Xu hướng phi đô la hóa: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mới

Báo chí gần đây đưa tin nhiều về khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) đang phát triển một mạng lưới thanh toán riêng cho các nước thành viên của khối. Các nhà bình luận cho rằng đây là kế hoạch phi đô la hóa do các quốc gia sáng lập BRICS gồm Nga và Trung Quốc đề xuất. Tạp chí Phương Đông tập hợp những phân tích của các chuyên gia về vấn đề này để bạn đọc tham khảo.

Trước tình hình căng thẳng địa chính trị và những bất ổn kinh tế đang diễn ra, các quốc gia thuộc nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đang tích cực thúc đẩy xu hướng phi đô la hóa và hướng tới xây dựng một hệ thống tài chính độc lập.

Đồng đô la đã là biểu tượng quyền lực của nền kinh tế Mỹ hơn 50 năm qua, gắn liền với hầu hết các giao dịch toàn cầu và được mệnh danh là vua trong thế giới tài chính quốc tế. Tuy nhiên trước những biến động của tình hình thế giới hiện nay cùng với sự trỗi dậy của khối BRICS, giá trị và tầm ảnh hưởng của đồng bạc xanh đang dần bị suy giảm. Ngày càng có các giao dịch hàng hóa riêng lẻ được lập ra và các quốc gia đã phát triển một hệ thống thanh toán chỉ dựa trên đồng nội tệ của mình. Có thể thấy, đây là nỗ lực của các quốc gia nhằm tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát của đồng đô la và tái định hình cán cân quyền lực tài chính toàn cầu.

Nhà kinh tế học Nassim Taleb, tác giả cuốn Thiên Nga Đen đã nhận định rằng, lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Nga đã đẩy nhanh quá trình phi đô la hóa. Việc tịch thu tài sản của Nga không chỉ tác động đến nền kinh tế Nga mà còn tác động sâu rộng đến hệ thống tài chính toàn cầu. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, nước này đã phải đối mặt với hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, gây ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế cũng như khó khăn cho các giao dịch quốc tế vốn dựa chủ yếu vào đồng đô la Mỹ.

Tỉ trọng đồng USD trong dự trữ toàn cầu, theo quý. Nguồn: IMF, đồ họa: Wolfstreet.com

Ngoài ra, các chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ trong những năm gần đây, tức việc in thêm tiền để đối phó với khủng hoảng đã làm giảm giá trị đồng đô la, gia tăng lạm phát và khiến đồng tiền này mất sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Nhiều quốc gia không muốn dự trữ đồng tiền có nguy cơ mất giá nên họ đã tìm kiếm các phương án thay thế. Hơn nữa các quốc gia cũng lo ngại họ sẽ bị rơi vào tình cảnh tương tự như Nga nếu xung đột với các nước phương Tây.

Bên cạnh đó, bản thân các nền kinh tế mới nổi như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ cũng muốn xây dựng một trật tự tài chính mới nơi họ có thể tự chủ hơn và thoát khỏi cái bóng của các cường quốc phương Tây. Những căng thẳng trong cuộc chiến thương mại đang thúc đẩy các quốc gia phải tìm kiếm một giải pháp thay thế cho đồng bạc xanh.

Vậy làm thế nào để hiện thực hóa quá trình này?

Hiện nay phần lớn các ngân hàng trên thế giới đều sử dụng hệ thống thanh toán SWIFT. Hệ thống này hỗ trợ giao dịch bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau, nhưng đồng đô la Mỹ (USD) được sử dụng chủ yếu bởi vai trò của nó vẫn là đồng tiền dự trữ và thanh toán quốc tế hàng đầu. Điều này đã gây ra thách thức lớn cho các nước như Nga khi phải đối mặt với lệnh trừng phạt. Để thoát khỏi hệ thống, Nga đã cho phát triển một hệ thống thanh toán của riêng mình là SPFS thay cho SWIFT. Hệ thống này có chức năng tương tự SWIFT. Ban đầu SPFS chủ yếu phục vụ các giao dịch trong nội địa Nga. Tuy nhiên sau đó Nga đã mở rộng hệ thống với các ngân hàng nước ngoài, đặc biệt là các quốc gia châu Á và các nước thân Nga. Được biết, SPFS có chi phí giao dịch thấp hơn SWIFT, hoạt động 24/7 và không bị giới hạn giờ hoạt động. Như vậy, các quốc gia tham gia sẽ sử dụng chính đồng tiền của mình để thanh toán mà không cần sử dụng đồng đô la. Một biện pháp khác mà các nước sử dụng để bảo vệ tài sản của mình là tăng cường dự trữ vàng cũng như đồng tiền của các quốc gia khác trong trường hợp đồng đô la mất giá hoặc biến động mạnh. Điều này giúp các quốc gia có nhiều lựa chọn hơn trong các giao dịch quốc tế.

Không chỉ vậy, Nga và các nước thành viên khối BRICS cũng đang nghiên cứu lập các sàn giao dịch hàng hóa độc lập hướng tới mục tiêu cạnh tranh với những sàn giao dịch lớn vốn sử dụng đồng đô la làm trung gian. Với lợi thế trong sản xuất dầu mỏ, khí đốt, vàng và ngũ cốc, Nga khẳng định khối BRICS có tiềm năng để dẫn đầu thị trường hàng hóa toàn cầu trong tương lai.

Đặc biệt, một biện pháp mới mà các quốc gia này đang phát triển là tiền tệ kỹ thuật số. Hiện Trung Quốc đã cho ra mắt đồng nhân dân tệ kỹ thuật số ECN mở ra cơ hội thay thế đồng đô la trong các giao dịch quốc tế. Hình thức này có thể giúp các quốc gia giao dịch trực tiếp, không cần thông qua hệ thống ngân hàng truyền thống, từ đó giảm thiểu chi phí và tăng cường an ninh giao dịch.

Trước đây khoảng 71% dự trữ tiền tệ toàn cầu là đô la Mỹ nhưng hiện nay con số này đã giảm xuống còn khoảng 58% khi quá trình phi đô lá hóa bắt đầu. Đây là một sự giảm sút đáng kể và gây ra rủi ro lớn cho nền kinh tế Mỹ đặc biệt khi các khoản nợ quốc gia tăng và chi phí vay mượn trở nên đắt đỏ. Ngoài đồng đô la của Mỹ, nhân dân tệ của Trung Quốc và euro của châu Âu cũng đang dần trở thành những đồng tiền quan trọng khác. Xu hướng phi đô la hóa đang định hình lại bức tranh kinh tế toàn cầu, làm suy yếu dần sức mạnh của đồng bạc xanh. Động thái này do Nga khởi xướng đã mở ra một hệ thống tài chính đa dạng và phức tạp hơn bao giờ hết, tạo thêm nhiều lựa chọn cho các quốc gia trong việc dự trữ và thanh toán quốc tế.

Mặc dù có vai trò quan trọng trong sản xuất ngũ cốc như Nga chiếm 25% lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu, Brazil chiếm 60% lượng đậu tương, và Ấn Độ đóng góp khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu, giá cả các mặt hàng này vẫn chịu sự chi phối từ các sàn giao dịch quốc tế lớn. Do đó, những quốc gia này vẫn phải đối mặt với thách thức trong việc thu hút đối tác tham gia vào các sàn giao dịch mới mà họ đang xây dựng.

Phi đô la hóa được xem là một hướng đi mới đầy hứa hẹn với tiềm năng lớn, nhưng đồng thời cũng đối mặt với không ít rào cản và thách thức. Như đã đề cập, đồng tiền đô la Mỹ đã giữ vị thế là đồng dự trữ của thế giới trong hàng thập kỷ, bản thân đồng tiền đã có độ phủ sóng rộng rãi với tính ổn định và phổ biến cao. Vì vậy, ngay cả khi các quốc gia khối BRICS tạo được hệ thống tài chính riêng của mình thì việc đạt được mức độ thanh khoản và sự tin cậy tương đương với đồng đô la vẫn sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực.

Thêm vào đó, mạng lưới giao dịch rộng lớn mà đô la Mỹ đã thiết lập khiến việc chuyển đổi sang một hệ thống mới trở nên tốn kém và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đồng đô la đã chứng minh được độ tin cậy của mình trong nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế và tạo dựng được niềm tin từ các nhà đầu tư. Chính điều này giúp nó dễ dàng được giao dịch, và nhiều ngân hàng trung ương hiện vẫn dự trữ lượng lớn ngoại hối bằng đồng đô la để đảm bảo tính thanh khoản và ổn định trong hệ thống tài chính.

Đồng tiền của các quốc gia thuộc khối BRICS. Ảnh minh họa

Một trở ngại khác đối với BRICS đó chính là sự khác biệt về lợi ích và ưu tiên giữa các quốc gia thành viên. Mỗi quốc gia trong khối đều có tham vọng đóng vai trò trung tâm trong hệ thống tài chính mới. Trung Quốc, với quy mô kinh tế khổng lồ và tầm nhìn toàn cầu, có thể muốn thúc đẩy nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ chủ đạo trong khu vực. Nga, ngược lại, ưu tiên việc sử dụng đồng rúp để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la và gia tăng ảnh hưởng địa chính trị. Ấn Độ tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong khi Brazil lại ưu tiên sự ổn định của tỷ giá hối đoái.

Hơn thế, mối quan hệ địa chính trị giữa các thành viên khối BRICS cũng không hoàn toàn suôn sẻ, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Những bất đồng này có khả năng làm gia tăng thách thức trong việc xây dựng một hệ thống tài chính thống nhất và hiệu quả. Các căng thẳng nội bộ có thể tác động tiêu cực đến sự hợp tác tài chính trong khối, gây khó khăn trong việc thực hiện những mục tiêu chung của BRICS.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến những thách thức mà các quốc gia đang phát triển sẽ phải đối mặt trong bối cảnh phi đô la hóa đang được các cường quốc thúc đẩy. Những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu có thể khiến các nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương hơn. Đối với các quốc gia đang phát triển, chi phí giao dịch có thể tăng lên đáng kể khi chuyển sang hệ thống tài chính mới. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, gây bất ổn kinh tế, làm tăng chi phí nhập khẩu và giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Xu hướng phi đô la hóa đang nổi lên và hứa hẹn sẽ có tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến một hệ thống tài chính đa cực hơn với sự cạnh tranh của nhiều đồng tiền. Tuy nhiên trong tương lai gần, đồng đô la Mỹ vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng bởi lịch sử lâu đời và sự tin cậy mà các thị trường quốc tế dành cho nó. Đồng tiền này sẽ vẫn là một trong những loại tiền tệ dự trữ chủ chốt trong các năm tới.

Quá trình chuyển đổi hệ thống tài chính toàn cầu sẽ phải diễn ra từ từ, không thể thay đổi ngay lập tức. Vì vậy, các nhà đầu tư, doanh nghiệp và chính phủ cần theo dõi sát sao diễn biến này, sẵn sàng thích ứng để tận dụng các cơ hội mới và giảm thiểu rủi ro tiềm tàng.■

Trúc Linh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN