Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 52 diễn ra tại Bangkok từ 30/7 đến 3/8/2019. Vấn đề Biển Đông đã được đưa ra bàn thảo ở Hội nghị.

Tập hợp các thông tin được công bố từ Hội nghị này có thể nhận xét: Vẫn tôn trọng sự bất đồng sâu sắc giữa ASEAN cùng các đối tác của ASEAN với Trung Quốc, nước tuyên nhận gần như toàn bộ Biển Đông là của mình. Tuy nhiên Hội nghị lần này có sự đồng thuận cao của các thành viên ASEAN khi đã ra được thông cáo chung về Biển Đông. Các Bộ trưởng ASEAN đã tái khẳng định lập trường của mình về Biển Đông và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp Quốc tế và Công ước Luật Biển 1982. Các Bộ trưởng cũng đã thảo luận và quan ngại trước những hoạt động tôn tạo, bồi đắp, cấu trúc mới các đảo Trường Sa cùng các hoạt động gây áp lực khác làm cho tình hình biển Đông căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh khu vực. Các nước ASEAN tiếp tục khẳng định lập trường, nguyên tắc xác lập chủ quyền Biển Đông dựa trên luật pháp Quốc tế, và Công ước Luật Biển 1982, nhấn mạnh tới trách nhiệm bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh, tự do hàng hải và hàng không. Tinh thần này đã có 17/18 Bộ trưởng ngoại giao ASEAN nêu trong Hội nghị. Indonesia nhấn mạnh các nước ở Biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển. Cần phải có thái độ kiềm chế, phản đối hành động bắt nạt, ăn hiếp. Đại biểu Malaysia phản đối các yêu sách vô lý, mọi yêu sách đòi chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế, phản đối dùng bạo lực, kêu gọi giãn hiện diện tàu chiến ở khu vực. Malaysia cũng tỏ ra lo ngại tình hình căng thẳng ở Biển Đông hiện nay đã làm giảm niềm tin vào đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ không được thuận lợi.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN- Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ quan ngại về diễn biến phức tạp trên thực địa ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường lòng tin, kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, xâm phạm chủ quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển

Philippines phản đối các hành động bồi đắp các đảo mới, các hành động tranh chấp bằng quân sự, không thể coi sự xâm chiếm là chuyện đã rồi. Philippines cũng khẳng định không một nhà nước nào nhân nhượng về chủ quyền lãnh thổ mà có thể tồn tại được. Kêu gọi các bên tranh chấp phải kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển.

Thái Lan, nước đăng cai Hội nghị, nhấn mạnh Biển Đông phải trở thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển bền vững.

Ở Hội nghị ARF (Diễn đàn Khu vực ASEAN) đã có 24/27 nước đề cập tới vấn đề Biển Đông. Đã có nhiều ý kiến chia sẻ quan ngại về tình hình căng thẳng về Biển Đông hiện nay, nhấn mạnh tới việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982.

Đại biểu các nước Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, New Zealand, Canada, Hàn Quốc có chung tiếng nói về sự lo ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhấn mạnh tới thực chất thỏa thuận của COC, phải minh bạch, phù hợp với luật pháp quốc tế và công ước Luật Biển năm 1982. COC không ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các nước khác nằm ngoài Biển Đông. Riêng Mỹ, lâu nay đã nêu rõ quan điểm không yêu cầu các nước  “chọn bên” (được hiểu là chọn Mỹ hay Trung Quốc) mà đây là lựa chọn giữa chấp nhận cường quyền, chịu bị cưỡng ép với thượng tôn pháp luật, ứng xử có nguyên tắc chuẩn mực. Đại biểu Mỹ cũng khẳng định sẽ luôn ủng hộ các nước kháng cự lại cường quyền, lên án hành động bắt nạt. Khi gặp riêng các nước ASEAN, Mỹ cũng kêu gọi các đại biểu các nước ASEAN cần có tiếng nói dứt khoát “Im lặng là đồng lõa” với cường quyền.

Đại biểu Nhật Bản nói rõ sự lo ngại về hành động của Trung Quốc ở trên Biển Hoa Đông và Biển Đông hiện nay, việc Trung Quốc lắp đặt tên lửa trên các đảo cấu trúc mới ở Trường Sa sẽ đặt tất cả tàu thuyền qua lại nằm trong tầm bắn và đe dọa an ninh hàng hải.

Đại biểu Trung Quốc nêu quan điểm tình hình Biển Đông là ổn định, tự do, an toàn hàng hải vẫn được đảm bảo. Trung Quốc nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và thực hiện có kết quả tiến trình thương lượng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trung Quốc cũng phê phán sự can thiệp từ bên ngoài về vấn đề Biển Đông mưu đồ chia rẽ giữa các nước trong khu vực.

Khi gặp riêng với Bộ trưởng ngoại giao các nước tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Trung Quốc thông báo đã có cơ chế giải quyết song phương với Philippines, Malaysia và Việt Nam. Trung Quốc cũng đề cao vai trò của mình trong tiến trình thúc đẩy, thực hiện DOC và thương lượng COC, và đề ra thời hạn thông qua COC trong 3 năm tới. Trung Quốc cũng nêu rõ muốn có một COC chất lượng hơn DOC thì phải phù hợp với luật pháp quốc tế, nhưng cũng nhấn mạnh tới việc phù hợp với thực tế khách quan và cho rằng ở Biển Đông rất nhiều giếng dầu, nhưng không có giếng dầu nào của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng luôn luôn phải tuân thủ DOC, không có hành động đơn phương, ai vi phạm DOC thì nên dừng lại. Đáng chú ý, Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, và rằng các tranh chấp cần đàm phán song phương, không nên xử lý đa phương. Trung Quốc cũng nêu Mỹ mới là nước quân sự hóa trên thế giới, nên không có tư cách chỉ trích nước khác. Trung Quốc chỉ đặt thiết bị khí tài quân sự trên lãnh thổ của mình, đó là tự vệ chứ không phải quân sự hóa. Sau kết thúc cuộc họp EAS và ARF, ngoại trưởng 3 nước Mỹ, Nhật, Úc đã ra bản tuyên bố chung lo ngại về những diễn biến tiêu cực đang diễn ra ở Biển Đông, phản đối các hành vi áp đặt đơn phương, bồi đắp, tôn tạo, xây dựng các tiền đồn làm thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa đã làm gia tăng đe dọa cản trở các hoạt động triển khai các dự án dầu khí lâu năm trên Biển Đông, ủng hộ quan điểm của ASEAN về xử lý tranh chấp.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Uỷ viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Ảnh: VOV)

Ở Hội nghị này, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu, đã tích cực hỗ trợ nước chủ nhà Thái Lan đưa ra nhiều đề xuất thực chất thúc đẩy hợp tác trong nội khối ASEAN, ASEAN với các đối tác, trong đó có vấn đề Biển Đông. Sự đồng thuận trong khối ASEAN (tuy Campuchia phải đến phút chót mới đồng ý) đã ra được thông báo chung AMM 52 và có được nhận thức chung về tình hình xảy ra trên Biển Đông và xác định thượng tôn luật pháp Quốc tế và Công ước Luật Biển quốc tế 1982, lên án các hành vi đơn phương đe dọa chủ quyền an ninh Biển Đông, ngăn cản các hoạt động thực hiện các dự án dầu khí lâu đời của Việt Nam là một thắng lợi lớn của các nước ASEAN.

Trong cuộc gặp với 13 đối tác trong và ngoài khu vực Biển Đông, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam về chủ quyền Biển Đông và được ủng hộ cao. Khi gặp Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa, phản bác lại ý kiến của ông Vương Nghị yêu cầu Việt Nam phải chấm dứt hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí là điều kiện để Trung Quốc rút tàu Hải Dương 8 khỏi khu vực bãi Tư Chính.

Riêng ngoại trưởng Nga khi gặp đoàn Việt Nam cho biết Trung Quốc đã đề nghị Nga rút khỏi các lô dầu khí Nga đang hợp tác với Việt Nam, nhưng Nga đã khẳng định các hoạt động này đều phù hợp với luật pháp Quốc tế. Điều đó có thể hiểu là Nga ủng hộ Việt Nam về chủ quyền Biển Đông.

Kết quả của Hội nghị AMM-52 tại Thái Lan vừa qua là rất quan trọng. ASEAN trở thành trung tâm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tạo ra sự liên kết ngày càng đa dạng, mạnh mẽ về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng với các quốc gia ở ngoài khu vực, hứa hẹn một tương lai của sự gắn kết bền vững, trong đó có vai trò của các nước lớn như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc-EU, vv…

Hội nghị này ASEAN cũng nhận thức rõ yêu cầu khách quan là sự gắn kết, đoàn kết, thống nhất, thúc đẩy hợp tác trong nội khối ASEAN, phát huy vị thế mới, chủ động hợp tác với các đối tác của ASEAN, tạo ra tiếng nói chung bảo vệ lợi ích của toàn khối, góp phần bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng chống lại tham vọng bá quyền.

Song qua diễn văn của Hội nghị này có nhiều vấn đề mới, sự mâu thuẫn, đối lập nhau về những quan điểm căn bản cũng phát lộ rõ hai khuynh hướng đối lập nhau trong vấn đề Biển Đông:

Một là: Khuynh hướng của phần lớn các nước ASEAN và các đối tác của ASEAN cho rằng tình hình ở Biển Đông đang diễn ra tranh chấp căng thẳng về chủ quyền, kêu gọi giải quyết  tranh chấp phải dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, phản đối và kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hành động lấn chiếm, bồi đắp cấu trúc, bố trí quân sự ở các đảo Trường Sa, đã đe dọa an toàn hàng hải, an ninh và hòa bình ở Biển Đông. Nhiều nước như Mỹ-Nhật đã nêu ý kiến trực diện yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành vi chính trị cường quyền, dùng sức mạnh  o ép các nước nhỏ, đe dọa, ngăn cản hòng khai thác dầu khí đối với các dự án lịch sử.

Xu hướng này muốn thúc đẩy mạnh mẽ sự hợp tác giữa các nước để xử lý các xung đột Biển Đông hiện nay dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982, yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm túc DOC, và tiến tới thỏa thuận COC thực chất, tạo ra sự hợp tác, củng cố lòng tin, đảm bảo ổn định, duy trì hòa bình, an ninh khu vực. Tuy nhiên xu hướng này cũng nhìn thấy sự khó khăn do sự tác động của các nước lớn, hoặc từ sự toan tính riêng của một số nước vì quyền lợi quốc gia đã bị phụ thuộc.

Xu hướng thứ hai luôn luôn đối nghịch lại xu hướng thư nhất, tập trung là quan điểm của Trung Quốc. Những phát biểu của đại biểu Trung Quốc ở Hội nghị này khẳng định tình hình Biển Đông vẫn ổn định, Biển Đông là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, phản đối Mỹ và các nước ngoài biển Đông can dự làm phức tạp tình hình. Các hoạt động vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông đã thực hiện DOC, công khai thừa nhận việc bồi đắp, cấu trúc các đảo Trường Sa, bố trí tên lửa ở những đảo này, ngang nhiên khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, các hoạt động đó là tuân theo luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982. Trung Quốc đưa ra yêu sách vùng nước phụ cận 200 hải lý của các cấu trúc mới ở Biển Đông và xác lập nguyên trạng mới.

Trung Quốc đổ lỗi cho Việt Nam đã gây sự ở Biển Đông, công khai đòi Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực tranh chấp, đe dọa Việt Nam không được quốc tế hóa, làm rùm beng vấn đề, không được sử dụng biện pháp pháp lý, nếu vi phạm sẽ gánh chịu hậu quả. Trung Quốc cũng dùng mọi áp lực để phân hóa, chia rẽ ASEAN ở Hội nghị này.

Điểm mới trong quan điểm của Trung Quốc ở Hội nghị này là thể hiện thái độ cứng rắn công khai xác định chủ quyền Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Trung Quốc, theo đó, nêu rõ yêu sách vùng nước phụ cận 200 hải lý đối với các đảo Trung Quốc xâm chiếm và cấu trúc mới, đe dọa Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí thuộc chủ quyền của mình, công khai chỉ trích, cảnh cáo Mỹ và các nước khác can thiệp vào tình hình Biển Đông.

Những động thái này cho thấy Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh vượt trội để áp đặt chủ quyền trên Biển Đông theo đường lưỡi bò, họ chuẩn bị bước đi kỹ lưỡng có tính toán, lường trước những phản ứng để dập tắt những quan điểm đối lập, sẵn sang đối đầu, thách đố, đe dọa, áp đặt bất chấp dư luận phản đối và không có dấu hiệu Trung Quốc từ bỏ hoặc bước lùi tham vọng làm chủ Biển Đông khi đã coi là lợi ích cốt lõi của họ.

Từ diễn đàn của AMM-52 lần này cho thấy Biển đông vẫn là điểm nóng của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thể hiện cuộc cạnh tranh chiến lược của các nước lớn, là thước đo quan điểm, thái độ và cấp độ đối đầu giữa các cường quốc, trong đó chính nghĩa, và đạo lý, lẽ phải chiếm ưu thế vượt trội, các nước nhỏ được ủng hộ và được cổ vũ mạnh mẽ. Việt Nam là nước đang bị uy hiếp, bị đe dọa trực tiếp về chủ quyền lãnh thổ, cần tận dụng sự đồng thuận của ASEAN và sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước lớn trong và ngoài khu vực để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Cuộc đấu tranh này sẽ còn lâu dài và gặp rất nhiều khó khăn trở ngại nên phải kiên định, vững vàng, có bước đi khôn khéo, phù hợp đẩy lùi từng bước tham vọng của đối phương.

Xuân Sơn

Theo Tạp chí Phương Đông

 

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC