Xuyên Đông Dương thuộc Pháp theo đường xe hơi (kỳ 1)

Cuộc đấu cờ người ở miền núi phía Bắc Việt Nam, vở tuồng Trung Hoa, buổi hát chầu văn, cảnh sinh hoạt thanh bình trên sông Hương… là những cảnh tượng sinh động được nhà báo Mỹ Maynard Owen Williams miêu tả trong phóng sự ảnh “By Motor Trail Across French Indochina” đăng trên tạp chí National Geographic số tháng 10 năm 1935, các trang 487-534. Tạp chí Phương Đông trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bản dịch trích đoạn về Việt Nam trong phóng sự này. Các ảnh chụp và chú thích ảnh đều là của tác giả.

Nằm giữa Ấn Độ bất ổn và Trung Hoa sóng gió là một ốc đảo thanh bình và xinh đẹp – Đông Dương thuộc Pháp, bao gồm một thuộc địa và bốn vùng bảo hộ.

Các công nhân cao su, được thuê để lấy mủ các lớp cây được trồng thẳng thớm và sinh trưởng mau chóng, vốn là hậu duệ của cây rừng, nay không còn bị vắt kiệt vì thiếu nhân công như trong thời kỳ bùng nổ của ngành cao su.

Sau mười năm học tập và tiếp xúc với phương Tây tại Pháp, Hoàng đế Bảo Đại, vị Hoàng đế 19 tuổi của An Nam, trở về vào năm 1932 không phải để đối nghịch với các quan lại bằng các phong cách ngoại quốc hay đối đầu với người dân của ông bằng những thay đổi cưỡng bách, mà hiếu kính cúi lạy trước mộ phụ hoàng và bày tỏ lòng kính trọng đối với vị Nhiếp chính cao quý và đáng kính “đã tiếp quản” cho đến khi ngài về nước.

Đường nét của một bức tranh Trung Hoa

Dọc theo biên cương phía bắc của Đông Dương trải dài một vùng đất thần tiên như được phác họa bởi các họa sĩ thời Nam Tống, triều đại đã phái một sứ bộ ngoại giao đến Đông Dương nhằm mang lại hòa bình giữa Chiêm Thành và An Nam gần một nghìn năm trước đây.

Các mỏm đá vụt nhô lên, khi thì lởm chởm và trơ trụi ngoại trừ một vài cây thông ưa phiêu lưu, khi thì vươn lên trong các đám cây cối rậm rạp bên trên một thung lũng mờ ảo, được bài trí một cách vô quy tắc. Suốt con đường từ biên giới Vân Nam cho đến Vịnh Hạ Long tuyệt vời, nơi mà từ mặt nước mọc lên các đảo đá nhỏ giống như những bức tường rải rác trên nền biển cả mênh mông, người ta đang sống trong bầu không khí của một bức tranh thủy mặc. Con đường xe hơi mà tôi đi trước tiên kéo thẳng xuyên qua các đồng bằng phù sa, bị cắt ngang bởi những con đê lớn hơn đê ngăn sông Mississippi.

Không lâu, nó tự quay ngược lại thành các đường cong chóng mặt, nghiêng xuống vùng mờ ảo mềm mại mà các họa sĩ Trung Hoa rất quen thuộc – các màn sương bảng lảng bao la như biển và biến các ngọn núi nội địa thành các đảo nhỏ u huyền. Một bên sườn dốc bị vướng rừng rậm không thể vượt qua; sườn bên kia là một vách dựng đứng trơ trụi nhô ra trên những cánh đồng lúa nước.

Giống như các tảng băng trôi đen như mực trên một vùng biển nhiệt đới, các núi đá tự nhiên điểm xuyết vịnh Hạ Long. Con người đã đặt nhiều tên gọi tưởng tượng cho nhiều đảo bị hao mòn và biến đổi bởi thời tiết trên vịnh biển nên thơ này. Đối với dân bản xứ, nét điêu khắc của đá không phải là tác phẩm của Mẹ Thiên Nhiên, mà là của một quái vật huyền thoại, từ đó miền này được đặt tên: Vịnh Hạ Long (con rồng hạ xuống).

Những người dân sơ khai đi theo các lối mòn âm u xuyên qua vùng đất huyền bí này. Quân thổ phỉ ẩn hiện tới lui từ điểm phục kích này đến điểm phục kích kia. Những người dân bộ lạc, khai khẩn được đất trồng lúa từ rừng rú, dựng lều tại các khu khai quang mà họ phải mất bao công sức mới có được. Lòng các con suối dâng cao vì bão được dùng như các lối đi cho nhà buôn cũng như quân thổ phỉ, và từ một tiền đồn biệt lập này đến một doanh trại khác, binh sĩ Pháp và “lính không chính quy” gốc người Thổ kiên quyết giương cao màu cờ tam tài, mang lại hòa bình cho những ai sống dưới lá cờ đó.

Cuối các rặng núi đứt đoạn này là các mỏ than trông như các đấu trường La Mã không ngừng mở rộng lộ thiên dưới ánh nắng mặt trời, dọc theo những bậc thang khổng lồ của nó, những người thợ Bắc Kỳ đội nón lá chóp thấp đào mỏ khai thác toàn bộ các phần bụi đen của vùng nông thôn. Xa hơn về phía nam là vùng trồng cao su đất đỏ bao quanh bởi những cánh rừng rậm rạp hoang dại, hay những cánh đồng lúa nước làm nên sản nghiệp kếch sù của các con buôn Trung Hoa được thần may mắn phù trợ tại Chợ Lớn – các vùng đang phát triển mau chóng nơi dân số đã tăng gấp ba lần trong bảy mươi năm.

Của cải đã được gom góp tại các phần khác của Đông Dương thuộc Pháp, nhưng miền thượng du xanh tươi hiểm trở của Bắc Kỳ mới là nơi mài giũa các vị thống chế của nước Pháp. Tại đây, Chính quyền đã dần dần dựng lên một bức tường thành của lòng trung thành và hòa bình chống lại sự bất ổn, đào tạo nhân viên nhằm cho sự phục vụ rộng lớn hơn.

Điểm đến cuối cùng của một lối mòn dài ngang qua Á châu

Họa sĩ của đoàn thám hiểm, Alexandre Iacovleff, và tôi, được Toàn quyền Pasquier hối thúc thực hiện một cuộc khảo sát đầy đủ nhất có thể, đã khởi sự công việc với các bộ tộc Thái, Mán, Lolo và Mèo đẹp như tranh vẽ, sinh sống và bảo vệ biên giới phía bắc, mà đi qua biên giới đó là nơi sinh sống của các bộ lạc anh em của họ. Đồng hành với chúng tôi còn có họa sĩ Louis Rollet, người đã đoạt giải Prix d’Indochine.

Vào một buổi sáng trời mưa, với một vị khách là một nhà quay phim địa phương, chúng tôi khởi hành đi Cao Bằng và xa hơn. Iacovleff và Rollet vừa đi trước cùng với Jean Yves Claeys, một nhà khảo cổ trẻ xuất sắc được Toàn quyền chỉ định làm hướng dẫn viên cho chúng tôi khắp vùng Đông Dương.

Một giờ sau khi vượt qua chiếc cầu Doumer dài một dặm, mà việc xây dựng nó đánh dấu sự chiến thắng của kỹ thuật đối với vị thủy thần được cầu khấn, chúng tôi đến một ngôi làng có con đường chính được giăng những lá cờ sặc sỡ nhưng ướt sũng.

“Lễ hội gì vậy?”, tôi hỏi, hy vọng có một cuộc lễ nhiều màu sắc.

“Cuộc Du hành Trung Á của Citroen theo lịch trình sắp đi ngang qua đây bất kỳ lúc nào”, một sĩ quan trẻ thông thái của cảnh sát bản xứ trả lời.

Chiếc xe của Iacovleff đã đi ngang qua mà không ai biết. Làm sao giải thích rằng chiếc xe của tôi đại diện cho tất cả những gì còn lại của cuộc thám hiểm? Tôi đã gửi một lời nhắn đến viên Lý trưởng và lái xe xuyên qua cơn mưa, nhập bọn cùng với các bạn tôi tại Tòa Công Sứ nơi ít nhất ba vị Thống chế của nước Pháp đã từng trú ngụ.

Đôi đũa nhảy múa khi cô gái Mán Cốc ăn cơm.
Được trồng trên các đồng lúa ngập nước hay các ruộng bậc thang sườn đồi không thích hợp cho việc canh tác các lương thực khác, cây lúa gạo cạnh tranh với lúa mì với vai trò miếng ăn hàng ngày của thế giới. Nó là thức ăn – và dưới hình thức rượu hay saké, là thức uống – đối với hàng triệu người dân phương Đông chưa bao giờ nếm mùi lúa mì hay ngô.
Đối với các chuyên gia, thời trang của phụ nữ cho biết họ thuộc bộ tộc nào và ở độ cao bao nhiêu.
Ở miền đồi núi Bắc Kỳ, các bộ tộc sinh sống ở các độ cao khác nhau. Dưới các thung lũng là người Thái, họ chiếm ngụ các vùng đất tốt nhất. Từ 300 đến 900 mét là vài bộ lạc Mán và cao hơn họ là các bộ lạc người Mèo, phụ nữ Mèo mặc trang phục có “cổ áo thủy thủ” (bên trái) mặc dù rất xa biển. Đối với đàn ông, việc nhìn một cô gái Mán Tiền (ở giữa) cạo tóc bị xem là một điều xấu hổ. Sáng chói nhất trong các trang phục bộ tộc là quần áo của phụ nữ Mán Cốc (bên phải).
Các dải tua trang trí và trang sức bằng bạc biến các cô gái Mán Cốc ở Bắc Kỳ thành các thiếu nữ ăn mặc đẹp nhất.
Không nơi nào trong tỉnh này lại được nhìn thấy trang phục bộ tộc lộng lẫy hơn các trang phục này tại Nguyên Bình. Biên giới Vân Nam xuyên qua các hàng rào ngôn ngữ và các sự phân chia bộ tộc.
Người phụ nữ Bắc Kỳ này là khuôn mẫu của thời trang từ vòng cổ chân đến nón quai thao.
Nón che đầu bằng lá dừa to rộng tạo thành một chiếc lọng tốt. “Đôi giày” của cô ấy thì bền bỉ và dễ rửa. Chiếc cày mới – hãy còn thiếu lưỡi cày bằng thép – thì nhẹ và dễ mang.  Túi xách cuộn thành bó gọn ghẽ và cái giỏ tre đan tay có thể dùng để chứa một con lợn con hay rau dưa.

Một đám tang giả là điểm nổi bật của một lễ hội

Xuyên qua những con đường dưới mưa, giữa các hàng dài khán giả, nhiều người trong số họ cầm những chiếc ô chỉ to hơn chiếc nón của họ một chút, là một đám tang với đầy đủ chi tiết ngoại trừ thi hài.

Những tấm lụa cũ hiếm có và các mảnh trang trí bằng giấy mỏng lòe loẹt được kết hợp trong đám ma giả này.

Các nhà sư có râu lưa thưa, bao quanh bởi những người gõ chiêng, ngồi trên những chiếc xe kéo. Đàng trước nhà táng lòe loẹt, được trang trí một cách nghịch lý bằng chữ Thọ, là những người thọ tang đặc biệt trong y phục màu trắng đang đi bộ.

Một trong những người này, tượng trưng cho thân nhân gần gũi nhất, chống một chiếc gậy thô sơ. Một tấm vải màn dệt tay thô sơ che phủ đầu khi ông ta đi giật lùi chậm chạp dọc theo con đường đám tang, khuôn mặt của ông ta luôn luôn hướng về phía quan tài đi theo ông ta đến ngôi mộ.

Các nhà sư, khoác những tấm vải in màu mè hay các tấm gấm cũ mỡ màng trên y phục bình thường của họ, vẫn giữ cùng vẻ nghiêm trang, giống như các kẻ đứng xem, như thể đó là một đám tang thật sự.

Khá lạ lùng, những người duy nhất không mảy may coi trọng cảnh tượng ngoạn mục này chính là một vài người khuân vác mệt mỏi, chất trên vai họ là bộ khung bằng tre nặng trên đó bộ màn trướng xe tang trống rỗng được khiêng theo.

Quay mặt về phía quan tài, anh ta đi giật lùi đến ngôi mộ.
Trong tang lễ này tại Lạng Sơn, một người chịu tang mặc áo tang màu trắng, là thân nhân gần nhất, chống gậy và đi trước nhà táng. Một cách chậm chạp và miễn cưỡng, anh ta dọn đường cho thi hài tìm đường đến nơi chôn cất. Tang lễ được diễn tập đặc biệt này, chính xác từng chi tiết, không có thi hài thực.
Một nhà táng không có quan tài di chuyển trong một đám tang không dẫn đến một ngôi mộ nào. Trang kim hào nhoáng và lụa mềm cũ kỹ xuất hiện trong đám tang giả này tại Lạng Sơn.  Các nhà sư trong những chiếc áo choàng cũ lộng lẫy bước đi nghiêm trang trong một đám rước tang lễ có điểm nhấn là một đòn khiêng nhà táng không có thi hài.

Các bộ tộc miền núi xuống thị trấn

Một cơn mưa rào nặng hạt hướng chúng tôi đến một ngôi đình nhỏ trong một công viên địa phương, nơi đó có các đại diện đến từ những nơi xa xôi của các bộ tộc miền núi – người Nùng, người Thái, và người Mán. Một người đàn ông bộ tộc mang cây súng hỏa mai như được dùng trong việc phòng thủ biên cương. Nó không có báng súng và bộ phận máy móc bị phơi bày dưới mưa và bụi, nhưng trong bàn tay ông ta nó là một vũ khí đáng sợ.

Một số phụ nữ, trên đầu cạo trọc quấn tấm khăn được giữ yên tại chỗ bằng các chuỗi hạt có màu sắc sáng chói, mặc áo dệt tại nhà được trang trí bằng hình thêu ngôi sao, mũi tên, chữ vạn, hình thoi và các trang sức bằng bạc nặng nề.

Nơi đây cũng như ở các nơi khác, không có việc các sĩ quan Pháp bắt buộc dân chúng bộ tộc phải làm dáng. Toàn thể buổi lễ là một lễ hội phổ thông, được vui hưởng bởi dân bản xứ của Lạng Sơn.

Các chàng trai và cô gái, đứng ở các đầu đối diện nhau của một bãi đất dài, ném những quả tạ có buộc dây – giống như các chiếc ná có buộc hòn đá – vào một mục tiêu bằng giấy trên cao khoảng hơn 12 mét so với mặt đất. Mỗi cầu thủ khéo léo bắt lấy quả tạ do đối thủ của mình ném ra, và cuộc tranh đua diễn ra sôi nổi. Trò chơi không chấm dứt cho đến khi mục tiêu trên cao, không lớn hơn một đĩa ăn khổ to, hoàn toàn bị phá nát.

Buổi sáng sớm, chúng tôi lên đường tới Đồng Đăng, ngay bên trong Ải Trung Hoa (Porte de Chine). Binh sĩ Bắc Kỳ, một số mang y phục bằng vải kaki, những người khác mặc trang phục màu xanh da trời và trắng, đứng dọc con đường, giăng ngang đường là các chuỗi cờ tam tài với các đỉnh đồi biên giới làm nền. Sau đó, những con rồng dũng mãnh xuất hiện, đầu của chúng lắc lư hoang dại trên các đôi chân nhanh nhẹn nhất.

Một bà đồng chuẩn bị cho trận đấu với ma quỷ

Một đoàn kịch Trung Hoa diễn hành với những chiếc ô thêu dày đặc chào đón chúng tôi, trong khi một bà đồng giương lên một cây đàn tam và một chùm những chiếc vòng bằng thép quấn vào nhau như để ghi dấu thời gian chiến đấu đơn độc của bà chống lại một bầy ác quỷ, hay cho sự tán dương và xoa dịu của chúng.

Người đàn bà dẫn đầu có cặp mắt hạnh nhân, khăn màu đen quấn chặt đầu với đồ trang sức lặt vặt lòe loẹt, mặc chiếc áo choàng rộng với cánh tay áo phất phới có vẽ hình vài con chim huyền thoại màu vàng.

Các đoàn hát này mang y phục diễn tuồng và cảnh trí của họ từ vùng này đến vùng khác của xứ sở, và dựng các sân khấu ngoài trời ở giữa chợ.

Nhà cung cấp thực phẩm quân đội đầu tiên tại Thất Khê được xây dựng nhờ các sắc thuế tự phát đánh vào các sòng bạc khiêm tốn nhưng phổ thông, biến mỗi thị trấn biên cương trở thành một trung tâm giải trí cho một khối hỗn tạp vùng thôn quê.

Ba quân, trò cờ bạc được ưa thích, là một hình thức phức tạp của trò chơi chọn “đầu hay đuôi”, được chơi với bốn đồng tiền, sơn trắng ở một mặt. Một khi tiếng chiếc bát lắc các đồng tiền kêu lách cách vang lên, các dân làng cả người Trung Hoa lẫn người An Nam chắc chắn đều trở thành nạn nhân.

Khi lái xe đến Thất Khê, tôi ước mình được ở trong quân đội, bởi các cử chỉ bình thường xem ra không đáp ứng đủ sự chào đón nồng nhiệt mà người ta dành cho chúng tôi.

Một chàng trai bản xứ, nói tiếng Pháp hoàn hảo, đọc bài diễn văn chào mừng sôi nổi dành cho một đoàn thám hiểm vắng mặt. Các màn thể thao được trình diễn chính xác và sôi động, và một loạt đàn ông và đàn bà bộ tộc được tập họp.

Tôi ước được đi theo các cư dân miền núi này trở về nhà băng qua các cánh đồng lúa, qua các lối mòn hẹp dọc theo các sườn núi cây cối rậm rạp nơi – nếu ta tin ở các truyền thuyết của họ – con cáo chín đuôi sẽ nuốt chửng con người và có một trinh nữ chỉ với một cái liếc nhìn cũng đủ làm chết người!

Các quân cờ “người” sống

Tại Cao Bằng, Iacovleff và Rollet dựng các giá vẽ tại cổng dinh Trú sứ (Residence) và tức thời khởi sự công việc. Tôi đi đến Nguyên Bình [?], hứa hẹn sẽ tuyển chọn những người mẫu đẹp nhất và chở họ về bằng xe của tôi trong khi tôi chụp ảnh màu dân bộ lạc, các thầy pháp, những người dệt vải, và một loạt các quân cờ địa phương là những “người” sống, thực sự là các cô gái Mán Cốc và Mán Tiền trong y phục lễ hội.

Họ xếp một hàng dài chào đón chiếc xe của tôi khi tôi đến nơi – đủ màu sắc và vẻ đẹp nguyên sơ tạo nên một thế giới tuyệt diệu cho một nhà nhiếp ảnh.  Nhiều tuần trên lưng ngựa và thương thuyết có thể không đem lại một kho báu như thế này được, bởi tại các ngôi làng miền núi, phụ nữ ẩn trốn cái nhìn của người xa lạ ngoại trừ dịp Tết, hay lễ mừng Năm Mới kéo dài cả tháng, và trong suốt lễ hội đặc biệt đó, những người háo hức dự lễ lại quá lơ là việc sắm vai người mẫu. Nhưng bây giờ họ có mặt ở đây, khoảng mấy chục người, làm sáng rực ngôi chợ mây mù.

Tôi vội vàng tuyển lựa hai người mẫu (một cô là con gái tù trưởng bộ tộc) cho Iacovleff và Rollet, chọn các thanh niên đồng hành với họ, cộng với nhiều người hầu đi kèm như đòi hỏi của lễ hội và các nghi thức địa phương, và vội vã chở họ về Cao Bằng trong một chiếc xe buýt chắc chắn, bởi chiếc xe của tôi quá nhỏ.

Nói về cờ người, các cô gái nô lệ của các Lãnh chúa Ấn Độ (Moguls) đã chiếm lĩnh sự tưởng tượng của tôi từ rất lâu trước khi những người con gái bộ tộc này đứng vào vị trí của họ trên một “bàn cờ” nằm trên một mảnh ruộng được kẻ thành các ô vuông bằng các thanh tre.

Các cô gái Mán Cốc này là những quân cờ sống.
Đôi khi các du khách đến Nguyên Bình được mời xem một cuộc đánh cờ với các quân cờ người được sắp xếp để tôn vinh họ trên một bãi rộng được kẻ thành các ô vuông bằng tre.  Nữ thần Juno trang nghiêm cao 1m8 này đứng dưới những cây chuối được “chụp” vào đầu trận đấu cờ.
Các nam thanh nữ tú của ba bộ tộc ở Bắc Kỳ tụ họp cho một trận đánh cờ.
Các dải tua màu đỏ sẫm và quần hình bàn cờ phân biệt các phụ nữ Mán Cốc đóng vai các quân cờ “bên trắng”. Trong trang phục thanh lịch nhưng tối màu hơn, người Mán Tiền (hàng thứ nhì) với mũ nâng cao làm liên tưởng đến những chiếc mũ tốt nghiệp, đóng vai quân cờ bên đen. Dân Mèo Trắng (bên trái) cầm ô, đội mũ hình bánh xe làm bằng dải vải hẹp giống như các cuộn băng dính.
Các quân cờ sống chờ đợi nước cờ kế tiếp của người chơi.
Đóng vai các quân cờ sống, các cô gái Mán Cốc này, mang tên quân cờ được thể hiện trên các tấm bảng nhỏ, không ngồi bên trong các ô được kẻ bằng tre mà ngồi ở các giao điểm của chúng. Người chụp ảnh, bận rộn với các ống kính của mình, thú nhận rằng ông không am tường trò chơi, trong đó các nước cờ được chơi trên một bảng nhỏ được lặp lại trên bàn cờ này, rộng bằng hai sân quần vợt.

Những chiếc áo choàng chỉ mặc một ngày

Bất kể vẻ tráng lệ thế kỷ thứ mười sáu của nó, kinh đô bị bỏ phế của Akbar[1] tại Ấn Độ xa xôi để lại trong tôi ký ức không sâu đậm hơn các ô vuông nhỏ được vạch trên vỉa hè sa thạch màu đỏ – bàn cờ trên đó các thiếu nữ nô lệ da ngăm đen của thời xa xưa, được lựa chọn để tiếp nhận ân huệ của hoàng triều và mặc đồ lụa mềm và mỏng đến nỗi chúng bị vứt đi sau khi mặc một ngày, di chuyển từ ô vuông này đến ô vuông kia, đáp ứng các mệnh lệnh từ các nhà quý tộc có bộ râu mượt mà.

Tôi ngờ rằng chẳng có ai ngoài những phụ nữ lạ lùng này của núi đồi Bắc Kỳ, rất sặc sỡ song lại quá khiêm nhường, có thể sắm vai trong một ván cờ mà không xúc phạm tới bóng ma vùng Đông Ấn Độ thuộc một thực tại đã tan biến. Các chuyển động của họ, lặp lại các nước đi của những người chơi cờ tại một bàn cờ thông thường, cho thấy sự trình diễn vô cùng ngoạn mục của một cuộc tranh tài, tựa như khi hai huấn luyện viên túc cầu sử dụng các vận động viên ngôi sao để phô bày các đội hình và chiến thuật được vạch ra trên một tấm bảng đen.

Tại Nguyên Bình, các tu sĩ và các thầy pháp là một vấn đề, bởi họ không nghe theo tiếng nói của giới chức thẩm quyền đang sống, mà nghe theo các mệnh lệnh huyền bí của thánh thần.

Một số trong họ bước vào buổi cầu hồn xuất thần trước khi chúng tôi đến nơi và sự quấy nhiễu sẽ bị xem là xúc phạm. Làm sao mà bất kỳ sĩ quan quân đội nào, nắm quyền kiểm soát hoàn toàn các thầy pháp về mặt vật chất, nhưng lại là một kẻ ngoại đạo, lại có thể khuyến dụ họ bước vào ánh sáng và đứng trước các ống kính chụp hình thì tôi không biết, nhưng lòng bàn tay cầm cả nắm bạc – loại pháp thuật thật đáng nể trên khắp thế giới.

Tại ngôi chợ ở Nguyên Bình, phép màu của pháp thuật đã được uốn nắn một cách khéo léo bởi ma thuật của nhà hành chính thực dân Pháp. Tinh thần của Lyautey, thiên tài thực dân, vẫn còn sống động tại vùng thượng du Bắc kỳ.

Đó là ngày họp phiên chợ lúc chúng tôi quay trở lại Thất Khê, và một đoàn hát Trung Hoa và một đoàn Việt Nam là đối thủ tranh giành sự ủng hộ của đám đông. Các khán thính giả phương đông có một tài năng tích cực trong việc tập trung vào màn diễn chính và không đếm xỉa đến những gì không liên quan.  Khoác một khăn choàng màu đen để chỉ sự vô hình của mình, một người phụ trách đạo cụ có thể băng ngang sân khấu, vấp ngã hay hắt hơi mà không ảnh hưởng ngay cả đến lũ trẻ, những người đang nhìn một nam diễn viên mặc y phục tươi vui không làm gì khác hơn ngoài việc vung chiếc roi, tức thời hiểu rằng anh ta đã lên ngựa.

Ở phương tây, mọi nghệ sĩ nghiêm chỉnh đều lo sợ biến cố tình cờ mang lại một trận cười hay một nụ cười gượng gạo, khi mà nụ cười gượng là một bi kịch.

Chỉ có chỗ đứng xem – tại một sân khấu tuồng Trung Hoa ngoài trời vùng thượng du Bắc Kỳ.
Mở cửa cho mọi người, không thu vé, các rạp hát ngoài trời thu hút nông dân hay những kẻ cờ bạc đến thị trấn. Các phường buôn bán và những khoản đóng góp tự nguyện cung cấp đủ ngân khoản. Giữa những người dân bộ tộc khác nhau trong khối khán thính giả tại Thất Khê, vợ của viên Quản lý Hành chính Pháp đứng giữa người chồng đội mũ cối màu trắng và họa sĩ Louis Rollet.
“Cả thế giới là một sân khấu” tại một phố chợ vùng thượng du Bắc Kỳ.
Sự tập hợp vui tươi này không phải là một sự quảng cáo cho một màn phụ diễn mà là một vở kịch đầy màu sắc của Anh hề và Hoàng đế được trình diễn miễn phí tại một ngôi chợ ngoài trời. Chính vì thế, những người bán rau và khách hàng bị lôi cuốn đến thị trấn và những chàng ưa tán tỉnh Nữ thần May mắn bị cám dỗ bởi các trò chơi cờ bạc.
Kịch nghệ Trung Hoa tại Bắc Kỳ thu hút mắt nhìn hơn là đầu óc.
Các diễn viên lưu động nghèo khổ này sắm vai uy nghi khi họ khoác lên mình những chiếc áo lụa thêu lộng lẫy. Bố cục cũ kỹ, truyền lại qua nhiều thế hệ, được phục sinh khi những người trẻ đóng các vai cổ truyền, mỗi diễn viên với một biểu tượng trên trang phục thể hiện nhân vật mà họ đóng vai.

Nơi chụp ảnh

Khi tôi trèo lên chiếc sàn ọp ẹp trên đó đoàn hát Trung Hoa trình diễn, và bước lên cao trên các hòm đựng y phục trình diễn tại hậu trường sân khấu, giá ba chân để chụp ảnh được cầm bởi một bà già da nhăn nheo, ngẫu nhiên lại là người thuộc lòng nhiều vở kịch cổ điển Trung Hoa, tôi không thấy ai cười, dù người ta có thể nhìn thấy tôi rất rõ. Nhưng khi phát hiện ra đây không phải là một cuộc trình diễn thường lệ mà là một buổi tập dượt để chụp hình, khán giả tụ lại càng đông hơn và bục diễn bị xen lấn đến nỗi chúng tôi rút về khoảng sân dành riêng cho việc chụp ảnh.

Các nghệ sĩ An Nam, trong y phục đi đường, trông đơn sơ và nhếch nhác đến nỗi xem ra không đáng làm phiền để yêu cầu họ mặc trang phục và tô điểm mặt mày. Còn cả một con đường dài và một ngày bận rộn trước mặt. Nhưng lại đáng giá khi nhìn thấy “một con chim trong bàn tay” trên sân khấu trong trang phục bằng lông chim đẹp đẽ của anh ta.

Khi họ xuất hiện, sự kiên trì của tôi đã được tưởng thưởng. Một thiếu phụ vô hồn ngày xưa đã trở thành một công chúa thật sự, và đôi mắt lúc nãy còn thiếu ánh sáng giờ đã lóe lên một nụ cười từ bên dưới vương miện huy hoàng bằng thủy tinh và trang kim, trên đỉnh gắn hai sợi lông công thanh nhã – “những sợi lông đẹp đẽ” đóng giữ vai trò cổ truyền của chúng.

Trang phục của đàn ông thì tươi mới và sặc sỡ. Một hoàng tử mặc hàng lụa bên dưới một tấm trang trí hình tròn trông giống như một cái thuẫn, có đường viền bằng lông thú trắng tinh. Thần tượng tuyệt diệu tại ngôi chợ chính là kẻ ăn mặc đơn sơ đến nhếch nhác lúc nãy hay sao?

Chuỗi hạt và đồ trang sức lòe loẹt làm bừng sáng nụ cười của một nữ diễn viên An Nam.
Hai sợi lông dài của gà lôi làm hoàn chỉnh chiếc mũ trau chuốt của một thành viên đoàn kịch tại Thất Khê. Chỉ trong ít năm gần đây, các vai nữ mới được diễn bởi phụ nữ. Mờ nhạt trong y phục đi đường, nữ diễn viên trẻ này, khi sẵn sàng bước lên sân khấu, là ví dụ điển hình cho câu cách ngôn, “Bộ lông đẹp làm thành con chim đẹp”.
Đằng sau bộ râu giả, đôi mắt lấp lánh tiết lộ tâm trạng của diễn viên này.
Phấn khích bởi máy chụp ảnh, thành viên này của một ban kịch Trung Hoa đang chờ đợi tín hiệu diễn xuất gần Ải Nam Quan tại Đồng Đăng. Các đoàn diễn viên lưu động di chuyển từ thị trấn này đến thị trấn khác, lặp lại các vai tuồng cổ truyền quen thuộc với cả khán giả trẻ tuổi nhất.
Phiên bản anh hề của vở “Con ma sẽ bắt mi” tại vùng thượng du Bắc Kỳ.
Mỗi đoàn kịch Trung Hoa, cho dù vở kịch cổ điển đến đâu, đều có một anh hề mà sự diễn xuất, thường điệu nghệ, mang lại sự khôi hài nhẹ nhõm khỏi một khối quá đông các nhà quý tộc, tướng lĩnh, và thần linh trong truyền thuyết.

(còn nữa)

Bài và ảnh: Maynard Owen Williams

Ngô Bắc dịch

Chú thích:

[1] Vị Vua thứ ba dòng Mogul (gốc Mông Cổ) tại Ấn Độ, trị vì từ 1542-1605 (ND).

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN