Vì sao bản “kế hoạch thế kỷ” có nguy cơ chết yểu?

Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về vấn đề Trung Đông, ông Jason Greenblatt vừa cho biết, Washington có thể trì hoãn công bố kế hoạch hòa bình Trung Đông, mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là “kế hoạch thế kỷ”. Thời gian trì hoãn dự kiến tới tháng 11 năm nay.

Sau những gì đang diễn ra, nhiều nhà phân tích nhận định, giống như hầu hết các dự thảo chính sách trước kia từng “phớt lờ” các yếu tố lịch sử, khả năng cái gọi là kế hoạch Trump – Kushner sẽ “chết yểu” là rất cao.


Người dân Palestine biểu tình phản đối Kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Ảnh: Washington Post.

Miếng mồi kinh tế và bế tắc chính trị

Kế hoạch hòa bình Trung Đông được Mỹ xây dựng trong hơn 2 năm qua, do cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner và Đặc phái viên Greenblatt, chủ trì. Kế hoạch gồm hai phần là kinh tế và chính trị nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Tuy nhiên, đến nay chính quyền Palestine vẫn không chấp nhận kế hoạch này do cho rằng nó “thiên vị” Israel.

Giải thích thêm về nguyên nhân trì hoãn, ông Greenblatt nói, nhóm xây dựng kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã có thể công bố kế hoạch, nếu Israel không phải tiến hành bầu cử lại quốc hội vào tháng 9 tới. Ngoài ra, Đặc phái viên Greenblatt cho biết thêm, vẫn còn nhiều nước Arab không ủng hộ Israel.

Về “miếng mồi” kinh tế, theo kế hoạch, Mỹ và Bahrain sẽ tổ chức hội nghị kinh tế ở Bahrain vào ngày 25 và 26-6 để thảo luận về hỗ trợ kinh tế Palestine. Hội nghị có sự tham dự của Ai Cập, Marocco, Jordan, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar. Israel cũng sẽ cử một phái đoàn doanh nghiệp tham dự.

Trong khi đó, chính quyền Palestine kịch liệt phản đối và kêu gọi các nước Arab tẩy chay hội nghị cũng như bác bỏ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ. Nhà Trắng muốn khởi động phần đầu tiên của kế hoạch hòa bình Trung Đông, trong đó bao gồm việc khuyến khích đầu tư vào khu vực Bờ Tây, Dải Gaza và trên toàn khu vực này nhằm chia sẻ ý tưởng, thảo luận chiến lược và hỗ trợ cho các sáng kiến và đầu tư kinh tế tiềm năng mà có thể thực hiện được bằng một thỏa thuận hòa bình.

Về phần kinh tế thì đã rõ nhưng về phần chính trị, rõ ràng Mỹ và các đối tác đang vấp phải những bế tắc khó có thể giải quyết ngay. Đây là lý do chính việc Mỹ chưa thông báo thời điểm công bố phần chính trị trong Kế hoạch hòa bình Trung Đông. Đặc biệt, đúng vào thời điểm có tin đồn cùng những động thái có thật về việc Mỹ có kế hoạch đưa hàng chục nghìn quân tới Trung Đông, đã gây ra những phản ứng tiêu cực ở khu vực vốn cực kỳ nóng bỏng và nhạy cảm này.

Dù Tổng thống Donald Trump luôn có quan điểm phản đối sự can dự của Mỹ vào các cuộc chiến tranh bên ngoài lãnh thổ, song căng thẳng giữa Washington và Tehran những tuần gần đây đã đặt ra câu hỏi về việc chính quyền Mỹ có chuẩn bị cho một cuộc xung đột quân sự hay không? Những dấu hiệu về việc chuyển quân ngày càng rõ ràng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi cuối tháng 5 tuyên bố sẽ cử khoảng 1.500 binh sĩ Mỹ tới Trung Đông, chủ yếu như một biện pháp phòng vệ.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc tuyên bố cơ quan này đang trình Nhà Trắng kế hoạch điều thêm 10.000 binh sĩ Mỹ đến Trung Đông. Cũng theo nguồn tin này, các binh sĩ được đề nghị điều động bổ sung sẽ phục vụ mục đích phòng thủ cùng các khẩu đội tên lửa Patriot và tàu chiến ở khu vực này.

Việc điều quân của Mỹ tới Trung Đông ngay lập tức vấp phải sự phản đối của các nước trong khu vực. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: “Việc Mỹ tăng cường sự hiện diện tại khu vực này là rất nguy hiểm và là mối đe dọa cho nền hòa bình và an ninh quốc tế”. Người dân Palestine cũng phản đối quyết liệt việc đưa quân và kế hoạch hòa bình do Mỹ “thiết kế”.

Đảng Fatah của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết các phe phái của chính quyền Palestine (PLO) kêu gọi tiến hành một cuộc biểu tình lớn vào ngày 25-6, đúng thời điểm hội nghị kinh tế bắt đầu diễn ra ở thủ đô Manama của Bahrain. Palestine cũng kêu gọi các nước Arab tẩy chay hội nghị của Mỹ vì cho rằng toàn bộ kế hoạch này đã bỏ qua giải pháp hai nhà nước và loại bỏ nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô trong tương lai.


Tổng thống Mỹ Donald Trump, cố vấn Kushner và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Ảnh: Axios.

Palestine và kế hoạch hòa bình Trung Đông

Khi nhắc tới tiến trình hòa bình Arab-Israel, các chuyên gia dự báo, giống như hầu hết các dự thảo chính sách “phớt lờ” lịch sử, cái gọi là kế hoạch Trump – Kushner cũng sẽ “chết yểu”. Bởi kế hoạch Trump -Kushner đưa khu vực này trở về thời chủ nghĩa đế quốc những năm 1930-1940, với những định kiến bài Arab và sự can thiệp mang tính áp đặt của thời kỳ đó.

Với việc tiếp tục đặt Palestine ngoài tiến trình trong khi hứa hẹn tìm kiếm các lợi ích tốt nhất cho họ, kế hoạch này thổi bùng những căng thẳng từng kích động sự hỗn loạn tại khu vực này trong 70 năm qua.

Một vài chi tiết trong dự thảo đã được công bố cho thấy điểm đáng chú ý ở đây là sự thiếu vắng con đường để đưa Palestine trở thành quốc gia độc lập. Điều này không có gì bất ngờ. Chính tinh thần thôi thúc chính quyền Tổng thống Donald Trump công nhận Cao nguyên Golan là một phần của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ sang Jerusalem là nền tảng chính của lộ trình mới này.

Nó cho phép Israel sáp nhập khu tái định cư ở Bờ Tây và thúc đẩy hành động này ở những nơi khác. (Một khu định cư ở Cao nguyên Golan, vừa được công bố, sẽ được đặt tên là “Trump”). Luật lệ của Israel sẽ được mở rộng áp dụng với các khu định cư và các vùng xung quanh và Jerusalem sẽ hoàn toàn thuộc về Israel.

Để đổi lấy quyền tự quyết của Palestine, kế hoạch này đề xuất “đổ nhiều tiền” vào đây. Kế hoạch Trump – Kushner sẽ đảo ngược đường hướng chính sách hiện nay của chính quyền Tổng thống Donald Trump, đó là cắt đứt viện trợ cho Dải Gaza và Bờ Tây. Thay vào đó, kế hoạch này khuyến khích Saudi Arabia và các nước khác chuyển các gói viện trợ khổng lồ vào Palestine.

Đặc biệt, chương trình này không dựa trên các cuộc tham vấn với Palestine – quốc gia bị đứng ngoài các cuộc đàm phán. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa kế hoạch này với quan điểm áp đặt, ủng hộ Israel của giới chính sách đối ngoại Mỹ trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bằng chứng rõ rệt nhất có thể thấy là trong các bài viết trên tờ Foreign Affairs, cơ quan chuyên tuyên truyền những chính sách đối ngoại uyên thâm do Hội đồng Quan hệ đối ngoại soạn ra.

Ngay từ những ngày đầu tiên, Hội đồng Quan hệ đối ngoại đã coi hệ thống lãnh thổ ủy trị của Hội Quốc Liên với khu vực này là cách thức phù hợp nhất để hiện đại hóa những người dân Arab “lạc hậu” dưới sự giám hộ của châu Âu. Quan điểm về sự cần thiết phải truyền bá văn minh cho người dân Arab chi phối các bài viết của Foreign Affairs, buộc các cây viết thể hiện thái độ thay đổi với khu vực nhưng vẫn luôn duy trì tinh thần này.

Trong các bài viết ở thời kỳ chủ nghĩa đế quốc, các tác giả của tờ Foreign Affairs lập luận rằng những người Do Thái sẽ lãnh đạo Palestine trên nền tảng hợp tác và trung lập. Họ sẽ tìm kiếm “sự hòa hợp về kinh tế” với các nước láng giềng, thuê họ làm nhân công thay vì áp đặt sự đô hộ. Nhà nước do người Do Thái lãnh đạo ở Palestine – mà người Arab phải chấp nhận hoặc rời đi – sẽ được thiết lập dựa trên “sự công bằng về quyền lợi cho mọi công dân mà không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo”.

Ngày nay, kế hoạch Trump – Kushner cũng mong muốn có được một nhà nước do người Do Thái lãnh đạo mà ở đó người dân thuộc mọi tôn giáo chung sống hòa hợp. Việc ông Kushner rũ bỏ quá khứ là một phần của vấn đề lớn hơn mà sự trở lại của chủ nghĩa đế quốc gây ra trong lộ trình này của chính quyền Mỹ.

Kế hoạch của ông dựa trên niềm tin rằng sự kiểm soát gia tăng của Israel trong khu vực, cùng với viện trợ phát triển từ bên ngoài, sẽ dẫn tới kỷ nguyên “hiện đại hóa” mới mà không đi kèm các khao khát chính trị của Palestine. Như vậy, kế hoạch hòa bình Trump – Kushner dẫn bước trở lại chủ nghĩa đế quốc ngập tràn trong các bài viết của tờ Foreign Affairs từng kích động sự phản đối gay gắt.

Kế hoạch “ngược”

Trong lúc ông Kushner chuẩn bị trở lại Trung Đông để “quảng bá” cho kế hoạch của chính quyền Tổng thống Donald Trump, chắc chắn rằng Palestine đã sẵn sàng phản đối kế hoạch đó. Palestine, một chủ thể trong kế hoạch này lại không được mời tham gia các cuộc thảo luận. Phía Mỹ cho rằng, chỉ cần có kinh tế, người Palestine sẽ không tranh đấu nữa.

Nếu đó là cách tiếp cận của Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner thì đây sẽ là sự đảo ngược chính sách của Washington, vốn cho đến thời điểm này vẫn tập trung vào việc áp đặt những khó khăn kinh tế đối với Palestine để khiến họ phải chấp nhận những gì mà Kushner gọi là “sự thật”.

Việc Kushner giữ bí mật kế hoạch này đã không cản trở ông Trump công khai kế hoạch vốn được coi là một “thỏa thuận của thế kỷ”. Giai đoạn một sẽ là cuộc gặp “Hòa bình cho thịnh vượng” ở Bahrain. Tại đây, Washington hy vọng các quốc gia Vùng Vịnh sẽ cung cấp khoản đầu tư trị giá 68 tỷ USD cho Palestine, Ai Cập, Jordan và Liban để các nước này dễ dàng chấp nhận “những sự thật” chính trị sau này, tức việc áp đặt những kết quả chính trị không mong muốn như di dời Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem. Chia sẻ với tờ New York Times, giới chuyên gia Trung Đông đã tỏ ra không mấy mặn mà về những triển vọng của kế hoạch.


Người dân Palestine biểu tình phản đối Kế hoạch hòa bình Trung Đông. Ảnh: Foreign Policy.

Chuyên gia Tamara Cofman Wittes cho rằng việc “mua chuộc” sự chấp thuận của Palestine đối với một kết quả chính trị không được tuyên bố “có thể tạo điều kiện để nảy sinh bất kỳ kế hoạch chính trị nào”. Chuyên gia Aaron David Miller cho rằng đây không phải là cách tiếp cận mới mẻ: “Nếu Mỹ đã có thể đem lại hòa bình ở Trung Đông thông qua phát triển kinh tế thì họ đã làm vậy rồi”.

Chuyên gia Robert Satloff kết luận “cách duy nhất để bảo vệ sự tồn tại lâu dài của các khía cạnh tốt đẹp nhất trong kế hoạch của Kushner là khai tử kế hoạch này”.

Kế hoạch hòa bình Trung Đông của chính quyền Tổng thống Donald Trump nghe có vẻ mang nhiều hơi hướng của chính sách đối ngoại theo những cách thức có giới hạn vì những mục đích đã được chấp thuận. Cả đối nội và đối ngoại đều dựa trên cơ sở lập luận rằng chính phủ sẽ thiết lập các điều kiện cho thịnh vượng và đổi lại, người dân phải từ bỏ tự do chính trị. Họ ưu tiên “nhấn mạnh vào các quyền lợi kinh tế hơn là quyền lợi chính trị cá nhân trong quá trình phát triển quy tắc toàn cầu”, như chuyên gia Michael Swaine lập luận.

Dù không phải là chuyên gia lỗi lạc về những triển vọng hòa bình Trung Đông nhưng Quốc vương Jordan Abdullah lại cho rằng nền hòa bình cho khu vực này có thể đạt được. Theo ông, “nền hòa bình duy nhất có thể chấp nhận được sẽ là một nền hòa bình lâu dài và toàn diện dựa trên giải pháp hai nhà nước, dẫn đến một nhà nước Palestine độc lập dựa trên thỏa thuận phân định biên giới ngày 4-6-1967, theo đó Đông Jerusalem là thủ đô của Palestine”.

Thế nhưng, Kushner không làm thế. “Phép thuật” của Kushner dường như dựa vào sự khéo léo lợi dụng vấn đề thịnh vượng (về kinh tế) như một món đồ đáng giá để đánh lạc hướng Palestine trong khi cuốn trôi đi những mong muốn chính trị của họ.

Jared Kushner và nhân viên còn lại của chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như bỏ ngoài tai cảnh báo của nhiều chính khách lão luyện, đó là lý do vì sao kế hoạch hòa bình Trung Đông vừa không khả thi ngay từ đầu, vừa thể hiện sự tồi tệ trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang tại Vùng Vịnh, các chính sách đế quốc và can thiệp của Mỹ là nguyên nhân chính gây ra bất ổn tại Trung Đông.

Những động thái gần đây của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm chống lại Iran đã làm gia tăng “bóng đen” của một cuộc xung đột khác tại Trung Đông – một khu vực vốn đã rất bất ổn. Những động thái này, bao gồm việc tiếp tục củng cố sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực và khôi phục các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt chống Iran, đã dẫn tới tình thế đối đầu quân sự tại Vùng Vịnh.

Selva Tor, một nhà phân tích chính trị người Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ trích việc chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn gắn bó với “các chính sách vốn đã bị mục nát” và từ lâu đã chứng minh là không có tính bền vững, bất chấp những thay đổi kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và các thách thức mà các nền kinh tế đang nổi đặt ra đối với vai trò mang tính quyết định của đồng đôla Mỹ – yếu tố then chốt của “quyền bá chủ” của Mỹ.

Theo nhà phân tích này, bởi vì phải mất một khoảng thời gian dài nữa để tính ưu việt đang dần phân rã của Mỹ sẽ bị phân rã hơn nữa, Washington được cho là sẽ tiếp tục gây ra thêm các cuộc xung đột và bất ổn không chỉ ở Trung Đông mà còn ở các khu vực dễ bị tổn thương khác.

Hoa Huyền/CAND

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN