làm tốt phần còn lại là hứa hẹn những chính sách nhằm thay đổi thực tế yếu kém hiện nay.
Về thương mại quốc tế, ông Trump tuyên bố muốn áp thuế 10-20% với tất cả hàng hóa nhập vào nước này. Riêng với Trung Quốc, thuế có thể lên tới 60%. Trump cho rằng thuế nhập khẩu sẽ bảo vệ việc làm và ngành công nghiệp Mỹ, khẳng định chúng sẽ khuyến khích sản xuất trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài.
Ông Trump cam kết giúp kinh tế Mỹ bùng nổ, thông qua các chính sách như tăng thuế nhập khẩu hàng hoá nước ngoài, giảm thuế cho doanh nghiệp trong nước và tăng khai thác năng lượng truyền thống như dầu khí và than. Ông Trump khẳng định chính sách thuế sẽ đưa đầu tư, sản xuất và việc làm quay về Mỹ, đồng thời giảm lạm phát và chi phí sinh hoạt cho các gia đình. Trump cũng nhấn mạnh nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ bằng việc dừng những chi tiêu thiếu hiệu quả như viện trợ quân sự cho Ukraine và tài trợ để đảm bảo an ninh cho các đồng minh.
Về mặt nhập cư, Trump đã cam kết thực hiện chiến dịch trục xuất lớn nhất trong lịch sử quốc gia. Ngoài ra, ông còn cam kết hủy bỏ các biện pháp bảo vệ thanh thiếu niên chuyển giới và hạn chế các quy định về môi trường mà Trump cho rằng chỉ gây thiệt hại cho sự phát triển kinh tế tự nhiên của Mỹ.
Người dân Mỹ đã một lần nữa bầu cho Trump bởi cảm thấy Trump là nhà lãnh đạo phù hợp có thể khôi phục các giá trị truyền thống, chống chủ nghĩa toàn cầu, chống chuyển giới, chống phá thai, chống việc can thiệp tràn lan của Mỹ vào các vấn đề của nước khác, khiến cho các giá trị của người Mỹ biến dạng, sự tồn tại của nền dân chủ Mỹ bị đe doạ. Trump thực sự đã đánh đúng vào nguyện vọng của nhân dân Mỹ, không chỉ nhìn thấy nguyện vọng ấy mà còn đưa ra khẩu hiệu kêu gọi cử tri Mỹ cùng hành động để hướng về tương lai. Nước Mỹ rõ ràng phải thay đổi, hay nói cách khác phải có một cuộc Cách mạng với nước Mỹ.
Kalama Harris đại diện cho phong cách chính trị cũ, không thể đưa nước Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo thế giới. Người dân Mỹ cũng có xu hướng chưa chấp nhận phụ nữ lại là người da màu dẫn dắt. Chính vì thế, họ đã một lần nữa bầu cho Trump.
Donald Trump đã trở lại Nhà Trắng để nắm giữ nước Mỹ thêm một nhiệm kỳ bốn năm nữa. Lần này, các nhà phân tích cho rằng ông sẽ rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước trong việc thành lập nội các mới để đưa ra những chính sách quyết liệt và nhanh chóng hơn.
Theo truyền thống nước Mỹ, sự thay đổi nhân sự và nội các được thực hiện thông qua công ty dịch vụ chính phủ, nhưng Donald Trump không sử dụng những dịch vụ này mà thông qua dịch vụ phi chính phủ để giúp mình lựa chọn nhân sự. Bộ máy nội các mới sẽ được dựng lên theo ý Trump, dự kiến sẽ bao gồm một số lực lượng chính.
Nhóm thứ nhất là những nhân vật thân cận, xưa nay vẫn luôn trung thành với ông Trump, chiều theo mọi quyết định và ý muốn của cựu Tổng thống. Nhóm thứ hai là các viên chức ở chế độ Trump trước đây, những người được Trump trực tiếp lựa chọn và quen với cách làm việc theo lối Trump. Nhóm thứ ba là tầng lớp tinh hoa có quan điểm gần với quan điểm của Trump, cho dù đó là những doanh nhân như Elon Musk hay các thượng nghĩ sĩ, thống đốc bang đã thể hiện sự cứng rắn với những vấn đề nhập cư, Trung Quốc, thương mại giống như Trump. Với chất doanh nhân của mình và việc sẵn sàng bỏ qua mọi cơ chế chính trị, bộ máy của Trump trong nhiệm kỳ mới được thành lập nhanh chóng.
Những lựa chọn của ông Trump dự báo một bộ máy chính quyền mới theo hướng cực hữu, những người coi nước Mỹ là trên hết và chống lại mọi cam kết không mang đến hiệu quả trực tiếp cho Hoa Kỳ. Việc lựa chọn bộ máy chính quyền mới đã hé lộ góc nhìn về xu hướng hành động của Nhà Trắng. Mỗi lựa chọn này đều đại diện cho một khía cạnh trong niềm tin chính trị của ông Trump. Và lập trường của họ cũng phản ánh mong muốn thay đổi mà hàng triệu cử tri đã đặt vào ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua. Tuy vậy, các nhân vật được lựa chọn nắm quyền lần này đều có một điểm chung: lòng trung thành tuyệt đối với ông Trump. Họ thường thể hiện sự tôn kính với ông Trump trong các cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Trump dường như đã rút kinh nghiệm sâu sắc từ nhiều trường hợp nhân sự đã phản bội ông trong nhiệm kỳ đầu tiên. Trong lần đầu nắm quyền Nhà Trắng, ông Trump cũng nhiều lần tranh cãi công khai với nhiều thành viên trong chính quyền và nhiều người sau khi rời bỏ đã công khai chỉ trích và chống lại ông.
Những lựa chọn nhân sự cao cấp của Trump cũng cho thấy chính quyền mới sẽ theo xu hướng cực đoan, thậm chí diều hâu, về các vấn đề quốc tế. Không có nhiều dấu hiệu cho thấy một chính sách ủng hộ hoà bình sẽ được thực thi như tuyên bố, ngược lại, các cuộc chiến tranh khó kết thúc. Với việc bản thân Trump cũng không phải là chính trị gia, mà là một chủ doanh nghiệp nên chính sách của ông mang tính chất thương vụ nên rất khó dự đoán.
Các nhà phân tích dự báo Tổng thống đắc cử sẽ có những hành động nhanh hơn so với trong nhiệm kỳ đầu năm để đạt mục tiêu nhanh hơn, tham vọng hơn. Với việc đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Thượng viện từ đảng Dân chủ và tiếp tục nắm Hạ viện, ông Trump sẽ như “hổ mọc thêm cánh”, có thể dễ dàng triển khai chính sách trị quốc của mình trong những năm tới mà không vấp nhiều trở ngại.
Với thực tế như vậy, tình hình nội bộ Mỹ và quốc tế sẽ bị tác động thế nào là một chủ đề còn nhiều ẩn số, nhưng có thể phác thảo một số xu hướng lớn.
Về mặt chính trị nội bộ, Trump muốn làm cuộc cách mạng lật đổ hệ thống chính trị này để tạo ra hệ thống chính trị khác, bất chấp tất cả các cản trở.
Các cố vấn thân cận của Trump đã tiết lộ 10 điểm cải cách cơ bản hệ thống chính trị nước Mỹ. Nếu thực hiện được thì đây sẽ là một cuộc cải cách chưa từng có. Những luận điểm này rất triệt để và mới mẻ đối với nước Mỹ, như tăng cường chức năng quyền hành của Tổng thống để gạt bỏ những người chống đối ông trong chính quyền, đặt vấn đề gạt bỏ tham nhũng trong cơ quan tình báo và an ninh, cải cách toà án để loại bỏ tham nhũng, thành lập tổ chức để công bố tài liệu về chính phủ ngầm tại Mỹ, lập tổ chức chuyên biệt để xử lý thông tin rỏ rỉ, lập đơn vị kiểm toán độc lập để kiểm soát cơ quan tình báo, chuyển hệ thống hành chính trước đây ra khỏi Nhà Trắng. Dự kiến Washington sẽ chỉ còn nhóm tinh hoa của Donald Trump và Tổng thống sẽ sửa Hiến pháp để quy định thời hạn của thành viên nghị sĩ Quốc hội.
Mục tiêu cao nhất của Donald Trump sẽ là cải cách hệ thống chính trị Mỹ, phá chính phủ ngầm đang chi phối nước Mỹ, đặc biệt là nhóm theo chủ nghĩa toàn cầu, từ đó giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội và nhập cư bất hợp pháp do các tổ chức ngầm tạo ra.
Về đối nội, ông Trump nhiều khả năng sẽ thực hiện đúng những lời hứa khi tranh cử. Chính quyền mới sẽ tái triển khai các chính sách trong nhiệm kỳ đầu nhắm đến người vượt biên trái phép vào Mỹ và áp thêm loạt hạn chế mới. Dư luận Mỹ dự báo ông Trump sẽ thực hiện đợt trục xuất người nhập cư lớn chưa từng thấy trong lịch sử Mỹ, dù động thái này có thể vấp phải sự phản đối cùng thách thức pháp lý từ phe Dân chủ. Ông không loại trừ khả năng lập các trại giam người nhập cư trái phép quy mô lớn để giải quyết các trường hợp phải trục xuất. Nhiều chuyên gia dự báo chính quyền Trump nhiệm kỳ hai sẽ tăng lượng người trục xuất gấp mười lần, đạt hơn một triệu người mỗi năm.
Không loại trừ, Trump còn triển khai cả Vệ binh Quốc gia, và nếu cần thiết là cả quân đội, và kích hoạt Đạo luật Kẻ thù từ bên ngoài năm 1978 để nhanh chóng trục xuất người bị nghi là thành viên băng đảng vượt biên vào Mỹ mà không cần tuân thủ quy trình thông thường. Tổng thống thứ 47 nhiều khả năng sẽ tìm cách chấm dứt chính sách tự động cấp quốc tịch, nghĩa là việc trẻ em sinh ra trên đất Mỹ sẽ được tự động cấp quốc tịch Mỹ, điều mà Trump cho là khuyến khích người nhập cư vượt biên trái phép vào Mỹ để sinh con. Trump cũng cảnh báo sẽ tái triển khai “lệnh cấm đi lại”, trong đó hạn chế người dân từ một số nước nhất định nhập cảnh vào Mỹ, chủ yếu là các quốc gia Hồi giáo.
Ông Trump có thể hiện thực hoá một phần Dự án 2025. Dự án này kêu gọi xóa bỏ Bộ Giáo dục Mỹ vì muốn các trường học nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền bang, không phải liên bang. Tổng thống mới cũng muốn hạn chế quyền tiếp cận thuốc phá thai, đóng cửa cơ quan dự báo bão, xây trại giam giữ trẻ em và gia đình nhập cư trái phép ở biên giới, cấm người chuyển giới nhập ngũ, có thể áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Về mặt đối ngoại, vấn đề được quan tâm hàng đầu là quan điểm của chính quyền mới với cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài gần ba năm qua. Dù Trump từng tuyên bố nếu đắc cử, ông có thể chấm dứt chiến sự Nga – Ukraine trong 24 giờ, nhiều nhà phân tích dự báo viện trợ quân sự cho Ukraine sẽ sớm chấm dứt dưới thời Trump, thực tế như thế nào còn tuỳ thuộc vào ván bài mặc cả giữa Trump với Nga và các nước lớn khác.
Hiện nay nhiều cố vấn và nhân vật thân cận với Trump đã tiết lộ kế hoạch của chính quyền mới, tuyên bố mong muốn hoà bình nhưng thực chất là chuyển trạng thái chiến tranh sang trạng thái khác, đóng băng cuộc chiến, tạo mọi điều kiện để khôi phục lại Ukraine, đình chiến để tạo ra vùng đệm do NATO bảo vệ, kéo châu Âu vào sâu hơn và vẫn có thể tiếp tục viện trợ lớn cho Ukraine để hồi phục hậu chiến. Như vậy có thể chỉ đình chiến để tiếp tục chiến tranh, buộc Nga phải chấp nhận điều kiện các điều kiện đàm phán nhưng tiếp tục sử dụng Ukraine để tấn công Nga trong tính toán chiến lược lâu dài. Nếu Nga không chấp nhận thì vẫn duy trì viện trợ mạnh để Ukraine tấn công Nga và cho phép Ukraine tấn công vào nội địa Nga. Cuộc đối đầu này vì thế tiếp tục tái diễn chứ chưa có dấu hiệu hoà bình. Cuộc chạy đua vũ trang, nguy cơ đe doạ hạt nhân và xu thế bao vây trừng phạt kinh tế chưa thể dừng lại.
Chính quyền Trump vẫn nắm châu Âu bằng cách làm châu Âu suy yếu kinh tế, phải lệ thuộc vào Mỹ, cắt đứt nguồn cung ứng năng lượng của Nga để châu Âu phải mua của Mỹ. Đồng thời, Trump nhiều khả năng sẽ theo đuổi chính sách yêu cầu các thành viên NATO đạt mức chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng, và thậm chí tăng thuế đối với hàng hoá nhập khẩu của châu Âu. Trump không muốn nước Mỹ chi tiêu cho việc bảo vệ đồng minh trong bối cảnh các nước khác có thể tự quyết định an ninh của mình. Những yếu tố này có thể khiến châu Âu phản kháng, muốn tách khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ, xây dựng một châu Âu độc lập có quân đội riêng.
Nhưng với riêng Israel, ông Trump dự kiến sẽ ủng hộ Israel mạnh mẽ hơn và không dùng viện trợ quân sự gây sức ép lên Thủ tướng Benjamin Netanyahu như chính quyền cũ. Tổng thống đắc cử Trump từng nói lãnh đạo Israel nên “làm điều cần phải làm” để “giành thắng lợi quyết định” trước Hamas và Hezbollah. Ông Trump cũng dự kiến tập trung đối phó Iran như trong nhiệm kỳ đầu, khi ông đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và theo đuổi chiến lược “gây sức ép tối đa”, áp loạt lệnh trừng phạt nhằm buộc Tehran phải chấp nhận một thỏa thuận toàn diện.
Trong quan hệ với Trung Quốc, ông Trump được cho là vẫn sẽ duy trì áp lực cạnh tranh siêu cường và tìm cách làm giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh trên trường quốc tế. Trong nhiệm kỳ 2017-2021, Trump đã khởi xướng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế với hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ nước này. Ông có thể sẽ thực hiện kế hoạch lớn hơn trong nhiệm kỳ này, áp thuế 60% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Về quân sự, khả năng Trump thúc đẩy chạy đua vũ trang ở châu Á – Thái Bình Dương là hiện hữu với việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đây, gây sức ép tối đa với Trung Quốc đặc biệt vấn đề Đài Loan. Dự báo, Trung Quốc sẽ phải đối phó với một giai đoạn bốn năm trước mắt khó khăn hơn khi cuộc chiến tranh thương mại – công nghệ với Mỹ sẽ được kích hoạt trở lại. Mỹ sẽ vận động mọi điều kiện để bao vây ngăn chặn Trung Quốc, duy trì liên minh Mỹ – Nhật – Hàn, vừa để làm suy yếu Trung Quốc, vừa chia rẽ Nga – Trung, ngăn hai nước này trở thành đối cực của Mỹ trong trật tự quốc tế mới.
Về quân sự, Trump cũng sẽ có những cải tổ. Việc tiếp tục duy trì 800 căn cứ quân sự trên toàn cầu hay không là dấu hỏi, nhưng chắc chắn chính quyền mới sẽ đầu tư mạnh cho quốc phòng. Cho dù nhiều nhà bình luận cho rằng Trump không ưa chiến tranh và không muốn dùng chiến tranh giải quyết quyền lợi Mỹ, không can thiệp bằng quân sự ở nước khác hay thúc đẩy các cuộc cách mạng màu, nhưng không vì thế mà Trump sẽ từ bỏ tham vọng đưa Mỹ trở thành cường quốc số một về quân sự, đủ sức thống trị và đưa nước Mỹ trở lại vai trò bá chủ thế giới. Quan trọng không kém, chính ngành công nghiệp quốc phòng là một nền tảng quan trọng để thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển nên Trump không thể không nỗ lực duy trì lĩnh vực này.
Tóm lại, dù nước Mỹ đã có một Tổng thống mới nhưng chính quyền Mỹ vẫn sẽ coi Trung Quốc và Nga là hai đối tượng đe doạ an ninh Hoa Kỳ. Các chính sách bất thường và dựa trên lợi ích nước Mỹ trên hết của Trump sẽ còn đẩy thế giới vào những khó khăn, phức tạp trong những năm tiếp tới. Cuộc cạnh tranh địa chính trị trên phạm vi toàn cầu sẽ biến động mạnh. Chắc chắn Trump sẽ có những đối phó với khối BRICS và nỗ lực phi đô la hoá, trừng phạt những quốc gia không sử dụng đô la trong các giao dịch thương mại.
Tất cả những điểm trên là tham vọng và ý tưởng của Trump và các cộng sự. Tuy nhiên, có những vấn đề đi ngược với nền chính trị truyền thống của nước Mỹ và thế giới, nên Trump sẽ phải đối mặt với không ít phản kháng trong nội bộ Mỹ. Thế giới cũng đang thay đổi mạnh theo hướng đa cực, đang hình thành các khối nước phía Nam do Nga và Trung Quốc dẫn dắt. Cả hai nước đều là cường quốc có sức mạnh tương đương Hoa Kỳ. Các đồng minh của Mỹ cũng không dễ chấp nhận những đường lối của Trump. Việc Trump muốn áp đặt ý tưởng của mình là không dễ dàng. Bài viết này nhìn nhận tổng quát trên những thông tin ban đầu nhưng với bản chất thương gia làm việc dựa trên lợi ích là chính, những biến động trong bốn năm sẽ cần tiếp tục theo dõi và có thể có những bất ngờ khó đoán.■
Xuân Sơn