Kéo dài từ đầu năm tới nay với những lời công kích, đe dọa từ cả hai phía, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung diễn biến ngày càng gay gắt hơn và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bài viết này liệt kê những sự kiện chính của cuộc chiến này, kèm theo danh mục tóm tắt những mặt hàng Trung Quốc phải chịu mức thuế mới của Mỹ.
Ngày 23 tháng 1: Mỹ áp thuế quan 30% đối với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu và 20% đối với 1,2 triệu chiếc máy giặt đầu tiên được nhập khẩu trong năm 2018. Trung Quốc là nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, và riêng trong năm 2016 đã xuất khẩu sang Mỹ lượng máy giặt trị giá 425 triệu USD.
Ngày 1 tháng 3: Trump công bố thuế quan đối với tất cả hàng thép và nhôm nhập khẩu, trong đó có hàng từ Trung Quốc.
22 tháng 3: Trump tuyên bố Mỹ sẽ sớm đánh thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc đe dọa sẽ áp thuế để trả đũa động thái này của Mỹ.
3 tháng 4: Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố danh sách đầy đủ các hàng hóa Trung Quốc có thể phải chịu thuế quan. Các ngành công nghiệp có 60 ngày để góp ý và xin miễn trừ khỏi danh mục này.
4 tháng 4: Trung Quốc công bố danh mục hơn 100 hàng hóa của Mỹ với trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế trả đũa, bao gồm nhôm, máy bay, ô tô, thịt lợn, đậu nành (mức thuế 25%), cũng như hoa quả, hạt, thép ống (mức thuế 15%)
19 tháng 5: Sau chuyến thăm của các quan chức Trung Quốc, hai nước công bố phác thảo một thỏa thuận để tránh thuế quan.
29 tháng 5: Nhà Trắng tuyên bố mức thuế trên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn sẽ được áp dụng. Danh mục cuối cùng những mặt hàng chịu thuế sẽ được công bố vào ngày 15 tháng 6. Động thái này dường như đã phá hỏng thỏa thuận thương mại mới đang manh nha.
15 tháng 6: Tổng thống Trump tung ra danh mục hàng hóa chịu thuế.1 818 mặt hàng trị giá 34 tỷ USD đầu tiên sẽ phải chịu mức thuế 25% mới kể từ ngày 6 tháng 7; 284 mặt hàng trị giá 16 tỷ USD còn lại cũng sẽ phải chịu thuế sau đó một thời gian.
Theo USTR, thuế quan của Mỹ nhắm tới hàng hóa công nghiệp, đặc biệt là những mặt hàng nằm trong Chương trình “Made in China 2025” mà Trung Quốc vạch ra để thúc đẩy một số ngành công nghệ cao như hàng không vũ trụ, công nghệ thông tin và truyền thông, rô bốt, máy công nghiệp, vật liệu mới, ô tô. Danh mục áp thuế không bao gồm những hàng hóa phổ thông đối với người tiêu dùng Mỹ như điện thoại di động và ti vi.
Ngay lập tức, Trung Quốc trả đũa bằng một bộ thuế tương đương. Mức thuế 25% của Trung Quốc sẽ được áp dụng với 659 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 50 tỷ USD. Chính sách thuế quan của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ cũng được chia thành 2 đợt, đợt đầu 34 tỷ USD, đợt sau 16 tỷ USD. Thuế quan của Trung Quốc tập trung vào năng lượng và nông sản, nhưng cũng bao gồm nhiều mặt hàng khác như cá cảnh, rượu whiskey, và ô tô điện.
18 tháng 6: Tổng thống Trump chỉ đạo USTR lên danh sách các mặt hàng Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD sẽ chịu mức thuế 10%. Trump nói chính sách thuế mới này sẽ được áp dụng nếu Trung Quốc không hạ mức thuế quan mới công bố đối với hàng hóa Mỹ và không xử lý được tình trạng các công ty Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.
6 tháng 7: Mức thuế 25% chính thức được áp dụng với 818 mặt hàng Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD.
10 tháng 7: Tổng thống Trump công bố danh mục hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD có thể phải gánh chịu làn sóng thuế quan mới. Trái ngược với chương trình thuế trước đó, vốn tập trung chủ yếu vào hàng hóa công nghiệp, danh sách khoảng 200 trang này bao phủ đủ loại mặt hàng – từ hàng tiêu dùng và thực phẩm cho đến hóa chất công nghiệp.2 Điều này có nghĩa là người tiêu dùng Mỹ có thể cảm nhận được sự tăng giá ngay lập tức.
Nếu Trump thực hiện lời đe dọa này, gần 50% tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ phải chịu thuế quan. Với danh mục mới này, Trump đã đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
————————–
(1) Danh mục những nhóm hàng hóa chính của Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ làn sóng thuế quan đầu tiên của Mỹ:
(2) Danh mục những nhóm hàng hóa chính của Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ làn sóng thuế quan thứ hai của Mỹ (nếu được áp dụng)
Sơn Trà (tổng hợp từ Business Insider, Bloomberg, website Đại diện thương mại Mỹ USTR.gov)