Chủ nghĩa dân tộc bài Nga ở Ukraine là yếu tố dẫn đến cuộc chiến chống Nga của Ukraine. Phần lớn lãnh thổ Ukraine trong nhiều thế kỷ từng nằm dưới sự quản lý của đế chế Nga cũng như Liên Xô sau này. Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine bắt đầu xu hướng “phi Nga hóa”, trong đó các yếu tố Nga bị loại khỏi giáo dục, truyền thông, văn hóa công cộng. Chủ nghĩa dân tộc Ukraine được khơi dậy, với các nhân vật chống Nga trong lịch sử được tôn vinh. Cuộc Cách mạng năm 2013-2014 lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych đánh dấu bước ngoặt lớn, hình thành bởi phong trào gắn liền với khẩu hiệu “Slava Ukraini” (Vinh quang cho Ukraine) và niềm tin mạnh mẽ vào việc cắt đứt hoàn toàn ảnh hưởng từ Nga. Điều này dẫn đến Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm 2014 và hậu thuẫn phe ly khai thân Nga ở Donetsk và Luhansk. Chuỗi các sự kiện này càng làm tăng mạnh xu hướng bài Nga trong xã hội Ukraine và tạo điều kiện cho các tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cứng rắn phát triển mạnh.

Các biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc bài Nga này rất rộng lớn, như loại bỏ tiếng Nga khỏi giáo dục, truyền thông, hành chính công, bất chấp việc hàng triệu người Ukraine nói tiếng Nga như ngôn ngữ mẹ đẻ. Ở Ukraine cũng có phong trào phá bỏ các biểu tượng Liên Xô và Nga, đổi tên đường phố, phá tượng Lenin, tôn vinh các nhân vật lịch sử chống Nga như Bandera. Các nhóm dân tộc cực đoan như Azov được quốc tế chú ý vì có tư tưởng dân tộc cực hữu và bài Nga mạnh mẽ.

Chủ nghĩa dân tộc bài Nga và dựa vào NATO – EU để chống Nga được Nga coi là nguyên nhân gốc rễ khiến Nga phải tấn công Ukraine vào năm 2022. Nga coi Ukraine là “quốc gia được uỷ nhiệm”, và khẳng định chính sách “phi Nga hóa” là đe dọa người gốc Nga, đặc biệt ở miền Đông và miền Nam Ukraine. Putin tuyên bố phải thực hiện chiến dịch quân sự từ năm 2022 để bảo vệ người Nga và “giải trừ phát xít”.

Ukraine không thể chống Nga một mình và đã tận dụng sức mạnh của Mỹ và NATO để chống lại Nga trên nhiều phương diện từ quân sự, tình báo, kinh tế và truyền thông. Ukraine đã nhận được lượng viện trợ quân sự khổng lồ từ Mỹ và các nước NATO. Mỹ đã viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự bao gồm tên lửa phòng không (Patriot, NASAMS), pháo (HIMARS, M777), xe tăng (Abrams), UAV và đạn pháo tầm xa (ATACMS). Châu Âu và NATO cũng cung cấp xe tăng (Leopard 2, Challenger 2), hệ thống phòng không (IRIS-T, SAMP/T), huấn luyện binh sĩ Ukraine trên lãnh thổ NATO. Quan trọng không kém, Mỹ và NATO cung cấp tình báo vệ tinh, phân tích chiến trường thời gian thực, hỗ trợ Ukraine trong việc xác định mục tiêu quân sự của Nga. Ukraine dùng vệ tinh thương mại của Mỹ (như Starlink của Elon Musk, Palantir) để duy trì liên lạc, điều phối chiến dịch và triển khai UAV. Hơn 60.000 lính Ukraine đã được huấn luyện tại các nước NATO. NATO không trực tiếp tham chiến, nhưng hỗ trợ chiến thuật, hậu cần, và tổ chức huấn luyện chỉ huy. Mỹ và EU cũng viện trợ hàng chục tỷ USD để giữ vững ngân sách nhà nước Ukraine, trả lương công chức, giáo viên, y bác sĩ, bảo đảm ổn định tài chính dài hạn. Ukraine cũng được hỗ trợ xây dựng hình ảnh “nạn nhân của xâm lược Nga”, tận dụng truyền thông phương Tây để kêu gọi sự ủng hộ toàn cầu. NATO và Mỹ trừng phạt kinh tế, đặc biệt nhắm vào ngành dầu khí, ngân hàng và quốc phòng Nga, khiến Nga gặp khó trong việc duy trì chiến tranh. Tóm lại, Ukraine đã “mượn sức mạnh” Mỹ và NATO theo cách ủy nhiệm chiến tranh: không có lính NATO trên chiến trường, nhưng có đầy đủ hỗ trợ hậu cần, vũ khí, tài chính và chiến lược. Chính nhờ đó, Ukraine vẫn trụ được trước một đối thủ mạnh hơn nhiều lần và cuộc chiến tranh vẫn rất ác liệt.

Dù được Mỹ và NATO đứng sau, trong ba năm chiến tranh (2022–2025), Nga vẫn duy trì được một thế trận áp đảo, chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ quan trọng. Nga chiếm được một phần lớn Donbas (Donetsk & Luhansk). Ở miền Nam, Nga kiểm soát một phần Kherson, Zaporizhzhia, gây sức ép lên Odessa và Mykolaiv. Nga hiện kiểm soát khoảng 17–18% lãnh thổ Ukraine, bao gồm phần lớn Donbas và hành lang nối tới Crimea. Thực tế, Nga đã dựng hệ thống phòng thủ dày đặc để bảo vệ phần lãnh thổ này, gồm mìn, hào chống tăng, công sự cố định khiến Ukraine tấn công rất khó khăn.

Nga vẫn giữ thế chủ động về không kích và tầm xa, sử dụng tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, và drone kamikaze để phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng và quốc phòng Ukraine. Nga duy trì năng lực pháo binh mạnh gấp 3 – 4 lần Ukraine trong nhiều thời điểm. Công nghiệp quốc phòng Nga phục hồi sản xuất lớn, tăng mạnh số lượng đạn pháo, drone và xe bọc thép trong thời gian ngắn kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ phương Tây vốn có dấu hiệu chậm lại từ cuối 2023. Với các lợi thế này, hiện cuộc chiến bước vào giai đoạn chiến tranh tiêu hao dài hạn, nơi Nga dùng chiều sâu hậu cần và năng lực sản xuất để giữ thế thượng phong về chiến thuật, trong khi Ukraine gặp khó khăn vì thiếu viện trợ và nhân lực.

Từ khi nhậm chức vào tháng 1/2025, Tổng thống Donald Trump đã hiểu rõ không thể thắng Nga về mặt quân sự và thay đổi chiến lược 180 độ. Ông Trump tích cực thúc đẩy các nỗ lực trung gian nhằm đạt được lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tháng 3/2025, Tổng thống Trump đề xuất một lệnh ngừng bắn 30 ngày, tập trung vào việc ngừng tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng. Tháng 4/2025, chính quyền Trump tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể.

Các nỗ lực hòa bình của Tổng thống Donald Trump trong cuộc chiến Nga – Ukraine đến nay vẫn chưa thành công. Ukraine tuyên bố không chấp nhận “hòa bình giả tạo”, lo ngại ngừng bắn sẽ tạo điều kiện để Nga củng cố lực lượng, chuẩn bị cho làn sóng tấn công mới. Ukraine cũng yêu cầu cam kết an ninh dài hạn từ phương Tây, nhưng Trump không đưa ra được những bảo đảm vững chắc. Điện Kremlin cũng khẳng định chỉ xem xét lệnh ngừng bắn nếu nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột phải được tính tới, nghĩa là Ukraine phải trung lập vĩnh viễn, phi vũ trang hoàn toàn và không được gia nhập NATO. Những yêu cầu này là không thể chấp nhận được với Kiev, nên mọi đề xuất của Trump bị phía Nga xem là không thực tế hoặc chỉ mang tính hình thức. Kế hoạch hoà bình của Trump cũng không được lòng châu Âu và NATO. Các nước NATO bất bình vì không được tham vấn, tham gia đầy đủ trong sáng kiến hòa bình của Trump, nên đều ít nhiều có động thái chống lại, tiếp tục viện trợ cho Kiev dù Mỹ đã dừng việc này lại.

EU và NATO vẫn tiếp tục hỗ trợ Ukraine để chống Nga tới cùng. Hình ảnh lực lượng quân sự NATO sau cuộc tập trận Steadfast Dart 2025 tại Rumani, tháng 2/2025. Ảnh: AP

Đặc biệt, lập trường về lãnh thổ của các bên trong đàm phán hòa bình về cuộc chiến Nga – Ukraine hiện nay rất khác xa nhau, đến mức gần như không thể dung hòa nếu không có thay đổi lớn về cục diện chiến trường hoặc ý chí chính trị.

Ukraine khẳng định hoà bình chỉ đạt được khi khi giữ được toàn vẹn lãnh thổ bao gồm việc rút toàn bộ quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraine. Ukraine không công nhận bất kỳ sự thay đổi biên giới nào và yêu cầu được bảo đảm an ninh bởi phương Tây (gia nhập NATO hoặc hiệp ước song phương). Thậm chí, Ukraine yêu cầu Crimea là một phần của Ukraine, phải được trả lại đồng thời truy tố tội phạm chiến tranh Nga ra toà án quốc tế. Về phía Nga, nước này tuyên bố chỉ ngừng bắn khi Ukraine và phương Tây công nhận lãnh thổ đã bị chiếm thuộc Nga, Crimea là của Nga vĩnh viễn và Ukraine không gia nhập NATO.

Các yếu tố đối nghịch này trong lập trường giữa hai bên đặc biệt về vấn đề lãnh thổ là không thể dung hoà nên mọi cuộc đàm phán đều chỉ mang tính chất xoa dịu mà không có bất kỳ tiến triển nào trên thực tế.

Về mặt quân sự, dù Mỹ dừng viện trợ, Ukraine đã tự chủ một phần, đặc biệt đã sản xuất hàng triệu UAV sử dụng hiệu quả trên chiến trường, nhất là trong các chiến dịch tấn công xe bọc thép và vị trí pháo binh Nga. Ukraine cũng công bố đã tự phát triển dòng tên lửa “Hrim-2” và tên lửa tầm xa nội địa (Neptune), từng được dùng để tấn công tàu Nga. Nước này cũng bắt đầu tái sản xuất quy mô lớn đạo pháo và các loại đạn dược loại nhỏ nhờ đầu tư quốc phòng và hợp tác kỹ thuật với một số nước châu Âu. Ukraine cũng ký nhiều thỏa thuận liên doanh quốc phòng với các nước châu Âu (Đức, Pháp, Thụy Điển) và Hàn Quốc, đặc biệt để lắp ráp xe bọc thép và drone.

Trong khi đó, châu Âu cũng nỗ lực thay thế Mỹ viện trợ bù đắp phần thiếu hụt cho Ukraine. Châu Âu đã thành lập quỹ hỗ trợ quân sự Ukraine trị giá 50 tỷ EUR (2024–2027) gồm cả hỗ trợ vũ khí và tái thiết. Đức và Ba Lan thành lập “liên minh pháo binh châu Âu” để cung cấp hàng trăm nghìn quả đạn pháo 155mm mỗi năm. Pháp cam kết tăng tốc sản xuất tên lửa tấn công tầm xa (SCALP-EG) và nhiều loại vũ khí khác cho Ukraine. Ba Lan – Rumani trở thành tuyến hậu cần chính, thay Mỹ điều phối chuyển giao vũ khí. Anh tuyên bố sẽ đưa 5.000 quân tới Ukraine để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga.

Dù khó thay thế hoàn toàn vai trò Mỹ trong việc cung cấp vũ khí công nghệ cao và bảo đảm an ninh chiến lược nhưng sự tự chủ của Ukraine và viện trợ châu Âu cũng không khiến Ukraine bị suy yếu tới mức sụp đổ về quân sự. Vì thế, nước này vẫn đẩy mạnh cuộc chiến thay vì chấp nhận các điều kiện hoà bình.

Thực tế, bất chấp mọi nỗ lực của Trump, tháng 4/2025, Ukraine đã tăng cường các hoạt động tấn công vào lãnh thổ Nga nhằm gây áp lực lên các tuyến hậu cần và cơ sở hạ tầng quân sự của Moscow.  Các nhóm đặc nhiệm Ukraine đã tiến hành các hoạt động phá hoại tại các khu vực biên giới của Nga, nhằm làm gián đoạn hoạt động hậu cần và gây rối loạn trong khu vực. Những hoạt động này thường diễn ra ở các tỉnh biên giới như Kursk và Belgorod. ​Những hoạt động này cho thấy Ukraine đang áp dụng chiến lược tấn công đa hướng để gây áp lực lên Nga, đồng thời củng cố vị thế của mình trong cuộc xung đột kéo dài.​

Về phía Nga, trong tháng 4/2025, nước này đã gia tăng đáng kể các hoạt động tấn công trên khắp chiến tuyến Ukraine, mở rộng cả về quy mô và cường độ. Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, số lượng các cuộc giao tranh hàng ngày đã tăng gần gấp đôi, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm như Donetsk, Kharkov và Sumy. Trong đêm 9 rạng sáng 10/4, Nga đã phóng hơn 100 máy bay không người lái (drone) tấn công nhiều vùng của Ukraine, bao gồm thủ đô Kiev, Mykolaiv và vùng Donetsk. Nga đã đẩy lùi quân đội Ukraine và tái kiểm soát phần lớn lãnh thổ ở tỉnh Kursk, nơi mà lực lượng của Kiev đã tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng hồi tháng 8/2024. Ngoài ra, Nga cũng đã tiến vào vùng Sumy của Ukraine, gia tăng áp lực tại Donetsk và Zaporizhzhia. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng Tư lệnh Oleksandr Syrskyi đã xác nhận rằng chiến dịch tấn công mùa xuân mới của Nga đã bắt đầu, với cường độ các hoạt động tấn công tăng gần gấp đôi trên hầu hết các khu vực trọng yếu dọc tuyến đầu. ​

Trong tháng 4/2025, cả Nga và Ukraine đều cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận ngừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng do Mỹ làm trung gian, dẫn đến việc gia tăng các cuộc tấn công qua lại giữa hai bên.​ Nga cáo buộc Ukraine đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng của Nga, bao gồm các khu vực như Kursk, Rostov, Voronezh, Bryansk và Crimea. Các cuộc tấn công này được cho là đã gây hư hại cho các trạm biến áp, đường ống dẫn khí và nhà máy công nghiệp. Ukraine cũng cáo buộc Nga đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các cơ sở năng lượng của Ukraine, bao gồm các thành phố như Kiev, Mykolaiv và Donetsk. Các cuộc tấn công này đã gây thiệt hại cho hạ tầng năng lượng và khiến nhiều người thương vong.

Nhìn vào sự khác biệt giữa các bên liên quan, có thể khẳng định cuộc chiến tại Ukraine sẽ còn kéo dài. Hình minh họa

Toàn bộ những phân tích về tình hình thực tế như trên đều cho thấy sự leo thang căng thẳng và việc đạt được một lệnh ngừng bắn bền vững theo đề xuất của Trump vẫn còn là mơ ước xa vời. Ukraine vẫn muốn tiếp tục mượn sức của EU – NATO để thực hiện cuộc chiến chống Nga thay vì muốn hoà bình. EU và NATO không ủng hộ quan điểm của Trump, tiếp tục hỗ trợ Ukraine để chống Nga tới cùng khi không có Mỹ. Trong khi đó, lập trường của Nga là cảnh báo phía Ukraine – NATO lợi dụng ngừng bắn tạm thời để củng cố lực lượng để tiếp tục kéo dài cuộc chiến; Ukraine phải vĩnh viễn không vào NATO, phải chấp nhận vùng đất Nga đã chiếm giữ thuộc về Nga. Mới đây, Tổng thống Putin tuyên bố không đàm phán với Zelensky vì không hợp pháp mà yêu cầu một chính phủ dân cử khác. Nga thực tế muốn phá huỷ tận gốc chế độ hiện nay ở Ukraine nên không dễ chấp nhận một giải pháp nửa vời như Trump đề xuất.

Nhìn vào sự khác biệt giữa các bên liên quan như vậy, có thể khẳng định cuộc chiến còn kéo dài, tùy thuộc vào chiến trường và ý chí chính trị của hai bên. Cuộc chiến ở Ukraine đã chuyển trạng thái thành cuộc đối đầu giữa EU-NATO và Nga. Thế giới trong năm 2025 vì thế sẽ vẫn bị bao trùm bởi bóng ma chiến tranh ở châu Âu. Ước mơ làm sứ giả hòa bình của ông Trump rất nửa vời, như những gì ông đang làm với Ukraine.■

BÌNH LUẬN

BÀI BÌNH LUẬN KHÁC