Trầm hương trong các văn bản tôn giáo lớn trên thế giới

Duy Bình

Trầm hương được tôn sùng trong các văn bản có ảnh hưởng sâu rộng của Ấn Độ giáo, Kitô giáo, Phật giáo và Hồi giáo. Ngay từ năm 1400 TCN, trầm hương đã được mô tả là một sản phẩm có mùi thơm trong các văn bản tiếng Phạn. Việc sử dụng hương thơm thực vật được ghi nhận sớm nhất trong kinh Vệ Đà của Ấn Độ cổ đại.

Văn bản Ấn Độ giáo

Trầm hương được đề cập đến trong sử thi Mahabharata như một loại hương liệu tượng trưng cho sự giàu có, xa hoa

Sử thi tiếng Phạn Mahābhārata (kể về giai đoạn 1493-1443 TCN trong lịch sử Ấn Độ) mô tả việc sử dụng nước hoa vì mục đích xa hoa, hưởng thụ và an lạc của con người. Trong văn bản này, trầm hương thường là một biểu hiện của sự giàu có, một sự tôn vinh, hay một lời chào hỏi. Trong cuốn sách đầu tiên của bộ Mahābhārata, người dân thành phố cổ đại Khandavaprastha đón tiếp những vị khách phương xa (Madhava và các bộ tộc bộ lạc khác) bằng cách lấp đầy cả thành phố “bằng hương thơm ngọt ngào của trầm hương cháy”. Cũng trong quyển 1, việc sử dụng trầm hương để thể hiện địa vị và sự giàu có được trình bày cụ thể trong phần mô tả về một nhà hát ở ngoại ô thủ đô của Vua Drupada (Kamapilya), được “bao quanh về mọi phía bởi những bức tường cao và một con hào, tỏa hương với trầm hương đen, được vẩy nước trộn lẫn tinh dầu gỗ đàn hương và trang trí bằng những vòng hoa”. Các biệt thự bao quanh nhà hát này cũng “thơm ngát với mùi trầm hương tuyệt vời”, và những vị quý tộc ở trong các ngôi nhà này thì “ám ảnh với mong muốn vượt trội hơn người khác” và “tất cả đều được tô điểm bằng mùi thơm của trầm hương đen”. Quyển 2 miêu tả chi tiết rằng lâu đài của các vị vua “treo đầy những vòng hoa và tỏa mùi trầm hương tuyệt hảo”. Quyển này cũng miêu tả là sau khi người Bharata chinh phục được các bộ lạc Mlechchha, những kẻ bại trận bị buộc phải cống nạp nhiều những vật phẩm có giá trị như gỗ đàn hương và trầm hương. Việc sử dụng trầm hương và nhiều chất thơm khác trong văn bản này cho thấy mối quan hệ lâu dài cũng như sự tôn sùng đối với các sản phẩm có hương thơm.

Kinh thánh Thiên chúa giáo

Kinh thánh Thiên Chúa giáo có nhiều đoạn nhắc đến trầm hương với ý nghĩa cao quý

Trầm hương được nhắc đến một số lần trong kinh Cựu Ước của Thiên chúa giáo, trước hết mô tả góc nhìn của Chúa về Israel và ví các khu nhà ở của họ giống như “những cây trầm hương được trồng bởi Chúa”. Cũng trong kinh Cựu Ước, ý nghĩa cao quý và quyến rũ của trầm hương được trình bày trong Thi thiên 45:8 khi kể lại công cuộc chuẩn bị cho đám cưới của một vị vua. Theo đó, “tất cả các bộ váy áo đều tỏa mùi một dược, trầm hương và hồi quế”. Sức mạnh quyến rũ của hương thơm, bao gồm trầm hương, được miêu tả rõ hơn trong Nhã ca 4:14 đoạn kể về sức hút giữa hai người yêu nhau, khi một người ca ngợi người kia là “cây cối em trồng là một khu vườn có mọi loại cây thơm ngát, với một dược, trầm hương và tất cả các loại gia vị tuyệt hảo nhất.” Tương tự, trong Châm ngôn 7:17, một người phụ nữ quyến rũ đã mời mọc người yêu mình: “Em đã xịt giường bằng hương thơm của một dược, trầm hương và quế.” Trong kinh Tân Ước, ý nghĩa thiêng liêng của trầm hương được khắc họa rõ nét trong phúc âm của John, khi cơ thể Chúa Jesus được xức một hỗn hợp một dược và trầm hương sau khi Ngài bị đóng đinh lên cây thập tự. Tuy nhiên, một số học giả lập luận rằng trầm hương được nhắc đến trong đoạn này là chỉ loại Lô hội làm thuốc, chứ không phải trầm hương có hương thơm, mà chỉ là một hành động xức dầu thơm đơn giản, với cơ thể Chúa Jesus được quấn bởi “những dải vải lanh có rắc gia vị”. Việc trầm hương hương được miêu tả như một loại gia vị là có thể hiểu được, nhưng chiết xuất lá từ một loài cây thuộc chi Lô hội có lẽ được xem là một loại thảo dược hơn là một loại gia vị.

Văn bản Phật giáo

Kinh Đại Bát Niết Bàn đề cập đến trầm hương trong những sự kiện xảy ra khi Phật bắt đầu nhập Niết bàn

Một số văn bản Phật giáo có đề cập đến việc sử dụng hương liệu trong các nghi lễ tôn giáo. Ví dụ, trong bộ Jātaka – tập hợp những tác phẩm văn học phong phú về tiền thân Đức Phật  (khoảng TK IV TCN), trầm hương được nhắc đến trong quyển VI số 542. Văn bản này khắc họa việc phụ nữ sử dụng nước hoa trong câu chuyện về một vị vua cố gắng bước vào thế giới của thần thánh thông qua nghi lễ hiến tế những tài sản quý giá nhất, bao gồm chính gia đình ông. Để chuẩn bị cho nghi lễ, các hoàng tử được đưa lên đài tế; tại đó, các quý bà trong hoàng tộc cùng những phụ nữ khác trong kinh thành mang trên mình “trầm hương, đàn hương, đá quý và lụa là gấm vóc” cúi chào  (các) con trai là Canda-Suriya lần cuối trước khi tiến hành nghi lễ hiến tế của nhà vua. Cả trầm hương và đàn hương, kết hợp cùng những vật phẩm có giá trị khác, được sử dụng như là dấu hiệu của sự tôn kính và đã được dùng làm những sản phẩm có hương thơm quý giá từ thời kỳ cổ đại. Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāyāna Mahāparinirvāṇa Sūtra), việc sử dụng hương liệu được đề cập đến trong chương mở đầu, mô tả một loạt những sự kiện xảy ra khi Phật bắt đầu nhập Niết bàn. Một đoạn miêu tả nhắc tới việc sử dụng gỗ thơm để hỏa thiêu cơ thể của Như Lai: “mọi người cầm trong tay hàng chục nghìn bó gỗ thơm như đàn hương và trầm hương”. Trầm hương cũng được dùng làm củi đốt khi nhóm lò nấu ăn cho Phật và Tăng đoàn. Trong Chuyện Chư thiên  (Vimānavatthu) – tuyển tập 85 bài thơ về niềm hạnh phúc của những người được tái sinh trong cõi trời và về những việc lành dẫn đến phần thưởng xứng đáng này, có một số dẫn chứng về việc sử dụng nước hoa/dầu thơm. Trong bài thơ 35 (7), Thứ Bảy: Thiên Cung của Sesavati (Sesavatīvimāna), trong lễ tang của Tôn giả Sāriputta đáng kính, trầm hương, đàn hương, và những loại gỗ tương tự là một phần tạo nên dàn hỏa thiêu cao vài trăm cubit. 5 sản phẩm hương thơm tự nhiên đại diện cho bài phát biểu của 5 vị Phật, bao gồm gỗ đàn hương, trầm hương, nhựa thông hoặc cây bách xù, long não và rễ cỏ vetiver. Gỗ thơm được dùng với tính chất tượng trưng và nghi lễ trong những tác phẩm điêu khắc có giá trị, để biến những tác phẩm này thành một vật thiêng. Trầm hương là một trong số những vật mang tính nghi lễ (như xà cừ, ngọc lưu ly, pha lê và lụa, và bốn loại gỗ thơm bao gồm gỗ hồng mộc) được tìm thấy bên trong tượng Phật Di Lặc làm bằng đồng từ năm 486. Rõ ràng, việc sử dụng các sản phẩm có hương thơm là một phần quan trọng trong truyền thống Phật giáo, và trầm hương là một trong số những sản phẩm có giá trị nhất.

Văn bản Hồi giáo

Kinh Koran không có chi tiết nào dành riêng cho trầm hương, nhưng một số Hadith nhắc đến trầm hương như một loại nhang của Ấn Độ

Kinh Koran có nhắc đến hương liệu nhưng không có chi tiết nào dành riêng cho trầm hương. Sūrah 55 (Ar-Rahman), phần mở đầu miêu tả những món quà phong phú mà Thánh Allah đã ban tặng cho loài người, bao gồm bản thân sự sống, tiếng nói, hoa quả và ngày tháng, ngũ cốc, thức ăn gia súc và cây cỏ có hương thơm. Việc liệt kê cây cỏ thơm vào danh sách những món quả quan trọng đối với sự sống này đã thể hiện sự tôn kính về tâm linh đối với những tài nguyên này. Sūrah 83:26 tuyên bố rằng những người kiềm chế được khỏi các cám dỗ sẽ được thưởng ở Thiên đường, và được tiếp cận với một loạt các tài nguyên bao gồm xạ hương.

Trong một số Hadith (ghi chép về những lời nói, hành động hoặc sự chấp thuận ngầm của nhà tiên tri Muhammad), trầm hương được gọi là một loại nhang của Ấn Độ . Sứ giả của Allah được trích dẫn miêu tả Thiên đường là nơi trầm hương được sử dụng cùng với rất nhiều thứ tuyệt diệu khác. Nhà tiên tri Muhammad khuyến khích sử dụng trầm hương để chữa bệnh, và cho rằng trầm hương có thể điều trị được bảy loại bệnh khác nhau, bao gồm viêm họng và viêm phổi. Trầm hương cũng được trích dẫn là có khả năng làm giảm các bệnh thông thường, và Tiên tri nói với một Muhrim bị thương ở đầu hoặc mắt rằng: “Hãy để anh ta chữa trị vết thương bằng trầm hương”. Trầm hương được sử dụng trong thực hành khử trùng/thanh lọc quan trọng, trong đó Nafi’ kể lại rằng Ibn Umar dùng trực tiếp hương trầm hoặc trộn với long não thành một hỗn hợp rồi hun khói.

Nhà tiên tri Muhammad đưa ra lời khuyên về việc sử dụng nước hoa cho cả nam lẫn nữ: đàn ông nên tắm và xịt nước hoa cho bài thuyết pháp ở thánh đường Hồi giáo vào thứ sáu; còn phụ nữ thì có thể dùng nước hoa ở nhà nhưng không được dùng ở thánh đường; và cả nam lẫn nữ đều có thể xịt nước hoa khi gần gũi thân mật. Được biết, Tiên tri Muhammad thích hương thơm của trầm hoặc hỗn hợp trầm hương và long não. Việc đốt hương nhang trong thánh đường Hồi giáo trở nên phổ biến. Không có ghi chép gì về loại hương được sử dụng, nhưng người ta tin rằng đó là trầm hương hoặc trầm hương kết hợp với long não.

Như vậy, trầm hương có ý nghĩa tâm linh đặc biệt, được nhấn mạnh trong những văn bản cổ này của hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới, thường được gọi là “năng lượng sự sống”  (Prâna) trong Ấn Độ cổ xưa và được sử dụng như một làn khói thơm kết nối với thiên đàng, cũng như làm lễ vật trong nghi lễ thờ phụng thánh thần.

 “Trầm Hương được tạo thành một cách kỳ diệu – một thân cây bị tổn thương được hun đúc bởi nắng, gió và các điều kiện tự nhiên đặc biệt. Trầm Hương là Hương của Trời – Đất, là kết quả sự tích tụ linh khí Trời – Đất qua hàng ngàn hàng triệu năm. Nhờ vậy, Trầm Hương khi đốt có mùi thơm tinh khiết, có khả năng khai mở tri giác và tâm thức con người. Tác giả Gerard A. Persoon từ Đại học Leiden (Hà Lan) gọi Gỗ Trầm là “loại gỗ của những vị thần”. Trong ánh hào quang của những vị thần luôn có mùi hương thanh khiết của Trầm. Hàng nghìn năm qua, Trầm Hương trở thành sứ giả kết nối con người với thế giới tâm linh. Không gian nghi lễ linh thiêng của Phật giáo, Hồi giáo hay Thiên Chúa Giáo đều không thể thiếu sự hiện diện của Trầm Hương. Nhiều nền văn hoá, tín ngưỡng đều coi Trầm Hương phương tiện gắn kết con người với các vị thần.”
Nguyễn Văn Tưởng – Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hoà

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN