Phòng Thương mại Lyon và Đông Dương trong thời Đệ tam Cộng hòa Pháp* (Kỳ 1)

Ngô Bắc dịch

Nguồn: John F. Laffey, The Lyon Chamber of Commerce and Indochina During The Third Republic, Canadian Journal of History, December 1975, Vol. 10, Issue 3, từ trang 325 đến trang 348.

Lời người dịch:

Bài viết này đặt trọng tâm xem xét các quan hệ mậu dịch của Phòng Thương mại Lyon tại Pháp với Đông Dương và tác động của các quan hệ này trong giai đoạn từ năm 1850 đến năm 1940, tức gần như toàn bộ thời kỳ thống trị của thực dân Pháp tại Đông Dương. Bài viết cung cấp các dữ kiện hữu ích về sự phát triển của các quan hệ mậu dịch trong ngành tơ lụa tại Pháp với các thị trường thuộc địa, về sự tham gia của đại thương gia Ulysse Pila, người mà ngay lúc sinh thời đã được mệnh danh là “quan kinh lược sứ của Pháp”, một loại “phó vương” (vice-roi) tức vua không ngai tại Đông Dương, về các quan điểm cơ bản của các viên toàn quyền Pháp giải thích cho những chính sách kinh tế, tài chính của các chính quyền thuộc địa liên tiếp nhau, cùng ảnh hưởng của Cuộc Đại Suy Thoái kinh tế thế giới đến mậu dịch trong thập niên 1930.

***

Thành phố Lyon thế kỷ 19

Sự hoạt động tại Paris, trái ngược với phần còn lại của đất nước, cho đến hồi tương đối gần đây đã nhận được một sự lưu ý thái quá của các sử gia Pháp. Trong lĩnh vực lịch sử đế quốc Pháp, sự chú ý vẫn còn được phân chia phần lớn giữa các nỗ lực của Paris và các sự phát triển trong phạm vi của chính đế quốc. Song có thể lập luận rằng, trái với những cách giải thích nhấn mạnh đến tầm quan trọng trụ cột của các yếu tố mơ hồ như uy tín, nguồn yểm trợ chính yếu cho sự bành trướng đế quốc trong suốt thế kỷ 19 nằm nơi các cộng đồng kinh doanh tại các hải cảng và trung tâm dệt vải của Pháp.1 Chắc chắn sự yểm trợ đó hiện diện vào thời khắc chuyển giao thế kỷ để khuyến khích một viên chức của hội địa dư học Bordeaux đề xuất “một loại phân chia giữa các thủ phủ cấp miền ở Pháp về vai trò quản trị các thuộc địa về mặt kinh tế và tinh thần.”2 Tuyên nhận vùng Tây Phi cho Bordeaux, ông ta đã chỉ định Bắc Phi và Madagascar cho Marseille và Đông Dương cho Lyon.3 Mặc dù người dân Marseille có đóng một số vai trò tại Tây Phi và người dân Lyon cũng làm như thế tại Madagascar, sự phân chia lao động và chiến lợi phẩm thuộc địa được đề xuất tại Bordeaux vào năm 1900 phần lớn tương ứng với những gì đã thực sự thu đạt được, ít nhất trong lĩnh vực kinh tế. Hoạt động chủ yếu thông qua các Phòng Thương Mại địa phương, doanh nhân tại một số thành phố cấp tỉnh đã phát triển các cổ phần khá đặc biệt trong việc khai thác các miền thuộc địa và bán thuộc địa khác nhau. Thí dụ, ngành tơ lụa Lyon đã đối phó với sự tàn phá ngành tầm tang của Pháp do chứng bệnh truyền nhiễm pebrine trong thập niên 1850 bằng cách hướng sự chú ý của nó đến các nguồn cung cấp mới tại vùng Viễn Đông, nơi người dân Lyon sẽ sớm đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình và thi hành chính sách của Pháp.4 Ngành mậu dịch tơ lụa Trung Hoa vẫn là tiêu điểm của mối quan tâm của người Lyon bên ngoài kinh đào Suez, nhưng Đông Dương cũng thu hút sự chú ý của họ, bởi xem ra nó giúp họ tiếp cận mau chóng hơn đến vùng nội địa Trung Hoa, cũng như do những sự lôi cuốn của chính nó. Tới năm 1895 phó chủ tịch Phòng Thương mại Lyon, ông August Isaac, có thể tuyên bố hoàn toàn chính xác rằng Đông Dương, “trong số các lãnh thổ chinh phục của đất nước chúng ta”, cuốn hút nhất đối với các “thực dân theo truyền thống và tư chất đó”, tức các cư dân Lyon (Lyonnais).5

Ước muốn kinh tế thuần túy không giải thích hết được mối quan tâm của Lyon đối với miền đất này, bởi thành phố cũng nỗ lực truyền giáo với một khối lượng bất tương xứng về sự ủng hộ, hỗ trợ tài chính, giáo sĩ, và, đôi khi, cả những người tử đạo. Cho mãi đến thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, khi một người dân Lyon phục vụ như Trợ tế Lâm thời Công việc Tông đồ của hạt Tây Bắc Kỳ (Provicar Apostolic of Westren Tonkin) và một người dân Lyon khác làm Trợ tế Tông đồ tại Lào, Lyon dẫn đầu các giáo phận Pháp khác trong việc cung cấp công tác truyền bá đức tin (Oeuvre de la Propagation de la Foi) với sự hậu thuẫn về tài chính.6 Vào lúc đó, các động lực kinh tế đằng sau sự bành trướng rõ ràng che khuất các xung động tôn giáo về tầm mức quan trọng. Ngay từ năm 1865, Phòng Thương mại Lyon đã yêu cầu ông Bonnevay đại diện cho cơ quan này mở cuộc điều tra về Nam Kỳ (Cochinchina), và một thập niên sau, người dân Lyon đã có mặt trong số những người đầu tiên đầu tư vào Ngân Hàng Đông Dương (Banque de l’Indochine) mới lập.7 Hội địa dư học Lyon là hội đầu tiên thuộc loại đó được thành lập bên ngoài Paris và vào thập niên 1870 là bằng chứng mới nhất về cam kết của cộng đồng kinh doanh địa phương đối với chính sách đế quốc. Hội này đã không bỏ qua các viễn ảnh được mở ra bởi sự quảng cáo của Garnier về sông Hồng như một trục lộ xâm nhập vào Trung Hoa, nhưng, trên tổng thể, các nhà đại kỹ nghệ ngành tơ lụa đã nhìn các viễn tượng này với sự cẩn trọng, có thể bởi tình hình bất ổn tại Bắc Kỳ trong suốt thập niên 1870.8

Sự chú ý chỉ được đặt vào Bắc Kỳ trong các năm đầu của thập niên kế đó. Ông Ulysse Pila [*a], người đã di chuyển trụ sở của doanh nghiệp mậu dịch tơ lụa của ông ta từ Marseille về Lyon vào năm 1876, đã dẫn đầu trong việc thu hút các doanh nhân địa phương chú ý đến tầm quan trọng của Bắc Kỳ.9 Phát biểu tại Hội Kinh tế Chính trị (Société d’économie politique) của Lyon hôm 11 Tháng Một năm 1884, Pila cho biết ông ta đã chú ý đến Bắc Kỳ từ thập niên 1860.10 Với nhiều ý nghĩa hơn so với những gì ông biểu lộ trong các dịp sau này, ông đã bác bỏ việc phóng đại tiềm năng của Vân Nam và tập trung vào Bắc Kỳ.11 Pila hiểu biết về thính giả của mình. Ông thừa nhận các khiếm khuyết hiện tại của ngành tầm tang ở Bắc Kỳ rồi lập luận rằng trị giá của nó sẽ gấp đôi nếu có sự giám thị thích đáng của người Âu Châu.12 Ông ta đưa ra viễn tượng cám dỗ rằng, với sự giám sát như thế, lượng xuất cảng tơ sống từ Bắc Kỳ sẽ lên tới mức ngang ngửa Quảng Châu (Canton).13 Pila cũng khẳng định rằng việc giành được Bắc Kỳ sẽ giúp Pháp thoát khỏi gánh nặng của các cán cân bất lợi trong mậu dịch với Trung Hoa và Nhật Bản, xuất phát từ sự lệ thuộc của Lyon vào tơ sống nhập khẩu từ các nước này.14 Bởi các cán cân bất lợi như thế chắc chắn sẽ quấy rầy bất kỳ kẻ theo chủ nghĩa đế quốc biết tự trọng nào, ông tiếp tục nêu ý kiến rằng việc xuất cảng gạo từ Bắc Kỳ sang Trung Hoa và Nhật Bản cũng sẽ làm biến đổi tình hình.15 Sau đó ông quay lại với tình hình tại Pháp. Kiểm điểm các chương trình cải cách giáo dục của chính phủ Ferry, ông đã miêu tả chúng như những ước vọng khích lệ về sự thịnh vượng mà chỉ có thể được thỏa mãn thông qua bành trướng.16 Sự bành trướng như thế sẽ tạo ra các nhu cầu mới cho người tiêu dùng bản xứ và từ đó tạo ra các thị trường mới cho người Pháp.17 Nhận thức về các hậu quả tàn phá của thất bại mới đó của ngân hàng rất thân Công Giáo và đặt trụ sở tại địa phương, ngân hàng Union Générale, Pila đã vẽ ra một nước Pháp “bên bờ khủng hoảng kinh tế” và khẳng định chính sách đế quốc là phương cách để thoát ra khỏi khủng hoảng.18 Và đối với những thính giả chưa sẵn lòng đáp ứng với các lập luận kinh tế của ông, Pila đã pha thêm chất đường dịu ngọt của danh dự quốc gia: việc giành được Bắc Kỳ sẽ cho phép nước Pháp bù đắp cho sự mất mát mới đây tại Ai Cập.19

Ý tưởng tổng quát hóa của Pila đã không đáp ứng được nhu cầu về các tin tức chính xác hơn; và, với nền công nghiệp địa phương đòi hỏi các tin tức như thế, vào tháng Năm năm 1884, Phòng Thương mại đã yêu cầu ông Paul Brunat “khảo sát thuộc địa mới của chúng ta ở châu Á từ quan điểm thương mại”.20 Chuyên môn của Brunat nằm trong lĩnh vực tơ lụa, nhưng Phòng Thương mại Lyon giao cho ông ta nhiệm vụ bao quát hơn nhằm điều tra “về tính chất, các thuế quan, năng lực làm công nghiệp, các khẩu vị, nhu cầu của dân bản xứ; về tất cả các sản phẩm của đất đai và nông nghiệp; về tất cả các sản phẩm mẫu quốc mà cùng với tơ lụa, có thể nuôi dưỡng hoạt động thương mại giữa Pháp và thuộc địa mới của nó.”21 Để bảo đảm tính chất toàn diện của cuộc điều tra này, Phòng Thương mại đã tổng hợp một tập câu hỏi chi tiết với sự hợp tác của các tổ chức địa phương như Nghiệp đoàn Thương gia hàng Lụa (Syndicat des marchants de soie), Nghiệp đoàn thuộc Phòng Thương mại về Sản xuất Tơ lụa (Chambre syndicale de la fabrique de soieries), Nghiệp đoàn Thương mại và Kỹ nghệ (Syndicat commercial et industriel), và Nghiệp đoàn các Nhà Thương thảo thuộc Phòng Thương mại (Chambre syndicale des négociants).22 Bảng câu hỏi này được bổ sung, theo lời yêu cầu của Lyon, bởi Phòng Thương mại của các thành phố như Paris, Marseille, Bordeaux, le Havre, Saint-Etienne, Elbeuf và Roubaix.23 Ông Brunat đã trải qua mùa thu tại Bắc Kỳ, nơi tin tức được cung cấp bởi các nhân viên quan thuế, các giáo sĩ và các linh mục bản xứ đã giúp cho công việc của ông được dễ dàng.24 Vào ngày 18 tháng Hai năm 1885, ông đã chuyển một báo cáo toàn diện lên Phòng Thương mại. Bao quát một loạt các sản phẩm của Bắc Kỳ, ông đã kết luận rằng hai trong số các sản phẩm đó, lụa và gạo, có thể được phát triển để xuất cảng.25 Mặc dù ông không đến thăm các tỉnh miền bắc chưa được bình định xong, ông tin tưởng Lào Kai sẽ trở thành một đầu mối liên kết quan trọng trong mậu dịch với Vân Nam.26 Nhưng ông không tán thưởng ảo tưởng nào về sông Hồng, “một dòng thác nước lũ hơn là một con sông”, và kêu gọi sự xây dựng một đường xe hỏa từ Hà Nội đến Vân Nam.27

Ulysse Pila, người đã thành lập một chi nhánh của thương nghiệp của ông tại Bắc Kỳ vào năm 1884 và thành lập một đường tàu hơi nước giữa Hải Phòng và Hồng Kông, đã quyết định không đếm xỉa đến quan điểm của Brunat về sông Hồng.28 Với những chiếc thuyền đặc biệt được đóng để di hành trên đó, Pila đã khai trương mậu dịch với Vân Nam vào năm 1886.29 Ba chuyến đi lên vùng biên cương diễn ra trong năm đó đã mang lại lợi nhuận, nhưng công cuộc mậu dịch không được phát triển thêm, và tới năm 1889, khi đã từ bỏ tuyến đường Hải Phòng – Hồng Kông, Pila suy nghĩ về việc rút lui hoàn toàn khỏi Bắc Kỳ.30 Ông trách thuế quan của Bắc Kỳ đã gây ra nhiều khó khăn cho ông, và với sự thúc giục của ông, hội nghị thuộc địa Pháp được tổ chức trong các năm 1889-1890 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi bãi bỏ chế độ thuế quan này và khởi sự hoạt động mậu dịch tự do.31 Pila đứng đây, trong mạch chính của cảm nghĩ kinh doanh của Lyon, bởi với ngành dệt lụa địa phương vẫn còn là ngành công nghiệp xuất cảng hàng đầu của Pháp cho đến lúc bắt đầu cuộc Suy Thoái năm 1929, các nhà sản xuất tơ lụa Lyon đã tự phân biệt mình với các nhà sản xuất hàng dệt Pháp khác bằng việc chuyển sang một quan điểm mậu dịch tự do trong suốt thế kỷ 19 và tiếp tục bám lấy các nguyên tắc kinh tế tự vận hành (laissez-faire) cho đến Thế Chiến I.32

Một công cuộc kinh doanh khác của Pila tại Bắc Kỳ cũng gặp khó khăn, nhưng cuối cùng đã mang lại thành quả tốt đẹp hơn nhiều. Pila, một người bạn của Paul Bert [được bổ làm Tổng Trú Sứ (Résident Général) tại An Nam tức Trung Kỳ và Bắc Kỳ hồi đầu năm 1886, và đã mất vì bệnh kiết lỵ tại Hà Nội, hôm 11 tháng Mười Một, cùng năm, chú của người dịch], đã nhận được từ vị chấp chính cộng hòa nổi tiếng một đặc nhượng khai thác các nhà kho và bến đậu của cảng Hải Phòng.33 Trong khi những người Lyon khác bận tâm đến ngành tầm tang của Bắc Kỳ, Pila làm việc để phát triển sự nắm giữ độc quyền của mình tại hải cảng.34 Công ty Bến tàu Hải Phòng (Société des Docks d’Haiphong), có vốn là 1.500.000 franc, được thành lập tại Lyon vào ngày 1 tháng Chín năm 1886.35 Với các bạn đồng sự tại hội địa dư học địa phương đảm nhận các chức vụ trong hội đồng quản trị của công ty, Pila đã giữ chức chủ tịch của tổ hợp.36 Tuy nhiên, thương nghiệp mới đã sớm lâm vào các khó khăn mà Pila quy trách cho nhà cầm quyền thuộc địa, và nó cần đến sự can thiệp với bộ phận quản lý của Phòng Thương Mại Lyon và các đại biểu Lyon tại Viện Dân Biểu (Chamber of Deputies) trước khi các cơ sở tại Hải Phòng được khai trương.37 Cơ quan đại diện đầu tiên của công ty tại Bắc Kỳ đã sẵn mang lại khó khăn cho Pila, và quan trọng hơn, các thực dân định cư tại Bắc kỳ[colons, tiếng Pháp trong nguyên bản, chỉ các thực dân định cư và lập nghiệp tại thuộc địa, chú của người dịch] không bao giờ thỏa hiệp được với các quy chế độc quyền của công ty.38 Theo các lời chỉ trích, gia đình Pila đã cố gắng bảo vệ vị thế của công ty bằng cách thao túng Phòng Thương mại Hải Phòng, nhưng vào năm 1894 nó có vẻ sẵn lòng để chính quyền mua lại đặc nhượng với giá bốn triệu franc.39 Năm kế đó Jean Louis de Lanessan, Toàn Quyền Đông Dương [từ tháng Sáu, 1891 đến 31 tháng Mười Hai, 1894, chú của người dịch], đã phê chuẩn việc mua lại với giá mà Joseph Chailley-Bert [*b], con rể của Paul Bert và là nhà chính luận thuộc địa hàng đầu, xem là một sự đền bù tuyệt hảo.40 Một thực dân định cư bất mãn đã ước lượng rằng sự vụ làm hao tốn của thuộc địa 6.600.00 franc [nguyên bản có lẽ còn thiếu một số 0 sau cùng, tức 6 triệu franc, chú của người dịch].41

Lanessan có lẽ đã trả lời các sự chỉ trích việc thu xếp để mua lại đặc nhượng rằng ông chỉ hành động phù hợp với kỳ vọng của Phòng Thương mại Lyon. Phòng Thương mại đã gặp gỡ ông vào năm 1891 khi ông đang chuẩn bị sang Đông Dương. Ông Marius Duc, phó chủ tịch Phòng Thương mại, nhắc nhở viên Toàn Quyền mới về quyền lợi của Lyon tại thuộc địa.42 Mới quay trở về sau một chuyến du hành sang Đông Dương, Pila không chỉ dừng ở các ý niệm tổng quát hóa. Tuyên bố “sự mở rộng thương mại, kỹ nghệ, và hoạt động tình báo” là “một nhu cầu tuyệt đối”, ông đã gắn vấn đề bình định với nạn buôn lậu được cổ vũ bởi sự ngăn cấm mua bán thuốc phiện giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ, tấn công vào việc nuôi dưỡng thị trường độc quyền thuốc phiện tại Đông Dương, phê bình gay gắt chế độ quan liêu và thuế quan của thuộc địa, đề nghị cải cách việc giáo dục các nhà hành chính thuộc địa, đòi hỏi lập đường ray xe hỏa Hà Nội – Vân Nam, nhấn mạnh nhu cầu phát triển tiềm năng ngành tầm tang của Bắc Kỳ, và đi xa đến mức thúc đẩy sự du nhập hệ thống Van den Basch [*c, phải là Van den Bosch?, chú của người dịch], mặc dù người Hà Lan đã bãi bỏ nó tại vùng Đông Ấn Độ.43 Lanessan trả lời một cách dè dặt. Ông bác bỏ ý tưởng về hệ thống Van den Basch [?] và kêu gọi Pháp đầu tư nhiều vốn liếng hơn vào thuộc địa.44 Viên Toàn Quyền hứa hẹn sẽ mở rộng các tuyến chuyển vận và thể hiện sự bất đồng của ông đối với chế độ thuế quan của thuộc địa. Ông thúc giục sự phát triển kỹ nghệ trong phạm vi Đông Dương, một quan điểm được tính toán để chọc giận những kẻ theo chủ nghĩa thực dân tân trọng thương (neo-mercantilist colonialists) nhưng lại được khối thính giả cấp tiến của ông cho là thích hợp.45 Lanessan đã đi xa hơn tại bữa tiệc tiếp theo sau cuộc họp mặt. Vào ngay buổi tối trước khi khởi hành sang thuộc địa, ông đã hứa hẹn và đề nghị được ủng hộ: “Chúng ta sẽ cống hiến cho nước Pháp với nền thương mại của Lyon, với công nghiệp của Lyon, với tất cả những người Pháp, sao cho vào một ngày, nếu tôi trở về trước khi hoàn tất nhiệm vụ của tôi như tôi mong muốn, tôi có thể xin, sau khi đã tiếp nhận từ quý vị phước lành cuối cùng, phần tưởng thưởng đầu tiên từ quý vị”.47 Sự thẳng thắn đó, khi kết hợp với các thành quả và có lẽ gồm cả việc mua lại các cơ sở ở Hải Phòng, đã được đền đáp: đến cuối thế kỷ, Lanessan đã đại diện cho một đơn vị tuyển cử của Lyon tại Viện Dân Biểu.

Giữa lúc đó, Phòng Thương mại Lyon khoản đãi người kế nhiệm của ông, Armand Rousseau [Toàn Quyền Đông Dương, từ tháng Hai, 1895 đến 10 tháng Mười Hai, 1896, chú của người dịch], khi ông này đã sẵn chờ để đi sang Đông Dương. Một viên phó chủ tịch mới, ông Auguste Isaac, đã tóm lược cho ông nghe về các quyền lợi và tham vọng của Lyon tại Đông Á.48 Pila cung cấp thêm chi tiết. Ông vạch ra cho Rousseau thấy rằng tại Đông Dương:

“… thành phần Lyon chế ngự cả về thương mại lẫn chính quyền và phần lớn công trình được phát động hay hoàn tất là nhờ sự sáng tạo của người dân Lyon hay do người dân Lyon góp sức: … các công ty Houillères de Tourane (Than Đá tại Đà Nẵng), Docks de Haiphòng (Bến Tàu tại Hải Phòng), và các công trình công chánh của Hải Phòng – hạng mục cuối cùng này nằm dưới sự chỉ huy của ông Malon, một người dân Lyon, Syndicat Lyonnais d’études pour l’Indo-Chine (Hội Nghiên Cứu Đông Dương tại Lyon), nông trại Croix Cuvelier [?] dưới quyền chỉ huy của ông Thomé, một hội viên người Lyon trong Hội Đồng Bảo Hộ (Council of the Protectorate), v.v., và v.v…”49

Nhấn mạnh tầm mức mà sự chú ý của Lyon thực sự nhằm vào phần Việt Nam trong đế quốc Đông Dương, Pila đã khai triển về những gì cần phải làm tại mỗi phần trong số ba phần cấu thành của nó: Nam Kỳ (Cochinchina), “hòn ngọc của các thuộc địa của chúng ta”, cần nhiều công trình công chánh hơn: may mắn là, một người Lyon, đã phụ trách chương trình này.50 Kém may mắn hơn theo quan điểm của Pila, các cư dân Trung Kỳ (An Nam) rất lười biếng, và bởi chế độ bảo hộ lỏng lẻo hiện hành khó có triển vọng thay đổi được họ, ông nêu ý kiến rằng các nhà hành chính bản xứ cần bị áp lực để mời người Pháp, bao gồm cả các thanh niên Lyon, đến An Nam để hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn.51 Nếu có thể làm nhiều điều hơn nữa để phát triển ngành tầm tang tại Trung Kỳ, thì cũng có thể nghĩ đến kế hoạch tương tự cho ngành khai mỏ, và Pila hy vọng rằng Rousseau sẽ lưu ý đặc biệt đến quyền lợi của công ty Than Đá Đà Nẵng (Houillères de Tourane) hậu thuẫn bởi Lyon.52 Nói đến Bắc Kỳ (Tonkin), ông ta ca ngợi các chính sách của Lanessan, tố cáo các thị trường độc quyền của chính phủ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển mậu dịch với Trung Hoa, và để đạt được mục đích này, ông yêu cầu kéo dài đường xe hỏa Hà Nội – Lạng Sơn và xây dựng một tuyến xe lửa Hà Nội – Vân Nam.53 Pila, mười một năm trước còn dè dặt về Vân Nam, giờ đây tin tưởng rằng Bắc Kỳ, một khi được trang bị các đường xe hỏa này, có thể chế ngự mậu dịch của các tỉnh phía tây Trung Hoa, “miền giàu có nhất của đế quốc”.54 Rousseau, từ chối không theo bước Pila đưa ra những lời khiếu nại và yêu cầu cụ thể, lấy làm hài lòng với những lời ca ngợi về các thành quả của Lyon trong quá khứ, các lời phát biểu sáo rỗng về chủ nghĩa đế quốc, và những hứa hẹn mơ hồ về việc trợ giúp các sáng kiến tư nhân.55

Sự quan tâm của Phòng Thương mại đối với việc xâm nhập Trung Hoa từ phía nam dĩ nhiên đã phản ảnh các mối quan tâm lớn hơn của người Pháp, cũng như mối lo ngại về sự xâm nhập của Anh Quốc vào Trung Hoa từ Miến Điện.56 Vào năm 1892, Frédéric Haas, một lãnh sự người Pháp đã mãn nhiệm khỏi chức vụ của mình tại Trung Hoa, đã thảo luận vấn đề này với Phòng Thương mại. Haas đã thúc đẩy tất cả các lợi thế hàm ẩn của tuyến đường Bắc Kỳ và hứa mang lại cho người dân Lyon khả năng tiếp cận nhanh chóng hơn với tơ sống của Tứ Xuyên và thậm chí cả một thị trường cho hàng dệt may của họ tại Trung Hoa, một khi con đường này được phát triển.57 Hai năm sau, ông thúc giục Phòng Thương mại Lyon gửi một đại diện ngành tơ lụa đi nghiên cứu tình hình Trung Hoa.58 Tham vấn Syndicat des marchands de soies (Nghiệp đoàn Thương gia Ngành lụa) địa phương và giành được sự hợp tác của các Phòng Thương mại tại Marseille, Bordeaux, Lille, Roubaix và Roanne, Phòng Thương mại Lyon đã khai triển theo ý kiến của Haas, và vào năm 1895, ngay sau khi Cuộc Chiến tranh Trung Hoa – Nhật Bản kết thúc, nó đã phái một phái bộ khảo sát quan trọng sang Trung Hoa.59 Phòng Thương mại đã chỉ thị phái bộ đi điều tra tình hình tại Trung Hoa, kể cả khả năng đính kết Tứ Xuyên “vào khu vực ảnh hưởng thương mại hay chính trị trực tiếp của chúng ta”, nhưng nó cũng yêu cầu các thành viên của phái bộ khảo sát tình hình tại Bắc Kỳ.60 Ba năm sau, Phòng Thương mại đã ấn hành một bộ sách đồ sộ ghi lại chi tiết các cuộc du hành của phái bộ, các báo cáo về những đề tài cụ thể, từ các sản vật cho đến nhân chủng học của miền nam và miền tây Trung Hoa, cùng các kết luận tổng quát. Hai bản báo cáo đã thảo luận về Bắc Kỳ. Henri Brenier, người cầm đầu phái bộ trong giai đoạn cuối cùng của nó, đã đưa ra một bức tranh tổng quát về tình hình sản xuất và thương mại tại Bắc Kỳ, trong đó ông đã lôi kéo sự chú ý đến các vấn đề như sự gia tăng mau chóng của nhập khẩu xi măng.61 Các thành viên khác của phái bộ đóng góp những đánh giá về tơ lụa, mỏ than và các nông phẩm thương mại của Bắc Kỳ.62 [trong nguyên bản ghi sai là 63, chú của người dịch]. Trong phần kết luận, Brenier kêu gọi mở thêm các công trình công chánh, nhiều khoản đầu tư nữa của tư bản Pháp, và nhiều nỗ lực hơn nhằm giữ các công cuộc kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp trọng yếu trong tay người Pháp hơn là [để lọt] vào tay người Tàu.63 Bản báo cáo thứ nhì tập trung vào sự xâm nhập miền nam Trung Hoa từ Bắc Kỳ, và, sau một sự kiểm điểm kỹ càng các tuyến đường cạnh tranh nhau, đã kết luận rằng giá trị nội tại của Bắc Kỳ sẽ được nâng cao đáng kể nhờ việc xây dựng các đường ray xe hỏa.64

Mặc dù được hậu thuẫn bởi sự phong phú về chi tiết, các kết luận như thế không gây nhiều bất ngờ. Báo cáo của phái bộ có thể chỉ trở thành một trong số các tài liệu ít nhiều có tính chất bút chiến mà cuộc tranh luận về đường lối tốt đẹp nhất để chế ngự được miền nam Trung Hoa đã phát sinh ra tại Pháp và Đại Anh (Great Britain). Nhưng cộng đồng kinh doanh Lyon hiếm khi tham gia vào những tưởng tượng hão huyền. Phái bộ đã tạo ra các kết quả cụ thể. Một số thành viên phái bộ đã quay trở lại Trung Hoa nhân danh nhiều công ty Pháp khác nhau. Một đại diện khác đã mang về một đặc nhượng về lúa gạo, giành được trong thời gian trú ngụ của phái bộ tại Đông Dương, cho Hiệp hội Société lyonnaise de colonization en Indochina, và Henri Brenier đã gia nhập vào chính quyền tại Đông Dương.65 Pila, người đóng vai trò then chốt trong việc tổ chức phái bộ, hưởng lợi nhiều nhất từ nó. Ông ta đã trở thành chủ tịch của công ty Compagnie Lyonnaise Indo-Chinoise. Thành lập năm 1898, công ty này nhằm mục tiêu phát triển thương mại và kỹ nghệ tại Đông Dương và đẩy mạnh mậu dịch với Trung Hoa.66 Pila nắm một chỗ trong hội đồng quản trị của công ty Société cotonnière de l’Indo-Chine (Công ty Bông vải Đông Dương), một thương nghiệp được thành lập sau này trong cùng năm đó.67 Ông cũng tham dự vào việc thành lập Công ty Xi măng Hải Phòng (Société des ciments de Portland artificiels de l’Indo-Chine), một thương nghiệp với tương lai xán lạn tại thuộc địa.68 Công ty Compagnie Lyonnaise Indo-Chine sở hữu quyền bán các sản phẩm của cả ngành dệt may lẫn xi măng.69 Pila cũng có đủ thì giờ để làm chủ tịch Công ty Bến cảng và Than đá Đà Nẵng (Société des Docks et des Houillères de Tourane), một thương nghiệp được thành lập vào năm 1898 sau khi các vụ hỏa hoạn tại các hầm mỏ đã đẩy Công ty Than đá (Société des Houillères) do Lyon hậu thuẫn trước đây đi đến chỗ giải tán.70 Tóm lại, phái bộ của Phòng Thương mại Lyon đã đem lại các công cuộc kinh doanh mới và một sự kiểm soát chặt chẽ hơn của Lyon đối với sinh hoạt kinh tế của đế quốc Đông Dương.

Sự quan tâm liên tục của họ đến việc phát triển các công trình công chánh và việc xâm nhập vào Trung Hoa bằng đường xe lửa, cũng như các vốn liếng đã sẵn thụ tạo tại thuộc địa, hẳn đã khơi động sự nhiệt tình của Lyon đối với người kế nhiệm Rousseau làm Toàn Quyền, bởi Paul Doumer [làm Toàn Quyền từ 13 tháng Hai, 1897 đến tháng Mười 1902, chú của người dịch] đã làm việc để phát triển các công trình công chánh và khai mở đường xe hỏa từ Hà Nội đến Vân Nam Phủ (Yunnan-fu). Hơn nữa, Doumer đã làm hết mình để ve vãn người dân Lyon bằng việc ghi vào trong ngân sách Đông Dương một khoản trợ cấp cho chương trình giáo dục thuộc địa khởi xướng từ Lyon bởi Phòng Thương mại vào cuối thế kỷ.71 Song một khoảng lặng căng thẳng đã tràn vào bầu không khí khi Phòng Thương mại Lyon tiếp đãi Doumer vào năm 1901. Doumer, không giống như Lanessan và Rousseau, đã sẵn trải qua nhiều năm tại thuộc địa, và một số trong các chính sách của ông đã gây bực tức cho người dân Lyon. Xu hướng bảo vệ mậu dịch và chính sách hiếu chiến đối với Trung Hoa của ông – chính sách nhằm giúp Pháp chiến thắng từ một vùng Fashoda mới [*d] trên thượng lưu sông Dương Tử – chỉ có sự hấp dẫn mong manh đối với một cộng đồng kinh doanh vốn cực kỳ ngưỡng mộ các chính sách mậu dịch tự do của Anh Quốc, lệ thuộc vào những chiếc tàu của Anh để vận chuyển tơ sống từ vùng Viễn Đông, và tìm thấy thị trường quan trọng nhất của nó tại Đại Anh (Great Britain). Trong khi tóm tắt các quan điểm của Phòng Thương mại về các sự vụ của thuộc địa, August Isaac, giờ đây là chủ tịch Phòng này, đã kịch liệt lên án các cảm tính tân trọng thương (neo-mercantilist) đang bùng dậy tại Pháp.72 Chắc chắn nhận biết được các khó khăn mà các đại gia tư sản của Lyon có thể gây ra cho ông tại Pháp và Đông Dương, Doumer đã làm nhẹ bớt các quan điểm của mình khi trả lời. Ông tuyên bố rằng cuộc chinh phục các tỉnh của Trung Hoa gần cận Đông Dương sẽ xảy ra nhờ sự phát triển đường xe hỏa và các hoạt động của các bác sĩ, kỹ sư và các nhà giáo dục Pháp.73 Ông còn đi xa đến mức thừa nhận rằng, nếu các kỹ nghệ mẫu quốc không thể cạnh tranh thành công tại một thị trường thuộc địa được bảo hộ, thì có thể xem xét phát triển cùng các kỹ nghệ này tại thuộc địa.74 Yếu tố điều kiện trong sự nhượng bộ này khó có thể bảo đảm cho người Lyon quan tâm đến sự phát đạt của các công cuộc kinh doanh như Công ty Bông vải Đông Dương (Société cotonnière de l’Indo-Chine).

Phòng Thương mại tỏ ra thoải mái hơn khi tiếp đãi Paul Beau [làm Toàn Quyền Đông Dương từ tháng Mười 1902 đến tháng Hai, 1908, chú của người dịch], người kế nhiệm Doumer, bốn năm sau đó. Phòng Thương mại đã gặp ông lần đầu tiên trong một khóa họp nhằm trình bày cho ông Beau về “các quan điểm và mong muốn của Phòng Thương mại đối với chính quyền tại một thuộc địa nơi mà các quyền lợi của Lyon rất đáng kể”.75 Sau khi một lần nữa lược duyệt các hoạt động của Lyon tại Đông Á, Isaac cám ơn ông Beau về việc duy trì khoản trợ cấp của Doumer cho việc giảng dạy Hán ngữ tại thành phố và mời ông ta tham dự vào “một cuộc thảo luận thực tiễn và hiệu quả”.76 Công nhận vai trò quan trọng của Phòng Thương mại đối với các sự vụ tại Viễn Đông, ông Beau đồng ý làm như thế.77 Việc này đặt ông trước một danh biểu chi tiết khác của ông Pila bao gồm các đề xuất và khiếu nại. Khi cuộc Chiến Tranh Nga-Nhật vừa kết thúc, Pila chào chào mừng việc hòa bình lập lại tại Châu Á và, quan trọng hơn, ca ngợi Liên Minh Anh-Nhật (Anglo-Japanese Alliance) đã giải phóng Đông Dương khỏi sự đe dọa của Nhật Bản, nhờ tình hữu nghị thân thiện [entente cordiale, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch].78 Sau khi xem xét các hàm ý của những diễn biến mới nhất tại Trung Hoa và nhấn mạnh ưu điểm của Chính sách Mở cửa (Open Door Policy), Pila nói đến Đông Dương.79 Nếu ông ta không gây mệt mỏi cho vị Toàn Quyền bằng cách lược lại tất cả các quyền lợi của Lyon ở đó, ông ta vẫn nêu ra tầm quan trọng của chúng.80 Sau đó, ông xét đến những gì mà chính quyền có thể làm để hỗ trợ sự phát triển của thuộc địa. Ông ta đã chỉ trích, mặc dù chỉ bằng cách ám chỉ, sự mê cuồng về đường xe hỏa của Doumer và lập luận rằng còn nhiều điều cần phải làm cho nông nghiệp.81 Ông còn đi xa tới mức đề nghị rằng thời gian đã chín muồi cho một khoản cho vay mới tại thuộc địa nếu việc này được chứng tỏ là cần thiết để cải thiện tình hình nông nghiệp.82 Dĩ nhiên, cần dành sự chú ý đặc biệt cho việc phát triển ngành tầm tang tại Trung Kỳ (An Nam) và Bắc Kỳ (Tonkin).83 Đáp lại, ông Beau về cơ bản đồng ý với Pila, nhưng cũng vạch ra các giới hạn đối với những việc Nhà Nước có thể hoàn thành trong lĩnh vực nông nghiệp và nhấn mạnh tính chất không đồng đều của phong thổ ở Đông Dương.84 Ông mong muốn có tư bản và nhân lực có kinh nghiệm cho Đông Dương và cám ơn Phòng Thương mại về việc đã cung cấp cho Đông Dương cả hai yếu tố này.85 Isaac có lý sự về các nhận xét của Beau trong một vài khía cạnh, nhưng ông ta cũng tỏ ý công nhận thực tế là Đông Dương không như “vùng đất hứa cho những kẻ mơ mộng, mà như một vùng đất tốt cho những kẻ cần cù và cẩn trọng để phát triển”.86

Một bầu không khí thậm chí còn thoải mái hơn đã đánh dấu bữa tiệc do Phòng Thương mại tổ chức để vinh danh ông Beau buổi tối hôm đó. Bên cạnh các thành viên của Phòng Thương mại Lyon, bữa tiệc đã tập hợp nhiều công chức khác nhau, bao gồm cả người con trai của Ulysse Pila, Fernand, khi đó đang giữ chức vụ lãnh sự, các thành viên nổi bật của Union des Chambres syndicales Lyonnais và Alliance des Chambres syndicales, các nhà kỹ nghệ và thương gia quan tâm đến Trung Hoa và Đông Dương, các giảng viên thuộc chương trình giáo dục thuộc địa của Phòng Thương mại, chủ tịch hội địa dư học địa phương và các nhân vật khác theo phe ủng hộ chính sách thực dân.87 Quan sát khối thính giả này, Isaac nhận xét với ông Beau:

“…thành phố của chúng tôi có đông đảo các thân hữu của Đông Dương. Thuộc địa mà ông quản trị tìm thấy ở đây các tín đồ ở giờ phút đầu tiên, những kẻ trung thành và nhiệt tình. Có những người là các tín đồ cao thượng, nhưng cũng có nhiều người không tự giam mình vào một niềm tin lý thuyết về các lợi lộc của chính sách thuộc địa hóa Đông Dương, và là những người đã tham gia các hoạt động thực tế thực dụng trong một khoảng thời gian dài.”88

Giống như Pila, Isaac cảm thấy thoải mái về việc hòa bình lập lại tại Viễn Đông và sự yên ổn rõ rệt tại Đông Dương.89 Ông lo ngại nhiều hơn về cách đối xử của Pháp với các dân tộc Đông Dương. Giải thích một định nghĩa mang tính chất rất Lyon về sứ mệnh khai hóa [mission civilisatrice, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch], Isaac lập luận:

“Vâng, chúng ta cần nâng người bản xứ lên tới phẩm cách của một con người văn minh, nghĩa là, người đó phải hiểu được các dịch vụ mà họ được cung cấp và làm quen với việc phải trả giá. Nhưng để có khả năng chi trả, trước tiên người đó phải gia tăng các nguồn tài nguyên của chính mình bằng sức lao động bền bỉ và thông minh. Người đó cần trở thành một nhà sản xuất tốt hơn, một người tiêu dùng tốt hơn, và một người trả thuế tốt hơn.”90

Cố gắng xua tan các bóng ma được thả rông bởi cuộc Chiến Tranh Nga-Nhật, Isaac đã cảm tạ rằng Đông Dương, không giống như các thuộc địa khác, đã không bị đánh dấu bởi bạo lực, nhưng ông cũng nêu lên nhu cầu phải xử lý khéo léo vấn đề thu thuế.91 Isaac giờ đây lập luận, trái với đại châm ngôn của Danton [*e] trong thời Cách Mạng, rằng các sự vụ thuộc địa đòi hỏi không chỉ sự bạo dạn mà còn cả sự kiên nhẫn.92 Ông Beau đồng ý rằng các nỗi lo sợ liên quan đến Đông Dương trong thời Chiến Tranh Nga-Nhật giờ đây có thể được gạt bỏ.93 Ông cũng nắm lấy chủ đề về sứ mệnh khai hóa, nhưng ông liên kết nó một cách tế nhị hơn với những cải cách giáo dục được thiết kế để giữ chân các trí thức người Việt bất mãn ở trong nước và đề xuất một giải pháp thay thế cho việc các học sinh người Hoa kéo sang Nhật.94 Ông Beau, bổ sung một ít Văn Hóa [Kultur, tiếng Đức trong nguyên bản, chú của người dịch] vào thông điệp khai hóa bằng cách viện dẫn đến Nietzsche, đã lưỡng lự giữa các quan điểm của trường phái cũ về “sự đồng hóa” (assimilation) và trường phái mới về “sự liên kết” (association) trong lĩnh vực lý thuyết thực dân.95 Ông nhắm đến mục tiêu hình thành “một giới tinh hoa bản xứ, bao gồm các quan lại có thể tự trau dồi để thông hiểu các ý tưởng của chúng ta”.96 Nhưng ông nhấn mạnh việc xác định các chính sách tài khóa khôn khéo theo cung cách của riêng ông và không đưa ra hy vọng nào về một sự cắt giảm gánh nặng thuế má nặng nề mà ông Doumer áp đặt.97 Cảm thấy khó chịu khi ông Beau sẵn lòng đồng ý với Isaac về yêu cầu kiên nhẫn, Pila đã xen vào để chỉ cho thấy sự kiên nhẫn có các khuyết điểm của nó và sự táo bạo thì có các ưu điểm.98

Pila, ít nhất trong một thời gian ngắn, là người đưa ra quyết định cuối cùng. Vào cuối năm 1905, Ủy ban Thuộc địa của Phòng Thương mại đã đệ trình lên Phòng Thương mại một báo cáo về tình hình Đông Dương. Pila, đứng đầu ủy ban, nhấn mạnh rằng việc đầu tiên phải làm và “bắt tay vào việc phát triển giới nông dân, những người tạo thành sự giàu có thực sự của Đông Dương, và dạy họ cách thu được từ đất đai phần thu hoạch lớn nhất có thể.”99 Bản báo cáo kêu gọi chính quyền “hãy giáo dục nông dân, hướng dẫn họ, dẫn dắt họ gia tăng không ngừng sản lượng của mình, và sửa đổi các phương pháp của họ.”100 Nông nghiệp đặt ra “vấn đề sinh tử” (“to be or not to be” question) cho tương lai.101 Không may, chính quyền đã quá quan tâm đến đường ray hỏa xa trong mười lăm năm qua, nên đã không làm gì để cải thiện nông nghiệp, và giờ là lúc phải thay đổi tình trạng này.102 Phòng Thương mại ủng hộ lập trường của ủy ban và đã gửi bản báo cáo cho Toàn Quyền và các Bộ trưởng Thuộc địa, Thương mại và Tài chính.103 Sự quyến rũ huyền thoại của Vân Nam và những kỳ vọng lớn lao về Tứ Xuyên đã lùi lại phía sau. Một sự thẩm định sát thực tế hơn về tình trạng tại miền nam Trung Hoa, việc chấp nhận Chính sách Mở cửa, tác động của cuộc Chiến Tranh Nga-Nhật, tất cả đã ảnh hưởng rõ rệt đến sự biến đổi. Nhưng các yếu tố khác cũng có vai trò trong việc tạo ra sự thay đổi này. Mặc dù nguy hiểm trong một vài khía cạnh, nhưng các chính sách của Doumer đã khởi đầu cho các công trình công chánh và các dự án đường xe hỏa mà người Lyon có lần từng yêu cầu. Sự phát triển nông nghiệp đã trở thành một điều thiết yếu nếu các hoạt động kinh doanh giống như của Công ty Bông vải Đông Dương (Société cotonnière de l’Indo-Chine) muốn thịnh đạt. Sau hết, Phòng Thương mại Lyon, vốn đã để ý chặt chẽ đến Đông Dương tại các cuộc triển lãm thuộc địa khác nhau và đã ủng hộ nhiều phái bộ Đông Dương, đã thất vọng với lượng thu hoạch nhỏ nhoi từ ngành tầm tang của thuộc địa.104

(xem tiếp Kỳ 2)

Chú thích:

* Tôi muốn cám ơn Hội đồng Canada (Canada Council) về một khoản tài trợ giúp tôi hoàn tất bài viết này. Tôi cũng muốn cám ơn Giáo Sư Ella Laffey về các ý kiến phê bình của bà đối với một bản thảo trước của bài viết này.

  1. Muốn có một sự trình bày chi tiết về lập luận này, xem John F. Laffey, “Municipal Imperialism in Nineteenth Century France”, Historical Reflections/Réflexions historiques, I, 1 (June, 1974), 81-114.
  2. P. Foncin, “Bordeaux et l’esprit colonial”, Bulletin de la Société de géographie commercial de Bordeaux, 26e a. Nos. 7-8 (April 2 and 16, 1900), các trang 129-136, 135.
  3. Cùng nơi dẫn trên.
  4. John F. Laffey, “Les raciness de l’impérialisme franҫais en Extrême-Orient”, Revue d’histoire modern et contemporaine,XVI (April-June, 1969), 282-299.
  5. August Isaac, Discours, “Réception de M. Rousseau, Gouverneur general de l’Indo-Chine”, Compte rendu des travaux de la Chambre de Commerce de Lyon, Année 1895 (Lyon, 1896), các trang 234-244, 235-241.  Từ đó trở đi, ấn phẩm thường niên này sẽ được trích dẫn tắt là CRTCCL.  Các tập này luôn luôn được ấn hành tại Lyon vào năm sau các biến cố và các sự bàn cãi được mô tả trong các tập tài liêu đã diễn ra.  Nhật kỳ bao gồm trong phần trưng dẫn sẽ là nhật kỳ trong đề mục và không phải là nhật kỳ ấn hành.
  6. Muốn có một cuộc thảo luận chi tiết hơn về chiều kích tôn giáo trong chủ trương bành trướng của Lyon, xem John F. Laffey, “Roots of French Imperialism in the Nineteenth Century: The Case of Lyon”, French Historical Studies,VI, 1 (Spring, 1969), 78-92.
  7. Comité départmental du Rhône, La Colonisation lyonnaise(Lyon, 1900), trang 15, Henri Baudoin, La Banque de l’Indochine(Paris, 1903), trang 25.
  8. M. Ganneval, “Le Thibet et la Chine occidentale”, Bulletin de la Société de géographie de Lyon, 1, 5 (June, 1876), 385-399.
  9. Về Pila, xem Michel Laferrère, Lyon, ville industrielle, essai d’une géographie urbaine des techniques et des enterprises(Paris, 1960), các trang 172-173; và Laffey, “Les raciness…”, các trang 295-296.
  10. Ulysse Pila, Le Tonkin et la colonization franҫaise (Lyon, 1884), trang 4.  Về bản thân tổ chức, xem Pierre Dockés, Histoire de la Société d’économie politique sociale de Lyon(Lyon, 1966).
  11. Pila, Le Tonkin, các trang 27-28.
  12. Cùng nơi dẫn trên, trang 29.
  13. Cùng nơi dẫn trên, các trang 30.
  14. Cùng nơi dẫn trên, các trang 30- 31.
  15. Cùng nơi dẫn trên, trang 31.
  16. Cùng nơi dẫn trên, các trang 33-34.
  17. Cùng nơi dẫn trên, các trang 35-36.
  18. Cùng nơi dẫn trên, trang 33.  Jean Bouvier, Études sur le krach de l’Union Générale (1878-1885) (Paris, 1960).
  19. Pila, Le Tonkin, trang 43.
  20. “Exploration commercial du Tonkin (Mission de M. Paul Brunat), CRTCCL, 1884, các trang 250-252; Paul Brunat, Exploration commercial du Tonkin: Rapport présente à la Chambre de commerce de Lyon, Séance du 18 février 1885(Lyon, 1885), trang v.
  21. CRTCCL, 1884, trang 251.
  22. Cùng nơi dẫn trên.
  23. Cùng nơi dẫn trên.
  24. Các linh mục bản xứ xem ra “rất cảm tình đối với duyên cớ của chúng ta và có thể các các kẻ trợ lực quý báu”, Brunat, Exploration, trang 3.
  25. Cùng nơi dẫn trên, trang 56.
  26. Cùng nơi dẫn trên, trang 22.
  27. Cùng nơi dẫn trên, các trang 5, 11.
  28. Ulysse Pila, “Le Régime douanier de l’Indo-Chine, Communication faite à la 6e section, le 18 décembre”, Receuil des deliberations de Congrès colonial national, II, Rapports des commissaries.  Documents annexes(Paris, 1890), các trang 345-354, 351.
  29. Cùng nơi dẫn trên, các trang 351-352.
  30. Cùng nơi dẫn trên, các trang 352-353.
  31. “Sixième Section: Indochine, Séance du 18 décembre”, Receuil des deliberations de Congrès colonial national, I, Séance d’inauguration.  Séances des sections (Paris, 1890), các trang 363-367, 366.
  32. Tại một buổi thuyết trình được tổ chức bởi Phòng Thương Mại cho một nhà ngoại giao gốc Lyon phác thảo việc thương thảo thỏa ước thương mại Trung Hoa – Pháp năm 1886, ông E. Morel, một giám đốc người Lyon của Tổ Hợp Ngân Hàng Hồng Kông và Thượng Hải (Hongkong and Shanghai Banking Corporation), chủ trương rằng sự dự trù dành cho Bắc Kỳ cùng loại tự do thương mại được thụ hưởng bởi Hồng Kông sẽ tạo dễ dàng cho “sự nhập cảng các sản phẩm của Pháp, sau đó sẽ được vận chuyển bằng đường xe hỏa lên biên cương Trung Hoa”.  “Traité de commerce avec la Chine: Mission de M. Cogordan”, CRTCCL, 1885, các trang 167-176, 172-173.  Các quan điểm như thế, dĩ nhiên, khó khơi dậy được sự nhiệt thành của cánh tân trọng thương (neo-mercantilist) trong phong trào thực dân Pháp.
  33. Joseph Chailley, “Ulysse Pila”, La Quinzaine colonial, 13e a. 7 (April 10, 1909), 216-217, Video, “Problèmes resoles”, Avenir du Tonkin, December 8, 1894, trang 1.
  34. “Échantillons de tissus de soie du Tonkin”, CRTCCL, 1896, trang 68; “La sericulture au Tonkin”, CRTCCL, 1887, các trang 52-44; “Échantillons de soie du Tonkin”, CRTCCL, 1888, các trang 42-42bis.
  35. Alfred Bonzon, Manuel des Sociétés par actions(Lyon, 1891), các trang 359-360.
  36. Alfred Bonzon, Manuel des Sociétés par actions de la region lyonnaise(Lyon, 1893), các trang 292-294.
  37. “Société des Docks de Haiphong”, CRTCCL, 1888, các trang 249-251.
  38. “Procès de MM. Ulysse Pila et Cie. contre M. R. de Saint-Mathurin”, Avenir du Tonkin, August 4, 1888, các trang 9-11; “Les magasins généraux”, cùng nơi dẫn trên, August 25, 1888, trang 1.
  39. Ch. Courret, “simple truc”, cùng nơi dẫn trên, March 21, 1891, trang 1; Video, cùng nơi dẫn trên, December 8, 1894.
  40. J.-L. de Lanessan, La Colonolisation franҫaise en Indo-Chine(Paris, 1895), trang 206; J. Chailley-Bert, Dix Années de politque colonial(Paris, 1902), các trang 122-123.
  41. L. Bonnafont, Trente ans de Tonkin(Paris, n.d.), trang 93.
  42. Manus Duc, Discours (Diễn Văn), “Réception de M. de Lanessan, Gouverneur general de l’Indo-Chine, et rapport de M. Ulysse Pila sur son voyage d’études commerciales au Tonkin”, CRTCCL, 1891, các trang 354-397, 355-357.
  43. Ulysse Pila, Rapport, cùng nơi dẫn trên, các trang 357-379.  Các tư tưởng của Pila về nền giáo dục thuộc địa phản ảnh phản ứng đối nghịch chua chát của Phòng Thương Mại Lyon với sự thiết lập của chính phủ Trường Thuộc Địa (École Coloniale) năm 1889.  “Création d’une école colonial”, CRTCCL, 1890, các trang 331-337.
  44. J-L. de Lanessan, Discours, CRTCCL,1891, các trang 379-384, 380-381, 383.
  45. Cùng nơi dẫn trên, các trang 381-382.
  46. Cùng nơi dẫn trên, các trang 383-384. [Không thấy nơi có đánh số chú thích 46 này trong nguyên bản, chú của người dịch]
  47. J-L. Lanessan,Discours, cùng nơi dẫn trên, các trang 388-389, 389.
  48. CRTCCL,1895, các trang 235-241.
  49. Ulysse Pila, Discours, cùng nơi dẫn trên, các trang 242-253, 242-243.
  50. Cùng nơi dẫn trên, các trang 244-245.
  51. Cùng nơi dẫn trên,trang 247.
  52. Cùng nơi dẫn trên, các trang 247-248.
  53. Cùng nơi dẫn trên, các trang 249-252.
  54. Cùng nơi dẫn trên, trang 252.
  55. Armand Rousseau, Discours, cùng nơi dẫn trên, các trang 254-255.
  56. Warren B. Walsh, “The Yunnan Myth”, Far Eastern Quarterly, II, 3 (May, 1943), 272-285.
  57. 57. “Relations commerciales entre l’Indo-Chine et la Chine – Conférence de M. Haas”, CRTCCL, 1892, các trang 208-215.
  58. “Mission d’exploration commercial en Chine”, CRTCCL, 1895, các trang 297-325, 297.
  59. Muốn biết thêm chi tiết về các sự dàn xếp này, xem John F. Laffey, “French Imperialism and the Lyon Mission to China” (luận án Tiến Sĩ chưa xuất bản, Ban Sử Học, Đại Học Cornell University, 1966), các trang 266-286.
  60. Henri Brenier, “Introduction: l’origine et le programme de la mission.  Ses resultants – son opportunité”, Chamber de Commerce de Lyon, La Mission Lyonnaise d’exploration commerciales en China, 1895-1897(Lyon, 1898), các trang i-xv.
  61. Henri Brenier, “Rapport sur le Tonkin”, cùng nơi dẫn trên, phần thứ nhì, các trang 3-86, 3-47.
  62. Cùng nơi dẫn trên, các trang 48-78.
  63. Cùng nơi dẫn trên, các trang 79-86.
  64. A. Pierre, P. Duclos et H. Brenier, “Notes sur le Tonkin considéré comme voie de penetration en Chine.  Les voies concurrentes”, cùng nơi dẫn trên, các trang 88-127.
  65. Alfred Bonzon et J. J. Girardel, Manuel des Sociétés par actions de la region lyonnaise (Lyon, 1901), các trang 542-543; “Henri Brenier”, A. Brebion, Dictionnaire de bio-bibliographie générale, ancienne et modern de l’Indochine franҫaise(Paris, 1935), các trang 49-50.
  66. Bonzon et Girardel, Manuel, các trang 519-520; Rapport sur la creation d’une société commercial au Tonkin et dans le Chine méridionale (Lyon, 1898).
  67. Bonzon et Girardel, Manuel, các trang 517-519.
  68. Maurice Zimmermann, :Lyon colonial”, Lyon et la region lyonnaise en 1906, II, Economie sociale – Agriculture – Commerce – Industrie – Transports – Navigation – Aérostation(Lyon, 1906), các trang 230-283, trang 274.
  69. Comité départemental du Rhône, La Colonisation lyonnaise, trang 121.
  70. Bonzon et Girardel, Manuel, các trang 260-262; Maurice Zimmermann, “Lyon et la colonization franҫaise”, Questions diplomatiques et colonials, X, 81 (July 1, 1900), 1-21.
  71. “Organisation du cours d’enseignement colonial”, CRTCCL, 1889, các trang 332-348.
  72. Auguste Isaac, Discours, “Réception de M. Doumer, Gouverneur Général de l’Indo-Chine”, CRTCCL, 1901, các trang 470-498, 473-82.
  73. Paul Doumer, Discours, cùng nơi dẫn trên, các trang 483-498, 494.
  74. Cùng nơi dẫn trên, trang 495.
  75. “La colonization en Indo-Chine – Réception de M. Beau, gouverneur general de l’Indo-Chine (Rapport de M. Ulysse Pila)”, CRTCCL, 1905, các trang 204-253, 204.
  76. Auguste Isaac, Discours, cùng nơi dẫn trên, các trang 204-208.
  77. Paul Beau, Discours, cùng nơi dẫn trên, trang 208.
  78. Ulysse Pila, Discours, cùng nơi dẫn trên, các trang 208-225, 209.
  79. Cùng nơi dẫn trên, các trang 210-216.
  80. Cùng nơi dẫn trên, các trang 217-219.
  81. Cùng nơi dẫn trên, các trang 219-221.
  82. Cùng nơi dẫn trên, trang 221.
  83. Cùng nơi dẫn trên, các trang 221-225.
  84. Paul Beau, Discours, cùng nơi dẫn trên, các trang 225-227, 225-226.
  85. Cùng nơi dẫn trên, trang 227.
  86. Auguste Isaac, Discours, cùng nơi dẫn trên, các trang 228-230, 230.
  87. CRTCCL, 1905, các trang 230-231.
  88. Auguste Isaac, Discours, cùng nơi dẫn trên, các trang 231-238, 231.
  89. Cùng nơi dẫn trên, trang 234.
  90. Cùng nơi dẫn trên, các trang 235-236.  Isaac đã trình bày trực tiếp, mặc dù ngắn gọn hơn, khi Phòng Thương Mại tiếp đãi Doumer: “Khai hóa dân chúng theo ý nghĩa hiện đại của từ ngữ là dạy họ làm việc để thụ đắc, để chi tiêu và để trao đổi”, CRTCCL, 1901, trang 477.
  91. CRTCCL, 1905, trang 236.
  92. Cùng nơi dẫn trên, trang 237.
  93. Paul Beau, Discours, cùng nơi dẫn trên, các trang 238-245, trang 238.  Tôi có chủ định thảo luận ở nơi khác về tác động của cuộc Chiến Tranh Nga-Nhật đối với cánh chủ trương chính sách đế quốc Pháp liên quan đến vùng Viễn Đông.
  94. Cùng nơi dẫn trên,trang 239.
  95. Cùng nơi dẫn trên, các trang 241-242.  Với nhiều sự dè dặt, có thể lập luận rằng “sự đồng hóa” (assimilation) liên can đến việc du nhập vào các thuộc địa của Pháp luật lệ Pháp, kể cả luật về tài sản, và từ đó phá nát các cấu trúc cô truyền về sự chiếm hữu tài sản và các hiệp hội xây dựng chung quanh các cấu trúc như thế, trong khi “sự liên kết” (association) hoạt động để ngăn chặn sự mở rộng đến các thuộc địa luật lệ của Pháp, đặc biệt luật lao động mặc dù còn thô sơ nhiều nếu so sánh với Âu Châu, sẽ làm rối loạn các loại hình khai thác các lực lượng lao động bản xứ vốn được ưa thích bởi các thực dân định cư tại thuộc địa.
  96. Cùng nơi dẫn trên, trang 242.
  97. Cùng nơi dẫn trên, trang 243.
  98. Ulysse Pila, Discours, cùng nơi dẫn trên, các trang 246-247, 246.
  99. Ulysse Pila, Rapport, cùng nơi dẫn trên, các trang 248-252, 249.
  100. Cùng nơi dẫn trên.
  101. Cùng nơi dẫn trên.  Các chữ in nghiêng là Anh ngữ [trong nguyên bản].
  102. Cùng nơi dẫn trên.
  103. CRTCCL, 1905, các trang 252-253.
  104. “Exposition Coloniale de Lyon – inauguration”, CRTCCL, 1894, các trang 194-224; “Exposition de Hanoi en 1902-1903”, CRTCCL, 1902, các trang 332-333; Ulysse Pila, Rapport, “Exposition colonial de Marseille”, CRTCCL, 1906, các trang 286-293 “Reception de la mission tonkinoise”, CRTCCL, 1900, các trang 381-382; “Réception de la mission laotienne”, cùng nơi dẫn trên, các trang 382-383; “Réception de la Mission annamite”, CRTCCL, 1902, các trang 321-323, “Mission indo-chinoise à Lyon”, CRTCCL, 1906, các trang 267-268; “Mission indo-chinoise à Lyon”, CRTCCL, 1907, các trang 296-297; “Mission indo-chinoise à Lyon”, CRTCCL, 1906, trang 290.

BÌNH LUẬN