Mùa xuân không chỉ là mùa hội hè, giải trí sau một năm lao động vất vả, mà cũng là mùa của những đợt ra quân, là dịp để ôn lại những thắng lợi vẻ vang của cha ông trong quá khứ. Qua bài viết “Truyền thống mùa Xuân” đăng trên Tạp chí Tổ Quốc số 259, tháng 4/1968, học giả Trần Quốc Vượng sẽ giúp chúng ta sống lại những chiến thắng lịch sử gắn liền với những mùa xuân hào hùng của dân tộc.
Nói đến mùa Xuân, người ta thường nghĩ đến hội hè dân gian ngày trước, nhưng thật ra giữa mùa Xuân và những sự kiện lịch sử Việt Nam quan trọng, đánh dấu cho thời đại, còn có một mối quan hệ có thể nói là “kì lạ”. Chính vào mùa Xuân mà An Dương Vương Thục Phán dựng nước Âu Lạc, nhà nước đầu tiên của Việt Nam như nhiều sử gia quan niệm. Theo truyền thuyết dân gian, ngày 6 tháng Giêng, Thục Phán nhập cung và ngày 9 tháng Giêng, vua An Dương Vương ngự ngai vàng, ban yến cho quần thần. Thục Phán đã khéo lợi dụng những ngày đầu Xuân, khi Vua Hùng thứ mười tám còn mải mê ăn Tết, bất thần đưa hàng vạn quân đánh úp trung tâm nước Văn Lang, dựng nước Âu Lạc.
Cũng chính vào mùa Xuân năm thứ bốn mươi của thế kỷ đầu Công nguyên mà Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống phong kiến Đông Hán. Đây không phải là một cuộc khởi nghĩa riêng lẻ ở một địa phương (Mê Linh) mà qua các tài liệu dân gian phát hiện ngày càng nhiều – và thực chất, đó là một cuộc tổng khởi nghĩa của toàn dân, một cao trào khởi nghĩa vũ trang của quần chúng rộng rãi, diễn ra suốt ba tháng đầu Xuân và cuối cùng đã thành công rực rỡ. Năm ấy, các hội mùa Xuân đã trở thành những nơi tập hợp lực lượng quần chúng. Trường võ của nữ tướng Lê Chân (An Biên, Hải Phòng), lò vật của Hoàng Tam Chinh (Quỳnh Đô, Thanh Trì, Hà Nội).. đều là nơi tập hợp nghĩa quân.
Còn bà Triệu? Bà Triệu cũng lãnh đạo nhân dân quận Cửu Chân khởi nghĩa chống phong kiến nhà Ngô vào mùa Xuân năm 248. Vì thế nên nhân dân Thanh Hóa vẫn cử hành hội đền Bà Triệu vào ngày 21 tháng 2 Âm lịch.
Ta còn gặp lại mùa Xuân trong nhiều cuộc khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa Lý Trường Nhân, tiếng chuông báo hiệu cho sự thức tỉnh ý thức dân tộc độc lập của giai cấp phong kiến Việt Nam vừa hình thành, đã diễn ra vào Xuân 468, và từ cuộc khởi nghĩa đó, một chính quyền tự chủ đã được thành lập và tôn tại gần hai chục năm ròng.
Cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn đã nở ra vào những ngày giáp Tết, kéo dài suốt ba tháng đầu Xuân 542. Sau khi đã chiến thắng giặc ngoại xâm cả ở phương Bắc lẫn phương Nam, Lý Bôn đã chính thức lên ngôi hoàng đế (Lý Nam Đế) vào đúng tháng Giêng Âm lịch (tháng 2 năm 544), đặt cho nhà nước độc lập một quốc hiệu đầy ý nghĩa: “Vạn Xuân”. Ý mong xã tắc lâu bền hàng vạn mùa Xuân. Lý Nam Đế còn sai dựng đài Vạn Xuân để làm nơi triều hội.
Khúc Thừa Dụ – người hào trưởng Hồng Châu (Hải Dương) đầy lòng khoan hòa và có uy tín lớn với nhân dân, đã nổi dậy phất cờ tự chủ vào chính tháng Giêng âm lịch, Xuân 906. Chiến thắng Bạch Đằng vang dội cuối năm 928 đã khẳng định nền độc lập dân tộc mà nhân dân ta đã tốn biết bao xương máu, gian khổ và anh dũng, kiên cường tranh đấu trong hàng nghìn năm mới giành lại được. Người anh hùng dân tộc Ngô Quyền – người tổ chức và lãnh đạo trận chiến thắng Bạch Đằng lịch sử cũng lại chọn mùa Xuân năm 939 để xưng Vương, chính thức tuyên bố khai sáng một thời đại mới: thời đại phát triển độc lập của nhà nước phong kiến Việt Nam.
Nếu mùa Xuân có “duyên” kì ngộ với thời kì dựng nước thì mùa Xuân đầy sức sống cũng có nhiều quan hệ với những thời kì giữ nước trong lịch sử Việt Nam. Mùa Xuân, tháng Giêng năm 970, Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu Thái Bình, chính thức khai sáng thời kì thống nhất của quốc gia Đại Cồ Việt.
Chiến thắng Chi Lăng lần thứ nhất và chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai của quân dân Việt Nam thời Lê Đại Hành chống quân xâm lược Tống đều diễn ra vào mùa Xuân năm 981. Đông Xuân 1075 – 1076, quân dân thời Lý, dưới sự lãnh đạo của Lý Thường Kiệt, đã phát động cuộc chiến tranh phòng ngự chống xâm lược Tống, và mùa Xuân tháng Giêng (năm 1076), quân dân ta đã ăn một cái Tết đại chiến thắng trước khi bước vào chuẩn bị một cuộc chiến tranh phòng ngự thứ hai chống xâm lược Tống. Mùa Xuân năm 1077, quân dân ta lại ăn Tết chiến thắng trên chiến trường sông Cầu lịch sử. Một đêm đầu tháng Hai âm lịch, quân địch đã phải vội vã rút lui trên toàn bộ chiến trường, sau bốn mươi ngày cầm cự tuyệt vọng.
Ngày 29 tháng Giêng năm 1258, trận Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng ở mé trên cầu Long Biên, Hà Nội) đánh dấu cuộc đọ sức thắng lợi đầu tiên của quân dân ta thời Trần chống quân xâm lược Mông Cổ, nổi danh hung bạo khắp hoàn cầu.
Đông Xuân 1281 – 1285, Trần Hưng Đạo tổ chức cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ hai. Chiến sự diễn ra ác liệt suốt mùa Xuân năm 1285 và đến mùa hè năm đó quân dân ta đã lập được những chiến công vẻ vang ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp… phá tan mấy chục vạn quân Mông Cổ, giết được những danh tướng của giặc như Toa Đô, Lý Hằng… đuổi hẳn giặc ra khỏi bờ cõi nước Nam.
Đông Xuân 1287 – 1288, ta còn đại thắng quân xâm lược Mông Cổ lần thứ ba và vào những ngày “rét nàng Bân” cuối Xuân 1288, chiến dịch tổng công kích giặc đã mở màn trên sông Bạch Đằng. Sóng nước sông Rừng còn mãi mãi reo vang lời ca chiến thắng :
Mặt bể nghìn chiến hạm,
Cửa non vạn bóng cờ
Trở tay non sông lặng,
Sông ngân rửa tanh nhơ.
Đến nay dân bốn biển,
Nhớ mãi năm cầm Hồ
(Phạm Sư Mạnh dịch)
Năm 1407, giặc Minh xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến của cha con Hồ Quí Ly thất bại. Nhưng một phong trào đấu tranh rộng rãi và liên tục của nhân dân ta càng dâng cao. Ngày mồng 2 Tết năm Mậu Tuất (7 tháng Hai 1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở đất Lam Sơn, tự xưng Bình Định Vương, truyền hịch đi các nơi kêu gọi nhân dân cùng nổi dậy giết giặc, cứu nước.
Ai lên Biện Thượng Lam Sơn
Nhờ Vua Thái Tổ chặn đường quân Minh
(Ca dao)
Trải mười mùa Xuân gian khổ đấu tranh, từ khi Linh Sơn lương cạn đến hàng tuần, Khôi Huyện quân không còn một toán cho tới lúc Thôi đô đốc gối quì phục tội, Hoàng Thượng thư tay trói nộp mình (Bình Ngô đại cáo), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn phát động giữa mùa Xuân năm xưa đã hoàn toàn thắng lợi, mở ra một thời đại mới, thời đại phát triển đến tột độ của chế độ phong kiến Việt Nam.
Mọi người đều biết (và năm nào ta cũng có dịp ôn lại) mùa Xuân chiến thắng mấy chục vạn quân xâm lược Mãn Thanh năm 1789 và cái tết độc đáo của vua Quang Trung Nguyễn Huệ: Ngày 20 tháng Chạp, Quang Trung cho quân sĩ ăn tết Nguyên Đán trước trên đèo Ba Dội (Ninh Bình) với lời tuyên bố đầy tin tưởng: “Bữa nay ta hãy ăn tết Nguyên Đán trước. Sang Xuân, ngày mồng 7, ta sẽ vào thành Thăng Long mở tiệc ăn tết khai hạ”. Quang Trung xuất quân vào đêm trừ tịch, mồng 3 Tết thắng trận. Hà Hồi, mờ sáng ngày mồng 5 Tết, quân ta cùng một lúc thắng trận Ngọc Hồi, trận Đống Đa. Và chiều mồng 5, Vua Quang Trung, chiến bào còn sạm đen, khói súng, ngồi trên bành voi, đã cùng quân Tây Sơn rầm rộ kéo vào thành Thăng Long giải phóng. Ngày “hạ nêu” năm ấy cũng là ngày đại lễ mừng chiến thắng, quân dân Thăng Long mở tiệc khai hạ tưng bừng…
Còn có thể dẫn ra rất nhiều sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra vào mùa Xuân. Song bấy nhiêu sự việc tóm lược bên trên tưởng cũng tạm đủ để kết luận rằng: mùa Xuân và lịch sử Việt Nam quả có nhiều duyên nợ. Mùa Xuân Việt Nam không chỉ là của đất, trời, mà mùa Xuân đã thấm đầy lịch sử, đã mang đượm tình người. Nhân dân Việt Nam không chỉ biết chơi Xuân, không chỉ biết hội Xuân, mà còn biết đánh giặc vào mùa Xuân, biết tổ chức những mùa Xuân chiến thắng. Người ta thường chỉ nhấn mạnh một chiều về phong vị Tết là phong vị gia đình, nhưng đã có biết bao nhiêu cái Tết Việt Nam tổ chức giữa chiến trường !
Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, Đảng đang lãnh đạo nhân dân đi từ chiến thắng này đến chiến thắng khác cũng ra đời vào một ngày đầu Xuân năm 1930. Và nếu người ta bảo, chủ nghĩa Cộng sản là mùa Xuân của nhân loại thì chúng ta cũng có thể tự hào nói: Đảng của chúng ta sinh ra vào một ngày Xuân và đang xây dựng mùa Xuân cho cả dân tộc và nhân loại.■
Trần Quốc Vượng