Sự giao thiệp giữa người Hà Lan với Việt Nam bắt đầu ngay từ những năm đầu tiên của thế kỷ XVII, nhưng sau đó đã trải qua không ít thăng trầm, dẫn tới sự thông thương không hiệu quả và kết quả là các thương nhân Hà Lan đã rút khỏi nước ta vào giữa thế kỷ XVIII. Bài viết sau đây trên tuần báo Thanh Nghị số 22-23 (ngày 01 và 16/10/1942) tóm tắt những nội dung chính về sự giao thiệp giữa Hà Lan và Việt Nam từ năm 1600 đến 1759 trong cuốn sách xuất bản năm 1936 của tác giả người Hà Lan W. J. W Buch.
Sự giao thiệp của người Hòa Lan với xứ ta từ khi khởi sự (1600) đến khi kết liễu (1759) rất là phiền phức. Ông Ch.B. Maybon trong tạp chí Revue Indochinoise 1916 có khảo cứu về “Những khách thông thương người Ấn ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ”: bài sử đó sơ lược và có chỗ sai nhầm vì tác giả tham khảo không được đến nơi đến chốn. Mới đây (1929), ông W. J. M. Buch, người Hòa Lan, có đưa in ở Amsterdam bản luận án tiến sĩ của ông nói sự giao thiệp giữa người Hòa Lan và xứ ta, từ 1600 đến 1652 (xem bài tường thuật của E. Gaspardonne trong tập kỷ yếu trường Viễn Đông Bác Cổ quyển XXIX trang 364-370). Năm 1936, 1937, ông lại viết bằng tiếng Pháp và đưa in ở tập K. Y. T (trang XXXVI, tập 1 và quyển XXXVII 1) những sự tìm thấy trong luận án của ông (in bằng tiếng Hòa Lan); ông lại học thêm về đoạn từ năm 1652 đến năm 1759 và về sự giao thiệp với xứ Cao Man và Ai Lao nữa.
Bài này tóm tắt những đoạn trong quyển sách của ông W. J. M. Buch có nói tới xứ ta.
Sự thông thương từ năm 1600 đến năm 1635
Năm 1600, hai chiếc tàu buôn Hòa Lan đi từ Batavia[1] sang Trung Hoa vì bão, phải dạt vào bờ biển xứ Trung Kỳ: 23 người thủy thủ bị giết và người chủ tàu bị giam. Vì sự ngẫu nhiên đó mà người Hòa Lan biết xứ Trung Kỳ. Nhưng họ chưa nghĩ tới thông thương.
Năm 1609, Hãng thông thương Ấn Độ Hòa Lan (T. T. Â. Đ. H. L.) lập một hiệu buôn ở Hirado (hay là Firando ở bên Tàu) để bán lụa cho Nhật Bản. Hồi đó, người Nhật chưa sản xuất được tơ, lụa và cũng chưa giao thiệp pénétrer với nước Tàu. Họ lại rất cần dùng đến tơ lụa. Vì vậy người Hòa Lan muốn mua lụa để bán cho họ. Chưa có thể giao thiệp được với nước Tàu, sản xuất tơ lụa người Hòa Lan muốn đón các lái buôn Tàu ở Hội An (Faifoo) nơi mà cứ hàng năm họ đem tơ lụa sang bán. Tỉnh Hội An lại còn là nơi bán lụa của xứ Trung Kỳ và thứ nhất của tỉnh Quảng Nam. Vậy sau năm 1609, người Hòa Lan mới nghĩ tới thông thương với xứ ta.
Năm 1613 hay 1614, người Hòa Lan chủ hiệu lụa ở Hirado sai 2 người Hòa Lan khác chở 1 chiếc thuyền sang Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Chiếc thuyền đó đem theo hồ tiêu, sừng voi, vải, chì, thủy tinh và tới Trung Kỳ (có lẽ là Hội An) cùng với một chiếc thuyền của người Anh Cát Lợi. Người chủ chiếc thuyền Anh vì ăn nói không được lễ phép, bị Chúa Nguyễn sai giết chết: hai người Hòa Lan cũng phải chịu theo số phận đó và thuyền buôn của họ bị cướp phá.
Tuy vậy chúa Nguyễn có viết thư mời người Hòa Lan, chủ hiệu buôn ở Synthia (Siam) sang thông thương. Năm 1617, hãng T. T. Â. Đ. H. L. phái sang Nhật 2 chiếc tàu, khi ở Nhật về hai chiếc tàu đó phải rẽ vào Hội An buôn bán, vì sợ bị giết, thủy thủ đều dong buồm về thẳng Batavia.
Năm 1632, một chiếc tàu buôn Hòa Lan, sau khi đã cướp hàng của một tàu Bồ Đào Nha thì bị bão đánh dạt vào bờ biển Trung Kỳ. Cũng như năm 1613, tàu đó bị cướp phá. Nhưng thủy thủ có lẽ trốn khỏi hay được giải về: Vì vậy người Hòa Lan lại nghĩ tới xứ Trung Kỳ có nhiều lụa và cần phải tìm cách thông thương. Một lý nữa là, tuy người Hòa Lan, sau khi thắng nước Tàu và chiếm đảo Đài Loan (Formose) (1622), thông thương với người Tàu không được nhiều lợi cho lắm.
Năm 1633, hai chiếc tàu đi từ Batavia sang Hội An, chở tiền Hòa Lan, bạc nén, chì và các vật hạng khai định bán cho xứ ta để mua vàng và tơ. Tàu trưởng lại phải xin bồi thường sự thiệt hại của người Hòa Lan năm 1613 và năm 1632.
Vì tàu tới chậm (cuối tháng 7/1633), các hàng hóa (vàng và tơ) đều bị người Nhật Bản và người Bồ Đào Nha mua trước hết. Bởi thế 2 người Hòa Lan xin ở lại Hội An, nhờ người Nhật tên là Domingos che chở. Còn tàu thì đi sang Hải Nam để đón cướp hàng của người Trung Hoa và người Bồ Đào Nha, vậy năm 1633 là năm đầu tiên mà người Hòa Lan ở lại Hội An để mở cửa hàng.
Về đầu năm 1634, một chiếc tàu đi từ Đài Loan về Batavia, ghé qua Hội An, có đem theo tiền Nhật Bản (hồi đó tiền Nhật được tiêu thụ ở Hội An). Vì người Nhật làm hạ giá tiền nước họ, thành người Hòa Lan bị thiệt hại to. Họ chỉ mua được – một cách rất khó khăn – một ít vàng nén và phải đem trở về Batavia chì và bạc nén không bán được.
Về giữa năm 1634, một chiếc tàu đi từ Batavia sang Hội An, mua được tơ, lụa, ít vàng (hạng xấu), đồ sứ, gỗ. Người chủ tàu Duijcker phải dâng cho chúa Nguyễn và các quan nhiều phẩm vật. Lãi lại ít. Sự cạnh tranh của người Nhật càng thêm nỗi khó khăn. Duijcker bèn nhổ neo đi Đài Loan (Formose) rất chán nản.
Ngay sau đó, chiếc tàu Hòa Lan Grooten Broek bị đắm gần đảo Paracel: thủy thủ bị bắt giam và số tiền 25.580 vàng bị tịch thu. Vì vậy, ngay tháng 11/1634, Hãng T. T. Â. Đ. H. L. phái 2 người Hòa Lan sang đòi Chúa Nguyễn số tiền đó.
Năm sau, một bức thư tiếp theo, dọa nạt. Và 3 chiếc tàu chiến (Le Grol, le Warmond, le Huisduinen) do một ông quan tư chỉ huy, đi từ Đài Loan sang cửa Hàn (Tourane).
Duijcker phải thu xếp 3 việc:
1. Đòi chúa Nguyễn tiền bồi thường
2. Xin chúa Nguyễn giúp việc buôn bán của người Hòa Lan
3. Mua vàng lụa và từ 4 đến 500 tạ đường đen, dù phải giả tiền đắt hơn người Bồ Đào Nha.
Khi đoàn tàu tới cửa Hàn, Sãi Vương đã mất và con là Nguyễn Phước Lan (Công Thuộc Vương[2]) lên nối ngôi. Công Thuộc Vương không bồi thường nhưng hứa sẽ cho người Hòa Lan tự do thông thương trong xứ, không lấy thuế tàu đỗ ở bến và không lấy lễ vật. Đoàn tàu đi về Batavia và Duijcker hi vọng là năm sau sẽ mua được hàng kể trên để đem sang bán cho Nhật Bản.
Tháng 6/1636, 3 chiếc tàu buôn từ Batavia sang Hội An, do Couckebacker, chủ hiệu buôn ở Firando chỉ dẫn. Cũng như Duijcker năm trước, hắn phải thu xếp 3 việc nói trên.
Ngày 2/7, Công Thuộc Vương tiếp Couckebacker và Duijcker. Ngài phán rằng:
1. Ngài không bồi thường sự thiệt hại của người Hòa Lan năm 1613 và năm 1632 vì là việc đã xảy ra đời đức Kim Thượng.
2. Ngài là Vua không phải là lái buôn, Ngài không có thể hứa bán một số hàng hóa nhất định theo một giá tiền nhất định, như người Hòa Lan mong ước.
3. Ngài không muốn giao dịch với Couckebacker vì đã là Vua, Ngài phải giao thiệp trực tiếp với quan Toàn quyền ở Batavia.
Ngài lại nói rằng nếu Hãng T. T. Â. Đ. H. L muốn gây chiến tranh với Ngài thì Ngài sẽ đối phó.
Ngài sai ban phẩm vật cho Couckebacker và Duijcker và có đưa cho hai người này lễ vật để dâng cho quan Toàn quyền ở Batavia.
Tàu Hòa Lan phải nhổ neo. Duijcker ghé ở lại Đài Loan còn Couckebacker thì đi thẳng sang Nhật: ở đấy hắn bán những lễ vật mà Chúa Nguyễn đã giao cho. Còn sự mua bán chuyến tàu ấy thì, trái hẳn lại dự tưởng của Duijcker, người Hòa Lan mua được rất ít hàng. Ở Trung Kỳ năm đó đói kém, dân gian bỏ mía mà trồng lúa; vì loạn lạc, bỏ cả nuôi tằm, ươm tơ. Vả lại người Nhật Bản và người Trung Hoa cư trú ở Hội An cạnh tranh người Hòa Lan khiến họ khó lòng mua bán.
Vì vậy, người Hòa Lan muốn giao thiệp thêm với xứ Bắc Kỳ.
Đầu năm 1637, chiếc tàu Le Grol từ Nhật trở về Batavia có ghé qua Bắc Kỳ để bán đồng, sắt, súng đại bác và đạn dược. Nhưng cũng ghé qua Trung Kỳ để bán chì, đồ sứ, vải bông. Duijcker tự nghĩ là rất có thể buôn bán với cả Bắc Kỳ và Trung Kỳ, hai xứ cừu địch. Khi trở về Batavia, Duijcker mua được 100 tạ tơ, 150 đến 200 tạ đường đen và lại được Chúa Nguyễn giao cho một bức thơ đưa cho Quan Toàn quyền Batavia, mời sang thông thương tuy Ngài từ chối nhượng đất cho người Hòa Lan.
Về tới Batavia, Duijcker phái Cornélis Caesar sang Hội An trông nom sự buôn bán.
Ở Hội An, Cornélis Caesar không mua được nhiều hàng vì người Trung Hoa đã mua trước hắn, vì tơ lụa ở Bắc Kỳ bị chúa Trịnh cấm không cho chở vào Trung Kỳ, vì ở Trung Kỳ năm ấy mưa luôn nên nghề tằm tang bị thất bại. Tuy vậy hắn cũng cho chở trên chiếc thuyền Bonne Espérance bắt được của người Bồ Đào Nha: ít lụa kỳ hương, thảo quả, chì, bạc. Vì thuyền nhẹ, phải để thêm gạch vào cho cân. Còn đường thì đem xếp vào hai chiếc thuyền của Trung Hoa.
Khi Duijcker tới Hội An, vào tháng 7/1637, vì hàng hóa đã bị Cornélis Caesar cho chở đi từ trước, tàu buôn của Duijcker phải chạy không sang Nhật.
Cũng một năm ấy sự buôn bán với Bắc Kỳ không được lợi lắm. Chúa Trịnh chê đồ lễ vật ít ỏi. Chiếc tàu Le Grol chỉ có thể đem sang Nhật 600 tạ tơ. Tuy vậy, người Hòa Lan Hartsinck được nhận làm con nuôi của Chúa.
Duijcker nghĩ có lẽ phải thôi không buôn bán với Trung Kỳ nữa vì vậy tháng 6/1638, Cie des Indes Néal đóng cửa hiệu mở ở Hội An năm 1633.
Nhưng vì Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đánh nhau – muốn thông thương với Bắc Kỳ, người Hòa Lan có lẽ phải giao chiến với Trung Kỳ chăng?
Chiến tranh giữa người Hòa Lan và xứ Trung Kỳ
Năm 1639, Trịnh Tráng – sau khi giãi bày ý kiến với Hartsinck phái sứ giả sang Batavia[3] – khi sứ giả trở về Thăng Long có Couckebacker đi theo để bàn về một hiệp ước như sau này. Vua Lê xin người Hòa Lan cứu viện, người Hòa Lan bằng lòng nhưng sự đàm phán kéo dài vì chưa định được hòa ước thương mại.
Xảy ra một sự bất ngờ:
Vì tháng 11/1641, hai chiếc tàu Hòa Lan (Builden Buijs và Maria de Médicias), bị bão đánh dạt vào gần Hội An: hàng hóa và 18 súng đại bác bị tịch thu và 82 người thủy thủ bị bắt giam.
Người Hòa Lan Jacob Van Liesvelt từ Đài Loan về ghé qua Bắc Kỳ để chở sứ thần của Chúa Trịnh phái sang Batavia. Hôm 6/2/1642, Liesvelt tới của Hàn. Nghe tin 82 người đồng bang bị Chúa Nguyễn cầm cố, hắn bắt cóc độ một trăm người Annam ở gần cửa Hàn: hắn định sẽ đổi tù binh với Chúa Nguyễn. Đàm phán không thỏa thuận, Liesvelt phải về Batavia.
Nhưng hôm 19/3/1642, Công Thuộc Vương thả 50 người Hòa Lan cho lên thuyền về nước. Hôm 15/4 những người Hòa Lan đó bị thuyền người Bồ Đào Nha giữ lại, kẻ thì bị giết người thì bị Vua Chiêm Thành bắt làm nô lệ.
Hãng T. T. A. Đ. H. L. không rõ những sự ấy, nên phái Liesvelt đem tàu chiến sang đánh Chúa Nguyễn. Kết quả, có độ 100 người Annam bị chết hay bị bắt làm tù binh, còn người Hòa Lan bị thiệt hại nhiều. Liesvelt bị tử trận. Chúa Nguyễn vẫn còn giữ 32 người Hòa Lan làm tù binh. Đoàn tàu Hòa Lan, sau khi bại trận quay ra Bắc Kỳ mua tơ, quế để đem bán ở Đài Loan và Nhật Bản.
Năm 1643, Paulus Traudénius theo một chiến lược mới; 5 tàu Hòa Lan ở Formose về ngày 13/1/1643 sẽ đánh Chúa Nguyễn về mặt thủy còn mặt bộ thì giao cho quân Chúa Trịnh. Khi tới Bắc Kỳ, Johannes Lamotius, người chỉ huy đoàn tàu Hòa Lan nhận rằng bộ quân của Chúa Trịnh chưa được tề chỉnh. Hắn bảo cho tàu đi thẳng về Batavia; vì bão to nên một chiếc phải ở lại Bắc Kỳ và một chiếc bị hư hỏng.
Ngày 3/7/1643, ba chiếc tàu chiến do Đô đốc Pieter Baeck chỉ huy, từ Batavia dong buồm tới Quảng Bình để gặp quân Chúa Trịnh. Ngày 7/7 đi ngang Phú Xuân, Pieter Baeck bị 50 đến 60 chiến thuyền của Chúa Nguyễn đón đánh: hắn và thủy thủ chiếc tàu của hắn bị thiệt mạng; còn hai tàu của người Hòa Lan đóng ở Quảng Bình – tuy nghe tiếng trái phá – không hề tới cứu viện.
Người Hòa Lan yêu cầu Chúa Trịnh khai chiến nhưng Chúa Trịnh lại muốn chờ quân cứu viện ở Batavia gửi sang. Chờ mãi không thấy, Chúa Trịnh truyền quân dỡ trại quay về Bắc bỏ mặc cho người Hòa Lan: họ phải cho tàu đi sang Đài Loan hay sang Nhật để bán lụa đã mua được.
Khi biết rõ tin Pieter Baeck bị thiệt hại, Trịnh Tráng viết thơ cho Toàn quyền ở Batavia để phàn nàn về nỗi viện binh ít ỏi. Chúa đòi những 20 tàu chiến và 50.000 quân. Chúa hứa là sẽ cung cấp tơ cho người Hòa Lan.
Năm 1644, hai tàu chiến Hòa Lan khởi hành ở Batavia: sẽ không cần hợp tác với Chúa Trịnh, sẽ không đổ bộ, chỉ tàn phá bờ biển Trung Kỳ, sau sẽ sang Đài Loan buôn bán. Vì Chúa Nguyễn phòng thủ bờ biển cẩn thận, tàu Hòa Lan phải đi thẳng sang Đài Loan.
Cũng năm 1644, vào tháng 5, quân Chúa Trịnh vào giao chiến với quân Chúa Nguyễn không có tàu Hòa Lan trợ chiến. Chúa Trịnh cho là người Hòa Lan bất tín, người Hòa Lan cho là Chúa Trịnh đã chán chiến tranh.
Vậy sau năm 1644 không còn chiến tranh giữa Chúa Nguyễn với Hãng T. T. A. Đ. H. L. nữa. Tuy hai bên không xử hòa với nhau.
Năm 1648, Công Thuộc Vương mất, nhường ngôi cho Hiền Vương.
Hãng Thông Thương Ấn Độ Hòa Lan bèn phái Verstegen và Chúa Hiền có lập một tờ hòa ước năm 1651. Những tờ hòa ước đó sau không đem ra thi hành.
Sự thông thương từ giữa thế kỷ thứ XVII (1651) đến giữa thế kỷ thứ XVIII (1795).
Verstegen ký thương ước với Chúa Nguyễn xong thì bị buộc vào tội là chở trong tàu các sứ thần của Chúa Trịnh phái sang Batavia. Vì vậy 5 người Hòa Lan mà Verstegen để lại ở Hội An bị bắt giam.
Ngày 20/5/1642, Hãng T. T. A. Đ. H. L liền ra lệnh tịch thu những tàu Hòa Lan nào định tới thông thương với Chúa Nguyễn. Nhưng về năm 1659, vì giặc Tàu ô quấy nhiễu bể Trung Hoa, thuyền Trung Hoa không đem hàng hóa sang Batavia được, người Hòa Lan phải khuyến khích tàu của họ sang thông thương với Trung Kỳ. Năm 1661 (vào hôm 6 hay 7/3) một chiếc tàu Hòa Lan dạt vào bờ biển Trung Kỳ: bao nhiêu hàng hóa và 62 súng đại bác bị tịch thu. Sau khi bị bắt giam ít lâu, thủy thủ được thả về Batavia. Năm 1664, ở Batavia thóc gạo nhiều; trái lại ở Trung Kỳ đói kém, người Hòa Lan cho 12 chiếc tàu chở gạo sang Trung Hoa: Khi trở về bán gạo cho Trung Kỳ. Nhưng bao nhiêu gạo bán ở Trung Hoa cả; vả lại tàu về muộn nên không ghé vào xứ ta. Năm 1666 một chiếc tàu Trung Hoa đi sang Batavia có chở 4 người Hòa Lan. Bão đánh dạt vào bờ biển Trung Kỳ, tàu đó bị khám; 4 người Hòa Lan phải bắt lên bờ mất hết cả hành lý, nhưng sau được tha. Tháng 10/1714, 87 người Hòa Lan bị nạn tàu đắm, trôi dạt vào Nha Trang. Được người cố đạo cứu vớt, họ lại được Chúa Nguyễn cho phép về Batavia vào tháng 3/1716.
Vậy từ thương ước 1651 trở về sau, người Hòa Lan không có giao thiệp gì với xứ Trung Kỳ. Không buôn bán và cũng không chiến tranh. Đối với xứ Bắc Kỳ, họ thỉnh thoảng cho tàu sang, mãi đến năm 1700 mới thôi. Nhưng sự buôn bán rất ít kết quả.
Nhưng từ năm 1752 đến năm 1759, người Hòa Lan lại còn một lần nữa định thông thương với Trung Kỳ.
Năm 1752 Duff, người Anh Cát Lợi giao thiệp với cửa hàng của Hãng T. T. A. Đ. H. L. lập ở Canton, hắn được hãng giao phó cho các công việc buôn bán ở Trung Kỳ. Vì vậy về tháng 5 năm đó (1752) chiếc tàu Fulpenburg chở hàng hóa sang Hội An. Vì người Trung Hoa cạnh tranh thành ít lãi; Duff lại bất bình với hãng.
Nhưng năm sau, 1753, hai người Hòa Lan cùng chiếc tàu Toornvliet tới Cửa Hàn, mua được ít vàng và đường. Hai người đó ở tại Hội An và mở cửa hàng. Năm 1754, chiếc Giessenburg sang lại mua vàng và đường để đem bán ở Ấn Độ và tơ để bán ở Nhật. Người Hòa Lan có đem sang đồng, chì và kẽm, định bán cho Chúa Nguyễn để đúc tiền. Nhưng vì thấy ít lãi trong sự mua bán, năm 1759 vào tháng 3, Hãng T. T. A. Đ. H. L. cho đóng cửa hàng (mở năm 1753) và gọi người họ về.
Sau năm 1759, người Hòa Lan không giao thiệp với xứ ta nữa.
Kết luận
Hãng Thông thương Ấn Độ Hòa Lan từ Nam dương quần đảo, thường hàng năm cho tàu sang buôn bán ở Nhật Bản và Đài Loan. Cứ tới mùa gió nồm thổi vào tháng 3, 6 tàu của họ khởi hành và cũng tới tháng 9, 10 là theo gió bấc mà trở về. Người Hòa Lan bán tơ lụa cho người Nhật và bán đường cho người Trung Hoa. Vì khó mua tơ lụa ở Trung Hoa và vì nhiều sự ngẫu nhiên (bão đánh tàu bạt vào Trung Kỳ năm 1600, lập cửa hàng ở Firando năm 1609) nên người Hòa Lan mới nghĩ tới thông thương với xứ ta, nhất là với xứ Trung Kỳ có hải cảng Hội An nơi bán nhiều tơ và đường và là nơi có thuyền các nước nhất là thuyền Trung Hoa lui tới.
1. Nhưng buôn bán với chúa Nguyễn không phải là việc dễ.
a. Năm 1633 lần thứ nhất tàu buôn Hòa Lan tới Hội An người Hòa Lan ở lại mở hiệu, nhưng cũng như hai chuyến sau, năm 1634 mua hàng được rất ít và bán hàng không chạy.
b. Vì tàu Grootenbrock đắm, thủy thủ bị bắt giam, một số tiền to bị chúa Nguyễn tịch thu cũng năm 1634 nên người Hòa Lan đòi bồi thường, Công Thuộc Vương nhất định không chịu, người Hòa Lan bèn nghỉ thông thương với Bắc Kỳ (1637). Cửa hàng ở Hội An đóng cửa (1638).
c. Vì chúa Trịnh xúi giục, vì chúa Nguyễn năm 1641 lại bóc lột chiếc tàu của họ trôi dạt vào Hội An, người Hòa Lan phải gây sự chiến tranh nhưng bốn lần không thắng trận năm 1642, 1643 (về tháng 1 và tháng 7) năm 1644 tại người Hòa Lan khinh chiến và tại thủy binh họ không hợp tác được với bộ binh của chúa Trịnh.
d. Từ năm 1644 đến năm 1759 tuy người Hòa Lan có ký thương ước với chúa Nguyễn (1651) tuy họ có phái người sang thông thương (1752, 1753, 1754) và mở cửa hàng ở Hội An (1753-1759), họ không được kết quả gì.
2. Sở dĩ sự giao thiệp của xứ ta, cả Bắc Kỳ và Trung Kỳ với người Hòa Lan, suốt hơn 150 năm không có ảnh hưởng vĩnh viễn cho hai nước là vì:
a. Người Hòa Lan không chú ý cho lắm đến sự thương mại cũng không định chiếm thuộc địa.
b. Chúa Nguyễn làm họ nản lòng (hễ tàu bị trôi dạt vào là cho cướp phá, bắt thủy thủ làm tù binh) và bắt họ phải kính phục vì cách ngoại giao cương quyết (như Công Thuộc Vương gác bỏ những đề nghị của Duijcker năm 1635 và Couckebacker cùng Duijcker năm 1636) và binh lực hùng cường (Liesvelt tử trận năm 1642 và Baeck 1643).
c. Chúa Trịnh muốn lợi dụng họ để đánh chúa Nguyễn, đòi họ nhiều tàu chiến và viện binh (20 chiếc tàu, và 50.000 quân) mà không hề cộng lực với họ khi đánh chúa Nguyễn, lại cũng không cấp tơ lụa cho họ nữa.
d. Còn một cớ chính làm cho người Hòa Lan khó buôn bán ở xứ ta là họ bị người Bồ Đào Nha và nhất là người Trung Hoa và người Nhật Bản (ở Hội An) cạnh tranh triệt để.■
Nguyễn Thiệu Lâu
Chú thích:
[1] Kinh đô Nam Dương quần đảo, thuộc địa của người Hòa Lan, do Hãng Hãng thông thương Ấn Độ Hòa Lan cai trị. (Nay là Jakarta, Indonesia – BTV)
[2] Chúa Thượng, BTV
[3] Ở Bắc Kỳ người Hòa Lan có mở cửa hiệu ở Phố Hiến (Hưng Yên) và Kẻ Chợ (Hà Nội)