Hiệp định thương mại mới ký kết giữa Việt Nam và Châu Âu không nên chỉ được nhìn nhận dưới góc độ kinh tế thương mại đơn thuần mà phải xem xét trong bối cảnh thế giới hiện tại và tầm nhìn địa chính trị giữa hai đối tác EU và Việt Nam.
Bối cảnh thế giới đang có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Việc nước Mỹ theo đuổi chính sách dân tuý và đơn phương theo kiểu “nước Mỹ trên hết” đang thay đổi căn bản trật tự thế giới. Ngay cả những đồng minh trước nay vẫn được coi là thân thiết nhất với Mỹ như EU cũng cảm thấy bất an với nước Mỹ hiện nay.
Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, đặc biệt trong năm 2019, Mỹ liên tục đòi đồng minh EU phải chi trả chi phí quân sự cho sự bảo trợ của Hoa Kỳ. Về mặt kinh tế, Mỹ cũng vừa đe doạ vừa thực thi trên thực tế các biện pháp gia tăng thuế đối với hàng hoá Châu Âu mà Mỹ cho rằng đang tạo ra mối quan hệ thương mại không bình đẳng giữa đôi bên.
Việc Mỹ xác định Trung Quốc là đối thủ chính cũng làm EU bị phân hoá. Gần đây nhất, Mỹ ép các quốc gia EU phải tuân thủ lệnh cấm Huawei nếu không Mỹ sẽ không chia sẻ thông tin tình báo nữa. Những việc làm này đều làm cho EU cảm thấy Mỹ ngày càng đi theo con đường “nước Mỹ trên hết”, thiếu tôn trọng đồng minh, sẵn sàng o ép thậm chí trừng phạt đồng minh nếu cảm thấy không có lợi cho Mỹ.
Một điểm quan trọng khác là Mỹ phá vỡ nhiều cam kết quốc tế khiến đồng minh đặc biệt quan ngại, làm Mỹ và EU ngày càng cách xa nhau. Những liên minh giữa đôi bên vốn vững bền trong suốt và sau Chiến tranh Lạnh nay bỗng nhiên có khoảng cách. Liên minh giữa hai đối tác xuyên Đại Tây Dương chưa bao giờ gặp nhiều trục trặc như bây giờ. Mỹ và EU mâu thuẫn trên nhiều vấn đề từ cách đối phó với biến đổi khí hậu, hạt nhân Iran, tới mối đe doạ an ninh ở Trung Đông. Việc Mỹ rút quân khỏi Syria bị cả Pháp và Đức không tán thành là một ví dụ.
Chủ nghĩa dân tuý và dân tộc cực đoan không chỉ chi phối Hoa Kỳ mà đã lan đến cả EU. Việc nước Anh rút khỏi Liên Minh Châu Âu là một cú đánh mạnh vào tính toàn vẹn và toàn thể của Liên minh này. Nhiều lãnh tụ dân tuý đã thắng cử và suýt thắng cử ở nhiều quốc gia then chốt ở Châu Âu làm dấy lên mối lo Châu Âu sẽ bị chia cắt và tan vỡ. Nội bộ Châu Âu cũng đang bị tác động mạnh mẽ, chia rẽ trên nhiều vấn đề, trong đó có việc xử lý mối quan hệ với Mỹ và Trung Quốc.
Một số sự kiện diễn ra trong thời gian qua đã khiến Châu Âu nhận thức rõ hơn tình thế bị động của mình. Việc Nga tấn công Crimea và Gruzia mà EU không thể có hành động đủ mạnh để ngăn chặn cho thấy vai trò thực tế của EU trong các sự kiện an ninh quốc tế là ít, thậm chí các nhà phân tích còn cho rằng EU đã bất lực trong cuộc chơi quyền lực giữa các cường quốc như Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Hai điểm đã nói ở trên dẫn EU tới sự thay đổi tầm nhìn toàn cầu của họ. Các nhà lãnh đạo Châu Âu đang nhận rõ một thế giới mới đầy chia rẽ và biến động và nếu Châu Âu không có sức mạnh độc lập hơn và vai trò lớn hơn thì không thể giải quyết được. Châu Âu ngày càng cảm thấy sự ràng buộc và lệ thuộc vào Mỹ khiến cho giá trị và sức mạnh của Châu Âu suy giảm.
Điều này được thể hiện rất rõ khi theo dõi các phát biểu của lãnh đạo chủ chốt EU trong thời gian gần đây, đặc biệt tại Hội nghị an ninh Munich giữa tháng 2 năm 2020. Lãnh đạo EU và người dân châu Âu muốn thấy EU khẳng định mình là một thế lực toàn cầu theo đúng nghĩa, có sự độc lập với Mỹ.
Tại Munich, Tổng thống Đức F. Stein Meier kêu gọi cộng đồng quốc tế đoàn kết đồng thời cảnh báo chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của Trump để làm đảo lộn trật tự thế giới và gia tăng bất ổn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhận định, với chính sách hiện nay của Mỹ, vai trò của phương Tây có nguy cơ bị phân tán và suy yếu và những ưu thế về quân sự, kinh tế, công nghệ… dần suy giảm. Macron cho rằng “phương Tây đang suy yếu” vì “chính sách rút về, cân nhắc lại mối quan hệ Mỹ – EU” của Hoa Kỳ.
Vì vậy, lãnh đạo EU kêu gọi một tầm nhìn mới cho Châu Âu với sức mạnh quân sự mới. Là cường quốc hạt nhân duy nhất ở Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Pháp đã đề cập cụ thể đến tài sản hạt nhân của Châu Âu và chỉ ra một sự khác biệt chính trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh khi lá chắn hạt nhân của châu Âu chủ yếu được điều phối bởi Mỹ. Tại hội nghị Munich, Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn một Châu Âu có chủ quyền, nếu chúng tôi muốn bảo vệ công dân của mình, thì chúng tôi cần phải nhìn vào khía cạnh đó.”. Macron tin rằng Châu Âu cần mạnh mẽ nhiều hơn trong phòng thủ, việc tăng cường phòng thủ là điều cần thiết vì “lý do chủ quyền” chứ không phải là một dự án chống lại hay thay thế NATO.
Với tinh thần đó, Pháp chủ trương xây dựng một “EU độc lập”, với chính sách đối ngoại, quốc phòng chung. Pháp tuyên bố ngay cả khi không tìm được đồng thuận với các thành viên còn lại, Paris sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ai ủng hộ để xây dựng một châu Âu sẵn sàng trước cuộc “đối đầu giữa các nước lớn”, ở đây là Mỹ và Trung Quốc. Trong một hội nghị khác của NATO trước đây, Macron cũng đã tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Nga vì lợi ích của Châu Âu.
Đức là quốc gia có quan điểm gần tương tự Pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã nhấn mạnh vai trò của Đức đối với an ninh thế giới. Theo bà, Đức và châu Âu đã nhìn ra một tình huống chiến lược ngày càng được quyết định bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Bà tuyên bố Đức không trung lập mà ở lại với phương Tây và cam kết về một chính sách an ninh mạnh mẽ hơn.
Pháp và Đức cùng chung tầm nhìn về một châu Âu với sức mạnh quân sự mới và độc lập. Cả Pháp và Đức đều cho rằng EU cần xây dựng một “liên minh an ninh và quốc phòng châu Âu”, coi đây như một trụ cột mạnh mẽ của châu Âu trong NATO. Ngoài ra, EU cần phải can dự mạnh mẽ hơn trong cuộc xung đột quốc tế, dù là vấn đề Iraq, Libya hay ở Sahel.
Trong bối cảnh Mỹ có xu hướng từ bỏ Trung Đông, trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại đây, đây có thể là thời điểm để châu Âu chủ động hơn vì lợi ích của mình cả về chiến lược và kinh tế.
Như vậy, tầm nhìn địa chiến lược của Châu Âu đang xuất hiện xu thế thay đổi theo hướng chủ động và độc lập với Mỹ. Trong thời gian tới, Châu Âu sẽ đẩy mạnh việc phát huy ảnh hưởng địa chính trị ra các khu vực khác trong đó Châu Á và Đông Nam Á chắc chắn là một địa bàn quan trọng bậc nhất. Nhìn từ tầm nhìn này mới thấy Hiệp định thương mại mới ký với Việt Nam nằm trong một tính toán chiến lược rộng hơn phạm vi kinh tế đơn thuần.
Việt Nam là quốc gia nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng bậc nhất, ở trung tâm của Đông Nam Á và Châu Á, đang có nền kinh tế vươn lên mạnh mẽ và dân số tới gần 100 triệu người. Nằm sát với quốc gia khổng lồ Trung Quốc và có đường vươn ra biển dài, Việt Nam không hề là quốc gia nhỏ nữa mà đang vươn mình thành quốc gia tầm trung có ảnh hưởng lớn về địa chiến lược.
Chính vì thế, Việt Nam là quốc gia đang phát triển duy nhất trên thế giới có hiệp định thương mại tự do FTA với nền kinh tế hàng đầu trên thế giới EU.
Chính ông Jan Zahradil – Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu đã thừa nhận việc đa số nghị sĩ Châu Âu thông qua hiệp định đặc biệt này “xác nhận vị thế của Việt Nam như một cường quốc địa chính trị ở Đông Nam Á,” và “không một quốc gia nào trong khu vực Đông Nam châu Á có thể ký ngay được với Liên minh Châu Âu những hiệp định có tầm cỡ tương tự, ít ra là không thể trong tương lai gần. Hiệp định này mang lại cho Việt Nam một vị thế đặc biệt trong mối quan hệ với Liên minh Châu Âu.”
Ông Sven Simon – một Nghị sỹ Châu Âu, đã bỏ phiếu thuận cho Hiệp định cũng cho biết “Việt Nam là một trong những quốc gia có triển vọng nhất trong khu vực ASEAN,” và “điều rất quan trọng là người Châu Âu đã tìm được một đối tác đáng tin cậy ở khu vực này, đó là Việt Nam”.
Như vậy, cả hai đối tác EU đã nhìn thấy tầm quan trọng của địa chiến lược và các hiệp định định thương mại là một phương tiện quan trọng để hiện thực hoá tầm nhìn này. Việc EU đang xúc tiến đàm phán ký một hiệp định tương tự với Indonesia là một minh chứng nữa cho điều này.
EU đang vươn mình lên với khát vọng mới nhằm thoát khỏi chiếc ô của Mỹ như lời Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong bất kỳ tính toán nào của Châu Âu, Đông Nam Á với Việt Nam là trung tâm sẽ luôn là một ưu tiên. Hiệp định thương mại và bảo hộ đầu tư mới ký bất chấp những khác biệt còn lại về giữa hai bên về chính trị và nhân quyền đã cho thấy điều đó rõ ràng hơn bao giờ hết. Xu hướng thay đổi này của EU cũng phù hợp với xu thế “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của khu vực ASEAN mà Việt Nam đang đóng vai trò Chủ tịch trong năm 2020./.