
Các hoạt động tội phạm tại biên giới Việt Nam – Campuchia đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, để lại hậu quả khôn lường cho nhân dân hai nước. Bên cạnh mạng lưới công ty lừa đảo xuyên quốc gia, hiện tượng buôn người, bắt cóc lao động sang làm việc cho các công ty này, đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý, giáo dục, xây dựng và củng cố hệ thống an sinh xã hội để người dân không sa ngã vào những con đường nguy hiểm nơi biên giới.
1. Tình trạng tội phạm lừa đảo tại biên giới Việt Nam – Campuchia
Các ổ nhóm tội phạm tại Campuchia và khu vực biên giới các nước Đông Nam Á
Thời gian gần đây, các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến việc mở rộng đầu tư tại Campuchia. Lợi dụng xu hướng này, các nhóm tội phạm cũng len lỏi sử dụng vỏ bọc đầu tư kinh doanh để tổ chức những cơ sở hoạt động lừa đảo trực tuyến. Điều đó đã khiến Campuchia trở thành điểm nóng của các “ổ” tội phạm, mà phần lớn là các “công ty ma” từ nước ngoài, đến Campuchia để thực hiện các hoạt động phi pháp, móc nối với các đường dây xuyên quốc gia, đồng thời “qua mặt” pháp luật sở tại. Các công ty này thường núp bóng các doanh nghiệp song thực chất chỉ kinh doanh nhà cái, cá độ ăn tiền, sòng bài, mại dâm, ma tuý… cùng nhiều kiểu lừa đảo, phạm pháp khác.
Bên cạnh các “điểm nóng” tội phạm quen thuộc tại Campuchia trong suốt nhiều năm liền như thủ đô Phnom Penh, thành phố biển Preah Sihanouk, thành phố Poipet tại tỉnh Banteay Meanchey (gần biên giới với Thái Lan), thành phố Bavet tại tỉnh Svay Rieng (gần biên giới với Việt Nam), tội phạm trực tuyến đang có xu hướng mở rộng đến khu vực Đông Bắc nước này. Có thể kể đến một số tụ điểm tội phạm “khét tiếng”, có các khu vực do người nước ngoài thuê và thành lập ra các trung tâm lừa đảo trực tuyến, casino trá hình với nhiều tên gọi khác như: khu “Hai con voi”, “Tam thái tử 1”, “Tam thái tử 2”, “King Crow”, “Samat”, “Titan”, “Kimsa 1,2,3”, “Kim tài 1,2,3”…
Biết được thực trạng gây nhức nhối suốt nhiều năm nay, Thủ tướng Hun Manet đã thành lập Ủy ban phòng chống lừa đảo trực tuyến của Campuchia, và ngay trong hai tuần đầu đã truy quét được ổ lừa đảo gồm 258 đối tượng là người nước ngoài tại tỉnh Mondulkiri (phía Đông Bắc Campuchia). Trong số các đối tượng bị bắt giữ có 247 công dân Trung Quốc, số còn lại là người Myanmar và Malaysia, 14 đối tượng được chuyển giao cho cảnh sát địa phương thẩm vấn thêm do bị tình nghi có những hành vi bạo lực và cưỡng ép lao động, trong khi những người còn lại được chuyển cho Cục Di trú phân loại và xử lý.
Cuộc trấn áp vào hang ổ của nhóm lừa đảo ở thành phố Sen Monorom, thủ phủ tỉnh Mondulkiri được thực hiện ngay sau khi cơ quan chức năng nhận được đơn thư và thông tin tố giác tội phạm từ người thân của những công dân nước ngoài bị cưỡng ép tham gia những hoạt động lừa đảo trực tuyến. Nhóm lừa đảo này có vỏ bọc là một doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Mondulkiri.
Không những hoành hành tại Campuchia, trong nhiều năm qua, các trung tâm lừa đảo đã hoạt động khá phức tạp dọc khu vực biên giới các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Malaysia… và cả vùng phía Nam Trung Quốc. Đầu tháng 3 vừa qua, lực lượng chức năng Campuchia đã triệt phá hai địa điểm tại thành phố Poi Pet, tỉnh Banteay Meanchey giáp với Thái Lan, phát hiện 230 người nước ngoài, nhiều nhất là Thái Lan, tiếp đó là Pakistan, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) và Indonesia đang ẩn náu và thực hiện lừa đảo trực tuyến do một người Trung Quốc điều hành.
Ngày 5/3, lực lượng cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ 100 đối tượng với cáo buộc liên quan đến một trung tâm lừa đảo ở Campuchia. Đây là lần đầu tiên Thái Lan bắt giữ công dân nước này trong chiến dịch trấn áp các đường dây lừa đảo quy mô lớn trong khu vực.
Bộ Công an Trung Quốc cho biết, kể từ khi Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan triển khai chiến dịch chung liên quan đến hồi hương và áp giải các nghi phạm lừa đảo viễn thông tại Myawaddy, Myanmar (tính từ 20/2 đến 14/3) đã có thêm 2.876 công dân nước này bị tình nghi liên quan đến lừa đảo viễn thông ở Myanmar bị áp giải về nước qua Thái Lan trên nhiều chuyến bay thuê bao của nước này và hạ cánh tại Sân bay quốc tế Nam Kinh, Giang Tô và Phố Đông, Thượng Hải.
Điều này cho thấy, tình trạng tội phạm mạng hoạt động xuyên biên giới đã và đang trở thành vấn đề đáng lo ngại cho Việt Nam nói riêng và toàn bộ khu vực Đông Nam Á nói chung, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay.
Người Việt tiếp tay cho hoạt động lừa đảo trực tuyến tại Campuchia
Đau lòng hơn, đã và đang có rất nhiều người Việt tham gia làm việc cho các “công ty ma”, các đường dây lừa đảo trực tuyến này, và lại lừa chính người Việt để thu lợi bất chính.
Cụ thể, năm 2024, Công an tỉnh Lai Châu đã phối hợp với các lực lượng Campuchia phá chuyên án lừa đảo xuyên quốc gia tại biệt khu Venus2, TP Bavet, tỉnh Svay Rieng. Chuyên án 0924L do Công an tỉnh Lai Châu xác lập đã tấn công, truy bắt ổ nhóm tội phạm lừa đảo qua mạng ngay trên đất Campuchia. 18 đối tượng đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trực tiếp chỉ đạo phá án tại Campuchia với vai trò Trưởng ban chuyên án, Đại tá Phạm Hải Đăng cho biết, ông rất đau lòng khi trực tiếp lấy lời khai và nghe cụm từ “giết khách” mà các đối tượng trao đổi với nhau mỗi khi đưa được một nạn nhân vào tròng. Theo Đại tá Phạm Hải Đăng, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn bán xe do hải quan thanh lý để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nhiều nạn nhân người Việt Nam. Nhóm đối tượng đánh vào ước muốn sở hữu ô tô của nhiều người dân để tung ra miếng mồi xe đẹp, giá rẻ để chiếm đoạt tiền. Đơn cử như một người làm nghề cắt tóc ở huyện Tân Uyên đã bị lừa mất hơn 200 triệu đồng chỉ sau 7 ngày do nhóm đối tượng lừa đảo hoạt động tại Campuchia. Trong khi nạn nhân tuyệt vọng, suy sụp khi mất cả gia sản thì ở Campuchia, nhóm lừa đảo hào hứng khi khoe rằng đã “giết khách” thành công.
Đại tá Phạm Hải Đăng cho biết, trong quy trình lừa đảo, nhóm đối tượng có nhiều thuật ngữ riêng, gồm “khách rơi”, “giết khách”. Trong đó, khách rơi ám chỉ việc thông qua Zalo, Facebook để nhắn tin, trao đổi với khách mà khách tin, đồng ý đặt cọc; “giết khách” là từ dùng để chỉ việc lừa khách chuyển thêm tiền để mua “sản phẩm”.
Trong chuyên án 0924L, theo lời khai của các đối tượng lừa đảo, chỉ trong vòng 6 tháng, đã có hàng trăm nạn nhân người Việt Nam bị các đối tượng “giết khách” với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng. Trong đó, khách bị lừa nhiều nhất là 550 triệu đồng và số tiền bị lừa tối thiểu là 5 triệu đồng. Nói về thực tế đau lòng, Đại tá Phạm Hải Đăng cho biết, khi phá thành công chuyên án 0924L, lực lượng chức năng xác định, tất cả nạn nhân đều là người Việt Nam, sinh sống ở 29 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Đại tá Phạm Hải Đăng khẳng định, đa phần ban đầu các đối tượng này đều chủ động, tự nguyện sang Campuchia làm việc, sau đó đối tượng nào không biết lừa mới bị nhóm tội phạm “bán” cho “công ty” khác để thu hồi lại tiền chi phí. Các đối tượng đều khai nhận thức rõ việc làm là sai trái nhưng vẫn làm vì ham vật chất.
Gần đây, vụ triệt phá đường dây lừa đảo 1000 tỷ đồng xuyên biên giới Việt Nam – Campuchia hồi đầu tháng 1/2025 đã gây rúng động cả nước, một lần nữa cảnh báo tình trạng người Việt tham các đường dây tội phạm tại Campuchia ngày càng trở nên manh động, có xu hướng lừa đảo chính người Việt trong nước. Cụ thể, ngày 25/1/2025, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đã chủ trì, phối hợp với các Cục: An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Kỹ thuật nghiệp vụ, An ninh điều tra, Bộ Công an… thực hiện thành công chuyên án, triệt xoá một đường dây lừa đảo xuyên biên giới sử dụng công nghệ cao, với các thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, bắt giữ gần 60 đối tượng và làm rõ từ tháng 5/2024 đến nay, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1000 tỉ đồng của hơn 13.000 bị hại trên cả nước, trong đó có hơn 300 bị hại ở Bắc Ninh với số tiền chiếm đoạt trên 31 tỉ đồng.
Nhóm đối tượng này hoạt động tại khu vực Tam Thái Tử, thành phố Bà Vẹt, tỉnh Svay Riêng, Campuchia với thủ đoạn giả danh Công an cấp phường, Công an cấp huyện, cán bộ ngành thuế, ngành điện, ngành giáo dục gọi điện thoại yêu cầu bị hại cập nhật thông tin căn cước công dân, nộp hồ sơ nhập học trực tuyến, khám sức khỏe, kê khai thuế… sau đó chiếm quyền sử dụng điện thoại và chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của bị hại.
Để tạo thành vòng tròn khép kín, lừa đảo trót lọt, các đối tượng quản lý chia làm 3 nhóm gồm: Cào 1, Cào 2, Cào 3 và phân công nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, có 5 đối tượng chính gồm: Nguyễn Văn Mạnh, 36 tuổi, ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Đỗ Văn Nghĩa, 25 tuổi, ở huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang; Đinh Như Quỳnh, 23 tuổi, ở huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ; Nguyễn Đức Toàn, 32 tuổi ở quận An Dương, TP Hải Phòng và Phạm Thị Huyền Trang, 26 tuổi, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Một trong những nguyên nhân khiến người dân sập bẫy chính là những kịch bản lừa đảo hoàn hảo, bài bản được các đối tượng xây dựng rất chặt chẽ dưới sự chỉ đạo của nhóm người nước ngoài từ Campuchia. Trong đó Phạm Thị Huyền Trang là đối tượng quản lý cấp cao, có nhiệm vụ xây dựng kịch bản lừa đảo, đào tạo, huấn luyện các Cào 1, Cào 2, Cào 3. Theo các đối tượng cho biết thì những kịch bản này đều rất phù hợp với tình hình thực tế, những khó khăn trong giải quyết bất cập mà người dân đang gặp phải. Đây là tình trạng đáng báo động và để lại hậu quả khôn lường đối với người dân Việt Nam.
Người Việt lừa người Việt qua Campuchia làm lao động bất hợp pháp
Có một thực tế đáng buồn là đã và đang xảy ra ngày càng nhiều vụ việc thương tâm liên quan đến các đường dây buôn người sang Campuchia làm việc cho các “công ty ma” phi pháp do người Việt lừa người Việt. Hầu hết những kẻ tham gia vào đường dây lừa đảo nói trên từng là nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc trái phép. Theo các lực lượng chức năng, những công dân này đến từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, phần lớn là người trẻ, gia cảnh nghèo khó, mong muốn tìm kiếm việc làm có thu nhập cao. Lợi dụng tâm lý này, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ bằng những lời quảng cáo hấp dẫn như “việc nhẹ, lương cao”, “không cần kinh nghiệm”, “thu nhập nghìn đô”…
Sau khi chiếm được lòng tin, một số đối tượng lừa đảo đưa các nạn nhân đến cửa khẩu dọc biên giới, sau đó người phía công ty sẽ đợi sẵn đưa sang Campuchia qua đường tiểu ngạch, hoặc chỉ dẫn nhập cảnh hợp pháp qua Campuchia. Tuy nhiên, khi đến nơi, những nạn nhân này mới phát hiện mình bị ép làm việc trong các cơ sở lừa đảo do người Trung Quốc điều hành. Họ bị nhốt vào một chỗ, có rào dây thép gai và bị kiểm soát nghiêm ngặt để không bỏ trốn. Tại đây, những người quản lý, những “ông chủ” người Trung Quốc sẽ hướng dẫn họ thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng. Những người Việt Nam này ngày ngày sẽ phải lên mạng tìm kiếm các nạn nhân là người đồng hương, lừa nộp tiền vào các app (ứng dụng) trực tuyến do người Trung Quốc mở, rồi chiếm đoạt.
Nếu không làm đủ doanh số, các nạn nhân sẽ bị trừ tiền lương, tăng ca, đánh đập dã man, tra tấn, bỏ đói, chích điện và bị bán sang các công ty khác. Trường hợp nhân viên muốn về mà chưa hết hợp đồng, nhân viên buộc phải đưa tiền cho công ty. Nếu không có tiền, nhân viên phải gọi điện cho người thân gửi tiền qua chuộc. Cách tính tiền chuộc do ông chủ và các quản lý người Trung Quốc tính toán.
Các “quản lý” người Trung Quốc thuê người Việt Nam làm công việc phiên dịch, phụ trách giao tiếp và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có dụ dỗ khách nạp tiền vào các trò chơi trực tuyến để chiếm đoạt. Đặc biệt, tại các trung tâm trên có các “đại lý” phụ trách tìm kiếm, dẫn dụ người từ Việt Nam sang Campuchia, cung cấp nguồn lao động bất hợp pháp cho các trung tâm tội phạm này. Giúp sức cho “đại lý” là các đối tượng đang sinh sống tại Việt Nam, từng làm việc tại Campuchia hoặc biết được cách liên lạc với “đại lý”.
Để lôi kéo người lao động, các “đại lý” đưa ra lợi nhuận là 300 USD tiền giới thiệu cho mỗi người khi dụ dỗ được. Do đó, đau lòng thay, nhiều người Việt ban đầu là nạn nhân, nhưng sau đó đã sa ngã, đã trở thành “chân rết” của chính đường dây này, tiếp tục tìm “con mồi” ở Việt Nam để đưa sang Campuchia.
2. Nguyên nhân của tình trạng tội phạm lừa đảo tại biên giới Việt Nam – Campuchia
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đau lòng nói trên. Trước hết cần phải kể đến tình trạng dư thừa lực lượng lao động nghèo, cần việc làm tại khu vực Đông Nam Á, Nam Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Nhiều gia đình ở khu vực biên giới, do đời sống khó khăn, thất nghiệp nhiều, nên sẵn sàng cho con em “liều mình” đi xuất khẩu lao động, tới bất cứ đâu để kiếm được tiền về trang trải cuộc sống cho gia đình. Hậu quả thương tâm là nhiều nhà cho con đi, nhưng lúc về chỉ nhận lại những hũ tro cốt do con em bị đánh đập, tra tấn dã man lúc làm việc hoặc đang trên đường bỏ trốn khỏi con đường phạm pháp.
Thêm vào đó, những người dân nghèo ở khu vực này cũng không nhận được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ về an sinh xã hội, tiếp cận giáo dục một cách hời hợt, nên họ rất dễ cả tin, bị các đối tượng xấu lợi dụng, sẵn sàng “đẩy” con em mình vào sào huyệt của các trung tâm tội phạm mà không hay biết. Cũng vì thiếu sự săn sóc, giáo dục, chăm lo từ gia đình, xã hội, cộng đồng, lại cộng thêm ám ảnh với lối sống hưởng lạc, ham muốn giàu sang đang bị mạng xã hội, truyền thông khuếch đại và kích hoạt; nhiều người trẻ ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới và ngay cả các thành phố lớn, đã sẵn sàng “nhảy vào lửa”, nghe theo những lời dụ dỗ, những số tiền hấp dẫn mà “bán mình” cho các đường dây lừa đảo, buôn người.
Trường hợp của Huyền Trang (sinh năm 1999, Tiên Lãng, Hải Phòng) trong đường dây lừa đảo 1000 tỷ đồng là một trường hợp đau lòng như thế. Vốn được biết đến là một cô gái xinh đẹp, giỏi giang, biết tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Trung, thi đỗ một trường Đại học đào tạo ngôn ngữ tốp đầu Hà Nội và có tư duy sắc bén, song Trang lại trở thành đầu não của đường dây lừa đảo. Với khả năng của mình, Trang lên các kịch bản hoàn hảo, sát thực tế, khiến người dân mất cảnh giác và dễ rơi vào bẫy. Những kịch bản tinh vi Phạm Thị Huyền Trang dựng lên đã đánh vào tâm lý người dân, xưng danh tòa án, công an, thuế để dọa nạt cũng như hỗ trợ để xác minh giấy tờ, cài đặt ứng dụng, đồng thời cài mã độc vào điện thoại nạn nhận và chiếm quyền sử dung, rồi rút tiền… đã khiến cả chục nghìn người sập bẫy và cũng gây ảnh hưởng tới rất nhiều người với các cuộc gọi lừa đảo diễn ra hàng ngày.
Bên cạnh đó, cũng cần kể đến lịch sử hoạt động lâu năm của các nhóm tội phạm tại khu vực đông nam á, kể từ khi làn sóng đầu tư, phát triển đô thị ồ ạt diễn ra. Làn sóng di cư của người lao động từ các vùng quê đến các thành phố lớn kéo theo những va chạm về mặt văn hoá, lộn xộn về mặt đạo đức, làm nảy sinh các xung đột lợi ích, dẫn tới sự hình thành của các ổ nhóm tội phạm cũng như tình trạng mất an ninh – trật tự xã hội. Khi cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển quá nhanh mà đời sống tinh thần, cơ sở thượng tầng chưa được quan tâm đầy đủ, các hệ giá trị chưa được định hướng hình thành một cách sát sao, nghiêm túc, các cơ chế luật pháp cũng chưa đủ hoàn thiện để kiểm soát, răn đe, thì tất yếu các ổ nhóm này sẽ bành trướng ngày càng rộng, thậm chí móc nối với các cơ quan quyền lực ở các quốc gia để hoành hành.
Công tác quản lý nhà nước, quản lý tội phạm đã cho thấy rõ sự buông lỏng và những lỗ hổng lớn, dẫn đến mạng lưới tội phạm ngày càng gia tăng. Tình trạng này không phải chỉ một nhà nước mà đã và đang diễn ra ngày càng thường xuyên, gây nhức nhối ở khu vực biên giới giữa nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, Myanmar, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Nam Trung Quốc… Nó đặt ra một dấu hỏi lớn cho công tác quản lý biên giới của từng nước và cả sự phối hợp giữa cơ quan an ninh, biên phòng, ngoại giao giữa các nước để cùng kiểm soát chặt chẽ, đẩy lùi các nhóm tội phạm ở khu vực biên giới.
3. Giải pháp cho vấn đề tội phạm lừa đảo tại biên giới Việt Nam – Campuchia
Giải pháp đầu tiên cho vấn đề này đó chính là thành lập các tổ chức liên quốc gia chống tội phạm, với sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng an ninh, biên phòng các nước có chung đường biên giới ở khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, và đặc biệt là cả công tác an ninh mạng. Các lực lượng an ninh cần nhận diện, đấu tranh quyết liệt với các đường dây tội phạm xuyên quốc gia, ứng phó và liên lạc kịp thời, chia sẻ thông tin có hiệu quả để trấn áp tội phạm lợi dụng công nghệ cao, sử dụng địa bàn nước ngoài để lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo đúng chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, từ đó làm giảm nguy cơ hàng nghìn nạn nhân bị xâm hại, răn đe, phòng ngừa tội phạm có tổ chức, đồng thời vun đắp, củng cố thêm mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam – Campuchia nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung. Mới đây, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Techo Hun Sen cũng nhấn mạnh rằng lừa đảo trực tuyến là một vấn nạn dai dẳng của khu vực, đòi hỏi nỗ lực chung và phối hợp xuyên biên giới, thay vì đổ lỗi riêng cho một quốc gia cụ thể nào. Trong thời gian tới, đây sẽ là một trong những giải pháp trực tiếp và tích cực nhất trong công tác đẩy lùi tội phạm xuyên quốc gia ở khu vực Đông Nam Á.
Trên thực tế, việc thành lập Ủy ban phòng chống lừa đảo trực tuyến quốc gia do Thủ tướng Hun Manet đứng đầu đã khẳng định sự quyết tâm cao của Chính phủ Campuchia trong việc phòng chống và ngăn chặn nạn lừa đảo trực tuyến đang diễn ra phức tạp hiện nay. Để triệt phá thành công chuyên án lừa đảo 1000 tỷ đồng hồi tháng 1/2025, Ban chuyên án CPC9 đã huy động gần 200 lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sỹ triển khai 43 tổ công tác tại cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài, sân bay Cát Bi và các địa phương để triệu tập bắt giữ các đối tượng, trong đó có nhiều đối tượng chủ mưu, cầm đầu; đối tượng quản lý, có vai trò quan trọng trong ổ nhóm. Đây là một chiến công vang dội, một nỗ lực đáng ghi nhận của lực lượng công an Việt Nam và cũng là một thành công lớn trong hợp tác chống tội phạm ở khu vực Đông Nam Á.
Song giải pháp lâu dài cần đặt ra là các quốc gia phải làm công tác an sinh xã hội, nâng cao mức trợ cấp cho người nghèo, nâng cao cơ sở y tế, giáo dục, để trẻ em nghèo, trẻ em tại các vùng khó khăn như nông thôn, miền núi, biên giới… được nhận sự giáo dục, quan tâm, chăm lo đầy đủ cả về thể chất và tinh thần, phát triển toàn diện và không sa ngã vào con đường phạm tội. Đặc biệt, các địa phương cần tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, cho mọi tầng lớp nhân dân về cách phòng tránh lừa đảo qua mạng, điện thoại cũng như các chiêu thức, thủ đoạn của bọn buôn người… để người dân, đặc biệt là giới trẻ nâng cao cảnh giác, không đi vào “vết xe đổ”, tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng.
Đối với các bạn trẻ, các sinh viên mới ra trường, người thất nghiệp… cần giáo dục hướng nghiệp phù hợp, dạy cho người trẻ cách cân nhắc, đưa ra quyết định sáng suốt trước khi nhận lời làm việc ở bất cứ tổ chức nào, đặc biệt là các tổ chức nước ngoài. Cần tìm hiểu rõ thông tin về công ty, môi trường làm việc và điều kiện pháp lý phù hợp ở nước sở tại, nếu có nghi vấn cần liên hệ với cơ quan chức năng để được tư vấn, tránh rơi vào bẫy lừa đảo của bọn buôn người.
Người trẻ chính là tương lai của dân tộc ta. Trong xã hội đan xen nhiều hệ giá trị, tư tưởng như hiện nay, khi vật chất lên ngôi và đồng tiền trở thành thước đo, làm mờ đi những truyền thống tốt đẹp của phẩm chất đạo đức và tinh thần dân tộc, hiện tượng người Việt lừa đảo lẫn nhau đã và đang tạo ra những hệ luỵ phức tạp và nhức nhối cho sự phát triển của giống nòi. Bằng những biện pháp nghiệp vụ, sự mưu trí, tinh thần quả cảm của lực lượng công an Việt Nam, bằng quyết tâm đổi mới giáo dục, đẩy mạnh đầu tư cho an sinh xã hội, cho sự phát triển bền vững của thế hệ tương lai, đất nước ta chắc chắn sẽ bước vào một kỷ nguyên mới thịnh vượng hơn, nơi tội phạm được hạn chế bằng các biện pháp nhân văn, bằng hợp tác quốc tế, bằng các cam kết chăm lo cho con người. Khi ấy, người trẻ Việt Nam không những muốn ở lại cống hiến, xây dựng cơ nghiệp trên chính mảnh đất cha ông, mà Việt Nam còn trở thành điểm thu hút đầu tư, điểm đến an toàn, bình yên trong mắt bạn bè nước ngoài.■
Đinh Thảo (tổng hợp)