Sự du nhập của trầm hương đến Nhật Bản thời kỳ trung đại

Chủ tịch Trầm Hương Khánh Hòa – Nguyễn Văn Tưởng

TS. Trần Ngọc Dũng

ThS. Nguyễn Duy Thái [1]

Mở đầu

Trong lịch sử nhân loại, Trầm hương (với nhiều tên gọi, chất liệu, chất lượng khác nhau) luôn là sản phẩm trân quý trong đời sống văn hóa, tâm linh và nguồn dược liệu quý hiếm của nhiều quốc gia. Nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng ngay từ thời cổ đại, các quốc gia phương Tây như Hi Lạp, La Mã; hoặc các quốc gia phương Đông như Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ đều sử dụng Trầm hương trong nhiều mục đích khác nhau.[2] Tuy vậy, do đặc thù cây gỗ Trầm được phân bố chủ yếu trong phạm vi từ phía Đông Ấn Độ (Bengal và Assam) tới vùng quần đảo New Guinea và phía Nam Trung Quốc (Quảng Đông, Vân Nam) cho đến vùng nhiệt đới ở quần đảo Lesser Sunda (Indonesia) nên có thể nhận thấy các quốc gia phương Đông, đặc biệt là Đông Á có truyền thống sử dụng và buôn bán Trầm hương hơn hẳn các khu vực khác.[3] Trong đó, khác với các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia hay Việt Nam vừa là nơi sản xuất và sử dụng Trầm hương, Nhật Bản khá đặc biệt khi có truyền thống sử dụng Trầm trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng lại không phải quốc gia có ưu thế cho việc trồng các loại gỗ lấy Trầm. Bài viết ngắn này do đó muốn cung cấp đến người đọc một số thông tin cơ bản về việc sử dụng và buôn bán Trầm ở Nhật Bản trong suốt tiến trình lịch sử.

Khái quát về việc sử dụng Trầm hương

Nhìn chung, các loại hương và gia vị là yếu tố quan trọng trong cả đời sống văn hóa và vật chất của con người qua hàng thế kỷ khi chúng được sử dụng cho mục đích tôn giáo, dược liệu, tang ma, hoặc ăn uống. Những ghi chép sớm nhất cho thấy các loại cây hương liệu được sử dụng ở Ấn Độ cổ đại trong khoảng 1500-1000 trước CN. Trong số các loại gỗ tạo hương, Trầm hương (agarwood) là một sản phẩm khác đặc biệt, là nhựa tích tụ của cây gió bầu. Trầm hương được biết đến dưới nhiều tên khác nhau như aloeswood, eaglewood (Anh), gaharu (Malay), oud (Nhật Bản), chén xiãng hay kilam và bac (Trung Quốc), jinkoh (Nhật Bản), agàru hay aguru (Sanskirt), agaru hay Pali agalu (Prakrit), aluwwa và ud (Arab), ahaloth (Hebrew), Aguila hay pao d’aguila (Bồ Đào Nha), d’aigle (Pháp).[4] Trầm hương được hình thành từ một số loại cây nhiệt đới có tên gọi khoa học là Aquilaria, Gyrinops, Aetoxylon, và Gonystylis và đều thuộc họ Thymelaesceae (họ Trầm).[5]

Trong các văn bản còn ghi lại thì Trầm hương được sử dụng trong cả bốn tôn giáo lớn là Ấn Độ giáo (Hindu), Thiên chúa giáo (Christianity), Hồi giáo (Muslim) và Phật giáo (Buddhist).[6] Theo khu vực, Trầm được sử dụng ở Ai Cập, phương Tây cổ đại, Trung Đông, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Riêng trường hợp Trung Quốc, ngay từ thế kỷ 4, gỗ Trầm đã được nhập khẩu từ Việt Nam và vương quốc cổ Phù Nam. Đến thế kỷ 13, hoạt động buôn bán Trầm cùng với triều cống từ Đại Việt sang nhà Tống vẫn tiếp tục được ghi nhận không chỉ bởi tài liệu từ Trung Quốc mà còn bởi nhà thám hiểm châu Âu Marco Polo.[7] Trầm hương được sử dụng thông dụng nhất trong các sản phẩm của nhang, hương Trầm và nước hoa hoặc tinh dầu cho mục đích tâm linh và y học.[8] Ví dụ, Trầm có chất lượng tốt nhất được sử dụng làm dược liệu ở Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ 8, cuốn Sahih Muslim đã ghi lại việc dùng Trầm hương trong việc chữa trị bệnh viêm màng phổi. Ở Trung Đông và Ấn Độ, việc sử dụng Trầm hương như nước hoa hay nước thơm để xức lên người đã có từ hàng ngàn năm trước và Trầm hương được nhắc đến trong cụm từ “aloes” và “attar”. Mặt khác, nhang, hương Trầm được đốt lên trong các sự kiện tôn giáo cũng cho thấy vai trò và tính hữu dụng của Trầm hương. Những khúc Trầm nhỏ dài vài centimetres và nặng khoảng 10-200g được cắt hoặc đập nhỏ và đốt lên trong những lễ hội tôn giáo đặc biệt

1. Lịch sử sử dụng Trầm hương tại Nhật Bản

Là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa từ Trung Quốc, Nhật Bản cũng có truyền thống sử dụng Trầm và hoạt động giao thương khá phát triển với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, ở Nhật việc sử dụng Trầm cho dược liệu hay chữa bệnh khá hạn chế khi nguồn Trầm chủ yếu được dùng trong hoạt động tôn giáo và văn hóa, cụ thể là Phật giáo và Hương đạo.

Trầm hương trong tiếng Nhật là jin-koh, nghĩa là chìm đắm trong hương thơm (sinking fragrance). Nội dung của khái niệm trên đã cho thấy rõ giá trị của Trầm hương đối với đời sống văn hóa sự coi trọng của người dân Nhật Bản đối với sản phẩm này. Việc sử dụng Trầm hương ở Nhật Bản gắn liền với việc du nhập Phật giáo vào quốc gia này ở thế kỷ 6 dưới triều đại của Thiên hoàng Kimmei (549-571). Năm 553, Thiên hoàng Kimmei đã cho chạm khắc 2 tượng Phật tổ từ gỗ long não (camphor wood). Trong Biên niên sử Nhật Bản (Nihon Shoki), ghi chép đầu tiên về Trầm hương là vào năm 595: “một cây gỗ Trầm (aloeswood) trôi dạt vào đảo Awaji (gần Kobe). Nó có chu vi khoảng 6 bước chân. Người dân trên đảo không có khái niệm về gỗ Trầm nên đã sử dụng nó như củi đun để nấu ăn, khiến mùi thơm của nó lan rộng và bao trùm hòn đảo. Thấy vậy, họ dâng lên Thiên hoàng Suiko như một món quà”.[9] Thái tử Shotoku nhận ra đó là jin-koh và đã giới thiệu cho toàn thể dân chúng biết về giá trị của Trầm hương, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến Phật giáo. Nếu như Thái tử Shotoku biết khối gỗ đó là Trầm thì thực tế trong Hoàng gia Nhật Bản có thể đã sử dụng Trầm từ trước đó. Khi Thiên hoàng Tenji (626 – 672) bị bệnh năm 671, ông đã dâng lên Phật tổ (trong một ngôi chùa ở Kyoto) một loạt đồ lễ nhằm cầu bình an, trong đó có Trầm hương và gỗ đàn hương. Khối Trầm nổi tiếng nhất và được coi là quốc bảo của Nhật Bản là Ranjatai (quà từ Trung Quốc). Ranjatai nặng 11,6kg và dài 1,56m được chuyển về từ Trung Quốc làm cống vật cho Thiên hoàng Shomu (724 – 748). Sau đó khối Trầm này được cất giữ tại ngôi chùa Phật giáo Todai-ji ở Nara. Ngày nay khối Trầm này vẫn còn nguyên vẹn, được quản lý bởi cơ quan Hoàng gia Nhật Bản và được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Nara.

Cùng với việc đốt Trầm trong các chùa chiền, việc thưởng Trầm đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng, cao quý và thanh lịch của Nhật Bản. Việc đốt Trầm xuất hiện trong giai đoạn Nara của lịch sử Nhật Bản (710-794)[10] nhưng thưởng thức Trầm trở nên phổ biến trong thời kì Heian (794-1185)[11]. Các loại hương Trầm lúc này là sự pha trộn của Trầm hương, đường, quả mận hoặc nho khô có giá rất cao tại Nhật Bản khi đó và được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc (nhà Đường).[12] Đốt Trầm cũng trở thành biểu tượng của quyền lực và sự giàu sang ở Nhật. Ví dụ, đại lãnh chúa (Daimyo) Sasaki Douyo (1296-1373) thường đốt những mảnh gỗ Trầm lớn sau mỗi kì thu hoạch lương thực tại đền Shoji ở ngoại thành Kyoto để thể hiện sự giàu có, sung túc của ông.

Nhang, hương Trầm ở Nhật Bản khá là khác biệt khi hầu hết các sản phẩm chất lượng cao được làm từ nguyên liệu thô tự nhiên, gồm phần lớn là Trầm hương cùng với các thành phần khác như gỗ đàn hương (sandalwood), cánh kiến trắng (benzoin) được tạo hình cẩn thận vào làm khô. Người tham gia thưởng Trầm phân biệt và đánh giá chất lượng của các loại hương khác nhau, bao gồm cả những sản phẩm địa phương như cây thông, cây tuyết tùng và các cây nhập khẩu như Trầm hương, đàn hương, quế (cinnamon) và đinh hương (clove).[13] Ban đầu, giới quý tộc Nhật du nhập những nghi lễ, cách thức đốt Trầm và nguyên liệu Trầm từ Trung Quốc. Đến thế kỷ thứ 9, họ bắt đầu ngừng nhập khẩu sản phẩm Trung Quốc và chế tạo những sản phẩm có đặc trưng riêng. Đến thế kỷ 12, Hoàng tử Kaya đã giới thiệu 6 hương thơm nổi tiếng (Six Scents), là sự tổng hòa từ Trầm hương, đinh hương, vỏ sò, hổ phách (amber), đàn hương và xạ hương (musk) với tỉ lệ khác nhau. Cả 6 loại hương trên đều vô cùng quý hiếm và đắt đỏ do nguyên liệu hầu hết không thể tìm thấy ở Nhật và phải nhập khẩu từ Đông Nam Á nên chỉ có giới quý tộc mới đủ điều kiện mua và sở hữu. Sáu loại hương Trầm do đó đã trở thành những món quà đắt đỏ. Đốt và thưởng thức Trầm do đó trở thành một trong những hoạt động tượng trưng tiêu biểu của giới quý tộc khi hoạt động trung tâm là họ đốt và thưởng thức các mùi hương khác nhau.

Trầm (jin-koh) được cắt thành nhiều mảnh nhỏ khác nhau, với tên gọi “mei-koh”. Từng miếng “mei-koh” được đặt tên khác nhau bởi những chuyên gia về Trầm thông qua việc đánh giá chất lượng Trầm. Những “mei-koh” được lưu giữ trong những hộp đựng được làm bằng đồ sơn mài và chạm trổ tinh xảo để lưu truyền cho nhiều thế hệ con cháu. Sự kết hợp các mảnh nhỏ Trầm hương với các nguyên liệu khác tạo ra các loại hương đốt nổi tiếng. 1 Sho-koh thường gồm 5, 7 hoặc 10 thành phần khác nhau, bao gồm Trầm hương, đàn hương, đinh hương, gừng, hổ phách và một chút pha trộn các mảnh vỏ cây trộn. Loại này thường được đốt trên ban thờ Phật. 2 Naru-koh (khối Trầm được nhào nặn) là sự pha trộn của khoảng 20 thành phần hương liệu khác nhau, được kết dính bằng mật ong hoặc phần thịt của quả mận. Sau khi nhào trộn, khối hỗn hợp được cất trong những hũ sành và được chôn dưới đất ẩm ít nhất 3 năm để tạo độ thơm sâu đậm. Mỗi gia đình lại có công thức trộn và quá trình làm khác nhau, dẫn đến hương cũng có sự khác biệt. 3 Sen-koh (thanh Trầm) là dạng phổ biến nhất trong các sản phẩm Trầm ở Nhật Bản. Độ dài, mảnh của thanh Trầm cũng có sự khác biệt theo thời gian. Thanh Trầm có thành phần, chất lượng khác nhau dựa vào tỉ lệ Trầm (jin-koh) nên giá thành cũng khác nhau. Ngoài ra còn có các sản phẩm như Ensui-koh hay Nioi-bukuro nhưng không phổ biến như mấy loại trên.

Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau chứng kiến sự thay đổi và phát triển của một loại Trầm khác nhau. Ví dụ, thế kỷ 11 là sự lên ngôi của soratakimono, hay sự pha trộn của các nguyên liệu tự nhiên mang hơi hướng của các dược liệu truyền thống. Sau đó takimono thể hiện tính thời thượng hơn khi giới quý tộc dùng hương thơm để đánh giá sự giàu có, khác biệt giữa họ và thường dân. Nerikoh thịnh hành ở thời kỳ Kamakura (1185-1333)[14] lại là sự pha trộn, kế thừa những hương thơm từ Trung Quốc với công thức riêng của Nhật hoàng và quay trở lại việc sử dụng lượng lớn Trầm hương để đốt. Tiến triển từ hoạt động đốt Trầm đó, trong giai đoạn Muromachi, hương đạo (koh doh) đã ra đời.

Từ việc đốt và thưởng thức Trầm, hoạt động trên đã phát triển thành một lễ kỉ niệm mang tính đặc trưng riêng: Hương đạo. Đây là hoạt động lễ nghi biểu trưng đặc biệt của hoàng cung và tầng lớp quý tộc, tăng lữ cấp cao. Ban đầu, hương đạo được thực hiện chủ yếu bởi những quý tộc, đại quý tộc, những người có đủ khả năng để sở hữu jin-koh cũng như có đủ tài chính để tổ chức tiệc trà và bình văn. Lúc bấy giờ, hoạt động này được miêu tả bằng cụm từ “koh o kiku” hay “mon-koh”, tức là lắng nghe mùi Trầm. Đến thời kỳ Edo (1603-1867), thưởng Trầm được cả những phụ nữ cao quý và người trong hoàng cung đón nhận khiến cho cụm từ “kyara” vốn chỉ loại Trầm chất lượng tốt nhất trở nên nổi tiếng và được coi là tượng trưng cho cái đẹp, chất lượng. Trong thời kỳ Edo[15] cũng có hiện tượng xuất hiện những trường dạy về Koh-doh để dạy các quý tộc cách thưởng Trầm đúng nhất. Nhưng, sự thay đổi lớn nhất chính là việc mở rộng thưởng Trầm đến với giới trung lưu Nhật Bản. Nguyên nhân chính là sự xuất hiện của người Hà Lan và thương nhân phương Tây trong buôn bán với Nhật đầu thế kỷ 17, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của bộ phận thương nhân, thợ thủ công và dần hình thành tầng lớp trung lưu giàu có. Với tiền bạc có được, họ cũng nhanh chóng tìm kiếm giá trị văn hóa riêng và thưởng Trầm được tổ chức rộng rãi. Tuy vậy, giới quý tộc vẫn giữ độc quyền những nguồn Trầm tốt nhất và có những công thức bí mật riêng. Trầm được phục vụ theo mùa, ví dụ mùa hè chỉ là những mảnh vỏ gỗ, nhưng mùa đông là Trầm được chế tạo cầu kỳ, cẩn thận (kneaded). Cùng với sự phát triển của hương đạo, nhu cầu buôn bán Trầm cũng phát triển nở rộ trong giai đoạn này.

2. Thương mại Trầm hương tại Nhật Bản

Như trên đã nói, Nhật Bản không phải quốc gia sản xuất Trầm hương, nhưng lại tiêu thụ một lượng lớn Trầm do nhu cầu văn hóa, tôn giáo nên quốc gia này khá phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc và Đông Nam Á. Trong lịch sử, Việt Nam (Champa) và vùng quần đảo Borneo (hiện nay thuộc lãnh thổ của Brunei, Indonesia, Malaysia) là hai nguồn cung cấp chính cho Nhật Bản. Trong nghiên cứu của học giả Morita về Trầm Nhật Bản thế kỷ 16, tác giả chỉ ra rằng trong hương đạo Nhật Bản có khái niệm go-mi rikkoku, tức là 6 quốc gia, 5 hương vị để chỉ nguồn gốc (Kyara, Rakoru, Manaban, Manaka, Sasora và Sumatora) và mùi hương (ngọt, chua, nóng, mặn và đắng) khác nhau của các loại Trầm ở Nhật Bản vốn đã tồn tại từ thời kỳ Muromachi (1333-1576).

Cụ thể: 1 Kyara có nguồn gốc từ Việt Nam, là loại Trầm có chất lượng cao nhất và hương thơm đứng đầu trong dánh sách 5 loại hương. Loại Trầm này chỉ dành cho tăng lữ, tầng lớp thanh lịch, phong nhã như quý tộc. Mùi của loại Trầm này do đó đầy dịu dàng, thoai thoải, và trang nghiêm nhưng lại có chút dư vị đắng. 2 Rakoku có nguồn gốc Thái Lan hoặc Lào, có mùi vị sắc lẹm và hang cay của đàn hương và một chút đắng, mặn của muối và vị nóng, gợi lại hình ảnh của những chiến binh Samurai. 3 Manaban, nguồn gốc từ Indonesia và Malaysia, rất đa dạng về mùi thơm và giàu về thành phần nhựa, nhưng chủ yếu có vị ngọt. Loại Trầm này thô, không qua tinh chế. 4 Manaka có nguồn gốc Malacca (Malaysia), có hương khá hời hợt, nhẹ và không rõ ràng một hương vị nào, có thể dễ dàng thay đổi như tâm tư người phụ nữ. Mùi thơm dễ chịu và chất lượng tốt khi nó mất đi nhanh chóng. 5 Sasora có nguồn gốc phía Tây Ấn Độ (Assam), với mùi hương nhẹ, không rõ ràng. Loại sasora tốt nhất dễ bị nhầm với kyara, nhất là khi nó vừa được đốt lên. Loại này phù hợp với giới tăng lữ. 6 Sumatora có nguồn gốc Sumatra (Indonesia), giàu thành phần nhựa và có vị chua lúc ban đầu và lúc kết thúc việc đốt Trầm. Loại Trầm này tạo cảm giác thô tục, đáng ghét như mùi quần áo của người hầu. Trong số những loại trên 1 loại có chứa đinh hương, đàn hương trắng, và nhũ hương; 2 trong số đó có long não, còn tất cả đều có Trầm, đàn hương đỏ, và các loại thực vật thuộc họ cam tùng (nardostachys). Thêm nữa, 50 đến 75% nguyên liệu của các loại hương Trầm đó phải nhập khẩu từ Đông Nam Á, dẫn đến Trầm và nước hoa luôn là những đồ nhập khẩu quan trọng của Nhật Bản. Trong số 6 loại Trầm kể trên, kyara là loại đặc biệt, có chất lượng và giá trị nhất, được so sánh với vẻ đẹp cao quý và cũng khó tìm nhất.

Đáng tiếc, số liệu chúng tôi có hiện nay không toát lên rõ quá trình phát triển và nhu cầu ngày càng lớn trong việc nhập khẩu Trầm hương của Nhật Bản trong lịch sử. Vì vậy, bài viết này phần lớn cung cấp các thông tin về việc mua bán Trầm ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ 17, khi mà thương mại giữa Nhật và Đông Nam Á phát triển mạnh trong hệ thống châu Ấn thuyền. Vào thế kỷ thứ 8, Nhật Bản (Hoàng đế Shomu (724-748)) nhận được món quà lớn từ Trung Quốc là Trầm hương với tên gọi Ranjatai để phục vụ việc làm nhang, hương Trầm.[16] Vào thế kỷ 11, tác giả của cuốn sách Shinsarugakuki – Những điều giải trí mới, đã khẳng định rằng Trung Quốc xuất sang Nhật Bản 45 loại hàng hóa khác nhau, trong đó nổi bật nhất là Trầm hương (aloeswood) cùng với nhũ hương (frankincense), xạ hương, đinh hương, và nhiều loại gỗ có mùi hương khác.[17] Quá nửa số sản phẩm trên là nguyên liệu tự nhiên, vốn được Trung Quốc nhập khẩu từ Đông Nam Á và Trung Đông để bán lại cho Nhật Bản nhằm chế tạo nước hoa, hương Trầm, đồ trang điểm. Đầu thời Minh (khoảng cuối thế kỷ 14), vương quốc Chuzan ở quần đảo Ryukya đã hoạt động như những thương nhân trung gian nhập hàng hóa như đồ gia vị, hương liệu, Trầm hương, đàn hương từ Đông Nam Á để bán ở Trung Quốc và Nhật Bản.

Việt Nam (cụ thể là vùng đất Champa hay sau này là Đàng Trong) là nguồn cội của nhiều loại Trầm hương nổi tiếng, được cả Trung Quốc và Nhật Bản ưa chuộng. Ví dụ, giữa thế kỷ 12, các ghi chép của Trung Quốc đã chỉ ra rằng Champa đã triều cống 150 catties (90.573 kg)[18] fu-tzu ch’ên hsiang (Trầm hương giống với rễ cây phụ tử), 390 catties (235.5 kg) Trầm hương (aloeswood), 2 miếng Trầm hương (mỗi miếng nặng 12 catties), 3.690 catties Trầm hương hảo hạng (chien-hsiang), 120 catties (72.5 kg) Trầm loại 2, 480 catties (289.8 kg) Trầm miếng, 239 catties (144.3 kg) đỉnh Trầm, 3.450 (2.083 kg) catties Trầm su-hsiang loại 1, 1.440 catties (869.5 kg) su-hsiang loại 2, 120 (72.5 kg) catties Trầm tsan-hsiang.[19] Một vài tài liệu đã chỉ ra rằng Trầm được thương nhân Trung Quốc thu mua ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á rồi tái xuất khẩu sang Nhật Bản, nhưng rất tiếc chúng tôi không tiếp cận được những số liệu cụ thể. Đầu thế kỷ 17, các châu Ấn thuyền của Nhật trong giao thương với Đông Nam Á thường nhập cả Trầm hương (aloeswood) và loại đặc biệt calambac / kỳ nam (từ Việt Nam).[20] Do nạn hải tặc (waiko pirates), nhà Minh cấm các tàu Nhật Bản buôn bán trực tiếp với Trung Quốc cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17. Đồng thời, khủng hoảng chính trị cuối triều Minh cũng dẫn đến việc hạn chế thương mại quốc tế, làm đứt gãy đường dây buôn bán Trung Quốc – Nhật Bản. Thương nhân Nhật Bản do đó đã tìm cách đi xuống Đông Nam Á để thu mua hàng hóa bản địa cùng với hàng Trung Quốc một cách gián tiếp được vận chuyển bởi các tư thương đến đây. Hội An cùng với Ayutthaya, Manila, Phnom Penh, Batavia và Thăng Long là những thương cảng nổi tiếng có sự xuất hiện của người Nhật, trong đó nổi bật nhất là Hội An. Các thương nhân Anh ở Hirado (Nhật Bản) đã chỉ ra rằng thương mại Nhật Bản – Đàng Trong (Đại Việt) phát triển rất mạnh, với tổng số 84 châu Ấn thuyền (red-seal) từ Nhật đã cập bến Đàng Trong trong giai đoạn 1604-1635.[21] Trong đó, Trầm hương (aloeswood), calambac (loại tốt nhất của aloeswood) cùng với đàn hương và nhiều loại gỗ thơm được nhập khẩu từ Đàng Trong và trở thành nguồn thương mại quan trọng.[22] Theo như các nghiên cứu của học giả Việt Nam thì vùng đất miền trung từ lâu nổi tiếng là cội nguồn của Trầm hương và được biết đến bởi cả người Arab, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. C. Borri, nhà thám hiểm người Italy đã nhận thấy rằng khi calambac có giá 5 tales bạc/ pound đầu thập niên 1620s, nó sẽ tăng giá lên 15 tales ở Hội An và tăng lên gấp 45 lần ở Nhật (200 tales/ pound, tức 266,7 Mexican dollars/ cân Anh).[23] Giá trị quá lớn của Trầm hương khiến chúa Nguyễn phải độc quyền buôn bán sản phẩm này. Năm 1666, nhà thám hiểm Marini đã nhận xét rằng “Calambac là sản phẩm đắt nhất và được đánh giá cao bởi người Nhật, những người cho rằng nếu chúa Nguyễn – người có miếng Trầm nặng tới 30 pounds (13.62 kg)[24] Trầm muốn bán cho người Nhật thì rất nhanh chóng nó sẽ được mua với giá của vàng”.[25] Vào giữa thế kỷ 18, khi Lê Quý Đôn vào khảo sát vùng đất Đàng Trong, ông đã nhận định rằng nơi đây có được nguồn Trầm (Aquilaria) chất lượng tốt nhất, gọi là kỳ nam.

Năm 1636, Nhật Bản nhập khẩu 36 catties calambac trị giá 1.193 tales bạc (1.590,6 Mexican dollars); năm 1637 là 21 catties và 605 tales (806,7 dollars); năm 1638 là 29 tales calambac. Về gỗ Trầm aloeswood, năm 1637 Nhật nhập khẩu 13,3 piculs (803 kg) trị giá 1.700 tales bạc (2.266,7 dollars); năm 1638 là 10,11 piculs (610.5 kg), trị giá 2.834 tales (3.778,7 dollars) do giá Trầm hương tăng cao. Về nhũ hương (frankincense), chỉ số năm 1638 là 309 catties.[26] Năm 1642, thương nhân Hà Lan nhập 40-50 catties (hơn 30kg) calambac từ Đàng Trong để xuất sang Hội An.[27] Như vậy, có thể nói calambac hay kỳ nam là sản phẩm độc đáo, có chất lượng tốt nhất và chỉ có ở Việt Nam đã được Nhật Bản nhập khẩu với giá thành vô cùng đắt đỏ. Mặc dù số lượng kỳ nam rất hạn chế nhưng luôn đem lại nguồn thu lớn cho nhà Nguyễn trong trao đổi thương mại với Nhật Bản.

Một số thông tin khác cũng chỉ ra rằng năm 1606 và 1608, Nhât hoàng đã gửi thư đến Thái Lan với mong muốn xây dựng quan hệ thương mại và có thể mua Trầm hương (aloeswood).[28] Số liệu từ phía Nhật chỉ ra rằng năm 1645, nước này nhập 2,785 catties (1.681,6 kg) aloeswood với tổng giá trị là 2.785 tales bạc (3.713,3 dollars) từ Đông Nam Á; riêng calambac từ Việt Nam là 321 catties (193,8 kg), giá trị lên tới 6.420 tales bạc (8.560 dollars), tức là cao hơn toàn bộ giá trị các loại Trầm hương khác.[29] Năm 1663, thuyền buôn Đài Loan đã mang đến cảng Nagasaki 20 catties calambac (hoặc calimbak) có nguồn gốc Campuchia.[30] Năm 1686, cảng Nagasaki nhập khẩu chuyến hàng đặc biệt từ Trung Quốc, gồm 83.8355 catties aloeswood.

Hiện nay, Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia có nhu cầu lớn về Trầm trên thế giới. Theo Cục thống kê Nhật Bản, trong giai đoạn 1991-1998, Nhật đã nhập khẩu tổng số 277.396 kg Trầm (tất cả hương vị) với tổng giá trị là 51,8 triệu dollars và mức giá trung bình là 187 dollars/ kg Trầm với đủ kiểu và chất lượng. Con số cụ thể như sau: năm 1991 là 36.848 kg Trầm, năm 1992 là 35.141 kg, 1993 là 33.189 kg, 1994 là 28.446 kg, 1995 là 55.873 kg, 1996 là 34.608 kg, 1997 là 30.951 kg và 1998 là 22.340 kg. Thú vị là Nhật Bản không chỉ nhập khẩu trực tiếp Trầm từ các nước Đông Nam Á mà còn mua gián tiếp thông qua Đài Loan, Hong Kong và Singapore. Cụ thể, Việt Nam cung cấp số lượng Trầm nhiều nhất với 128.661 kg, chiếm 46,38%. Xếp sau là Indonesia với 79.485 kg, chiếm 28,6%. Trầm Việt Nam xuất sang Nhật cũng có hai loại: 1 là Aquiralia Banaensae (Dó Bà Nà) – sản phẩm đặc trưng của Việt Nam; 2 là Aquiralia Baillonii (Dó Bầu) – có thể tìm thấy ở cả Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.[31] Trong khoảng 1,3 tấn Trầm nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn 1991-1998, thực chất chỉ có khoảng 100 kg là hàng chất lượng cao nhất, kyara (kỳ nam), tức chỉ chiếm khoảng 1% số lượng Trầm.[32] Điều đó cũng nêu lên một thực tế là hàng chất lượng cao như kỳ nam ngày càng khó kiếm, dẫn đến giá thành ngày càng đắt đỏ và Việt Nam, nơi có kỳ nam nổi tiếng cần có những biện pháp quan trọng để bảo vệ nguồn tài nguyên quý hiếm này, và tiến hành khai thác theo quy hoạch cụ thể cũng như có thể tìm cách phát triển các mô hình sản xuất Trầm nhằm đáp ứng thị trường.

Kết luận

Có thể nói, Trầm là một sản phẩm quan trọng trong đời sống văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng Nhật Bản qua nhiều thế kỷ. Giống như nhiều quốc gia khác, Trầm được sử dụng chủ yếu cho các sự kiện đặc biệt, và được sở hữu bởi những quý tộc, những người giàu có tại Nhật. Do những đặc tính quý giá của mình, Trầm hương luôn được trân quý và có giá trị vô cùng lớn về cả vật chất và tinh thần ở Nhật, đặc biệt là việc ra đời Hương đạo. Tuy vậy, do Nhật không có Trầm tự nhiên nên các sản phẩm liên quan đến Trầm hương đều phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Đông Nam Á. Việt Nam là quốc gia có truyền thống thương mại với Nhật Bản và Trầm luôn là mặt hàng được tìm kiếm, thèm khát không chỉ bởi các thương nhân mà cả chính quyền, tầng lớp bậc cao ở Nhật.

 

[1] Khoa Lich sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

[2] N. Groom, Frankincense and myrth: A study of the Arabian incense trade (London, 1981).

[3] Các quốc gia cụ thể có thể sản xuất Trầm hương là Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thailand, Việt Nam, Campuchia và Lào.

[4] J.A.C. Greppin, “The various aloes in ancient times” The Journal of Indo-European Studies, 16 (1988), pp. 33-48; D.J. McKenna & K. Hughes, The incense bible: Plant scents that transcend world culture, medicine, and spirituality (New York, 2014).

[5] B.Gunn, P. Stenven (eds.), “Eaglewood in Papua New Guinea, Resource Management in Asia-Pacific” Working Paper, No.51 (Canberra, 2004).

[6] Ví dụ, kinh thánh có ghi lại việc sử dụng tinh dầu Trầm trong việc ướp xác cũng như việc xức nước thơm lên quần áo và giường ngủ của những người giàu có.

[7] W. Gungwu, “The Nahai trade: A study of the early history of Chinese trade in the South China Sea”, Journal of the Malayan Branch of the Royal Asiatic Society, 31 (1958), tr. 1-135; J. Keay, The spice route: A history (Los Angeles, 2006).

[8] R. Mohamed (ed.), Agarwood: Science behind the fragrance (Singapore, 2016); J.P. Rhind, Fragrance and wellbeing: Plant aromatics and their influence on the psyche (London, 2014).

[9] W.G. Aston (translated from the original Chinese and Japanese), Nihongi: Chronicles of Japan from the earliest times to A.D. 697 (London, 1896).

[10] Thời kỳ Nara là giai đoạn Nhật Bản chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trung Quốc, cụ thể là nhà Đường, về cả văn hóa, phong tục, tôn giáo, kiến trúc. Việc du nhập Phật giáo ở thế kỷ 6 và việc Nhật Bản thường xuyên gửi các phái đoàn ngoại giao đến nhà Đường có thể được coi là yếu tố tác động mạnh mẽ đến sự xuất hiện và việc sử dụng Trầm, đặc biệt là văn hóa thưởng Trầm của Nhật Bản.

[11] Thời kỳ Heian là giai đoạn Khổng giáo và văn hóa Trung Quốc ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến Nhật Bản và cũng là giai đoạn phát triển đỉnh cao của Nhật cả về văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật. Đây cũng là giai đoạn Phật giáo lan rộng khắp Nhật Bản, dẫn đến việc sử dụng Trầm để đốt trên các ban thờ hay cúng tiến Trầm ngày càng nhiều do bộ phận quý tộc, võ sĩ ngày càng giàu có trong thời đại hòa bình.

[12] Aston, sdd, 1896.

[13] K. Morita, The book of incense: Enjoying the traditional art of Japanese scents (Tokyo, 1992).

[14] Đây là giai đoạn chính quyền ở Nhật Bản bắt đầu rơi vào tay của các võ sĩ cấp cao, cụ thể là sự ra đời của Mạc phủ Kamakura năm 1192 bên cạnh sự tồn tại của Nhật hoàng. Đây cũng là thời kỳ phát triển nở rộ của Phật giáo khi các cuộc chiến tranh liên miên giành quyền lực cùng với tình trạng kinh tế kiệt quệ đã khiến người dân tìm đến yếu tố tôn giáo nhiều hơn.

[15] Hay còn gọi là thời kỳ Mạc phủ Tokugawa (1603-1868) là thời kỳ phát triển rộng mở của Nhật Bản cùng với sự xuất hiện của các thương nhân châu Âu (Hà Lan là chính) và ảnh hưởng của văn hóa hiện đại, dẫn đến sự xuất hiện và phát triển của các thương nhân, thợ thủ công hay còn gọi là tầng lớp trung lưu. Chính sự phát triển kinh tế, sự giàu lên của một bộ phận dân cư ngoài quý tộc đã dẫn đến nhu cầu thưởng Trầm lan rộng ra nhiều thành phần khác nhau. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu Trầm hương từ Đông Nam Á cũng bùng phát mạnh mẽ trong giai đoạn này khi nhu cầu của người dân Nhật Bản rất lớn.

[16] McKenna và Hughes, sdd, 2014.

[17] V.V. Charlotte (translated by L.H. Kristen), Across the Perilous Sea: Japanese trade with China and Korea from the seventh to the sixteenth centuries (Ithaca, New York, 2006), tr. 51.

[18] Picul, catty hay tale là những đơn vị chỉ cân nặng được dùng phổ biến trong thương mại Đông Nam Á thế kỷ 16-18. Theo đó 1 picul (đơn vị Trung Quốc) = 100 catties = 60,382kg. 1 catty = 16 tales = 0,6 kg. Nguồn: Anthony Reid, Southeast Asia in the Age of Commerce 1450-1680. Vol. 2: Expansion and Crisis (New Haven, 1993), tr. 379-380; K. Chaudhuri, The Trading World of Asia and the English East India Company, 1660-1760 (Cambridge, 1978), tr. 471.

[19] M. Shiro, “Dai Viet and the South China Sea trade: from the 10th to the 15th century”, Crossroads: An interdisciplinary Journal of Southeast Asian Studies, 12 (1998), tr. 1-34, tr. 6

[20] R.L. Innes, “The door ajar: Japan’s foreign trade in the seventeenth century” (PhD Dissertation of University of Michigan, 1980), tr. 387

[21] T. Li Tana, Nguyen Cochin-China: Southern Vietnam in the 17th – 18th centuries (Cornel, 1998), tr. 61-62.

[22] Innes, add, tr. 65; Li, sdd, tr. 66

[23] C. Borri, Cochin-China (New York, 1633, republished in 1970), tr. D2. Ngoài việc chỉ cân nặng, tale bạc còn là đơn vị tiền tệ trong buôn bán ở Đông Nam Á thời cận đại. Trong giai đoạn 1660-1760, 1 tale = 6s 8d (tiền Anh), tức 1 bảng Anh (sterling) = 4 Mexican dollars = 3 tales bạc. Nguồn: P. Shepard, ‘The Spanish Dollar: The World’s most famous Silver Coin’, Business Historical Society. Bulletin of the Business Historical Society (pre-1986), 1941, tr. 12-16.

[24] Pound là đơn vị cân nặng của Anh, 1pound tương đương với 0,454 kg.

[25] G.F.D. Marini, Historie novvelle et cvrieuse des royavmes de Tvnqvin et de Lao (Paris, 1666).

[26] Tokyo Daigaku Shiryo Hensanjo, Nihon kankei kaigai shiryo: Oranda shokancho nikki, 3 volumes (1974-1977), vol.2: tr. 135-138; vol.3: tr. 72-76.

[27] W.J.M. Buch, De Oost-Indische Compagnie en Quinam (Amsterdam, 1929), tr. 121.

[28] Hung-Guk Cho, “The Trade between China, Japan, Korea and Southeast Asia in the 14th century through the 17th century period” International Area Review, 3 (2000), tr. 67-107, tr. 86.

[29] Innes, sđd, tr. 668.

[30] N. Iioka, “Literati Entrepreneur: Wei ZhiYan in the Tonkin-Nagasaki silk trade” (PhD Dissertation of National University of Singapore, 2009), tr. 291.

[31] Lê Công Kiệt, “History and Ecology of Agarwood in Vietnam” in Wood of the Gods: The first International Agarwood Conference (Ho Chi Minh city, 2003).

[32] J. Compton & A. Ishihara, “The use and trade of Agarwood in Japan”, Report compiled by Traffic Southeast Asia and Traffic East Asia-Japan, tr.14-17.

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN