Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, năm 2019 là năm kinh tế thế giới “sụt giảm đồng bộ” đối với hầu hết các nước và các nền kinh tế khác nhau. Chỉ số tăng trưởng là 3%, thấp nhất trong gần một thập kỷ qua. Sụt giảm tăng trưởng diễn ra ở tất cả các thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển.Kinh tế Mỹ và các nướcphát triển tiếp tục đà suy giảm, chỉ đạt 1,7% năm 2019 so với 2,3% năm 2018. Khu vực đồng euro 1,2%. Các nước mới nổi tăng trưởng khoảng 3,9% so với 4,5% năm 2018. Châu Phi 3,2%. Châu á Thái Bình Dương 4,8. nhiên với một số nước đang phát triển có thu nhập thấp, dựa nhiều vào xuất khẩu nhiều như Việt Nam và Bangdalest thì tăng trưởng được giữ vững,Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao 6,8%.
Nhiều câu hỏi đã và đang được đặt ra về nguyên nhân của sự sụt giảm đồng bộ này? Tại sao nền kinh tế thế giới lại không tăng trưởng khi nhân loại đang sống trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật 4.0? Những yếu tố nào đã tác động mạnh mẽ đến sự sụt giảm của nền kinh tế thế giới trong thời gian qua? Có thể nói rằng, chưa bao giờ nền kinh tế thế giới phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như vậy. 2019 là năm mà ở đó, chúng ta có dịp chứng kiến nhiều nhất các căng thẳng kinh tế ở tầm vĩ mô mang tính chất địa chính trị như cuộc chiến kinh tế Mỹ – Trung, sự kiện nước Anh rời khỏi Châu âu “Brexit”, căng thẳng giữa Bruxelles và Rome trong khu vực đồng euro. Sự căng thẳng giữa Mỹ với Nga, với Iran, Cuba, Venezuela, Thổ Nhĩ kỳ, Bắc Triều Tiên ,kéo theo đó là chính sách cấm vận của Mỹ đối với những nước này chưa có dấu hiệu chấm dứt. Sự căng thẳng ở Vùng Vịnh giữa Ả Rập Xê Út và Iran có sự can thiệp của Anh, Mỹ. Các cuộc biểu tình kéo dài ở nhiều quốc gia, ở Hồng Kông.. Cùng với các căng thẳng về địa chính trị là việc các nước tăng cường sử dụng các rào cản thương mại thông qua các biện pháp áp thuế cao đã tác động không nhỏ đến lĩnh vực thương mại. Lần đầu tiên, trao đổi thương mại trên thế giới chỉ tăng khoảng 1,3%, thấp nhất trong một thập kỷ qua. Lòng tin của các nhà đầu tư bị giảm sút mạnh do sự bất ổn về tình hình chính trị tại nhiều khu vực cũng như các tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại. Ngay trong nửa đầu năm 2019, đầu tư chung trên thế giới đã sụt giảm 20% so với sáu tháng cuối năm 2018 (chỉ còn 572 tỷ). Bên cạnh đó, tại nhiều nước phát triển, năng suất lao động xuống thấp, dân số già hóa ngày càng tăng, sức mua giảm.. đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự gia tăng của nền kinh tế. Tại nhiều nước trong khối nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Braxil, Nga, Trung Quốc.. do tình hình nội bộ và việc điều kiện làm việc của người lao động không được cải thiện, xuất khẩu giảm đã làm cho kinh tế các nước này không phát triển như kỳ vọng. Bên cạnh lĩnh vực thương mại, có thể nói năm 2019 là năm mà ngành sản xuất công nghiệp sụt giảm rõ rệt,đơn cử, ngành sản xuất ô tô gặp vô vàn khó khăn do phải thay đổi các nguyên phụ liệu để đáp ứng các chuẩn mực mới về giảm khí thải tại khu vực đồng euro và ở Trung Quốc. Một số dấu hiệu cho thấy đơn hàng từ các nước lớn như Mỹ, Đức và Nhật có khả năng sẽ còn giảm mạnh.
Khi nhận định về bối cảnh kinh tế chung của năm 2019, nhiều ý kiến cho rằng, kinh tế thế giới đã có thể tụt dốc hơn nữa (-0,5%), nếu các nước phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi đã không thể hiện sự linh hoạt và mềm dẻo trong chính sách tài chính, tiền tệ. Các ngân hàng tại đây đã mạnh dạn đưa ra nhiều biện pháp để giảm bớt nguy cơ sụt giảm đà tăng trưởng, ngăn cản lạm phát tăng cao. Các ngân hàng trung ương đã phải cung cấp các dự trữ của mình để bù đắp cho “các sai lầm chính trị”. Hạ lãi xuất cũng là một trong các biện pháp tránh rủi ro. Cục dự trữ Liên bang Mỹ đã 3 lần hạ lãi xuất liên tiếp trong năm 2019. Ấn Độ hạ lãi xuất 5 lần do lo ngại về giảm tốc của nền kinh tế. Singapore lần đầu tiên từ năm 2016 đã nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên trong bức tranh ảm đảm chung của nền kinh tế thì lĩnh vực dịch vụ trong phần lớn các nước trên thế giới vẫn được duy trì. Chính điều này đã góp phần vào việc duy trì lương cho người lao động tại nhiều nước và sức mua phần nào cũng vẫn được ổn định tại các nước phát triển. Tuy nhiên cũng đã có những dấu hiệu cho thấy sự suy giảm trong sức mua tại Mỹ và khu vực đồng euro.
Khi bàn về nguyên nhân của sự tụt giảm của nền kinh tế,nhiều nhà nghiên cứu đã đổ lỗi cho chính sách điều hành của ông Trump trong thời gian qua. Song khách quan mà nói, nhiều nước và nhiều khối nước cũng phải chia sẻ trách nhiệm về sự giảm tốc này khi họ đã không có các biện pháp kịp thời và đưa ra các cải cách đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế. Trung Quốc là một ví dụ, đất nước tỷ dân đã phản ứng chậm chạp về việc cân bằng nền tài chính khi vẫn duy trì hệ thống phân phối tín dụng yếu kém và không linh hoạt. Trong khi đó,nước Anh, một trong những cường quốc có nền thương mại mở rất lớn lại đang tự hủy hoại nền kinh tế, tài chính và hệ thống chính trị khi mải miết theo đuổi Brexit. Mâu thuẫn giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về các vấn đề lịch sử đã đẩy tới cuộc xung đột thương mại ngày càng leo thang. Liên minh châu âu đã tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian và công sức để hoàn thành và xây dựng hai việc, đó là ngân sách chung để phòng chống khủng hoảng và một ngân hàng chung… tuy nhiên cho đến nay cả hai đều dang dở.
Theo một số dự báo, Năm 2020 kinh tế thế giới sẽ có sự tăng trưởng một cách khiêm tốn, khoảng 3,4%, tuy khả năng phục hồi chưa chắc chắn. xuất.Các nền kinh tế phát triển sẽ giảm khoảng 1,7% trong hai năm 2019 và 2020.Trong khi đó thị trường mới nổi do thị trường tương đối khép kín dự báo sẽ tăng trưởng trên 4% năm 2020. Đây là những nước mà năm 2019 có sự tụt giảm nhưng đã có nhiều nỗ lực để vực dậy nền kinh tế của mình. Trong khi đó những nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản có nhiều khả năng kinh tế tụt dốc hơn cả năm 2019 nếu không có các biện pháp phù hợp. Mỹ,Trung Quốc và khu vực đồng euro có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất ở mức thấp nhất.
Tóm lại, Kinh tế toàn cầu đang trong giai đoạn khó khăn và có dấu hiệu chậm lại,khả năng phục hồi chưa chắc chắn.Lỗ hổng nợ công và làn sóng ngân hàng vỡ nợ vẫn được coi là những rủi ro lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008 và chưa được giải quyết triệt để ở nhiều nước.Để đạt được ngưỡng là 3%, các nhà lãnh đạo các nước cần phải hành động gấp.“Kinh tế thế giới rất cần một liều thuốc mới”! đó là ý kiến của các Thống đốc ngân hàng trung ương và các Bộ trưởng tài chính thế giới được nêu ra tại cuộc họp hồi cuối tháng 10 vừa qua ở Washington.
Trong bối cảnh kinh tế “ sụt giảm đồng bộ” như vậy, thật chẳng mấy dễ dàng để có thể “bốc” ngay, và trúng một liều thuốc để chữa “bách bệnh”. Nên chăng,tất cả các nước phải hợp tác lại với nhau, vì chủ nghĩa đa phương là giải pháp duy nhất để chống chọi với những thách thức to lớn của các thủ đoạn gian lận thương mại,của an ninh mạng, của những tiến bộ mới của khoa học kỹ thuật đang được áp dụng trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng cũng như những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.Một số “đơn thuốc” được kiến nghị đó là: Cần phải giảm căng thẳng địa chính trị, làm giảm sự bất ổn trong nội bộ các nước, tạo dựng sự ổn định để góp phần tăng lòng tin của các nhà đầu tư,thúc đẩy sản xuất đặc biệt công nghiệp chế tạo. Cần loại bỏ chính sách bảo hộ mậu dịch,các rào cản thương mại thông qua việc ký kết các hiệp định bền vững,Theo đánh giá ban đầu, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung có thể làm giảm PIB thế giới khoảng 0,8% từ nay đến 2020.Hệ thống thương mại thế giới cần được cải tiến chứ không thể để mặc nước chảy bèo trôi..Cũng theo tinh thần đó,để đảm bảo có sự phát triển bền vững, các nước cần tiến hành các cải cách về cơ cấu giúp thúc đẩy sản xuất, cải thiện tình trạng trì trệ, giảm thiểu sự bất bình đẳng. Cho dù sự mềm dẻo về chính sách tiền tệ trong thời gian qua có thể giúp tăng trưởng thì điều quan trọng là ngay từ bây giờ chúng ta cần phải đưa ra các luật lệ mang tính vĩ mô “một cách thận trọng”, có hiệu quả, để có thể ngăn chặn các nguy cơ làm tăng các yếu tố xấu hơn về tài chính. Cần áp dụng các quy tắc chặt chẽ trong lĩnh vực tài chính vốn đã mong manh. Để điều hành chính sách vĩ mô hiệu quả trong thế giới lãi suất siêu thấp thì cần phải có những suy nghĩ mới mẻ cả về tài khóa và tiền tệ. Bên cạnh đó một chính sách đúng đắn về ngân sách là vô cùng quan trọng trong việc giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng.
Bên cạnh đó, các nước, nhất là các nước có nền công nghiệp phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật, Nga cần phải có trách nhiệm trong việc đối phó với tình hình biến đổi khí hậu bằng sự đóng góp tài chính, công nghệ để cùng nhau giảm thiểu rủi ro và hạn chế tối đa khí thải công nghiệp theo yêu cầu của Hội nghị COP 24 Paris về biến đổi khí hậu năm 2018.
Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, sự sụt giảm của nền kinh tế toàn cầu đã, đang và sẽ tác động mạnh đến mỗi quốc gia ở góc độ này hay góc độ khác. Nhiều nhà kinh tế đã nhắc đến nguy cơ suy thoái toàn cầu. Chẳng ai trong chúng ta có thể dửng dưng trước nguy cơ này. Năm 2019 Việt Nam đã có những thành tích ngoạn mục về kinh tế, xã hội, chính trị,tuy nhiên, điều đó cũng không cho phép chúng ta chủ quan, khi kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn nguy hiểm. Một Việt Nam vững vàng vượt qua mọi thử thách, một Việt Nam khôn khéo, thông minh với những ứng xử và quyết sách phù hợp để duy trì ổn định và tiếp tục phát triển là điều mong ước của triệu triệu trái tim người dân đất Việt./.
Nguyên Mi
(Theo Tạp chí Phương Đông)