Những bằng chứng lịch sử về chủ quyền Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam (Kỳ 1)

Việt Nam đã công bố bằng chứng cho thấy người Việt Nam lần đầu tiên đặt chân đến Hoàng Sa từ thế kỷ 17. Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, bằng chứng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam có thể được tìm thấy trong các công trình bản đồ Việt Nam của Đỗ Bá trong phần ba của Hồng Đức Bản đồ tập. Những ghi chú đi kèm trong bản đồ “cho biết từ đầu thế kỷ 17 chính quyền Việt Nam đã thường xuyên cử người và tàu bè” đến quần đảo Hoàng Sa. Tương tự, bản đồ Toàn tập Thiên Nam Tứ chí Lộ đồ Thư thế kỷ 17 (Route Map from the Capital to the Four directions) – cũng chỉ ra rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm dưới sự kiểm soát của nhà Nguyễn. Các bằng chứng đó còn được tìm thấy ở 12 bộ sách sử của Việt Nam từ năm 16—đến năm 1882, cũng như trong bản đồ và tài liệu của các nước khác trong suốt thế kỷ 17, 18 và 19.

Những bộ sách sử của Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

  • Đại Nam thực lục tiền biên
  • Đại Nam thực lục chính biên
  • Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư
  • Giáp Ngọ niên bình Nam đồ
  • Phủ biên tạp lục
  • Lịch triều hiến chương loại chí
  • Đại Nam nhất thống toàn đồ
  • Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ
  • Đại Nam nhất thống chí
  • Hoàng Việt dư địa chí
  • Việt sử thông giám cương mục khảo lược
  • Những tài liệu chính thức khác của triều đình nhà Nguyễn về các kiến nghị và quyết định của triều đình

Những ghi chép của phương Tây từ thế kỷ 17 cũng thể hiện sự tin tưởng đối với những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam. Bản đồ của Bồ Đào Nha và Hà Lan từ những năm đầu thế kỷ 17 đã công khai thừa nhận Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam. Thêm vào đó, vào năm 1701, một nhà truyền giáo phương Tây trên con tàu Amphitrite của Pháp trong Mystere des atolls – Journal de voyage aux Paracels (Bí ẩn đảo San hô – Chuyến du thuyền qua quần đảo Hoàng Sa) đã viết “quần đảo Hoàng Sa thuộc về An Nam.”

Những bài viết của phương Tây từ thế kỷ 19 cũng giống như vậy, ủng hộ những bằng chứng lịch sử của Việt Nam. Nhà truyền giáo Monseigneur Jean-Louis Taberd ở Nam Kỳ đã cho xuất bản một bài viết có tựa Ghi chép địa lý Nam Kỳ (Note on the Geography of Cochinchina) vào năm 1837. Bài viết này mô tả quần đảo Hoàng Sa như một phần của Nam Kỳ và cho biết người Nam Kỳ gọi Hoàng Sa là “Cát Vàng.” Tác phẩm thứ 2 của Monseigneur Taberd xuất bản năm 1838 – History and Description of the Religion, Customs, and Morals of All Peoples – cũng nhận định quần đảo Hoàng Sa là một phần của Nam Kỳ trong vòng 3 năm. Bản đồ An Nam Đại Quốc Họa Đồ (Tabula geographica imperia Anamitici) ấn hành kèm theo cuốn Nam Việt dương hiệp tự vị của Taberd xuất bản năm 1838 cũng miêu tả quần đảo Hoàng Sa.

Trong bản ghi chép Memoires sur la Cochinchina, Jean-Baptiste Chaigneau, một sĩ quan hải quân Pháp, người đóng vai trò dẫn đầu tại Việt Nam trong suốt thế kỷ 19, đề cập đến việc sáp nhập quần đảo Hoàng Sa năm 1816 của Vua Gia Long: “Nam kỳ, chủ quyền được Vua đặt tên, bao gồm lãnh thổ Nam Kỳ, Bắc Kỳ, một phần Campuchia, một số đảo không người ở gần bờ và quần đảo Hoàng Sa (gồm các rạn san hô và đá không người ở). Vua hiện nay sở hữu quần đảo này từ năm 1816.

Xuất bản lần đầu năm 1923 tại Hà Nội, cuốn sách của André Salles kể về cuộc đời của Jean-Baptiste Chaigneau, một sĩ quan hải quân Pháp đã phục vụ triều đình Gia Long suốt 30 năm. Cuốn sách này có in lại bản hồi ký “Mémoire sur la Cochinchine” của Jean-Baptiste Chaigneau. Bản hồi ký viết tay gốc được lưu tại Văn khố Bộ Ngoại giao Pháp.

Bức thư do Quyền thống đốc của An Nam Le Fol gửi tới Toàn quyền Đông Dương vào ngày 22/1/1929 cũng xác nhận Việt Nam quản lý hữu hiệu quần đảo Hoàng Sa từ đầu thế kỷ 18 trở đi: “Quần đảo Hoàng Sa dường như không có vấn đề gì cho đến tận đầu thế kỷ trước. Monsignor Jean Louis Taberd cho biết sự chiếm đóng của triều đình Gia Long đối với quần đảo Hoàng Sa năm 1816.”

Các học giả Việt Nam và phương Tây cũng cho rằng những bài viết và tài liệu địa lý của Trung Quốc đã xác nhận những bài viết của phương Tây là chính xác. Ví dụ, vào năm 1730, Hai Lu đã viết trong Hải Quốc Đồ Chí rằng “ …Trường Sa tạo thành một thành lũ bao quanh An Nam (Việt Nam).” Bản đồ của tỉnh Quảng Châu kèm theo chú thích của tỉnh trưởng Quỳnh Châu xuất bản năm 1731 đã không đề cập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Sự thiếu sót này được xác thực trong Bản đồ Đế chế Hợp nhất (Map of the Unified Empire) năm 1894 của Hoang Chao. Trong bản đồ này, lãnh thổ Trung Quốc chỉ mở rộng đến phần phía nam đảo Hải Nam. Tương tự, trong Sổ tay địa lý Trung Quốc (Zhonggio Dilixue Jiaokeshu) năm 1906 và cụ thể trong chương Tổng quát đã viết “lãnh thổ Trung Quốc bị giới hạn ở phía nam tại vĩ độ 18°13′ Bắc, điểm cuối cùng là bờ Dương Châu – đảo Hải Nam.” Một bản báo cáo tương tự được tìm thấy trong Địa lý Quảng Đông của Li Hanzhung năm 1909 – “Ngày nay, biên giới biển bị giới hạn ở phía nam đảo Hải Nam…”

Khai thác kinh tế ở quần đảo Hoàng Sa 

Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rằng việc khai thác có hệ thống nguồn tài nguyên ở Hoàng Sa sớm nhất là vào thế kỷ 15, nhưng chắc chắn không muộn hơn năm 1653. Khai thác kinh tế quần đảo dần dần phát triển từ thế kỷ 15 trở đi, dẫn đến việc thành lập Hải đội Hoàng Sa của triều Nguyễn để “đảm bảo khai thác có chừng mực những đảo này.” Trong tác phẩm lịch sử Phủ biên tạp lục (Miscellaneous Records on the Pacification of the Frontiers), Lê Quý Đôn viết: 

Nhà Nguyễn thành lập Hải đội Hoàng Sa gồm 70 người…Mỗi năm họ thay phiên nhau ra khơi vào tháng giêng âm lịch…Mỗi người được cung cấp thực phẩm khô đủ cho 6 tháng… Họ ra đến các đảo sau 3 ngày. Họ được tự do thu thập những gì họ thích, bắt chim và cá để ăn. Họ đi tìm những con tàu bị đắm mang theo những thanh kiếm đồng, ngựa đồng, đồ trang trí bằng bặc, tiền, nhẫn bạc và những đồ dùng bằng đồng khác, vàng thỏi và than chì, súng và ngà voi, mỡ bò tổ ong vàng, chăn nỉ, đồ gốm, v.v. Họ cũng thu thập số lượng lớn mai rùa, nhím biển và ốc xà cừ sọc. Hải đội Hoàng Sa chỉ trở về vào tháng 8 âm lịch. Họ đến Phú Xuân (Huế ngày nay ) để nộp những hàng hóa thu thập được để cân đo và xác minh, sau đó đánh giá trước khi họ có thể bắt đầu tiến hành bán ốc xà cừ sọc, mai rùa và cầu gai. Chỉ khi Hải đội đưa ra chứng nhận thì họ mới có thể về nhà.

Thành viên của các đội Hoàng Sa được miễn thuế thân và được thưởng tiền cho những nỗ lực của họ. Cũng vì lẽ ấy, “những ai không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị phạt tùy theo thất bại hay sai lầm của họ nghiêm trọng đến đâu”.

Những năm đầu thế kỷ 18, việc khai thác Hoàng Sa trở nên ít lợi nhuận hơn. Lê Quý Đôn cho biết trong năm 1702, “Hải đội Hoàng Sa đã thu được 30 khối bạc”; trong năm 1704, “5100 cân ta (1 cân ta ~ 600g) thiếc được thu thập”; trong năm 1705, “126 khối bạc được thu thập”; giữa năm 1709 và 1713, “Hải đội chỉ thu thập được một ít cân ta mai rùa biển và nhím biển”. Kết quả là, quá trình hoạt động bị giảm từ 6 tháng xuống còn 2 tháng.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết các cuộc thám hiểm cho thấy vào thế kỷ 18 Chúa Nguyễn đã “quan tâm đến khả năng kinh tế của quần đảo Hoàng Sa” và “thực tế rằng không nước nào phản đối… là bằng chứng cho thấy quyền chủ quyền của nhà Nguyễn đối với quần đảo không bị thách thức bởi bất kỳ nước nào.” Trên thực tế, Bộ Ngoại giao cũng cho rằng việc Việt Nam khai thác Hoàng Sa trong suốt thời gian này được tiến hành một cách công khai và hòa bình, và đã được “Trung Quốc thời đó công nhận để thực thi quyền hợp pháp đối với quần đảo này.”

Cũng giống như triều đại tiền nhiệm, triều đại Tây Sơn (1778-1802) tiếp tục triển khai các đội tàu Hoàng Sa đến quần đảo Hoàng Sa để khai thác tài nguyên. Năm 1786, Thường Tướng Công yêu cầu Chỉ huy của đội tàu Hoàng Sa, Hội Đức Hầu “dẫn bốn tàu cá tiến thẳng tới quần đảo Hoàng Sa và những đảo khác trên biển để thu thập trang sức, những đồ dùng bằng đồng, súng các loại, rùa biển, và những loài cá đắt tiền và để quay trở lại kinh đô để cống nạp hết tất cả những hàng hóa kể trên theo luật hiện hành.”

Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ ra rằng một nhà xuất bản của Anh từ đầu thế kỷ 19 khẳng định Việt Nam đã khai thác một cách hữu hiệu quần đảo Hoàng Sa. Trong cuốn Hành trình tới Nam Kỳ (A Voyage to Cochinchina) xuất bản năm 1806 của John Barrow, tác giả ghi chép về những chuyến đi tại Nam Kỳ của Sứ thần Anh được cử đến Trung Hoa, Count George Macartney. Cuốn sách cũng mô tả chi tiết về “các loại thuyền được người Nam Kỳ sử dụng để tới quần đảo Hoàng Sa bắt hải sâm và lấy tổ yến.”

Cuốn sách A Voyage to Cochinchina (Hành trình tới Nam Kỳ) của tác giả John Barrow xuất bản năm 1806 tại London, mô tả chi tiết về “các loại thuyền được người Nam Kỳ sử dụng để tới quần đảo Hoàng Sa bắt hải sâm và lấy tổ yến.”

Khai thác kinh tế phốt phát trên quần đảo Hoàng Sa bắt đầu trở lại từ năm 1956 khi Bộ Kinh tế cấp phép cho một doanh nhân Sài Gòn có tên Lê Văn Cang để khai thác phốt phát trên các bán đảo Sơn Trà, Đảo Hữu Nhật và Hoàng Sa. Công ty phân bón Việt Nam cũng được cấp phép năm 1959 để khai thác và vận chuyển phốt phát đến công ty của Singapore (Yew Huatt) – công ty đã khai thác phân chim theo giấy phép năm 1963. Trong năm tiếp theo, khai thác thương mại quần đảo Hoàng Sa được trao cho Công ty phốt phát Việt Nam. Từ năm 1957 đến 1962, hơn 24.000 tấn phốt phát được khai thác từ quần đảo này. Sản xuất bị ngưng trệ trong 10 năm do không thu được đủ lợi nhuận, nhưng mối quan tâm dành cho khai thác phốt phát lại nổi lên năm 1973 sau khi Việt Nam Cộng hòa phải trải qua thời kỳ thiếu phân bón nghiêm trọng. Một cuộc nghiên cứu tính khả thi của việc liên kết giữa Công ty phân bón Việt Nam và đối tác Nhật Bản – Marubeni Corporation của Tokyo được tiến hành cùng năm. Sau khi nghiên cứu, chính quyền Việt Nam ký hợp đồng cho phép các công ty nước ngoài khai thác nguồn phốt phát trên Hoàng Sa từ tháng 7/1973. Các hợp đồng đã bị chấm dứt một cách đột ngột khi hải quân Trung Quốc tấn công và chiếm đóng toàn bộ quần đảo năm 1974.

Sau khi thống nhất đất nước năm 1975-1976, chính quyền mới của Việt Nam cũng tham gia vào những thỏa thuận hợp tác với nhiều nước, trong đó có Nhật Bản (tháng 7/1978) và Liên Xô (tháng 7/1980) để khám phá và khai thác trữ lượng dầu khí trong và xung quanh quần đảo Trường Sa.

Quản lý hữu hiệu của chính quyền Việt Nam về biển đảo

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, bắt đầu từ năm 1802, Việt Nam đã liên tục khẳng định quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Năm 1815, Vua Gia Long đã yêu cầu Phạm Quang Ánh tiến hành khảo sát và lập tuyến đường biển xung quanh quần đảo. Năm sau đó, Việt Nam chính thức sở hữu quần đảo sau lễ cắm cờ. Những chuyên gia pháp lý từ Bộ Ngoại giao Pháp đã xác định “sự sáp nhập, ngay cả khi không có sự chiếm đóng hữu hiệu, dường như được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành” và “do đó sự sáp nhập trao danh nghĩa chủ quyền hợp pháp cho An Nam”.

Lễ cắm cờ năm 1816 được ghi chép lại trong Ghi chép về Địa lý Nam Kỳ (Note on the Geography of Cochinchina) của Mục sư Jean-Louis Taberd năm 1837 (được in trong Journal of the Royal Asiatic Society of Bengal, India). “Năm 1816, Vua Gia Long trang nghiêm cắm cờ và từ đó sở hữu những hòn đảo này. Không ai tranh chấp với ông về việc này.” Một bản tường thuật tương tự trong Notice sur la Conchinchine của Jean-Baptiste Chaigneau viết: “Nam kỳ bao gồm lãnh thổ Nam Kỳ, Bắc Kỳ và một vài đảo không người cách xa bờ biển và quần đảo Hoàng Sa… Vào năm 1816 Vua Gia Long đã nắm quyền sở hữu quần đảo này.”

Một đoạn (ở đầu trang) trong bài viết Ghi chép địa lý Nam Kỳ (Note on the Geography of Cochinchina) của linh mục Taberd in trong Journal of the Asiatic Society of Bengal (Tạp chí của Hiệp hội Châu Á tại Bengal), tập 6, số 69, xuất bản năm 1837.

Bản đồ đầu tiên được xuất bản năm 1830 bao gồm quần đảo Hoàng Sa (có lẽ bao gồm cả quần đảo Trường Sa) như một phần lãnh thổ Việt Nam.

Ba năm sau, vào năm 1833 Vua Minh Mạng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công chính trồng cây trên một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa như sự trợ giúp hàng hải để ngăn các tàu không “bị chìm trong những vùng nước cạn.” Theo Bộ Ngoại giao, Việt Nam tiến hành việc này chứng tỏ trách nhiệm đối với quốc tế của mình và để tằng cường an toàn hàng hải cho cộng đồng quốc tế.

Năm tiếp đó, Vua Minh Mạng cử một tàu hải quân gồm 20 người dưới sự chỉ huy của Chỉ huy Trương Phúc Sĩ đến Hoàng Sa để lập bản đồ cho khu vực này. Sau đó, vào năm 1835, Vua chỉ định Cai đội Thủy quân dưới quyền của Chỉ huy Hải quân Phạm Văn Nguyên đến xây đền trên đảo Bạch Sà. Đền này bao gồm các tảng đá phía bên trái và một tấm tường gạch phía trước, được hoàn thành trong vòng 10 ngày và được đặt trên đền cũ 7 trượng (khoảng 28 mét) ở phía Tây Nam của đảo. Đền thờ chúa của Hoàng Sa được xây trên biển Quảng Ngãi năm 1835.

Bởi vì quần đảo được coi là có tầm quan trọng chiến lược, Bộ Công chính đã đề nghị nên có những đoàn khảo sát được cử tới Hoàng Sa mỗi năm “để khám phá quần đảo và để làm quen với tuyến đường biển ở đây.” Theo đó, từ năm 1836, Vua Minh Mạng đã triển khai kế hoạch khảo sát có hệ thống toàn bộ quần đảo:

Tất cả mọi thứ nên được ghi chép lại và miêu tả chi tiết để trình lên Vua. Càng sớm càng tốt, các thuyền cập bến vào bất kỳ đảo hoặc bãi cát nào nên đo lại độ dài, độ rộng, chiều cao và bề mặt khu vực và phạm vi của đảo hoặc bãi cát đó, độ sâu của vùng nước xung quanh, xác định bất kỳ bãi cát hoặc rạn san hô ngập nước, ghi chép lại nếu như việc tiếp cận có gì nguy hiểm hay không, tiến hành kiểm nghiệm cẩn thận địa hình, lấy số đo và phác thảo lại.

Cùng năm đó, vua gửi một tàu hải quân dưới sự chỉ huy của Tướng Phạm Hữu Nhật để khám phá và lên bản đồ toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Đội đã đánh dấu 10 mốc chủ quyền trên một vài đảo – trên mỗi mốc viết:

Năm Bính Thân, năm trị vì thứ 17 của Minh Mạng, Chỉ huy Hải quân Phạm Hữu Nhật, nhận nhiệm vụ đến Hoàng Sa để tiến hành khảo sát bản đồ, đã đặt chân tại đây và cắm cột mốc này để ghi nhớ khoảnh khắc chuyến thăm này.

Dữ liệu thu thập được trong suốt quá trình triển khai sau đó được sử dụng cho Bản đồ Chi tiết Đại Nam 1838 (Detailed Map of the Dai Nam 1838), trong đó phản ánh rõ ràng rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Sau đó, một tàu hải quân được cử tới Hoàng Sa mỗi mùa xuân để nâng cao kiến thức về các tuyến đường biển xung quanh quần đảo và để “thu thuế của các ngư dân trong khu vực.” Các báo cáo cũng được chuẩn bị định kỳ bởi Bộ Nội bộ, trong đó kê khai các khoản chi và hoạt động của Hải đội Hoàng Sa.

Các học giả của Việt Nam thêm vào đó cũng chỉ ra một loạt các cuộc tìm kiếm và giải cứu đã được tiến hành dưới triều Nguyễn để hỗ trợ thêm cho yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong vấn đề này, Việt Nam đã trợ giúp tàu Gootebrok của Hà Lan năm 1634 sau khi tàu này bị chìm tại vùng lân cận quần đảo Hoàng Sa. Tương tự, vào năm 1714, ba tàu của Hà Lan đi từ Nhật Bản đến Batavia cũng nhận được sự trợ giúp của Việt Nam khi bị mắc bão gần quần đảo. Bản báo cáo của thống đốc Đà Nẵng cũng dẫn chứng sự trợ giúp của quan lại Việt Nam đối với tàu buôn của Pháp bị chìm tại Hoàng Sa năm 1836. Một đoàn tàu buôn của Anh bị đắm tàu gần Hoàng Sa năm 1836 cũng được quan lại Việt Nam từ tỉnh Bình Định cung cấp chỗ trú ngụ, tiền, và lương thực trước khi đoàn này được đưa trả về nước.

Chế độ thực dân Pháp tiếp nhận chủ quyền biển đảo thuộc Việt Nam

Sau khi thiết lập chủ quyền đầy đủ của Pháp tại Việt Nam, Pháp tiếp tục thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trước Thế chiến II, Pháp đã tiến hành nhiều đợt khảo sát, nghiên cứu ở quần đảo Hoàng Sa, dự kiến xây dựng hải đăng trên đào này. Các tàu Pháp đã hoạt động tìm kiếm các tàu bị đắm, và đầu thế kỷ 20, hải quân Pháp thường xuyên kiểm tra để ngăn chặn các tàu chở lậu vũ khí, thuốc phiện vào quần đảo Hoàng Sa. Trên thực tế, sự kiểm soát của Pháp rộng khắp quần đảo Hoàng Sa đến mức một công ty của Pháp (Mitsui Bussan Kaisha) đã phải đề nghị chính quyền Pháp tại Đông Dương cho phép khai thác phốt phát tại Đảo Phú Lâm và Đảo Hữu Nhật. Hoạt động của chính quyền Pháp trên quần đảo Hoàng Sa tiếp tục được duy trì và không hề bị phản đối trong suốt những năm 1920 và 1930.

Năm 1929, đại biểu Pierre de Rouville đề nghị xây dựng bốn ngọn hải đăng ở đảo Tri Tôn, Lincoln, trên rạn Đà Bắc (miền Bắc) và Bombay. Trong năm sau đó, một đoàn tàu của Pháp tên là La Malicieuse đã đến một loạt các thực thể trên quần đảo Hoàng Sa và cắm cờ cùng với những các cột mốc chủ quyền mà không hề vấp phải sự phản đối nào từ phía chính quyền Trung Quốc.

Pháp tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với quần đảo đồng thời phản đối dữ dội việc Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa. Ngày 4/12/1931, Pháp phản đối tuyên bố của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc về ý định mời thầu từ các công ty nước ngoài để khai thác phốt phát trên Hoàng Sa. Ngày 24/4/1932, Pháp lại một lần nữa kịch liệt phản đối sau khi Trung Hoa Dân Quốc công khai mời thầu và khẳng định quyền của mình như nhà nước kế nhiệm của An Nam – “Quyền thực thi trước đây thuộc về các triều đình Việt Nam, quyền sở hữu chính thức từ thời vua Gia Long năm 1816 và các đội quân Đông Dương đã được cử tới để canh giữ quần đảo…”

Cuối năm đó, mọi nỗ lực từ phía Pháp để có thể giải quyết tranh chấp bằng tòa trọng tài đã bị Trung Hoa Dân Quốc từ chối. Do đó, vào ngày 15/6/1932 (Sắc lệnh số 156-SC), Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier đã vạch rõ ranh giới Hoàng Sa (Delegation des Paracels) như một đơn vị hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế. Lại một lần nữa, nỗ lực của Pháp vào năm 1937 để giải quyết tranh chấp căng thẳng về các đảo với Trung Quốc thông qua trọng tài quốc tế đã vấp phải phản đối từ nước này. Sau khi Trung Quốc dứt khoát khước từ, chính quyền thực dân Pháp cử người phụ trách bộ phận công chính (Kỹ sư trưởng Gauthier) đến Hoàng Sa để “nghiên cứu tiềm năng cơ sở vật chất giao thông biển và trên không, và để xây dựng một ngọn hải đăng trên đảo Hoàng Sa.”

Năm sau đó, Sắc lệnh số 156-SC được xác nhận bởi vua Bảo Đại trong một pháp lệnh quân chủ Việt Nam vào ngày 30/3/1938. Quân đội Việt Nam dưới sự chỉ huy của các sĩ quan Pháp (Garde Indochinoise) được cử tới để chiếm đóng các đảo và đặt cột mốc chủ quyền trên một loạt các thực thể của quần đảo. Cột mốc trên đảo Hoàng Sa được viết bằng tiếng Pháp như sau:

Republique Francaise [Cộng hòa Pháp]

Empire d’Annam [Nước An Nam]

Archipel des Paracels 1816 [quần đảo Hoàng Sa 1816]

Ile de Hoàng Sa 1938 [Đảo Hoàng Sa 1938]

Dụ của vua Bảo Đại ký ngày 30-3-1938, tách quần đảo Hoàng Sa khỏi địa hạt tỉnh Nam Nghĩa đặt vào tỉnh Thừa Thiên.
Bia chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam thời Pháp thuộc dựng năm 1938 tại đảo Hoàng Sa của quần đảo Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa (Paracels), liên tục từ năm 1816 đã thuộc chủ quyền của vương quốc An Nam (thời độc lập), cho đến thời điểm dựng bia năm 1938 (thời Pháp thuộc).

Một ngọn hải đăng, trạm khí tượng học, và một trạm radio được xây dựng trên đảo Hoàng Sa. Sau đó, vào ngày 5/5/1939, Toàn quyền Joseph Jules Brévié phân quần đảo Hoàng Sa thành 2 nhóm – Crescent et Dependences (Nhóm Crescent) và Amphitrite et Dependences (Nhóm Amphitrite). Thêm vào đó, cán bộ công chức Pháp và cảnh sát Việt Nam cư trú trên đảo Hoàng Sa (Nhóm Crescent) và đảo Phú Lâm (Nhóm Amphitrite) một cách thường xuyên như một minh chứng cho chủ quyền của Pháp.

Nghị định của Toàn quyền Đông Dương Jules Brévié ký ngày 5-5-1939

Lực lượng Pháp và Việt Nam ở lại trên quần đảo Hoàng Sa đến năm 1956 và bị gián đoạn trong nhiều năm trong thời gian Nhật chiếm đóng trên quần đảo trong Thế chiến II. Theo công hàm, Pháp và Trung Hoa Dân Quốc đồng ý rằng quân đội Pháp sẽ giúp đỡ quân đội đang đóng tại Đông Dương về phía Bắc từ vĩ tuyến 16 (từ đây bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa) từ 31/3/1946. Theo đó, lực lượng Pháp trên tàu Savorgnan de Brazza đã được cử đi tái chiếm Hoàng Sa vào năm 1946. Tuy nhiên, những sự việc tiếp diễn sau đó trong chiến tranh giữa Pháp – Việt Minh đã buộc binh lính Pháp phải rút khỏi Hoàng Sa vào tháng 9/1946. Mặc dù vậy, Tham mưu trưởng Quốc phòng Pháp Tướng Alphonse Pierre Juin thúc giục Chủ nhiệm Ủy ban về Đông Dương phải tái chiếm Hoàng Sa vào tháng 10/1946 để củng cố vị thế hợp pháp của Pháp:

“Thật sự cấp thiết để Pháp phải ngăn chặn bất kỳ dấu hiệu xâm chiếm nào của thế lực bên ngoài đối với quần đảo. Quần đảo này là cửa ngõ tiếp cận đến các cơ sở trong tương lai ở Cam Ranh và là sự thống trị tuyến đường biển Cam Ranh – Quảng Châu – Thượng Hải. Nếu đúng là việc chiếm đóng Hoàng Sa sẽ dẫn đến việc nối lại các cuộc thương lượng về quyền chủ quyền của chúng ta, thì điều này sẽ… củng cố vị thế của ta trong cuộc chiến pháp lý trong tương lai có thể xảy ra giữa Pháp và Trung Quốc liên quan đến vấn đề này.”

Thêm vào đó, các tàu dự định được triệu tập đến Hoàng Sa được yêu cầu phải có giấy phép từ Cao Ủy Pháp tại Sài Gòn trước khi cập bến quần đảo.

Sau khi biết rằng quân đội Quốc Dân Đảng của Trung Quốc được cử tới Hoàng Sa để chấp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật đã ở lại trên quần đảo sau khi lực lượng cùng chiếm đóng rút quân khỏi Đông Dương năm 1946, Pháp đã đưa ra phản đối ngoại giao chính thức vào ngày 13/1/1947. Tàu chiến Le Tonkinois được triển khai đến khu vực vào ngày 17/1/1947 để đuổi quân Trung Quốc ra khỏi Đảo Phú Lâm. Tuy nhiên, nhận thấy rằng họ bị áp đảo, lực lượng Pháp-Việt đã kết hợp và thành lập các trụ sở trên đảo Hoàng Sa. Cuối năm đó, trạm khí hậu hoạt động trên đảo Hoàng Sa từ 1938 đến 1944 được xây dựng lại và hoạt động trở lại vào cuối năm 1947 dưới mã trạm quốc tế 48860.

Song song với các hoạt động của mình ở Hoàng Sa, Pháp cũng củng cố thêm yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Năm 1927, tàu De Lanessan tiến hành cuộc khảo sát khoa học đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Ba năm sau, tàu La Malicieuse tiến hành khảo sát lần 2 trên Đảo Trường Sa Lớn (Ile de la Tempete (Tempest Island)), nhưng vào thời điểm này đội khảo sát của Pháp đã kéo cờ Pháp trên hòn đảo này – đánh dấu chủ quyền đầu tiên được đặt trên đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Vào ngày 23/9/1930, Pháp chuyển một thông cáo đến các nước lớn cho biết Pháp đang chiếm hữu quần đảo Trường Sa trên cơ sở quần đảo là terra nullius – vùng đất vô chủ.

Tháng 11/1928, Công ty Phốt phát mới của Bắc Kỳ nộp lên Thống đốc Nam Kỳ để được phép khai thác phốt phát tại quần đảo Trường Sa. Sau đó, Pháp đã cử tàu Alerte, Astrobale, và De Lanessan đến Trường Sa vào tháng 4/1933 để chính thức chiếm hữu quần đảo. Tác giả người Pháp H. Cocherousset đã xuất bản một bài báo mô tả chi tiết cuộc thám hiểm trên L’Eveil economique de l’Indochine (Số 790, ngày 28/5/1933):

“Đầu tiên, ba tàu này ghé thăm Trường Sa và xác nhận sự sở hữu của Pháp bằng một loạt các tài liệu do thuyền trưởng đưa ra. Chúng được cho vào những cái chai được gắn bê tông. Sau đó, tàu Astrolabe chạy theo hướng Tây nam đến điểm cách Trường Sa 70 dặm, và đi đến bãi cát (đảo cát) của Amboine. Quá trình chiếm hữu được thực hiện theo cách thức tương tự. Trong khi đó, tàu Alerte chạy thẳng hướng Đá Chữ Thập (hoặc Investigation) tại điểm cách Đảo Trường Sa Lớn 80 dặm về phía Tây bắc. Đồng thời, tàu De Lanessan sau đó cũng chạy theo hướng bắc đến bãi Loaita, các 20 dặm tính từ Bãi Tizard. Hai tàu có sự sở hữu một cách chính thức hòn đảo chính. Về phần mình, tàu Alerte cũng thăm rạn Thi Thu, cách Bãi Loaita khoảng 20 dặm về phía bắc, và chính thức sở hữu một đảo trong đảo san hô này cũng bằng thủ tục tương tự. Xa hơn về phía Bắc, tàu Alerte và De Lanessan chiếm hữu đảo san hô có tên là “North Danger” và hai rạn cát gần đó.”

Tờ L’Eveil economique de l’Indochine (Số 790, ngày 28/5/1933) đăng bài miêu tả cuộc thăm dò khai thác phốt-phát tại quần đảo Trường Sa.

Trong French Journal Officiel xuất bản ngày 26/7/1933, trang 7837, Bộ Ngoại giao Pháp công bố thông cáo liên quan đến việc chiếm đóng một số đảo nhất định của các đơn vị hải quân Pháp, đề cập đến các đảo và đá sau nằm dưới quyền kiểm soát của hải quân Pháp:

  1. quần đảo Trường Sa, nằm ở 8°39′ vĩ độ Bắc và 112°55′ kinh Đông, cùng với các đảo trực thuộc (giành quyền kiểm soát từ 13/4/1930).
  2. Đảo An Bang nằm tại 7°52′ vĩ Bắc và 112°55′ kinh Đông (giành quyền kiểm soát từ 7/4/1933).
  3. Đảo Ba Bình nằm tại vị trí 10°2′ vĩ Bắc và 11°21′ kinh Đông (giành quyền kiểm soát từ 10/4/1933).
  4. Nhóm 2 đảo (Bãi Đông Bắc và đảo Song Tử Đông) nằm tại vị trí 111°29′ vĩ Bắc và 11°21′ kinh Đông (giành quyền kiểm soát từ 10/4/1933).
  5. Đá Loại Ta nằm ở 10°2′ vĩ Bắc và 11°25′ kinh Đông (giành quyền kiểm soát từ 12/4/1933).
  6. Đảo Thị Tứ nằm ở 11°7′ vĩ Bắc và 11°16′ kinh Đông (giành quyền kiểm soát từ 12/4/1933).

Các đảo và đảo nhỏ nói trên từ nay về sau thuộc chủ quyền của Pháp.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Pháp về việc chiếm đóng quần đảo Trường Sa, đăng trên French Journal Officiel xuất bản ngày 26/7/1933, trang 7837.

Pháp cũng đưa ra thông báo về sự chiếm hữu đến Trung Quốc, Anh (Borneo, Brunei, và Malaya), Nhật Bản, Hà Lan (Indonesia) và Mỹ (Philippines) vào giữa tháng 7 và tháng 9 năm 1933. Mỹ và Hà Lan đều giữ im lặng trước vấn đề này. Sau một vài trao đổi với Pháp, Anh quyết định rằng nước này không có “danh nghĩa chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa bởi vì Anh chưa bao giờ có bất kỳ sự sáp nhập chính thức hay sự thực thi chủ quyền chính thức và rằng việc phát hiện, cùng lắm chỉ tạo ra danh nghĩa chủ quyền ban đầu, là không đủ…”

Mặt khác, Trung Quốc và Nhật Bản phản đối sự chiếm đóng của Pháp. Trung Quốc phản đối hành động của Pháp vào tháng 7-8/1933 và khẳng định Trường Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Việt Nam phủ nhận sự tồn tại của những trao đổi ngoại giao. Nhật Bản phản đối các hành động từ phía Pháp và cho rằng 12 trong số các đảo thuộc Trường Sa là lãnh thổ của Nhật Bản trên cơ sở phát hiện từ năm 1920 và việc khai thác kinh tế trên các đảo này do công ty phân bón Nhật Bản thực hiện. Sáu năm sau, vào cuối tháng 3/1939, Nhật Bản tuyên bố nước này đặt quần đảo Trường Sa dưới thẩm quyền quản lý hành chính của Đài Loan. Vào ngày 4/4/1939, tuyên bố của Nhật Bản vấp phải phản ứng dữ dội từ phía chính quyền Pháp tái khẳng định rằng Trường Sa là một phần của An Nam. Lực lượng dân quân An Nam được triển khai thêm để ngăn chặn việc Nhật Bản điều động lực lượng dân quân Đài Loan dựng trại trên Trường Sa.

Vào tháng 12/1933, Thống đốc Nam Kỳ J. Krautheimer ký Nghị định số 4762-CP (ngày 21/12/1933) chuyển giao Trường Sa cho Tỉnh Bà Rịa của Nam Kỳ (Đông Dương thuộc Pháp). Một trạm radio và trạm khí tượng được xây dựng liên tiếp trên đảo Ba Bình bởi Cục Khí tượng học Đông Dương vào năm 1938, và hoạt động dưới sự điều hành của Pháp cho đến khi Nhật Bản xâm lược đảo này vào năm 1941. Trạm khí tượng này có mã số quốc tế 48919 và các dữ liệu được cung cấp bởi trạm này được Tổ chức Khí tượng học Quốc tế công nhận xuất phát từ Đông Dương.

Pháp tiến hành một loạt các hoạt động trên quần đảo Trường Sa sau Thế chiến II, trong đó có các hoạt động ngoại giao và quân sự nhằm chứng minh chủ quyền của Pháp đối với quần đảo cho đến khi quân đội Pháp cuối cùng rút khỏi Đông Dương vào tháng 8/1956. Tàu chiến của Pháp Chevreud được cử đến Trường Sa vào tháng 10/1946 để tái khẳng định lợi ích của Pháp trên quần đảo và thủy thủ đoàn đã dựng một tấm bia chủ quyền trên đảo Ba Bình. Khi Pháp biết các đơn vị hải quân Trung Quốc đã chiếm đảo Ba Bình vào tháng 11/1946, chính quyền Pháp đã lên tiếng phản đối hành động trên và yêu cầu quân đội Quốc Dân Đảng phải rút khỏi đảo này. Tương tự như vậy, vào tháng 5/1956, sau khi Tomas Cloma tuyên bố về cái mà ông ta gọi là “Vùng đất tự do” bao trùm một phần quần đảo Trường Sa, Đại diện lâm thời của Pháp ở Manila đã nhắc nhở chính quyền Philippines rằng Trường Sa luôn là chủ quyền của Pháp từ năm 1933. Trong suốt giai đoạn này, tàu hải quân Pháp Dumont d’Urville được cử tới đảo Ba Bình để minh chứng cho lợi ích của Pháp-Việt Nam tại quần đảo. Mặc cho những nỗ lực của Pháp để duy trì sự kiểm soát đối với quần đảo, Trung Hoa Dân Quốc đã gửi quân đến tái chiếm đảo Ba Bình vào ngày 8/6/1956, và duy trì một đơn vị đồn trú trên đảo từ đó trở đi.

(còn tiếp)

Tạp chí Phương Đông biên soạn theo tài liệu của Viện CNA, Hoa Kỳ

BÌNH LUẬN

BÀI VIẾT LIÊN QUAN