Kỳ II: Joseph Balestier, Lãnh Sự Hoa Kỳ, Đặc Phái Viên Ngoại Giao và Sứ Đoàn sang Việt Nam năm 1850
Chỉ một năm sau sự từ trần không đúng lúc của Edmund Roberts, lãnh sự Hoa Kỳ tại Singapore, Joseph Balestier, đã tái lập chiến dịch của ông nhằm kêu gọi sự hậu thuẫn chính thức nhiều hơn cho việc mở rộng và bảo vệ nền mậu dịch của Hoa Kỳ trong vùng. Nhân dịp có sự xuất hiện tại Singapore một chiến thuyền của Thái Lan có trang bị 40 khẩu súng, Balestier đã lập luận trong một lá thư gửi về Washington rằng một chiếc tàu như thế sẽ “không lẽ nào lại không gây ra sự phiền nhiễu không nhỏ cho sự buôn bán của Âu Châu và Hoa Kỳ tại các vùng biển này.” Ông thúc giục “sự thích nghi của việc đặt nền mậu dịch sâu rộng và vẫn còn đang gia tăng của chúng ta tại khu vực này dưới sự bảo vệ của một trong các chiến thuyền to lớn của chúng ta, vị Tư Lệnh của chiến thuyền đó có thể được chỉ thị để lần lượt thăm viếng Bờ Biển Sumatra, Eo Biển Malacca, Singapore, Vịnh Xiêm La, Bờ Biển Cochinchina [Việt Nam ngày nay, chú của người dịch], Lintin, Manilla … Borneo & Java. Trong thực tế — tất cả các hải cảng nằm trong hoặc gần lưu vực xích đạo rộng lớn này. Với việc lợi dụng mùa gió nồm, hầu hết nếu không phải là tất cả các Nước chính yếu này có thể được viếng thăm hai lần mỗi năm là quá đủ trong tình huống hiện thời của sự vụ.” (1)
Trong một lá thư gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao Forsyth, đề ngày 4 tháng Sáu 1838, Balestier tự đề cử mình là người có thể kế nhiệm đặc sứ Edmund Roberts và đồng ý trở thành một Đại Diện thường trú để trông coi các quyền lợi của Hoa Kỳ trong toàn vùng. Ông chào đón các cuộc thăm viếng thường xuyên hơn của hải quân Hoa Kỳ trong vùng, vừa như một sự bảo vệ cho các thương thuyền Hoa Kỳ vừa như phương tiện chuyên chở đến thăm viếng khắp nơi trong khu vực. Tuy nhiên, ông nghĩ sự hiểu biết chuyên môn và kinh nghiệm của ông trong vùng sẽ mang lại những kết quả tốt hơn là dựa vào các sĩ quan hải quân đóng vai các nhà thương thuyết:
Công cuộc mậu dịch trải rộng của chúng ta tại các vùng biển này, mà không có dù chỉ một hải cảng nào của chính chúng ta gần hơn những hải cảng nằm trên chính bờ biển của chúng ta, tạo thành một trường hợp chưa từng có tại phương Đông; và Chính phủ xem ra có lưu tâm để có một [hải cảng] trong số đó. Tôi hay biết rằng các vị tư lệnh hải quân của chúng ta thường hành động với tư cách các nhà thương thuyết trong các trường hợp cần thiết, nhưng mặc dù cảm nhận được các công tác năng động và hữu hiệu của họ, vẫn có sự thiếu sót một kinh nghiệm lâu dài về nhóm dân bán khai mà họ có dịp mở ra các cuộc thương thảo, nhằm khai thông nền mậu dịch, hay nhằm giải quyết những sự ngộ nhận hiện hữu, khiến cho họ kém hữu dụng hơn sự can thiệp của một người đã sở đắc được một sự am tường về những người dân đó, các phong tục của họ, và bản chất của sự mua bán. Thông qua báo chí tôi hay biết sự quyết tâm của Chính Phủ muốn duy trì một lực lượng hải quân tại khu vực này của thế giới sẽ cung ứng cho một đại diện như thế một phương tiện để thỉnh thoảng thăm viếng các nơi chốn như thế khi mà quyền lợi của quốc gia chúng ta có thể đòi hỏi sự có mặt của đại diện đó.
Balestier đã đề nghị trong lá thư này:
Việc gửi sang các loại vũ khí chế tạo toàn hảo khác nhau, các loại kiếm, vàng, các tấm gương đóng khung, ống nhòm, quả địa cầu, [một từ không đọc được], vân vân, và vân vân, để phân phối đến các vị Quân Vương & các lãnh tụ chính yếu, là những người sẽ đón nhận chúng như là những biểu hiệu của tình hữu nghị chứ không phải như sự thừa nhận trình độ yếu kém như thường được tin tưởng. (2)
Chín năm sau đó, Balestier đã có thể cung cấp một lý do cụ thể để phát huy nhiệm vụ của ông tại Cochinchina [Việt Nam ngày nay, chú của người dịch]. Vào ngày 6 tháng Tư, 1847, ông có viết cho ông Bộ Trưởng Ngoại Giao:
Một năm trước đây một vài Quan Lại của Quốc Vương xứ Cochin China đã đến đây như thường lệ trên các con thuyền của họ, đã yêu cầu tôi có một sự sửa sai cho hành vi ngược ngạo mà họ đã phải gánh chịu từ vị thuyền trưởng chiến thuyền “Consitution.” Họ trình bày rằng họ đương ở trên bờ thi hành công việc cho Quốc Vương khi chiếc thuyền “Constitution” thả neo tại Vịnh Turong [Đà Nẵng], rằng khi hay biết vị thuyền trưởng thiếu củi và nước, họ đã sẵn lòng cung cấp cho ông ta và đã giữ mối dây liên lạc thân hữu với ông ta. Nhưng một hôm, vị thuyền trưởng lên bờ cùng với một đoàn tùy tùng từ chiếc thuyền của ông ta và ra lệnh cho họ phải giao một số Linh Mục người Pháp, là những người mà ông ta cho rằng đang bị bắt làm tù nhân trong nước, về việc này họ [các quan lại Việt Nam, chú của người dịch] đã phản đối rằng họ không biết gì hết và rằng tốt hơn là ông ta nên tới Kinh đô, [là] một cảng biển và đích thân thỉnh cầu lên Quốc Vương, vì việc này họ đã bị còng tay và hạ nhục trước sự hiện diện của các thân nhân và gia nhân mình và sau cùng đã bị dẫn lên thuyền “Constitution”, nơi họ bị bắt làm tù nhân trong nhiều ngày và bị đe dọa hành quyết hàng ngày nếu các vị Linh Mục Công Giáo Pháp không được chuyển giao cho ông ta.
Các Quan Lại khác xác nhận sự việc trên và tuyên bố rằng trong khi họ không hay biết gì về việc bắt giữ những người ngoại quốc và hơn nữa họ không có thẩm quyền phóng thích các ngoại kiều này, điều này được nói lại hàng ngày cho viên thuyền trưởng hay biết. Rằng vào một hôm nào đó họ nhìn thấy nhiều chiếc tàu rời khỏi chiến thuyền chở đầy binh sĩ có vũ trang đầy đủ nhưng trong khi họ hay người dân trong thị trấn, không hề có ý thức về sự nguy hiểm nào, đã tụ tập để nhìn các binh sĩ đổ bộ; sau khi tỏ vẻ khích động các binh sĩ đã sắp thành hàng một và nổ súng vào đám đông và trong khi đám đông bỏ chạy vào thành phố các binh sĩ này đã rượt đuổi theo họ. Mười bảy người, gồm cả đàn ông, đàn bà, trẻ em, đã bị giết. Trong khi đó chiến thuyền “Constitution” đã tiến vào một vị trí sát Hải Cảng, sau đó không lâu đã triệt hạ và bắn cháy các Thuyền Buồm Chở Gạo trên Sông làm cho nhiều người bị giết và bị thương bởi đạn bắn ra và những người khác bị chết đuối khi các Chiếc Thuyền Buồm bị chìm …
Tôi không muốn tự đặt mình vào cương vị kẻ tố cáo Thuyền Trưởng Percival, hay thông tin cho Chính Phủ về bất kỳ điều gì chưa được công bố trên các báo chí tại Ấn Độ và Âu Châu, nhưng tôi xem đó là một bổn phận của tôi để lưu ý Ngài [Bộ Trưởng] về hành vi hiếu khách của Radja of Subi và để đề nghị một sự thừa nhận cấp quốc gia về hành vi đó và cùng lúc cứu xét điều đó trong khuôn khổ trách nhiệm chính thức của tôi là phải thông tri với Ngài Bộ Trưởng các ấn tượng không thuận lợi có khuynh hướng chống lại tư cách quốc gia của chúng ta tại các khu vực này và là những ấn tượng mà nếu không được tháo gỡ chắc chắn sẽ dẫn đến sự hy sinh các nhân mạng vô tội dưới sự tra tấn khủng khiếp nhất, như Quốc Vương xứ Cochin China thi hành với các kẻ thù.
Vị Giám Mục & Các Linh Mục người Pháp nói trên không lâu sau chuyến viếng thăm của chiến thuyền “Constitution” tại Cochin China đã được chuyển giao theo lời thỉnh cầu của vị chỉ huy Pháo Hạm “Alcmène” của Pháp.” (3)
Điều gì đã xảy ra trong cuộc viếng thăm của Chiến Thuyền USS Constitution tại vịnh Đà Nẵng không được biết rõ một cách xác thực. Jean Chesneaux, một tác giả người Pháp trong tác phẩm về Việt Nam được viết hồi giữa thập niên 1950, xác nhận lời tường thuật của phía Cochinchina về biến cố và phát biểu một cách châm biếm:
Về một chiến thuyền của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ trong năm 1845 liên hệ đến đặc quyền đáng ngờ của việc thực hiện một hành vi can thiệp có vũ trang đầu tiên chống lại nhân dân Việt Nam: một thuyền trưởng Hoa Kỳ, mà tên tuổi không được lưu giữ trong lịch sử, đã đến Tourane trong năm đó, đổ bộ lên bờ để bắt ép việc phóng thích một giám mục người Pháp bị bắt giữ, đã cầm tù tất cả các quan lại cũng như các Thuyền Buồm Chiến Đấu có tại hải cảng; nhưng các con tin kháng cự, và viên Thuyền Trưởng Hoa Kỳ, không biết chắc mình phải làm gì với các tù binh, sau cùng đã thả họ ra và lái thuyền bỏ đi. (4)
Bất kể lời buộc tội rằng Hoa Kỳ đã thực hiện hành vi can thiệp bằng vũ trang đầu tiên (giả định là của Tây Phương) chống lại Việt Nam, Chesneaux đã không đề cập đến việc nổ súng hay tổn thất nào. Ông D.G.E. Hall, sử gia người Anh về Đông Nam Á, có viết trong cùng thời khoảng đó, hậu thuẫn cho sự tường thuật của Chesneaux và có đề cập đến việc nổ súng và các tổn thất, nhưng ông đã trích dẫn từ các nguồn tư liệu Anh Quốc hiện đại tại Singapore là những kẻ đã nghe được câu chuyện, chúng tôi giả định, từ cùng các viên chức Cochin China đã tìm gặp Balestier. (5)
Mặt khác, Buttinger, sử gia Hoa Kỳ về Việt Nam trong tác phẩm được ấn hành năm 1958, đã nhẹ nhàng châm biếm nỗ lực của Chesneaux về việc “xếp loại sự câu lưu tạm thời một vài vị quan lại như một ‘hành vi can thiệp có vũ trang’”, gọi đó “đúng ra là một sự thậm xưng.” Ông nêu ý kiến rằng Chesneaux đã không hiểu biết tường tận về biến cố và viện dẫn rằng ông ấy không hề hay biết cả về tên viên thuyền trưởng Hoa Kỳ (John Percival) (6). Buttinger không nên bị buộc tôi là kẻ theo chủ nghĩa quốc gia quá cực đoan trong cái nhìn của ông về biến cố, vì ông khẳng định rằng các nỗ lực của Percival là vụng về. Sự lượng định của Buttinger được ủng hộ bởi Auguste Haussman, một tác giả người Pháp khác, là người đưa ra sự tường thuật sau đây:
Viên thuyền trưởng Hoa Kỳ, thấm nhuần tinh thần quảng đại, tìm kiếm một sự phóng thích vị giám mục và đây là câu chuyện mà ông ta đã hành động như thế nào: ba hay bốn quan lại được phái bởi Quốc Vương lên chiến thuyền, bị bắt và giam giữ làm con tin, trong khi chờ đợi việc trả tự do cho vị giáo sĩ truyền đạo. Khi nghe báo cáo về việc này, Quốc Vương trở nên tức giận và từ chối trao trả vị giám mục theo một thủ tục như thế. Quốc Vương còn xem xét cả việc phái một hạm đội nhỏ để tấn công chiến thuyền, nhưng một cơn bão làm các chiếc tàu của Nhà Vua bị tán loạn. Muốn tránh một cuộc giao chiến, thuyền trưởng Hoa Kỳ đã quyết định phóng thích con tin, là những kẻ lại bị cầm tù lần thứ nhì theo lệnh của Quốc Vương vì tội để mình bị bắt. (7)
Sự tường thuật này cho hay là chiến thuyền Hoa Kỳ tức khắc rời đi, sau khi để lại các lời đe dọa.
Nay chúng ta có lời khai của chính Thuyền Trưởng John Percival, là người, theo văn thư trao đổi của chính ông ta, đã cho tàu USS Constitution cặp bến tại Vịnh Đà Nẵng để tái tiếp tế. Vào ngày 21 tháng Sáu 1845, sau khi chiếc thuyền Constitution đến Đảo Whampoa ngoài khơi Trung Hoa, Percival đã báo cáo “sự việc xảy ra” trong một lá thư gửi Bộ Trưởng Hải Quân. Lá thư của ông ta, chính yếu là một biện minh trạng cho hành động của mình, đính kèm một văn kiện trình bày về chính biến cố mà ông đã gửi cho vị đô đốc Pháp trong vùng. Bức thư viện dẫn sự hiểu biết của Percival về sự trợ giúp của nước Pháp dành cho Hoa Kỳ trong buổi lập quốc của nó cũng như sự tin tưởng rằng các chính phủ phải đối xử với sự kính trọng các ngoại kiều mà họ cho phép được sống trong lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy sự lo ngại của Percival rằng các thượng cấp của ông có thể xem là ông đã vượt quá các chỉ thị đã giao cho ông, nhằm yêu cầu ông mang lại mọi sự bảo vệ cần thiết cho các công dân Hoa Kỳ và cho nền thương mại Hoa Kỳ, nhưng không nói gì về các công dân ngay của các nước thân hữu nhất.
Văn kiện Percival gửi cho [đô đốc] Pháp mô tả biến cố với một vài chi tiết, nhưng mơ hồ về việc là có bất kỳ cuộc nổ súng nào đã xảy ra hay không.
Cùng lúc tôi đã bắt giữ ba viên quan lại và giải họ lên tàu làm con tin [cho] sự an toàn của sinh mạng vị Giám Mục. Ngày sau đó tôi tịch thu ba chiếc thuyền buồm của Nhà Vua, và di chuyển chiến thuyền của tôi đến sát bờ hơn để có thể vươn tới các Đồn Phòng Thủ và [nhiều từ không đọc được] với pháo đội của tôi, hy vọng rằng một cuộc biểu dương, chứng tỏ một cuộc bày binh bố trận sẵn sàng giao tranh sẽ bảo đảm được một cách hữu hiệu hơn sự an toàn của ngài Giám Mục.” (8)
Trong phần cuối văn kiện này, Percival ám chỉ một cách rõ ràng rằng ông ta đã không tham gia vào các sự giao chiến, bởi chúng sẽ vi phạm các chỉ thị dành cho ông. Đúng như điều làm Percival lo sợ, Bộ Hải Quân đã không chấp nhận. Lá thư của ông tại Văn Khố Hải Quân có mang bút phê: “Trả lời tức thời. Bộ Hải Quân không chấp thuận hành động của Thuyền Trưởng Percival vì không được phép cho dù có lời yêu cầu của vị Giám Mục hay bởi luật lệ của các quốc gia.” (9)
Một tháng sau đó, giả định trước khi ông ta có thể hay biết về phản ứng tiêu cực từ Bộ sở quan của mình, Percival mau chóng gửi lên Bộ Trưởng Hải Quân bản sao các phản ứng thuận lợi của cả viên Đô Đốc Pháp và Sứ Thần Pháp tại Trung Hoa, cùng với tin tức cho hay vị Giám Mục đã được trả tự do ít ngày sau khi Percival rời khỏi hiện trường. Lá thư của Percival gửi Bộ Trưởng Hải Quân toát ra niềm tin tưởng rằng sự giải thoát vị Giám Mục xảy ra phần lớn là nhờ hành động quyết đoán và hợp thời của ông ta (Percival) và rằng, nếu ông ta có thể lưu lại đó lâu hơn một chút, vị Giám Muc chắc sẽ được trao trả trực tiếp vào tay ông ta.(10) Sau hết, như được biểu tỏ dưới đây, khi Hoa Kỳ cố gắng đưa ra các đền bù cho biến cố, phía Cochin China đã bác bỏ rằng nó đã từng xảy ra!
Trong bất kỳ trường hợp nào, bất luận lời tường thuật biến cố nào là chính xác, sự trần thuật gây tổn hạI nhất cho Percival chính là câu chuyện đã được chuyển đến Balestier, mà Balestier đã chuyển về Washington, và theo đó Washington đã ra tay hành động. (11) Tổng Thống Zachary Taylor đã quyết định phái Balestier làm đặc phái viên ngoại giao để thực hiện những sự hàn gắn với Quốc Vương xứ Cochin China và, nhân đó, thực hiện một nỗ lực khác để thương thảo một hiệp ước thương mại với Cochin China; ông cũng sẽ cố gắng thuyết phục nước Xiêm La thi hành đúng với các điều khoản của hiệp ước mà Edmund Roberts đã thương thảo năm 1833 và thực hiện các cuộc thăm viếng thiện chí và thương thảo các hiệp ước với nhiều vương quốc thuộc các đảo vùng Đông Ấn Độ.” (12)
Toàn thể phái bộ công tác của Balestier gặp trục trặc vì những sự trì hoãn và vì sự căng thẳng và bất đồng ý kiến với viên chỉ huy con tàu. Phái bộ của ông sang Cochinchina đã thất bại vì phần lớn cùng các lý do mà hai chuyến công tác của ông Roberts đã gặp – hai nền văn hóa xa lạ chỉ nói về phần mình mà không cần nghe kẻ đối thoại, và tầm quan trọng của mỗi bên với bên kia không lớn đủ để khắc phục các rào cản. Balestier, cũng giống như Roberts trước ông, đã không thể thuyết phục được người Cochinchina rằng Hoa Kỳ khác biệt với các dân tộc Âu Châu và rằng nó chỉ quan tâm đến công cuộc mậu dịch thành thật và hai bên cùng có lợi, chứ không quan tâm đến việc chinh phục hay đặt đồn trú quân ở hải ngoại. Về phần mình, bên Cochinchina đơn giản kể người Hoa Kỳ gộp chung với tất cả những người Tây Phương đi cướp phá, và họ không sẵn lòng hay không thể cố gắng sử dụng Hoa Kỳ (hay người Hòa Lan hay Bồ Đào Nha) để bảo vệ họ chống lại các áp lực và sự dòm ngó ngày càng gia tăng của Pháp.
Bộ Trưởng Ngoại Giao John Clayton đã trao cho Balestier, “Đặc Phái Viên của Hoa Kỳ sang Cochinchina và các nơi khác trong vùng Đông Nam Á” các chỉ thị vào ngày 16 tháng Tám 1849, ngay trước khi Balestier trương buồm rời Boston lên đường thi hành nhiệm vụ:
“Tổng Thống … đã chỉ định ông làm Đặc Phái Viên của Hoa Kỳ để tiến hành, một cách tức thời, sang Cochinchina …và sau đó sang các phần khác của vùng Đông Nam Á Châu, với các chủ đích và mục tiêu sẽ được trình bày trong các chỉ thị theo đây. Một vài nhiệm vụ, sẽ được giao phó cho ông có tính chất tế nhị, và tất cả các nhiệm vụ đều mang tầm quan trọng. Sự cư trú chính thức lâu dài của ông tại phương Đông, trong đó các trách vụ của ông đã được hoàn tất với sự trung tín và thành công rõ rệt; và sự quen thuộc thân thiết với cung cách và các tập quán cùng nền mậu dịch và thương mại của các xứ sở Đông phương, đã đưa đến sự bổ nhiệm ông ngày nay, và đem lại sự bảo đảm rằng các nhiệm vụ sẽ được chấp hành một cách thỏa đáng.
Tôi có chuyển, kèm theo đây, một lá thư của Tổng Thống gửi Quốc Vương Anam (Cochinchina) … Mục tiêu của nó là để phủ nhận một cách chính thức một cuộc xâm kích bị cáo giác, được tường thuật đã phạm phải, trên lãnh thổ của Nhà Vua, và trên các thần dân của Ngài, bởi Thuyền Trưởng John Percival, trong khi chỉ huy Chiến Thuyền Constitution của Hoa Kỳ, trong năm 1845, trong tình huống đã được thông báo cùng Chính Phủ này bởi chính ông, và là tình huống, cũng vì lý do đó, thật là dư thừa để tôi phải lập lại trong các chỉ thị này.
Ông sẽ khởi hành ngay khi có thể đi được, … đến trạm nơi ông sẽ tìm thấy Hạm Đội Đông Ấn Độ của chúng ta, và trao cho vị Tư Lệnh, thư đính kèm, từ ông Bộ Trưởng Hải Quân chỉ thị viên tư lệnh để ông lên tàu và chuyên chở ông đến một hay nhiều hải cảng như thế, tại Cochin China, như ông có thể chỉ định; và sau đó đến các nơi khác như thế, trong vùng Đông Nam Á, mà các chỉ thị dành cho ông sẽ yêu cầu ông đến thăm viếng.
Sau khi lên chiếc soái hạm của Hạm Đội, ông sẽ đến hải cảng gần nhất của Huế, Kinh Đô của Cochin China, và khi đến nơi đó ông tự tìm cách tiếp xúc với các giới chức có thẩm quyền thích hợp, và loan báo mục tiêu cuộc thăm viếng của ông là, để đích thân, trao đến Nhà Vua, một bức thư hữu nghị và hòa giải, của Tổng Thống Hợp Chủng Quốc về một hành vi đối nghịch được nói là đã gây ra, bởi một Thuyền Trưởng hải quân Hoa Kỳ, nhiều năm trước đây, nhưng mới chỉ được thông báo lên Tổng Thống mới đây; Cần bổ sung rằng, sau khi nghe được bản báo cáo này, Tổng Thống giờ đây, đã tức thời phái ông sang, để thực hiện mọi sự giải thích khả hữu và thích đáng, và xin làm lành.
Nếu ông nhận thấy không thể khắc phục được ác cảm nổi tiếng của vị Chúa Tể để chấp thuận một cuộc tiếp chuyện cá nhân, và hội kiến, khi đó ông sẽ theo đuổi cùng đường lối, với các quan chức tại triều đình của Nhà Vua, các viên chức mà Nhà Vua có thể chỉ định để hội họp với ông, sao cho, theo ý kiến của ông, sẽ là phương thức được tính toán tốt nhất không chỉ ảnh hưởng đến mục tiêu chính yếu trong nhiệm vụ của ông; mà còn, nhằm phát huy một mục tiêu khác rất quan trọng, mục tiêu mà Tổng Thống nóng lòng muốn có, nghĩa là, sự thương thảo và kết thúc một Hiệp Ước Hữu Nghị và Thương Mại, theo đó sinh mạng và tài sản của các công dân của chúng ta có thể sẽ được bảo vệ tại Cochin China; và các thương thuyền của chúng ta sẽ được phép mậu dịch tại nhiều hải cảng khác nhau tại Đế Quốc theo những điều khoản được quy định bởi một quan thuế biểu cố định, công bằng và cởi mở. Và trong bất kỳ cuộc thương thảo nào mà ông có thể tiến tới, với các mục tiêu này, sẽ cần đặc biệt lưu tâm đến việc vạch ra, và để giải thích, đường lối vô cùng cởi mở trong chính sách được theo đuổi bởi chính Chính Phủ của ông mà, theo các Hiệp Ước hỗ tương, sẽ tự do đón tiếp các thuyền của họ, cập bến mọi hải cảng của chúng ta trên cùng một căn bản dành cho các tàu thuyền hải hành dưới quốc kỳ của chính chúng ta. Một ủy nhiệm thư, và giấy ủy toàn quyền được chuyển kèm theo đây.
Ông sẽ trình bày để Nhà Vua, hay các Thượng Thư của Ngài hay biết, rằng Chính Phủ và nhân dân Hợp Chủng Quốc nhắm đến những sự trú ngụ hòa bình, hơn là theo đuổi chiến tranh — rằng họ không có thuộc địa hay đồn đóng quân nào ở hải ngoại, như các nước Anh, Hòa Lan, Pháp, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha — rằng trong khi các thương gia của họ đến Hợp Chúng Quốc, để mậu dịch, họ nhớ mang theo vàng, bạc, và hàng hóa nhiều loại khác nhau để thanh toán cho các sản phẩm mà họ mua – và, rằng chúng ta sống hòa bình với toàn thế giới: Ông sẽ gắng sức để giúp họ hiểu được tầm mức bao la, và tầm quan trọng cùng sức mạnh gia tăng của xứ sở chúng ta – tham chiếu trên các bản đồ của thế giới, và của Hợp Chúng Quốc; giúp họ quen thuộc với số tàu chiến, tàu (hỏa) chạy bằng hơi, và các thương thuyền của chúng ta; và trình bày những lợi thế không thể tưởng tượng được, và các ích lợi, chắc sẽ mang lại cho họ, từ một Hiệp Ước như thế, với một dân tộc thật vĩ đại, từ đó, khi ràng buộc với nó bằng các quan hệ quốc tế, họ không còn phải lo sợ sự xâm lăng nào.
Ông cũng sẽ gắng sức để thúc giục Chính Quyền xứ Cochin China tiếp nhận một Lãnh Sự, hay một Đại Diện Thương Mại, tại một hay nhiều hải cảng chính của họ.
Sau khi đã hoàn tất mỹ mãn nhiệm vụ của ông với Quốc Vương Cochin China, con thuyền kế đó sẽ chuyên chở ông sang nước Xiêm La …”
Balestier đáp tàu rời Boston trong tháng Tám 1849. Bởi tàu chở ông bị hư hỏng ngoài khơi vùng Halifax, ông đã không đến được Anh Quốc mãi cho đến ngày 17 tháng Chín. Tuy nhiên, ông đã có thể rời Anh Quốc ba ngày sau đó, đi qua Alexandria, Suez và Hồng Kông, nơi ông đã đến bờ vào ngày 24 tháng Mười Một, ba tháng sau ngày rời Boston. (John White mất năm tháng để đi từ Boston đến xứ Cochin China, xuyên qua Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope) trong năm 1819; Edmund Roberts đã đi theo cùng hải trình này, có ghé Phi Luật Tân và Trung Hoa trước khi đến Cochinchina. Sự xuất hiện của “tàu hỏa chạy bằng hơi nước” trong thập niên 1840 đã khiến cho “lộ trình qua đất liền” sang Á Châu xuyên qua vùng Địa Trung Hải nhanh hơn rất nhiều hơn đường thủy vòng qua bất kỳ Mũi đất nào.)
Balestier bị bắt buộc phải chờ đợi ba tháng nữa tại Hương Cảng trước khi đáp tàu tiến hành nhiệm vụ của mình. Vị tư lệnh Hạm Đội Đông Ấn Độ, Chuẩn Tướng David Geisinger (người cũng đã là thuyền trưởng chiếc thuyền chở ông Edmund Roberts, chiếc thuyền Peacock), đã không chấp nhận phái bộ Balestier bất chấp các chỉ thị của Bộ Trưởng Hải Quân được trao tay bởi Balestier, tuyên bố rằng ông sẽ rất sớm được Chuẩn Tướng Voorhees thay thế chức vụ chỉ huy. Voorhees đến nơi ba tháng sau đó, và Balestier đã có thể khởi hành sang Cochinchina hôm 21 tháng Hai năm 1850, sau khi đã chiêu dụng được Mục Sư William Dean ở Hồng Kông làm thư ký của phái bộ, kiêm thông và phiên dịch viên. (14)
Sự gặp gỡ của Balestier với phía Cochinchina rất giống với cuộc đối đầu của Edmund Roberts.(15) Chiếc thuyền Plymouth, chuyên chở Balestier và thư ký của ông tên Dean, thả neo ở vịnh Đà Nẵng hôm 25 tháng Hai năm 1850. Chiếc thuyền tức thời được thăm viếng bởi hai viên chức Cochinchina ở “cấp thấp,” dò hỏi về lý do của cuộc thăm viếng. Balestier đã trao cho họ một bức thư trình bày các duyên cớ thân thiện của phái bộ mà các viên chức đã đọc qua nhưng từ chối không tiếp nhận. Tuy nhiên, họ có đồng ý là sẽ chuyển đạt nội dung của bức thư lên thượng cấp của họ.
Tiếp sau đó, một lần nữa, là nhiều cuộc gặp mặt sơ bộ, có tính cách nghi lễ với nhiều quan chức Việt Nam cấp thấp khác nhau. Các quan chức sau này thì lịch sự nhưng dè dặt, cho hay họ đã bị lừa gạt bởi những người nước ngoài đi trên tàu chiến, đã đến như những kẻ thân thiện nhưng lại gây ra các hành vi thù nghịch, triệt hủy các thuyền tàu của họ và giết hại hàng trăm người dân.
Ngày 6 tháng Ba, những người khách của Balestier yêu cầu ông thông báo cho họ nội dung lá thư của Tổng Thống gửi cho Hoàng Đế. Áp lực của thời gian đã khiến Balestier chiều theo lời yêu cầu trái với sự phán đoán vững chắc hơn của ông. Khi ông làm như thế, phía Cochinchina, như đã đối xử vớI Roberts hai mươi năm trước đây, đã phản đối các cách thức xưng hô cũng như các ý kiến nơi cuối thư của Tổng Thống, mà họ đã giải thích như là một sự đe dọa. Balestier đã cố gắng giải thích cho qua các sai lầm trong nghi lễ. Liên quan đến sự đe dọa hàm chứa trong lá thư của Tổng Thống, ông đã lập luận rằng Tổng Thống đã đưa ra đề nghị thực hiện những sự sửa chữa cho các hành vi của Thuyền Trưởng Percival nhưng cảnh cáo rằng nếu các thiện chí của Tổng Thống không được chấp nhận và hoàng đế thực hiện sự đe dọa của Ngài nhằm trả thù cho các hành vi của Percival đối với các công dân Hoa Kỳ khác, Hợp Chúng Quốc sẽ buộc phải phái các chiến thuyền đến để đòi hỏi sự giải thích thỏa đáng.
Vào ngày 13 tháng Ba, có lời nhắn được gửi đến Balestier rằng Tổng Đốc tỉnh Kwangnam (Quảng Nam) mời ông lên bờ để nhóm họp. Cuộc hội kiến đã diễn ra, và vị Tổng Đốc đã thông báo với Balestier rằng lá thư không thể được tiếp nhận vì nó có đề cập đến việc thủy thủ đoàn một tầu chiến của Hoa Kỳ giết hại người dân Cochinchina, và sự kiện này đã không thể được xác chứng bởi hồ sơ lưu trữ của quốc gia. Balestier đã tố cáo rằng phía Cochinchina đã tìm một lý cớ để bác bỏ sự việc hầu giữ quyền tự do thực hiện các hành vi thù nghịch đối với người Mỹ. Ông cáo buộc rằng việc từ chối tiếp nhận lá thư của Tổng Thống sẽ là một sự xúc phạm lớn lao đối với Tổng Thống. Vị Tổng Đốc Quảng Nam không bị lay chuyển, đã chấm dứt cuộc thảo luận sau ba tiếng đồng hồ, và ra về. Chiếc thuyền của Balestier vẫn còn lưu lại trong hải cảng cho đến ngày 16 để chờ đợi xem có bất kỳ dấu hiệu quan tâm nào khác hay nỗ lực để tiếp xúc hay không. Khi không có gì xảy ra, ông đã rời khỏi hải cảng, với ý định sẽ tái tục các nỗ lực của ông khi chiếc thuyền đến cửa sông nơi kinh đô Huế tọa lạc, nhưng thời tiết đã không hợp tác, và chiếc thuyền Plymouth thay vào đó đã lái sang Bangkok (Vọng Các). (16)
Trong các báo cáo gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao Clayton về phái bộ của mình sang Cochinchina, Balestier đã viết rằng một vài viên chức Cochinchina cấp thấp hơn có nhìn nhận một cách riêng tư với ông rằng chiếc thuyền của Thuyền Trưởng Percival đã giết chết một số người Cochinchina, nhưng các thẩm quyền ở Huế đã ra lệnh rằng sự kiện đó bị phủ nhận cùng với việc từ chối lá thư của Tổng Thống. Balestier đã phân tích các lý do cho sự thất bại và biện hộ cho việc đối phó với phía Cochinchina — bằng vũ lực.
Sự tin tưởng vững chắc của tôi là, bằng cách từ chối sự phủ nhận của Tổng Thống về hành vi xúc phạm, họ xem là họ sẽ được tự do trút sự trả thù lên những công dân của chúng ta chẳng may rơi vào tay họ như thế, với việc không hứa hẹn với chúng ta một đường lối thân thiện. Tôi bắt buộc phải cảm thấy, như hơn một lần tôi đã có hân hạnh được quan sát Ngài khi đối thoại, rằng thật là vô vọng cho việc nỗ lực để thương thảo nghiêm chỉnh với một dân tộc không thực tế như thế, nếu không có một sức mạnh kiềm chế trong tay. Giả sử tôi đã đi cùng một hạm đội có ba chiếc thuyền thay vì một chiếc thuyền duy nhất, và đã đi tới cửa con sông, chỉ còn cách kinh đô vài dặm, sau khi các cố gắng của tôi đã thất bại trong cuộc thương thuyết tại Turong (Đà Nẵng), tôi chắc không còn nghi ngờ gì về cung cách mà tôi sẽ được đón tiếp, và sự tôn trọng đối với lá thư của Tổng Thống. Tôi xin phép Ngài để nhận xét rằng người Cochinchina giống như mọi dân tộc bị cô lập và không hiểu biết khác, mang đầy những tham vọng cá nhân hão huyền và tính tự phụ trẻ con — tự hạ mình làm nô lệ và phục tùng một cách hèn hạ trước vị chúa tể và các thượng cấp, họ đã hoàn toàn không đếm xỉa đến các quyền và cảm nghĩ của kẻ khác, và, trong khái niệm không giới hạn về tính vĩ đại của chính họ, họ lấy làm hài lòng khi nghĩ rằng phía những người Âu Châu phải bày tỏ một sự tôn kính cao xa đối với họ trong mọi nỗ lực tiến tới quan hệ thân thiện với họ.
Tôi muốn kính trình với Ngài rằng đường biển duyên hải chạy dài tại vùng biển Trung Hoa nằm dưới quyền cai trị của dân tộc này, mà việc chuyên chở bằng tàu của chúng ta, cùng với công cuộc hải vận của các dân tộc khác, bắt buộc phải tiếp cận với hải lộ này khi vãng lai vùng biển Trung Hoa, tại bất kỳ phần đất nào trong đó sinh mạng của các công dân của chúng ta có thể bị phát lộ và phải chịu hy sinh, hay những người bị cầm tù; và để bảo vệ chống lại các lề lối như thế, điều tuyệt đối cần thiết để có an ninh là một sự biểu tỏ trực tiếp về sự đối xử thân thiện về phía họ. Để đạt được sự an toàn mong muốn này, tôi nghĩ cần phải đưa ra một yêu cầu chính thức với Huế, cùng với một lực lượng vũ trang có khả năng cưỡng hành yêu cầu này. Nhưng, trong ý kiến của tôi, nhiều phần không cần đến một hành vi thù nghịch nào về phía chúng ta, với việc tin tưởng rằng sự xuất hiện của ba chiến thuyền trong các hải phận đó sẽ đủ để đạt được mọi điều có thể được yêu cầu một cách hợp lý nơi họ. (17)
Trong một lá thư gửi thẳng lên Tổng Thống đề ngày 15 tháng Mười Hai, 1851, trong đó Balestier biện luận cho lời xác định xin bồi hoàn các chi phí mình đã chi tiêu trong phái bộ không thành công của mình, ông đã lượng giá một cách khập khiễng các lý do cho sự thất bại của ông tại Cochinchina:
Về kết quả của cuộc thăm viếng của tôi tại Cochin China, Xiêm La & Borneo, tôi xin được nói thêm rằng sự thất bại của tôi về việc [đạt] một hiệp ước với Cochin China nảy sinh từ một sự quyết tâm đã xác định trước của Chính Phủ của xứ đó là không chịu thương thảo, về ngoại giao hay thương mại, với các nước Âu Châu bởi có các xúc phạm sau đó đi cùng với việc chuyên chở bằng tàu và thương mại của họ (các nước Âu Châu).”/-
***
CHÚ THÍCH:
1. Văn Khố Bộ Ngoại Giao, Phòng Đọc Vi Phim, Văn Khố Quốc Gia, Washington, D.C., Thư của Joseph Balestier gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao Forsyth, ngày 3 tháng Tám, 1837.
2. Cùng nơi dẫn trên, Các Thư Tín Của Lãnh Sự Singapore, Singapore Consular Letters, I.
3. Cùng nơi dẫn trên.
4. Jean Chesneaux, Contribution à l’Histoire de la Nation Vietnamienne, Paris: Editions Sociales, 64 Bd. Auguste-Blanqui, 1955, trang 95.
5. D.G.E. Hall, A History of Southeast Asia, 3rd ed., New York: St. Martin’s Press, các trang 644-646. Sự tường thuật của Hall cho thấy cuộc biểu dương lực lượng của Mỹ đặt Hoàng Đế Thiệu Trị vào một tình trạng khó xử về mặt chính trị nội bộ khiến Nhà Vua phải phản ứng. “Thống Đốc Butterworth, trong một lá thư đề ngày 13 tháng Ba 1847, đã báo cáo lên Chính Phủ Anh Quốc tại Ấn Độ rằng các thương thuyền mậu dịch đến từ Cochin China đã mang lại sự cáo tri về các quy điều nghiêm ngặt mới chống lại ngoại kiều ở đó, và rằng ông đã nói với vị quan lại phụ trách ngoại kiều là ‘vương triều Anh Quốc sẽ lấy làm bất mãn’ nếu họ cưỡng bách áp dụng đối với các kiều dân nước Anh. ‘Viên quan lại’, ông viết tiếp, tức thời cho tôi hay rằng các quy điều phát sinh từ cuộc thăm viếng vịnh Turon (Đà Nẵng) của chiến thuyền Constitution của Hoa Kỳ, khi chiếc thuyền đó bắn súng vào thành phố và giết chết nhiều cư dân, bởi lời yêu cầu của vị chỉ huy chiếc thuyền đòi giao trả một giám mục truyền giáo người Pháp, khi đó đang ở trong tù, cho viên thuyền trưởng, đã không được thi hành. Và rằng các sự hạn chế nêu ra phải được nhìn như một phần chính sách về phía Nhà Vua, kẻ lo ngại để biểu lộ cho thần dân của Ngài rằng sự sỉ nhục đối với Nhà Vua sẽ không được bỏ qua mà không có sự phản bác …’ “
6. Joseph Buttinger, The Smaller Dragon: A Political History of Vietnam, New York: Praeger, 1958, trang 391, chú thích số 17.
7. August Haussman, Voyage en Chine, Cochinchine, Inde, et Malaisie, 1848, quyển ii, các trang 376-377, như được trích dẫn bởi Georges Taboulet, trong quyển La Geste Francaise en Indochine, Paris: Maisonneuve, bộ I, trang 365.
8. Xem Phụ Lục D, văn bản của lá thư của Percival đề ngày 21 tháng Sáu gửi Bộ Trưởng Hải Quân. Được sao chép lại cùng với các tài liệu đính kèm, từ Văn Khố Hải Quân, Các Thư Tín gửi Bộ Trưởng Hải Quân từ các Thuyền Trưởng, Văn Khố Quốc Gia, Ban vi phim,
9. Cùng nơi dẫn trên.
10. Cùng nơi dẫn trên, thư của Percival gửi Bộ Trưởng Hải Quân, đề ngày 26 July 1845, cùng với tài liệu đính kèm.
11. Bất kể các sự kiện liên hệ đến hành động của Percival tại vịnh Đà Nẵng ra sao, có điều chắc chắn là hai năm sau đó, năm 1847, một lực lượng hải quân Pháp đã tấn công và triệt hủy năm tàu chiến mộ6 buồm của Cochinchina tại cùng vịnh đó, cũng viện cớ đòi phóng thích các linh mục người Pháp bị giam cầm bởi Nhà Vua. Một bản tường thuật về hành động này được ghi trong Điện Văn số 80, ngày 1 tháng Năm, 1847, từ Sứ Thần Hoa Kỳ tại Trung Hoa, A. H. Everett gửi lên Bộ Trưởng Ngoại Giao James Buchanan, Văn Khố Bộ Ngoại Giao.
12. Balestier tiếp tục nỗ lực vận động Hoa Thịnh Đốn giao cho ông một sự cử nhiệm như thế. Thí dụ, ông đã viết một lá thư gửi lên Bộ Trưởng Ngoại Giao James Buchanan đề ngày 15 tháng Mười, 1848, khi đang ở Hoa Thịnh Đốn, nêu lên trường hợp của ông.
13. Văn Khố Bộ Ngoại Giao, Special Missions I, các trang 292-296. Chỉ thị cung cấp một cái nhìn tuyệt hảo về tổng quan chính sách của Hoa Kỳ đối với vùng Đông Nam Á hồi giữa thế kỷ thứ 19. Chỉ thị này cũng bao gồm sự đề cập đầu tiên về mục tiêu thiết lập một sự hiện diện lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam.
14. Senate Documents 618 (29-38), 32nd Congress, 1st Session, 1851-2, vol. 7 of 16 vols. Doc. 38, “Report of Joseph Balestier to Secretary of State,” 25 November 1851, các trang 3-5.
15. Bản tường thuật này dựa theo các báo cáo của Balestier gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao Daniel Webster, Senate Documents, cùng nơi dẫn trên, các trang 3-8.
16. Về các báo cáo chi tiết của Balestier liên quan đến sứ bộ sang Cochinchina của ông ta, xem Senate Documents, cùng nơi dẫn trên, các trang 37-46.
17. Cùng nơi dẫn trên, thư của Balestier gửi lên Bộ Trưởng Ngoạ Giao, đề ngày 19 tháng Ba năm 1850.
18. Văn Khố Bộ Ngoại Giao, Singapore Consular Letters.
***
PHỤ LỤC:
Ngoài hai Phụ Lục nguyên thủy, người dịch có bổ sung thêm hai tài liệu để tiện việc tham khảo.
Phụ Lục 1: Thư gửi Bộ Trưởng Hải Quân từ Thuyền Trưởng John Percival
Trên Chiến Thuyền U.S.S. Frigate Constitution
Ngoài khơi đảo Whampoa Island (Trung Hoa)
Ngày 21 tháng Sáu, 1845
Thưa Ngài Bộ Trưởng,
Trong văn thư của tôi gửi về Bộ đề ngày 10th inst. [trong nguyên văn, không rõ nghĩa, chú của người dịch], tôi đã tự nhủ một cách nghiêm ngặt rằng tôi phải, ngay vào lúc có cơ hội thích đáng đầu tiên, viết một báo cáo đặc biệt về một sự việc đã xảy ra tại vịnh Touron (Đà Nẵng), thuộc xứ Cochinchina [Việt Nam ngày nay, chú của người dịch]. Sự vụ diễn ra như sau.
Vào ngày 14 tháng Năm, bốn ngày sau ngày cập bến của tôi tại hải cảng đó, một loạt chào với sáu khẩu súng đã được trao đổi, tôi đã tiếp đón một cuộc thăm viếng của các giới chức thẩm quyền của thành phố Touron (Đà Nẵng). Họ có biểu diễn một vài đám rước nhỏ như thường được cử hành bởi những quan chức này trong những dịp như thế, đã được đón nhận với phép lịch sự và được đối xử một cách tử tế và ân cần. Sau khi ở lại trên boong tàu một lúc, họ tỏ ý muốn được khảo sát những sự sắp xếp v.v… của con thuyền, và một sĩ quan đã được chỉ định để đi với họ.
Một vài phút trôi qua, một người trong bọn họ quay lại, và với sự lo sợ không nhỏ, đã trao cho tôi một lá thư mở ngỏ, và ra dấu hiệu rằng nếu bị phát hiện ông ta sẽ mất đầu. Sau khi phái đoàn đã rời khỏi con tàu, lá thư đã được phiên dịch (thư được viết bằng tiếng Pháp) và được nhận ra là để gửi cho vị Đô Đốc người Pháp. (Xem bản sao đính kèm đánh dấu chữ D).
Tôi tin rằng nếu có bất kỳ điều gì có thể được làm để ngăn chặn thảm họa đang trực chờ chụp lên vị Giám Mục, nó sẽ phải được thực hiện tức thời. Sự khích động lớn lao tràn ngập khắp Chiến Thuyền, được ghi ra nơi phần cước chú của lá thư, là phần duy nhất mà theo đó tôi đã hành động. Điều khiến tôi lo ngại nhất là việc quyết định tôi có thể tiến hành đến mức độ nào, và không vượt quá các giới hạn của nghĩa vụ trong sự tranh đấu chống lại việc hành hạ con người trên một thần dân của một Dân Tộc đã liên kết với chúng ta bởi các mối ràng buộc của các sự quy định theo hiệp ước và những hành vi tuy đã qua nhưng chưa quên được từ lòng tử tế trong thời buổi sơ sinh của đất nước chúng ta. Đây là một trường hợp mà tôi biết là chưa từng xảy ra, nhưng tin tưởng rằng tình cảm quảng đại là một đặc tính nổi bật của Chính Phủ chúng ta, và rằng cách hành xử gây ảnh hưởng của nó thông qua các nhân viên của Chính Phủ trong mục đích nhân đạo là khuôn mẫu của các tập quán và năng lực đạo đức của nó từ ngày chấp nhận Hiến Pháp Liên Bang. Tôi đã có các nỗ lực để gây ảnh hưởng đến việc phóng thích Giám Mục Dominique Lefevre, một thần dân nổi tiếng của nước Pháp.
Cảm tưởng của tôi là mọi quốc gia đều có quyền ấn định sự giao tiếp của chính mình với các nước khác, không khước từ lẫn nhau các đặc quyền thích đáng và công bằng, trong một phương cách sao cho có lợi nhất cho quyền lợi và sự thịnh vượng của chính quốc gia mình. Tuy nhiên, về phương diện đối với các ngoại kiều, đặc biệt những người được mời để cư trú trong lãnh thổ của mình, và để giảng dạy người dân mình về nghệ thuật, khoa học và tôn giáo, mọi Quốc Gia, có vẻ đối với tôi, đều có một nghĩa vụ tinh thần là phải đối xử với họ với sự kính trọng, tử tế và nhân đạo trong thời gian cư trú của những người đó; bất kỳ sự can thiệp nào bằng việc truy nã thông thường đối với những người khách được mời đến như thế, về phía một Quốc Gia, đối với tôi là một sự hành xử quyền hành khắc nghiệt, và còn kết án tử hình các ngoại kiều mà không có sự trần tình và không được biện hộ, bởi một tòa án độc đoán, thì không phù hợp với quy luật đạo đức mà mọi quốc gia đều bị chi phối.
Nếu một quốc gia mời và cho phép các ngoại kiều nhập nội lãnh thổ của mình, nó buộc phải tôn trọng các quyền như thế, chừng nào các khách mời vẫn hoạt động một cách ôn hòa; nếu trong sự phá bỏ thiện chí, quốc gia đó tiến hành việc trừng phạt các ngoại kiều nhằm trả thù trong khi không có sự vi phạm luật lệ nào, chính quốc gia đó phải chịu trách nhiệm một cách sòng phẳng về hành động của mình, đặc biệt nếu đó là một quốc gia bán khai và từ chối không ký các hiệp ước hay không có các giao tiếp xã hội với các quốc gia khác trên thế giới.
Chắc chắn đã phát sinh trong tư tưởng của tôi là mình sẽ phải tiến bước đến đâu, nếu vị Giám Mục Khả Kính đó là một công dân Hoa Kỳ, đối với lời kêu cứu của một người Hoa Kỳ đang bị cưỡng bức cầm tù, đang rên xiết dưới xích xiềng, đã vạch ra cho tôi một con đường duy nhất (theo tôi nghĩ) để một sĩ quan Hoa Kỳ theo đuổi, và đó là con đường giải thoát vị giám mục đó bất chấp mọi khó khăn. Tôi đã xem xét lại các chỉ thị cho tôi để tự xác minh: mức độ mà quý Bộ có thể có cùng quan điểm mà tôi trích dẫn dưới đây là điều làm tôi lo âu rất nhiều:
“Mọi sự khích lệ và trợ giúp trong thẩm quyền của ông sẽ được cung cấp [để hỗ trợ] cho nền Thương Mại Hoa Kỳ và các công dân Hoa kỳ cùng công dân của các quốc gia thân hữu mà ông có thể gặp mặt trong suốt các hải trình của mình.”
Các động lực ảnh hưởng đến tôi đều có tính cách nhân đạo, được thi hành vì tình đồng loại đang bị đau khổ, để trợ giúp một thần dân của một Dân Tộc thân thiện từ lâu với Hợp Chúng Quốc. Nếu tôi có sai lạc, đó là một lỗi lầm trong sự suy nghĩ chứ không phải trong tình cảm, vốn luôn luôn được cống hiến cùng với bầu nhiệt huyết cao đẹp nhất cho danh dự và sự thịnh vương của đất nước tôi.
Tôi kính mong Bộ lưu tâm đến các văn kiện đính kèm, đã được chuyển đến vị Đô Đốc người Pháp, bao gồm một bản trình bày trung thực các sự việc như chúng đã xảy ra, cũng như về thông tin về tình trạng người công dân của nước ông ta. Tôi hay biết rằng sau đó ông ta đã tiến hành đến vịnh Đà Nẵng để thực hiện sự phóng thích Giám Mục Lefevre.
Tôi kính đệ trình hành động của tôi và các động lực thúc đẩy tôi theo đường lối mà tôi đã theo đuổi, lên các Thẩm Phán của Bộ [xem xét].
Tôi hân hạnh được là một Công Bộc trung thành của Ngài,
Kính chào với lòng tôn kính sâu xa nhất,
Thuyền Trưởng PERCIVAl,
Chuẩn Tướng Chiến Hạm Constitution của Hoa Kỳ
Kính gửi:
Ngài Bộ Trưởng Hải Quân,
Washington, D.C.
***
Phụ Lục 2: Báo Cáo của ông Balestier gửi Bộ Trưởng Ngoại Giao,
Trên Chiến Thuyền Plymouth,
Ngày 19 tháng Ba, 1850
Thưa Ngài: Tôi hân hạnh đính kèm bản ghi nhớ một cuộc họp diễn ra ngày 13 tháng Ba cùng với Quan Tổng Đốc tỉnh Quảng nam tại vịnh Đà Nẵng. Ngài sẽ nhận thấy, khi xem xét kỹ lưỡng văn kiện đó, rằng lý cớ được dùng để không tiếp nhận lá thư của Tổng Thống gửi Quốc Vương Cochin China dựa trên giả thuyết rằng không có người dân nào bị sát hại bởi các nhân viên chiến hạm Constitution của Hoa Kỳ, như được mô tả trong lá thư, nên lá thư không được chính xác, và không thể được đệ trình hay được đọc bởi Nhà Vua, bất kể lá thư có thể chứa đựng các điều khác nữa. Thế nhưng sự sai lạc được đưa ra này là một lý cớ thoái thác thuận tiện, được trình bày mà không cần đưa ra sự việc cụ thể nào khác, chẳng hạn như về hình thức, hay kiểu cách, hay cách xưng hô, trong bản dịch sang tiếng Trung Hoa vốn dĩ được soạn thảo một cách rất hoàn chỉnh bởi Tiến Sĩ Parker, theo các nghi thức của triều đình Bắc Kinh, đến nỗi nó không thể bị tranh nghị vào đâu được.
Về lý cớ thoái thác được nhấn mạnh theo mệnh lệnh từ Huế, như tôi đã thông báo trước đây, thì hoàn toàn giả dối, theo sự thú nhận từ một thông dịch viên bản xứ và các quan chức cấp thấp quanh Đà Nẵng, những người đã hơn một lần cho hay rằng những gì mà lá thư của Tổng Thống diễn tả đều đúng hết, nhưng bởi có các mệnh lệnh từ Huế là phải phủ nhận biến cố và cùng lúc khước từ tiếp nhận lá thư.
Tôi tin tưởng vững chắc rằng, bằng cách phản bác sự phủ nhận của Tổng Thống về hành vi xúc phạm, họ xem là họ sẽ được tự do trút sự trả thù lên các công dân của chúng ta chẳng may rơi vào tay họ như thế, với việc không hứa hẹn với chúng ta một đường lối thân thiện. Tôi bắt buộc phải cảm thấy, như hơn một lần tôi đã có hân hạnh được nhận thấy nơi Ngài khi đối thoại, rằng không gì vô vọng cho việc nỗ lực để thương thảo nghiêm chỉnh với một dân tộc không thực tế như thế, nếu không có một sức mạnh kiềm chế trong tay. Giả sử tôi đã đi cùng một hạm đội có ba chiếc thuyền thay vì một chiếc thuyền duy nhất, và đã đi tới cửa con sông, chỉ còn cách kinh đô vài dặm, sau khi các cố gắng của tôi đã thất bại trong cuộc thương thuyết tại Turong (Đà Nẵng), tôi chắc không còn nghi ngờ gì về cung cách mà tôi sẽ được đón tiếp, và sự tôn trọng đối với lá thư của Tổng Thống.
Tôi xin phép Ngài để nhận xét rằng người Cochinchina giống như mọi dân tộc bị cô lập và không hiểu biết khác, mang đầy những tham vọng cá nhân hão huyền và tính tự phụ trẻ con – khi tự hạ mình làm nô lệ và phục tùng một cách hèn hạ trước vị chúa tể và các thượng cấp, họ đã hoàn toàn không đếm xỉa đến các quyền hạn và cảm nghĩ của các kẻ khác, và, trong khái niệm không giới hạn về tính vĩ đại của chính họ, họ lấy làm hài lòng để nghĩ rằng phía những người Âu Châu phải bày tỏ một sự tôn kính cao xa đối với họ trong mọi nỗ lực muốn tiến tới quan hệ thân thiện với họ.
Tôi muốn kính trình với Ngài rằng đường biển duyên hải chạy dài tại vùng biển Trung Hoa nằm dưới quyền cai trị của dân tộc này, mà việc chuyên chở bằng tàu của chúng ta, cùng với công cuộc hải vận của các dân tộc khác, bắt buộc phải tiếp cận với hải lộ này khi vãng lai vùng biển Trung Hoa, tại bất kỳ phần đất nào trong đó sinh mạng của các công dân của chúng ta có thể bị phát lộ và phải chịu hy sinh, hay những người bị cầm tù; và để bảo vệ chống lại các lề lối như thế, điều tuyệt đối cần thiết để có an ninh là một sự biểu tỏ trực tiếp về sự đối xử thân thiện về phía họ. Để đạt được sự an toàn mong muốn này, tôi nghĩ cần phải đưa ra một yêu cầu chính thức với Huế, cùng với một lực lượng vũ trang có khả năng cưỡng hành yêu cầu này. Nhưng, trong ý kiến của tôi, nhiều phần không cần đến một hành vi thù nghịch nào về phía chúng ta, với việc tin tưởng rằng sự xuất hiện của ba chiến thuyền trong các hải phận đó sẽ đủ để đạt được mọi điều có thể được yêu cầu một cách hợp lý nơi họ.
Tôi hân hạnh phục vụ như một công bộc trung thành của Ngài.
J. Balestier
Kính gửi Ngài J.M. Clayton
Bộ Trưởng Ngoại Giao
***
Bản ghi nhớ cuộc họp của Ngài Phái Viên và Sứ Thần Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ tại vùng Đông Nam Á, và Tổng Đốc tỉnh Quảng Nam, tại thành phố Đà Nẵng, vào ngày 13 tháng Ba năm 1850.
Vào giờ khắc sớm sủa sáng nay các quan chức địa phương của Đà Nẵng đã lên Chiến Thuyền Plymouth của Hợp Chúng Quốc để gặp Đại Tá T.R. Gedney, nhằm thông báo cho Đặc Sứ rằng quan Tổng Đốc tỉnh Quảng nam đã đến thành phố, và rằng ông ấy mong muốn được gặp Đặc Sứ trên bờ.
Đặc Sứ đã phúc đáp rằng, cuộc thăm viếng đầu tiên phải là việc của quan Tổng Đốc, bởi ông từ phương xa đến đây để mang một lá thư của Tổng Thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ gửi Quốc Vương nước An Nam; và, hơn thế nữa, đây là một hành vi của phép lịch sự đối với một người ngoại quốc, và là điều đã từng được thực hiện đối với các nhân viên ngoại giao trong những dịp trước đây tại địa điểm này.
Các quan chức Cochin China nói rằng đúng là thủ tục đã diễn ra như thế trong các thời điểm trước đây, nhưng trong ba năm qua các mệnh lệnh mới đã được ban hành, cấm đoán các quan chức cao cấp của chính phủ được thăm viếng tàu thuyền ngoại quốc.
Sau một cuộc thảo luận kéo dài về điểm này, hiểu được là không có ích lợi nào từ những quan chức không thể có ý kiến riêng của họ được, và không có thẩm quyền quyết định nào dành cho họ, ông đặc sứ, để ngăn chặn việc mất thời giờ hơn nữa, vì mười sáu ngày đã trôi qua, quyết định sẽ làm theo lời yêu cầu của họ, và, được tháp tùng bởi Chuẩn Tướng Voorhees, người được mời tham dự buổi tiếp xúc, đã đi tới tòa thị chính, địa điểm tiếp kiến thường lệ.
Phụ Lục 3 (bổ sung bởi người dịch):
Người dịch xin bổ sung trong Phụ Luc 3 này bức thư đề ngày 16 tháng Tám năm 1849, được viết bởi Tổng Thống Hoa Kỳ Zachary Taylor gửi cho Nhà Vua Việt nam khi đó (vua Thiệu Trị). Ngoài lời văn lủng củng, có chỗ không đúng văn phạm, nội dung bức thư cho thấy có lẽ đây là một quốc thư ngoại giao kỳ quặc, “không có tính cách ngoại giao” như được hiểu ngày nay .
[Tổng Thống Hoa Kỳ Zachary Taylor đã viết thư vào tháng Tám, 1849 cho Nhà Vua Anam [trong nguyên văn, chú của người dịch] để trả lời về cuộc tấn công hồi tháng Năm, 1845 của chiến thuyền USS Constitution và Thuyền Trưởng John Percival tại Đà Nẵng và đe dọa khai chiến nếu Nhà Vua Việt Nam không chấp nhận lời xin lỗi!]
Zachary Taylor,
Tổng Thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ,
Kính gửi Nhà Vua nước An Nam Huy Hoàng,
Kính gửi Người Bạn Tốt và Vĩ Đại,
Tôi xin gửi đến Ngài, người anh em của tôi, Quốc Vương Vĩ Đại và Uy Nghiêm của xứ Anam [trong nguyên văn, chú của người dịch] lòng yêu mến và hảo ý, trong lá thư này, được trao bằng tay bởi ông Joseph Balestier, vị Phái Viên trung thành và thân tín của tôi, Sứ Thần Đông Nam Á, là người mà tôi đã chỉ thị rõ ràng là phải trao thư đến tận tay Hoàng Thượng, hầu Ngài có thể hiểu được rằng tôi lấy làm buồn phiền biết bao khi nghe thấy chuyện viên Thuyền Trưởng của một trong những chiến thuyền của nước tôi, đã tự ý cư xử sai trái, bốn năm trước đây, (tôi mới chỉ được nghe thấy câu chuyện một cách chậm trễ, lần đầu tiên, bởi xứ sở của Ngài quá xa xôi với đất nước của tôi,) qua việc cho binh lính từ chiếc thuyền của ông ta đổ bộ lên Vịnh Toorong [trong nguyên văn, tức vịnh Đà Nẵng, chú của người dịch], và nổ súng vào dân chúng của Ngài, làm chết và bị thương một số người trong họ. Tôi đã ra lệnh mở một phiên tòa để điều tra về người thuyền trưởng này và áp dụng mọi biện pháp mà công lý sẽ đòi hỏi tiếp theo đó. Và làm sao mà y lại có thể làm như thế, một khi y biết được rằng, các chiến thuyền và thương thuyền của tôi luôn luôn được đón nhận trong tình hữu nghị tại Anam (trong nguyên văn, chú của người dịch], và rằng tấm lòng của chính tôi lúc nào cũng ở cùng bên với Ngài và nhân dân của Ngài, người anh em của tôi!
Viên Thuyền trưởng đó có thể đã không được bình thường khi ông ta làm như thế. Tôi lấy làm buồn phiền, và tôi đau lòng vì sự xúc phạm đến tình hữu nghị của chúng ta, và nay tôi phải vội vã gửi thư này đến Ngài để Ngài thấu hiểu cho tấm lòng của tôi.
Hoa Kỳ, Đất Nước tôi, rất lớn rộng, rất vĩ đại: Tôi có rất nhiều chiến hạm và thương thuyền. Hiện nay tôi giao hảo trong hòa bình với toàn thế giới, và người dân tôi thì lương hảo và hiếu hòa, và tại Trung Hoa cùng Xiêm La, nơi mà mọi năm, nhiều người trong họ tham gia vào việc mậu dịch, họ rất lấy làm thích thú, và trái tim của tôi sẽ lấy làm hân hạnh rằng, giờ đây, Ngài hiểu rằng tôi không chấp thuận hành động xấu xa của bất kỳ kẻ nào chỉ huy một trong những chiến thuyền của tôi, [xin] Ngài sẽ quên đi những gì là quá khứ, và đón nhận các thuyền tàu, và người dân của chúng tôi, như trước, để buôn bán, và Ngài có thể an tâm rằng Ngài sẽ chẳng bao giờ có nguyên do để lại phải phàn nàn nữa.
Tôi đã tự trải tấm lòng của tôi ra với Ngài, vị Hiền Hữu của tôi, bởi vì tôi là một người công bình và lương hảo, tôi hy vọng Ngài sẽ lắng nghe những lời làm lành của tôi, và [xin] đừng nghĩ đến việc trả thù, trên người dân vô tội, của dân tộc tôi, cho tội lỗi gây ra bởi những kẻ làm trái với các mệnh lệnh của tôi. Giờ đây tôi không thể làm điều gì khác hơn nữa.
Thế nhưng, tôi phải thông tri cho Ngài hay biết rằng, nếu Ngài, hay các quan chức của Ngài, tự mình tìm cách trả thù trên những người dân Hoa Kỳ, cho sự việc cần quên đi và tha thứ sau khi lá thư của tôi đến được tay Ngài, khi đó, Ngài sẽ buộc tôi phải gửi các chiến thuyền, các pháo hạm, và binh lính đến Anam [trong nguyên bản, chú của người dịch] để yêu cầu Ngài giải thích lý do tại sao Ngài lại quá hận thù về điều mà giờ đây không thể làm gì hơn được, và Ngài sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả không tốt {(?) phần nhấn mạnh đựợc bố túc bởi người biên tập trong nguyên bản, không phải của người dịch]
Thật vô cùng đáng tiếc rằng Sứ Bộ sang Phương Đông trước đây của chúng tôi, dẫn đầu bởi [Đặc Sứ] Edmund Roberts, được phái đi bởi chính phủ này hồi năm 1835, để mở mang các quan hệ thương mại hữu nghị với Ngài, đã không cho thấy đạt được sự thành công như mong muốn, nhưng giờ đây vẫn chưa quá trễ. Tôi tin tưởng rằng, việc đặt các quan hệ đó trên căn bản khả dĩ tốt đẹp nhất, và từ đó, để phát huy mối giao tiếp hòa hài giữa hai Xứ Sở, và việc mở rộng đến mức độ có lợi nhất cho cả đôi bên, [sẽ mang lại] lợi ích mậu dịch và thương mại. Đây là mong ước thành thật và nhiệt tình của chúng tôi, và ông [Đặc Sứ] Balestier đã được chỉ thị phải làm mọi điều trong thẩm quyền của ông để hoàn thành.
Xin cầu nguyện Hoàng Thiên của Ngài, và Thượng Đế của tôi, ngăn cản việc đổ thêm bất kỳ giọt máu nào nữa giữa dân tộc của Ngài và dân tộc của tôi, thưa Ngài Huynh Đệ của tôi.
Hiền Hữu của Ngài,
Z. Taylor,
Thừa lệnh Tổng Thống,
John M. Clayton
Bộ Trưởng Ngoại Giao
Thành Phố Hoa Thịnh Đốn, ngày 16 tháng Tám, năm 1849.
—-
Nguồn: Communications to Foreign Sovereigns and States, Vol. 2, pages 114-117. Dept. of State, Records Group 59, National Archives, Diplomatic Branch
***
Phụ Lục 4 (bổ sung bởi người dịch):
Ủy Nhiệm Thư cử ông Joseph Balestier làm Đặc Phái Viên của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ
Tổng Thống Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ,
Kính gửi: Đức Hoàng Thượng, Quốc Vương An Nam,
Thưa Vị Hiền Hữu Vĩ Đại,
Tôi đã tuyển chọn ông Joseph Balestier, một trong những công dân xuất sắc của chúng tôi, để giao dịch, với tư cách Đặc Phái Viên của Hợp Chúng Quốc, công việc quan trọng với Đức Hoàng Thượng. Tôi cầu xin Đức Hoàng Thượng hãy bảo vệ cho ông ta trong việc thi hành các nhiệm vụ đã được giao phó cho ông ta, và đối xử với ông ta bằng sự tử tế và tín nhiệm, đặt hoàn toàn sự tin tưởng nơi những gì ông ta sẽ nói với Ngài nhân danh nước chúng tôi, và đặc biệt khi ông [Đặc Phái Viên] sẽ lập lại các sự bảo đảm cho tình hữu nghị tuyệt hảo và thiện chí của chúng tôi đối với Hoàng Thượng.
Tôi cầu nguyện xin Thượng Đế luôn phù hộ sự an toàn và bảo vệ cho Ngài, Vị Hiền Hữu Vĩ Đại.
Lập tại Thành Phố Hoa Thịnh Đốn, ngày Mười Sáu tháng Tám, năm một nghìn tám trăm bốn mươi chín sau dương lịch, tức năm thứ Bảy mươi tư sau ngày Độc Lập của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.
Z. Taylor,
Thừa lệnh Tổng Thống,
John M. Clayton,
Bộ Trưởng Ngoại Giao
Nguồn: Robert Hopkins Miller, The United States and Vietnam, 1787-1941, National Defense University Press, Fort Lesley McNair, Washington D.C., 20319
Ngô Bắc dịch