
1. Tư liệu văn hiến Việt Nam
Tư liệu văn hiến là tài sản quốc gia vô giá, khắc họa ký ức và lưu giữ giá trị văn hóa – lịch sử của một dân tộc trong trong dặm dài hình thành và phát triển. Tư liệu văn hiến không đơn thuần chỉ là di sản, nó còn là tài nguyên, là nguồn lực văn hóa góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững. Vì vậy, tư liệu văn hiến cần được quan tâm sưu tầm, bảo quản, khảo cứu, khai thác để phục vụ các chiến lược quốc gia tổng thể, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia và thúc đẩy hội nhập quốc tế.
Tư liệu văn hiến Việt Nam bao gồm khối tư liệu trong nước và khối tư liệu viết về Việt Nam hiện đang được lưu giữ tại các thư viện hoặc trung tâm lưu trữ hải ngoại. Do biến thiên lịch sử mà nhiều tư liệu gốc của Việt Nam đã bị thiên di ra nước ngoài. Qua giao thương mà nhiều cộng đồng người ngoại quốc (du hành gia, thương nhân, giáo sĩ…) đến lưu trú ở các vùng đất của Việt Nam; họ để lại nhiều ghi chép, mô tả, khảo cứu, đồ họa… đặc biệt quý giá về đất nước – con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Ước tính sơ bộ, khoảng 2 triệu trang tư liệu viết về Việt Nam hiện đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ và thư viện ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Đức, Nga, Hoa Kỳ, Trung Quốc (gồm cả Hồng Kông và Đài Loan), Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, các quốc gia Đông Nam Á… Các tư liệu này đặc biệt trù mật về thông tin – vốn không được phản ảnh đầy đủ trong các tài liệu Hán – Nôm hiện có ở trong nước. Các bản đồ địa hình, lược đồ miền biên viễn, hải đồ về các hải trình dọc bờ biển và các vùng quần đảo Việt Nam… chứa đựng nhiều thông tin quan trọng cho việc khẳng định chủ quyền quốc gia và sự nghiệp đấu tranh pháp lý quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ của đất nước hôm nay.
2. Tư liệu văn hiến Việt Nam ở hải ngoại
Nằm ở vị trí giao điểm của các nền văn minh cổ, trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, Việt Nam là điểm hợp lưu của nhiều dòng chảy văn hoá, nơi hội tụ của nhiều cộng đồng cư dân khác nhau. Bên cạnh mối liên hệ truyền thống với các dân tộc phương Đông (Hoa, Nhật, Triều, Miên, Lào, Miến, Thái…), từ thế kỷ XVI, Việt Nam cũng là điểm đến của nhiều dân tộc Tây phương như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… Vì vậy, bên cạnh khối tư liệu bằng các ngôn ngữ phương Đông (đặc biệt là chữ Hán đang được lưu trữ tại Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Nhật Bản, Triều Tiên…), hiện có một số lượng rất lớn tư liệu bằng các cổ ngữ phương Tây (Latin, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp…) viết về Việt Nam. Khối tư liệu này được hình thành bởi các thương nhân, giáo sĩ, nhà du hành – thám hiểm… phương Tây đến khám phá, truyền giáo và buôn bán ở Việt Nam thời kỳ trung – cận đại. Từ giữa thế kỷ XIX đến nửa sau thế kỷ XX, sự cai trị của thực dân Pháp và can thiệp bởi đế quốc Mỹ hình thành một khối tư liệu lưu trữ đồ sộ khác liên quan đến Việt Nam.
Tương tự như khối tư liệu chữ Hán và các ngôn ngữ Á Đông, khối tư liệu phương Tây đặc biệt phong phú về loại hình (thông thư ngoại giao, nhật ký thương mại, văn kiện chính trị, báo cáo tham mưu…) và đậm đặc về thông tin (từ địa lý cảnh quan, môi trường sinh thái… đến lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, thể chế, bang giao…) về đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt, một số lượng lớn bản vẽ, lược đồ, sơ đồ, bản đồ do người phương Tây vẽ những vùng biên viễn, các tuyến hải trình… chứa đựng thông tin đặc biệt quan trọng, có thể góp phần thiết thực vào công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh nguồn tư liệu do người nước ngoài trực tiếp biên soạn, một lượng không nhỏ tư liệu văn hiến của người Việt – do người Việt biên soạn đã bị thiên di ra nước ngoài bởi những nguyên nhân khác nhau (bị tước đoạt, do buôn lậu, bởi di dân…), đặc biệt là trong giai đoạn thực dân Pháp cai trị Việt Nam và dưới hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ (thế kỷ XIX – XX). Không ít tài liệu bị thiên di là độc bản, đặc biệt quý giá, không chỉ góp phần bổ khuyết các khoảng trống nhận thức về lịch sử – văn hóa dân tộc mà còn có thể đóng góp trực tiếp và thiết thực vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia về lãnh thổ và lãnh hải của đất nước Việt Nam hiện nay.
– Tư liệu văn hiến do các cộng đồng người trên lãnh thổ Việt Nam sáng tạo (chữ Hán, chữ Nôm, chữ Chăm cổ, chữ Thái cổ…) bị thiên di ra nước ngoài, hiện đang được bảo quản tại các lưu trữ quốc gia hải ngoại.
– Tư liệu văn hiến Việt Nam được hình thành bởi các cộng đồng người ngoại quốc (thương nhân, giáo sỹ, các nhà du hành…) khi họ lưu trú ở Việt Nam, sau đó được đưa về bảo quản tại các thư viện và lưu trữ hải ngoại.
3. Triển khai đồng bộ Dự án
Điều cấp thiết hiện nay là cần hình thành và lan tỏa nhận thức ở tầm quốc gia: các nguồn tư liệu cổ của nước ngoài liên quan đến Việt Nam là một bộ phận di sản văn hiến quan trọng của dân tộc, là khối tài sản tri thức lớn và hết sức quý báu của đất nước. Việc sớm triển khai sưu tầm một cách đồng bộ và tổ chức khai thác một cách hệ thống giá trị của các khối tư liệu văn hiến quan trọng này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho dân tộc, góp phần củng cố vị thế và tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thời gian qua, một số tổ chức và cá nhân đã quan tâm khảo cứu nhưng chủ yếu phục vụ các mục tiêu khoa học cá nhân hoặc dự án đơn lẻ, không đồng bộ. Vì vậy, cần sớm khảo sát một cách khoa học, sưu tầm một cách đồng bộ và tổ chức khai thác một cách hệ thống các nguồn tư liệu gốc quý giá về Việt Nam đang được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ hải ngoại.
Là trung tâm đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu – liên ngành – xuyên ngành, từ năm 2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN triển khai xây dựng dự án khảo sát, sưu tầm, biên mục và tổ chức khai thác một cách hệ thống các khối tư liệu lưu trữ nước ngoài liên quan đến Việt Nam. Trên cơ sở định hướng số và áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và xử lý dữ liệu, Nhà trường định hướng hình thành “Trung tâm tư liệu văn hiến Việt Nam ở hải ngoại” với 3 mục tiêu chính:
i) Xây dựng hệ cơ sở tư liệu văn hiến số quy mô lớn, ước tính từ 1,5 đến 2 triệu trang;
ii) Đào tạo đội ngũ chuyên gia xuất sắc về văn hiến học – cổ học (sử học, văn hoá học, ngôn ngữ học, văn học, tư tưởng, triết học…) trong bối cảnh chuyển đổi số; dự kiến đến năm 2030 hình thành đội ngũ chuyên gia văn hiến – cổ học và cổ ngữ đặc thù gắn với môi trường nghiên cứu chuyên sâu (các cổ ngữ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Latin, Pháp, Anh, Hà Lan, Pali, Sankrit, Chăm cổ, Thái cổ, Hán, Nôm…)
iii) Tổ chức xây dựng và ấn hành các bộ sản phẩm khoa học quy mô lớn về văn hiến – cổ học Việt Nam; các luận văn cao học và luận án tiến sỹ chuyên sâu trên cơ sở khai thác các nguồn tư liệu văn hiến Việt Nam ở hải ngoại.
Trong 10 năm tới, công tác sưu tầm tập trung vào 10 khối tài liệu văn hiến Việt Nam ở hải ngoại, bao gồm:
1. Khối tư liệu Tây Ban Nha cổ (thế kỷ XVI-XIX) liên quan đến Việt Nam hiện đang được bảo quản chủ yếu tại lưu trữ quốc gia Seville, Madrid… Bên cạnh đó còn một số lượng khá lớn tài liệu Tây Ban Nha cổ liên quan đến Việt Nam hiện đang được lưu giữ tại Manila (Philippines).
2. Khối tư liệu Anh cổ (thế kỷ XVII-XIX) liên quan đến Việt Nam hiện đang được bảo quản chủ yếu tại thư viện quốc gia ở Luân Đôn.
3. Khối tư liệu Hà Lan cổ (thế kỷ XVII-XVIII) liên quan đến Việt Nam hiện đang được bảo quản chủ yếu tại lưu trữ quốc gia ở La Haye. Bên cạnh đó còn một số lượng khá lớn tài liệu Hà Lan cổ liên quan đến Việt Nam hiện đang được lưu giữ tại Jakarta (Indonesia) và Nagasaki (Nhật Bản), Tainan (Đài Loan).
4. Khối tư liệu Bồ Đào Nha cổ (thế kỷ XVI-XVIII) liên quan đến Việt Nam hiện đang được bảo quản chủ yếu tại lưu trữ quốc gia Lisbon.
5. Khối tư liệu cổ Latin (thế kỷ XVI-XVIII) liên quan đến Việt Nam hiện đang được lưu trữ chủ yếu tại thư viện toà thánh Vatincan và một số lưu trữ quốc gia châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha…
6. Khối tư liệu Pháp cổ (thế kỷ XVI-XX) liên quan đến Việt Nam hiện đang được bảo quản chủ yếu tại các lưu trữ Paris, Marseilles, Vincennes…
7. Khối tư liệu viết bằng các ngôn ngữ (cổ) châu Âu khác (thế kỷ XVII-XVIII) liên quan đến Việt Nam hiện đang được bảo quản tại các lưu trữ ở Đức, Nga và một số quốc gia khác.
8. Khối tư liệu Hán cổ liên quan đến Việt Nam hiện đang được bảo quản tại lưu trữ trung ương và địa phương ở Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
9. Khối tư liệu tiếng Anh (thế kỷ XIX-XX) liên quan đến Việt Nam hiện đang được bảo quản tại các trung tâm lưu trữ và thư viện ở Hoa Kỳ (Đại học Texas, Đại học Michigan…), Canada, Úc, New Zealand, Singapore…
10. Khối tư liệu viết bằng các ngôn ngữ cổ phương Đông liên quan đến Việt Nam hiện đang được bảo quản tại các lưu trữ quốc gia tại Thái Lan, Campuchia, Lào, Ấn Độ…
Để đạt được 3 mục tiêu chính và 10 bộ tư liệu trọng điểm nêu trên, công tác tổ chức triển khai cần tập trung vào 6 hạng mục công việc chủ yếu sau:
1. Khảo sát, biên mục và tổ chức sưu tầm (số hóa, sao chụp…) các khối tư liệu văn hiến nước ngoài về Việt Nam: có sự phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia quốc tế tại địa bàn để khảo sát các khối tài liệu, từ đó đặt sao in các khối tư liệu trên.
2. Phân loại sơ bộ và biên mục tài liệu: song song với (và sau khi thực hiện xong) quá trình khảo sát, các chuyên gia quốc tế và trong nước tham gia các Hợp phần sẽ tiến hành biên mục các khối tài liệu nêu trên để làm cơ sở cho việc phân tích sơ bộ nội dung, từ đó quyết định công tác sưu tầm.
3. Sưu tầm các khối tài liệu: tài liệu sưu tầm được đưa về Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để tổ chức nghiên cứu. Xuất phát từ đặc thù của nguồn tư liệu và hệ thống quản lý, dự kiến sưu tầm tư liệu thông qua hình thức sao chụp (scan tư liệu để lưu trữ số) hoặc sao in (trên giấy). Đối với các nhóm tài liệu đã được số hoá và công khai, có thể thống nhất hợp tác với đối tác để chia sẻ thông tin.
4. Xây dựng thư mục chi tiết: Trên cơ sở biên mục sơ bộ trong quá trình khảo sát, kết hợp với kết quả sưu tầm tư liệu, nhóm công tác tổ chức xây dựng thư mục chi tiết để làm căn cứ cho hoạt động khai thác chuyên sâu khối tư liệu.
5. Hình thành Trung tâm tư liệu văn hiến Việt Nam tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGH Hà Nội.
6. Dịch thuật, nghiên cứu và xuất bản: bao gồm các hoạt động phiên âm, lược dịch và dịch thuật, khảo cứu chuyên đề, nghiên cứu chuyên sâu và nghiên cứu hệ thống, tổ chức xuất bản (tạp chí, chuyên khảo, tham khảo…), các hoạt động khoa học khác (tọa đàm, hội thảo, trưng bày…).
4. Hướng tới một trung tâm tư liệu văn hiến quốc gia
Tư liệu văn hiến Việt Nam ở hải ngoại trước hết là nguồn sử liệu quan trọng cho các nghiên cứu khoa học cơ bản – vốn là thế mạnh của nền khoa học xã hội và nhân văn quốc gia: sử học, văn học, ngôn ngữ học, văn hóa học, khoa học lưu trữ, tư tưởng Việt Nam, văn bản học… Hệ thống tư liệu này phục vụ thiết thực cho công tác giảng dạy đại học, nghiên cứu khoa học chuyên ngành và liên ngành, tư vấn chính sách, phục vụ cộng đồng…
Tư liệu văn hiến (đặc biệt là các tư liệu quý, hiếm) có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia: các văn bản liên quan đến kinh tế – xã hội trong lịch sử có thể góp phần trực tiếp vào việc hoạch định các chính sách an sinh xã hội, hội nhập quốc tế, bảo tồn và phát huy các nguồn lực con người, văn hóa, di sản, tôn giáo – tín ngưỡng…theo tinh thần chấn hưng văn hóa của Đảng và Nhà nước hiện nay; các bản đồ, lược đồ biên giới, sơ đồ hải trình… góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải quốc gia; các cứ liệu lịch sử giao thương góp phần xây dựng chiến lược ngoại giao song phương và đa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu-rộng hiện nay.
Với 3 trụ cột chính là hệ thống tư liệu văn hiến, đội ngũ chuyên gia cổ học – văn hiến và bộ sản phẩm khoa học quy mô, về lâu dài, có thể nâng cấp thành trung tâm tư liệu văn hiến quốc gia, cung cấp dữ liệu và luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chiến lược lớn của đất nước, phát triển bền vững xã hội, khẳng định chủ quyền dân tộc, góp phần bảo vệ đất nước, tăng cường hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam.
Việc tập trung một cách hệ thống các nguồn tư liệu văn hiến giá trị từ hải ngoại về đồng thời góp phần quy tụ các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam. Thay vì phải đến các lưu trữ quốc gia ở châu Âu, Úc, Hoa Kỳ… các nhà Việt Nam học quốc tế có thể đến Việt Nam để khảo cứu tư liệu, hợp tác nghiên cứu với các chuyên gia người Việt, từ đó hình thành những dự án chung, triển khai nhiều toạ đàm, công bố những ấn phẩm khoa học mới… Qua đó, đưa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN nói riêng, Thủ đô Hà Nội nói chung trở thành “thánh địa nghiên cứu tổng hợp – liên ngành về Việt Nam” trong tương lai gần.■
GS.TS Hoàng Anh Tuấn – TS Nguyễn Văn Anh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn
Đại học Quốc gia Hà Nội