Singapore lo lắng khi Bắc Kinh tìm cách biến liên kết văn hóa hiện có với những người gốc Hoa ở đảo quốc thành lòng trung thành với “đất mẹ” Trung Quốc.
Lớn lên ở Singapore, Chan Kian Kuan luôn tự hào về gốc gác Triều Châu (Teochew) của mình – ngôn ngữ, truyền thống văn hóa và món cá hấp nổi tiếng. Nhưng sau khi trở về thăm ngôi làng quê cha đất tổ ở Triều Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, và nhìn thấy sự phát triển ở đó, ông cảm thấy thực sự tự hào không chỉ vì là người Triều Châu, mà còn vì là người Hoa.
“Khá là rối rắm. Chúng tôi là người Hoa, nhưng chúng tôi cũng là người Singapore”, ông Chan, phó chủ tịch Hội quán Bát Ấp Triều Châu tại Singapore, cho biết. “Khi Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, chúng tôi cảm thấy tự hào. Trung Quốc giống như người anh cả”.
Là quốc gia trẻ với dân số đa phần là di dân, Singapore hàng chục năm qua đã cố gắng cân bằng giữa khuyến khích những công dân như ông Chan tìm về nguồn cội và thúc đẩy bản sắc Singapore.
Song ngày càng có nhiều lo ngại tại Singapore về một Trung Quốc đang trỗi dậy có thể phá vỡ thế cân bằng vốn được duy trì đầy thận trọng này, bằng việc tìm cách biến liên kết văn hóa giữa những người Singapore gốc Hoa thành lòng trung thành với “đất mẹ” Trung Quốc.
Tự tin về sự bành trướng chính trị và kinh tế, Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong nỗ lực thu hút cộng đồng người gốc Hoa rộng lớn để phục vụ những lợi ích quốc gia của nước này, gây ảnh hưởng trên thế giới. Đã có bằng chứng cho thấy những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thao túng hoạt động chính trị trong các cộng đồng người gốc Hoa ở Canada, Mỹ và Australia.
Và với người gốc Hoa chiếm gần 75% dân số 5,6 triệu người của Singapore, một số học giả và cựu quan chức ngoại giao lo ngại rằng quốc đảo này có thể là mục tiêu đặc biệt khó chịu cho những nỗ lực ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc.
“Đối với chúng tôi, đó là vấn đề sống còn; nguy cơ là rất lớn”, ông Bilahari Kausikan, cựu thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Singapore và là một trong những tiếng nói thẳng thắn nhất nước này về chủ đề Trung Quốc can thiệp, chia sẻ.
“Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một thực tế địa chính trị mà mọi người phải chấp nhận”, ông Kausikan nói. “Nhưng tôi thấy rằng từ sợi dây liên kết văn hóa đối với Trung Quốc đến tư tưởng về sự ưu việt của người Trung Quốc là khoảng cách rất mong manh. Singapore chỉ mới 53 tuổi. Không có gì đảm bảo rằng mọi người dân Singapore đều không bị cám dỗ một cách có ý thức hoặc vô thức để thực hiện bước đi đó”.
Tháng trước, trong một dịp hiếm hoi, đại sứ Trung Quốc tại Singapore đã công khai phản bác những phát biểu gần đây của ông Kausikan, trong đó Kausikan báo động về những gì mà ông gọi là “hoạt động gây ảnh hưởng” bí mật của Trung Quốc.
“Chúng tôi duy trì nguyên tắc chung sống hòa bình và bảo vệ công lý, công bằng trên toàn cầu”, Đại sứ Hồng Tiểu Dũng (từng là đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam) viết trên báo Straits Times. “Chúng tôi phản đối việc kẻ lớn bắt nạt người nhỏ và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước khác. Đây là những gì Trung Quốc đã nói, và cũng là những gì mà Trung Quốc đang làm”.
“Trung Quốc tôn trọng những thành tựu của Singapore trong việc duy trì sự hòa hợp sắc tộc và tôn giáo,” ông nói thêm. “Trung Quốc không có ý định ảnh hưởng đến ý thức dân tộc của người Singapore và sẽ không bao giờ làm như vậy”.
Một ví dụ là cách mà các quan chức đầy lo lắng của Singapore bước ra ánh sáng năm ngoái khi trục xuất Huang Jing, học giả người Mỹ sinh ra ở Trung Quốc, vì những gì họ nói là “nỗ lực bí mật nhằm tác động đến chính sách đối ngoại của Singapore thay mặt cho một chính phủ nước ngoài không được nêu tên”, nhưng đa phần mọi người cho đó là Trung Quốc. Việc trục xuất xảy ra giữa lúc căng thẳng giữa Singapore và Trung Quốc gia tăng vì các vấn đề lãnh thổ liên quan đến Biển Đông.
Ông Kausikan và những người khác cũng quan ngại về những nỗ lực ảnh hưởng tinh vi của Trung Quốc tại Singapore, bao gồm việc tuyên truyền về mối quan hệ “máu mủ ruột già” với Trung Quốc.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh giao lưu nhân dân giữa hai nước, giúp tổ chức các hội nghị người Hoa ở hải ngoại, sắp xếp các chuyến thăm quê cho người Hoa tại Singapore, điều phối các chương trình du học cũng như các hội trại “về nguồn” cho thanh thiếu niên Singapore.
Dĩ nhiên, những chương trình này không phải là chỉ mỗi Trung Quốc làm, các hội trại có một số điểm tương đồng với chương trình “Birthright” nổi tiếng của Israel. Chúng thường được các cơ quan chính phủ Trung Quốc như Văn phòng Kiều vụ sắp xếp và chi trả một phần kinh phí.
Trong đoạn giới thiệu về một hội trại được tổ chức năm nay, các sinh viên Singapore tham gia được hứa hẹn một hành trình đầy đủ các hoạt động bao gồm học thư pháp và lịch sử Trung Quốc. Ở một hội trại khác, vào năm 2014, lịch trình bao gồm học thái cực quyền và hát ca khúc cách mạng.
Trong những năm qua, các quan chức Ban Công tác Mặt trận Thống nhất thuộc Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan đầy quyền lực có nhiệm vụ “thu phục nhân tâm” ở nước ngoài, cũng đã đến thăm Singapore với mục đích tăng cường quan hệ với người gốc Hoa.
“Điện thoại của tôi mở 24 giờ một ngày”, ông Hong Guoping, từng là người đứng đầu Mặt trận tại quận Tường An, thuộc Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc, nói với một nhóm người Singapore gốc Hoa có mối gốc gác tại quận này vào năm 2013. “Những đồng bào của tôi có thể gọi cho tôi bất cứ lúc nào. Tôi rất sẵn lòng phục vụ mọi người”.
Trong một dấu hiệu cho thấy việc xây dựng quan hệ cộng đồng ngày càng được nhấn mạnh, Văn phòng Kiều vụ Quốc Vụ viện Trung Quốc sẽ hoạt động dưới sự giám sát của của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất.
“Nói dễ nghe thì đây là giao lưu nhân dân”, Ian Chong, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét. “Còn nói khó nghe thì đây là nỗ lực gây ảnh hưởng thông qua sức mạnh mềm của Trung Quốc”.
Một số học giả đã nhấn mạnh những gì họ gọi là xu hướng đáng lo ngại khi chứng kiến Trung Quốc nỗ lực xóa đi sự khác biệt giữa hai khái niệm “Hoa kiều” (công dân Trung Quốc ở nước ngoài) và “người Hoa” (người Trung Quốc thuộc mọi quốc tịch).
Tại một hội nghị người Trung Quốc ở nước ngoài hồi năm 2017, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh sự cần thiết phải tập hợp những người gốc Hoa trên khắp thế giới – lên tới 60 triệu người ở hơn 180 quốc gia – để cùng hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”.
“Việc hiện thực hóa cuộc đại chấn hưng dân tộc Trung Quốc đòi hỏi nỗ lực chung của những người con Trung Quốc cả trong và ngoài nước”, hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập.
Các học giả nói việc tập trung tăng cường quan hệ với người Hoa ở nước ngoài báo hiệu sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận gián tiếp trước đây của Bắc Kinh với các mối quan hệ cộng đồng.
“Có cảm giác rằng cái đang được nhấn mạnh bây giờ là việc toàn thể người Hoa có chung một nguồn gốc như thế nào và do đó nên dành nhiều tình cảm hơn cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, giáo sư Chong nói.
Ở một số nước phương Tây, Trung Quốc đã huy động thành công các nhóm địa phương như doanh nhân, sinh viên Trung Quốc cũng như các kênh truyền thông tiếng Trung, sử dụng họ như trung gian để chống lại những quan điểm bài Trung hoặc ủng hộ Bắc Kinh trong những vấn đề gây căng thẳng như Dalai Lama hay Đài Loan.
Thông thường, kết quả nảy sinh là làn sóng chống Trung Quốc tiêu cực và mang tính bài ngoại. Nhiều người Hoa ở nước ngoài nói rằng họ đang bị nghi ngờ một cách bất công chỉ đơn giản là vì có liên hệ với Trung Quốc.
“Khi bạn bắt đầu tiếp cận với người ta trên cơ sở sắc tộc và dòng máu, điều này sẽ là không thể chấp nhận được đối với các chính phủ khác”, ông Wang Gungwu, cựu chủ tịch Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, bình luận. “Mặt khác, Bắc Kinh nghĩ rằng làm như vậy là điều hiển nhiên. Và đó là nơi nảy sinh xung đột, bất chấp những hậu quả không mong muốn có thể xảy ra”.
Là nơi duy nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan có người gốc Hoa chiếm đa số, Singapore đang ở trong tình thế “có một không hai”.
Lo sợ bị coi là “cây cột thứ năm” của Trung Quốc, quốc gia dưới thời Thủ tướng Lý Quang Diệu đã vô cùng nỗ lực khẳng định chủ quyền sau khi giành độc lập vào năm 1965, chủ đích trở thành thành viên cuối cùng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Đồng thời, chính phủ đã tìm cách xây dựng bản sắc dân tộc Singapore dựa trên sự đa chủng tộc, bình đẳng và công bằng. Tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc chính thức của đảo quốc.
Nhưng Singapore vẫn thấy mình liên tục phải nhắc nhở các quan chức ở Bắc Kinh rằng họ không phải là đất nước của người Trung Quốc. Chẳng hạn năm 2017, không lâu sau khi Trung Quốc công bố một trung tâm mới để quảng bá văn hóa ở đây, Singapore phản đối bằng việc mở Trung tâm Văn hóa Trung Hoa Singapore, tòa nhà cao 11 tầng, trị giá 110 triệu USD nằm ở trung tâm khu tài chính.
Thông điệp đã rõ ràng: văn hóa Trung Hoa tại Singapore không giống văn hóa Trung Quốc.
Và những nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng ở Singapore chắc chắn không phải một chiều. Nhận thấy tiềm năng kinh tế sau khi Trung Quốc mở cửa vào những năm 1980, Singapore cũng đã cố gắng lợi dụng di sản Trung Hoa mà đảo quốc này cùng chia sẻ.
Ví dụ, cuối những năm 1970, chính phủ đã bắt đầu một chiến dịch ngôn ngữ để khuyến khích những người gốc Hoa trẻ học tiếng phổ thông Trung Quốc (tiếng Quan thoại), thay vì phương ngữ của họ, nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh lớn hơn. Hàng năm, đất nước này cũng tổ chức rất nhiều buổi biểu diễn của các nghệ sĩ Trung Quốc, đặc biệt trong dịp năm mới âm lịch.
Năm ngoái, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Trung Quốc – một vị thế mà nhiều người tự hào cho rằng xuất phát từ khả năng của đảo quốc trong vai trò cửa ngõ kết nối Trung Quốc và phương Tây.
“Bạn có thể nói rằng người Singapore thậm chí còn chủ động hơn người Trung Quốc” trong việc xây dựng mối quan hệ giữa hai nước, ông Chan của Hội quán Bát Ấp Triều Châu nói.
Không phải ai cũng tin rằng Trung Quốc sẽ thành công trong việc có được lòng trung thành của người gốc Hoa tại Singapore, một cộng đồng lớn và phân tán.
Chẳng hạn thế hệ người Singapore gốc Hoa trẻ cũng như những người từng đi học trong hệ thống giáo dục sử dụng tiếng Anh trước đây ở đất nước thường chỉ có khái niệm mơ hồ về Trung Quốc và khả năng nói tiếng Trung cũng hạn chế. Sau đó, một lượng lớn người Trung Quốc đến Singapore làm việc và định cư trong những năm gần đây, làm gia tăng sự khác biệt giữa hai nước.
“Có thể một số người tìm về quê hương và nhìn thấy tất cả những tiến bộ đang diễn ra ở đó sẽ cảm thấy bồi hồi xúc động, nhưng rốt cuộc họ sẽ không bao giờ nhìn vào đó và nghĩ rằng đây là nhà mình”, Pang Cheng Lian, biên tập viên của cuốn sách 50 năm cộng đồng người Hoa ở Singapore, nói.
Song khi nói đến việc tăng cường ảnh hưởng ở nước ngoài, Trung Quốc lại cho thấy họ vừa kiên nhẫn vừa cố chấp.
“Họ không háo hức có được kết quả ngay lập tức”, Leo Suryadinata, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho biết, “bởi vì quan điểm của Bắc Kinh luôn là hướng đến dài hạn”.
Đông Phong
Theo New York Times