Nhìn lại những giá trị của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga lịch sử

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là một sự kiện lịch sử quan trọng đánh dấu sự ra đời của nhà nước Nga Xô viết. Cách mạng Tháng Mười nổ ra vào ngày 24 tháng 10 năm 1917 do Vladimir Ilyich Lênin và Ðảng Bolshevik lãnh đạo.

V.I. Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại

Bối cảnh nước Nga và Quốc tế trước Cách mạng

Trước đó, nước Nga đã diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Hai, dẫn tới tồn tại song song hai chính quyền đó là: chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và chính phủ đại biểu công nhân và binh lính. Sau khi nắm được chính quyền, chính phủ lâm thời đã không giải quyết những vấn đề như vấn đề ruộng đất, vấn đề việc làm và vẫn kiên quyết theo đuổi chiến tranh đế quốc. Trái với kỳ vọng của người dân Nga, lãnh đạo chính phủ lâm thời là Alexander Kerensky vẫn muốn nước Nga tiếp tục tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất dù đất nước đã trở nên kiệt quệ và tới giữa năm 1917, gần 2 triệu lính Nga đã tử trận và khoảng 5 triệu bị thương trong cuộc chiến này. Tâm lý phản chiến dâng cao trong lòng xã hội Nga.

Trong hoàn cảnh đó, lãnh tụ của Đảng Bolshevik, Vladimir Ilyich Lênin từ Thụy Sĩ trở về Phần Lan vào đầu tháng 4 năm 1917 nhận được sự ủng hộ rất lớn của người dân Nga. Thời gian này, Lênin có bài phát biểu quan trọng với tên gọi “Luận cương tháng Tư” chỉ ra con đường chuyển từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lênin cho rằng cần chấm dứt tình trạng 2 chính quyền song song tồn tại bằng cách chuyển giao chính quyền về tay công nông. Ông cũng chỉ rõ phải sẵn sàng chuyển sang khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền trong trường hợp cần thiết, kêu gọi nhân dân lao động đứng lên làm cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của đảng Bolshevick, từ tháng 4 tới tháng 7, hàng chục vạn người dân Nga xuống đường biểu tình hòa bình, giơ cao khẩu hiệu “Tất cả chính quyền về tay Xô Viết”, “Hòa bình, ruộng đất, bánh mì” “Đả đảo chiến tranh”. Những cuộc biểu tình này làm cho chính phủ lâm thời khủng hoảng. 

Tin tức từ mặt trận cho biết quân đội của Chính phủ lâm thời thất bại nặng nề khi 60.000 binh lính Nga bị bắt hoặc bị giết, hơn 200.000 bị thương càng làm nhân dân Nga phẫn nộ. Ngày 3 tháng 7, hơn 500.000 người dân Petrograd xuống đường biểu tình đòi chuyển giao chính quyền về tay xô viết nhưng Chính phủ lâm thời đã từ chối và ra lệnh bắn vào đoàn biểu tình, làm hơn 1000 người chết và 2000 người bị thương. Chính phủ ra lệnh truy nã Lênin để đưa ra tòa, ông phải sang Phần Lan để chỉ đạo cuộc cách mạng. Các đơn vị cách mạng bị tước khí giới hoặc bị đẩy ra mặt trận.

Tuy vậy, chính sách tiếp tục theo đuổi chiến tranh của chính phủ Kerensky và các cuộc nổi loạn bị dập tắt càng khiến uy tín của đảng Bolshevik tiếp tục dâng cao. Chính phủ lâm thời của Kerensky ngày càng tỏ ra yếu kém trong việc điều hành đất nước. Từ mùa thu năm 1917, nước Nga đã lâm vào một cuộc khủng hoảng rất trầm trọng. Nền kinh tế đất nước suy sụp, sản xuất công nghiệp giảm 36,4% so với năm trước, chiến tranh và xung đột nội bộ khiến giao thông vận tải hầu như bị tê liệt. Nạn đói đã xảy ra ở không chỉ nông thôn mà cả các thành phố. Ngoài mặt trận, quân đội Nga tan rã hàng loạt, quân đội Đức liên tiếp chiếm được nhiều vùng lãnh thổ của Nga. Bối cảnh trong nước và quốc tế như vậy càng khiến người dân Nga cảm thấy rất bất bình với Chính phủ lâm thời. Số lượng các Xô viết ở trong nước Nga đã tăng lên nhanh chóng, từ 600 Xô viết vào tháng 3 đã lên tới 1600 Xô viết trong tháng 9 năm 1917. Sự lớn mạnh nhanh chóng này của giai cấp công nông, lực lượng tiên phong của Cách mạng cùng với sự suy yếu của Chính phủ lâm thời càng đẩy nước Nga vào tình thế chín muồi cho một cuộc Cách mạng mới.

Alexander Kerensky, Thủ tướng chính phủ lâm thời của Nga trước cuộc Cách mạng tháng Mười

Diễn biến của cuộc Cách mạng

Sang tháng 10, làn sóng cách mạng lan tràn khắp nước Nga. Ngày 7 tháng 10, V.I. Lênin từ Phần Lan bí mật trở về nước trực tiếp lãnh đạo đấu tranh và ra quyết định khởi nghĩa vũ trang. Lênin đã quyết định tổ chức nổi dậy sớm vào ngày 24 tháng 10.

Chiều ngày 24 tháng 10, Lênin cải trang đến điện Smolny để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Quân Cách mạng tập trung lực lượng đánh chiếm các khu vực đầu mối, trụ sở các bộ, tổng đài điện thoại, nhà ga, các cầu. Trong đêm 24 và ngày 25, các đơn vị Cách mạng đã đánh chiếm các vị trí then chốt ở thủ đô. Ngay trong đêm 24 tháng 10, quân khởi nghĩa đã chiếm được toàn bộ Petrograd, bao vây Cung điện Mùa Đông.

Sáng ngày 25 tháng 10, các trung đoàn Cozak sông Đông số 1, 4, 14 của Chính phủ lâm thời cũng đã ngầm ủng hộ quân cách mạng nên không thi hành mệnh lệnh giải cứu Chính phủ. Các đơn vị ở Petrograd cũng từ chối tiếp viện. Kerensky đã lợi dụng xe của đại sứ quán Hoa Kỳ để trốn khỏi thành phố.

Cuộc tấn công Cung điện Mùa Đông diễn vào rạng sáng ngày 25 tháng 10. Vòng vây khép chặt và 3 giờ chiều, đại bác được chĩa thẳng vào Cung điện Mùa Đông.

Đến 6 giờ chiều, cung điện đã bị vây chặt, quân Cách mạng tiến sát đến cung điện và chiếm lấy tất cả những góc đường và các mái nhà ở bến tàu cạnh cung điện.

9 giờ 45 phút tối, chiến hạm Rạng Đông nổ loạt đại bác báo hiệu tấn công. Binh sĩ cách mạng tràn vào cung điện. Quân phòng thủ cung điện chỉ kháng cự lẻ tẻ rồi nhanh chóng tan rã. Cuộc chiến diễn ra tới 2 giờ 45 phút sáng thì kết thúc. Toàn bộ chính phủ lâm thời bị bắt trừ Kerensky).

Cuộc Cách mạng tuy diễn ra quyết liệt nhưng lại khá hoà bình và không gây tổn thất lớn. Theo nhà sử học Mỹ Richard Pipes, trong cuộc tấn công vào Cung điện Mùa đông chỉ có năm người chết và một số người bị thương, hầu hết là do đạn lạc.

Ngay trong đêm 25 tháng 10 theo lịch Nga cũ, Đại hội Xô viết toàn Nga lần thứ hai tuyên bố khai mạc tại điện Smoniyl và tuyên bố thành lập chính quyền Xô viết do Lênin đứng đầu. Các sắc lệnh đầu tiên của chính quyền Xô viết đã được thông qua là Sắc lệnh hòa bình và Sắc lệnh ruộng đất.

Sau thành công ở Petrograd và Moscow, các cơ quan trung ương và Xô viết các địa phương được thành lập. Tới cuối tháng 11, Chính quyền Xô viết đã được thành lập ở 28 tỉnh (trong tổng số 49 tỉnh) thuộc phần lãnh thổ châu Âu của nước Nga. Đến cuối tháng 3 năm 1918, Chính quyền Xô viết đã giành được thắng lợi hoàn toàn trên phạm vi cả nước Nga rộng lớn.

Tháng 12 năm 1917, Hội đồng Kinh tế Quốc dân Tối cao được thành lập nhằm xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Hội đồng có trách nhiệm thực hiện cải cách ruộng đất, theo đó xóa bỏ việc chiếm hữu ruộng đất của giới địa chủ, trao lại ruộng đất cho nông dân. Đối với công nghiệp, Hội đồng thực hiện quốc hữu hóa một số nhà máy lớn.

Ngày 3 tháng 3 năm 1918, nước Nga Xô viết ký Hòa ước Brest-Litovsk chính thức rút khỏi Chiến tranh thế giới thứ nhất. Người dân Nga cuối cùng đã có được hòa bình để bắt tay vào hàn gắn những tàn phá của cuộc chiến tranh thế giới đẫm máu.

Trong khi nước Nga đang xây dựng lại đất nước thì các phần tử Bạch vệ với sự giúp sức của 14 nước đế quốc đã ra sức lật đổ chính quyền Xô viết. Trước tình hình đó, Lênin đã áp dụng chính sách cộng sản thời chiến. Cuộc chiến với phe phản cách mạng đã diễn ra từ đầu năm 1918 đến tháng 11 năm 1920 khi Hồng quân đã đánh tan ngoại xâm và nội phản. Cuộc nội chiến kết thúc với thắng lợi thuộc về chính quyền Xô viết, nước Nga Xô viết do Lênin lãnh đạo được giữ vững.

Ý nghĩa cuộc Cách mạng và vai trò của Lênin

Nguyên nhân thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga là do đường lối đấu tranh và sách lược đúng đắn của Đảng Bolshevik mà lãnh đạo là Lênin. Lênin đã tận dụng thời cơ của chiến tranh thế giới lần thứ nhất và sức mạnh quần chúng đang chịu nhiều khổ cực do chiến tranh đế quốc. Lênin đã có những tiên đoán rất chính xác về thời điểm và diễn tiến của Cách mạng, trong đó then chốt là việc các nước đế quốc đang bận tham gia vào Chiến tranh thế giới thứ nhất, không có điều kiện can thiệp ngay vào nước Nga. 

Với những người cộng sản và các phong trào giải phóng dân tộc chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng này, Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, do giai cấp vô sản tiến hành, thắng lợi của cuộc cách mạng đã hình thành nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trên thế giới, đưa nước Nga đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cách mạng Tháng Mười đã giải phóng các dân tộc thiểu số trên Đế quốc Nga khỏi thân phận phụ thuộc, bị chế độ Sa hoàng áp bức, bóc lột. Ngoài ra Cách mạng Tháng Mười Nga còn cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân quốc tế và nhân dân các nước thuộc địa, mở ra con đường cải biến chủ nghĩa tư bản và giải phóng các dân tộc bị áp bức.

Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng vĩ đại, bùng nổ là tất yếu, hợp với quy luật phát triển của lịch sử, bởi hình thức tồn tại kiểu chế độ Nga hoàng đã lỗi thời. Cuộc cách mạng này đã đưa nhân dân đến với sự bình đẳng giữa các công dân trong xã hội, sự thống nhất và đoàn kết giữa các dân tộc.

Ngay cả những kẻ thù của Cách mạng cũng không thể phủ nhận Cách mạng tháng Mười có thể thành công được là nhờ được đa số nhân dân Nga ủng hộ. Nhờ sự ủng hộ của đa số nhân dân mà nhà nước Bolshevik non trẻ mới có thể huy động được lực lượng để đập tan các nhóm chống cách mạng trong nước, và còn đánh thắng được cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc.

Tới nay, đa số người dân Nga vẫn cho rằng Cách mạng Tháng Mười Nga đã đem lại lợi ích cho nhân dân Nga và đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước Nga. Trên phạm vi thế giới, Cách mạng Tháng Mười là một trong những sự kiện có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20, không chỉ đánh dấu sự ra đời một nhà nước Cộng sản đầu tiên trên thế giới, đó còn là một nhà nước ủng hộ phong trào cộng sản và công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa. Liên Xô đã thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản lan rộng ra toàn thế giới buộc các nước phương Tây phải cải cách nền kinh tế – chính trị – xã hội của mình để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Thủy thủ hạm đội Baltic và các chiến sĩ Cận vệ đỏ tấn công Cung điện Mùa Đông

Cuộc cách mạng cũng tác động lớn đến các thuộc địa. Vào thời bấy giờ, hầu hết các nước châu Á, châu Phi đều bị các nước thực dân phương Tây xâm chiếm và biến thành thuộc địa. Trong suốt hàng trăm năm, các phong trào đòi độc lập ở các nước này đều bị dập tắt do thực lực yếu và không có lực lượng quốc tế nào ủng hộ. Sau khi ra đời, Liên Xô đã hỗ trợ rất nhiều về vật chất và ngoại giao để giúp các nước này giành độc lập. Trung Quốc giành được độc lập cũng nhờ sự hỗ trợ của Liên Xô. Nhiều nước khác ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ La-tinh được sự hỗ trợ chính trị và viện trợ kinh tế – quân sự của Liên Xô đã vùng lên đấu tranh đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân. Đến những năm 1970 thì hệ thống thuộc địa của thực dân phương Tây đã bị tan rã sau 300 năm tồn tại. Thành tựu ấy không thể có được nếu như không có Lênin và cuộc Cách mạng tháng 10.

Tại Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chính là người đã nhận ra từ rất sớm vai trò của giai cấp công nông trong cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, ông coi đó là con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam khỏi ách thực dân. Hồ Chủ tịch viết:

“Chỉ có đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười – con đường duy nhất đúng đắn – Cách mạng Việt Nam mới giành được độc lập, tự do thực sự…  Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất.

Cách mạng tháng 10 cũng mở ra một trang mới trong lịch sử đấu tranh vì quyền con người. Lênin và Cách mạng đã thực hiện nhiều chính sách hướng đến lợi ích của người lao động và công bằng xã hội như thực thi quyền bình đẳng của phụ nữ, cấm phân biệt chủng tộc, quyền làm việc 8 giờ/ngày, chống sa thải lao động vô cớ, trợ cấp cho người già và người tàn tật, giáo dục và y tế miễn phí… Đây là những chính sách mà các nước phương Tây cùng thời kỳ chưa hề có. Sự ra đời và tồn tại của Nhà nước Xô viết đã tạo ra áp lực khiến các nước tư bản phương Tây phải tự cải cách, mở rộng các quyền lợi của người lao động và phúc lợi xã hội. Ngày nay, nhiều chính sách của Nhà nước Xô viết đã được các nhà nước hiện đại tiếp thu, trở thành giá trị phổ quát ngay cả ở các nước phương Tây vốn từng muốn dập tắt cuộc Cách mạng. Chính vì thế, cho dù thời gian đã qua đi 102 năm, không một thế lực nào có thể phủ nhận sự vĩ đại và giá trị vĩnh hằng của một cuộc Cách mạng không chỉ giải phóng nước Nga mà đã giải phóng con người khỏi xiềng xích và nô lệ./.

Bình Minh

(Theo Tạp chí Phương Đông)

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN