75 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Có thể nói, ngay từ đầu, Quân đội nhân dân Việt Nam đã là con đẻ của phong trào cách mạng và nhân dân. Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), cuộc tổng diễn tập đầu tiên của cách mạng, đã xuất hiện lực lượng vũ trang nhân dân. Từ những cuộc biểu tình lưu huyết của công nông Vinh-Bến Thủy đã xuất hiện những đội tự vệ, những đội xích vệ đỏ đầu tiên. Chính những xích vệ ấy đã đi đầu trong việc bảo vệ các làng đỏ trong quá trình tồn tại Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Lực lượng võ trang nhân dân hình thành rõ nét hơn trong thời kỳ vận động trực tiếp cho thắng lợi của cách mạng Tháng Tám (1939-1945). Trong thời kỳ khởi nghĩa Bắc Sơn (9-1940), Đảng đã xây dựng đội du kích Bắc Sơn. Ngày 14 tháng 2 năm 1941, Đội du kích Bắc Sơn được chính thức thành lập ở khu rừng Khuỗi Nọi, xã Vũ Lễ, châu Bắc Sơn (Lạng Sơn). Đội có 32 người chia ra 3 tiểu đội do đồng chí Lương Văn Chi và Chu Văn Tấn chỉ huy. Vũ khí chỉ có 5 khẩu súng trường, còn toàn súng kíp và dao găm. Thời điểm ấy, ở Nam Bộ, đội du kích Nam Kỳ đã xuất hiện trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Cây đa Tân Trào, nơi Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời ngày 22/12/1944

Cũng lúc đó, ở Pác Bó (Cao Bằng) Hồ Chủ Tịch chỉ thị thành lập đội du kích Cao Bằng gồm 12 chiến sĩ do đồng chí Lê Quảng Ba chỉ huy. Để chuẩn bị về lý luận cho công tác xây dựng lực lượng võ trang, Hồ Chủ tịch đã viết các tác phẩm như: cách đánh du kích, phép dùng binh của Tôn Tử.

Hình thành quân đội của nhân dân

Tất cả những đội xích vệ, đội du kích dù còn rất nhỏ bé ấy chính là những tiền đề chuẩn bị để đến ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Hồ Chủ Tịch ủy nhiệm lãnh đạo.

Ngày 22 tháng 12 lịch sử ấy, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự trong đó lời thế thứ nhất khẳng định, quân đội sẵn sàng “hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật-Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới.”

34 đội viên của đội Tuyên truyền Giải phóng quân có 29 người là dân tộc thiểu số. Cụ thể, dân tộc Tày: 19, dân tộc Nùng: 8, dân tộc Mông: 1, dân tộc Dao: 1; còn lại 5 người dân tộc Kinh. Đội chỉ có 34 chiến sĩ với 34 cây súng nhưng đều là những chiến sĩ kiên cường của công nông được chọn lọc từ các đội du kích ở Cao-Bắc-Lạng, một số đã học quân sự ở nước ngoài, hầu hết đã qua chiến đấu.

Việc thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử quân đội ta. Chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Hồ Chủ tịch tuy ngắn nhưng rất súc tích bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta: vấn đề kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng võ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng võ trang, Hồ Chủ tịch đã có những nhận định tiên tri: “…Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội đàn anh mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu qui mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.

Chính vì ý nghĩa đó, ngày 22 tháng 12 năm 1944 được chọn làm ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lực lượng chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam, chấp hành chỉ thị phải đánh thắng trận đầu của Bác đã mưu trí táo bạo hạ đồn Phay Khắt (24/12) và Nà Ngần (25/12/1944) trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: “ăn mỗi ngày một bữa, đánh mỗi ngày hai trận”.

Tháng 4 năm 1945, theo quyết định của hội nghị quân sự Bắc Kỳ, Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc Quân đã thống nhất lại vào ngày 15 tháng 5 năm 1945 và mang tên Việt Nam Giải phóng quân. Lễ thống nhất được tổ chức tại Chợ Chu (Thái Nguyên) với 13 đại đội.

Tại các chiến khu cách mạng khác trong nước, lực lượng du kích cũng vẫn phát triển mạnh: tháng 5 năm 1945 thành lập trung đội du kích của chiến khu Quang Trung, tháng 6 năm 1945 đội du kích Đông Triều ra đời, đội du kích Ba Tơ cũng xuất hiện từ tháng 3 năm 1945..

Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, Việt Nam giải phóng quân có vai trò rất quan trọng: ngày 13 tháng 8, từ cây đa Tân Trào, đơn vị chủ lực Việt Nam giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã tiến về thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho tổng khởi nghĩa toàn quốc. Lực lượng võ trang đã hỗ trợ đắc lực cho lực lượng chính trị, tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ sau 15 ngày, ách đế quốc ngót trăm năm, ngai vàng phong kiến hàng ngàn năm đã bị lật nhào.

Vào ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quân đội mang tên Vệ quốc đoàn, đánh dấu thời kỳ mới của quân đội Việt Nam. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam và năm 1950 mới đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp

Ngày 19 tháng 12 năm 1946, kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ. Với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Vệ Quốc quân ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố, thị xã đã tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một lực lượng lớn quân địch, tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào kháng chiến lâu dài.

Ngày 07 tháng 10 năm 1947, thực dân Pháp huy động hơn 2 vạn quân tinh nhuệ có máy bay, tàu chiến hỗ trợ, mở cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan lãnh đạo kháng chiến và bộ đội chủ lực Việt Minh bằng chiến lược “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Thế nhưng sau hơn hai tháng chiến đấu, quân đội ta đã liên tiếp phản công tiêu diệt hàng nghìn tên địch, thu hàng nghìn súng các loại, làm nên thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc, bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ của cả nước, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp phát triển sang thời kỳ mới.

Sau chiến dịch Việt Bắc, để đánh bại âm mưu “Bình định” của địch, ta chủ trương phát động chiến tranh du kích rộng khắp. Tháng 6 năm 1950, ta mở chiến dịch Biên Giới, tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng một phần biên giới Việt – Trung, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Đầu tháng 9 năm 1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Tây Bắc, nối thông được vùng giải phóng Tây Bắc với căn cứ địa Việt Bắc và Thượng Lào. Tháng 9 năm 1953, quân đội lại mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 – 1954, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn.

Nhưng đỉnh cao nhất chính là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh; trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam mang sứ mệnh lịch sử đã đã góp phần quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước vào mùa Xuân 1975.

Từ phong trào “Đồng khởi” chống Mỹ Diệm, lực lượng vũ trang và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp của quân đội ta ở miền Nam từng bước hình thành. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.  Ngày 15 tháng 02 năm 1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ phận trực tiếp của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam.

Từ giữa năm 1965, khi Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa lực lượng chiến đấu của Mỹ vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam, quân đội ta trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các trận tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ. Đặc biệt, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) đã tạo bước ngoặt lớn, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Paris.

Giai đoạn 1969 – 1972, khi Mỹ chuyển sang Việt Nam hoá chiến tranh, huấn luyện và viện trợ để quân đội Sài Gòn tự chiến đấu, quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ với nhân dân Lào và Cam-pu-chia, giành được những thắng lợi to lớn trên chiến trường, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Đặc biệt, đầu năm 1972, quân đội ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, làm thay đổi so sánh lực lượng và thay đổi cục diện chiến tranh, dồn Mỹ và chính quyền Sài Gòn vào thế yếu trầm trọng hơn. Mỹ điên cuồng đánh bom miền Bắc để trả thù, nhưng quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ hai bằng B52 của Mỹ, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” tại bầu trời Hà Nội.

Thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Bắc và Nam buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” vào tháng 1 năm 1973, chấm dứt dính líu về quân sự, rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam. Điều này tạo thuận lợi cho Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng vào năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Xe tăng quân Giải phóng chiếm lĩnh Dinh Độc Lập năm 1975, chấm dứt sự xâm lược của Đế quốc Mỹ và chế độ Việt Nam Cộng hòa

Sau khi đánh bại hai đế quốc lớn là Pháp và Mỹ, mang lại độc lập và thống nhất cho Tổ quốc, quân đội ta còn tiếp tục đánh thắng hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Đặc biệt, trong cuộc chiến với 60 vạn quân Trung Quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979, Các lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ đã phối hợp với bộ đội chủ lực cùng đồng bào các dân tộc vùng biên giới anh dũng chiến đấu, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, buộc Trung Quốc phải rút hết quân vào ngày ngày 16 tháng 3 năm 1979.

Nhìn lại toàn bộ các mốc son chói lọi trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta có thể thấy quân đội ta từ một lực lượng nhỏ bé, vũ khí trang bị thô sơ đã vươn lên thành một đội quân hùng hậu, chính quy hiện đại, đánh thắng những đội quân hùng mạnh nhất trong những trận chiến được ghi vào lịch sử quân sự thế giới.

Ngày 22 tháng 12 hàng năm, toàn dân Việt Nam lại tiến hành các hoạt động kỷ niệm nhằm ghi nhớ công ơn của quân đội nhân dân, tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, giáo dục lòng yêu nước và bảo vệ Tổ Quốc. Ngày này, chúng ta cũng không quên nhắc về sự hy sinh to lớn của những người lính vì độc lập dân tộc, họ là những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Những người lính ấy mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ động viên to lớn cho các thế hệ người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Những hoạt động kỷ niệm ngày 22 tháng 12 cũng là lời nhắc nhở quân đội phải luôn hướng tới nhân dân, phục vụ nhân dân để xứng đáng với tên gọi: Quân đội nhân dân, bởi sức mạnh của quân đội có được nhờ nhân dân, như Hồ Chủ tịch đã tổng kết: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là quân đội nhân dân”./.

Bình Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN