Việt Nam trên báo Mỹ: Miền Nam Việt Nam buổi giao thời tháng 4-5/1975

Trong thời điểm chuyển giao tháng 4 – tháng 5 năm 1975, người dân miền Nam Việt Nam đã đón nhận cuộc sống mới của mình như thế nào? Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu với bạn đọc hai bài tường thuật tình hình Đà Nẵng và Sài Gòn trên Tạp chí Time số ra ngày 5/5/1975.

Bìa Tạp chí TIME số ra ngày 5/5/1975

Cuộc sống mới bên những người cộng sản

Mới chỉ cách đây một tháng, thành phố ven biển Đà Nẵng chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn và đau khổ kinh hoàng, hàng trăm nghìn người di tản và binh lính tuyệt vọng chen nhau lên máy bay và tàu thuyền để tìm nơi trú ẩn an toàn xa hơn về phía nam. Nhưng theo một nhóm nhà báo Pháp bay từ Hà Nội đến đó, thành phố hiện nay rất yên bình và trật tự khi quá trình chuyển đổi dưới chính quyền Cộng sản bắt đầu.

Đi đâu cũng thấy chân dung Hồ Chí Minh và cờ Việt Cộng. Mười quy tắc ứng xử của người lính (lịch sự, tôn trọng tài sản của nhân dân…) được dán khắp nơi. Các rạp xi-nê chỉ chiếu phim cách mạng. Các giáo viên đang được “cải tạo” để dạy theo quan điểm mới của chủ nghĩa Mác. Các sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa chưa kịp trốn thoát đang bị tạm giữ, còn lính cho đến nay chỉ phải mang thẻ căn cước do Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cấp.

Không có báo cáo đáng tin cậy nào về các cuộc trả thù hàng loạt, mặc dù ở các khu vực khác do Cộng sản nắm giữ đã nảy sinh những tin đồn chưa được xác nhận về các vụ hành quyết quy mô lớn. Cờ Phật giáo rất nhiều, một dấu hiệu cho thấy những người Cộng sản đang cố gắng giành được sự hợp tác của các nhóm tôn giáo giàu sức ảnh hưởng. Những người Cộng sản cũng hứa sẽ thành lập các “hội đồng nhân dân” để điều hành công việc của thành phố. Mặc dù được giám sát bởi các ủy ban quân quản, nhưng những hội đồng này chắc chắn sẽ bao gồm những người trung lập sẵn sàng làm việc trong khuôn khổ một chính phủ do Cộng sản lãnh đạo.

Cho đến nay, lực lượng Cộng sản đã dành phần lớn công sức cho việc khôi phục các dịch vụ cơ bản như điện, nước và duy trì nguồn cung cho thị trường thực phẩm. Hàng ngàn người di tản từ nông thôn đã được đưa về nhà; hàng ngàn người khác đang trở về thành phố từ những vùng xa như Cam Ranh, cách 200 dặm về phía nam. Rõ ràng, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, những người Cộng sản sẽ quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề phức tạp trong việc quản lý những vùng lãnh thổ rộng lớn đã bất ngờ rơi vào tay họ hơn là những thay đổi chính trị. Họ sẽ phải nuôi sống người dân trước khi có thể cải biến họ.

Chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam trên xe tăng Mỹ ở gần Đà Nẵng. Ảnh: Abbas
Một họa sĩ ở Hội An vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Abbas

Sài Gòn: Một tâm trạng hư ảo, nhập nhoạng

Tuần trước, khi “kẻ địch” đã đứng trước cổng thành, Sài Gòn dường như rơi vào trạng thái tâm thần phân liệt – và trong cả hai giai đoạn đều có vẻ điên cuồng như nhau. Với chủ nghĩa định mệnh và chủ nghĩa khắc kỷ bẩm sinh, 3 triệu cư dân thủ đô thuộc địa cũ của Pháp đã vật lộn, gần như trong tuyệt vọng, với cảm giác sợ hãi ngày một gia tăng. Kết quả, như các phóng viên Roy Rowan và William McWhirter của TIME điện báo từ Sài Gòn, là một sự pha trộn kỳ lạ giữa vẻ thanh bình và nỗi sợ hãi ở một thành phố thờ ơ và bất cẩn bấy lâu nay vẫn thường được miễn khỏi lửa đạn chiến tranh.

Đôi khi những con đường chính của thành phố trông như đang diễn ra một giải Grand Prix kỳ lạ với những đoàn xe diễu hành vô định. Leo lên xe đạp, xích lô, xe Honda, xe Jeep nhỏ, taxi, xe tải nhỏ – bất cứ thứ gì có thể di chuyển – người Sài Gòn hối hả xuôi ngược những đại lộ thênh thang giữa những hàng me khổng lồ. Không khí khô nóng chuyển sang màu xanh vì khói thải khi dòng xe vô tận lăn bánh qua các quán cà phê vỉa hè, nơi những người lính dù Pháp đội mũ nồi đỏ và những lính Mỹ nhớ nhà từng ngồi ngắm các cô gái Việt Nam duyên dáng dạo ngang qua.

Có những dấu vết hoảng loạn khác. Báo chí đăng đầy những mẩu tin “Xe bán” và “Nhà bán”, và mặc dù cả ô tô và nhà đều được bán với giá bằng 1/6 mức giá chỉ một tháng trước, nhưng vẫn không có người mua. Phụ nữ đổ đầy đất cát vào thùng để làm chướng ngại vật. Hàng nghìn binh sĩ tản bộ vu vơ trong thành phố, như thể cả sư đoàn đã được nghỉ phép cùng lúc. Những người lính dù đi bốt và mặc quân phục rằn ri có mặt ở khắp mọi nơi, xin thuốc lá của người Mỹ: “You give me smoke, mister!” (Cho xin điếu thuốc đi anh!).

Một thợ may ở Hội An đang may cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh: Abbas

Lan truyền giữa những người lính và những người di tản là những tin đồn và chuyện tầm phào, đôi khi được báo chí Sài Gòn đăng tải như thể các biên tập viên ước gì chúng là sự thật. Trong bầu không khí siêu thực này, cả thành phố dường như đã nghe tin Trung Quốc xâm lược miền Bắc Việt Nam, gây ra một cuộc đảo chính ở Hà Nội, khiến bảy sư đoàn Cộng sản phải rút lui khỏi miền Nam; rằng Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã đổ bộ vào Vũng Tàu, Đà Nẵng và Cam Ranh. “Giống như một giấc mơ vậy”, một nhà báo Sài Gòn thừa nhận.

Và, như trong một giấc mơ, cuộc sống vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi trong thành phố như thể các sư đoàn Bắc Việt còn đang cách xa hàng trăm dặm. Các biểu ngữ vẫn tuyên bố chiến thắng quân sự ở tỉnh Long Khánh (“một nghĩa trang lớn dành cho quân Bắc Việt”), mặc dù vùng này đã thất thủ. Tại câu lạc bộ Cercle Sportif Français thời thượng, tụ điểm giao du của giới thượng lưu Sài Gòn, rượu sâm panh được phục vụ cạnh hồ bơi như thường lệ. Tại Club Nautique de Saigon, những chiếc thuyền đua được khoác thêm một lớp sơn bóng, như thể niềm vui mùa hè sẽ không bao giờ kết thúc. Cổng trước của nhà hàng Mỹ Cảnh, nơi hai quả mìn Claymore của Việt Cộng đã giết chết 48 thực khách vào năm 1965, đang được sơn màu xanh ngọc lấp lánh.

Thực phẩm không phải là vấn đề. Các khu chợ tràn ngập rau xanh và thịt tươi, đậu phộng chất đống trên vỉa hè đường Lê Lợi, đại lộ sầm uất nhất Sài Gòn, và những hương thơm lạ lùng hấp dẫn tỏa ra từ những quầy đồ ăn nóng trước Nhà thờ Đức Bà. Các cô gái trẻ tụ tập ở tiền sảnh rạp xi-nê Rex vào những suất chiếu sớm để xem phim Boulevard du Rhum (Đại lộ Rhum) có Brigitte Bardot diễn. Các thợ chụp ảnh lăm lăm máy ảnh Polaroid vẫn cố gắng kiếm vài đồng từ những phóng viên nước ngoài mà họ tưởng là khách du lịch. Tỷ giá piastre, có lẽ là phong vũ biểu chiến tranh tốt nhất trong thành phố, tăng vọt từ 2.000 lên 3.900 đổi một đô-la Mỹ trong bốn ngày. Có thời điểm, người ta có thể thuê một gái mại dâm với giá chưa đầy 1 USD. Nhưng khi có thêm hy vọng về một lệnh ngừng bắn, tỷ giá piastre giảm xuống còn 1.500 đổi một đô-la.

Hồ bơi ở câu lạc bộ Cercle Sportif Français, nay là Hồ bơi Lao Động. Ảnh: Lee Baker Collection

Người Sài Gòn chẳng chú ý mấy đến việc Tổng thống Thiệu từ chức. Một ngày sau khi ra đi, ông hầu như bị lãng quên và mọi hy vọng nhanh chóng tập trung vào một giải pháp chính trị mà bằng cách nào đó sẽ bảo vệ thành phố khỏi bị tàn phá. Bất chấp bản cáo trạng của Thiệu đối với Hoa Kỳ, hầu hết người Việt Nam vẫn đối xử với người Mỹ bằng phép lịch sự thông thường.

Khi quân đội Cộng sản tiến gần, các linh mục Công giáo và tăng ni Phật giáo đã tập trung tại Nhà thờ Đức Bà để tham dự buổi lễ chung đầu tiên trong lịch sử miền Nam Việt Nam. Theo lời của một nhà sư, họ cầu Phật “để xin trời phật phù hộ cho người dân Việt Nam, những người đang chịu đau khổ”.

Không phải tất cả cư dân thành phố đều trông cậy vào lời cầu nguyện. Ở ngoại ô, một số người Sài Gòn có tầm nhìn xa đã có trong tay nguồn cung cấp quần áo bà ba màu đen mà Việt Cộng thường hay mặc.■

Thanh Trà (dịch)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN