Ra mắt sách: Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (tác giả George Dutton)

Bản dịch công trình quan trọng của giáo sư người Mỹ George Dutton vừa ra mắt bạn đọc Việt Nam: Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (The Tây Sơn Uprising – dịch giả Lê Nguyễn).

Sách của George Dutton vừa được dịch và ấn hành tại Việt Nam – Ảnh: L.Điền

Đây là tác phẩm được giới nghiên cứu dẫn dụng, tham khảo nhiều khi đề cập đến lịch sử phong trào Tây Sơn ở Việt Nam giai đoạn từ 1771 đến 1802.

Những tư liệu quý giá về xã hội Đại Việt thời thế kỷ XVIII-XIX

Trước hết, tác giả có quan điểm nghiên cứu độc lập dựa trên các nguồn tài liệu phong phú đáng tin cậy, từ sử liệu tiếng Việt đến các nguồn văn khố nước ngoài, như văn khố của Bộ Hải quân và Thuộc địa cũ và Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (Pháp).

Nên ở sách này, cái nhìn khách quan về một “phong trào nông dân” theo cách gọi quen thuộc ở ta được trình bày theo nhiều góc độ khác nhau, giúp người đọc nắm bắt kỹ hơn quy mô của phong trào Tây Sơn.

Không chỉ vậy, đóng góp đáng kể của Dutton là phân tích mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn – các lãnh tụ phong trào – với các thành phần xã hội/ cộng đồng cư dân vốn phức tạp lúc bấy giờ.

Chính vì vậy, công trình nghiên cứu về phong trào Tây Sơn còn mang trong nó những thông tin và tư liệu quý giá về xã hội Đại Việt thời thế kỷ XVIII-XIX.

George Dutton đã xuất sắc trong việc khảo cứu bối cảnh Đại Việt từ sự phân hóa chính trị, đàng ngoài và đàng trong, động lực xã hội và văn hóa… để trả lời câu hỏi có tính mấu chốt: Tại sao có phong trào Tây Sơn?

Mối quan hệ giữa Tây Sơn và hải tặc Trung Hoa

Trên bình diện rộng hơn, có cảm giác Dutton đã “xới tung” xã hội Đại Việt để khảo cứu cho kỳ hết các các thành phần xã hội có “dính dáng” đến phong trào Tây Sơn: từ các vấn đề của nông dân như dân số, thương mại, thu nhập, tiền đồng; những cộng đồng người dân vùng cao, người Chăm, Khmer, người Hoa, người châu Âu hiện diện tại Đại Việt.

Đặc biệt, tác giả đã dành phần riêng nghiên cứu về mối quan hệ giữa Tây Sơn và hải tặc Trung Hoa – một mảng đề tài thú vị và cũng chính là một thành tố không thể chối cãi từng tồn tại trong “phong trào Tây Sơn”.

Về mức độ am hiểu, đọc các phân tích cách nhà Tây Sơn vận dụng chữ “nghĩa” và chữ “đức” (phần “Ngôn ngữ Khổng giáo trong cuộc nổi dậy của Nhà Tây Sơn”) ra sao để thực hiện các mục tiêu của mình, mới thấy Dutton thực sự đã tìm hiểu sâu hơn rất nhiều so với các bề nổi của sự kiện lịch sử.

Nhìn từ vị trí của người nông dân Đại Việt

Dutton đã đứng từ vị trí của người nông dân Đại Việt để xem xét khách quan những hạn chế và ưu điểm của phong trào Tây Sơn.

Thái độ khách quan và phương pháp độc lập trong tiếp cận sử liệu của George Dutton ở chỗ này hẳn sẽ gặp nhiều tranh biện từ các quan điểm khác nhau của học giới khi nghiên cứu về Tây Sơn.

Tuy nhiên, chính kết quả làm việc để đưa ra nhận định của Dutton có sức gợi mở lớn, cho những ai có hứng thú đào sâu vào các vấn đề còn tồn nghi của lịch sử phong trào Tây Sơn.

Về bản dịch Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn lần này, ngoài phần Sách dẫn (Index) làm rất công phu và bảng tài liệu tham khảo lên đến 218 đầu mục rất ấn tượng, sách còn có đến 764 chú thích cho 420 trang in.

Dịch giả Lê Nguyễn cũng ghi nhận trong lời ông giới thiệu sách: “Các bạn biên tập viên đã làm một việc ít ai làm nổi là rà soát từng cái một trong hàng trăm tài liệu (bằng Việt ngữ) mà giáo sư George Dutton đã tham khảo, để phát hiện và điều chỉnh những sai sót nhỏ nhất của chính tác giả. Tất cả nỗ lực ấy nhằm mang lại cho tác phẩm sự xứng đáng với giá trị của nó”.

Tác giả George Dutton là giáo sư bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á thuộc trường Đại học California tại Los Angeles (UCLA), Mỹ; từng giảng dạy môn lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, đồng thời là tác giả nhiều sách viết về xã hội Việt Nam các thế kỷ XVIII, XIX và XX.

Riêng tác phẩm The Tây Sơn Uprising được trường Đại học Hawaii xuất bản năm 2006 là một công trình nghiên cứu quan trọng của Dutton về phong trào Tây Sơn những năm 1771-1802.

Lam Điền (Tuổi Trẻ Online)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN