Việc bị phương Tây ra đòn đánh “hội đồng” đối với nước Nga không còn là điều mới lạ. Vụ đụng độ ở khu vực eo biển Kerch là cái cớ không thể tốt hơn để Mỹ và phương Tây tiếp tục “ra đòn” nhằm vào nước Nga. Tuy nhiên, không dễ khuất phục được nước Nga và nước Nga đang lớn mạnh không ngừng.
Theo phân tích, cho dù không nhiều khả năng vụ đụng độ giữa Nga và Ukraine ở eo biển Kerch tiếp tục bị làm cho gay gắt hơn nhưng sự căng thẳng Nga và Ukraine lại thể hiện ở góc độ khác, đó là cuộc đọ sức địa chính trị giữa Mỹ và Nga đang tăng lên từng ngày. Thế giới tiếp tục lo ngại khi xung đột ở eo biển Kerch có thể là ngòi nổ cho một cuộc chiến tổng lực mà Mỹ và các nước phương Tây nhằm vào Nga.
Đúng như lời “khiêu khích” của Tổng thống Ukraine Poroshenko: Việc Nga nổ súng đối với tàu hải quân Ukraine lần này là “hành vi khai hỏa lần đầu tiên của quân đội Nga đối với quân đội Ukraine”. Đây được xem như một tuyên bố “dẫn đường”, mở ra tiền lệ nguy hiểm.
Lợi dụng tuyên bố mang đầy tính khiêu khích này, Bộ Ngoại giao Mỹ ra một tuyên bố hôm 15/12 rằng: “Mỹ sẽ tiếp tục buộc Nga phải chịu trách nhiệm về hành động của nước này ở Biển Đen. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các đối tác châu Âu nhằm tạo thành một mặt trận thống nhất chống lại nước Nga”.
Mỹ cũng ủng hộ lập trường của EU cho rằng hành động của Nga đối với các tàu Ukraine ở Biển Đen hôm 25-11 vi phạm luật pháp quốc tế. Mỹ hoan nghênh quyết định của Hội đồng châu Âu về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga và những nỗ lực của EU nhằm hỗ trợ các khu vực của Ukraine bị ảnh hưởng tiêu cực bởi “sự can thiệp của Nga ở Biển Azov”.
Trước khi Mỹ có tuyên bố chính thức nhằm lôi kéo các nước EU, ngày 13-12 chính các nhà lãnh đạo EU cũng “đồng thuận” với Mỹ bằng quyết định gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế, EU còn áp đặt các biện pháp nhằm vào những cá nhân, tổ chức có liên quan việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea, cũng như liên quan cuộc xung đột tại Ukraine.
Lính Mỹ đồn trú tại Ba Lan. Ảnh: Military.com.
Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ và phương Tây đang xây dựng một chiến lược tổng hợp trải rộng trên nhiều lĩnh vực nhằm nhấn chìm không chỉ tham vọng toàn cầu và năng lực của Nga mà còn cả chiến lược của nước này. Ngoài việc áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt hơn, việc triển khai một chiến dịch thông tin rộng rãi và chuyển giao thêm vũ khí cho Ukraine là điều mà phương Tây đang làm một cách đổi mới và quyết đoán hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, Ukraine có thể cho Mỹ thuê các hải cảng của nước này ở Biển Đen và thậm chí tại Biển Azov, trong khi phương Tây cung cấp cho Ukraine khí tài quân sự mà họ cần trong các lĩnh vực như không quân, hải quân và chiến tranh mặt đất. Tàu hải quân của Mỹ hoặc NATO sau đó có thể neo đậu tại những hải cảng đó trong khoảng thời gian mà họ cần mà không nhất thiết Urkaine phải chính thức gia nhập NATO.
Câu hỏi đặt ra là Mỹ và phương Tây đã nhiều lần bao vây, “đánh hội đồng” Nga cả trực tiếp và gián tiếp nhưng nước Nga vẫn không sụp đổ, thậm chí kinh tế vẫn phát triển, nhiều thành tựu quân sự tiếp tục làm kinh động tất cả các nước phương Tây.
Nhìn vào thực tế sẽ thấy, Mỹ và Nga hiện đang mắc kẹt trong một cuộc đối đầu địa chính trị sôi sục có nguy cơ leo thang thành một cuộc xung đột quân sự trực tiếp, thậm chí ngay khi cả hai nước đều không muốn điều đó xảy ra. Chiến lược hiện nay của Mỹ đối với Nga không có hiệu quả mà còn trói buộc Mỹ bởi những giới hạn, làm cho Nga trở nên mạnh hơn. Khi cả hai bên cùng mạnh lên, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, những mối nguy hiểm này ngày càng leo thang.
Các công cụ ngoại giao nhằm ngăn chặn xung đột vũ trang từ thời Chiến tranh Lạnh ít còn tác dụng, chế độ kiểm chứng và kiểm soát vũ trang nhằm tạo ra sự ổn định về chiến lược và ngăn chặn một cuộc đua vũ trang tốn kém cũng có nguy cơ sụp đổ.
Mỹ áp đặt hàng chục lệnh trừng phạt đối với Nga, tuy nhiên lại không có tác động rõ ràng nào đối với chính sách đối ngoại của nước này. Các cuộc gặp chính thức và diễn đàn đối thoại cũng gần như không có và các cuộc tiếp xúc, trao đổi nhân dân giữa hai bên cũng giảm xuống mức không bên nào hiểu bên nào.
Trong khi đó, Nga lại hình hành một khối liên minh với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Mỹ. Liên minh của Nga với các cường quốc có xu thế đối đầu với Mỹ làm cho thách thức về nguy cơ xung đột trực tiếp giữa Nga và Mỹ không ngừng mở rộng các lĩnh vực từ thương mại cho tới an ninh mạng và rất có thể sẽ là một cuộc xung đột quân sự…
Theo các chuyên gia, Mỹ cần điều chỉnh lại chiến lược đối với Nga. Mỹ đầu tiên phải xác định lợi ích chiến lược lâu dài của mình, đó là an ninh quốc gia. Nga có lợi ích chiến lược của riêng mình, cho dù Mỹ có chấp nhận điều đó hay không. Và có một thực tế, Nga hiện vẫn là nước duy nhất có thể tiêu diệt Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Hiện, Moscow đang phát triển một thế hệ vũ khí siêu thanh mới, được thiết kế để vượt qua hàng phòng thủ của Mỹ và tấn công các mục tiêu mà khó bị phát hiện.
Có thể thấy rõ, việc thiếu hiểu biết giữa hai bên đang đẩy hai nước tới sự thù địch mất kiểm soát. Biểu hiện cụ thể nhất đó chính là sự mất tập trung liên quan tới sự ổn định của chiến lược thông qua các thỏa thuận kiểm soát vũ khí có thể kiểm chứng và các nỗ lực chung nhằm ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Cụ thể nhất chính là thời hạn 60 ngày mà Mỹ đặt ra đối với Nga liên quan tới việc rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ cùng các nước châu Âu luôn căng thẳng và khó lường. Hàng loạt lệnh trừng phạt và cấm vận kinh tế từ phương Tây đang dần thất bại. Nga đã trở nên “miễn nhiễm” trước các lệnh trừng phạt nhờ vào sức mạnh nội tại. Sự khôn ngoan của điện Kremlin giúp nước Nga nhiều lần thoát hiểm và chuyển “bại thành thắng” đang là lời cảnh báo với các nước phương Tây.
Hoa Huyền/CAND