Dọc theo con đường cái quan của Đông Dương năm 1931 (kỳ 1)

Ngô Bắc dịch

Với Minh Họa Bằng Ảnh Chụp Của Tác Giả

Lời người dịch:

Đây là bài viết đầu tiên về Việt Nam và Đông Dương trên tạp chí lừng danh thế giới, National Geographic Magazine, Tháng Tám năm 1931, chứa đựng nhiều ảnh chụp rất quý hiếm, trong đó có 33 hình đen trắng, và 28 ảnh chụp màu tự nhiên. Đây là những tấm ảnh màu tự nhiên đầu tiên về Việt Nam xuất hiện trên một tạp chí bằng Anh ngữ tại Tây Phương.

————

Các bản đồ thường cung cấp những gợi ý thú vị.

Lấy giấy cắt hình, theo đường ranh giới của Đông Dương thuộc Pháp, dán nó lên trên một nền màu trung tính, và bạn có một hình biếm họa khái quát mặt nhìn nghiêng của một bà lão bộ tộc tại các vùng đồi núi của Đông Dương cúi đầu lên phía đông nước Xiêm.

BẢN ĐỒ ĐÔNG DƯƠNG TRÔNG GIỐNG NHƯ MỘT BÀ LÃO DÂN BỘ LẠC. Sau khi tiến vào Campuchia bằng ngả Bangkok, tác giả đã đi theo xa lộ xe hơi chính yếu tại thuộc địa của Pháp, Đường Thuộc Địa Số 1, với các chuyến du hành rẽ ngang đến các bộ lạc miền núi và đến biển.

Xứ Lào, nơi một số lượng lớn các dân tộc miền núi sơ khai sinh sống, tạo thành khuôn mặt của bà ta, với phần cổ nhăn nhúm, và bộ ngực lép; tuy nhiên, cái mũi, nhờ phép “giải phẫu thẩm mỹ” của hiệp ước ranh giới, là một đặc điểm phi-Mông Cổ của bà và thọc sâu vào nước Xiêm La. Xứ Bắc Kỳ tạo thành một chiếc mũ cao, chóp nhọn, được trang trí với các chùm lông thú, chuỗi hạt, và các đồ trang sức khác theo đúng kiểu mũ đội đầu của các phụ nữ bộ lạc Kaw [? thổ dân da đỏ tại tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ, chú của người dịch]. Duyên hải An Nam (Trung Kỳ) cấu thành phần gáy và uốn vào trong, trong khi xứ Campuchia và Nam Kỳ tạo thành các bộ phận của thân thể co mình lại khi bà ta ngồi xổm với hai đầu gối chỉa thẳng lên trời, giống như người dân bản xứ tại Viễn Đông rất ưa ngồi như thế.

Nhưng con đường xe ô tô dài mà những người vẽ bản đồ đã phác họa xuyên qua cơ thể của người phụ nữ bản đồ của chúng ta và nối dài cột xương sống của bà ta đến chóp chiếc mũ cao của bà cũng gợi ý về một hành trình bằng xe gắn động cơ – một thách thức không thể bị gạt bỏ một cách dễ dàng.

Khoảng 1600 dặm Anh Đường Thuộc Địa Số 1 luồn lách qua các khu rừng rậm rạp, vô số những cánh đồng lúa rộng lớn, lên xuống những ngọn đồi dọc theo bờ biển đẹp như tranh vẽ, từ vùng biên cương với Xiêm La cho tới Cửa Ải Trung Hoa.

Mặc dù con đường này mới được xây dựng tương đối gần đây theo chương trình thuộc địa Pháp, phần lớn chỉ là mở rộng và tu bổ Con Đường Cái Quan cũ. Con đường này từng ghi dấu quyền lực và văn hóa của các hoàng đế Trung Hoa, trở nên tập trung hóa tại Triều Đình Đế Quốc An Nam ở Huế. Dọc con đường này cũng có các ngọn tháp hoang phế của người Chàm cổ xưa, và trên một khúc rẽ ngắn từ đoạn cuối phía dưới của nó mọc lên các đền đài bằng đá chạm khắc nguy nga của Angkor, do người Khmer xây dựng trong khoảng từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ 13.*

Các nền văn minh Chàm và Khmer đã sụp đổ từ lâu, và trong nửa sau của thế kỷ vừa qua [thế kỷ 19, chú của người dịch], người Mãn Châu đã buộc phải từ bỏ bất kỳ sự tuyên xác nào về quyền chủ tể trên ngôi vua An Nam khi người Pháp thiết lập các chế độ bảo hộ tại vài xứ.

Nhưng dọc theo con đường xa lộ này, đời sống hàng ngày đong đầy những ký ức lịch sử đang diễn ra như thế nào?

Tôi đã đến tận nơi để nhìn ngắm.

Đàn ông và đàn bà ăn mặc và để tóc giống nhau

Trên hành trình ngoạn cảnh, chúng tôi đã lên một chuyến tàu hỏa sáng sớm rời Bangkok, và vào khoảng giữa trưa, đến Aranya Prades, đầu mút đường ray tại vùng biên cương miền đông nước Xiêm La, từ đó khởi đầu chuyến du hành bằng xe gắn động cơ của chúng tôi theo suốt chiều dài Con Đường Cái Quan lên tới Cửa Ải Trung Hoa.

Băng qua biên giới, và sau khi hoàn tất các thủ tục thông hành tại một tiền đồn nhỏ của Pháp tại Poipet, chúng tôi phóng tới làng Sisophon.

Gần Sisophon, chúng tôi gặp một nhóm người Campuchia vô cùng vui vẻ, mặc những chiếc áo choàng màu sáng rực, khăn quàng dài, sặc sỡ, và sampot, loại váy buộc túm bên dưới được tạo thành từ một tấm vải dài quấn quanh thân mình, với các mép vải khép lại ở giữa đôi chân và được thắt chặt ở phía sau. Rất khó phân biệt đàn ông với đàn bà, bởi y phục của họ và kiểu tóc bới ngược, bồng lên trên trán, cắt sát chân tóc một cách đồng nhất, được bôi dầu dừa bóng mượt, trông quá giống nhau.

Họ đang trở về từ một buổi lễ hội ở chùa, phần lớn đi bộ, nhưng một số trong họ chen chúc giữa các nhạc khí trong những chiếc kiệu không mui đặt trên ba con voi đang lê bước.

BÓNG DÁNG CỦA SỰ VINH QUANG ĐÃ MẤT BÁM LẤY CÁC NGỌN THÁP ĐIÊU KHẮC CỦA ANKOR WAT. Di tích ngôi đền Khmer vĩ đại ở trong một tình trạng bảo quản xuất sắc, mặc dù nó đã bị nhấn chìm bởi rừng rậm trong nhiều thế kỷ. Một mô hình thu nhỏ của phần kiến trúc chính yếu của khu đền Angkor Wat đã được dựng lên cho Cuộc Triển Lãm Thuộc Địa Quốc Tế tại Paris.

Ở những nơi khác tại Campuchia, chúng tôi nhìn thấy người dân mang các tượng Phật mới đúc đến các ngôi chùa trong các buổi diễu hành rực rỡ mừng Năm Mới (xem Bảng Chụp Màu II); và khi một thanh niên tập tu thành tu sĩ hay một dân làng sắp được thiêu xác, dịp này tạo nên một màn trình diễn nhiều màu sắc của những chiếc lọng và quần áo.

Người Campuchia ngày nay, giống như các thân nhân thời cổ của họ, người Khmer, những người được khắc họa trong các tượng phù điêu của phế tích Angkor, ưa thích các lễ hội và các đám rước lộng lẫy và mê gõ nhịp suốt đêm trên những chiếc cồng (chiêng) và trống.

Tại Sisophon, chúng tôi rẽ khỏi Con Đường Thuộc Địa Số 1 bằng phẳng và đi vào con lộ trực tiếp dẫn đến Angkor. Độ dốc cho một con lộ rải đá được nâng cao lên xuyên khắp các đồng bằng, nhưng những chiếc xe hơi vẫn còn phải đánh liều đi theo con đường khúc khuỷu băng ngang các cánh đồng lúa, tung xóc bên trên các mô đất và bị sa lầy vào các hố bùn.

Với chút loạng choạng ở một vũng lầy, chúng tôi đã tới Angkor tối muộn hôm đó. Từ thủ đô xứ Xiêm La hiện đại đến kinh đô của người Khmer cổ xưa mất một ngày – sự kỳ diệu của việc vận chuyển bằng đường sắt và xe hơi hiện đại là như thế!

Đôi khi cũng có máy bay chuyên chở hành khách trên các đường hàng không mở rộng giờ đây, giúp cắt thời lượng này xuống còn ba giờ ngắn ngủi, trong khi vài năm trước đây, một hành trình như thế đòi hỏi nhiều tuần gắng sức mệt mỏi nếu đi bộ hay cưỡi voi xuyên qua các khu rừng không người cư trú.

Cái thoạt nhìn đầu tiên về Angkor

Chúng tôi lần đầu thoáng nhìn khu Đền Angkor trong vẻ quyến rũ hiếm hoi của buổi tối khi ánh sáng từ đêm trăng tròn tràn ngập những ngọn tháp bằng đá vĩ đại vươn cao lên trên khu rừng bao quanh.

Chính năm tháp đồ sộ này đã chạm vào cái nhìn trân trân đầy sững sờ của nhà thiên nhiên học người Pháp, ông Mouhot, khi ông tình cờ bước vào miền đó khoảng sáu mươi năm trước đây và đã khám phá cứu vớt khu Angkor ra khỏi một lăng tẩm của cây cỏ rừng rậm.

Đã có nhiều điều được viết về quần thể di tích Angkor kể từ thời điểm đó, nhưng nó chưa hề thực sự được miêu tả; bởi điều đó là bất khả thi. Người ta phải nhìn tận mắt và kinh ngạc. Bất luận là dưới ánh trăng, trong ánh nắng tra khảo của ban trưa, hay vào lúc chiều tối, khi hàng đàn dơi sải cánh bay ra như những làn khói từ các ngọn tháp tối đen của nó, Angkor hút hồn con người với bùa mê của nó về sự kỳ vĩ.

Nhưng sự hấp dẫn của nó không hoàn toàn nằm ở sự đồ sộ. Tôi đã gặp một học giả nổi tiếng người Pháp là người đã thực hiện một loạt hình chụp để dùng làm khuôn mẫu trong công việc đan móc hàng ren và dệt thảm, các mạng gân trang trí phức tạp và các hoa văn tinh tế được chạm khắc bằng dùi đục dưới bàn tay của các nghệ nhân Khmer thật tuyệt diệu biết bao trong từng chi tiết. Đền Angkor  là kết quả của niềm đam mê tuôn trào về nghệ thuật và tôn giáo, tương tự như lòng nhiệt huyết mà tại các vùng đất khác đã tạo ra các đại giáo đường đẹp đẽ nhất của thế giới.

Nước lũ và đồng lúa

Đã có nhiều phỏng đoán về lý do tại sao dân Khmer rút khỏi kinh đô tráng lệ của họ. Không ai biết. Nhưng, một lịch sử phương đông, với sự bảo đảm tuyệt đối về sự thật, nói rằng họ rời đi vì sự nghẽn bùn ở các cửa sông Mekong khiến cho trong mùa lụt, các dòng nước bị đẩy ngược lại, tràn ngập kinh đô, và biến các đồng lúa thành đầm lầy vô dụng. Liệu điều này có phải là nguyên do của sự biến mất của dân tộc Khmer hay không, người ta phải nhìn dòng nước của sông Mekong dâng cao hàng năm trong các tháng mưa mùa hè của vùng gió nồm tây nam.

Cách một quãng ngắn về phía tây và nối dài xuống phía nam từ Angkor là một hồ trữ nước tự nhiên rộng lớn, Tonlé Sap, hay Biển Hồ, trải trên một diện tích khoảng 800 dặm vuông và vươn tới độ sâu 40 bộ Anh (feet) khi dòng nước lũ của sông Mekong chảy ngược tới Bras du Lac (Nhánh của [Biển] Hồ), một luồng nước lớn chảy đến hồ từ Phnom Penh.

Sau đó, khi nước sông Mekong rút xuống vào cuối năm, nhánh sông Bras du Lac đổi ngược dòng chảy, và tuôn đổ một lần nữa vào con sông. Nếu không có sự điều tiết tự nhiên này của luồng nước đổ xuống con sông Mekong vĩ đại, những khu vực bao la của miền hạ Campuchia và Nam Kỳ (Cochin-China) sẽ phải gánh chịu nạn lụt giống như tình trạng ngập lụt mà sử gia đã quy kết cho các vùng đất ruộng Khmer ban sơ.

CÁC ĐỒNG LÚA CỦA ĐÔNG DƯƠNG CHIẾM HƠN 13.5 TRIỆU MẪU
CÁ VÀ GẠO NUÔI SỐNG NGƯỜI DÂN ĐÔNG DƯƠNG. Vô số những chiếc thuyền xuôi ngược các con sông, thả lưới đi tìm thực phẩm. Những người bên tay phải đang trồng lúa. Chiếc cầu dài đằng sau là một trong nhiều cây cầu mà người Pháp đã làm trong những năm gần đây để thay cho những chiếc phà thô sơ.
THUYỀN BÈ HỖN ĐỘN NEO ĐẬU TẠI BỜ SÔNG PHNOM PENH. Những chiếc thuyền tam bản Trung Hoa, thuyền nhà và đánh cá, xuồng, và ngay cả tàu hơi nước đều thả neo dọc bờ sông. Ở hậu cảnh, một mũi đất nhô ra đánh dấu giao điểm của nhánh Bras du Lac với sông Mekong.
XE CÚT KÍT VẪN CÒN DI CHUYỂN TRÊN ĐƯỜNG CÁI QUAN CŨ. Chúng không hề được bôi dầu trơn, kêu cọi kẹt và rên la ầm ỹ khi được đẩy đi. Người đàn ông bên phải vác một lưỡi cày thô sơ trên vai.
QUẢ CAU ĐANG ĐƯỢC BÀY BÁN. Rất nhiều người phương Đông nhai quả cau cùng với một số loại lá, thuốc lá, vôi, và các thành phần khác. Quả cau sinh ra nhiều nước bọt có màu đỏ như máu, và nếu dùng thường xuyên, nó có thể nhuộm đen hàm răng.
MÚC NƯỚC UỐNG HÀNG NGÀY TỪ BỒN GIẶT. Ảnh chụp bờ sông Siem Reap, ngăn đôi ngôi làng cùng tên và đổ vào Biển Hồ (Tonlé Sap). Trong mùa nước lên cao, dòng sông có thể đưa các du khách đến Angkor bằng thuyền.
GẶT LÚA LÀ MỘT DỰ ÁN CỘNG ĐỒNG. Hai phương pháp tuốt lúa được áp dụng phổ biến tại An Nam. Thóc hoặc được mang đến một sân tập trung để được giã bằng đá, hoặc các bó lúa được đập mạnh vào mặt trong những chiếc thúng lớn bằng tre. Mọi người đến trợ lực.
KHI BÓNG ĐỔ DÀI VÀO CUỐI BUỔI CÀY TRONG NGÀY. Việc sử dụng chiếc bừa do trâu kéo thô sơ này tượng trưng cho các phương pháp canh tác nguyên sơ được áp dụng tại Đông Dương để sản xuất khoảng 6 triệu tấn gạo mỗi năm.
DẪN NƯỚC TỪ XA ĐỂ TƯỚI VƯỜN. Dưới sức đạp liên tục của một vài người, bánh xe quay chậm chạp, múc nước lên cho các cánh đồng khô hạn.

Các hậu duệ Campuchia ngày nay đặt kinh đô của họ tại Phnom Penh, nhưng không thể nào có được sự lộng lẫy đã đặc trưng cho thủ phủ tráng lệ của tổ tiên họ. Nơi đây có sinh hoạt triều đình, nhưng bàn tay của người Pháp đặt cạnh tay lái để hướng dẫn. Việc canh tác lúa gạo vẫn là mối quan tâm chính yếu của người dân, như nó đã từng như thế trong thời đại của người Khmer.

Có những cánh đồng lúa, rải rác xen lẫn với các mảnh rừng hoang, suốt dọc con đường từ Angkor đến Phnom Penh – đồng bằng phẳng tắp dài gần 200 dặm nằm phơi mình khô cằn dưới những đợt hơi nóng điên người và các ảo giác thoáng qua khi chúng tôi tới thăm vào tháng Tư. Và cũng có những cánh đồng lúa khác, thỉnh thoảng xen lẫn các mảnh đất trồng ngô và thuốc lá, trong suốt phần còn lại của con đường tới Sài Gòn – 150 dặm nữa của đồng bằng phù sa nóng như thiêu đốt, khi chúng tôi đi theo Đường Thuộc Địa Số 1.

Trong những tháng theo sau sự mở màn của mùa mưa, trong Tháng Năm hay Tháng Sáu, dải đất dồng bằng bao la này là một câu chuyện của sự phì nhiêu được viết bằng màu xanh ngọc bích.

Trong thực tế, toàn thể chiều dài của Con Đường Cái Quan là một câu chuyện về hạt gạo, và mọi giai đoạn của sự canh tác nó có thể được nhìn thấy cùng một lúc.

“Trung Kỳ (An Nam) là chiếc đòn gánh nối liền hai thúng gạo, Bắc Kỳ (Tonkin) và Nam Kỳ (Cochin-China)”, người Trung Hoa nói như vậy về miền Trung Kỳ hẹp bề ngang, nhiều núi đồi, trải dài hàng dặm đường dường như bất tận giữa các đồng lúa bằng phẳng như một sàn nhà của thung lũng sông Hồng ở Bắc Kỳ với những cánh đồng của vùng châu thổ sông Mekong.

Nhưng Trung Kỳ cũng có nhiều vùng trồng lúa gạo phì nhiêu trên nền thung lũng hẹp, bị kẹp giữa các ngọn núi và biển và bởi vị trí độc đáo của nó nằm trên bờ biển uốn cong, các khu vực phía bắc và trung phần có đủ nước từ cả hai mùa mưa để trồng được hai vụ mỗi năm. Dù vậy, các vụ mùa này chưa đủ để nuôi cho năm triệu miệng đói ăn của nó.

(còn tiếp)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN