Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã qua 45 năm. Từ ngày ấy cho tới nay, chủ quyền về các quần đảo của Việt Nam bị uy hiếp nghiêm trọng liên tục do hoạt động vũ trang lấn chiếm của Trung Quốc. Cũng kể từ đó, vấn đề Biển Đông đã trở thành điểm nóng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và trở thành vấn đề an ninh của ASEAN. Đã có hàng trăm cuộc đàm phán đa phương, song phương với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo và các chứng cứ về chủ quyền biển đảo của các nước đều đã được các quốc gia công bố. Philippines đã sử dụng các chứng cứ về chủ quyền biển đảo của mình để thắng kiện Trung Quốc ở Tòa án Quốc tế La Hay. Việt Nam trong nhiều năm nay cũng đã đưa ra các bằng chứng về biển đảo của mình trong các cuộc thảo luận song phương với Trung Quốc và công bố quốc tế.
Để có thêm các bằng chứng về chủ quyền biển đảo của nước ta, Tạp chí Phương Đông đã nghiên cứu và tập hợp các nguồn tài liệu thu thập từ trong và ngoài nước để có cách nhìn được hệ thống hơn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu phần họa đồ về chủ quyền biển đảo nước ta; các số tiếp theo sẽ giới thiệu các thư tịch ghi về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, sau đó sẽ là phần chiếm hữu thực tế.
Trong số này, mục họa đồ sẽ có 3 loại: Bản đồ Việt Nam thời phong kiến; Bản đồ Việt Nam do phương tây vẽ; và Bản đồ do Trung Quốc vẽ.
I. Bản đồ Việt Nam thời phong kiến là bản đồ do người Việt Nam vẽ hoặc người nước ngoài (giáo sĩ) sống ở Việt Nam vẽ. Bản đồ Hồng Đức có lẽ là bản đồ đầu tiên của Việt Nam.
1. Bản đồ Đại Việt trong tập Hồng Đức Bản đồ
Bản đồ này được vẽ vào thế kỷ XV – 1490 đời Lê Thánh Tông. Thời đó nước ta có 13 thừa tuyên (tỉnh). Bản đồ Hồng Đức vẽ đầy đủ các đơn vị hành chính (thừa tuyên) đồng thời có mô tả quần đảo Hoàng Sa.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thì qua Hồng Đức bản đồ ta thấy dân Việt đã khám phá và khai thác Hoàng Sa trong Biển Đông từ thời Lý, Trần. Hồng Đức Bản đồ còn có tên là Hồng Đức Bản đồ sách hoặc Hồng Đức địa dư chí. Hồng Đức bản đồ sách theo Giáo sư, Tiến sỹ Trương Minh Đức: “Bản đồ Đại Việt quốc” trong tập Hồng Đức Bản đồ được vẽ từ thế kỷ thứ XV (1490) có miêu tả quần đảo Hoàng Sa. Điều này chứng tỏ từ thế kỷ XV nhà nước Đại Việt đã khai thác Hoàng Sa và Triều Lê đã thể hiện Hoàng Sa trong cương giới của mình”.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, khi nghiên cứu kỹ bản đồ Hồng Đức và bản đồ Vương Quốc An Nam của Alexandre de Rhodes, ta sẽ thấy ngay từ thời Lý, Trần dân ta đã khai thác và làm chủ Biển Đông. Các Chúa Nguyễn lập đội Hoàng Sa và Bắc Hải để hành động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ làm theo truyền thống và tái khẳng định chủ quyền của nước ta trên Biển Đông mà thôi.
Có người cho rằng Hồng Đức bản đồ là bộ ATLAS đầu tiên của Việt Nam thể hiện sự quản lý chặt chẽ lãnh thổ, trong đó có cả Hoàng Sa (gồm cả Trường Sa).
Sau này người ta gộp chung vào Hồng Đức bản đồ và các bản đồ khác thành một bộ Hồng Đức bản đồ, không còn riêng lẻ một bản đồ Hồng Đức được vua Lê Thánh Tông ban hành năm Hồng Đức thứ 21 (1490).
Những bản đồ gộp chung với Hồng Đức bản đồ và mang tên chung là Hồng Đức Bản Đồ.
2. Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (1680)
Vào đời Chính Hòa (1680-1705), Ông Đỗ Bá, hiệu Công Đạo, có soạn tấm bản đồ xứ Quảng Nam, vẽ theo kỹ thuật truyền thống, phía Tây ở trên, hướng Bắc ở tay phải. Bản đồ này nằm trong “Toản Tập An Nam Lộ”. Bên dưới có ghi 3 chữ Nôm là ?葛鐄, tức Bãi Cát Vàng. Bãi này ở ngoài khơi phía Đông phủ Tư Nghĩa thuộc xứ Quảng Nam. Đây là bản đồ đầu tiên xác lập chủ quyền Việt Nam trên một quần đảo có tên là Bãi Cát Vàng (?葛鐄).
Năm 1686 Chúa Trịnh chỉ thị cho ông Đỗ Bá vẽ một bản đồ tổng hợp trên cơ sở của tất cả các bản đồ nước ta được vẽ từ thế kỷ XV, có tu chính và cập nhật. Bản đồ mới này gồm luôn cả “Toản Tập An Nam Lộ” mà ông Đỗ Bá đã vẽ từ đời Chính Hòa và đặt tên chung là “Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư”. Trong toàn tập này có bản đồ huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi; ở phía Đông huyện Bình Sơn có vẽ quần đảo Cát Vàng và được mô tả như sau: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là bãi cát vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng đúng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vĩnh. Mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy. Gió Đông Bắc thì thương thuyền đi ở phía ngoài cũng trôi dạt vào đấy đều bị chết đói hết cả, hàng hóa vứt bỏ nơi này. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm đến đấy mất một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ thì chỉ mất một ngày”.
Có người dạt vào đây mà sống sót thì khi về họ miêu tả lại quần đảo Cát Vàng này gần giống như chú dẫn của Đỗ Bá viết trên đây. Ví dụ, năm 1701 đoàn giáo sỹ Thừa sai sang Trung Hoa đã kể lại trong Lettres édifiantes et curieuses: Tàu Amphitrite của họ mắc kẹt ở quần đảo này nhưng họ sống sót và mô tả lại : ‘Paracel là một quần đảo thuộc đế quốc An Nam. Đó là những bãi đá rất đáng sợ, rộng lớn hơn 100 hải lý. Một cơn gió lớn có thể làm đắm tàu bất cứ lúc nào. Quần đảo Paracel nằm dài gần bờ biển nước CoChinChine (An Nam)’. Paracel mà các thừa sai mô tả chính là Bãi Cát Vàng trong “Toản Tập Thiên Nam Tứ Chi Lộ Đồ Thư”. Các nhà truyền giáo đã biết rõ nó thuộc đế quốc An Nam.
3.Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ
Tác giả cuốn bản đồ Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ là Đoan Quận Công Bùi Thế Đạt biên soạn trong thế kỷ XVIII. Cũng như các bản đồ khác như Thiên Hạ bản đồ, An Nam Bình thắng đồ phụ Nam Bắc xứ đồ đều vẽ bản đồ theo kiểu truyền thống (phương Đông ở phía dưới). Trong các bản đồ vẽ từ đời Lê, ở phía dưới đều có vẽ và ghi tên quần đảo Hoàng Sa gọi là Cát Vàng hoặc Cồn Vàng, Cát Vàng xứ hoặc bằng chữ Hán…
Một số bản đồ khác được vẽ từ đầu thế kỷ XIX như “Thiên Tai Nhan Đàm Nam Việt bản đồ”, “An Nam dư địa chí” v.v… cũng đều có vẽ một thực thể ở ngoài khơi phía Đông Quảng Nam có tên là Bãi Cát Vàng hoặc ghi bằng chữ Hán. (Hoàng Sa Chử, Bãi Cát Vàng nhỏ).
4. Bản Quốc Địa đồ
Vào cuối Triều Tự Đức (1848-1883) có hai nhà giáo dục là Phạm Vọng và Tiến sỹ Ngô Thế Vinh soạn và cho khắc in một cuốn sách vào năm 1881 để dạy trẻ em mang tên “Khải Đồng Thuyết Ước”. Trong sách này có tờ bản đồ. Trên bản đồ này có ghi bãi cát gọi là Hoàng Sa Chử ở ngoài khơi biển Quảng Nam. Tờ bản đồ này gọi là “Bản Quốc địa đồ”.
Một bản đồ khác cũng tên là “Bản Quốc địa đồ” trong tập Biên khảo địa lý là Nam Việt địa dư trích lục”. Ở phía Đông của Quảng Nam cũng có vẽ đảo tên là Hoàng Sa Chử”.
Các bản đồ cổ của Việt Nam được vẽ ra từ thế kỷ XV cho đến thế kỷ XIX đều có ghi rõ thực thể địa lý ở trong cương vực quản lý của Việt Nam với tên gọi “Cát Vàng”, “Bãi Cát Vàng” hay “Vạn Lý Hoàng Sa Châu” hoặc “Trường Sa Châu”. Đó là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
5. Đại Nam nhất thống Toàn đồ (1838)
Sau khi Gia Long thống nhất giang sơn về một mối, không còn đàng ngoài đàng trong, quốc sự cũng được thư thái vì không còn phải lo chiến tranh, vua Gia Long bắt đầu khảo sát và củng cố giang sơn mà ông đương có trong tay. Năm 1816, Vua Gia Long ra tận Hoàng Sa để thị sát quần đảo này và làm một vài nghi thức để khẳng định chủ quyền mà Việt Nam vốn có từ lâu trên quần đảo này (Lúc này chưa phân biệt Hoàng Sa với Trường Sa. Vạn Lý Trường Sa Châu bao gồm cả hai quần đảo).
Đời kế Gia Long là vua Minh Mạng. Ông Vua này có chí mở mang thêm lãnh thổ nên rất chú ý đến cương vực đất nước từ trên ngàn đến dưới biển. Các sách sử nhà Nguyễn như Đại Nam Thực lục, Đại Nam Nhất thống chí cho biết Nhà vua quan tâm việc xây dựng đền miếu, khâm thiên giám, Mã Xưởng, Lượng Xưởng v.v…
Ngoài khơi xa Biển Đông, hàng năm Bộ Công phải cho người ra khảo sát đo đạc và ghi lên bản đồ đệ trình để Nhà vua ngự lãm. Việc vẽ bản đồ như vậy do nhà nước phong kiến phái khiển nên Đại Nam Nhất Thống chí toàn đồ là một bản đồ chính thức của nhà nước, biểu hiện việc hành xử chủ quyền ở Biển Đông.
Vào thời điểm này, nhà nước phong kiến Việt nam có thuê nhiều chuyên viên, kỹ sư hàng hải để làm các công việc chuyên môn. Lý Văn Phúc kể lại một chuyến đi công cán tại Manila bằng con thuyền do Thuyền trưởng người Tây Dương điều khiển đã suýt bị dạt vào quần đảo Hoàng Sa. Điều này chứng tỏ rằng vào thời Gia Long, Minh Mạng, nhiều kỹ thuật hàng hải Tây Phương đã được áp dụng, trong đó có kỹ thuật vẽ bản đồ. Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ là bản đồ đầu tiên của Việt Nam được vẽ theo kỹ thuật Tây Phương. Phương Bắc ở phía trên bản đồ. Vì thế Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ đã vẽ hình thể Việt Nam cong hình chữ S giống như các bản đồ do Tây Phương xuất bản từ thế kỷ XVII. Trên bản đồ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ tách biệt và có tên riêng. Hoàng Sa có tên chữ Hán là 黄沙 hay 黄沙渚 (có nghĩa là Cát vàng hay bãi cát vàng ). Trường Sa có tên chữ Hán là 萬里長沙 (Vạn Lý Trường Sa).
Đến đời Thiệu Trị (1841-1847), nhà nước xuất bản bộ Đại Nam Toàn Đồ là bản đồ cập nhật Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ. Bản đồ mới này vẫn vẽ theo kỹ thuật Tây Phương, hướng Bắc ở phía trên. Đặc biệt là bản đồ được vẽ nhiều màu.
Sách Trắng của Việt Nam Cộng Hòa công bố tháng 3/1975 kèm theo tài liệu nhan đề “Hoàng Sa – Lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa” đã dẫn chứng Hoàng Việt Địa dư chí của tác giả Phan Huy Chú ấn hành năm Minh Mạng thứ 16 (1834) từ trang 11-a đến cuối trang 11-b quyển 1 có vẽ bản đồ Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ có ghi rõ hình thể và vị trí hai quần đảo Hoàng Sa và Vạn Lý trong Lãnh Hải Việt Nam.
Tóm lại, qua một số bản đồ cổ của Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, bản đồ nào cũng ghi cụm đảo ở phía Đông bờ biển Việt Nam. Với tên chữ Hán thì có lúc khác nhau, nhưng tên Việt Nam ghi bằng chữ Nôm thì lúc nào cũng là “Cát Vàng”. Khi có chữ quốc ngữ xuất hiện thì các giáo sỹ phương Tây còn ghi tên các quần đảo này bằng quốc ngữ.
II. Bản đồ Việt Nam do người phương Tây vẽ
Bản đồ Vương quốc An Nam do Thừa sai Alexandre de Rhodes, một người rất am hiểu Việt Nam, vẽ nên. Ông truyền giáo cả ở Đàng Ngoài và Đàng Trong. Ông cũng từng bị trục xuất khỏi Việt Nam. Ông đã đi rất nhiều nơi trên thế giới và đã qua đời tại Iran. Chính Alexandre de Rhodes đã sáng tạo bộ chữ quốc ngữ cho Việt Nam. Năm 1650 Alexandre de Rhodes xuất bản tại Roma cuốn sách Renu Annem, trong đó có bản đồ Vương Quốc An Nam. Giáo sư Nguyễn Đình Đầu nhận xét bản đồ Vương quốc An Nam cơ bản dựa vào Hồng Đức Bản đồ nhưng được cập nhật nhiều chi tiết hơn và rất có giá trị để chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại vị trí cùa Hoàng Sa và Trường Sa, Alexandre de Rhodes (ta phiên âm là Đắc Lộ) vẽ quần đảo Hoàng Sa mang tên Pulosisi. Điểm độc đáo là Đắc Lộ đã dùng chữ quốc ngữ để ghi các địa danh trên bản đồ. Đắc Lộ vẽ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa gần vĩ tuyến 16 là rất chính xác. Bản đồ Đắc Lộ là bản đồ đầu tiên do người Phương Tây vẽ về Việt Nam có vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
2. An Nam Đại Quốc Họa Đồ 1838
Vào Triều vua Minh Mạng Nhà Nguyễn, một giáo sỹ người Pháp tên là Jean-Louis Taberd (1794-1840) thuộc Hội Thừa sai Paris đã xuất bản một cuốn tự điển La tinh – An Nam (Dictionary Latino – Anamitium) tại Ấn Độ. Trong cuốn sách của Taberd có in tấm bản đồ có tên là An Nam Đại Quốc Họa Đồ khổ 40 cm x 80 cm.
Thông tin về Hoàng Sa và Trường Sa ở phía trên vĩ tuyến 16 độ và ở bên phải bản đồ (phía Đông theo kỹ thuật bản đồ Tây Phương) và được chú thích là Paracel Sen Cát Vàng (Paracel hay Cát Vàng). Giáo sỹ Taberd được Toàn quyền Anh ở Bengia yểm trợ nên cuốn tự điển đã được hoàn tất. Một linh mục Việt Nam từng cộng tác với Taberd ở Calaitta đã mang tự điển và bản đồ về nước. Tên của bản đồ gồm 3 thứ chữ: Hán, Latin, Việt. Trên bản đồ có hai dòng chữ Latin: Tabula Georgraphica Immyerth Anamitica và AB Autore Dictionari Latino – Anamitici Disposita. Bản đồ địa lý của đế chế An Nam của tác giả cuốn Tự điển Latin – An Nam thực hiện.[1]
An Nam đại quốc họa đồ do giám mục Jean-Louis Taberd xuất bản năm 1838. (Ảnh: https://gallica.bnf.fr)
An Nam Đại Quốc Họa Đồ được vẽ một cách khoa học và chính xác nên năm 1862 được tái bản tại Paris để cung cấp thông tin cho quan chức Pháp tại Đông Dương vì vào năm 1862 (Nhâm Tuất) người Pháp đã chiếm được 3 tỉnh miền Đông Nam bộ bằng Hòa ước Nhâm Tuất. Sau này, Bộ trưởng Bộ thuộc địa và Hàng Hải là Chasseloup – Laubat cho tái bản để giới doanh nghiệp Pháp dùng những điều trên đây để chứng minh bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ của Jean Louis Taberd là rất chính xác. Những gì ông ghi chú về Hoàng Sa (gồm cả Trường Sa) là rất chính xác, nghĩa là ông biết rõ hai quần đảo này thuộc về đế quốc An Nam. Chẳng những nhà cầm quyền Pháp mà các học giả quốc tế về địa lý, lịch sử và luật pháp quốc tế đều đánh giá rất cao bản đồ của giáo sỹ Taberd.
Trong số các học giả quốc tế có một người Mỹ tên là Harold E. Meinhei đã phân tích An Nam Đại Quốc Họa Đồ và đánh giá rất cao về mặt chứng cứ hậu thuẫn cho việc Việt Nam đấu tranh với Trung Quốc về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Học giả Mỹ này nhận xét “Đây là một bản đồ hiếm hoi về Việt Nam vào thế kỷ XIX”.
Bản đồ của Taberd không chỉ là bản đồ mà nó còn là món đồ cổ trị giá tới 13.000 USD tại Hội chợ bản đồ ở Chicago tháng 10/2016.
Đối với Việt Nam, bản đồ của Giám mục Taberd là câu trả lời hùng hồn cho những ngụy biện của Trung Quốc.
3. Bản đồ do người Phương Tây vẽ
Thế kỷ 16, người Tây Phương đua nhau thám hiểm các vùng biển xa để tìm kiếm hương liệu, thị trường và chiếm đất để mở mang thương điếm. Xục xạo nhất là người Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và người Anh. Năm 1563, người Bồ Đào Nha xâm chiếm Macao. Năm 1568, người Tây Ban Nha xâm chiếm Philippines, người Hà Lan chiếm Java mà họ gọi là Batavia. Người Hà Lan hiện diện ở phố Hiến (Đàng Ngoài) và người Bồ Đào Nha thì có mặt ở Hội An (Đàng Trong). Họ mở tiệm buôn, mở lò đúc chế tạo vũ khí cho quân đội Đàng Trong của Chúa Nguyễn. Lẽ tự nhiên là họ cũng tìm hiểu địa lý tại quốc gia họ được phép mở thương điếm và nhất là các tuyến hàng hải qua Biển Đông. Từ thế kỷ thứ XVI người Bồ Đào Nha đã khám phá quần đảo nằm ngoài khơi phía Đông vương quốc Đàng Trong. Họ đặt tên những đảo này là Parcel (đá ngầm) rồi sau thành Pracel. Bờ biển phía Đông của Đàng Trong đối diện với quần đảo này là Costa da Pracel (bờ biển Cát Vàng). Quần đảo Pracel chính là bãi Cát Vàng, Cồn Cát Vàng hoặc Hoàng Sa trong bản đồ cổ Việt Nam.
Bản đồ của Phương Tây, trước hết là của Diogo Ribeiro vẽ trong các năm của nửa đầu thế kỷ XVI (1525, 1527, 1529). Bản đồ này phiên âm chữ Giao Chỉ tên nước ta là Caichin vẽ năm 1592, dựa vào bản đồ của Diogo Ribeiro ghi Pracel là của Việt Nam. Do nhu cầu đi lại rất nhiều hồi thế kỷ XV, XVI, XVII nên người Bồ Đào Nha và người Hà Lan vẽ hàng ngàn bản đồ về vùng Biển Đông Nam Á. Các bản đồ này đều ghi Pracel là của Việt Nam.
Như vậy là từ thế kỷ XVI người Bồ Đào Nha đã nhận thức khá rõ là quần đảo ở giữa Biển Đông mà họ đặt tên là Parcel, Paracels Islands là thuộc chủ quyền của Vương quốc Đàng Trong, vương quốc ở phía Tây nhóm quần đảo. Họ đặt tên bờ biển của vương quốc này là Costa da Pracel hay Coste de Parcel. Họ chỉ thừa nhận hai quần đảo này thuộc chủ quyền của vương quốc Đàng Trong khi họ biết vương quốc này đã và đang thực thi chủ quyền trên các quần đảo này. Tính đến nay, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam hơn 5 thế kỷ. Có lẽ còn lâu hơn 5 thế kỷ nếu dân Việt Nam đã khám phá và khai thác hai quần đảo này từ tời nhà Lý, Trần theo nhận định của nhà nghiên cứu, Giáo sư Nguyễn Đình Đầu.
Số bản đồ của người Tây Phương rất nhiều, hàng ngàn hay nhiều ngàn, nhưng các nhà hàng hải hay địa lý chưa bao giờ quên Paracel thuộc hải phận vương quốc Đàng Trong. Ta hãy xem thêm một vài bản đồ của Phương Tây nữa.
Bản đồ Đông Dương (Carte de La Penisula Indochinoise) do nhà địa lý Hà Lan tên là Frere Van Langren vẽ và ấn hành năm 1595. Công ty Đông Ấn Hà Lan sở hữu bản đồ này. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ này với tên Hà Lan là Paracels.
Còn nhiều bản đồ khác được ấn hành trong khoảng 1630 – 1650 của thế kỷ XVII. Bản đồ Merian (1650) vẽ hai nhóm Hoàng Sa riêng biệt. Hoàng Sa ở phía Đông ngoài khơi Đà Nẵng, Trường Sa ở ngoài khơi Bà Rịa về phía Đông.
Đến cuối thế kỷ XIX có nhiều nhà địa lý thuộc các quốc gia Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Hoa Kỳ tham gia vào việc soạn thảo và ấn hành bản đồ vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam và bản đồ nào cũng có quần đảo Paracels tức Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt thời kỳ này các nhà hàng hải, nhà nghiên cứu địa lý đã phân biệt rõ ràng Hoàng Sa và Trường Sa.
Đặc biệt, bản đồ Partie de la Cochinchine của Philippe Vandermaelen – nhà địa lý học người Bỉ – xuất bản tại Bruxelles (Thủ đô Bỉ) vào năm 1827 là một bản đồ rất đặc biệt, trên đó quần đảo Paracels đã được vẽ gần chính xác với tọa độ kinh vĩ tuyến (16-17 độ vĩ Bắc và 109 -111 độ kinh Đông). Nhà địa lý người Bỉ này cũng ghi khá rõ các điểm quan trọng trên bờ biển vương quốc Đàng Trong. Tên các địa điểm này khác với tên hiện nay, ví dụ: Bink – Khang (Bình Khang – Khánh Hòa ngày nay), Quinhome (Quy Nhơn), Batangan (Mũi Ba Làng An, Quảng Ngãi). Trên bản đồ cũng xuất hiện một chuỗi đảo cận duyên có tên rất chính xác. Ví dụ: Cham Collar tức Cù lao Chàm. Bản đồ Partie de la Cochinchine đã vẽ tương đối đầy đủ từ đất liền đến biển khơi của đế quốc An Nam (Empire d’ An Nam).
Cũng như Jean Louis Taberd, Philippe Vandermaelen đã khẳng định Paracel là thuộc Việt Nam. Bản đồ của hai vị này là chứng cứ rất giá trị để chứng minh Paracel là của Việt Nam.
Về tư liệu bản đồ, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng khách quan là các bản đồ của các nhà hàng hải phương Tây khi họ nghiên cứu vùng biển và các quốc gia ven Biển Đông, nhưng bản đồ và những bộ ATLAS của họ là để phục vụ nhu cầu đi lại buôn bán và tìm kiếm thuộc địa. Họ không can dự vào cuộc tranh chấp nào nên tính khách quan là rất cao. Họ đã cung cấp cho chúng ta ngày nay những bằng chứng rất thuyết phục.
Cuối thế kỷ thứ XVIII, đầu thế kỷ thứ XIX là thời gian chủ nghĩa thực dân đang cực thịnh và khoa học kỹ thuật của phương Tây, kể cả khoa học về hang hải và địa lý, kỹ thuật về bản đồ đều có bước tiến khá cao. Chính trong thời gian này phương Tây đã tạo ra các sản phẩm mà ngày nay chúng ta có thể thu nạp để làm vững chắc thêm lập luận của chúng ta về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, cụ thể là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Có thể kể một số bằng chứng sau:
– Bộ ATLAS thế giới Bruxelles 1827 là tài liệu chứa đựng những chỉ dấu Việt Nam là chủ những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam được giới thiệu bằng 4 tấm bản đồ trong bộ ATLAS này.
– Bản đồ chính xác của công ty Đông Ấn xuất bản tại Anh năm 1805
– Bản đồ Đông Dương xuất bản năm 1808 tại London
– Bản đồ Địa lý, Niên biểu Lịch sử và Gia phả Lavoisme, Philadelphia, Hoa Kỳ (1820).
– Một bản đồ khác về Đông Dương được xuất bản năm 1886 bởi Scottish Geographical Magazine
III. Bản đồ do Trung Quốc vẽ
1. Bản đồ Trung Quốc do Trung Quốc phát hành
Các học giả Việt Nam cũng như quốc tế đã nghiên cứu bản đồ cổ của Trung Quốc đều có nhận xét chung là: Từ đời Tần, Hán cho đến đầu thế kỷ thứ 20, Hoàng Sa và Trường Sa không có trên bản đồ Trung Quốc. Đến đời Nhà Minh cũng vẫn cho rằng đảo Hải Nam là “chân trời” phía Nam của Trung Quốc. Cũng có những bản đồ hoặc thư tịch (du ký) vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường nhưng có ghi rõ là các đảo này thuộc phiên quốc. Trung Quốc hiện nay tuyên bố họ đã phát hiện và làm chủ các quần đảo ở Biển Đông từ đời Tần, Hán, nhưng chính các bản đồ cổ của Trung Quốc đã phủ nhận luận điệu gian trá này của họ.
Đời Nhà Minh, Trung Quốc có nhiều giao lưu với phương Tây, có nhiều chuyên gia phương Tây đã có mặt ở Trung Quốc từ đời Nhà Nguyên. Trong Triều Nhà Nguyên có quan lại người Tây phương (thí dụ: Marco Polo). Tiếp nối truyền thống cộng tác với các chuyên gia phương Tây trong các lĩnh vực khoa học thiên văn, địa lý, lịch sử và hàng hải, v.v, nhiều lĩnh vực đã có những bước tiến đáng kể. Thái giám Trịnh Hòa, một người hồi giáo gốc Vân Nam đã chỉ huy đoàn thuyền đi vòng quanh thế giới mở ra nhiều chân trời hiểu biết mới cho Trung Quốc. Đi theo Trịnh Hòa là một nhân vật Hồi giáo tên là Mahoan (tức Mohamet) chủ trương phát triển thương mại giữa Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. Nhưng sau đó phái nhà Nho chủ trương “dĩ nông vi bản” đánh bại. Lực lượng viễn dương của Trịnh Hòa phải giải thể, xưởng đóng tàu cũng bị dẹp để dành nguồn lực cho việc tu bổ Vạn Lý Trường Thành vì có tin rằng Mông Cổ sắp tái chiếm Trung Nguyên. Đời Gia Tĩnh (1521-1566) được thi hào Nguyễn Du của Việt Nam miêu tả rằng: “Năm Gia Tĩnh triều Minh, bốn bề phẳng lặng hai kinh vững vàng”. Nhưng thực ra đời Gia Tĩnh suốt dọc bờ biển Mãn Châu bị giặc Oa (tức cướp biển Nhật) cướp phá tàn khốc, không phẳng lặng chút nào. Tuy vậy, đời Gia Tĩnh cũng soạn ra cuốn sách “Quảng Đông lịch sử địa đồ tập”. Tập địa đồ này xác định biên giới phía Nam của Trung Quốc kết thúc ở Quỳnh Châu thuộc đảo Hải Nam. Sang đời Nhà Thanh (1644-1911), vua Khang Hy (1661 -1722), một minh quân của nhà Mãn Thanh rất tin tưởng các giáo sỹ dòng Tên trong việc khảo sát, đo đạc và vẽ bản đồ (Người Trung Quốc gọi bản đồ là địa đồ) nên đời Thanh xuất bản ra một loạt địa đồ. Xin kể:
1- Cổ Kim Đồ Thư Tập Thành (古今图书集成)
2- Hoàng Dư Toàn Lãm Phân Tỉnh Đồ (1717) (皇與全覽分省圖)
3- Quảng Đông Toàn Đồ (1850) (廣東全圖)
4- Đại Thanh Đế Quốc Toàn Đồ (1908) (大清帝國全圖)
5- Trung Hoa Dân Quốc Phân Tỉnh Đồ (中華民國全圖)
Hoàng Triều Trực tỉnh Toàn đồ (nhà Thanh xuất bản năm 1904) xác định cương giới cực nam của Trung Quốc là Đảo Hải Nam. Trên bản đồ của Đại Thanh Đế quốc không có Tây Sa, Nam Sa, Đông Sa, Trung Sa.
Trên đây là đơn cử một vài bản đồ từ Nhà Minh, qua Nhà Thanh rồi Trung Hoa Dân Quốc, tất cả đều nhận đảo Hải Nam là biên cương cực Nam của Trung Quốc.
Đến năm 1933 dưới thời Trung hoa Dân Quốc, bản đồ Trung Quốc do Tân Địa học xã Vũ Xương xuất bản. Toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc cũng công nhận cương giới phía nam là đảo Hải Nam.Bản đồ của Ngụy Nguyên: Ngụy Nguyên nếu còn sống đến bây giờ có thể sẽ bị nhà cầm quyền Trung Quốc xử bắn vì cái tội vẽ đầy đủ chi tiết Vạn Lý Trường Sa và Thiên Lý Thạch Đường trên địa đồ “Đông Nam Dương các quốc diên cách đồ” rồi lại xác nhận hai quần đảo này không phải của Trung Quốc làm cho các học giả “dởm” của Trung Quốc ngày nay bị mang tiếng là “nhận vơ”. Bản đồ Đông Nam Dương Các quốc Diên Cách đã được ấn hành năm 1842 nhằm ghi lịch sử thay đổi địa danh và sự thay đổi cương vực từ từ 4.000 đến 5.000 năm đã qua. Ngụy Nguyên vẽ tượng trưng bằng những dấu chấm để biểu hiện Vạn Lý Trường Sa. Phía dưới Vạn Lý Trường Sa là những dấu chấm biểu hiện Thiên Lý Thạch Đường.
Sách Hải Quốc Đồ Chí năm 1842 trong đó có bản đồ An Nam quốc. Lúc này Việt Nam đã có tên là Việt Nam nhưng Ngụy Nguyên vẫn dùng tên An Nam. Tờ bản đồ khác Ngụy Nguyên vẽ Việt Nam rất lớn, cương vực bao gồm cả hữu ngạn sông Mê Kong và gọi tên mới là Việt Nam. Đặc biệt là Ngụy Nguyên đã dùng tên Đông Dương Đại Hải tức là Biển Đông mà không dùng tên Biển Nam Trung Hoa (Mermeridonale de Chine) như các nhà hàng hải Tây phương thường dùng.
– Bản đồ Quảng Đông, tức Quảng Đông Thông Chí của Hách Ngọc Hân do nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân sưu tập và dẫn giải. Đây là loại bản đồ hành chính của chính quyền cấp tỉnh chỉ cương vực phía Nam cũng là Quỳnh Châu.
– Một bản đồ khác là Quảng Đông Dư Địa Tổng Đồ đươc vẽ theo kỹ thuật Phương Tây có tọa độ Vĩ, Kinh thì giới hạn phía ở vĩ tuyến 18 độ 5 Vĩ Bắc, trong khi quần đảo Hoàng Sa có tọa độ 16 độ 30 vĩ Bắc và 112 độ Kinh Đông.
– Quảng Đông Thủy Sư Doanh Quan Binh Trú Phong Đồ. Bản đồ quân sự này phòng định được vẽ đời Đồng Trị thứ 5 (1866). Trên địa đồ ghi chú các chi tiết, các nối giáp vùng biển Giao Chỉ nhưng không hề thấy có “Tây Sa” và “Nam Sa”.
Tóm lại, Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Quốc tế đã lục lọi, sưu tầm nghiên cứu, thậm chí đã lục tung kho cổ thư Trung Quốc (như Phạm Hoàng Quân) cũng không hề thấy có bản đồ cổ Trung Quốc nào ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc.
2. Bản đồ Trung Quốc do Phương Tây phát hành
Những bản đồ Trung Quốc do phương Tây vẽ và ấn hành được xem như bản đồ của “phe thứ Ba” khách quan vì họ không liên hệ đến tranh chấp nào khi họ thực hiện vẽ các bản đồ này.
Các bản đồ “phe thứ 3” này có thể xếp loại như sau:
– Bản đồ thế giới có lãnh thổ Trung Quốc nhưng không có Hoàng Sa và Trường Sa.
– Một số bản đồ phương Tây ghi rõ Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam hoặc có liên hệ địa lý với bờ biển Việt Nam.
– Một số bản đồ chỉ rõ địa điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam.
– Bản đồ của “phe thứ ba” này phần nhiều do các công ty, các nhà địa lý, các giáo sỹ đi truyền đạo.v.v… Xin lấy một vài thí dụ:
Bản đồ của Công ty Đông Ấn , Hà Lan (Compagnie Hollandaise de Indes Orienta do nhà địa lý Pierre Van Langren (người Hà Lan thực hiện) ấn hành năm 1595. Đây là một trong những bản đồ vùng Viễn Đông. Những bản đồ vùng này không thể không nhắc lại bản đồ của Jean Louis Taberd, có vẽ và ghi rõ là Hoàng Sa và Trường Sa là của Đế quốc An Nam. Bản đồ của Taberd đã được học giả quốc tế đánh giá rất cao.
Trước Taberd có nhiều bản đồ của Tây Phương như bản đồ của Jodocus Hondius hay Cloppenburg 1630 đều vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong hải phận miền Trung Việt Nam. Tuy không được chính xác vì kỹ thuật bản đồ thời đó nhưng các bản đồ này đã xác nhận mối liên hệ địa lý giữa bờ biển miền Trung Việt Nam với hai nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
3. Bản đồ thế giới có lãnh thổ Trung Quốc.
Các tổ chức địa lý và nhà hàng hải phương Tây, công ty của các nước phương Tây khi vẽ bản đồ thế giới bao gồm lãnh thổ Trung Quốc, hầu hết các bản đồ này coi biên thùy cực Nam của Trung Quốc dừng lại ở đảo Hải Nam. Đơn cử một vài ví dụ:
– Tanner’s Universal Atlas, Henry S. Tanner, Philadelphia, US (1836)
– Family Atlas, Johnson & Browning, New York, US (1860)
– Stieler’s Hand Atlas, Justus Perthes Gotha, Germany (1870)
– Encyclopedia Britannica, Johns Tom, London, England (1881)
– China Inland Mission, London (1908)
Đến đây câu chuyện bản đồ có thể kết thúc bằng một hành động ngoại giao có liên hệ đến bản đồ:
Trong tiệc chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông này viếng thăm Cộng hòa Liên bang Đức, ngày 28/03/2014, Bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức đã tặng ông Tập Cận Bình một tấm bản đồ cổ có vẽ lãnh thổ Trung Quốc có tên là China Proper do nhà bản đồ học người Pháp tên là Jean Baptiste Bourguignon d’Anville thực hiện và xuất bản ở Đức năm 1735 có tên là Bản đồ China Proper 1735. Bản đồ này vẽ toàn bộ đế quốc Mãn Thanh vào đời Càn Long (1736-1795) dựa trên các dữ liệu của các tu sỹ dòng Tên thu thập trên toàn lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm cả Tân Cương. Như ta đã biết vào đời Khang Hy (1661-1722) nhà vua nhờ các tu sỹ dòng Tên khảo sát toàn đế quốc, đo đạc và vẽ bản đồ theo kỹ thuật tân tiến của Phương Tây. Bản đồ China Proper là kết quả khảo sát và đo đạc một cách nghiêm túc tân tiến theo kỹ thuật thời đó. Người tổng kết các dữ liệu khảo sát của các tu sỹ dòng Tên thành bản đồ là Jean Baptiste Bourguignon d’Anville thực hiện rất được tin cậy vì vừa tân tiến vừa khách quan. Một bản đồ giá trị như vậy mà không hề có Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa).
Đời Càn Long Nhà Thanh, lãnh thổ Trung Quốc rất rộng lớn, lớn chưa từng có trước đó. Càn Long là một người chủ trương bành trướng đế quốc, nhưng ở phía Nam, đế quốc của Càn Long cũng dừng lại ở đảo Hải Nam theo bản đồ China Proper. Có lẽ vì thế mà bà Thủ tướng Đức đã chọn tấm bản đồ này làm quà tặng ông Tập Cận Bình. Khi chọn một món quà ngoại giao thường phía tặng quà muốn món quà chuyển tải một thông điệp nào đó. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông năm 2014 lúc mà ý đồ chiếm trọn Biển Đông của Trung Quốc đã được bộc lộ đầy đủ, thông điệp của bà Angela Merkel Thủ tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức có lẽ là nhắc nhở Tập Cận Bình “Ông phải biết giang sơn của ông chỉ có tới đâu thôi, nên tôn trọng luật pháp, đừng đi quá giới hạn” và “Tuy Trung Quốc là đối tác quan trọng của Đức, nhưng không vì thế mà Đức làm ngơ như không biết những việc làm vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc”. Khi nhận món quà biếu là bản đồ China Proper 1735, Tập Cận Bình tất nhiên hiểu rõ thông điệp của người tặng quà và hiểu rằng quốc tế không ủng hộ ông ta.
Những bản đồ mang thông điệp dưới dạng quà tặng ngoại giao đã từng xảy ra trước khi bà Angela Merkel tặng bản đồ cho Tập Cận Bình, đó là Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tặng Bản đồ Vùng duyên hải Quảng Nam, Đàng Ngoài, Đàng Trong và đảo Hải Nam (Map of the coastline of Quinam, Tonquin, Cochin-China and Aynam) vẽ năm 1695 cho Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng năm 2011. Thông tin quan trọng từ bản đồ này là diễn tả mối quan hệ giữa bờ biển Quảng Nam (trên bản đồ ghi là Coastline of Quinam) với quần đảo Hoàng Sa (Paracel) trong khi không có một liên hệ địa lý nào với đảo Aynam.
Giá trị chứng cứ lịch sử rất cao vì tính khách quan của người thực hiện bản đồ này không có mục đích gì khác hơn là mô tả một cách chân thực và khách quan những gì thuộc về vùng Biển Đông để phục vụ khoa học địa lý và giao thông hàng hải.
Khi trao tặng bản đồ Map of the Coastline of Quinam, Tonquin, Cochin-China and Aynam 1695 (Bản đồ bờ biển Quảng Nam Đàng Ngoài, Đàng Trong và Hải Nam 1695) cho Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Hà Lan muốn chuyển đến Thủ tướng Việt Nam một thông điệp “Sự thực đanh thép tồn tại qua các chứng cứ lịch sự, không ai xuyên tạc được, đừng ai phí công ngụy tạo những chứng cứ và lập luận vô căn cứ” vì “Tôi trao cho ngài một bằng chứng mà chúng tôi bảo quản trong kho lưu trữ quốc gia Hà Lan từ mấy thế kỷ, đã trải qua nhiều so sánh thực tế với những ghi chú của tác giả làm ra Map of the Coastline of Quinam, Tongquin, Cochin-China and Aynam 1695”.
Thủ tướng Hà Lan đã tặng Việt Nam một món quà thật giá trị, thật quan trọng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Kết luận về bản đồ
Chắc hẳn Việt Nam đã có một kho bản đồ như một kho chứng cứ về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong kho lưu trữ này có nhiều đóng góp của tư nhân, những người yêu nước và có công sưu tầm những bản đồ rất có giá trị. Rải rác trong các kho lưu trữ của nhiều quốc gia trên thế giới cũng còn nhiều bản đồ mà giá trị vật chứng của nó sẽ làm rõ phần phải về ai.
Trong thư viện Quốc hội Mỹ đã có tới 1.000 bản đồ có liên quan đến Việt Nam, chưa kể các thư viện ở các tiểu bang, các trường Đại học, các câu lạc bộ. Con số bản đồ có liên hệ đến chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa cũng phải có đến hàng ngàn hay hơn nữa.
Những nước đã có một thời ngang dọc khắp các đại dương như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh thì bản đồ vùng Viễn Đông, trong đó có Việt Nam còn rất nhiều còn lưu trữ ở thư viện, viện bảo tàng, tu viện, trường đại học.v.v… Nói cách khác, những bằng chứng của sự thực còn rất nhiều trên thế giới, không ai bưng bít xuyên tạc được.
Nói như trên đây để chứng minh rằng: Những bản đồ mà chúng tôi đề cập đến trong phạm vi bài viết này chỉ là một con số quá nhỏ nhằm nêu lên một khái niệm về chứng cớ cần có trong lập luận về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo tranh chấp. Chúng tôi không hề nghĩ rằng bản đồ có liên hệ đến chủ quyền của Việt Nam chỉ là những bản đồ có tên trong bài viết này. Đây chỉ là những bản đồ tiêu biểu cho tới thời điểm này mà thôi.
Những hạn chế của bản đồ
– Những bản đồ cổ thường được thực hiện bằng trực quan, không có dụng cụ quan sát tân tiến như không ảnh, cách đo bằng những dụng cụ khoa học tân tiến.
– Do sao chép lại làm cho địa danh và hình thể bị sai lệch khó tránh theo kiểu “tam sao thất bản”.
– Do ý muốn chủ quan làm các bản đồ biểu hiện những tham vọng, không phản ánh đúng hiện thực.
– Chỉ có quốc gia mới có pháp nhân tư cách quốc tế để thiết lập lãnh thổ, biên giới đất, lãnh hải và đường ranh biển.v.v…Các hiệp hội và tư nhân không có quyền về vấn đề này.
Vì các lẽ trên đây và một thời gian dài, bản đồ tư nhân hay hiệp hội không có giá trị pháp lý. Sau này, khi có kỹ thuật đo đạc và các phương tiện quan sát tân tiến nên bản đồ gần như được tin cậy trọn vẹn. Một số án lệ quốc tế đã dựa trên bản đồ tìm hiểu sự thật rồi đi đến phán quyết như Án lệ Preah Vihear giữa Campuchia và Thái Lan, Án lệ của Tòa Trọng tài Thường trực (CPA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc tháng 7/2016. Trong vụ Phán quyết của CPA chống Trung Quốc, Tòa án nghiên cứu khá nhiều văn bản đề cao Philippines. Philippines nộp trên 4.000 trang tài liệu cho Tòa CPA có kèm theo bản đồ. Ngoại trưởng Philippines cũng đóng góp bộ sưu tập bản đồ của riêng ông cho Tòa CPA.
Theo Tạp chí Phương Đông
[1] Theo sách của Nguyễn Văn Kiết – “Chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa- Sức mạnh từ tài liệu lưu trữ” – trang 276