Những pha tuyển mộ điệp viên xuất sắc của tình báo quân đội Xô Viết

Trong lịch sử hoạt động vẻ vang của mình, tình báo quân đội Xôviết từng có không ít những chiến công tuyển mộ được đánh giá là đặc biệt xuất sắc…

Mạng lưới tình báo của bất kỳ một quốc gia nào không thể đơn giản chỉ có trong đội ngũ những người hoàn toàn tình nguyện, có nghĩa là những người sẵn sàng cống hiến và phục vụ mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Chính vì vậy, công tác tìm hiểu, tuyển mộ, động viên, thuyết phục những đối tượng có khả năng tiếp cận và khai thác các thông tin mật là điều cực kỳ quan trọng.

Làm sao trong một thời gian ngắn có thể tìm kiếm, nghiên cứu, thẩm tra được một đối tượng cho hoạt động tình báo, tuyển mộ họ, đánh giá được mức độ thông tin được cung cấp, khả năng và nhu cầu hợp tác tiếp theo, biết cách thuyết phục họ hợp tác thường xuyên, thống nhất các điều kiện hợp tác khả thi và phương pháp liên lạc, chuyển giao thông tin – tất cả những yêu cầu trên đã phần nào phản ánh được tính chất phức tạp, mạo hiểm và căng thẳng của một tuyển mộ viên tình báo.

Trong lịch sử hoạt động vẻ vang của mình, tình báo quân đội Xôviết từng có không ít những chiến công tuyển mộ được đánh giá là đặc biệt xuất sắc…

Aleksey Lebedev – Từ phi công đến tuyển mộ viên huyền thoại

Đối với các chuyên gia nghiên cứu lịch sử tình báo Xôviết, điệp viên có mật danh Murat được đánh giá là một trong những nguồn tin có giá trị nhất trong lịch sử của Cơ quan Tình báo quân đội (GRU). Là một đại tá trong Bộ tham mưu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Tây Đức, Murat có thể tiếp cận với những tài liệu bí mật nhất của liên minh này.

Trong suốt những năm hợp tác với GRU, Murat đã chuyển về trung tâm tổng cộng hơn 20 ngàn trang tài liệu mật. Một tài liệu trong kho lưu trữ của GRU đã đánh giá như sau về hoạt động của nguồn tin này: “Vào những năm 1960, trong giai đoạn các mối quan hệ quốc tế phức tạp và tình hình căng thẳng gia tăng, khó có thể đánh giá được hết ý nghĩa những đóng góp của Murat. Công việc và giá trị thông tin của anh ta có thể so sánh với thông tin của Zorge hay nguồn tin của Luzi trong nhóm Rado (những nguồn tin đặc biệt quan trọng của GRU trong Chiến tranh thế giới thứ hai).

Aleksey Lebedev – tuyển mộ viên xuất sắc của GRU (giữa).

Hơn nữa, những thông tin của Murat không chỉ mang tính phân tích hay tóm tắt mà còn có những tài liệu gốc xác thực. Để hoàn thành những nhiệm vụ của chúng ta, Murat đã phải mạo hiểm rất lớn với tính mạng của mình, hy sinh quyền lợi của gia đình cũng như vị thế cao của mình trong xã hội tư bản, đồng thời luôn coi Liên Xô là tổ quốc thứ hai…”.

Đáng chú ý vào tháng 6-1960, Murat đã chuyển giao cho liên lạc viên của GRU một tài liệu tuyệt mật từ bộ tham mưu NATO có tên “Kế hoạch của Tổng tư lệnh tối cao không quân NATO số 110/59 ngày 01-01-1960 về việc tiến hành các đòn tấn công hạt nhân”.

Trong bản kế hoạch này – về sau được cả thế giới biết đến với mật danh “Dropshot” – có đánh giá khái quát về tính chất cuộc chiến trong tương lai, xem xét các lực lượng và phương tiện tấn công hạt nhân, việc phân bố trên chiến trường, tính chất các mục tiêu và xác định trình tự tấn công hủy diệt v.v… Cụ thể theo những người từng chứng kiến, bản kế hoạch của NATO đã khiến cho nhà lãnh đạo Nikita Khrutsev bị sốc thực sự.

Tài liệu trên đã được đánh giá là một chiến công xuất sắc của GRU, khi hành trình của nó từ két sắt bí mật của trụ sở NATO tới điện Kremli là cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Nhưng đó không phải là chiến công duy nhất.

Chỉ riêng trong tháng 12-1961, Murat trong thời gian nghỉ ăn trưa đã kịp thời chụp 4 tài liệu mật khác của NATO – “Kế hoạch phòng thủ đặc biệt tại Trung Âu khi có chiến sự”, Kế hoạch huấn luyện tác chiến mang tên “Rubin đỏ” của NATO”, “Kế hoạch sử dụng lực lượng và phương tiện phòng không của NATO” và “Cẩm nang của NATO về lực lượng không quân Xôviết” – tất cả đều được đánh giá là những thông tin đặc biệt giá trị.

Hiểu rõ tính chất đặc biệt quan trọng của những tài liệu trên, chỉ huy bộ phận của GRU tại Pháp, thiếu tướng Ivan Cheredeev đã đề nghị cấp trên phong tặng Murat danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Theo quyết định sau đó của lãnh đạo GRU khi đó là tướng Ivan Serov, Murat đã được tặng thưởng huân chương Lênin. Có lẽ không mấy ai được biết, người đã có công tuyển mộ được một nguồn tin đặc biệt quan trọng như vậy cho GRU lại là đại tá Aleksey Lebedev, tùy viên không quân của Liên Xô tại Pháp.

Trước khi bước chân vào nghề tình báo, Lebedev đã từng là một phi công siêu hạng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Được giao nhiệm vụ lái máy bay IL-2, một loại cường kích chuyên tấn công tiêu diệt các phương tiện tác chiến và sinh lực của địch dưới mặt đất. Tuy nhiên, trên không trung thì IL-2 thường không có cơ hội khi phải đương đầu với những chiếc tiêm kích của Đức vốn có ưu thế về tốc độ và sự cơ động.

Nhưng đối với Lebedev thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Anh đã có tổng cộng 6 lần tham gia không chiến với các máy bay tiêm kích của địch, bắn rơi được 5 chiếc và trở về căn cứ an toàn.

Chỉ riêng trong năm 1943, phi công cường kích Lebedev đã được tặng 4 huân chương khác nhau – hai huân chương “Cờ đỏ”, 1 huân chương “Sao đỏ” và 1 huân chương “Chiến tranh vệ quốc hạng nhất”. Tháng 3-1945, Lebedev – khi đó đã là chỉ huy phi đội số 71 của Trung đoàn không quân “Sao đỏ” – được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Liên Xô”.

Sau chiến tranh, Lebedev tốt nghiệp Học viện Không quân. Có cảm tưởng như số phận của anh đã an bài với nghề nghiệp này: mới có 30 tuổi, đã trải qua nhiều vị trí chỉ huy của không quân, sau lưng có nhiều kinh nghiệm chiến trường, kiến thức tại học viện và cả danh hiệu “Anh hùng Liên Xô”. Nhưng lần này, Lebedev lại được gợi ý đổi nghề từ không quân chuyển sang tình báo.

Sau 5 năm đèn sách” tại Học viện Ngoại giao quân sự, Lebedev tốt nghiệp ở tuổi 35, trở thành một nhà ngoại giao trẻ tuổi và chưa có nhiều kinh nghiệm. Được cử đến công tác tại Pháp, Lebedev đã có dịp làm quen với một đại tá người Pháp từ Bộ tham mưu NATO trong một buổi lễ. Hóa ra cả hai đều từng là phi công chiến đấu, tuổi tác cũng tương tự nhau, cùng tham gia chiến đấu với Đức phát xít nhưng ở những mặt trận khác nhau.

Ngay từ buổi gặp đầu tiên, cả hai đều tỏ ra đặc biệt thiện cảm với nhau. Dù cùng có thành tích bắn rơi 5 máy bay địch trong chiến tranh, nhưng viên sĩ quan Pháp rất khâm phục Lebedev vì anh đã lập được thành tích này với một chiếc máy bay cường kích.

Hai bên cùng rủ nhau ra ngoài tiếp tục uống rượu và tâm sự. Viên đại tá Pháp không ngần ngại kể chuyện mình đang làm việc tại Bộ tham mưu NATO cũng như cương vị mình đang nắm giữ. Dù làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với người Đức và người Mỹ, Murat đã bày tỏ thái độ không ưa gì cả hai bên: người Đức vì những tội ác trong chiến tranh trước đó, còn người Mỹ vì thói cao ngạo của họ. Trước khi chia tay, viên sĩ quan Pháp đồng ý ngay với đề xuất gặp lại lần nữa.

Chỉ ngay tại cuộc gặp sau đó, Murat đã tiết lộ về việc Mỹ đang chuẩn bị chiến tranh chống Liên Xô và lôi kéo các nước châu Âu vào âm mưu này. Để khẳng định cho lời nói của mình, anh ta sẵn sàng đưa ra những tài liệu cụ thể của NATO về kế hoạch tấn công hạt nhân như đã nói ở trên. Đó chính là điểm khởi đầu của quá trình hợp tác trong suốt nhiều năm của điệp viên đặc biệt giá trị Murat.

Kế hoạch cả năm xong trong vài ngày

Cũng có trường hợp thành công đến dồn dập với các chuyên gia tuyển mộ chẳng khác như vừa được trúng số vậy. Trung tá Vladimir Alekseevich D ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Ngoại giao quân sự vào năm 1959 đã được điều tới London dưới vỏ bọc kỹ sư cao cấp trong cơ quan đại diện thương mại.

Vừa đặt chân tới Anh, D đã được giao nhiệm vụ tiếp xúc với nguồn tin ban đầu có tên Gray. Nhân vật này làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học tại trường Oxford, là nơi chuyên nghiên cứu về nhiên liệu cho động cơ tên lửa. Có điều chỉ vài tháng trước khi D tới Anh, Gray đã bị sa thải khỏi viện này.

Trong buổi gặp đầu tiên, Gray đã cố gắng kìm nén nhưng không thể che giấu tâm trạng bối rối vì mất việc, đồng nghĩa với vai trò gần như không còn đối với cơ quan tình báo. D đã cố gắng động viên, hỗ trợ một khoản tiền dù thực tế không tin tưởng nhiều vào khả năng sắp tới của Gray.

Nhưng đến cuộc gặp tiếp theo, nguồn tin này vui mừng thông báo đã được nhận vào làm việc tại một chi nhánh của Hãng điện tử “Philipps” (Hà Lan). Với lý do đó, D chính thức đặt vấn đề hợp tác với Gray. Chẳng bao lâu, một cú điện thoại gọi đến cơ quan đại diện thương mại Xôviết, trong đó điệp viên này đề nghị được gặp D ngay lập tức.

Hóa ra tay chỉ huy phòng của Gary đi công tác trong 3 ngày, và ông ta biết được nơi cất giữ chiếc chìa khóa két sắt có chứa nhiều tài liệu mật quan trọng. Sau khi thỏa thuận địa điểm gặp gỡ, Gray mang tới một cặp tài liệu dày với thỏa thuận trao trực tiếp cho D mang về chụp lại. Các nhân viên mật vụ sau đó phải mất hơn 600 tấm ảnh mới có thể chụp lại đầy đủ số tài liệu trên.

Trong buổi gặp ngay sau đó, Gray lại mang tới các tài liệu quan trọng về các loại kính ngắm hồng ngoại dùng cho xe tăng. D rất vui mừng mang về báo cáo ngay cho tướng Tolokonnikov, chỉ huy chi nhánh tình báo của GRU tại Anh. “Đó quả là một sự kiện rất đặc biệt – D kể lại – Chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch năm của đơn vị với 80 tài liệu có giá trị thu được chỉ trong có vài ngày”.

Nghệ thuật… dàn dựng

Đối với bất kỳ một tuyển mộ viên nào, việc tìm kiếm khả năng tiếp cận với nguồn tin trước khi có thể tuyển mộ được họ luôn là một bài toán nan giải. Nhiều khi họ buộc phải dàn dựng ra những hoàn cảnh tiếp cận hợp lý nhất, không chỉ có thể tiếp cận được với nguồn tin mà còn giành được thiện cảm của họ để phục vụ cho việc tuyển mộ sau này.

Một nhiệm vụ tương tự như vậy từng được đặt ra với thiếu tá Vladimir Naon, trợ lý tùy viên quân sự Liên Xô tại Ai Cập. Tình báo viên trẻ tuổi này được giao nhiệm vụ phải tiếp cận với viên tướng Ai Cập. Sau rất nhiều nỗ lực nhằm tiếp xúc nhưng đều bất khả thi, Naon đã phải báo cáo xin ý kiến cấp trên của mình là tướng Nikolai Rumiansev, một chuyên gia tình báo huyền thoại có rất nhiều kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài.

“Chẳng nhẽ không còn cách nào à? Hãy làm hỏng xe của ông ta đi” – tướng Rumiansev gợi ý như vậy. Thế là với sự gợi ý và chấp thuận của cấp trên, một kịch bản được xây dựng và triển khai nhanh chóng. Hai ngày sau, chiếc xe Volga cũ kỹ của đại sứ quán trong lúc lùi tìm chỗ đỗ trước một cửa hiệu nhỏ gần nhà viên tướng đã “vô tình” va chạm làm vỡ đèn pha của một chiếc Mercedes.

Từ trên xe bước xuống, hai người với vẻ lo ngại hỏi người chủ cửa hiệu về chủ nhân của chiếc xe. Naon bấm chuông nhà viên tướng Hy Lạp và trình bày về sự việc. Anh thừa nhận mình là nhân viên tại Đại sứ quán Liên Xô, do vô tình làm vỡ đèn nên tình nguyện lái xe chở ông ta đi làm trong khi chờ chiếc xe được sửa. Thế là sau hai ngày đưa đi đón về trước khi chiếc Mercedes được sửa, cả hai đã tương đối thân thiết với nhau. Viên tướng về sau đã tình nguyện trở thành một nguồn tin cho cơ quan tình báo Xôviết.

Và cả những thất bại

Thất bại trong các nỗ lực tuyển mộ điệp viên thường dẫn đến hậu quả rất nhanh chóng, dù lỗi lầm nhiều khi không phụ thuộc vào người tuyển mộ. Thấm thía với điều này là trung tướng Grigori Dolin, người vào giữa những năm 1950 từng là trợ lý tùy viên quân sự Đại sứ quán Liên Xô tại Iran.

Một báo cáo của GRU về những tài liệu do Murat cung cấp.

Mùa xuân năm 1954, GRU tuyển mộ được một sĩ quan cao cấp của không quân Iran có mật danh Aviator. Điệp viên này có khả năng tiếp cận với nhiều tài liệu mật, thường trao trực tiếp cho liên lạc viên để chụp ảnh và hoàn trả lại trong ngày. Dolin chính là người tuyển mộ, trước khi giao lại nhiệm vụ liên lạc cho đồng nghiệp là trung tá Kuznesov.

Một năm sau, trung tâm đã có đầy đủ thông tin về Aviaror. Hóa ra, anh ta có một người em trai đang phục vụ cho cơ quan phản gián quân đội Iran, một vị trí khá hấp dẫn với GRU. Tuy nhiên, Aviator (vốn là người có cảm tình với Liên Xô) cho biết em mình có quan điểm trái ngược với mình, luôn ủng hộ cho chế độ quân chủ phản động khi đó. Dù đã được báo cáo về điều này, cấp trên vào năm 1956 vẫn chỉ đạo bằng mọi giá thông qua Aviator phải tuyển mộ được người em anh ta.

Dưới áp lực, Aviator cuối cùng vẫn phải tìm cách đặt vấn đề với người em. Kết quả trái ngược hoàn toàn với mong đợi, khi nhân vật này đã khai báo luôn cả anh của mình. Anh ta dẫn Aviator tới nhà viên thống chế, quỳ gối xin được tha thứ cho anh mình. Thế là phản gián Iran đã lập một chiến dịch đặc biệt nhằm bắt giữ Kuznesov trong một cuộc hẹn chuyển giao tài liệu. Hậu quả là sĩ quan tình báo Kuznesov bị bắt giữ, tra khảo suốt đêm dù cương quyết không thừa nhận những lời buộc tội. Sau khi được trả tự do, Kuznesov bị trục xuất ngay về nước.

Hồng Sơn (tổng hợp)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN