Tổ chức quản lý giáo dục ở Việt Nam trong bộ máy chính quyền thời Pháp thuộc trước năm 1945 (Kỳ 2)

Xem kỳ 1 tại đây

2. Các cơ quan quản lý giáo dục ở Việt Nam từ 1918 đến 1945

a. Học chính Tổng quy và những nỗ lực Pháp hóa hệ thống giáo dục Việt Nam

Ngày 21-12-1917, Toàn quyền Albert Sarraut ký Nghị định ban hành Học chính Tổng quy (Règlement général de l’Instruction publique en Indochine), là bộ luật giáo dục chính thức quy định về cơ quan quản lý giáo dục, hệ thống trường lớp, cơ cấu tổ chức các loại trường, chương trình, quy định về giáo viên, cách thức đánh giá, thi cử, thanh tra nhà trường. Bộ “Tổng quy” có 558 điều, chia làm bẩy “thiên” (livers), mỗi thiên chia ra thành “mục” (titres). Mỗi mục chia ra thành “tiết” (chapitres). Các quy định về cơ quan quản lý giáo dục được mô tả là “Tổng nha Học chính Đông Dương” (Inspection général de l’Instruction publique), thay mặt Toàn quyền chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan đến học chính toàn Đông Dương. Tổng Giám đốc có thể được coi là “Học bộ tổng trưởng” (26) (Bộ trưởng Giáo dục). Dưới quyền Tổng Giám đốc là các Phó Giám đốc (inspecteurs – adjointa), có nhiệm vụ chủ yếu là thanh tra giám sát (“thị học”), thay Tổng Giám đốc đi thanh tra xem xét các trường học. Các thanh tra gồm có Thanh tra Phổ thông (Inspecteurs de l’Enseignement général), Thanh tra trường Thực nghiệp (Inspecteurs de l’Enseignement professionnel) và Thanh tra Đồ thị học (Inspecteurs de l’Enseignement du dessin). Thanh tra Phổ thông thay Tổng giám đốc đi thanh tra các trường đệ nhất và đệ nhị cấp. Thanh tra Thực nghiệp và Đồ thị học chuyên xem xét các trường dạy nghề và dạy vẽ.

Theo Học chính Tổng quy, nền giáo dục ở toàn xứ Đông Dương có ba cấp học: hai cấp phổ thông là Tiểu học và Trung học (cấp Một và cấp Hai), cấp Ba là Cao đẳng, Đại học. Ở mỗi cấp lại có một chức giám đốc. Các trường cấp Một (Tiểu học) ở mỗi xứ chịu sự giám sát của Giám đốc Tiểu học (Directeur de l’Enseignement primaire) riêng từng xứ. Giám đốc thuộc quyền quản lý của Thủ hiến mỗi xứ. Dưới chức giám đốc đặt các chức thanh tra, gồm các giáo viên Pháp và Việt, người nào có bằng cấp cao và kinh nghiệm được cử đi thanh tra giám sát các trường đệ nhất cấp. Ở cấp Hai có các trường Trung học (Pháp và Pháp – Việt). Hiệu trưởng các trường Trung học (khi đó còn gọi là quan đốc) trực thuộc Thủ hiến các xứ về mặt hành chính, về mặt chuyên môn chịu sự quản lý của Giám đốc Học chính, việc bổ nhiệm do Toàn quyền Đông Dương quyết định.

Trừ các trường “cao đẳng” (Écoles supérieures) và trường “Trung học Pháp” ở Hà Nội (Lycée d’Hanoi) trực thuộc Toàn quyền Đông Dương, các trường trung học nhà nước khác (phổ thông cũng như thực nghiệp) trực thuộc quan Thủ hiến (ở Bắc Kỳ trực thuộc Thống sứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ thuộc Khâm sứ và Nam Kỳ thuộc Thống đốc).

Trước năm 1918, việc học của các trường bản xứ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ thuộc sự giám sát của các quan học chính: đốc học (tỉnh), giáo thụ (phủ), huấn đạo (huyện). Sau khi Học chính Tổng quy được ban hành, tất cả các chức quan học chính cũ bị bãi bỏ, việc học ở các xứ phải có sự giám sát của các thanh tra người Pháp. Ở các tỉnh lỵ và huyện lỵ, các trường Tiểu học, trong đó có Tiểu học toàn cấp (27) nằm dưới sự kiểm soát của một Đốc học người Pháp. Trong trường hợp thiếu thanh tra Pháp, người Việt cũng có thể đảm nhận vị trí này. Năm 1920 đã bổ nhiệm ông Trần Trọng Kim làm thanh tra Tiểu học người Việt cho các trường tiểu học ở Bắc Kỳ. Năm 1921 riêng Bắc Kỳ có năm thanh tra Pháp và bốn thanh tra Việt. Từ năm 1926 đến 1930, 22 huyện ở Bắc Kỳ được bố trí thanh tra, trong đó 19 thanh tra Pháp và 3 thanh tra Việt (28). Thanh tra có trách nhiệm tới thăm các trường Tiểu học và giám sát hoạt động dạy và học, kiểm tra chương trình, tài liệu học tập cũng như đạo đức giáo viên và lập báo cáo trình lên Công sứ của tỉnh.

Các trường cao đẳng mở chung cho cả học sinh người Pháp và người việt, tập hợp lại thành “Đại học Đông Dương” (Université Indochinoise). Bộ Học chính tổng quy đề ra việc thành lập Nha Cao đẳng (Direction de l’Enseignement supérieur) để quản lý chung các trường cao đẳng đang trong quá trình thành lập, chịu trách nhiệm về việc sáng lập, tổ chức, đặt thể lệ, định chương trình cho các trường cao đẳng. Mỗi trường Cao đẳng có một Hội đồng (Conseil de l’Ecole) do Giám đốc trường làm chủ tịch, các giáo viên làm hội viên thảo luận về phương pháp dạy học, đánh giá sinh viên, lựa chọn sách giáo khoa. Giám đốc trường mỗi năm lập một sổ dự toán chi phí gửi lên Giám đốc Nha Cao đẳng.

Học chính Tổng quy đề ra việc thành lập “Hội đồng cố vấn Học chính” (Conseil consultatif de l’Instruction publique) để bàn bạc nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc học ở Đông Dương. Đích thân Toàn quyền làm Chủ tịch Hội đồng, hai phó chủ tịch là Tổng giám đốc Học chính và Giám đốc Đại học, hội viên gồm năm đại diện chính quyền của năm xứ do thủ hiến các xứ đó chỉ định, ngoài ra còn có Giám đốc Viễn đông bác cổ, thanh tra giáo dục phổ thông, thanh tra trường dạy nghề và đồ họa, Hiệu trưởng trường Trung học Pháp ở Hà Nội, đại diện từ trường đại học, các nghị viên người Pháp và người Việt. Hàng năm thành viên Hội đồng họp ít nhất một lần nghe Tổng thanh tra báo cáo về các vấn đề nổi bật của giáo dục trong năm, nghe báo cáo của đại diện chính quyền các xứ về tình hình ngân sách và chi tiêu cho giáo dục. Hội đồng thảo luận và đề xuất ý kiến liên phủ Toàn quyền.

Nam Kỳ và Bắc Kỳ đã sớm áp dụng các quy định của Học chính Tổng quy. Từ năm 1918, tất cả các trường Nho công lập ở Bắc Kỳ đều chuyển thành trường Pháp – Việt (29). Ở Trung Kỳ, sau kỳ thi Đình năm 1919, Bộ Học và Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ bị giải tán, trường Hậu bổ đóng cửa, giáo dục ở xứ này chuyển sang hệ thống quản lý và vận hành thống nhất trong cả nước.

b. Sự trở lại với yếu tố bản xứ trong hệ thống quản lý giáo dục ở Việt Nam kể từ đầu những năm 1930

Những biến động chính trị vào giữa những năm 20 và đầu những năm 30 thế kỷ XX có nhiều mối liên hệ đến nhà trường, trong đó có phong trào đòi ân xá cho Phan Bội Châu, tiếp đó là các cuộc bãi khóa rầm rộ liên quan đến đám tang Phan Chu Trinh. Ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng ngày càng lan truyền mạnh mẽ trong giới học sinh, sinh viên. Đặc biệt, sự phát triển của các trường Pháp – Việt giai đoạn này còn liên quan đến trào lưu cộng sản nổi lên từ giữa những năm 1920. Nếu nhìn vào lịch sử phát triển của phong trào cách mạng Việt Nam, đây là giai đoạn trưởng thành nhanh chóng của các lực lượng cách mạng, trong đó có lực lượng trí thức theo xu hướng cộng sản. Được thúc đẩy từ giữa những năm 1920, kể từ khi Thanh niên Cách mạng đồng chí hội được Nguyễn Ái Quốc thành lập năm 1925, các trí thức cách mạng đã coi trường học là môi tường thuận lợi để liên kết và phát triển phong trào. Nhận thức được học sinh, sinh viên, giáo viên là một lực lượng tiên phong trong dẫn dắt phong trào cách mạng, các viên Toàn quyền Pasquier và Thống sứ Bắc Kỳ Robin đã tìm cách kiểm soát hoạt động nhà trường chặt chẽ hơn. Trong bài diễn văn khai mạc Hội đồng Nghị viện Bắc Kỳ (Viện Nhân dân đại biểu Bắc Kỳ) tháng 9 năm 1930, Thống sứ Bắc Kỳ Robin nhận xét về vai trò của trường học trong các vụ biến động cách mạng: “Xem việc biến động vừa rồi thì biết rằng bọn thầy giáo cùng học trò rất dễ cổ động theo cách mệnh, và muốn đối phó với cái tình hình đó thời tất phải nghiên cứu một cách khác để tổ chức lại việc học” (30).

Được sự cổ súy của nhà cầm quyền Pháp, Bảo Đại, vừa từ Pháp trở về Huế năm 1932 để kế nghiệp nhà Nguyễn, đã khởi xướng một số cải cách nhằm đưa Bắc Kỳ và Trung Kỳ trờ về với thể chế bảo hộ chặt chẽ theo Hiệp ước 1884. Tháng 10 năm 1932, Bộ Học được thành lập lại do Phạm Quỳnh làm thượng thư, gọi là Bộ Quốc dân giáo dục, việc quản lý giáo dục Sơ học trao cho triều đình Huế đảm nhiệm. Giáo dục đạo đức, đặc biệt là đạo đức Nho Giáo được chú trọng. Theo Nghị định của Toàn quyền ngày 16 tháng 8 năm 1932, các trường hương thôn nắm quyền tự chủ về ngân sách, tự tuyển chọn giáo viên và chương trình. Ở các bậc học cao hơn (từ Tiểu học trở lên), nhà cầm quyền Pháp vẫn nắm quyền chi phối.

Thống sứ Robin nhấn mạnh việc cần thiết phải chấn chỉnh lại “tư cách” của các giáo viên. Nghị định ngày 18-09-1930 quy định cách chức quan Học chính trực tiếp nằm dưới quyền quan Công sứ và đứng ở ngạch thứ ba tại Bắc Kỳ, chỉ sau quan Hành chính và quan Tư pháp. Quan Học chính gồm có Huấn đạo, Giáo thụ, Kiểm học và Đốc học, có trách nhiệm thanh tra và kiểm soát các trường công, trường tư bậc Tiểu học. Ngoài ra các Giáo thụ, Huấn đạo trực tiếp quản trường Tiểu học Pháp – Việt lớn nhất trong phủ hoặc huyện, nhưng được miễn dạy học, dành hoàn toàn thời gian cho việc quản lý. Về mặt hành chính và chuyên môn, các Huấn đạo và Giáo thụ trực tiếp dưới quyền Kiểm học và Đốc học. Về mặt chính trị thì thuộc quyền tri phủ hay tri huyện trong vùng. Kiểm học và Đốc học ở các tỉnh lớn đều là quan đứng đầu bậc Sơ học Pháp – Việt trong tỉnh, thuộc quyền quản lý trực tiếp của Công Sứ về mặt chính trị, hành chính, thuộc quyền Giám đốc Học chính Bắc Kỳ về mặt chuyên môn. Các quan Học chính đều có lính lệ phục vụ và hưởng lương theo ngạch quan lại. Nếu lương quan Tổng đốc hạng nhất ở vùng Trung châu là 8.400 đồng, quan tư pháp hạng nhất 8.400 đồng thì Đốc học hạng nhất hưởng lương 6.450 đồng (31).

Kết luận

Cùng với việc thiết lập bộ máy chính quyền thực dân, một cơ quan quản lý giáo dục mới cũng dần được xây dựng ở Việt Nam thời Pháp thuộc. Quá trình này có thể chia làm hai giai đoạn: trước năm 1918, Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Trung Kỳ có một hệ thống quản lý giáo dục tương đối khác biệt. Theo đó, ở Nam Kỳ hệ thống trường học và thi cử Nho giáo chấm dứt từ những năm 1867 cùng với việc các quan học chính theo hệ thống Nho học bị triệu hồi về Huế. Sở Học chính Nam Kỳ được thiết lập từ năm 1879 nắm việc điều hành giáo dục ở xứ này. Trong khi đó, vào năm 1905 Sở Học chính mới được hình thành ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ cùng với hai cơ quan giáo dục khác là Hội đồng Học chính và Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ. Trong thời kỳ này, các quan học chính bản xứ vẫn duy trì hoạt động để phục vụ cho việc học tập và thi cử truyền thống, mặc việc điều phối đều do các quan thủ hiến người Pháp đảm nhiệm. Học chính Tổng quy ban hành cuối năm 1917 đã làm thay đổi diện mạo giáo dục Việt Nam. Trong lĩnh vực quản lý, một cơ quan chung nắm quyền điều hành giáo dục là Tổng nha Học chính Đông Dương. Dưới Tổng Nha Học chính là các Sở Học chính theo dõi hoạt động các trường học ở từng xứ. Ngoài Tổng Nha Học chính còn có Hội đồng giáo dục do đích thân Toàn quyền làm chủ tịch. Theo cơ chế quản lý mới, tất cả các quan học chính bản xứ đều bị miễn nhiệm kể từ năm 1918 ở Bắc Kỳ và năm 1919 ở Trung Kỳ để đảm bảo cho một hệ thống giáo dục định hướng theo mô hình Pháp trên toàn Đông Dương. Tuy nhiên, vào năm 1932, yếu tố bản xứ phục hồi trở lại. Chức quan học chính theo hệ thống Nho giáo được khôi phục và Bộ quốc gia giáo dục được lập lại để giám sát việc học của các trường Sơ học, một loại trường mới được mở ra kể từ năm 1926 học chủ yếu bằng chữ quốc ngữ.

Chú thích

(26) Các thuật ngữ học chính dùng theo Nam Phong (1918). “Biểu dịch các danh từ về học chính”, số 12, tháng 6 năm 1918, tr 343-344
(27) Ecoles de plein exercice, còn gọi là trường toàn cấp hay trường bị thể, là trường Tiểu học có đầy đủ các lớp gồm: Ấu học (Enfant), Dự bị (preparatoire). Sơ học (Elementaire), lớp Nhì (Moyen) và lớp Nhất (Superieur)
(28) Le Tonkin Scolaire, IDEO, Hà Nội, 1931.
(29) Xem Trần Thi Phương Hoa. “Giáo dục Bắc Kỳ đầu thế kỷ XX đến năm 1915 – chuyển các trường Nho giáo sang trường Pháp – Việt”. Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu, Số 11/2010. Tr.49-58
(30) Trung Bắc tân văn, “Bài diễn văn của Quan Thống sứ Robin đọc tại Viện nhân dân đại biểu buổi Hội đồng khai mạc”, ngày 28 tháng 9 năm 1930
(31) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, J-144. Bulletin officiel en Langue Indigene, 1931, tr.22

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN