Cái chết của Tổng thống Mỹ Kennedy vẫn còn là một ẩn số

Lời toà soạn: Ngày 22 tháng 11 năm 2019 là 56 năm tròn sau ngày Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị mưu sát tại Dallas. Cái chết đầy bí ẩn của Kennedy vẫn còn chưa hoàn toàn sáng tỏ. Một số quan điểm cho rằng chính quyết định sẽ rút khỏi cuộc chiến Việt Nam đã khiến Kennedy bị các lực lượng hưởng lợi từ chiến tranh ở Hoa Kỳ ám sát. Đây còn là một giả thuyết, nhưng những tài liệu được giải mật gần đây từ phía Hoa Kỳ cho thấy nếu còn sống, Kennedy đã không leo thang chiến tranh như Johnson. Thậm chí vào ngày 2 tháng 10 năm 1963 Kennedy đã quyết định cho rút 1000 cố vấn Mỹ vào năm 1963 và tuyên bố sau khi tái thắng cử vào năm 1964 sẽ rút toàn bộ vào năm 1965. thậm chí, trước khi đi Texas nơi bị ám sát, Kennedy yêu cầu Mike Forestal tìm mọi giải pháp để Mỹ thoát khỏi Việt Nam. Tạp chí Phương Đông xin trân trọng giới thiệu lược dịch bài viết của học giả James K. Galbraith, Đại học Texas, Austin, Hoa Kỳ trong đó ông tổng hợp các tài liệu giải mật và các đoạn ghi âm chứng minh rằng Kennedy thực sự đã quyết tâm rút khỏi Việt Nam trước khi bị ám sát vào tháng 11 năm 1963. 

***

Kể từ ngày 22 tháng 11 năm 1963, hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng vẫn còn để lại những bí ẩn thương đau. Chính sách của John F. Kennedy đối với Việt Nam như thế nào lúc ông chết? Đó là một trong những vấn đề trọng đại mà các tài liệu lịch sử còn né tránh và gây tranh luận.

Trong cuốn Hồi ký của McNamara, bảng tóm tắt của Chương 3, tựa đề là: “Sự sụp đổ do định mệnh trong năm 1963: từ 24 tháng 8 đến 22 tháng 11 năm 1963” viết: 

Một giai đoạn quan trọng trong sự tham gia của Hoa Kỳ tại Việt Nam đã được nhấn mạnh bởi ba biến cố nổi bật: lật đổ và ám sát Ngô Đình Diệm, Tổng thống Nam Việt Nam; quyết định của Tổng thống Kennedy vào ngày 2 tháng 10 để bắt đầu rút quân Mỹ; và vụ ông bị ám sát năm mươi ngày sau đó.

Như vậy quyết định của Kennedy vào ngày 2 tháng 10 năm 1963 là sẽ bắt đầu rút quân khỏi miền Nam Việt Nam? John F. Kennedy có ra lệnh rút khỏi Việt Nam không?

Chắc chắn là nhiều sử gia Mỹ chuyên về Việt Nam đã nói “không”. Họ đã khẳng định sự liên tục giữa chính sách của Kennedy và Lyndon Johnson. Họ cho rằng Kennedy nếu còn sống cũng sẽ làm những gì mà Johnson đã làm, ở lại Việt Nam và từng bước leo thang chiến tranh vào năm 1964 và 1965. Trong một cuốn sách với ba tập, học giả Gibbons đã tuyên bố theo cách này: “Vào ngày 26 tháng 11 năm 1963, Johnson phê duyệt Giác thư về Hành động An ninh Quốc gia, Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết đối với Việt Nam, tiếp tục các chương trình và chính sách của chính quyền Kennedy.”

Cũng theo cách tương tự như vậy, trong cuốn sách Vietnam: Một Lịch sử (1983), Stanley Karnow viết rằng sự cam kết của Johnson “về cơ bản báo hiệu sự tiếp tục chính sách của Kennedy.”

Cuốn sách về Tiểu sử McGeorge và William Bundy Jerry của Kai Bird năm 1998 đã tóm lược các cuộc thảo luận về việc rút quân đã xảy ra vào cuối năm 1963, nhưng chấp nhận là Kennedy không có ý định bỏ cuộc. Trong cuốn sách quan trọng năm 1999, Fredrik Logevall cũng nghĩ như vậy, ông khẳng định rằng những lựa chọn mà Kennedy phải đối mặt là leo thang hoặc đàm phán và không bao giờ gồm có việc triệt thoái mà không có thương thảo.

Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát trên ô tô tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ

Tuy vậy, một nghiên cứu cẩn trọng hơn được ấn hành vào năm 1992 là tác phẩm John F Kennedy và Việt Nam do John M. Newman xuất bản. Newman là thiếu tá trong quân đội Hoa Kỳ, một sĩ quan tình báo trú đóng cuối cùng tại Fort Meade, Bộ Tổng Hành Dinh của Cơ quan An ninh Quốc gia. Là một nhà sử học, chuyên đề nghiên cứu của ông là giải mã các tài liệu được giải mật, một tài năng mà sau này ông đã áp dụng cho các kho văn khố lưu trữ lâu đời của CIA về vụ Lee Harvey Oswald ám sát Kennedy.

Lập luận của Newman thuyết phục hơn: ông cho là Kennedy đã quyết định bắt đầu rút khỏi Việt Nam theo từng giai đoạn và ông đã ra lệnh cho việc rút lui bắt đầu. Theo Newman, thời biểu như sau:

(1) Vào ngày 2 tháng 10 năm 1963, Kennedy nhận được phúc trình của McNamara và Maxwell Taylor, Tổng Tham Mưu Trưởng Liên Quân trong nhiệm vụ đến Sài Gòn. Các khuyến cáo chính được đăng trong Phần I (B) của Báo cáo McNamara-Taylor là việc rút quân theo từng giai đoạn sẽ được hoàn thành vào cuối năm 1965 và “Bộ Quốc Phòng phải thông báo trong tương lai gần nhất các kế hoạch được chuẩn bị hiện nay là rút 1.000 trong số 17.000 nhân viên quân sự Mỹ đồn trú tại Việt Nam vào cuối năm 1963.” Theo chỉ thị của Kennedy, Tùy viên Báo chí Pierre Salinger thông báo công khai vào buổi tối thời biểu rút quân do McNamara đề nghị.

(2) Vào ngày 5 tháng 10, Kennedy đã đưa ra quyết định chính thức. Newman trích dẫn biên bản cuộc họp ngày hôm đó: “Tổng thống cũng nói rằng quyết định của chúng ta về việc triệt thoái 1.000 cố vấn Hoa Kỳ vào tháng 12 năm nay không được đề ra chính thức với ông Diệm. Thay vào đó, hành động này phải được thực hiện xem như là thông l của một phần trong quan điểm chung của chúng ta về việc rút quân khi mà họ không còn cần nữa.

Trích đoạn này minh chứng hai điểm:(a) thực ra, quyết định được đưa ra  vào ngày hôm đó, và (b) bất chấp việc tuyên bố trước đó về khuyến cáo của McNamara, quyết định vào ngày 5 tháng 10 không phải là một chiến thuật mưu mẹo hay áp lực để tạo cho ông Diệm cải cách (như Richard Reeves, một trong số những tác giả khác, đã tranh luận, 3) nhưng quyết định bắt đầu rút quân không quan tâm đến ông Diệm hoặc các phản ứng của ông ta.

(3) Vào ngày 11 tháng 10, Toà Bạch Ốc đã công bố Giác thư NSAM 263, trong đó nêu rõ: Tổng thống đã phê chuẩn các khuyến cáo quân sự trong phần I B (1-3) của Báo cáo, nhưng chỉ đạo rằng không đưa ra  thông báo chính thức kế hoạch rút 1.000 nhân viên quân sự Mỹ vào cuối năm 1963.

Nói cách khác, lệnh rút quân do McNamara đề nghị vào ngày 2 tháng 10 đã được Kennedy bí mật chấp nhận vào ngày 5 tháng 10 và được thực hiện theo lệnh của Kennedy vào ngày 11 tháng 10 trong bí mật. Newman lập luận rằng tính cách bí mật sau ngày 2 tháng 10 có thể được giải thích bởi một lý do ngoại giao. Kennedy không muốn ông Diệm hay bất cứ ai khác giải thích sự rút quân như là một phần của bất kỳ chiến thuật áp lực nào (các biện pháp khác được xem là các chiến thuật áp lực cũng đã được phê chuẩn).

(4) Vào ngày 1 tháng 11 đã có cuộc đảo chính ở Sài Gòn và vụ sát hại ông Diệm và ông Nhu. Tại một cuộc họp báo ngày 12 tháng 11, Kennedy đã công khai tái xác định các mục tiêu của Mỹ về Việt Nam: “để tăng cường công cuộc chiến đấu” và “để đưa người Mỹ ra khỏi nơi đó.”

Sau khi tác phẩm của Newman ra đời, không có ai tranh luận nghiêm túc rằng Kennedy đã dự tính rút khỏi Việt Nam. Việc phát hành tác phẩm Hồi ký của McNamara đã làm rõ thêm. McNamara đưa ra các lời lẽ chính xác của các khuyến cáo quân sự từ Mục I (B) của báo cáo: 

Chúng tôi đề nghị rằng: [1] Tướng Harkins duyệt xét với ông Diệm về những thay đổi quân sự cần thiếtđể hoàn thành chiến dịch quân sự ở miền Bắc và miền Trung vào cuối năm 1964, và ở vùng châu thổ vào cuối năm 1965. [2] thiết lập một chương trình huấn luyện cho người Việt trong các chức vụ chủ yếu mà hiện nay do quân đội Mỹ đảm trách. Việc này có thể được thực hiện bởi người Việt vào cuối năm 1965. Rút đi số lượng lớn nhân viên Mỹ vào thời điểm đó là khả thi. [3] Phù hợp với chương trình đào tạo dần dần cho người Việt để đảm nhiệm các chức vụ quân sự, Bộ Quốc phòng sẽ công bố trong tương lai gần nhất các kế hoạch được chuẩn bị hiện nay là rút 1000 nhân viên quân sự Mỹ vào cuối năm 1963.”

Trước một cử toạ đông đảo tại Thư viện LBJ vào ngày 1 tháng 5 năm 1995, McNamara đã tái xác nhận rằng hành động của Tổng thống Kennedy có ba yếu tố: (1) rút lui toàn bộ “vào ngày 31 tháng 12 năm 1965,” (2) rút 1.000 quân đầu tiên vào cuối năm 1963. McNamara cũng bổ sung thông tin quan trọng rằng có một cuốn băng ghi âm của cuộc họp này trong Thư viện John F. Kennedy ở Boston ghi nhận điều này.

Truy cập các băng ghi âm chính, bao gồm cả các cuộc họp rút quân vào ngày 2 và 5 tháng 10 năm 1963 cho thấy rõ là câu chuyện của McNamara là chính xác. Người ta có thể nghe McNamara – giọng nói không thể nhầm lẫn được – ông lập luận về thời biểu xác định để rút tất cả các lực lượng Mỹ ra khỏi Việt Nam, cho dù chiến tranh có thể thắng trong  năm 1964 hay không, dù ông có nghi ngờ. McNamara nhấn mạnh: “Chúng ta cần một cách để thoát khỏi Việt Nam, và đây là một cách để làm điều đó.”

Cuộc thảo luận trong tác phẩm Hồi ký của McNamara về quyết định rút quân của Kennedy kết thúc vào thời điểm này. McNamara không đề cập đến Giác thư NSAM 263. Tuy nhiên, trên băng thu âm của cuộc họp ngày 5 tháng 10 năm 1963, người ta có thể nghe rõ một giọng nói-có thể là Robert McNamara hay McGeorge Bundy – yêu cầu Tổng thống John F. Kennedy chấp thuận chính thức về “Đề mục một, hai, và ba” trên một tờ giấy trước mặt họ. Chuyện rõ ràng là một trong những đề mục này là khuyến nghị rút 1.000 người vào cuối năm 1963, biện minh cho việc này thì họ cho không còn cần thiết nữa. Do đó, cuộc trao đổi ngắn này rõ ràng là yêu cầu về một quyết định chính thức của tổng thống liên quan đến các khuyến nghị của McNamara-Taylor. Sau cuộc thảo luận ngắn về hậu qủa chính trị có thể xảy ra ở Việt Nam khi công bố quyết định này, tiếng nói của John Kennedy có thể được nghe rõ ràng: “Hãy tiếp tục và làm điều đó”, theo sau là một vài từ được nhà sử học George Eliades giải mã là “không tuyên bố công khai về việc này.”

Vào tháng 1 năm 1998, một lần nữa, khoảng 900 trang tài liệu mới đã được giải mã và công bố từ các kho văn khố lưu trữ của JCS, bao gồm các hồ sơ quan trọng từ tháng 5 năm 1963, từ tháng 10, và từ thời kỳ ngay sau khi Kennedy chết; nhiều tài liệu đã được xét duyệt để giải mật vào năm 1989, nhưng không được phép giải mật vào thời điểm đó. Các tài liệu làm sáng tỏ nhiều hơn nữa rằng Kennedy đã nhận thức rõ về bằng chứng thực tế Nam Việt Nam đang thất bại trong cuộc chiến. Nhưng hầu như không quan trọng nữa. Việc rút quân được quyết định là vô điều kiện, và không phụ thuộc vào tiến bộ quân sự hay không.

Máy bay Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam

John F. Kennedy đã chính thức quyết định rút khỏi Việt Nam, cho dù Hoa Kỳ có thắng hay không. Robert McNamara, người không tin rằng Mỹ thắng, ủng hộ cho quyết định này. Giai đoạn đầu tiên của việc rút quân đã được đề ra. Ngày rút quân cuối cùng, trong hai năm sau, cũng đã được quyết định.

Chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam đã lại thay đổi vào cuối tháng 11 năm 1963. Thay đổi chính là quyết định cho phép kế hoạch 34-A – những cuộc đột kích ngầm nhắm vào các mục tiêu ở miền Bắc. Johnson không thể có được quyết tâm của Kennedy, để tránh thảm họa. Ông ta đã tán thành các hoạt động bí mật, và ông ta đã hứa với quân đội vào ngày 24 tháng 11 rằng họ có thể có những gì họ muốn. Và sau đó là một chuỗi các diễn biến dẩn đến vụ việc Vịnh Bắc Bộ, vụ trả thù của Mỹ, và quyết định đưa các lực lượng chủ lực vào.

Cho tới hiện nay, vẫn có quan điểm cho rằng những lực lượng hưởng lợi từ chiến tranh đã gây ra cái chết đầy bí ẩn của Tổng thống Kennedy, người chắc chắn sẽ quyết định rời bỏ Việt Nam dù phải trả cái giá là danh dự của Hoa Kỳ. Thậm chí, một số quan điểm còn cho rằng Tổng thống Johnson cũng buộc phải leo thang chiến tranh vì sợ sẽ bị ám sát ngay trong ngày nhậm chức. Sức ép của cuộc chiến Việt Nam lên sinh mạng chính trị và cả sinh mạng thực tế của các chính trị gia Mỹ vẫn còn là câu hỏi. Nhưng những tài liệu giải mật từ Hoa Kỳ đã hé lộ một sự thật rằng Kennedy đã quyết định rút quân Mỹ, dừng can dự trực tiếp vào Việt Nam và điều này đã đẩy ông phải đối mặt với không ít trở lực đến từ nội bộ giới cầm quyền nước Mỹ thời đó. Cái chết của Kennedy ngay sau sự ra đi của Ngô Đình Diệm vào tháng 11 năm 1963 chính là bước ngoặt mang tính lịch sử của toàn bộ cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Còn thế lực nào giết Kennedy đến nay vẫn còn là một ẩn số. 5 năm sau, Robert Kennedy, em trai của Tổng thống Kennedy cũng bị ám sát một cách đầy bí ẩn khi đang là ứng viên tiềm năng tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ với Richard Nixon. Nhiều quan điểm cho rằng Robert đã biết rõ vụ ám sát anh trai mình và bị ám sát bởi những thế lực đã giết Tổng thống Kennedy sợ rằng nếu thắng cử, Robert sẽ đem vụ việc này ra ánh sáng. Cả hai cái chết đầy bí ẩn của hai anh em Kennedy đều nhiều uẩn khúc và đều được cho rằng có những thế lực chính trị đứng sau. Thế lực ấy liên quan thế nào tới cuộc chiến tranh ở Việt Nam vẫn cần lịch sử một câu trả lời.

Bình Minh

Theo Tạp chí Phương Đông

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN