VIỆT NAM TRÊN BÁO MỸ: Cuộc khủng hoảng nhà ở Hà Nội cuối thập niên 80

Trong khoảng hai thập niên sau chiến tranh, do kinh tế khó khăn, người dân Hà Nội đã phải sống chen chúc trong những căn hộ chật chội, thiếu thốn những tiện nghi tối thiểu. Mời độc giả cùng hồi tưởng lại thời kỳ này qua trích đoạn phóng sự của nhà báo Neil Sheehan đăng trên tạp chí The New Yorker số ra ngày 18/11/1991.

Đồng bằng sông Hồng đã trở thành một trong những vùng nông thôn đông dân nhất ở châu Á và Hà Nội đã trở thành một trong những đô thị đông đúc nhất. Ở khu vực trung tâm của thành phố, mật độ dân số lên tới khoảng 520 người trên mỗi mẫu Anh (gần 4047 m2), thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Khu phố cổ Hà Nội, với 36 phố phường đẹp như tranh vẽ, hẹp đến mức chúng thực ra chỉ là những ngõ nhỏ đan cài với nhau thành một khu vực nằm ngay bên cạnh hồ nước nổi tiếng nhất của thành phố – hồ Hoàn Kiếm. Nhiều ngôi nhà một và hai tầng ở đó đã hàng trăm năm tuổi. Vì những ngôi nhà này hầu như không có hệ thống ống nước, một nghi thức hàng đêm là đưa bọn trẻ xuống vỉa hè để đi tiểu trước khi đi ngủ. Số lượng người Việt chen chúc trong các biệt thự một thời rộng rãi ở các khu phố cũ kiểu châu Âu cũng khủng khiếp không kém. Đại sứ quán Úc, vì cần nhiều chỗ hơn cho nhân viên, đã thuê của chính quyền thành phố Hà Nội hai tòa nhà liền nhau. Khi cư dân người Việt bị di dời để các tòa nhà có thể được tân trang lại, người Úc đã kinh hoàng khi thấy 127 người Việt cùng sống trong một ngôi nhà hai tầng.

Về nguyên tắc – nghĩa là, theo quy định của Chính phủ, mỗi người trong thành phố đều được hưởng 6m2 không gian sống; các cặp vợ chồng được hưởng hơn gấp đôi mức đó, với không gian bổ sung sẽ được phân bổ khi họ sinh con. Trên thực tế, khi các đôi trẻ kết hôn, họ thường chuyển đến ở cùng gia đình của người vợ hoặc chồng, tùy xem nơi nào thuận tiện hơn, và nhồi nhét thêm trẻ con khi chúng chào đời. Các bậc cha mẹ đành phải chấp nhận hoàn cảnh, dần dần từ bỏ nhiều không gian hơn khi mỗi đứa con kết hôn và sinh con đẻ cái. Đây là một sự trao đổi. Theo đạo đức Khổng giáo và truyền thống của người Việt, con cái phải chăm sóc cha mẹ khi về già, và ở Việt Nam ngày nay, chế độ an sinh xã hội đích thực duy nhất mà người dân có chính là gia đình. Một lợi ích mà đạo đức Khổng giáo và tình trạng thiếu nhà ở đem lại cho những cặp vợ chồng trẻ tuổi là những bảo mẫu có sẵn: một người bà đang tắm cho cháu trong cái chậu nhôm bên lề đường (sự đông đúc có nghĩa là họ phải dành phần nhiều thời gian sinh hoạt ngoài trời) hay một người ông bế cháu ngồi trên chiếc ghế bạt trên vỉa hè vào một buổi tối ngột ngạt, cầm quạt giấy để quạt cho cháu, là những cảnh tượng quen thuộc. Nếu có phòng tắm và nhà bếp, thì đó lại là của chung: bốn đến năm gia đình dùng chung sẽ tự phân công dọn dẹp theo tuần.

Đường phố Hà Nội vừa là chợ, vừa là sân chơi, vừa là nơi tắm giặt. Ảnh: David Alan Harvey/Tạp chí National Geographic số tháng 11/1989
Không khí đón Tết ở Hà Nội năm 1989. Ảnh: David Alan Harvey

Không có gì đáng ngạc nhiên, tranh chấp dân sự phổ biến nhất ở Hà Nội liên quan đến nhà ở. “Việt Nam đang có một cuộc chiến nhà ở”, Tổng Biên tập một tờ báo lớn nhận định khi tôi phỏng vấn ông. Rắc rối thường xảy ra khi một gia đình muốn khoanh một phần của ngôi nhà hay căn hộ để xây bếp hoặc tường riêng, gây bất tiện cho người khác. Vì tình trạng tham nhũng trong chính quyền địa phương, nếu tranh chấp được đưa lên Ủy ban Nhân dân Quận, nó thường được giải quyết theo hướng có lợi cho bên trả nhiều tiền nhất. Việc khiếu nại lên cấp cao hơn thường chẳng ích gì. Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ bảo Ủy ban quận “xem xét vấn đề này”, và Ủy ban quận sẽ trả lời rằng họ đã giải quyết rồi. Sự kiên trì của người khiếu nại có thể khiến chính quyền thành phố cử người xuống thanh tra, nhưng điều này thường chẳng mang lại công lý. Một số vụ tranh chấp nhà ở đã trở nên gay gắt đến mức các bên thua cuộc khiếu nại lên tận Quốc hội.

Nhà số 104 phố Trần Hưng Đạo là địa chỉ gây tranh cãi nhất ở Hà Nội khi tôi ở đó. Một nhóm công chức cấp cao đã buộc 11 gia đình phải rời khỏi ngôi nhà cũ ở đây, phá hủy nó và xây lên một tòa nhà mới bằng ngân sách nhà nước, mang danh một cuộc thử nghiệm về nhà ở. Kết quả của cuộc thử nghiệm này là họ chuyển vào sống trong tòa nhà bốn tầng khang trang đó. Khi tôi đi qua đây vào một buổi chiều hè, tôi có thể thấy những cư dân trên ban công nhìn ra đường lớn. Lao Động, một trong những tờ báo khá thẳng thắn ở Hà Nội, đã phát hiện ra vụ lừa đảo và xuất bản một bài báo phơi bày sự thật. Sự phản đối đã khiến Hội đồng Bộ trưởng ra lệnh điều tra. Những người sống trong tòa nhà này, tất cả đều là công chức ở cấp Thứ trưởng, Vụ trưởng, Vụ phó, bối rối khi thấy mình bị nêu tên trên mặt báo, nhưng chưa đủ liêm sỉ để trả lại các căn hộ. Họ tìm cách gây sức ép. Cuộc điều tra vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng nên họ vẫn chưa bị đuổi ra[1].

Biện pháp khắc phục của Chính phủ đối với cuộc khủng hoảng nhà ở – xây dựng các khu tập thể mới ở vùng ngoại ô – đến nay đã được chứng minh là không hiệu quả. Nhà nước không có đủ ngân sách để xây dựng nhà ở nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng theo tốc độ tăng dân số, trong khi các tòa nhà mới xuống cấp nhanh chóng. Ta có thể thấy rõ một ngôi nhà đã xuống cấp nhanh như thế nào bằng cách nhìn vào một phong tục địa phương, đó là ghi năm hoàn thành việc xây dựng phía trên cửa hoặc dưới mái ngôi nhà. Các tòa nhà xây năm 1985 trông như thể ai đó đã ghi sai số năm đến một hoặc hai thập kỷ. Xây dựng kém chất lượng đi đôi với khí hậu khắc nghiệt – nhiệt độ dao động từ ba mấy độ vào mùa hè xuống dưới 10 độ vào mùa đông, độ ẩm cao và mưa thường xuyên, có hại cho bất kỳ vật liệu nào. Các khu tập thể được dựng lên từ các tấm bê tông, một kỹ thuật xây dựng tiêu chuẩn của Liên Xô, về nguyên tắc thì khá chắc chắn, nhưng bê tông thường không chịu nổi thời tiết. Xi măng là chất làm rắn trong bê tông; các công nhân và công chức phụ trách các cơ quan xây dựng đánh cắp càng nhiều xi măng càng tốt để bán trên thị trường tự do. Một cây cầu mới được dựng lên tại cảng Hải Phòng đã bị sập vì 30% – 40% lượng xi măng được dùng để làm bê tông đã bị ăn cắp.

Khu tập thể Giảng Võ năm 1989. Ảnh: David Alan Harvey

Phần Lan, một trong hai quốc gia châu Âu phi cộng sản đã không cắt viện trợ cho Việt Nam sau khi Việt Nam tiến đánh Campuchia (nước còn lại là Thụy Điển), đang cố gắng cải thiện cuộc sống của người dân Hà Nội bằng cách giúp thành phố xây dựng một hệ thống cấp nước mới để thay thế hệ thống cũ kỹ do Pháp xây dựng. Khi tôi ở đó, những chồng ống nước lớn bằng gang lót bê tông đang chờ lắp đặt cho thấy sự quan tâm của Phần Lan. Nước trong hệ thống cũ của Pháp chảy quá yếu do đường ống nứt và mối nối lỏng lẻo, khiến hàng trăm nghìn người phải lấy nước bằng xô từ các giếng nông trên vỉa hè được tạo ra bằng cách đục lỗ trên đường ống ngầm và mở vòi từ đó. Một số giếng là hầm trú bom cá nhân còn sót lại từ thời chiến tranh với Hoa Kỳ.

Các giếng và hệ thống cấp nước nói chung đều bị ô nhiễm nghiêm trọng bất cứ khi nào có ngập lụt do mưa lớn hoặc bão. Nước mặt bị ô nhiễm tràn vào giếng rồi vào hệ thống cấp nước qua các lỗ khoét trên đường ống để lắp vòi. Hệ thống cống ngầm thô sơ do người Pháp để lại làm tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn. Thực dân chỉ xây dựng hệ thống cống rãnh dành cho khu vực của họ trong thành phố, bỏ mặc những khu vực người Việt sinh sống. Các thành phố hiện đại có cống nước thải và cống thoát nước mưa riêng, còn chính quyền thuộc địa của Pháp đổ chung vào một hệ thống đường ống, và các ống này đổ vào các hồ của thành phố và sông Hồng. Khi ngập lụt xảy ra, nước thải không thoát được nên lại chảy ngược vào thành phố.■

Neil Sheehan

Thanh Trà (dịch)

Chú thích:

[1] Cuối cùng, trước sự đeo bám quyết liệt của báo Lao Động và các cơ quan chức năng, thường trực Hội đồng Bộ trưởng đã có kết luận: Di chuyển toàn bộ số hộ đang ở đi nơi khác trước ngày 15/8/1989; ngôi nhà này được sử dụng vào mục đích công cộng. (ND)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN