Ra mắt “Theo dấu chân Người” – cuốn sách giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cuốn truyện – ký “Theo dấu chân Người” của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú vừa được Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành mang đến những câu chuyện dung dị và tình cảm về những tháng năm bôn ba nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là cuốn sách được thực hiện kỹ càng và công phu. Giáo sư Trình Quang Phú đã có gần 3 thập kỷ ấp ủ ý tưởng và viết cuốn sách này. Cơ duyên bắt đầu từ năm 1996 khi ông hoàn thành tác phẩm “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” viết về cuộc đời Bác Hồ từ niên thiếu cho tới khi Người rời cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước. Cuốn sách đầu tiên về Bác của ông hiện đã tái bản tới lần thứ 22.

Năm 1996, khi tác giả mang sách tặng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà lãnh đạo đất nước đã khuyên ông nên viết về những năm tháng bác Hồ ở nước ngoài. Cố Thủ tướng cho rằng đó là kho tàng lịch sử hấp dẫn và nguồn tư liệu dồi dào, nếu không có ai khai thác, lịch sử về sự nghiệp của Bác cũng là lịch sử của dân tộc Việt Nam hiện đại sẽ không được biết tới đầy đủ. Từ lời dặn “Cháu hãy cố gắng” của cố Thủ tướng, Nhà văn Trình Quang Phú đã hứa và lên kế hoạch thực hiện trong ba thập kỷ.

Đọc cuốn sách có thể thấy Giáo sư Phú đã trăn trở và hiểu biết rất kỹ mới có thể viết những câu chuyện trong sáng và dễ hiểu như vậy. Nguồn tư liệu về Bác tuy nhiều nhưng không dễ tổng hợp sao cho gần gũi độc giả. Giáo sư Trình Quang Phú chọn cách tiếp cận của một nhà văn chứ không phải của một học giả. Ông đã nhận định đúng khi cho rằng các tư liệu về Bác Hồ đều có giá trị văn học, cuộc đời Bác có những tình tiết và câu chuyện văn học nên tác giả đã chọn thể loại “Truyện – Ký”. Đây là lựa chọn vừa thể hiện mong muốn tôn trọng tư liệu, tôn trọng sự thật của ông, vừa mở ra không gian để nhà văn tưởng tượng. Cuốn sách viết theo cách văn chương vì thế rất dễ đọc và chạm đến trái tim độc giả, đúng như tác giả đã tâm sự: với cuộc đời Bác Hồ, chỉ cần viết đủ và viết đúng là đã hấp dẫn và đầy sức nặng.

Trong nhiều năm, nhà văn đã sưu tập hàng trăm cuốn sách viết về Bác, tiếp cận nguồn tư liệu của mật thám Pháp và xem tận mắt hàng ngàn hiện vật liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đáng quý là để viết “Theo dấu chân Người”, ông đã trực tiếp đi theo dấu chân của Bác tới những vùng đất Bác đã sống và làm việc trong ba mươi năm từ Pháp, Anh, Hoa Kỳ, đến Liên Xô và Trung Quốc. Tác giả đã thực sự lặng lẽ đi theo con đường của Bác, lặng lẽ ghi chép và đối chiếu các tư liệu để có thông tin xác thực nhất, quan trọng không kém là có cảm xúc thật đối với những gì Bác đã từng kinh qua. Có những nước như Pháp, Nga, nhà văn Trình Quang Phú đã đi hàng chục lần, có những lần phải chọn đúng thời điểm và thời tiết lúc Bác từng đến để có sự tưởng tượng tốt nhất. Ông đã đến những vùng đất rất xa xôi, khó đi như vùng Viễn Đông của Liên Xô.

Thật khó tin nhưng là sự thật, Bác Hồ đã từng sống ở đó, những vùng đất rất lạnh lẽo như Khabarovsk, Vladivostok đều còn nguyên vẹn những kỷ niệm về Bác. Trên khắp thế giới, dù ở thể chế chính trị nào, ở Anh Quốc hay Liên Xô, ở Hoa Kỳ hay Trung Quốc, các kỷ vật và di tích có dấu chân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đều được gìn giữ cẩn trọng và bảo tồn như những di tích lịch sử.

GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú tại buổi lễ ra mắt cuốn sách “Theo dấu chân Người” ở Hà Nội chiều 26/8/2024. Ảnh: Viện NCPT Phương Đông
Quang cảnh buổi lễ ra mắt sách tại Hà Nội chiều 26/8/2024. Ảnh: Viện NCPT Phương Đông

Nhà văn Trình Quang Phú không chỉ thống nhất các nguồn tư liệu về cuộc đời bôn ba nước ngoài của Bác, mà quan trọng hơn, ông đã biến tư liệu khô khan thành câu chuyện hấp dẫn, thấm đẫm tình người, thể hiện rất đẹp tính cao cả, nhân văn trong nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của dân tộc, cũng là danh nhân văn hoá thế giới.

Tác giả đã thành công với cuốn sách bởi ông đã có hàng chục năm công tác trong đa dạng các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục tới khoa học. Bản thân là một nhà khoa học, ông có cách tiếp cận rất khách quan và khoa học trong xử lý các dữ kiện liên quan tới cuộc đời Bác. Những kiến thức thu lượm được trong quá trình công tác đa lĩnh vực của Giáo sư Trình Quang Phú đã góp phần làm nên thành công của cuốn sách. Với bản lĩnh và kinh nghiệm hơn 60 năm đi theo Cách mạng, ông đã tiếp cận thông tin và thu thập dữ liệu như một nhà tình báo, với ý chí và quyết tâm để đạt được nguyện vọng của mình. Trong mỗi chuyến đi nước ngoài, ông đều không bỏ lỡ thời cơ tìm hiểu về Bác Hồ cũng như tiếp cận các kho tư liệu nước ngoài để có thêm thông tin viết. Cách tiếp cận này đã làm nên giá trị độc đáo của cuốn sách.

Dù năm nay đã bước sang tuổi 84, nỗ lực của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú  – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông thật đáng trân trọng. Toàn bộ tác phẩm đã nói lên lòng kính trọng, tình yêu đối với Bác. Bản thân tác giả cũng đã được truyền cảm hứng từ trí tuệ và khát vọng giải phóng dân tộc mãnh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh để viết nên tác phẩm này. Tác phẩm có giá trị không chỉ bởi tâm huyết của nhà văn mà còn bởi nội hàm của nó. Theo dấu chân Bác Hồ chính là đi theo con đường của sự đúng đắn, của chân lý hướng tới lòng yêu nước, giá trị quốc gia và tinh thần nhân loại.■

Bình Minh

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN