Tình báo hiệu quả nhất thế giới giúp New Zealand 'giữ lửa' với Trung Quốc

Giới tình báo New Zealand được cho là đã giúp nước này gây dựng quan hệ tốt với Trung Quốc dù hai nước tồn tại nhiều bất đồng.

Trước khi gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 1/4 trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sẽ được đội ngũ tình báo dưới quyền cung cấp các thông tin giúp bà chuẩn bị.

Và đó là một trong những cơ quan tình báo hiệu quả nhất thế giới, theo luật sư Nicolas Groffman, người từng hành nghề luật ở Bắc Kinh và Thượng Hải, và là chủ sở hữu công ty luật Harrison Clark Rickerbys ở London.

“Hầu hết mọi người ở ngoài New Zealand không biết cơ quan an ninh, tình báo và do thám của nước này chuyên nghiệp đến mức nào, và thường chỉ nghĩ quốc gia này không có gì ngoài môn rugby, cừu và không khí trong lành”, ông Groffman viết trong một bài bình luận trên South China Morning Post (SCMP).

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern có chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngày 1/4. Ảnh: Getty Images.

Góp phần tạo quan hệ tốt với Trung Quốc

Ông Groffman cho rằng giới tình báo New Zealand đóng vai trò quan trọng giúp nước này có quan hệ với Trung Quốc tốt đẹp hơn nhiều nước phương Tây khác, và “là hình mẫu để các quốc gia phương Tây học hỏi”.

Ông cho rằng tình báo New Zealand mang lại hiệu quả hơn hẳn các nước khác trong liên minh tình báo Five Eyes, bao gồm các nước Mỹ, Anh, Canada và Australia.

“New Zealand đã chống lại sự xâm nhập của Mỹ và Trung Quốc lên khu vực ảnh hưởng của nước này, tức tây nam Thái Bình Dương. Nhưng đồng thời, New Zealand cũng giảm thiểu các mâu thuẫn từ điều đó”, ông Groffman viết.

Quan hệ giữa Mỹ – New Zealand và Trung Quốc – New Zealand dường như không có nhiều mâu thuẫn, ngoại trừ chiến dịch không thành kêu gọi người dân tránh du lịch New Zealand trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc).

Điều này khác hẳn với quan hệ giữa Trung Quốc và một nước phương Tây khác là Canada. Hai công dân Canada đã bị Trung Quốc bắt giữ với tội danh đe dọa an ninh quốc gia, và một công dân Canada khác đã bị tuyên án tử hình vì buôn bán ma túy, trong diễn biến được cho là sự trả đũa cho việc Canada quyết định dẫn độ Giám đốc Tài chính (CFO) Huawei Mạnh Vãn Châu sang Mỹ. Hiện bà Mạnh đang kiện chính phủ Canada và vụ việc vẫn đang được tòa án xử lý.

Nhờ nỗ lực của cơ quan tình báo New Zealand, mối đe dọa từ khủng bố ở nước này được cho là thấp. Vụ xả súng ngày 15/3 vào hai thánh đường Hồi giáo ở Christchurch khiến 50 người chết được cho là cú sốc lớn ở một đất nước được coi là khá an toàn.

Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tham gia lễ đón Tết Nguyên đán ở Auckland ngày 2/2, trước khi chính phủ Trung Quốc mở chiến dịch kêu gọi tránh du lịch New Zealand. Ảnh: Getty Images.

Cân bằng giữa cứng rắn và thiện chí

Tình báo New Zealand được thành lập năm 1956, có tên viết tắt là NZSIS, và báo cáo trực tiếp lên văn phòng thủ tướng. Dù NZSIS có quân số nhỏ hơn các lực lượng tình báo các nước, cơ quan tình báo Australia (ASIO) “sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có trợ giúp từ New Zealand”, ông Groffman phân tích cho biết.

Các cố gắng của đặc vụ NZSIS cho phép New Zealand cứng rắn trước Trung Quốc khi cần. Các thông tin tình báo giúp New Zealand có thể điều các lực lượng không quân và hàng hải nhỏ bé nhưng chuyên nghiệp của nước này tới đúng chỗ, đúng lúc.

NZSIS cho phép New Zealand xác định và đối phó với các yếu tố bất lợi ở Trung Quốc, đồng thời phát triển các yếu tố có lợi, theo ông Groffman.

Lực lượng an ninh bên trong New Zealand cũng thường xuyên vạch trần các đặc vụ Trung Quốc ở Wellington (thủ đô New Zealand).

“New Zealand làm được điều này là nhờ số lượng lớn người dân có gốc Trung Quốc, những người hiểu rõ New Zealand có ý tốt, và cố gắng giúp cho lợi ích của New Zealand ở Trung Quốc”, ông Groffman viết.

Kết quả là, khác với Philippines và Nhật Bản, New Zealand đã có thể giảm nhẹ tranh chấp trên biển tây nam Thái Bình Dương với Trung Quốc. Nước này cũng đã có thể tạm thời cấm Huawei, tập đoàn công nghệ biểu tượng của Trung Quốc, triển khai mạng viễn thông 5G cho đến khi Huawei đồng ý bị kiểm soát.

Chính phủ New Zealand cuối năm 2018 đã ra lệnh cấm Huawei tham gia phát triển mạng 5G ở nước này. Ảnh: AP.

Nhưng đồng thời New Zealand cũng thể hiện thiện chí với Trung Quốc, chẳng hạn như việc ngành du lịch New Zealand có hợp đồng với Tencent để quảng cáo trên mạng xã hội Trung Quốc WeChat. New Zealand đón nhiều khách du lịch Trung Quốc hơn cả Ấn Độ.

Trung Quốc gần đây đã vượt qua Australia để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của New Zealand. Kim ngạch thương mại hai nước đạt 30 tỷ USD vào năm 2018, gần gấp ba lần so với năm 2008 khi hiệp định thương mại tự do hai nước được ký kết, theo trang tin Stuff.nz (New Zealand).

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất mà New Zealand từng hành động cứng rắn. Các ví dụ khác bao gồm việc New Zealand vào năm 1987 đã bắt giữ các đặc vụ Pháp tấn công tàu Greenpeace trong vùng biển nước này. Tàu Greenpeace đã bị đánh chìm năm 1985 khi đang trên đường đến một địa điểm thử nghiệm hạt nhân của Pháp ở nam Thái Bình Dương để biểu tình.

“Có thể nước Anh hậu Brexit sẽ theo ví dụ của New Zealand trong việc kết hợp ngoại giao, thương mại với chiến lược an ninh thông minh, vì Anh đã mời các chuyên gia từ New Zealand đến tư vấn”, ông Groffman viết trên SCMP.

Thủ tướng Ardern, sếp trực tiếp của NZSIS, sẽ được lực lượng tình báo hiệu quả hàng đầu thế giới cố vấn và chuẩn bị một cách kỹ càng cho các cuộc gặp ở Trung Quốc ngày 1/4, ông Groffman khẳng định.

(theo SCMP)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN