Nếu xung đột quân sự với Nga xảy ra và chính quyền ông Trump quyết định đứng ngoài, thì châu Âu sẽ lâm vào cảnh khốn đốn vì khoảng trống quá lớn do Mỹ để lại.
Đối với hầu hết các quốc gia Đông Âu, nước Nga từ trước tới nay vẫn được coi là ‘con quái thú say ngủ’ trên bậc cửa nhà họ. Tuy nhiên, từ khi ông Donald Trump trở thành người chủ Nhà Trắng, một số nước châu Âu bắt đầu lo ngại những liên minh truyền thống của họ sẽ không còn đủ sức kìm chân ‘quái thú’ như trước nữa.
Kể từ khi được thành lập năm 1949, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã trở thành nền tảng vững chắc cho an ninh của toàn châu Âu.
Các nước Mỹ, Canada, Anh và phần lớn các quốc gia châu Âu trong khối NATO đã góp phần củng cố sức mạnh hạt nhân của Mỹ để đối đầu với Nga – cường quốc hạt nhân lớn thứ hai trên thế giới.
Tuy nhiên, trước tình trạng liên minh bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt, một số quốc gia châu Âu bắt đầu trở nên dè chừng Nga và tính đến những kế hoạch thay thế.
Ví dụ, vừa qua Ba Lan đã đề nghị chi 2,7 tỉ USD để Mỹ cho quân đội đồn trú thường trực tại nước này.
Tiến sĩ Jean Renouf tại Đại học Southern Cross cho biết các lãnh đạo châu Âu đang ngày càng trở nên lo sợ trước viễn cảnh bị quân đội Nga tấn công trên chính lãnh thổ của họ.
“Hiện nay chúng ta đang chứng kiến xung đột leo thang trong khu vực. Điều đó có nghĩa là một cuộc chiến mới hoàn toàn có thể xảy ra nếu chúng ta lơ là cảnh giác”.
Những gì Tổng thống Mỹ Donald Trump thể hiện trong cuộc họp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 16/7 vừa qua tại Helsinki đã “cho thấy sự mong manh của khối phương Tây”, Tiến sĩ Renouf nhận định.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh, nhiều báo Mỹ đã lên án hành động của ông Trump là “phản quốc”, bởi ông đã có nhiều biểu hiện công khai bênh vực người đồng cấp Nga thay vì các cơ quan tình báo của Mỹ.
Trong chuyến đi, ông Trump cũng nhiều lần đưa ra lời cảnh báo và dọa dẫm rằng Mỹ sẽ bỏ rơi NATO nếu các đồng minh trong khối này không chịu gia tăng mức chi tiêu quốc phòng như đã cam kết trước đó. Thậm chí, trước khi gặp chính thức ông Putin, ông Trump còn gọi châu Âu là “kẻ thù”.
Giáo sư Ian Bond, Giám đốc mảng chính sách đối ngoại tại Trung tâm Cải cách Châu Âu, cho biết sự mơ hồ trong chính sách đối ngoại của ông Trump có thể sẽ trở thành lợi thế cho nước Nga trước châu Âu.
“Ông Trump đã khiến các đồng minh nghi ngờ rằng họ còn có thể tiếp tục dựa vào nước Mỹ hay không. Và sự nghi ngờ đó có thể tạo khe hở để Nga chiếm lại hoặc hủy hoại những phần lãnh thổ cũ”.
Các cuộc tập trận và những lời hứa mơ hồ
Nước Mỹ hiện có khoảng 60.000 binh lính đồn trú tại châu Âu, phần lớn trong số đó hiện đang đóng quân tại Đức. Tuy nhiên, theo một số báo cáo gần đây, Lầu Năm Góc có vẻ như đang rà soát lại số lượng binh sĩ đồn trú trên châu lục này.
“Chính phủ Mỹ đang cân nhắc lại việc giảm hiện diện quân sự tại châu Âu, và có thể quyết định này được đưa ra sau khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ cắt giảm chi phí tại những nơi ông cho là thừa thãi”, Tiến sĩ Renouf cho hay.
Tuy nhiên sau hội nghị thượng đỉnh NATO, các nước châu Âu đã đồng thuận gia tăng chi tiêu quốc phòng sau những lời đe dọa của ông Trump.
“Tính cách khó đoán của ông Trump và việc Mỹ không có chiến lược đối ngoại cụ thể đã khiến các đồng minh lo lắng. Châu Âu cho rằng họ cần phải tự mình hành động và không dựa dẫm vào Mỹ nữa”, ông Renouf nói.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump có vẻ không ăn nhập lắm với những động thái của Mỹ. Ví dụ, hồi tháng 5 vừa qua, Washington đã điều thêm quân đội tới các địa điểm chiến lược tại miền Đông châu Âu và vùng biển Baltic để phục vụ chiến dịch Atlantic Resolve.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết việc điều quân này nằm trong một cuộc diễn tập quy mô lớn để thử thách năng lực quân sự cần thiết nếu một cuộc chiến nổ ra tại châu Âu.
Tháng trước, NATO vừa tổ chức cuộc diễn tập Trojan Footprint 18 tại Ba Lan và vùng biển Baltic. Trojan Footprint 18 đã được đánh giá là một trong những cuộc tập trận lớn nhất từng diễn ra trong khu vực.
Về phần mình, Nga cũng không hề kém cạnh khi tổ chức cuộc diễn tập riêng và điều các chiến đấu cơ tới vùng biên giới của Estonia và Latvia (2 quốc gia thuộc khu vực Baltic). Cả 2 quốc gia này đều có một bộ phận không nhỏ công dân là người Nga.
Tiến sĩ Renouf cho rằng các cuộc xung đột quân sự hoàn toàn có khả năng leo thang tại khu vực biển Baltic. Với thái độ hiện nay của Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu đều nhận thức rõ rằng họ cần thay đổi vị thế chiến lược để đối phó với những tình huống sắp tới, ông Renouf nói.
Tháng 1 năm nay, lãnh đạo một ngân hàng có tiếng của Nga đã cảnh báo “xung đột quân sự có nguy cơ leo thang” tại châu Âu.
Ông Andrey Kostin, Chủ tịch ngân hàng VTB, cho biết mối quan ngại lớn nhất của ông trong thời điểm hiện tại là hiểm họa của cuộc chạy đua vũ trang tại châu Âu.
“NATO có nhu cầu ngày càng lớn về vũ khí, và họ cũng đang ‘rải’ thêm nhiều vũ khí tại châu Âu. Chắc chắn là Nga sẽ có các biện pháp trả đũa tương xứng”, ông Kostin nói.
Vùng lãnh thổ ‘mong manh’ nhất châu Âu
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã liên tục chỉ trích các đồng minh NATO vì không đáp ứng mức chi tiêu quốc phòng như cam kết, đồng thời ông cũng luôn có thái độ miễn cưỡng đối với các điều khoản của thỏa thuận NATO.
Những nhận định trên được thể hiện rất rõ qua thái độ chùn bước của ông Trump khi được gợi ý bảo vệ Montenegro, một quốc gia nhỏ vừa gia nhập NATO năm ngoái.
Một số nhà bình luận cho rằng đó là dấu hiệu cho thấy ông Trump sắp rời bỏ NATO.
“Việc cân đo, đong đếm lời hứa bảo vệ quốc phòng cho các quốc gia trong liên minh NATO chính là một bước tiến lớn trên con đường rời bỏ liên minh”, nhà ngoại giao – chuyên gia về chính sách đối ngoại Philip Gordon nhận định trên The Atlantic.
Nếu xung đột quân sự xảy ra tại châu Âu, rất có thể nó sẽ diễn ra tại Hành lang Suwalki – nơi được gọi là “vùng lãnh thổ mong manh nhất châu Âu”, hay “tử huyệt của NATO”.
Hành lang Suwalki rất hẹp và trải dài 104km dọc theo biên giới giữa hai nước Ba Lan và Lithuania.
Nếu Nga nắm được quyền kiểm soát khu vực này, thì con đường tiếp cận Biển Baltic của họ thông qua Kaliningrad sẽ được củng cố, và từ đó Nga hoàn toàn có thể cách ly khu vực Baltic khỏi phần còn lại của châu Âu và các đồng minh phương Tây khác thuộc liên minh NATO.
“Khu vực này có ý nghĩa chiến lược rất lớn đối với Nga. Việc tấn công chiếm quyền kiểm soát khu vực này rất dễ dàng… nhưng phòng thủ lại vô cùng khó khăn.
Tháng trước, các chiến đấu cơ của Anh và Mỹ cũng đã tham gia cuộc diễn tập phòng ngự chung với Ba Lan, Lithuania và Croatia tại khu vực có nguy cơ trở thành điểm nóng quân sự này.
Các quan chức quốc phòng Mỹ đã liên tục trấn an đồng minh rằng rất khó có khả năng Mỹ sẽ trốn tránh thực hiện các cam kết của mình.
Tuy nhiên, nếu như một cuộc xung đột thực sự xảy ra ở Đông Âu, và Mỹ lựa chọn đứng ngoài cuộc, thì chắc chắn các nước châu Âu sẽ lâm vào cảnh khốn đốn do khoảng trống ‘khổng lồ’ khi Mỹ vắng mặt, Tiến sĩ Renouf cho hay.
theo Trí Thức Trẻ