Ngô Bắc dịch
Với Minh Họa Bằng Ảnh Chụp Của Tác Giả
Lời người dịch:
Đây là bài viết đầu tiên về Việt Nam và Đông Dương trên tạp chí lừng danh thế giới, National Geographic Magazine, Tháng Tám năm 1931, chứa đựng nhiều ảnh chụp rất quý hiếm, trong đó có 33 hình đen trắng, và 28 ảnh chụp màu tự nhiên. Đó là những tấm ảnh màu tự nhiên đầu tiên về Việt Nam xuất hiện trên một tạp chí bằng Anh ngữ tại Tây Phương.
————————–
Thực dân Pháp thoải mái như ở quê nhà tại thành phố Sài Gòn hiện đại
Riêng Xứ Nam Kỳ trồng được hơn 2 triệu tấn gạo mỗi năm, và Chợ Lớn, phố người Tàu ngay ngoại vi Sài Gòn, chủ yếu chuyên việc xay lúa.
Sài Gòn là một thành phố tiến bộ, với nhiều cửa hàng hiện đại, đẹp đẽ và các công thự kiêu kỳ. Ban ngày, các đường phố và bến tàu thì nhộn nhịp với hoạt động của muôn hình vạn trạng các loại phương tiện giao thông – xe có gắn động cơ, xe vận tải, xe điện, xe kéo tay, xe đạp, xe bò kêu kẽo kẹt, và các phu cu-li như những con vật khuân vác. Tuy nhiên, nhiều nơi buôn bán đóng cửa hiệu trong những giờ trưa nóng bức và mở cửa lại từ 4 giờ chiều đến 7 giờ tối sau khi sự mệt mỏi giành đoạt được một chiến thắng nhỏ nhoi.
Buổi tối, các bàn cà phê được đẩy ra trên lối đi bộ, và từ 6 giờ chiều đến giờ ăn tối, các thực dân Pháp tụ tập để nhấm nháp những ly rượu khai vị và thoải mái trò chuyện như thể họ đang ở trên quê hương mình.
Sau bữa tối, trong mùa diễn kịch, họ có thể tham dự các buổi trình diễn tuyệt hảo tại nhà hát thành phố tráng lệ hoặc đi xem một trong nhiều suất chiếu bóng.
Các văn phòng của Thống Đốc Nam Kỳ tọa lạc trong thành phố, và Toàn Quyền Đông Dương trú ngụ sáu tháng tại Sài Gòn và sáu tháng tại Hà Nội.
Một buổi sáng, trong khi một số người dân Sài Gòn còn đang uống những ly cà phê nhỏ giọt và nhai những ổ bánh mì Pháp cứng giòn, không trét bơ, và những người khác đang chuẩn bị cho chuyến đi của Vua và Hoàng hậu nước Xiêm La rời khỏi Sài Gòn sau cuộc viếng thăm, chúng tôi cũng rời Sài Gòn để đi Phan Thiết và trạm nghỉ mát đồi núi Đà Lạt.
Đi theo Con Đường Cái Quan trải đá mịn theo hướng đông và hướng bắc từ thành phố, chúng tôi sớm băng qua các đồn điền cao su rộng lớn xen với những khóm dừa và kapok (cây bông vải) rải rác.
Nhiều đồn điền đã sản xuất nhựa mủ trong vài năm qua; các đồn điền khác sẽ sớm đạt tới giai đoạn trích mủ. Vài đồn điền mới được khai khẩn gần đây, và tại nhiều nơi khác, các vùng đất mới đang được cắt ra khỏi rừng rậm và chuẩn bị cho việc trồng cây tương lai.
Cao su được chở đến Singapore và Pháp với khối lượng gần như nhau, trong khi một lượng nhỏ được chuyển tới Nhật Bản.
Sau khi men theo bìa các đồn điền, các cánh đồng lúa khô hạn, các khu vực rừng rậm và đất chưa được khai phá, chúng tôi tiến dần đến xã Phan Thiết, được xây dựng trên những đụn cát lộng gió dọc theo bờ biển.
Phan Thiết quảng cáo về ngành công nghiệp của mình và phát triển nó một cách mạnh mẽ. Ngành kinh doanh của xã là đánh cá. Xã này nổi tiếng với nghề chế biến nước mắm có mùi khắm được chuyên chở tới khắp nơi tại Đông Dương như một thứ gia vị cho thực đơn kiểu gạo-và-cà ri của người dân. Nó là một sản phẩm nặng mùi, nhưng nếu ta có thể chịu được mùi đủ lâu để thăm viếng các thuyền đánh cá dọc theo bến cảng, ta có thể nhìn thấy nó được đóng vào các hũ nhỏ và chất lên tàu chở đi. Những con thuyền cũng rất thú vị bởi trên mũi thuyền có đặt các bàn thờ thần linh được sơn màu sặc sỡ, trên đó bày các đồ cúng gồm hương (nhang), hoa và nến.
Người Mọi ở Đông Dương
Từ Phan Thiết, chúng tôi tách ra khỏi Đường Thuộc Địa để tới Đà Lạt và thăm dân bộ lạc người Mọi trên cao nguyên Lang Biang.
Qua một loạt khúc cua tay áo ngoằn ngoèo, con lộ bò lên cao gần một dặm so với đồng bằng, xuyên qua hàng thông thơm ngát thẳng tắp và băng ngang những thác nước đẹp đẽ.
Dọc theo con đường, ngay khi lên tới miền cao, ta có thể nhìn thấy những người dân bộ tộc Mọi lê bước bên cạnh đường với những chiếc gùi nặng nề đeo trên vai, hoặc với các bó cỏ tranh hay bó củi lớn trên lưng và đầu của họ.
Đàn ông không mặc gì từ thắt lưng trở lên ngoại trừ, có thể, các chuỗi hạt ở cổ, còn bên dưới mang rất ít y phục. Phụ nữ chỉ mặc váy kẻ sọc ngang đầu gối, đeo nhiều chuỗi hạt quanh cổ, vòng đeo tay và các cuộn dây bằng đồng giữa mắt cá chân và đầu gối. Bởi cao độ của cao nguyên, vào những buổi sáng lạnh lẽo, đàn ông choàng các tấm chăn quanh vai và phụ nữ thường mặc áo khoác ngoài.
Để tô điểm thêm cho sắc đẹp của họ, nhiều phụ nữ dân tộc đã xỏ lỗ tai và đeo vào đó các cuộn mây hay các đĩa bằng gỗ có kích thước lớn dần, cho đến khi dái tai kéo căng tới đường kính từ ba đến năm phân Anh (inch); sau đó, khi tới tuổi trưởng thành, họ lấy các đĩa gỗ ra và treo những chiếc vòng kim loại vào các dái tai lủng lẳng, có thể dài tới cả bộ Anh (foot).
Khoảng 200.000 người Mọi sinh sống ở vùng rừng núi này và khoảng nửa triệu sống trên khắp Đông Dương. Những người không thường trực di chuyển từ nơi này sang nơi khác mà sinh sống giữa cây cối hay tại những nơi trú náu tạm thời trong rừng rậm, có các túp nhà tranh trên đỉnh đồi.
Người An Nam dùng từ “Mọi” để chỉ tất cả dân miền núi tại Đông Dương, bất luận họ là những người cởi trần sống quanh Đà Lạt hay các dân tộc đội mũ cao và quấn khăn của vùng thượng Lào, những người trông giống như bức phóng họa bản đồ của chúng ta.
Những người dân miền núi này được chia thành vài nhóm và phân nhánh ngữ học chính, tổng cộng vào khoảng 30 ngôn ngữ hay thổ ngữ.
Nhà ở của người Mọi quanh Đà Lạt là các ngôi nhà sàn bằng tre, dài, với một lỗ hở duy nhất, một cửa chính thấp nằm giữa một bên hông. Các căn buồng hẹp, đôi khi dài đến 200 bộ Anh, có ít đồ đạc, nhưng lồ lộ nhiều vại rượu cần lớn kê thành hàng dọc theo các bức vách. Việc nấu ăn được thực hiện trên các lò bếp mở ngỏ, trong những căn phòng phủ đầy bồ hóng, xám xịt, khói bếp hoạt động như một chất diệt trừ muỗi.
Các cột trừ tà cao vút được trang trí bằng các dải cờ bằng tre cùng với những chiếc sừng và móng trâu, dựng thẳng bên ngoài các ngôi nhà.
Những người đàn bà thống trị phả hệ gia tộc
Chế độ mẫu hệ, rất giống với chế độ của dân tộc Menangkabau ở đảo Sumatra, thịnh hành trong sắc dân Radé, Khasi, và một số nhóm dân Mọi khác.
Phụ nữ của các bộ tộc này là những người chủ gia đình; tài sản thuộc quyền quyết đoán của họ, họ chăm lo cho gia đình, đi chợ mua đồ, và giữ dây buộc túi tiền. Đàn ông tỏ ra kính trọng họ, và nếu muốn uống rượu cần hay muốn mua sắm, thì phải xin phép vợ. Rất may là các bà vợ đều quảng đại. Nếu họ trở nên quá chuyên chế, người chồng có thể vùng lên.
Tại các buổi tiệc tế lễ, phụ nữ uống rượu trước tiên, tiếp đó lần lượt là các con gái và cháu gái, và sau cùng, đàn ông và con cháu trai mới được phép uống.
Đối với các dân tộc Mọi theo mẫu hệ, mọi năm đều là năm nhuận [theo truyền thống Ireland, một người đàn ông nhận được lời cầu hôn vào ngày nhuận phải chấp nhận lời yêu cầu này, chú của người dịch]. Nếu một người con gái 17 hay 18 tuổi gặp được một người đàn ông mà cô ưng ý, cô sẽ xin phép gia đình đi hỏi cưới anh ta. Nếu được gia đình đồng ý, với sự tháp tùng của một chứng nhân, cô sẽ trao cho anh ta quà tặng gồm một viên thuốc lá trầu không và hai chiếc bánh. Nếu anh ta tiếp nhận lời cầu hôn của cô gái với sự tán đồng, anh ta sẽ nếm thử món quà, và cuộc hứa hôn khi đó được hoàn thành.
Khi một cuộc hôn nhân diễn ra tại bộ lạc Radé, chàng trai đến sống với gia đình vợ và cha mẹ anh ta sẽ nhận được một số tiền để bồi thường cho việc mất đi một thành viên quan trọng trong gia đình họ. Với bộ lạc Khasi, chàng trai sống tại nhà của mẹ mình và hàng ngày tới thăm gia đình vợ sau khi công việc đồng áng trong ngày xong xuôi.
Trong các bộ lạc duy trì chế độ phụ hệ, người đàn ông làm việc tán tỉnh, cung cấp đồ sính lễ, và nộp một số tiền cưới cho cha mẹ vợ.
Người Mọi nói chung theo tục đơn hôn, nhưng trường hợp nhiều vợ và nhiều chồng không phải là không được biết tới.
Một số người Mọi né tránh hôn nhân họ gần, bởi họ quan niệm việc đó sẽ khiến thần linh giận dữ, mà kết quả là các chứng bệnh truyền nhiễm, hạn hán, mùa màng thất bát, và các điều bất lợi khác.
Các nữ giáo sĩ bộ lạc cử hành các buỗi lễ tế thổ thần cứ bảy năm một lần, tiếp nhận đồ cúng, cầu khấn và dâng lễ vật để chuộc tội cho các lỗi lầm của làng.
Các buổi lễ cúng được cử hành đến nhiều thần thánh khác nhau, các bàn thờ tí hon được đặt bên cạnh các lối đi dẫn tới các ngôi làng của họ. Trên những khía cạnh khác, chúng ta có thể thấy các vị thần thống trị đời sống của người Mọi.
Khắp cao nguyên Lang Biang, hổ, báo, nai, trâu rừng, và các loại thú hoang khác lang thang với số lượng lớn. Nhiều nhà săn bắn đã tận dụng khu vực săn bắn phong phú này. Trong thực tế, trên khắp Đông Dương đời sống hoang dã thật dồi dào.
Dân bản xứ, qua kinh nghiệm buồn thảm, hiểu biết được mối đe dọa của hổ. Họ nói về nó với các tước hiệu thì thầm và kính trọng, và ở không ít nơi, các miếu thờ đã được dựng lên để tôn sùng Thần Hổ.
Nhờ khí hậu ôn hòa ở cao độ cả dặm Anh, Đà Lạt thu hút được nhiều người đi chạy trốn cái nóng của đồng bằng. Người Pháp đã biến cải nó thành một khu nghỉ dưỡng lành mạnh thú vị, với những ngôi nhà quyến rũ, các khách sạn tốt và các khu vườn đầy hoa. Nơi đây khác hẳn với các ngôi làng kề cận của người Mọi.
Nhiều sườn đồi quanh Đà Lạt đã được khai quang và làm thành bậc thang cho các vườn trồng rau và các đồn điền cà phê. Gần như tất cả cà phê phục vụ trong bữa ăn của người Đông Dương đều được trồng tại địa phương, ở các vùng đồi núi.
(còn nữa)