Viễn cảnh Polexit và ám ảnh tan rã của EU

Trong khi “cuộc ly hôn” giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) gọi là Brexit vẫn chưa đi đến hồi kết thì mới đây Chủ tịch EU Donald Tusk đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ Ba Lan sẽ nối gót nước Anh rời EU.

Theo đó, EU cho rằng những hành động của đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS) đang khiến Ba Lan đi ngược lại những giá trị cốt lõi của Liên minh, đẩy quốc gia này xa rời khỏi EU.

Giới quan sát nhận định, châu Âu ở thời điểm hiện tại có thể không mặn mà giữ chân Ba Lan như đối với Anh. Thế nhưng, viễn cảnh Ba Lan rời bỏ EU, hay Polexit, khiến tổ chức này đứng trước nguy cơ sụp đổ, thậm chí có thể vỡ vụn thành từng mảnh.

Warsaw không nhượng bộ

Ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng Ba Lan rời khỏi EU là rất lớn. EU dường như đã không thể chịu nổi một quốc gia thành viên như Ba Lan vẫn nhận tiền từ Liên minh như một thành viên “gương mẫu” nhưng lại không giúp người dân và nền kinh tế – xã hội thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Chủ tịch Donald Tusk nhận định chính quyền Ba Lan đã và đang âm thầm tìm mọi cách để thuyết phục người Ba Lan rằng với tư cách thành viên EU thì cả hai đã đến lúc phải nói lời tạm biệt. Hiện nay, các chính sách mà Ba Lan đang thực hiện, đặc biệt là cải cách pháp lý, đi ngược với các quy định chặt chẽ của Liên minh châu Âu.

Bản thân Thủ tướng Ba Lan Mateus Moravetsky đã tuyên bố không cần đến sự đồng ý của Liên minh châu Âu để cải cách pháp luật trong nước.

Lực lượng chính trị đương quyền tại Ba Lan không cho thấy có sự nhượng bộ nào đối với EU, coi EU đang quyết làm giảm tính độc lập của chính quyền Ba Lan trong điều hành và quản lý đất nước. Quốc hội Ba Lan đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi nhằm giảm độ tuổi về hưu của các thẩm phán Tòa án Tối cao từ 70 tuổi xuống còn 65 tuổi, khiến 27 trong số 72 thẩm phán phải nghỉ việc sớm.

Chưa hết, Ba Lan chính thức áp dụng Luật Cải cách tư pháp, cắt giảm 1/3 số thẩm phán của Tòa án Tối cao và thay thế bằng các ứng viên do Hội đồng Tư pháp quốc gia – hiện do đảng PiS chi phối – đề xuất. Số lượng thẩm phán cũng được tăng từ 81 lên 120 người nhằm đảm bảo các ứng viên của đảng PiS sẽ chiếm đa số.

Kể từ khi đảng PiS lên cầm quyền từ năm 2015, Chính phủ Ba Lan đã thực hiện nhiều thay đổi táo bạo đối với hệ thống tư pháp nước này. Đảng PiS cũng đã tiến hành giải tán hoặc nắm quyền chi phối các cơ quan tư pháp khác như Tòa án Hiến pháp, Hội đồng Tư pháp quốc gia và các tòa án cấp dưới. Tòa án Tối cao là trụ cột cuối cùng nhằm đảo bảo tính độc lập của hệ thống tư pháp ở Ba Lan.

Nếu sự độc lập của Tòa án Tối cao Ba Lan bị chấm dứt, sẽ không còn cơ chế để kiểm soát việc sử dụng quyền lực cũng như ngăn chặn nguy cơ lạm dụng quyền lực của đảng cầm quyền. Chính sách tập trung quyền lực và chính trị hóa hệ thống tòa án của chính quyền Ba Lan có thể trở thành một trong những vụ vi phạm quy nghiêm trọng nhất trong lịch sử EU.

Các động thái chính trị hóa hệ thống tòa án của giới cầm quyền Ba Lan là diễn biến mới nhất trong tiến trình cải cách theo hướng phi dân chủ ở Ba Lan. Theo EU, điều này làm suy yếu tính độc lập của hoạt động tư pháp và tính thượng tôn pháp luật – hai nguyên tắc nền tảng của EU.

Thế nhưng, Ba Lan luôn bảo vệ quan điểm rằng việc thay đổi bộ máy tư pháp là thuộc về trách nhiệm của mỗi quốc gia và EU không có quyền can thiệp.

Kể từ khi đảng PiS lên cầm quyền từ năm 2015, chính phủ Ba Lan đã thực hiện nhiều thay đổi táo bạo nhằm gia tăng quyền lực.

 

EU ở thế khó

Mâu thuẫn giữa Warsaw và Brussels đang tạo ra vết nứt nguy hiểm ngay trong lòng EU. Trên thực tế, EU từng tiến hành điều tra về tính thượng tôn pháp luật tại Ba Lan liên quan tới những cải cách tư pháp gây tranh cãi, và Brussels coi Warsaw là “mối đe dọa” tới nguyên tắc pháp quyền.

Ngay lập tức, Warsaw đã có phản ứng cứng rắn, cảnh báo các biện pháp trừng phạt của EU có thể tạo ra “tiền lệ nguy hiểm” dẫn tới sự phá hoại chủ quyền quốc gia của quốc gia thành viên, cổ vũ cho các lực lượng chính trị theo đường lối dân túy.

Ngoài ra, việc bị “dồn vào chân tường” cũng có nguy cơ khiến giới cầm quyền ở Ba Lan trở nên cực đoan hơn. EU hiện đang cân nhắc việc kích hoạt Điều 7 Hiệp ước Lisbon đối với Warsaw, cho phép EU hủy bỏ quyền bỏ phiếu của một thành viên khi thực thể đó bị nhận diện gây tổn hại cho các trụ cột của Liên minh.

Đây được coi như một trận đánh lớn giữa Brussels và Warsaw, mà sẽ có thể kết thúc bằng Polexit. Nếu Ba Lan phải chọn rời hoặc phải rời EU thì hậu quả mà liên minh kinh tế hùng mạnh này phải gánh chịu là vô cùng lớn.

Trước hết, căng thẳng với Ba Lan sẽ tác động tiêu cực đến việc hoạch định chính sách chung của EU nhằm đối phó với các thách thức nội khối cũng như toàn cầu ngày càng gia tăng. Việc xem nhẹ vấn đề bất đồng với Ba Lan tác động tiêu cực đến hiệu lực của các chính sách của EU, nhất là đối với chính sách mở rộng Liên minh.

Khó có thể buộc các nước ứng viên gia nhập tiến hành các cải cách dân chủ một các nghiêm túc nếu các quy định này của EU bị chính các nước thành viên hiện tại xem thường.

Tiếp đó, một khi Warsaw ra đi thì mâu thuẫn đông – tây sẽ được mở rộng và khoét sâu, sự lệch pha giữa EU truyền thống và EU mở rộng sẽ nhanh chóng gia tăng độ vênh, phá vỡ thị trường chung – vốn là lợi ích lớn nhất của các thành viên “EU Đông Âu”. Vì Ba Lan là quốc gia có tiếng nói lớn nhất trong số các thành viên “EU Đông Âu” nên thất bại của EU sẽ “bật đèn xanh” cho một số nước thành viên khác tiếp tục có các động thái thách thức các quy định nền tảng của Liên minh.

Điển hình như Hungary, quốc gia tuyên bố sẽ phủ quyết mọi hành động của EU nhằm tước quyền bỏ phiếu của Ba Lan, đồng thời cũng đang chuẩn bị tiến hành các chương trình cải cách tương tự Ba Lan.

Rõ ràng, mọi động thái của Warsaw đã đưa Brussels vào thế khó. Không trừng phạt Ba Lan thì nội bộ EU sẽ gia tăng mâu thuẫn. Còn nếu “xuống tay” với Ba Lan thì EU ngày càng trở nên lỏng lẻo và thiếu gắn kết, chưa kể đến mâu thuẫn đông – tây ngày càng gia tăng.

Giới quan sát nhận định, sau Brexit, EU có thể sớm trải qua thảm kịch lớn tiếp theo khi người Ba Lan quyết định theo chân người Anh – một Polexit có thể xảy ra và hậu quả cuối cùng là nguy cơ tan rã của liên minh kinh tế – chính trị hùng mạnh này.

Anh Lâm/CAND

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN