Sudan: Nỗ lực giải quyết trong hòa bình

Bất chấp việc Tổng thống Omar Al-Bashir bị phế truất hôm 11-4, người Sudan từ sáng ngày 14-4 tiếp tục xuống đường biểu tình. Hàng nghìn người đã tập trung bên ngoài tổng hành dinh của quân đội Sudan ở Khartoum nhằm duy trì sức ép đối với Hội đồng Quân sự chuyển tiếp – cơ quan nắm quyền điều hành Sudan sau khi ông Al-Bashir bị phế truất.

Người dân Sudan đã yêu cầu Hội đồng Quân sự chuyển tiếp chuyển giao quyền lực “ngay lập tức” cho một chính phủ dân sự. Họ cũng phản đối Bộ trưởng Quốc phòng Awad Ibn Auf, người bị Chính phủ Mỹ trừng phạt vì có liên hệ đến các hành động tội ác chiến tranh ở Darfur trước đây.

Cùng lúc, Hiệp hội Các nhà chuyên môn Sudan – lực lượng tổ chức các cuộc biểu tình, cũng yêu cầu “chính phủ chuyển tiếp và các lực lượng vũ trang đưa ông Bashir cùng những người đứng đầu Cơ quan tình báo quốc gia và Cơ quan an ninh (NISS) trong chính quyền của ông ra xét xử”.

Trước sức ép của dư luận, chiều 14-4, tại một cuộc họp báo ở Khartoum, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp của Sudan đã quyết định bãi nhiệm Bộ trưởng Quốc phòng Ibn Auf. Theo công bố chính thức của phát ngôn viên Hội đồng, ông Shams al-Din Kubashi Ibrahim, tướng Awad Ibn Auf “được miễn nhiệm để nghỉ hưu”.

Ngoài ra, việc cải tổ cũng được tiến hành trong các cơ quan đặc biệt của đất nước. Chẳng hạn, ông Kubashi Ibrahim cho biết, Abu Bakr Mustafa được bổ nhiệm làm người đứng đầu mới của cơ quan tình báo và an ninh. Người đứng đầu cơ quan này trước đó là Salah Gosh, một nhân vật rất có ảnh hưởng, đã từ chức ngày hôm trước. Theo đại diện chính thức Kubashi Ibrahim, “việc từ chức của ông Salah Gosh đã được Hội đồng chấp nhận, ông cũng nghỉ hưu”.

Đại diện của Hội đồng Quân sự nói thêm rằng các thành viên đảng Quốc dân đại hội, đảng cầm quyền của tổng thống bị lật đổ Omar al-Bashir, sẽ không được tham gia vào quá trình thành lập chính phủ tương lai của đất nước. “Đảng Quốc dân đại hội sẽ không có mặt trong chính phủ tương lai. Quá trình thành lập nội các mới sẽ do phía lực lượng đối lập điều hành và thực hiện”, ông Kubashi Ibrahim khẳng định.


Hàng nghìn người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở quân đội tại thủ đô Khartoum ngày 14-4.

Trước đó một ngày, Hội đồng Quân sự lâm thời đã tuyên bố dỡ bỏ mọi thứ liên quan đến chế độ cũ. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Sudan đã công bố vào hôm 14-4 về việc đóng băng tất cả tài khoản của Văn phòng Tổng thống và lưỡng viện quốc hội.

Theo ông Kubashi Ibrahim, việc bắt giữ các đại diện của chính quyền cũ, những người “tượng trưng cho bộ mặt chế độ cũ”, sẽ được tiếp tục thực hiện. Ông cũng tuyên bố rằng Hội đồng sẽ thành lập một ủy ban đặc biệt để “quản lý tài sản nhà nước thuộc đảng cầm quyền trước đây”.

Quân đội cũng hứa sẽ không sử dụng vũ lực để chấm dứt các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Khartoum. Việc giải tán các cuộc biểu tình bằng vũ lực không nằm trong chương trình nghị sự của Hội đồng, ông Kubashi Ibrahim nói. Ông cũng cho biết rằng chính do chế độ al-Bashir đã chuẩn bị bắt tay thực hiện kế hoạch sử dụng vũ lực để đàn áp các cuộc biểu tình nên quân đội đã phải can thiệp và rồi giải tán chính quyền cũ vốn không được lòng dân. Theo Hội đồng quân sự Sudan, thời kỳ chuyển tiếp kéo dài 2 năm, sau đó sẽ tổ chức bầu cử.

Trước mắt, Hội đồng Quân sự lâm thời đã loại bỏ các đại sứ Sudan tại Hoa Kỳ và Thụy Sĩ. “Đại sứ Sudan tại Washington và Geneva đã rời khỏi chức vụ của mình”, ông Kubashi Ibrahim cho biết. Đồng thời, ông lưu ý rằng các cơ quan quyền lực chuyển tiếp của đất nước đang liên lạc với các nhà ngoại giao và đại diện của các đại sứ quán nước ngoài để “truyền đạt cho họ thông tin về tình hình ở Sudan”.

Liên quan tới quan điểm của các nước với tiến trình chuyển giao quyền lực hiện nay tại Sudan, Saudi Arabia ủng hộ các kế hoạch hành động của Hội đồng Quân sự lâm thời chuyển tiếp của Sudan và dự định cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho đất nước này. Điều này đã được công bố hôm 13-4 bởi kênh truyền hình Al Arabia, có tham chiếu đến tuyên bố của chính quyền vương quốc. Bản tuyên bố của chính quyền có nói rằng Riyadh “ủng hộ các kế hoạch do Hội đồng Quân sự lâm thời Sudan công bố”.

Được biết, quốc vương Saudi Arabia đã tuyên bố ý định cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Sudan, bao gồm nhiên liệu, thuốc men và thực phẩm. Chính quyền vương quốc bày tỏ hy vọng rằng “các biện pháp được thực hiện bởi Hội đồng Quân sự Sudan sẽ phục vụ lợi ích của người dân Sudan và sẽ khôi phục sự ổn định và an ninh trong nước”.

Cùng ngày, cộng đồng các quốc gia trong khu vực Sahel và Sahara (CEN-SAD) đã lên tiếng ủng hộ giai đoạn chuyển tiếp hòa bình ở Sudan. Điều này, theo hãng tin AFP, được nêu trong tuyên bố cuối cùng của liên minh, được thông qua vào cuối cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia CEN-SAD tại N’Djamena, thủ đô của Chad. “Hội nghị kêu gọi tất cả những người tham chính ở Sudan ưu tiên đối thoại và hòa đàm vì mục đích chuyển đổi hòa bình để lập lại trật tự hiến pháp”, thông cáo cho biết.

Phó Chủ tịch Hội đồng Quân sự lâm thời, Mohammed Hamdan Daklo, đã gặp đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Sudan để thông báo về lý do Tổng thống Omar al-Bashir phải rời khỏi quyền lực.

Phản ứng của người dân Sudan khá giống với những gì đang diễn ra tại Algeria. Sau khi lật đổ Tổng thống Abdelaziz Bouteflika hồi đầu tháng 4-2019, người dân Algeria tiếp tục xuống đường đòi phải “thay máu” toàn bộ chế độ cũ. Được biết, ông Bouteflika trước khi tuyên bố từ chức đã tranh thủ phê duyệt nội các chính phủ mới, trong đó vẫn duy trì 8/28 thành viên của chính phủ cũ.

Sở dĩ tâm lý người dân hai nước này có sự tương đồng vì hai nước này đã từng diễn ra cuộc cách mạng mang tên “Mùa xuân Arab” 10 năm về trước. Nhưng trong khi các nước khác đều có sự thay đổi triệt để về chính quyền thì tại Algeria hay Sudan, phong trào biểu tình của người dân đã lắng xuống ngay khi chính phủ của họ đưa ra những cải cách tạm thời. Đó là nguyên nhân nảy sinh những vấn đề như hiện nay.

Mộc Thạch/CAND

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN