Một phác họa lịch sử Việt Nam trước thời Pháp thuộc

John K. Whitmore

Ngô Bắc dịch

Nguồn: John K. Whitmore, An Outline of Vietnamese History Before French Conquest, The Vietnam Forum 8, Council on Southeast Asia Studies, Yale University, các trang 1 – 9.

Việt Nam ngày nay nhìn lịch sử của nó trải ngược về 4000 năm. Các gốc rễ văn hóa của dân tộc giờ đây được biết là người Việt Nam cũng như gốc rễ của các dân tộc khác trong ranh giới hiện hữu của Việt Nam, xuất hiện từ lòng đất của miền bắc và miền trung nước này. Hơn ba thập niên qua, các nhà khảo cổ Việt Nam khảo sát sâu rộng tại các địa điểm tiền lịch sử và đã xác lập sự hiện hữu của một loạt các nền văn hóa. Các nền văn hóa này đã tạo thành một chuỗi liên tục từ một số các khuôn mẫu địa phương biến đổi đến một văn hóa chung. Giai đoạn trước, vào đầu thiên niên kỷ thứ nhì Trước Công Nguyên (TCN) là thời Đá Mới (Neolithic) và nền văn hóa chính yếu của nó là Phùng Nguyên, được đặt tên theo một địa điểm tại thượng lưu châu thổ sông Hồng. Giai đoạn sau, trong thiên niên kỷ kế tiếp, là Thời Đồ Đồng Thiếc (Bronze) và được biết là Đông Sơn, theo tên địa điểm trên sông Mã, thuộc Thanh Hóa, nằm ngay phía nam của vùng châu thổ. Xen giữa hai thời đại và sự phát triển có các nền văn hóa Đồng Dậu và Gò Mun.

Huyền thoại cho thấy một sự thay đổi song hành trong đời sống xã hội và chính trị khi các vua Hùng của “triều đại” Hồng Bàng của nước Văn Lang xuất hiện khoảng thế kỷ thứ bảy TCN. Các nhà vua này “cai trị các vùng đất bình nguyên miền bắc cho tới thế kỷ thứ ba TCN, khi sự biến động tại Trung Hoa, lần đầu tiên đã đẩy những kẻ xâm lăng địa phương xuống phía nam vào lúc An Dương Vương đang nắm quyền kiểm soát và đặt kinh đô tại Cổ Loa, gần Hà Nội, và sau đó dẫn đến sự bành trướng sâu hơn về phía nam của nhà Tần vào khu vực Quảng Châu (Canton). Viên tướng nhà Tần, Triệu Đà (Chao T’o) giữ vững vị thế ở đó chống lại triều đại mới của nhà Hán, đặt tên lãnh thổ của ông là Nam Việt (Nan-yueh) và, sau khi đánh bại An Dương Vương, đã cai trị giống dân địa phương, dân tộc Lạc Việt. Cuộc chinh phục của Hán Vũ Đế (Han Wu-ti) năm 111 TCN đã đưa đến một sự kết thức sự cai trị của họ Triệu.

Theo tài liệu Trung Hoa và huyền sử Việt Nam, dân tộc Lạc [Việt] dưới quyền các lãnh chúa địa phương đã thành lập một xã hội nông nghiệp có tổ chức, với mối quan hệ thân thích hai chiều. Phụ nữ giữ vị thế cao, bao gồm cả chức vụ chính trị. Sự xâm lấn của Trung Hoa hồi đầu thế kỷ thứ nhất đã gây ra cuộc phản kháng sau cùng của giới quý tộc dân Lạc trong năm 40 do hai chị em Bà Trưng lãnh đạo. Cuộc nổi dậy đã bị dẹp tan hai năm sau đó bởi viên tướng Trung Hoa tên là Mã Viện. Trong chín thế kỷ kế đó, khi quyền lực Trung Hoa suy sụp và biến mất, các gia đình địa phương, nhiều người thuộc dòng dõi Trung Hoa, đã tìm cách chiếm đoạt quyền lực và sự giàu có (từ tăng trưởng mậu dịch quốc tế). Thế kỷ thứ sáu, với Lý Bí, Triệu Quang Phục, và Lý Phật Tử, và thế kỷ thứ mười, với Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, và Lý Công Uẩn, đã đặc biệt chứng kiến sự tương tác giữa các khuôn mẫu đế quốc Trung Hoa, các tín ngưỡng bản địa, và những ảnh hưởng quốc tế của Ấn Độ. Dân Lạc trở thành Việt Nam và đã hiện hữu trong mối quan hệ với quyền lực Trung Hoa. Thời kỳ vĩ đại của nhà Đường trong các thế kỷ thứ bảy và thứ tám với sự kinh đô huy hoàng tại Tràng An và trận càn quét khắp Á Châu đã có tác động lớn lao đối với Việt Nam. Thủ đô của miền này là Đại La đã vươn lên tại vị trí của Hà Nội. Song các vùng đất nội địa tiếp tục duy trì thẩm quyền của các tín ngưỡng bản địa.

Một Việt Nam độc lập đã trỗi dậy trong các thế kỷ thứ mười và mười một. Tại Trung Hoa, nhà Đường sụp đổ và từ năm 960 bị thay thế bởi nhà Tống. Các hải cảng quan trọng xuất hiện trên bờ biển đông nam của Trung Hoa có nghĩa nhà Tống ít có nhu cầu cần phải kiểm soát Việt Nam. Các quyền lực địa phương được để mặc cạnh tranh giành quyền chúa tể. Trước tiên, Ngô Quyền đã đánh bại một kẻ thách đố từ Quảng Châu trên sông Bạch Đằng trong năm 939 và lập kinh đô của ông tại Cổ Loa, sau đó Đinh Bộ Lĩnh đã nổi lên trong thập niên 960 tại Hoa Lư, và sau cùng, trong những năm đầu tiên của thế kỷ thứ mười một, Lý Công Uẩn, được hậu thuẫn bởi nhà sư Vạn Hạnh và tổ chức Phật Giáo, đã nắm giữ ngôi vua. Ông đã lập kinh đô tại Thăng Long (Hà Nội).

Quốc gia nhà Lý (1009-1224), sau 1054 được gọi là Đại Việt, được nhìn đúng nhất như một chính thể Đông Nam Á cổ điển thích nghi với các thành tố ngoại quốc khác nhau, Chàm, Trung Hoa, và các phần tử khác, để nâng cao thẩm quyền hoàng triều bản xứ. Ba vị vua trị vì đầu tiên (1009-1072) đã nhìn thấy Đại Việt được xây dựng từ căn cứ của một tù trưởng địa phương thành một quyền lực cường thịnh, có khả năng trong thập niên 1070 lập được một sự kế ngôi ổn định và tự phòng vệ chống lại Trung Hoa. Điều này đã được thực hiện qua việc củng cố căn bản trung ương bằng sức mạnh quân sự, các cuộc hôn phối giữa các gia đình cạnh tranh, và các định chế Phật Giáo Đại Thừa tích cực và bởi việc tạo lập ra các nghi lễ thu hút sự trung thành với trung ương (lễ cắt máu ăn thề) và phục vụ một giáo phái hoàng triều thờ Đế Thích (Indra), vị vua trên trời [tác giả đã dùng tiếng Việt, Đế Thích để dịch từ Indra, thay vì Đế Thiên để chỉ vua trên trời theo Ấn Độ Giáo; Đế Thích, thường được dùng để chỉ Đức Phật Thích Ca, chú của người dịch]. Các thành phần trí thức Trung Hoa, kể cả các cuộc khảo thí, vẫn nằm ở ngoại vi của quyền lực hoàng triều.

Tuy nhiên, người Việt Nam có vay mượn từ Trung Hoa ý tưởng về “triều đại”, một gia tộc duy nhất chuyển giao quyền lực xuyên qua sự thừa kế theo phụ hệ. Song, tại xã hội song hệ này, các vấn đề thừa kế liên can đến nhiều hoàng tử đã xảy ra trong thế kỷ thứ mười hai, đặc biệt trong các năm 1127 và 1137. Cùng lúc, sự va chạm nổi lên giữa các quốc gia Đại Việt, Chàm, và Angkor, liên can đến các sự căng thẳng chính trị và sự cạnh tranh kinh tế. Từ năm 1128 đến 1218, ba trung tâm quyền lực đã giao chiến với nhau để giành quyền tối thượng trên phần đại lục phía đông của Đông Nam Á. Một sự bế tắc đưa đến sự suy yếu của cả ba quốc gia này.

Vào năm 1200, các quyền lực địa phương tại Đại Việt thách đố các vị vua nhà Lý. Nhà Trần từ Phúc Kiến thuộc đông nam Trung Hoa đã xây dựng quyền lực tại phía nam châu thổ sông Hồng trên một nền tảng thương mại, được mô tả là về ngư nghiệp. Gia đình này tự ghép mình vào một liên minh qua hôn phối với một chi của hoàng tộc để trở thành quyền lực đằng sau ngai vua và sau rốt đã chiếm được quyền chủ tể.

Triều đại nhà Trần (1225-1400) đã duy trì một sự liên tục mạnh mẽ về nghi lễ và ý thức hệ, với giáo phái hoàng gia tôn sùng Đế Thích [Đế Thiên?], lễ cắt máu ăn thề, và các định chế Phật Giáo. Song trong các vấn đề cơ cấu, nó đã bắt đầu di chuyển theo một đường hướng mới, sửa chữa các nhược điểm đã khiến nhà Lý sụp đổ. Sự thừa kế trở thành vừa theo phụ hệ lẫn quyền con trai trưởng (primogenitary), và các hôn phối hoàng gia là giữa các anh em họ với nhau. Khi người thừa kế đến một độ tuổi nào đó, nhà vua sẽ nhường ngôi và trở thành thái thượng hoàng, điều hành từ trong hậu trường. Nhà Trần cũng khởi sự đẩy thẩm quyền trung ương vào vùng nông thôn. Từ thập niên 1230, một loại khảo thí mới được tổ chức, và những người trúng tuyển đã xuất hiện trong văn phòng làm việc, trước tiên tại kinh đô, sau đó tại các tỉnh. Vào thập niên 1250, quyền lực trung ương đủ mạnh để thực hiện nỗ lực đầu tiên trong việc tiêu chuẩn hóa các hệ thống đắp đê trọng yếu ở các hệ thống sông Hồng và sông Mã.

Cuộc thử nghiệm thư lại này đã đi đến hồi kết trong nửa sau của thế kỷ khi mối đe dọa từ Mông Cổ tiến sát gần hơn, trước tiên đến Trung Hoa và sau đó đến miền bắc Đông Nam Á và khi một lứa các hoàng tử tích cực lãnh đạo cuộc kháng chiến. Các hoàng tử này, đặc biệt là Trần Hưng Đạo, đã điều hành từ các thái ấp của họ ở vùng nông thôn. Họ vừa đánh bại các cuộc tấn công của quân Nguyên trong thập niên 1280 (chiến thắng sau cùng năm 1287 một lần nữa diễn ra trên sông Bạch Đằng) và tự thiết định mình trong chính quyền, nắm giữ các vai trò quan trọng tại kinh đô và kiểm soát các công việc ở các tỉnh. Họ cùng các hậu duệ và những người do họ đỡ đầu đã nắm chính quyền cho đến thế kỷ thứ mười bốn.

Nỗ lực chung của Việt Nam và Chàm chống lại quân Mông Cổ mang lại tình hữu nghị giữa hai dân tộc, bao gồm cuộc thăm viếng của một thái thượng hoàng Việt Nam, vua Trần Nhân Tông, đến xứ Chàm và cuộc liên hôn hồi đầu thế kỷ thứ mười bốn. Tuy nhiên, tình hữu nghị đã mau chóng bị đổ vỡ, và hai lần (trong năm 1312 và 1318) quân đội Việt Nam đã tiến vào xứ Chàm và lập lên các nhà lãnh đạo thân thiện ở đó. Mối liên kết với Chàm đã trợ lực cho Phật Giáo phát triển, trong khi cùng lúc với văn nhân trí thức với học thuật Trung Hoa cổ điển đã xuất hiện ở các chức vụ cao cấp. Sau đó, vào giữa thế kỷ, sự kiểm soát của triều đại bị suy yếu, hai thập niên với các cuộc xâm lăng từ Chàm (1370-1390) đã đặt Đại Việt vào tình trạng khủng hoảng. Cả ý thức hệ trung tâm và sự kiểm soát tài nguyên đều thất bại. Từ cuộc khủng hoảng này nảy sinh một viên thượng thư quyền thế, Hồ Quý Ly tỉnh Thanh Hóa, nối kết qua hôn phối với hoàng tộc. Ông ta đã tập trung sự kiểm soát trên nhân lực, đất đai, và lượng cung cấp tiền tệ, trong khi hợp thức hóa quyền lực của ông không xuyên qua nghi lễ cổ xưa mà qua các sự ám chỉ trong kinh điển Trung Hoa. Trong năm 1400, ông đã chiếm ngôi vua.

Song sự ủng hộ chính trị cho nhà Hồ đã thất bại, và cuộc xâm lăng năm 1406 của nhà Minh đã chấm dứt quyền lực của nhà Hồ. Trong thời gian có sự hiện diện của thực dân Tàu trong hai mươi năm (1407-1427), đã diễn ra một sự xâm nhập sâu xa nhất chưa từng có của cơ cấu thư lại và học thuật Khổng học. Phía Việt Nam nhớ lại một cách chua chát sự bóc lột, nhưng các biến cố trong lịch sử ban sơ của nhà Minh có nghĩa một sự hiện diện mạnh mẽ hơn nhiều của các trường công lập và phe Tân Khổng Học chính thống. Nhiều cuộc nổi dậy đã thất bại cho đến khi cuộc khởi nghĩa ở Lam Sơn, khởi xướng bởi Lê Lợi, nổ ra trong năm 1418, xuất hiện từ các núi đồi của Thanh Hóa, để kiểm soát trước tiên phần đất phía nam khi đó và sau cùng châu thổ Sông Hồng.

Triều đại nhà Lê (1428-1527) từ vùng nội địa bước vào khoảng trống được để lại bởi một nửa thế kỷ khủng hoảng và sự đe dọa của ngoại quốc. Cơ cấu quốc gia khởi xướng là cơ cấu của nhà Trần và nhà Hồ, và tư cách chính thống đến từ cuộc chiến thắng trước nhà Minh. Song những thay đổi quan trọng xảy ra trong sự chiếm hữu đất đai khi các thái ấp/lãnh địa được thay thế bằng nông nghiệp làng xã dưới sự kiểm soát trung ương và trong luật pháp (với bộ luật chủ yếu đầu tiên trong lịch sử Việt Nam). Nguyễn Trãi đã đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động này. Ảnh hưởng của tư tưởng Tân Khổng Học khi đó đã tăng trưởng trong giới tinh hoa cho đến thập niên 1460 khi vị hoàng đế trẻ tuổi Lê Thánh Tông (1460-1497) và những người ủng hộ ông chính thức thiết lập hình thức thư lại Trung Hoa trong chính quyền và lấy học thuyết Tân Khổng học làm ý hệ chính thống của quốc gia. Sự tăng trưởng quyền lực được biểu lộ tức thời khi Việt Nam đẩy lui sự đe dọa của Chàm và trong năm 1471 đã chiếm giữ kinh đô Vijaya, chia cắt xứ Chàm và sáp nhập phần lãnh thổ phía bắc của Chàm. Năm 1479, Việt Nam lần đầu tiên xâm lăng các bang của dân Lào. Đại Việt cũng đã ứng dụng phong cách đạo lý Trung Hoa về các quan hệ ngoại giao, phân ranh dân văn minh với dân man rợ.

Thế kỷ từ 1460 đến 1560 đã đánh dấu đỉnh điểm của ảnh hưởng nhà Minh bên phía Việt Nam và cùng với nó là sự mở rộng các thành tố Khổng học như chế độ phụ hệ và quyền thừa kế của con trai trưởng xuống dân gian. Triều đại nhà Lê có các thời khoảng khó khăn trong các thập niên đầu tiên của thế kỷ thứ mười sáu và bị thay thế bởi nhà Mạc (1527-1592), một gia tộc với hai thế kỷ học thuật Trung Hoa đàng sau nó. Mạc Đăng Dung, một quân nhân, đã nắm giữ quyền hành khi hai gia tộc trong triều đình từ Thanh Hóa, họ Nguyễn và họ Trịnh, vướng mắc vào thù hận truyền kiếp. Nhà Mạc đã tái thiết lập các thành quả của Lê Thánh Tôn dưới thời Hồng Đức và đối phó một sự đe dọa của Trung Hoa trong thập niên 1540 bằng các phương thức ngoại giao. Song họ không bao giờ giành được sự kiểm soát Thanh Hóa. Từ căn cứ này, các lực lượng họ Nguyễn/họ Trịnh đã phóng ra các chiến dịch trong sáu mươi năm trước khi chiếm lại được kinh đô và tái lập nhà Lê (1592-1788) lên ngôi. Nhà Mạc tìm nơi trú náu tại núi đồi miền bắc ở Cao Bằng dưới sự bảo hộ của nhà Minh.

Nhà Nguyễn đã tự thiết lập tại Thuận Hóa trên biên giới phía nam năm 1588 và trong năm 1600 đã trở lại phương nam, tách biệt với họ Trịnh tại Thăng Long. Họ Trịnh đã khống chế triều đình nhà Lê ngoại trừ những năm cuối cùng của triều đại và đã biện minh sự kiểm soát này bằng các nỗ lực đánh bại họ Nguyễn. Trong nửa thế kỷ, từ 1620 đến 1670, chiến tranh đã tiếp diễn từng chập mà khống có kết quả quan trọng. Sau khi nhà Minh bị mất đi (1644), họ Trịnh đã quét sạch căn cứ họ Mạc. Trong phần lớn thời khoảng này, họ Trịnh đã dựa vào quân đội và nghi lễ cổ xưa (cắt máu ăn thề) để duy trì sự kiểm soát. Sự sụp đổ của nhà Mạc trong năm 1592 đã dẫn đến sự suy tàn của giới văn nhân trí thức, và cho mãi đến thập niên 1660, chúa Trịnh Tạc mới phục hồi ý thức hệ Khổng học và chính quyền thư lại. Một lần nữa, các học giả trở thành các viên chức, thăng tiến lên các trình độ cao cấp trong chính quyền, và nhà nước có sự quan tâm nhiều hơn đến các làng xã và tài nguyên của chúng.

Cùng lúc, họ Nguyễn tại phương nam đã mở rộng lãnh địa của họ trong cuộc Nam Tiến. Lãnh địa của họ men xuống theo bờ biển cho tới khi, vào thập niên 1660, khu định cư của người Việt xuất hiện tại khu vực Sài Gòn. Chúa Nguyễn đã sẵn gửi hàng nghìn người Trung Hoa (những người tỵ nạn tân triều đại nhà Thanh) tới Biên Hòa và Mỹ Tho. Kinh tế miền nam đã mau chóng được nối kết với mậu dịch quốc tế đang tăng trưởng của thế kỷ thứ mười bảy. Người Nhật Bản, người Trung Hoa, người Đông Nam Á, và người Âu Châu đã tham dự vào các thị trường thịnh phát của Hội An (Faifo) gần Đà Nẵng. Tự căn bản, hải cảng này đã là một điểm tiếp xúc với nền kinh tế Trung Hoa, cũng như các kim loại được trao đổi của Nhật Bản và Âu Châu (vàng, bạc, đồng thau) để lấy lụa (của Trung Hoa hay địa phương). Việt Nam cũng đã phát triển các cây trồng tại các đồn điền, đặc biệt đường mía, cho thị trường quốc tế. Trong khi hoạt động một cách độc lập, họ Nguyễn vẫn duy trì lòng trung thành với vua Lê (ngược với họ Trịnh), và lãnh địa phương nam, bất kể nó đã lớn rộng tới đâu, vẫn còn mang hình thức một tỉnh hạt duy nhất.

Vào thế kỷ thứ mười tám, các thay đổi quan trọng đã được tiến hành làm biến chuyển xã hội Việt Nam. Đúng ngay vào lúc họ Trịnh giữ nguyên căn bản đánh thuế, sự tăng trưởng dân số mau lẹ bắt đầu diễn ra. Đầu thập niên 1700 miền Bắc đã chứng kiến một gánh nặng thuế khóa gia tăng trên các làng xã, nhiều sự di chuyển của dân chúng, và sự gia tăng số lượng các địa chủ tư nhân. Nhiều người dân lang thang tại vùng nông thôn, gia nhập các băng đảng thổ phỉ hay làm việc cho các lãnh chúa địa phương, hay nhập cư vào các thành phố. Sự tập trung của cải nhiều hơn nghĩa là các xa xỉ phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, và thương mại cùng ngành thủ công tăng trưởng. Sự bất mãn cả trong triều đình lẫn tại vùng nông thôn đã dẫn đến một số cuộc nổi loạn suốt khoảng giữa của thế kỷ.

Song cuộc khởi nghĩa chính yếu đã diễn ra tại phương nam, bắt đầu tại làng Tây Sơn, trong vùng núi đồi phía tây của Qui Nhơn (1771). Cuộc phản kháng đã đánh đuổi các lực lượng của họ Nguyễn, sau đó đánh bại binh sĩ xăm lăng của họ Trịnh. Khi quân đội Tây Sơn tiến tới việc chiếm giữ kinh đô, nhà lãnh đạo họ Lê đã kêu gọi sự can thiệp của Trung Hoa. Quân Tây Sơn đã đánh bại quân Trung Hoa năm 1789 tại Đống Đa, trong cuộc “công kích Tết” đầu tiên, và đã đặt Nguyễn Huệ lên ngôi vua. Tuy nhiên, quân Tây Sơn đã không càn quét được gia tộc họ Nguyễn, và một thành viên còn sống sót, Nguyễn Ánh, từ Bangkok trở về vùng châu thổ sông Mekong để cầm đầu một chiến dịch bắc tiến trong suốt thập niên 1790. Ông đã được nhiều người ngoại quốc, kể cả người Pháp, trợ giúp trong việc này. Năm 1802, Nguyễn Ánh đã đánh bại triều đại cạnh tranh, tự nắm lấy quyền lực.

Triều Nguyễn (1802-1945) đã cai trị khắp Việt Nam (khi đó được gọi là Đại Nam) như chúng ta hay biết về nó ngày nay, trải dài từ biên giới Trung Hoa đến Campuchia, và nó đã chuyển kinh đô từ Thăng Long (Hà Nội) ở miền Bắc về Huế ở miền trung. Nguyễn Ánh, Hoàng Đế Gia Long, đã cai trị với các phụ tá lâu dài, như thái giám Lê Văn Duyệt kiểm soát miền nam xa xôi. Những kẻ trong “danh sách danh dự từ Bangkok” đã giúp việc cai trị đất nước qua ba thập niên đầu tiên của thế kỷ thứ mười chín. Vua Gia Long đã sử dụng các thành tố kiểu Trung Hoa trong chính quyền của ông và tiếp nhận, thậm chí bắt chước, bộ luật nhà Thanh đương hành, nhưng chế độ của ông mang nhiều tính chất cá nhân hơn thư lại. Con của ông, vua Minh Mạng, đã thay đổi điều đó, cuối cùng (trong thập niên 1830) đã thay thế lớp công thần bảo vệ chế độ già nua bằng các viên chức trí thức và thủ tục thư lại. Chính nhờ đó ông đã nối dài quyền lực trung ương của Huế từ biên giới này đến biên giới kia và đặt định nó trên một chủ nghĩa Tân Khổng học chính thống.

Các quan hệ ngoại giao cũng theo đuổi chủ nghĩa chính thống này, kiềm giữ các nước Âu Châu (và Thiên Chúa Giáo) cách xa và tìm cách thống trị các láng giềng Đông Nam Á. Thái Lan và Việt Nam đã đánh nhau giành quyền kiểm soát trên Campuchia trong thập niên 1830 và đã khống chế vùng núi non của Lào, quyền lực của họ đã suy yếu trong thời Tự Đức, vào giữa thế kỷ. Tàn dư Trung Hoa của cuộc nổi dậy Thái Bình [Thiên Quốc], những kẻ phiêu lưu gốc Pháp, và quyền lực Thái Lan lớn mạnh đã thách đố và triệt hạ sự kiểm soát của Việt Nam bên ngoài các bình nguyên trung phần và bắc phần Việt Nam. Triều đình tại Huế đã mất đi tính linh động năng động của những năm ban sơ và đã không có khả năng đáp ứng với nhiều thách đố. Nam Kỳ và Campuchia tại biên giới phương nam rơi vào tay người Pháp trong thập niên 1860, Bắc Kỳ và Trung Kỳ tại miền bắc và miền trung trong thập niên 1880, và các bang tại Lào trong thập niên 1890.

Chế độ quân chủ nhà Nguyễn đã không thể lãnh đạo một cuộc kháng chiến chống lại sự can thiệp của ngoai quốc như đã từng được làm trong các thế kỷ trước đây. Các nhà vua của triều đại này (sau Minh Mạng) thiếu khả năng để lãnh đạo, và chỉ có duy nhất vua Hàm Nghi trong năm 1885, được hưởng ứng bởi các quan chức như Phan Đình Phùng và phong trào Cần Vương của họ, thực sự thực hiện các nỗ lực, mặc dù quá trễ. Người Pháp đã làm suy yếu chế độ quân chủ thay vì xóa bỏ nó; thời đại của mô hình Trung Hoa Tân Khổng học đã bị vượt qua. Động lực trí thức giờ đây nằm ở những người đi tìm kiếm các phương thức hiện đại cho Việt Nam.

—–

Tài liệu cần đọc tuyển chọn:

Keith W. Taylor, The Birth of Vietnam, Berkeley, CA., University of California Press, 1983.

Các khảo luận của K. W. Taylor, J. K. Whitmore, O. W. Wolters, Trần Quốc Vượng, Esta Unger trong sách biên tập bởi D. G. Marr & A. Milner, Southeast Asia, Ninth to Fourteenth Centuries, Singapore, sắp phát hành.

O. W. Wolters, “Historians and Emperors in Vietnam and China”, trong sách biên tập bởi A. Reid & D. G. Marr, Perceptions of the Past in Southeast Asia (Singapore, Heinemann, 1979), các trang 69-89.

O. W. Wolters, “Assertions of Cultural Well-Being in Fourteenth Century Vietnam”, Journal of Southeast Asian Studies, 10, 2 (1979), các trang 435-450; 11, 1 (1980), các trang 74-90.

O. W. Wolters, “Celebrating the Educated Official”, The Vietnam Forum, 2 (1983), các trang 79-101 [đã dịch và đăng tải trên Gió-O, chú của người dịch].

John K. Whitmore, Vietnam, Hồ Quý Ly, and the Ming (1371-1421), New Haven, CT., Council on Southeast Asia Studies, Yale University, 1985.

John K. Whitmore, Transforming Đại Việt: Politics and Confucianism in the Fifteenth Century, New Haven, CT., Council on Southeast Asia Studies, Yale University, sắp phát hành.

J. K. Whitmore, “Social Organization and Confucian Thought in Vietnam”, Journal of Southeast Asian Studies, 15, 2 (1984), các trang 296-306.

Nguyễn Ngọc Huy, Tạ Văn Tài & Trần Văn Liêm, phiên dịch, The Lê Code: Law in Traditional Vietnam, Athens, Ohio, Ohio University Press, 1986.

Nguyễn Thanh Nhã, Tableau économique du Việt Nam aux XVIIe et XVIIIe siècles, Paris, Éditions Cujas, 1970.

A. B. Woodside, “Conceptions of Change and of Human Responsibility for Change in Late Traditional Vietnam”, trong sách biên tập bởi D. K. Wyatt & A. B. Woodside, Moral Order and the Question of Change (New Haven, CT., Council on Southeast Asia Studies, Yale University, 1982), các trang 104-150, được in lại trong The Vietnam Forum, 6 (19850, các trang 73-111.

A. B. Woodside, Vietnam and the Chinese Model, Cambridge, MA., Harvard University Press, 1971.

R. B. Smith, “Politics and Society in Vietnam during the Early Nguyễn Period (1802-1862)”, Journal of the Royal Asiatic Society (1974), các trang 153-169.

Huệ Tâm Hồ Tài, Millenarianism and Peasant Politics in Vietnam, Cambridge, MA., Harvard University Press, 1983.

Trương Bửu Lâm, Patterns of Vietnamese Response to Foreign Intervention, New Haven, CT., Southeast Asia Studies, Yale University, 1967./-

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN