Lời tòa soạn: “Spy Catcher” (tạm dich là “Người bắt gián điệp”) là cuốn sách của Peter Wright, trợ lý giám đốc Cơ quan tình báo quân sự Anh MI5, xuất bản lần đầu tiên ở Ô-xtrây-lia năm 1987 và bị cấm ở Anh trong nhiều năm. Do bị cấm, cuốn sách bán rất chạy và cho đến nay đã có hơn hai triệu bản được bán. Cuốn sách để lộ nhiều bí mật của MI5 như Roger Hollis, giám đốc MI5 là gián điệp nằm vùng, kế hoạch ám sát Tổng thống Ai Cập Nasser trong cuộc khủng hoảng kênh Suez, hoạt động điều tra Thủ tướng Anh Harold Wilson bị Golitsin (xem trong bài) cho là làm gián điệp cho Liên Xô…. Đặc biệt hơn cả là cuốn sách mô tả chi tiết các cuộc điều tra và bắt gián điệp Liên Xô hoạt động ở Anh. Tạp chí Phương Đông trích dịch một trong những cuộc điều tra như vậy.
Năm 1961. Bên ngoài đường phố Luân-đôn, người dân vẫn hô to “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay” trong khi ở Washington, vị tổng thống mới trẻ tuổi đang bận bịu gây dựng một biểu tượng văn hoá và xuất sắc. Trong thế giới ngầm tình báo bí mật, một thập kỷ bão tố rõ ràng đang hình thành. Trong những năm 1950, tình báo Mỹ, Anh nhất tâm theo đuổi chiến tranh lạnh với mục tiêu rõ ràng. Đây không phải là cuộc chiến dễ dàng gì và không phải không phức tạp. Nhưng đến đầu những năm 1960, một loạt điệp viên làm việc cho bộ máy tình báo Liên Xô đã đào nhiệm sang phương Tây, mỗi điệp viên lại mang theo thông tin về việc hoạt động xâm nhập an ninh phương Tây. Thông tin của những điệp viên đào nhiệm này thường khó hiểu và mâu thuẫn với nhau, nhưng có tác động là bắt đầu quá trình làm tê liệt dần cơ quan tình báo Anh và Mỹ vì nghi ngờ, và hoài nghi bắt đầu lan toả.
Nhân vật đào nhiệm đầu tiên đến phương Tây vào tháng 12 năm 1961. Tôi đang làm việc ở văn phòng sau chuyến đi Washington thì Arthur bước vào, một tay cầm điếu thuốc là tay kia cầm tờ Thời báo. Anh ta đưa tôi tờ giấy gập gọn ghẽ làm đôi.
“Có vẻ hay đấy…”, anh ta nói, tay chỉ vào đoạn nhỏ trong tờ báo viết về một thiếu tá Liên Xô tên là Klimov đã đến sứ quán Mỹ ở Helsinki cùng vợ và con và xin cư trú chính trị.
Không lâu sau, chúng tôi nghe được tin đồn là Klimov thực sự là một thiếu tá thuộc KGB và anh ta đã khai ra rất nhiều bạn bè của mình. Tháng 3 năm 1962, một bầu không khí phấn khởi bao trùm Phòng D. Arthur hút nhiều thuốc hơn bình thường, vẻ mặt như trẻ con đầy nhiệt tình khi anh ta đi lại dọc hành lang. Tôi biết thông tin Klimov khai ra đã đến.
“Có phải là có kẻ đào nhiệm?” Tôi hỏi anh ta một ngày nọ.
Anh ta dẫn tôi vào phòng làm việc, đóng cửa lại và kể cho tôi: “Kilimov thực ra là Antoli Golitsin, một sỹ quan cấp cao của KGB từng làm việc cho Cục 1 phụ trách các hoạt động gián điệp ở Anh và Mỹ và Cục Thông tin tại Mát-xcơ-va, trước khi làm việc ở Helsinki. Golitsin từng nằm trong danh sách phải theo dõi của CIA ở nhiệm kỳ nước ngoài trước, nhưng lại không được nhận ra trong vỏ bọc mới đến tận khi anh ta trình diện.
Sau những buổi khai thác thông tin ban đầu, CIA gửi cho MI5 10 hồ sơ, mỗi hồ sơ về một lời khai báo của Golitsin về hoạt động xâm nhập MI5. Lúc đầu Arthur giữ toàn bộ hồ sơ. Patrick Steward, quyền trưởng ban D3 (Nghiên cứu), tiến hành phân tích ban đầu các hồ sơ này, lập một bảng các nghi can phù hợp với hồ sơ. Sau đó hồ sơ lại được phân cho các sỹ quan khác nhau để tiếp tục điều tra chi tiết. Tôi được yêu cầu làm cố vấn kỹ thuật khi có yêu cầu.
Ba trong số 10 hồ sơ có thể nhận diện được ngay. Golitsin cho biết anh ta hiểu rằng có nhóm gián điệp “Bộ ngũ” rất nổi tiếng, được tuyển mộ ngay từ những năm 1930. Năm người này biết nhau và theo Golitsin thì họ đều biết người kia là gián điệp. Tuy nhiên Golitsin không thể định danh ai trong số đó cả nhưng lại biết là một người trong bọn họ có bí danh là Stanley và có liên quan đến hoạt động gần đây tại Trung Đông. Thông tin này hoàn toàn trung khớp với Kim Philby, hiện đang làm việc cho tờ “Người quan sát” ở Beirut. Anh ta cũng nói 2 trong số họ rõ ràng là Burgess và Maclean. Chúng tôi nghĩ rằng người thứ tư có thể là Anthony Blunt, giám sát viên phòng tranh của Nữ hoàng, vốn là sỹ quan MI5 nhưng bị nghi ngờ sau khi Burgess và Maclean đào nhiệm vào năm 1961. Nhưng danh tính người thứ năm hoàn toàn là điều bí ẩn. Do có hồ sơ của Gotlisin về “bộ ngũ”, Philby và Blunt được xem xét và đánh giá lại.
Hai hồ sơ cập nhật và chính xác trong số 10 hồ sơ là số 3 và số 8. Hai hồ sơ này đề cập đến gián điệp trong Hải quân chứng tỏ rằng Liên Xô coi trọng việc tìm kiếm thông tin về khả năng tầu ngầm và chống tầu ngầm của Anh và NATO. Có thông tin cho rằng hồ sơ số 3 là một điệp viên làm việc tại văn phòng tuỳ viên hải quân Anh ở Mát-xcơ-va. Đích thân tướng Gribanov, Cục trưởng Cục 2 phụ trách hoạt động tình báo ở bên trong Liên Xô. Một nhân viên Nga tên là Mikhailski làm việc trong đại sứ quán Anh cũng tham gia vào hoạt động này và điệp viên này đã cung cấp bản viết tay tài liệu mật anh ta đã đọc. Golitsin nói thêm năm 1956, điệp viên này trở về Luân Đôn làm việc tại Cục tình báo hải quân và KGB chuyển chỉ huy sang cho Cục Hoạt động Ngoại giao.
Theo Golitsin, gián điệp hải quân thứ hai, hồ sơ số 8, là một nhân vật cấp cao hơn. Golitsin nói rằng đã thấy bản tài liệu có đánh số của NATO, trong đó có hai tài liệu được đánh dấu “tối mật”. Anh ta ngẫu nhiên thấy những tài liệu này khi phụ trách NATO ở Cục Thông tin của KGB. Cục Thông tin này soạn thảo tài liệu tham khảo về chính sách đối với NATO cho Bộ Chính trị. Golitsin đang trong quá trình soạn thảo báo cáo về chiến lược của NATO thì có ba tài liệu được chuyển đến từ Luân Đôn. Thông thường các tài liệu đến chỗ Golitsin đều là tài liệu viết lại để che giấu nguồn. Tuy nhiên lần đó, vì tính chất cấp bách của công việc, anh ta được cung cấp bản chụp của tài liệu gốc. CIA cũng đã thử nghiệm Golitsin về câu chuyện của anh ta. Ba tài liệu này bao gồm các kế hoạch chi tiết mở rộng căn cứ tàu ngầm Clyde Polaris, kế hoạch tổ chức lại thế trận của hải quân NATO ở Trung Đông được đưa cho anh ta, trộn lẫn với một loạt tài liệu khác. Anh ta nhận được ngay ba tài liệu trên, anh ta còn giải thích rằng tài liệu về căn cứ Clyde Polaris có bốn tập hợp số trong danh sách lưu chuyển trong khi bản chụp chúng tôi đưa cho anh ta xác nhận lại có 6 tập hợp số. Khi chúng tôi kiểm tra lại thì phát hiện bản chụp như vậy tồn tại nhưng không thể tìm lại được nữa. Patrick Steward phân tích việc lưu chuyển ba tài liệu trên và một chỉ huy cấp cao của hải quân, hiện đã về hưu có vẻ như là người tình nghi duy nhất. Hồ sơ vụ này được chuyển cho Ban Điều tra.
Trong vài tháng kể từ khi Golitsin đào nhiệm, ba nguồn tin khác nằm giữa trung tâm của bộ máy tình báo Liên Xô độc lập xuất hiện, sẵn sàng cung cấp thông tin cho phương Tây. Hai người đầu tiên, sỹ quan KGB và GRU, đều làm việc cho phái đoàn Liên Xô tại Liên Hiệp quốc. Hai người này được đặt tên là Fedora và Top Hat (Mũ lụa). Người thứ ba đào nhiệm vào tháng 6 năm 1962. Đó là Yuri Nosenko, sỹ quan cao cấp của KGB, liên hệ và chủ động đề nghị cấp thông tin.
Nosenko đã nhanh chóng cung cấp một thông tin vô giá cho việc tìm kiếm gián điệp trong hải quân. Anh ta cho biết rằng người do Gribanov tuyển dụng được thực hiện thông qua quan hệ đồng tính luyến ái và gián điệp này cung cấp mọi bí mật của NATO từ “Công tước hải quân”. Từ NATO và người do Gribanov tuyển dụng làm cho MI5 gộp hai hồ sơ 3 và 8 vào một. Có một kẻ tình nghi rõ ràng, đó là John Vassal, nhân viên văn phòng Công tước Carrington. Ngay từ ban đầu John Vassal đã nằm trong danh sách tình nghi theo hồ sơ số 3 của Patrick Stewart, nhưng khi hồ sơ được chuyển đến Ronnie Symonds, sỹ quan điều tra thì anh ta lại đối lập với đánh giá của Stewart. Viên sỹ quan điều tra nghĩ rằng là người theo Thiên chúa giáo và có đạo đức tốt, Vassal không thể là nghi phạm hàng đầu. Thay vào đó, anh ta được đặt ở cuối danh sách. Sau khi có thông tin của Nosenko, chúng tôi tập trung vào anh ta và xác định được là anh ta là người đồng tính luyến ái và sống cuộc sống vượt quá những gì anh ta có trong một căn hộ sang trọng ở quảng trường Dolphin. MI5 gặp phải khó khăn kinh điển trong hoạt động phản gián. Không như những tội khác, hoạt động gián điệp không để lại dấu vết gì và bằng chứng là hầu như không thể có được trừ phi điệp viên khai hoặc bị bắt quả tang. Tôi được yêu cầu tìm hiểu xem có cách nào có thể chứng minh rằng Vassal lấy mang tài liệu ra khỏi văn phòng đô đốc không. Tôi cùng Frank Morgan lúc đó đang thí nghiệm dùng một lượng chất phóng xạ rất nhỏ để dánh dấu tài liệu mật. Ý tưởng là lắp đặt một máy đo Geiger ở cửa ra vào cơ quan của kẻ tình nghi để chúng tôi có thể phát hiện ra nếu có tài liệu mật bị đem ra. Chúng tôi thử với Vassal và không thành công. Ở bộ tư lệnh Hải quân có quá nhiều cửa ra và chúng tôi không chắc hắn ra cửa nào và máy đo Geiger thường bị đồng hồ tự sáng và các vật tương tự làm sai số. Cuối cùng thì toàn bộ kế hoạch này bị bỏ vì Ban giám đốc đưa ra ý kiến về nguy cơ phóng xạ đối với mọi người.
John Vassall, một công chức Anh làm gián điệp cho Liên Xô từ năm 1954 đến khi bị bắt giữ năm 1962. Ảnh chụp năm 1972, sau khi anh ta được ra tù.
Tôi thử tìm cách khác. Điều dễ hiểu là thử nghiệm của CIA cho thấy Golitsin có trí nhớ gần như máy ảnh, do vậy tôi quyết định tiến hành một thử nghiệm khác để xem xem anh ta có nhớ chi tiết về những ảnh chụp tài liệu NATO anh ta đã xem không. Thông qua thử nghiệm này có thể xác định là kẻ tình nghi chuyển bản bản gốc đi để chụp lại và sau đó lại được chuyển lại cho hắn ta hay không. Tôi cho chụp 25 lần trang đầu của tài liệu của NATO về căn cứ Clyde, mỗi ảnh chụp đều sử dụng phương pháp khác nhau mà chúng tôi biết Liên Xô vẫn khuyến nghị điệp viên của họ sử dụng hay phương pháp mà người Nga sử dụng trong đại sứ quán của mình và gửi cho Golitsin thông qua CIA. Khi được xem những bản chụp này, Golitsin ngay lập tức chọn ra bản chụp bằng máy ảnh praktina với ánh sáng từ hai đèn hai bên. Có được thông tin như vậy, chúng tôi thu xếp vào căn hộ của Vassal. Giấu kỹ trong ngăn kéo cuối cùng là máy ảnh praktina và cả máy Minox nữa. Tôi hôm đó, hắn ta bị bắt giữ. Chúng tôi có giấy phép khám nhà và căn hộ được lục soát không chừa chỗ nào. Trong chân bàn góc, chúng tôi tìm thấy một ngăn kéo bí mật chứa cuộn phim 35mm. Chúng tôi rửa cuộn phim này và trong đó chứa 176 tài liệu mật. Vassal nhanh chóng nhận đã chấp nhận làm việc cho Mát-xcơ-va năm 1955 do có quan hệ đồng tính luyến ái. Hắn ta bị xử và bị kết án 18 năm tù giam.
***
Các bạn có thể đọc nguyên bản cuốn “Spy Catcher” (Người bắt gián điệp) của Peter Wright tại thư viện Nguyễn Văn Hưởng.
Nguyên Mi dịch
(Theo Tạp chí Phương Đông)