Sự Kiểm Soát Khu Duyên Hải, Sự Thay Đổi Hành Chính và Giới Trí Thức của nước Đại Việt thời ban sơ

Lời tòa soạn: Tiếp theo bài “Ngoại thương với Đại Việt” đã đăng trên Tạp chí Phương Đông số 10, Tạp chí Phương Đông số này tiếp tục dịch và trích đăng khảo luận “Sự trỗi dậy của miền duyên hải: Mậu dịch, Nhà nước và Văn hóa thời ban sơ của Đại Việt” của tác giả John K. Whitmore, Đại học Michigan, Hoa Kỳ. Sau khi đã tìm hiểu về sự hình thành của Nhà nước Đại Việt trong các thế kỷ thứ 10 và 11, và xem xét sự thay đổi về kinh tế và vai trò của hoạt động mậu dịch trong các thế kỷ thứ 12 và 13, chúng ta sẽ tìm hiểu về tác động của những thay đổi kinh tế và của hoạt động mậu dịch trong thế kỷ thứ 13 đối với chính trị và văn hóa của Đại Việt, đặc biệt là sự kiểm soát từ duyên hải của triều đại nhà Trần dựa trên sự phát triển thương mại.

Vào khoảng năm 1200 vùng hạ lưu Đại Việt, khu duyên hải, đã trở thành một trung tâm thương mại quốc tế thịnh vượng và một miền văn hóa thu hút nhiều ảnh hưởng bên ngoài, đặc biệt từ bờ biển đông nam của Trung Hoa. Qua tổ hợp văn hóa và kinh tế này, đã nổi lên quyền lực chính trị của dòng họ Trần. Nhà Trần đã thiết lập căn cứ của họ ban đầu tại châu thổ hạ lưu phía nam và sau đó mở rộng thế lực của mình — chủ yếu là hải quân – lên miền bắc, phía sau Vân Đồn. Mặc dù không liên kết một cách lộ liễu với các lực lượng thương mại quốc tế và trong nước vào thế kỷ thứ mười hai, gia tộc của hậu duệ người Trung Hoa vùng duyên hải này vẫn xuất hiện giữa các lực lượng đó, và có vẻ như đã lợi dụng chúng để sau cùng,hun đúc thành một sự thống nhất chính trị trên cả hai vùng Đại Việt thượng nguồn và hạ lưu. Trong khi ở nước khác nơi phía tây (tại Ayudhya và Pagan), quyền lực địa phương trỗi dậy và di chuyển thủ đô ra bờ biển, thì tại Đại Việt, quyền lực duyên hải xuất hiện và giành quyền hành tại chính kinh đô Thăng Long, hòa nhập vào đời sống nghi lễ của vùng lõi nội địa.

Các lực lượng thương mại duyên hải tại Đại Việt trong các thế kỷ mười hai và mười ba là bước mở đầu cho sự năng động lan tỏa dọc theo bờ biển của miền Đông Nam Á lục địa.

Vào thời điểm này, cả miền đông của Đại Việt lẫn bờ biển miền trung của xứ Nagara Champa về phía Nam đã chứng kiến những thay đổi kinh tế và chuyển giao quyền lực quan trọng.  Đối với xứ Chàm, đó là sự xuất hiện của hải cảng Thị Nại ở Quy Nhơn và thành phố Vijaya trong nội địa của nó (tại miền trung của xứ sở này); miền này đã phối hợp lực lượng với với các phần tử tại Angkor để thống trị Champa và gạt sang một bên hải cảng cũ (giờ đây là Hội An) và quyền lực chính trị tại Amaravati (tại miền bắc của Chàm). Trong các thế kỷ sau, các cường quốc ven biển hay ven sông như Phnom Penh, Ayudhya và Pegu cũng sẽ dẫn đầu cho những sự di chuyển kinh đô khỏi Angkor và Pagan.

Cửa Thị Nại (6C) trong Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ do Đoan Quận công Bùi Thế Đạt vẽ và dâng lên chúa Trịnh Sâm năm 1774

Đối với Đại Việt, sẽ không có sự dời đô như thế, không có sự di chuyển quyền lực trung tâm xuống phía bờ biển.  Thay vào đó, quyền lực duyên hải vươn lên thượng nguồn và dành được sự kiểm soát kinh đô, giữ nguyên nó ở lại địa điểm cũ và du nhập các thành phần mới vào đó.  Tại sao điều này đã xảy ra? Có lẽ một phần là vì sự gần gũi tương đối của kinh đô cũ đối với bờ biển ở Đại Việt, nhưng tôi ngờ rằng, chủ yếu là bởi có sự quan tâm mạnh mẽ của nhà Trần trong sự phát triển nông nghiệp và trong cách hình thành nghi lễ của vùng lõi.

Sự quá độ về quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần, từ sự kiểm soát nội địa sang kiểm soát duyên hải, chưa được nghiên cứu chi tiết (Thực ra, rất lạ là những người sáng lập triều đại tại Việt Nam vẫn chưa được khảo sát như thế, dù ở bất kỳ mức độ nào).  Tác giả O. W. Wolters đã xem xét đến sự quá độ Lý-Trần này trong bài viết thảo luận những khác biệt giữa các niên sử của thế kỷ thứ mười ba (được biên soạn lại vào những năm 1400) với các niên sử của thế kỷ thứ mười bốn, một bộ sử rõ ràng là tác phẩm của một nhà học giả miền duyên hải. Dù cho có những sự khác biệt thú vị, cả hai văn bản nói chung đều bênh vực cho gia tộc họ Trần mới, và đồng ý rằng nhà Lý đang gặp nhều rắc rối, đặc biệt là chủ nghĩa địa phương và các lãnh tụ địa phương đã khẳng định mình chống lại kinh đô. Bản thân Nhà Lý vốn đã nối kết với quyền lực đang lên của họ Trần tại vùng Đại Việt hạ lưu, và trong 25 năm đầu tiên của thế kỷ thứ mười ba là câu chuyện làm sao để giải quyết những phân tranh quyền lực cấp miền khắp châu thổ sông Hồng. Khu vực sông Hồng giáp ranh các khu trung lưu và hạ lưu nằm giữa đường từ kinh đô xuống bờ biển là một thành phần quan trọng trong vấn đề này, khi mà các lãnh tụ của nó, đặc biệt là Nguyễn Nộn, đã đứng lên chống lại cả quyền lực ở thượng nguồn lẫn hạ lưu.  Đây không chỉ là một vấn đề chính trị; sự gián đoạn thông thương dọc theo các đường thủy của vùng châu thổ đã ảnh hưởng đến các thương gia và việc lam ăn buôn bán của họ trên sông nước.  Nhà Trần tại bờ biển chắc hẳn vô cùng quan tâm đến việc duy trì sự tiếp cận với trung tâm dân cư trọng yếu và sự thịnh vượng nằm trên thượng nguồn của họ.  Kết quả là qua các hoàn cảnh và những việc giao dịch buôn bán vô cùng căng thẳng với nhà Lý, quyền lực bên bờ biển này đã thong dong trên con đường nắm giữ sự kiểm soát kinh đô và vùng lõi nội địa.

Sau khi sử dụng các cuộc trao đổi hôn nhân với gia tộc cầm quyền nhà Lý để đưa một thanh niên từ chính gia đình mình lên ngôi tại Thăng Long năm 1225, nhà Trần cũng phải giải quyết vấn đề các quyền lực cấp miền là nơi đã để cho họ vươn lên; đặc biệt, châu Hồng ngăn chặn bước đường của họ.  Trong suốt các thập niên 1210 và 1220, các lực lượng kết hợp Lý/Trần đã khuất phục được các quyền lực địa phương cho đến khi cuối cùng châu Hồng bị sụp đổ và – xin trích biên niên sử thế kỷ thứ mười lăm – “quốc gia trở thành một”. Việc này thường được đón nhận để cho thấy sự thống nhất chuẩn của triều đại mới, nhưng tôi muốn nêu ý kiến rằng trong ví dụ này, nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế.  Đúng ra, ở đây, nó cho thấy việc gỡ bỏ bất kỳ rào cản nào giữa Đại Việt hạ lưu với thượng nguồn, và trong thực tế, lần đầu tiên hai khu vực này đã được đến với nhau một cách có hiệu quả.  Điều này được xác nhận tại lời ghi chú trong quyển An Nam Chí Lựợc hồi thế kỷ thứ mười bốn rằng khi nhà Trần nắm giữ quyền hành, họ đã hợp nhất quê hương của họ — vùng châu thổ hạ lưu (Long Hưng, Thiên Trường, cũng như Trường An ở bờ biển phía dưới) – vào vùng lõi của Đại Việt thượng nguồn (kinh đô và quê hương nhà Lý). Trong suốt thời gian đó, họ Trần vẫn duy trì trung tâm chính trị của chính họ tại Thiên Trường nằm sâu trong vùng châu thổ và dành ở lại đó trong một thời gian dài như là kinh đô thứ hai của mình.

Trong khi nhà Trần và các lực lượng ven biển của họ nắm quyền kiểm soát kinh đô, họ đã mau chóng hòa nhập vào hình mẫu lễ nghi hiện có của vùng lõi nội địa. Cử hành việc cắt máu ăn thề vào năm 1227, nhà Trần đã thâu tóm các miền của Đại Việt lại với nhau như nhà Lý đã làm hai thế kỷ trước đó, và họ cũng tiếp tục các nghi lễ hoàng triều thờ phụng Đế Thích (Indra) vốn đã được thiết lập bởi nhà Lý hồi giữa thế kỷ thứ 11. Tuy nhiên, ngoài ra nhà Trần còn tiến hành một cách mau chóng việc thay đổi hình mẫu cho phép họ với tới ngai vàng, có nghĩa sự dàn xếp quyền lực cấp miền và sự trao đổi hôn nhân với các quyền lực đó.  Như tác giả O. W. Wolters đã mô tả về nó, nhà Trần đã thiết lập chế độ phụ hệ và quyền con trưởng như là những quy luật then chốt cho sự thừa kế, cùng với một ý thức mạnh mẽ về gia tộc và sự kết hôn nghiêm ngặt trong gia tộc. Để thực hành điều này, họ cũng thiết lập thể chế thái thượng hoàng, nhà vua đã nhường ngôi nhưng vẫn cai trị trong khi người con trai trưởng còn trẻ, làm hoàng đế, lại trị vì. Các thành viên khác của dòng họ, đàn ông và đàn bà, đều hỗ trợ cho ngai vàng.

Nền văn hóa duyên hải có bao gồm các phần tử không phải Trung Hoa, chẳng có gì là ngạc nhiên cả..  Một lần nữa lấy gia tộc nhà Trần làm đại diện của ít nhất một phần của văn hóa phức tạp đó, chúng ta xem xét các phần tử mà người Trung Hoa đương thời và sau này sẽ coi là kỳ dị và mọi rợ.  Tục xăm hình vẽ lên mình nổi bật ra ở đây; nó có vẻ như đã ăn sâu tại vùng duyên hải, với hình con rồng làm chủ đề phổ biến.  Các sinh vật này tượng trưng cho truyền thống chiến sĩ “từ vùng hạ lưu”, như nhà Trần công nhiên phát biểu, và giúp cho họ né tránh các con rắn nước và giông bão ngoài biển.  Đối với nhà Trần, tục lệ này mang âm hưởng từ những ngày đi biển của họ lấn sâu vào vùng châu thổ.  Một nhân tố quan trọng khác là chế độ nội hôn và các tập tục tình dục của nó, đã bị lên án một cách mạnh mẽ trong nhiều thế kỷ sau này.  Tầm quan trọng của một vị vua là cung cấp một con trai kế ngôi đứng hàng đầu và đã miễn chấp nhiều chuyện trong nỗ lực để hoàn thành việc đó.  Ngay trong thập niên 1230, nó đã dẫn đến sự tráo đổi một vì công chúa đã có thai giữa hai anh em để khiến cho việc này xảy ra.  (Hơn một thế kỷ sau, một phương thuốc tình dục sẽ lại diễn ra với cùng lý do.) Để giải quyết sự căng thẳng phát sinh từ sự tráo đổi, cũng như để bảo đảm rằng không có quyền lực địa phương nào khác đóng giữ được một vai trò gì (như nhà Lý đã cho phép họ Trần làm như thế), chi hoàng tộc này sẽ kết hôn với chi khác trong dòng tộc (anh chị em họ). Mặc dù rõ ràng là phi Trung Hoa, nhưng như thế có phải là một sự lựa chọn thực dụng không? Hay nó cũng có nguồn gốc từ sự sinh hoạt đa văn hóa (có lẽ mang tính chất Austronesian (Nam Á) của miền châu thổ bên dưới?  Hay cả hai?

Sau khi kiểm soát được triều đình, suốt giữa thế kỷ thứ mười ba, nhà Trần đã hành động để đẩy sự kiểm soát trung ương đến các khu vực cấp miền, bởi lần đầu tiên đã tuyển dụng các học giả từ các cuộc khảo thí để lấp vào những chỗ trống một số trong các chức vụ này.  Sau đó, họ đã phát triển các sổ đăng tịch dân số và làm việc nhằm đơn giản hóa các hệ thống đê điều trên cả sông Hồng lẫn sông Mã (con sông Mã ở Thanh Hóa).

Những cơ sở cho những thay đổi hành chính giữa thế kỷ này (vẫn chưa được khảo sát một cách cặn kẽ) là giới văn nhân trí thức bắt đầu nổi bật thông qua các cuộc thí.  Cao trào trí thức này xuất hiện từ miền Đại Việt hạ lưu, trải xuống phía nam đến Thanh Hóa, khu chuyển tiếp về thương mại và văn hóa đã được cấu thành trong thế kỷ trước.  Chính vì thế, có vẻ rằng tác động chính yếu của mậu dịch đối với Đại Việt là việc hình thành khu vực này và dẫn đến sự truyền bá kết sinh nền văn hóa của nó đến kinh đô và chính quyền tại Thăng Long.

Các cuộc thí mới – bắt đầu trong các năm 1232, 1239 và 1247 – đã sản sinh ra các người trúng tuyển gần như chỉ từ khu duyên hải, miền có các tỉnh phía đông và nam như Hải Dương, Sơn Nam, và Thanh Hóa.  Dần dần, các học giả duyên hải này đảm nhận các chức vụ hành chính cả ở kinh đô lẫn ở các tỉnh, và dần dà cho đến hết thế kỷ, họ đã thu được ý nghĩa lớn hơn, cho đến tận niên sử năm 1323, biên niên sử có liệt kê 13 nhân vật ảnh hưởng kéo dài từ cuối thế kỷ thứ mười ba cho đến giữa thế kỷ tứ mười bốn. Các học giả này đến từ miền duyên hải, và một số trong họ đã thách thức trực tiếp khuynh hướng Phật Giáo của vùng lõi nội địa cũ.  Điều đó đã dẫn đến kết quả là một sự phân chia văn hóa giữa khu vực lõi này bao quanh kinh đô cùng với sự thiết lập Phật Giáo mạnh mẽ của nó và miền duyên hải.  Ngoài ra, có vẻ như đã có mối quan hệ giữa văn hóa trí thức duyên hải này với sự xuất hiện của văn chương chữ Nôm trong cùng các năm này; nền văn chương này, sử dụng Hán tự để biểu lộ ngôn ngữ Việt Nam, xem ra đã nối kết với tỉnh Hải Dương ở phía Đông.

Trong năm 1253, nhà Trần đã thành lập một Trường Đại Học Quốc Gia (Quốc Học Viện / Quốc Tử Viện với các ảnh tượng của Khổng Tử, Chu Công (Duke of Zhou), Mạnh Tử và 72 vị thánh hiền. Vào khoảng năm 1272, họ ra lệnh cho một học giả miền duyên hải, ông Lê Văn Hưu người tỉnh Thanh Hóa, biên soạn bộ niên sử chính thức nhan đề Đại Việt Sử Ký, bao trùm gần hết 1500 năm lịch sử của xứ sở.  Trong bộ sử này, ông Hưu – cũng là thày dạy học cho một ông hoàng họ Trần quan trọng (Quang Khải) – đã mang lại một ý thức mạnh mẽ về tư tưởng vùng duyên hải; thuật phong thủy là một phần trong đó, và  sử dụng lịch sử để phê phán người khác.  Trong khi khảo sát quá khứ, ông Hưu đã lên tiếng chống lại văn hóa nội địa, nhìn nó như là thiếu mất phong cách triều đình và hệ cấp, không biết gì đến hành vi thánh thiện và nêu một gương xấu cho dân chúng.  Tục đa thê, thiếu lòng hiếu kính với cha mẹ, thời gian để tang quá ngắn đối với sự băng hà của nhà vua – cũng như các tập tục văn hóa khác – ông cho đấy là những vấn đề nổi bật.  Ông Hưu đã khởi đầu quyển sử đã nêu với một nhân vật then chốt là Đinh Bộ Lĩnh (với người giao tiếp thuộc vùng duyên hải của ông, Trần Lãm), là kẻ đối với ông Hưu, còn quan trọng hơn cả họ Ngô và họ Lý của vùng lõi nội địa.

Ấm trà gốm men trắng thời Trần tìm thấy ở Nhật Bản (Bảo tàng thành phố Michida). Minh chứng sự giao lưu thương mại quốc tế Đại Việt – Nhật Bản thế kỷ XIV.

Trong khi đó, hoàng tộc nhà Trần mở rộng cơ sở nông nghiệp của châu thổ phía đông một cách rộng lớn khi nó thiết lập các điền trang và tạo ra một hệ thống đê điều lien hoàn trên khắp cả vùng hạ lưu. Các ông hoàng, bà chúa kiểm soát và duy trì các thái ấp tại các giao điểm ven sông, tập trung quanh các ngôi chùa Phật Giáo.  Tác giả Nguyễn Thị Phương Chi chỉ cho chúng ta thấy mức độ lớn lao mà các thái ấp này nằm tại khu duyên hải; chúng tọa lạc tại các đường thủy quan trọng và chắc có lẽ đã tồn tại ở trung tâm của sự phát triển thương mại và nông nghiệp của miền.  Nhà Trần đã tăng cường sự khai khẩn đất đai vùng châu thổ, cả ở nội địa lẫn duyên hải, và cùng với nó, sự gia tăng dân số, thu hút dân chúng đên từ vùng châu thổ thượng nguồn. Những thái ấp này lúc đầu được đặt tại các địa điểm chiến lược – đặc biệt giữa Thăng Long và Thiên Trường, hai kinh đô – và được kiểm soát bởi các ông hoàng tài giỏi, một thí dụ then chốt là Trần Quốc Tuấn, Hưng Đạo Vương, tại phần đông bắc của châu thổ.  Các thái ấp này tự túc về mặt kinh tế, bao gồm các làng nông nghiệp, đánh cá, nghệ nhân, và thương mại.  Chúng có khả năng tự phòng vệ và trong các cuộc chiến tranh chống Mông Cổ, chúng đã hoạt động như các căn cứ kháng chiến.  Chúng cũng là nơi cư ngụ chủ yếu của hoàng tộc, các nơi mà các thành viên hoàng tộc sinh sống phần lớn thời giờ ở đó.  Chính vì thế, các khu trang trại của họ đã là các trung tâm xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa địa phương.  Dòng tộc cũng thiết lập các ngôi chùa Phật Giáo tại các thái ấp.

Trong thế kỷ thứ mười ba, đã có một sự kết hợp mạnh mẽ học thuyết Phật Giáo này với tư tương Trung Hoa cổ điển.  Trong thế kỷ thứ mười bốn, vua Trần Nhân Tông đã nối kết với người Chàm và các địa điểm Phật Giáo của họ, và nhà Trần tìm cách tổng hợp các nhánh khác nhau trong Phật Giáo Việt Nam bản địa thành một phái duy nhất tức Phái Thiền Trúc Lâm và cơ sở vũng chắc của nó nằm ở phía Đông (Núi Yên Tử).

Các ông hoàng nhà Trần của thế kỷ thứ mười ba chính vì thế đã đóng giữ một vai trò lớn lao trong nền văn hóa duyên hải, thông thạo ngôn ngữ và viết một loại thơ khác biệt với thi ca của các thế kỷ trước.  Trong khi thơ văn nội địa thời Lý đặt trọng tâm vào sự biểu lộ Phật Giáo, hình thức thi ca mới này trộn lẫn các sự mô tả thiên nhiên với một cảm nhận mạnh mẽ về lịch sử xứ sở của họ.

Sự thử nghiệm hành chính hồi giữa thế kỷ thứ mười ba theo đó được thay thế bởi sự cai trị của các hoàng này.  Giới văn nhân trí thức, như chúng ta đã nêu, tiếp tục sự vuơn cao của họ, nhưng giờ đầy nói chung nằm trong nhóm tùy tùng của các nhân vật thần thế, đặc biệt trong số các ông hoàng.  Vào khoảng 1300, tiếp theo sau sự thành công có căn cứ tại vùng duyên hải của nhà Trần và sự chiến thắng trong các cuộc chiến tranh, sự thống hợp chính trị các vùng Đại Việt hạ lưu với thượng nguồn đã đạt được.  Những gì còn lại là các sự khác biệt văn hóa giữa hai khu vực.  Thế kỷ kế tiếp sẽ giải quyết vấn đề này.

Sự Hợp nhất Văn Hóa

Do sự mất cân bằng khu vực nằm bên trong Đại Việt và các áp lực và các sự căng thẳng khắp vương quốc, đã có một nhu cầu mạnh mẽ đối với Thăng Long là hợp nhất các phần riêng rẽ củađất nước lại với nhau một cách quyết liệt hơn.  Thế kỷ thứ mười bốn chứng kiến hai nỗ lực quan trọng trong chiều hướng này, thứ nhất, việc sử dụng một căn bản Phật Giáo nội địa, và thứ nhì, là sự sử dụng căn bản của nền văn hóa duyên hải mới.  Vào cuối thế kỷ, nỗ lực thứ nhất (Phật Giáo) sẽ tàn lụi trong khi nỗ lực thứ nhì vươn cao, sáp nhập các yếu tố của nhánh thứ nhất nhưng bác bỏ khuôn mẫu Phật Giáo.

Suốt trong một phần ba đầu tiên của thế kỷ thứ mười ba, các vua nhà Trần đã tìm cách hợp nhất nhiều thành phần Phật Giáo khắp đất nước vào một lực lượng độc nhất để nó sẽ hỗ trợ cho ngai vàng và ổn định vương quốc.  Việc này dựa trên nền tảng phái Trúc Lâm (Bamboo Grove), một phái Thiền theo Phật Giao.  Được thiết lập bởi thái thượng hoàng Trần Nhân Tông vào lúc khởi đầu thế kỷ, giáo phái này tiếp tục nằm dưới sự bảo trợ của con và cháu ông, các vua Anh Tông và Minh Tông.  Mặc dù liên kết với một vị trí tại miền Đại Việt hạ lưu ở phía Đông, phái này xem ra là một phần của văn hóa nội địa đến từ vùng kinh đô nhiều hơn.  Một văn bản quan trọng của nỗ lực này, tôi tin, là quyển Việt Điện U Linh Tập (Secret Poers [?] of Việt) từ năm 1329, kể lại các câu chuyện về các thần linh siêu nhiên đã được triệu tập để bảo vệ ngai vàng và cơ sở Phật Giáo, và điều đó tượng trưng cho vùng nội địa trung lưu.  Bài viết của tác giả Keith Taylor về quyển sách này cho thấy là sự sùng bái các thần linh này liên hệ mạnh mẽ hơn nhiều với vương quốc nội địa của nhà Lý và trong thực tế đã được tôn vinh một cách cụ thể về sự trợ giúp của các vị thần linh trong việc đánh bại các nỗ lực duyên hải thân Mông Cổ; Triệu Đà không tìm thấy bất cứ ở đâu trong vùng này.

Song vào khoảng thập niên 1330, áp lực và sự căng thẳng gia tăng khắp vương quốc báo hiệu rằng nỗ lực này nhằm gộp vùng đất áp dụng ý thức hệ Phật Giáo nội địa vào đã không hữu hiệu.  Vào lúc này, vua Trần Minh Tông đã hướng đến nền văn hóa duyên hải trí thức để tìm các câu trả lời mới.  Ông đã lựa chọn học giả Chu Văn An và mời ông từ ngôi trường quê nổi tiếng của ông ở phía nam kinh đô đến hoàng cung.  Ông Chu Văn An, các đồng sự và học trò của ông đã hướng đến Thời Xa Xưa Cổ Điển để tìm kiếm các câu trả lời của các vấn đề hiện tại.  Thi ca của họ phản ảnh một sự quan tâm mạnh mẽ đến các vấn đề này.  Họ đã phát ngôn một cách mãnh liệt để chống lại cơ sở Phật Giáo nội địa và đã tìm cách đễ dẫn dắt ý thức hệ duyên hải nhập vào quốc gia Đại Việt. Suốt từ giữa cho đến cuối thế kỷ thứ mười bốn, khi Đại Việt bị chìm sâu hơn bao giờ hết vào các khó khăn, loại tư tưởng này vươn sâu hơn nữa vào trong triều đình và quyền lực nổi dậy từ một nhân vật duyên hải khác.  Vị thượng thư đại thần Lê (Hồ) Quý Ly, cũng từ Thanh Hóa, đã xây dựng quyền lực của mình trong suốt thập niên 1370 và 1380, xuyên qua các năm tai họa của các cuộc xâm lăng bởi xứ Chămpa (với sự hỗ trợ của riêng nó tại khu bờ biển), sau hết, đã chiếm đoạt ngai vua vào năm 1400.  Ý thức hệ về quyền lực của ông sẽ là đỉnh cao nhất của tư tưởng được khai triển bởi giới văn nhân trí thức duyên hải.

Nỗ lực thứ hai nhằm hợp nhất văn hóa sẽ thành công nơi mà cánh Phật Giáo nội địa tiền nhiệm đã thất bại.  Vào khoảng cuối thế kỷ thứ mười bốn, các học giả khởi sự trổi lên từ miền hạt nhân nội địa, lên đến phía Bắc và phía Tây kinh đô (và sự chiếm đóng của nhà Minh sớm diễn ra sẽ xúc tiến tiến trình này). Sử sách từ thập niên xáo trộn vào những năm 1380 cho thấy sự tái định hình đã xảy ra trong huyền thoại và văn hóa Đại Việt.  Cuộc khủng hoảng lớn lao này sau hết dẫn đến sự hợp nhất các nền văn hóa nội địa và duyên hải.  Quyển Việt Sử Lược, đã được nói đến bên trên, đã thiết lập diễn trường cho sự kiện này với phả hệ của các vị vua trong huyền thoại, nhưng chính quyển Lĩnh Nam Chích Quái (Wonders plucked from the dust south of the Passes)  mới là tác phẩm quan trọng nhất cho cuộc thảo luận của chúng ta. Tuyển tập các câu chuyện này có một chiếu kích duyên hải bị thiếu mất trong quyển Việt Điện U Linh Tập vốn mang màu sắc Phật Giáo nội địa khoảng nửa thế kỷ trước đó.  Giống y như một nam nhân họ Trần miền duyên hải kết hôn với một cô công chúa nhà Lý miền nội địa để khởi đầu một triều đại và sự hội nhập của lãnh thổ mới hơn 150 năm trưóc đây, hai câu chuyện nổi tiếng từ tuyển tập này phản ảnh cùng chủ điểm đó.  Câu chuyện nổi tiếng nhất liên can đến Lạc Long Quân (Dragon King Lạc) từ miền biển và cuộc thành hôn của ông với Âu Cơ, cô công chúa từ miền núi – được xem như huyền thoại về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam.  Câu chuyện này kể lại hoàn toàn công khai về một người nam duyên hải và một phụ nữ miền nội địa, quan hệ quyền lực giữa hai người và mối quan hệ của họ với các nhân vật huyền thoại.  Câu chuyện thứ nhì, “Nhất Dạ Trạch” (One Night Marsh), cũng liên can đến một người nam vùng duyên hải và một công chúa nội địa, liên kết với các thương nhân hảỉ ngoại, công cuộc mậu dịch và Phật Giáo, nó phản ảnh bản chất của khu hỗn hợp duyên hải. Sự thờ cúng vẫn còn hiện diện tại khu vực này trong thế kỷ thứ mười chín xem ra đã xác nhận điều này: tỉnh Hưng Yên, nằm sâu trong vùng châu thổ, bao gồm các tập tục thờ phượng Lạc Long Quân và Nhất Dạ Trạch.

Thế kỷ thứ mười bốn chính vì thế chứng kiến một sự thay đổi văn hóa ngoạn mục, một “bước ngoặt”, dùng theo từ ngữ của tác giả O. W. Wolters, trong sự phát triển nền văn minh của Việt Nam. Dần dần, lõi cũ của Đại Việt tại miền trung lưu trở nên hợp nhất với miền duyên hải hạ lưu, và các lực lượng văn hóa của mỗi miền hòa nhập vào.  Vào khoảng 1400, một nền tảng huyền thoại mới đã nảy sinh cho nền văn minh Việt Nam.  Tất cả điều này đã khởi đầu với cao trào thương mại của nhà Tống và sự thành hình kết sinh của khu hợp nhất duyên hải.  Thế kỷ thứ mười hai chứng kiến sự hội nhập kinh tế gia tăng của miền duyên hải với nội địa, miền Đại Việt bên dưới với Đại Việt bên trên.  Từ sự tăng trưởng kinh tế này, tiếp đến là sự hợp nhất chính trị của hai miền dưới sự cai trị của nhà Trần trong thế kỷ thứ mười ba và kết quả là sự bành trướng của văn hóa duyên hải trí thức.  Sau cùng, thế kỷ thứ mười bốn mang lại sự hội nhập của Đại Việt duyên hải với Đại Việt nội địa, với tư tưởng trí thức của vùng duyên hải cuối cùng đã thay thế cho sự thành lập Phật Giáo của miền nội địa.

Sự chiếm đóng của nhà Minh hồi đầu thế kỷ thứ mười lăm sẽ vừa bộc lộ sự mong manh của lòng trung thành của miền duyên hải (với gia tộc họ Mạc và các trí thức khác tích cực hỗ trợ Trung Hoa) và khắc sâu hơn tác động của giới trí thức khắp vùng đồng bằng Đại Việt. Vào khoảng thập niên 1430, Nguyễn Trãi và các đồng sự của ông trong tập Địa Dư Chí của họ đã trình bày điều sẽ trở thành đỉnh cao nhất của sự kết hợp và cấu hình thời nhà Trần.  Giờ đây, có tỉnh thuộc triều đình (kinh trấn), ở phía Đông, Tây, Nam và Bắc Thăng Long, với trấn đầu tiên trong bốn tỉnh là Hải Dương ven biển, hoàn toàn khác biệt với hai trăm năm trước đây.  Vùng đất châu thổ thưa dân hai thế kỷ trước giờ đây trở nên đất canh tác vô cùng mầu mỡ, như các năng suất của đất đai trong quyển sách này cho thấy. Cơ cấu hành chính bao gồm nơi đây sẽ được thay đổi trong các thập kỷ sắp đến; giới quý tộc miền núi của triều đại mới, nhà Lê, các chiến binh thắng trận từ các cao nguyên đến phía tây nam Đồng Bằng sông Hồng đã đánh bại quân Minh, đã chuyển hướng và kinh đô thứ nhì được dời về quê nhà của họ tại phía tây Thanh Hóa.

Mặc dù cuộc nghiên cứu này đã làm nổi bật tầm quan trọng của thương mại và vùng bờ biển trong các thế kỷ thứ mười hai và mười ba và sự phân nhánh của các sự thay đổi kết sinh từ Đại Việt bên dưới, vẫn có nhu cầu để nhấn mạnh rằng khu hạt nhân nội địa tiếp tục còn là trung tâm và tiêu điểm của các hoạt động của chính thể.  Đối với Đại Việt, một nền nông nghiệp nội địa mở rộng đã hình thành lên nền tảng, và điều này sẽ tiếp diễn, mang thêm đến một sự bổ sung bằng các mối liên hệ thương mại. Thật vậy, sự tăng trưởng thương mại của các thế kỷ này sẽ xuất hiện để thôi thúc sự bành trướng nông nghiệp lớn lao ở vùng châu thổ hạ lưu, khiến cho miền này sẽ trở thành vùng thâm canh và rất đông dân ngày nay.

Như thế, khi Đại Việt phát triển trong những thế kỷ ban đầu này, nó dần dần tăng trưởng và thay đổi – về mặt kinh tế, chính trị, và văn hóa.  Sự tương tác của khu hạt nhân nông nghiệp nội địa, khu thương mại duyên hải và khu núi đồi ngoại vi với các sản phẩm phong phú ớ đó đã dẫn đến một động lực trước tiên đem chúng lại gần nhau về mặt kinh tế trong thế kỷ thứ mười hai, kế đó, đã hợp nhất chúng về mặt chính trị trong thế kỷ thứ mười ba và sau hết đã hỗn hợp chúng về mặt văn hóa trong thế kỷ thứ mười bốn.  Thương mại quốc tế của cao trào nhà Tống hiển hiện một cách lớn lao trong bức tranh này.  Song, cuối cùng, chính hành động được thực hiện bởi khu vực hạt nhân nội địa mới là yếu tố then chốt.  Trong suốt các thế kỷ này, khu nằm ở đoạn giữa dòng sông sẽ vẫn còn duy trì một mật độ dân số cao hơn và một căn bản nông nghiệp vững chắc cũng như các trung tâm tôn giáo đã được thiết lập lâu đời, các ngôi chùa Phật Giáo và các ngôi đền thờ các thần linh.  Về điểm này, tôi đông ý với tác giả Michael Aung-Thwin khi ông ta nói về Miến Điện, rằng “một vùng nội địa nông nghiệp có hiệu năng cao, dễ tiên đoán, có được dẫn nước hoàn hảo, dân cư đông đúc vẫn đóng vai trò chế ngự. Tại Đại Việt; nhà Trần, sau hết, đã lựa chọn việc giữ kinh đô nơi nó đã tọa lạc – vùng lõi nằm đoạn giữa dòng sông – và phát triển hơn nữa tiềm năng nông nghiệp của nó. Giờ đây chúng ta có một sự hiểu biết khá hơn về vùng Đại Việt hạ lưu và vùng duyên hải trong những thế kỷ ban sơ này, chúng ta cần quay trở lại vùng Đại Việt bên trên và vùng lõi nội địa và tái khảo sát bản chất và thực chất của nền văn minh và các thể chế của Đại Việt./.

John Whitmore

Ngô Bắc dịch

(Theo Tạp chí Phương Đông)

 

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN