Tổ chức quản lý giáo dục ở Việt Nam trong bộ máy chính quyền thời Pháp thuộc trước năm 1945 (Kỳ 1)

Trần Thị Phương Hoa

Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 10 – 2012

Giáo dục được coi là công cụ quan trọng trong chính sách cầm quyền của thực dân Pháp ở Việt Nam. Ngay từ khi mới xâm chiếm Nam Kỳ, thực dân Pháp đã chủ trương thiết lập một hệ thống giáo dục hoàn toàn mới thay thế cho nền giáo dục Nho học truyền thống vốn đã bắt rễ trong đời sống tinh thần của người Việt. Chủ trương này được thực hiện với những bước đi khác nhau ở Nam Kỳ, Bắc Kỳ và Trung Kỳ nhưng đều hướng tới một mục tiêu chung là xóa bỏ nền giáo dục cũ, xây dựng một nền giáo dục kiểu mới. Để làm điều đó, các cơ quan quản lý giáo dục đã từng bước được thiết lập như một bộ phận quan trọng trong bộ máy chính quyền thực dân. Bài viết này sẽ xem xét hoạt động của các cơ quan quản lý giáo dục ở Việt Nam trong hai giai đoạn chính: từ 1864 đến 1918 với những khác biệt trong quản lý giáo dục giữa ba kỳ: từ 1918 đến 1945 với hệ thống quản lý giáo dục thống nhất.

1/ Giai đoạn từ 1864 đến 1918

Tác giả Tạ Thị Thúy trong một nghiên cứu gần đây về lịch sử Cận đại Việt Nam đã đánh giá về những đổi mới trong giáo dục ở giai đoạn này: “Trường học được lập và tổ chức theo mô hình hiện đại, vận hành theo kiểu công nghiệp: học chính quy, được tổ chức chặt chẽ theo hệ thống ngành dọc, giống như nhà máy tập trung và đúng giờ giấc; chương trình học theo từng cấp, từng hệ, tương đối được thống nhất” (1). Điểm xuất phát cho những đổi mới này bắt đầu từ việc tổ chức lại cơ quan quản lý giáo dục và sự can thiệp mạnh mẽ của những cơ quan này trong hoạch định chính sách, yêu cầu về giáo viên, xác lập chương trình, sách giáo khoa… khác hẳn so với cách tổ chức giáo dục do triều đình phong kiến quy định. Để có thể hiểu được những đổi mới trong tổ chức bộ máy quản lý giáo dục dưới thời Pháp, chúng ta xem lại cách tổ chức quản lý giáo dục dưới triều Nguyễn.

a/ Quản lý giáo dục dưới triều Nguyễn.

Cũng như các triều đình phong kiến Việt Nam khác, triều Nguyễn chú trọng đến học hành thi cử vì đây là con đường quan trọng nhất giúp nhà nước tuyển chọn được người tài phục vụ cho bộ máy. Tuy nhiên, nhà nước chỉ tham gia trực tiếp vào việc bổ nhiệm chức quan phụ trách việc học và chỉ đạo việc thi cử mà thôi. Điều này được thể hiện rõ trong các điều luật. Bộ Đại Nam điển lệ toát yếu do Nguyễn Sĩ Giác soạn từ các bộ luật phong kiến Việt Nam đã ghi lại những quy tắc luật lệ, tong đó các mục về giáo dục chỉ chiếm một phần nhỏ (2). Năm 1909, nhân số có những sự thay đổi trong giáo dục ở Việt Nam, Hiệp biện Đại học sĩ Đồ Văn Tâm đã ghi lại những điều thiết yếu, soạn thành một bộ gọi là “Đại Nam điển lệ toát yếu”, có bổ sung nhiều điều trong cải cách giáo dục năm 1906. Bộ Đại Nam điển lệ toát yếu này khoảng 160 trang được Phan Kế Bính dịch sang quốc ngữ, Đông Dương tạp chí in lại thành quyển riêng (3). Qua cuốn sách này có thể xác định nhà nước phong kiến chủ yếu đảm nhiệm những việc sau: 1) Phân bổ chức quan trông coi việc học; 2) Tổ chức việc thi cử.

Triều Nguyễn có 6 bộ quản lý các việc triều chính, trong đó việc học thuộc phạm vi của bộ Lễ. Đại Nam điển lệ toát yếu ghi lại công việc của bộ Lễ như sau “Lễ Bộ – Phàm các việc triều hội khánh hạ, tế tự, tôn phong, tỉnh phương, mịnh tướng, đôn lân, nhu viễn, cùng là cách thức học hành thi cử, tinh biểu cho người sống lâu người có hạnh nghĩa, phong thụy cho các thần nhân đều ở bộ này” (4). Đến năm 1907. Triều Nguyễn lập thêm bộ Học đứng đầu là Thượng thư Cao Xuân Dục. Sau khi cụ Cao Xuân Dục hồi hưu, bộ Lễ trở lại nắm việc học (5). Có thể thấy việc học hành thi cử (mà chủ yếu là việc thi cử) chỉ là một phần trong hoạt động của bộ Lễ. Công việc này do ba chức quan đảm nhiệm: Đốc học (chánh ngũ phẩm), Giáo thụ (Chánh thất phẩm), Huấn đạo (chánh bát phẩm), được hưởng lương bổng của nhà nước. Đời Tự Đức quy định chức Đốc học lấy trong Tiến sĩ, Phó bảng hay Cử nhân xuất thân. Chức Giáo thụ và Huấn đạo thường lấy trong số Tú tài, và được các quan địa phương khảo hạch, nếu thấy đủ phẩm chất sẽ được tuyển chọn. Về mặt hành chính, các chức quan phụ trách việc học được phân bổ như sau: Các tỉnh lớn và tỉnh nhỡ đều có một Đốc học (và một học nha giúp việc cho Đốc học), đứng hàng thứ tư sau Tổng đốc, Bố chánh và Ấn sát. Các phủ có Giáo thụ (đứng ở hàng cuối trong số các quan ở phủ), các huyện đều có Huấn đạo (đứng ở hành cuối trong số các quan ở huyện). Về các quy tắc dạy học thì luật phong kiến quy định khá sơ sài. Đại Nam điển lệ toát yếu chỉ có vài điều ngắn ngủi như sau: “Năm Minh mệnh thứ 19 lệ định: trường học tỉnh, do Đốc học chiểu lệ trường mà giảng dạy đã đành, ngoài ra, Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát cũng nên mỗi tháng ra đầu văn một ký cho học trò tập, ai ưu hạng thì thưởng giấy bút, để cho học trò khuyên gắng với nhau. Năm Thành Thái thứ 2 lệ định các tỉnh phải xem xét sĩ số ở trường huấn giáo phủ huyện và các trường tư ở nơi thôn xã xem được bao nhiêu học trò, và kê trình đầy đủ.

Kể từ cải cách giáo dục năm 1906, tất cả việc bổ nhiệm quan lại, bao gồm cả quan lo việc học đều thuộc quyền quyết định của các thủ hiến người Pháp. Đại Nam điển lệ toát yếu ghi “ngày tháng 11 năm Thành Thái thứ 18 (tức tháng chạp năm 1906), quan Thống sứ nghị định: việc thăng trật của quan lại An Nam, mỗi cuối năm lập một sổ biên hết quan chức (tổng đốc, tuần phủ, án sát, đốc học, tỉnh thương tá, quản đạo, tri phủ, tri huyện, tri châu, thông phán, kinh lịch, giáo, huấn, hậu bổ, chánh phó đề đốc, chánh phó lãnh binh…) ai là người đáng thăng thì lên sổ tư trình về quan Thống sứ Bắc Kỳ thẩm duyệt. Quan lại nào năm ấy đích thực có công lao xuất sắc thì không có tên trong sổ thăng bổ cũng được thăng bổ quan chức. Còn như các tên đã liệt vào sổ thăng bổ rồi, nếu xét chưa đáng thì quan Thống sứ có thể bỏ đi. Quan Toàn quyền đã chiểu y nghị định Thống sứ Bắc Kỳ” (6). Như vậy, có thể thấy sau năm 1906, việc học ở Bắc Kỳ hoàn toàn do chính quyền Pháp chỉ đạo. Ở Trung Kỳ, bộ Học lập ra năm 1907 chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Năm 1906, triều Nguyễn ban hành Bản quy chế giáo dục 1906 áp dụng cho việc học ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, lần đầu tiên quy định cụ thể các bậc học và chương trình học cho từng cấp (7). Tháng 11 cùng năm, thống sứ Bắc Kỳ đã ban hành một nghị định với 67 điều có chỉnh sửa một số khoản so với Bản quy chế giáo dục 1906. Sau đó, triều Nguyễn không đưa thêm quyết sách cụ thể nào, mọi việc liên quan đến học hành thi cử về thực chất đều do chính quyền Pháp ban hành và điều phối, đặc biệt trong việc đổi mới hệ thống quản lý giáo dục sẽ bàn đến dưới đây.

b/ Đổi mới trong quản lý giáo dục ở Việt Nam – sự khác biệt giữa ba kỳ (1864 – 1918)

Mặc dù mục tiêu giáo dục thực dân là như nhau trên toàn xứ Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng nhưng thực tiễn các bước đi giáo dục phụ thuộc vào tốc độ xâm lược của đội quân viễn chinh Pháp và của bộ máy quản lý chính quyền ở từng xứ. Theo đó, xứ Nam Kỳ, được coi là thuộc địa (colonie) của Pháp, đã tiến hành cải cách giáo dục sớm nhất, đặt cơ quan quản lý giáo dục kiểu mới (Sở Học chính Nam Kỳ) ngay khi chính quyền chuyển sang chế độ quản lý dân sự thay cho chế độ quân sự (Đô đốc). Bắc Kỳ và Trung Kỳ mặc dù cùng chịu chế độ Bảo hộ (Protectorat) nhưng có những cơ quan quản lý giáo dục khác nhau: Kể từ năm 1905, Sở Học chính Bắc Kỳ chịu trách nhiệm giám sát việc học và thi cử ở xứ này; trong khi đó giáo dục Trung Kỳ nằm dưới sự quản lý của Sở học chính Trung Kỳ, cơ quan giáo dục do Pháp lập ra. Năm 1907, Bộ Học được lập ra thuộc triều đình Huế quản lý nhưng chỉ để lại những dấu ấn hết sức mờ nhạt.

Ngay từ năm 1862, sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, thực dân Pháp đã đặt chế độ thuộc địa ở xứ này. Trước đó, năm 1861, Đô đốc Charner đã ký quyết định mở trường thông ngôn Collège d’Adran để đào tạo thông ngôn, phục vụ cho việc phiên dịch đồng thời cung cấp giáo viên cho các trường học sau này. Theo khảo sát của nhà sử học Philippe Devillers, năm 1864, chính quyền thuộc địa đã ra quyết định mở trường học quốc ngữ ở các tỉnh huyện quan trọng nhất của Nam Kỳ và mỗi trường do một viên thông ngôn đảm nhiệm. Cuối năm 1864 có hai mươi trường được mở với 300 học sinh, bốn năm sau con số này tăng lên 104 trường học với 3.200 học sinh (8). Năm 1864 cũng diễn ra kỳ thi Nho học cuối cùng ở Nam Kỳ (9). Các trường Nho học dần đóng cửa, tất cả các quan học chính gồm Đốc học, Huấn đạo, Giáo thụ đều bị triệu hồi về Huế (10). Ở Nam Kỳ, các trường học mới có tầm quan trọng đặc biệt vì nó đào tạo ra một thế hệ những quan cai trị mới phục vụ cho mục đích thực dân, tương tự như việc đổi từ hệ thống hành chính cấp tỉnh sang hệ thống cấp hạt (circonscriptions) và cấp quận (arondissement), theo đúng mô hình tổ chức chính quyền kiểu Pháp.

Vào tháng 3 năm 1879, Thống đốc Jules Lafont đã ra nghị định thành lập Sở học chính Nam Kỳ và lập hệ giáo dục Pháp – Việt (11). Nghị định này gồm 45 điều, quy định các loại trường học công Pháp – Việt kiểu mới, chế độ tài chính, chương trình học, hệ thống bằng cấp (12). Theo đó, việc học tại các trường công lập đều được miễn phí, các trường Tiểu học và Trung học sẽ chuyển thành Cấp Một, Cấp Hai và Cấp Ba. Các trường học mới được xây dựng ở những hạt và quận quan trọng nhất (khoảng hai mươi trường đầu tiên). Hầu như tất cả các môn học đều học bằng tiếng Pháp ở các bậc học thấp nhất. Ngoài ra, chữ Quốc ngữ cũng được đưa vào chương trình nhưng chỉ chiếm phần nhỏ. Tháng 7 năm 1879, Le Myre de Vilers sang nhậm chức và trở thành Thống đốc dân sự đầu tiên thay thế cho Đô đốc nắm quyền trước đó. Năm 1880, đích thân de Vilers ra nghị định lập trường Trung học Mỹ Tho, là trường Trung học Pháp – Việt công lập đầu tiên ở Nam Kỳ, thể hiện sự hoàn thiện của hệ thống giáo dục công dành cho dân bản xứ với đầy đủ các bậc học (13).

Ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nền hành chính và tài chính cho việc quản lý học chính công lập dành cho người bản xứ được thiết lập muộn hơn. Sau khi thôn tính Bắc Kỳ vào năm 1882, hai năm sau Pháp ký Hòa ước Patrenôte với triều đình Huế xác lập nền bảo hộ ở hai xứ Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Paul Bert đến Hà Nội tháng 4 năm 1886 nhậm chức Tổng trú sứ đầu tiên của Trung – Bắc Kỳ. Nắm quyền trong một thời gian ngắn chưa tới một năm, Paul Bert đã kịp chi định Gustav Dumoutier, một chuyên gia về Hán học và Đông phương học làm nhà tổ chức và thanh tra giáo dục Pháp -Việt (14). Trong điều kiện kinh phí eo hẹp (15), các trường công phát triển khá chậm chạp. Ngoài trường Thông ngôn lập ra theo quyết định ngày 27-01-1886 của tướng Warnet nhằm đào tạo phiên dịch là trường công lập có đầu tư từ ngân sách bảo hộ, các trường Tiểu học Pháp – Việt hoạt động từ các nguồn tài chính khác nhau, đa số là từ nguồn tư nhân hoặc của địa phương. Trường Thông ngôn không chỉ đào tạo phiên dịch phục vụ cho quân đội và bộ máy vận hành chính mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nguồn giáo viên cung cấp cho các trường học sau này. Trường Thông ngôn Hà Nội đã đào tạo một thế hệ những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong giới học chính, báo chí, chính trị gia như Phạm Duy Tốn (nhà văn, tham gia dạy tiếng Pháp cho Đông Kinh nghĩa thục), Nguyễn Văn Vĩnh (nổi tiếng là anh cả của làng báo Bắc Kỳ, từng làm thư ký cho Tiểu ban Học chính của Viện Dân biểu Bắc Kỳ), Phạm Quỳnh (chủ bút Nam Phong, sau làm Thượng thư Bộ Học), Trần Trọng Kim (là người bản xứ đầu tiên làm thanh tra giáo dục tiểu học, sau làm Đốc học các trường Hà Nội), Trần Văn Khánh (hiệu trưởng đầu tiên phụ trách trường sư phạm đào tạo giáo viên cho trường Pháp – Việt), Nguyễn Văn Ngọc (Đốc học Hà Đông), Nguyễn Văn Tố (hội trưởng Hội Trí tri, hội Truyền bá quốc ngữ)…

Năm 1897, Paul Doumer sang nắm quyền và bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương, Doumer đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết kế bộ máy chính quyền thuộc địa trong bối cảnh “một thuộc địa có viên Toàn quyền, nhưng không có chính quyền, ngân sách nghèo nàn ở tất cả các xứ” (16). Mục tiêu mà Doumer đặt ra là “phải tìm kiếm công cụ để hoạt động, chính là quyền lực và tiền” (17). Để củng cố chính quyền, Doumer thâu tóm mọi quyền lực, tập ra một Hội đồng cấp cao để giúp việc cho Toàn quyền cồm những người đứng đầu các ban ngành là người Pháp cũng như người Việt, tổ chức bộ máy với các Nha (services) như Nha thuế quan, Nha Nông nghiệp và thương mại, Nha Công chính, Nha Bưu điện và lập ngân sách liên bang, do Toàn quyền trực tiếp quản lý. Trong danh mục này, không thấy có mặt Nha học chính (18).

Các cơ quan quản lý giáo dục cho Bắc Kỳ và Trung Kỳ chỉ chính thức được thành lập dưới thời Toàn quyền Paul Beau. Trong vòng ba năm, Paul Beau liên tiếp ra nghị định thành lập ba cơ quan giáo dục quan trọng là Hội đồng Học chính Bắc Kỳ (Conseil Local de l’Instruction publique au Tonkin) (ngày 27 tháng 4 năm 1904); Tổng Nha học chính Đông Dương (Direction Généal de de l’Instruction Publique), bao gồm các Sở Học chính (Services locaux de l’Enseignement), trong đó có Sở Học chính Bắc Kỳ, Trung Kỳ (ngày 20 tháng 6 năm 1905), Henri Gourdon được cử làm Tổng giám đốc của Tổng Nha Học chính Đông Dương; Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ Đông Dương (Conseil de perfectionnement de l’Enseignement indigène en Indochine) (ngày 08-03-1906). Toàn quyền Paul Beau ký Nghị định thành lập Hội đồng Hoàn thiện giáo dục bản xứ Đông Dương. Hội đồng nhóm họp lần đầu tiên vào tháng 4 năm 1906 với sự có mặt của vua Thành Thái và Toàn quyền Paul Beau. Sau một tháng bàn bạc thảo luận, Hội đồng đã soạn ra bản quy chế giáo dục. đưa ra những quy định về cải cách trường học và thi cử Nho giáo bản xứ (19). Ngày 16-11-1906, Thống sứ Bắc Kỳ ban hành Nghị định gồm 67 điều về việc học ở Bắc Kỳ, ngày 21 cùng tháng, Nghị định đã được Toàn quyền Đông Dương khi đó là Broni phê duyệt (20). Nghị định quy định việc quản lý các trường Nho giáo, trường Pháp – Việt, gồm trường công và trường tư. Mặc dù kinh phí cho các trường công Nho giáo ở bậc ấu học là do làng xã chịu trách nhiệm, giáo viên các trường này, từ bậc Ấu học, Tiểu học đến Trung học đều do Giám đốc Học chính phê duyệt. Đồng thời, Sở Học chính quy định chương trình học và môn học cụ thể cho từng bậc học. Đây là điểm khác biệt cơ bản so với giáo dục truyền thống đã tồn tại gần ngàn năm ở Việt Nam là nhà nước chỉ tổ chức và quy định việc thi cử, còn việc dạy học thì người dân đa phần tự tổ chức lấy. Ở giai đoạn này, các chức vụ quan học chính truyền thống vẫn được duy trì: Huấn đạo lo việc học ở Huyện, Giáo thụ lo việc học ở trường Phủ (các trường Tiểu học), đồng thời giám sát việc học của các trường ấu học do thầy đồ đảm nhiệm. Đốc học lo việc học ở các trường Tỉnh, đồng thời kiểm tra việc học tập giảng dạy ở làng xã, huyện, phủ. Tuy nhiên, công việc quan trọng nhất của Huấn đạo, Giáo thụ và Đốc học vẫn là đôn đốc việc thi cử Nho giáo (kéo dài đến năm 1915 ở Bắc Kỳ).

Việc học ở Bắc Kỳ gần như không có sự can thiệp của triều đình nhà Nguyễn. Khảo sát hoạt động của Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ Bắc Kỳ, có thể thấy sự tham gia rất sâu của chính quyền Pháp vào việc quy định chương trình học cũng như thi cử. Các quan học chính người Việt đều hoạt động dưới sự kiểm soát của Sở Học chính đứng đầu là người Pháp. Bản Quy chế giáo dục của triều đình Nguyễn năm 1906 quy định kể từ kỳ thi Hương năm 1906 bao gồm cả môn thi quốc ngữ. Trên thực tế, Nghị định ra ngày 16-11-1906 được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt không nói rõ thời điểm tiến hành kỳ thi cải cách. Chỉ đến Nghị định đề số 62 do Thống sứ Bắc Kỳ ký ngày 30-03-1908 mới quy định cụ thể chương trình thi Hương, theo đó kỳ thi Hương năm 1909 là kỳ cải cách đầu tiên (21).

Nếu nhìn vào thành phần Hội đồng hoàn thiện giáo dục bản xứ sẽ thấy đại diện từ chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định. Chẳng hạn trong kỳ họp ngày 22-03-1907 của Hội đồng có những thành phần sau: Chủ tịch: Prêtre, chuyên viên hạng nhất của Nha dân sự (Services Civils); Phó chủ tịch: Simonin, Giám đốc học chính Bắc Kỳ; các thành viên khác gồm: Buozat, chuyên viên Nha dân sự, thành viên của Hội đồng Hoàn thiện giáo dục bản xứ Đông Dương; Đỗ Văn Tâm, Tổng đốc, đồng thời Phó thanh tra thuộc Nha dân sự; Deletie, thay mặt Hiệu trưởng trường Sư phạm; Thân Trọng Huề: Giám đốc trường Hậu bổ; Bùi Đình Tá: Nha dân sự; Glyer: Hiệu trưởng Trường Jules Ferry (Nam Định); Leonet: Hiệu trưởng Trường Thông ngôn; Nguyễn Văn Bân: Đốc học tỉnh Hà Nam; Bùi Khánh Diên: Đốc học tỉnh Hưng Yên; Russier: Trưởng ban thư ký của Tổng Nha Học chính, thư ký cuộc họp. Cuộc họp ngày 04-04 cùng năm với thành phần không đổi đã thông qua những sách giáo khoa dùng trong trường Nho giáo gồm: ở bậc Ấu học dùng sách quốc ngữ của Trần Văn Thông, sách dạy chữ Hán của Ban tu thư; ở bậc Tiểu học dùng 3 sách bằng quốc ngữ là: 1) Sách về Vật lý và Tự nhiên của Trần Văn Khánh và Phạm Văn Hữu, 2) Sách Toán cũng của hai tác giả này, 3) sách Pháp chế của Phạm Văn Thụ. Bậc tiểu học còn dùng thêm 2 cuốn bằng chữ Hán là Lịch sử Trung Quốc 2 tập.

Nếu ở Bắc Kỳ và Nam Kỳ, các trường nằm trong sự quản lý trực tiếp của Sở học chính thì ở Trung Kỳ, triều đình Huế vẫn tiếp tục nắm vai trò quan trọng trong tổ chức học tập và thi cử Nho giáo. Năm 1907, Bộ Học được lập ra, đứng đầu là Thượng thư Cao Xuân Dục, quản lý các trường Nho học ở Trung Kỳ.

Cho tới năm 1918, ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, các trường Nho học công lập được tổ chức lại theo ba bậc (Đồng ấu, Tiểu học, Trung học) tồn tại song song cùng các trường Pháp – Việt với số lượng chiếm đa số trong hệ thống giáo dục. Năm 1908, tổng số trường Nho học ở cả hai xứ này là 15 ngàn với khoảng 200 ngàn học sinh (22). Các trường Pháp – Việt được tổ chức theo hai cấp học là Tiểu học (có các lớp Dự bị và Sơ học) và Trung học (khi đó gọi là complementaire). Năm 1913, tổng trường Pháp – Việt ở Bắc Kỳ là 51 với hơn 6000 học sinh (23) (chỉ có một trường Trung học là Trung học Bảo hộ thành lập năm 1908, là sự sáp nhập của ba trường Thông ngôn, Jules Ferry Nam Định và Sư phạm ở Hà Nội). Ở Trung Kỳ năm 1913 có 23 trường Pháp – Việt với chưa đén 1000 học sinh (chỉ có một trường Trung học duy nhất là Quốc học Huế, thành lập năm 1898) (24). Ở Nam Kỳ, các trường dạy chữ Nho hoàn toàn bị loại khỏi hệ thống giáo dục công, chỉ một số làng lẻ tẻ vẫn duy trì các lớp học chữ Nho với lối tổ chức mang tính tự phát. Năm 1913 số trường Pháp – Việt ở Nam Kỳ là 737 trường với hơn 43 ngàn học sinh (25), chiếm hơn 90% tổng số trường Pháp – Việt ở Việt Nam.

(xem tiếp Kỳ 2)

Chú thích
(1) Tạ Thị Thúy (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam, Tập VIII, 1919 – 1939, Viện Sử học, Hà Nội, 2007, 236 trang.
(2) Xem Đại Nam điển lệ toát yếu, Nguyễn Sĩ Giác phiên âm và dịch nghĩa. Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, 1993, 571 trang.
(3) Xem Bổ quốc sử – Đại Nam điển lệ toát yếu của cụ Hiệp biện Đỗ Văn Tâm soạn, Phan Kế Bính dịch Nôm, Đông Dương tạp chí, số 50 – 1909.
(4) Bổ quốc sử – Đại Nam điển lệ toát yếu của cụ Hiệp biện Đỗ Văn Tâm soạn, Phan Kế Bính dịch Nôm, Đông Dương tạp chí, số 50 – 1909.
(5) Cuốn Đại Nam điển lệ toát yếu của Đỗ Văn Tâm soạn năm 1909 được Thống sứ Bắc Kỳ ký thông qua ngày 23 – 12 -1909 chỉ thấy quy định 6 bộ là Lại, Lễ, Hộ, Binh, Hình, Công. Việc học và thi cử do bộ Lễ phụ trách.
(6) Bổ quốc sử – Đại Nam điển lệ toát yếu, sđd.
(7) Xem “Bản quy chế giáo dục năm 1906”, Parcours d’un historier du Vietnam – Recueil des articles écrits par Nguyễn Thế Anh, Les Indes savants, Paris, 2008, tr. 847-853.
(8) Theo Philippe Devillers. Người Pháp và người An Nam – Bạn hay thù? Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.288.
(9) Theo Lâm Văn Bá, Collège de My Tho: Trường Trung học đầu tiên ở Nam Kỳ, xem namkyluctinh.org/a-xhdsong/lvbe-collegedemytho.pdf
(10) Theo “L’Instruction publique des indigenes en Indo- Chine”, La Dépèche Coloniale, 16 Mai 1908, Paris.
(11) Xem Lâm Văn Bé, Sdd; Cao Tự Thanh. Nho giáo ở Gia định, Nxb Văn hóa Sài Gòn, Saigon Media, Thành phố Hồ Chí Minh, 2010; Dương Kinh Quốc, Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005
(12) Theo Lâm Văn Bé, sdd
(13) Collège Chasseloup Laubat được lập năm 1875 dành cho học sinh có quốc tịch Pháp.
(14) Xem Trần Thị Phương Hoa. “Giáo dục Bắc Kỳ từ đầu thế kỷ XX đến năm 1915 – chuyển các trường Nho giáo sang trường Pháp – Việt”. Tạp chí Nghiên cứu châu Âu, số 11/2010, tr.49-58.
(15) Theo Dumoutier, M.G. (1887), Les Debuts de l’ enseignement Francais au Tonkin, Hanoi, F-H Schneider, năm 1886, kinh phí giáo dục cho mỗi đầu người ở Bắc Kỳ là 15 xu/ năm.
(16) Doumer làm Toàn quyền Đông Dương trong vòng 5 năm từ 1897 đến 1901. Năm 1902, Doumer đã công bố báo cáo về quá trình 5 năm tại chức của mình trong Situation de l’Indo- chine (1897-1901). Rapport par M. Paul Doumer, Gouverneur – Général, Hanoi, F.H.Schneider, 1902. Pp. 550. Trích dẫn được lấy từ bài Nhận định về Báo cáo của Paul Doumer đăng trên T’oung Pao (1902), Second Serios, Vol 3, No.2
(17) Nt, tr 124.
(18) Ban Học chính Trung- Bắc Kỳ (Direction du Service de l’Enseignement en Annam et au Tonkin) được thành lập năm 1890 theo Nghị định số 248 ngày 17 tháng 2 năm 1890 của Toàn quyền Đông Dương, theo đó Dumoutier được chỉ định làm Giám đốc. Về thực chất, Dumoutier chỉ có trách nhiệm theo dõi hoạt động các trường học, đề xuất kiến nghị và báo cáo lên Toàn quyền Đông Dương cũng như Thống sứ Bắc Kỳ. Đây chưa phải là một cơ quan quản lý giáo dục theo đúng chức năng nhiệm vụ của nó.
(19) Xem “Bản quy chế giáo dục năm 1906” Nguyễn Thế Anh dịch từ châu bản triều Nguyễn, Parcours d’un historier du Vietnam. Recueil des articles écrits par Nguyễn Thế Anh, Ed. Par Phillip Papin. Les Indes savants, 2008, 847-853.
(20) Phông Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (Fonds de la Résidence Supérieure au Tonkin – RST), RST 73395, Recueil des arretes et circulaires et correspondancess diveres concernant l’organisation de l’enseignement franco-annamite et l’enseignement traditionnel de 1903 à 1909.
(21) RST 73395, tờ 77
(22) L’Instruction publique des indigènes on Indo- chine, La Dépêche Coloniale, 15 Mai 1908.
(23) Le Tonkin Scolaire, IDEO, Hà Nội 1931.
(24) L’annam Scolaire, IDEO, Hà Nội 1931. Tr.28
(25) Annuaire Statistique de l’ Indochine, Premier Volume, 191301922, IDEO, Hà Nội, 1927

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN