Những tính toán của Tổ chức RAND về chính sách của Hoa Kỳ đối với châu Âu và Nga

Tổ chức RAND là một Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tự định nghĩa là phi lợi nhuận, phi đảng phái toàn cầu có trụ sở tại Santa Monica, Hoa Kỳ. Tổ chức RAND ban đầu được thành lập vào năm 1948 bởi công ty sản xuất máy bay Douglas với mục tiêu hỗ trợ nghiên cứu cho quân đội Mỹ. Hiện tại, chính phủ Mỹ và nhiều quỹ tư nhân, cá nhân giàu có công khai tuyên bố tài trợ cho RAND.

Cho dù tự nhận là có nhiệm vụ “thúc đẩy các mục đích khoa học, giáo dục và từ thiện, tất cả vì phúc lợi và an ninh cộng đồng của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”, nhiệm vụ chính của RAND là giúp Mỹ “cải thiện chính sách và ra quyết định thông qua nghiên cứu và phân tích”. Thực tế, trong nhiều năm qua, nhiều khuyến nghị chính sách của RAND đã được Chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận và vận dụng trong thực tế.

Trụ sở chính của Tổ chức RAND tại Santa Monica, Hoa Kỳ. Ảnh: Diane Baldwin/RAND

Gần đây nhất, trước khi cuộc chiến ở Ukraine xảy ra, RAND đã kiến nghị Chính phủ Mỹ cần thiết lập lại quan hệ đồng minh ở châu Âu. Chính sách này đã được chính quyền Biden áp dụng triệt để. RAND cũng đề xuất Mỹ cần làm suy yếu Đức để nắm được châu Âu. Cụ thể, RAND đề xuất phá thế phụ thuộc của Đức vào năng lượng Nga, tìm mọi cách cắt giảm nguồn năng lượng này vào Đức. Khi Đức xây đường ống dẫn khí thứ hai, chính quyền Trump đã phản đối. Khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ thúc đẩy phương Tây áp mọi lệnh trừng phạt Nga, ép Đức không nhập khí đốt từ Nga, phá đường ống khí đốt. Hệ quả là hiện nay Đức đã đoạn tuyệt hoàn toàn với Nga về năng lượng, phải phụ thuộc vào khí hoá lỏng của Mỹ đắt gấp bốn lần của Nga. Như vậy, Đức đã tách khỏi Nga và phụ thuộc vào Mỹ.

Quan trọng hơn, khi xung đột Ukraine chưa xảy ra, RAND đã đưa ra 47 vấn đề với mục tiêu làm suy yếu Nga trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, RAND đề xuất tập hợp các nước châu Âu nhằm làm suy yếu Nga, nắm lại NATO và Anh để chống Nga, kích hoạt đồng loạt các nước Đông Âu cũ chống Nga, đẩy biên giới NATO về phía Đông để chọc giận Nga. Khi cuộc chiến Ukraine xảy ra, ý đồ chống Nga mà RAND đề xuất càng thể hiện rõ với những hoạt động rõ ràng như viện trợ vũ khí lớn chưa từng thấy cho Ukraine đánh Nga, thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề chưa từng thấy nhắm vào Nga, huy động mọi lực lượng để cô lập Nga trên trường quốc tế. Thực tế những gì xảy ra sau đó đều đúng với đề xuất của RAND.

Sau hai năm, Mỹ và EU đều đánh giá rằng không thể thắng Nga về quân sự được. Nga thực tế đã chuẩn bị rất kỹ cho cuộc chiến này, hơn mọi tưởng tượng và dự đoán ban đầu của Mỹ. Về quân sự, Nga gọi đây là “chiến dịch quân sự đặc biệt” chứ không phải cuộc chiến tranh để chống lại mọi quan điểm cho rằng Nga xâm lược Ukraine của phương Tây. Nga cũng đã chuẩn bị và gia tăng năng lực sản xuất vũ khí vượt qua mọi tính toán của Hoa Kỳ. Về pháp lý, Nga đã chuẩn bị sẵn kịch bản trưng cầu dân ý để hợp pháp hoá các khu vực chiếm đóng. Về kinh tế, Nga cũng đã chuyển dịch công nghiệp theo hướng xuất khẩu năng lượng và duy trì lượng ngoại tệ dự trữ đủ mạnh để trụ vững trước mọi áp lực trừng phạt.

Thực tế rằng Nga không thể thất bại hiện hữu rõ ràng và hiện đang xuất hiện các đề xuất mới của RAND. Nghiên cứu những đề xuất này hé lộ một số khả năng và kịch bản kết thúc cuộc chiến hiện nay tại Ukraine, cũng như tiên liệu thái độ của Mỹ trong thời gian tới.

Cụ thể, ngày 14/12/2023, RAND đã đưa ra báo cáo “Các yếu tố của một cuộc đình chiến Nga – Ukraine và triển vọng ổn định khu vực ở châu Âu” của Samuel Charap và Jeremy Shapiro. Nghiên cứu này gợi ý những thỏa thuận khả thi nhằm chấm dứt giao tranh và khôi phục sự ổn định trong khu vực. Theo nghiên cứu này, giai đoạn đầu tiên của cuộc đàm phán có thể bao gồm một thoả thuận chấm dứt chiến sự, rút lực lượng, rút hệ thống hỏa lực và tên lửa cũng như hình thành một nhóm liên lạc để giám sát việc tuân thủ đình chiến. Báo cáo thậm chí khuyến nghị thành lập một phái đoàn giám sát của bên thứ ba và sử dụng rộng rãi các cảm biến tự động để giám sát ngừng bắn. RAND đề xuất Hiệp định Đình chiến Triều Tiên, được áp dụng từ năm 1953, như một ví dụ thích hợp.

Liên quan tới mô hình tồn tại của Ukraine sau chiến tranh, báo cáo của RAND cũng cho rằng Mỹ nên thực tế. Nếu Nga tin rằng việc chấm dứt chiến sự sẽ giúp Ukraine dễ dàng gia nhập NATO, thì cuộc chiến sẽ tiếp tục hoặc bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào rồi sẽ bị phá vỡ. RAND đề xuất một số mô hình có thể được Nga chấp nhận, theo đó Ukraine phải thực hiện các biện pháp tự kiềm chế tự nguyện, từ bỏ đặt căn cứ thường trực của các lực lượng nước ngoài và tập trận quân sự gần biên giới Nga, chính thức áp dụng quan điểm trung lập không liên kết. RAND cũng thừa nhận: “Nga ít có khả năng tấn công lần nữa nếu quá trình đưa ra những bảo đảm này liên quan đến việc tham vấn với chính phủ Nga, hoặc ít nhất là tìm kiếm sự đồng ý ngầm của Nga.”  RAND thiên mạnh về giải pháp không liên kết theo kiểu Israel với gợi ý: “các quốc gia không liên kết sẽ tiếp tục có quyền trang bị vũ khí, nhận vũ khí và đào tạo từ các bên bên ngoài, cũng như ký kết các thỏa thuận kinh tế với EU và các đối tác khác. Nhưng họ sẽ không trở thành ứng cử viên NATO hoặc CSTO, họ cũng sẽ không cho phép các lực lượng nước ngoài hiện diện trên đất của họ hoặc tiến hành các cuộc tập trận lớn với các đối tác nước ngoài”.

Trước khi cuộc chiến ở Ukraine xảy ra, RAND đã đề xuất chính phủ Mỹ phá thế phụ thuộc của Đức vào năng lượng Nga. Hình ảnh hệ thống đường ống dẫn khí gas Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Sean Gallup

Về quan hệ với Nga, nghiên cứu của RAND cũng gợi ý một số biện pháp có điều kiện nhằm giảm nhẹ một phần lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. RAND khuyến nghị “việc khôi phục một phần kết nối giữa Nga và phương Tây bao gồm các chuyến bay, thị thực và trao đổi kinh tế rộng hơn có thể sẽ phải là một phần của quá trình ổn định”.

Về vấn đề lãnh thổ, RAND cũng thừa nhận đây là chủ đề cực khó giải quyết. Báo cáo cho biết về cơ bản, các bên đều sẽ tiếp tục không đồng ý về biên giới và kiểm soát các vùng lãnh thổ tranh chấp. RAND gợi ý: “Vị trí của đường kiểm soát trong lệnh ngừng bắn có thể sẽ được xác định vào thời điểm thỏa thuận ngừng bắn, có thể với một số điều chỉnh nhỏ để tăng cường khả năng phòng thủ. Do đó, các đường ngừng bắn sẽ quyết định quyền kiểm soát lãnh thổ trên thực tế. Do đó, tranh chấp lãnh thổ song phương sẽ vẫn chưa được giải quyết và sẽ vẫn là một nguyên nhân tiềm tàng thường trực gây xung đột cho cả hai bên, tạo ra mối đe dọa thường trực về các cuộc chiến mới”.

RAND cho rằng nếu một kịch bản phân chia lãnh thổ kiểu Đức hay Triều Tiên xảy ra thì những vấn đề chia cắt phức tạp này sẽ tiếp tục kéo dài nhiều năm, thậm chí kéo dài mãi mãi như với hai miền Triều Tiên hiện nay. Báo cáo cuối tháng 12 năm 2023 kết luận: “Các thỏa thuận trên không cấu thành một giải pháp cuối cùng – chúng chỉ nhằm tìm kiếm sự chấm dứt lâu dài các hành động thù địch. Tranh chấp giữa Nga và Ukraine cũng như giữa Nga và phương Tây chắc chắn sẽ kéo dài, có thể là vô tận”.

Ngày 19/2/2024, RAND tiếp tục công bố báo cáo “Chiến lược hậu chiến của Mỹ đối với Nga” do Priebe Miranda và Samuel Charap soạn thảo. Báo cáo này cho rằng “cuối cùng cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ kết thúc” và đề xuất việc Mỹ nên đối phó với Nga như thế nào sau chiến tranh. Báo cáo này gợi ý các viễn cảnh trong thập kỷ sau chiến tranh Nga-Ukraine, nêu bật những cân nhắc và sự đánh đổi quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ.

Các quan sát của báo cáo này cho thấy góc nhìn của RAND theo hướng linh hoạt hơn nhiều, hướng về nhân nhượng Nga để tái lập sự ổn định. RAND cho rằng cuộc chiến tranh kéo dài hơn, bạo lực hơn sẽ gây ra những hậu quả bất lợi cho lợi ích của Mỹ. Một cuộc chiến kéo dài hơn có thể kéo lùi nền kinh tế của Mỹ và các đồng minh và làm suy yếu đáng kể sự phục hồi sau chiến tranh của Ukraine.

RAND gợi ý Mỹ nên có chính sách làm giảm nguy cơ tái diễn xung đột Nga – Ukraine, vì Hoa Kỳ có các công cụ để tăng khả năng duy trì hòa bình, chẳng hạn như khuyến khích các bên áp dụng một thỏa thuận ngừng bắn mạnh mẽ hơn trong các cuộc đàm phán có thể xảy ra trong tương lai. Báo cáo viết: “Hoa Kỳ có các lựa chọn chính sách nhằm tác động đến kết quả xung đột nhằm thúc đẩy lợi ích lâu dài sau chiến tranh của mình. Hoa Kỳ không thể tự mình quyết định kết quả của cuộc chiến; Nhưng Washington có đòn bẩy và có thể sử dụng nó để tác động đến quỹ đạo của cuộc xung đột”.

RAND cũng cảnh báo “việc tăng cường áp lực quân sự lên Nga ở châu Âu sau chiến tranh có thể gây ra nhiều rủi ro hơn là lợi ích” và “việc tiếp tục triển khai thêm và các biện pháp cải thiện vị thế lực lượng ở châu Âu có thể là không cần thiết để răn đe sự xâm lược của Nga, mà chúng có thể khiến chiến tranh dễ xảy ra hơn do nhận thức sai lầm”.

Như vậy, có thể kết luận rằng, qua hai báo cáo mới nhất, RAND cho thấy cách tiếp cận bớt thù địch hơn với Nga. Sự chuẩn bị kỹ càng của Nga như đã nói và thực tế không thể thắng Nga trên chiến trường đã khiến lập trường của giới nghiên cứu hoạch định chính sách Hoa Kỳ có tín hiệu thay đổi. Với những tín hiệu từ RAND, tuy khả năng kết thúc chiến tranh vẫn còn xa nhưng viễn cảnh về một sự nhân nhượng của Mỹ để ngồi vào bàn đàm phán với Nga là thực tế. Mỹ không còn con đường nào khác phải chấp nhận một kịch bản kết thúc chiến tranh theo đó thừa nhận sức mạnh của Nga trong thế giới ngày một đa cực. Trật tự thế giới ấy không còn tuân theo sự áp đặt của Hoa Kỳ như trước nữa.■

Phạm Thanh – Bảo Bình

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN